Cờ hòa

-Nè, cha đã đi qua lại 2 lần rồi mà con vẫn không làm gì hơn được, lần nữa là hòa – theo luật – nhé! Dĩ nhiên là con muốn thắng, nhưng chấp hết cả nửa số quân như cha thì chỉ cần hòa là đủ rồi. Với con thì để cho hòa là thất bại, với cha lại là thành công, tùy vị trí mà ta có cảm thấy trân trọng kết quả hay không.
Đôi khi hòa là một chiến thắng vẻ vang nhất của cả hai đấu thủ, nhất là trong cuộc sống gia đình. Nhà nào luôn giữ được cái “hòa” khí giữa vợ chồng, anh em và cha mẹ, thì đấy là gia đình thành công. Rồi con sẽ thấy, người cầm hòa mới thực sự giỏi hơn kẻ chiến thắng. Trong mối quan hệ song phương, chỉ cần có một kẻ thắng thì kẻ kia sẽ phải chịu thua, và thế là chỉ còn lại một người – cuộc chơi chấm dứt. Đôi khi có một người giỏi kềm chế, biết vượt lên quật đối thủ lúc thế cờ đang thất, biết kềm bản thân lại lúc đang hưng, cứ luôn giữ thế cờ hòa để cuộc vui cứ kéo dài mãi. Chiến thắng thì dễ thôi, cầm hòa mới là khó nhất.
Có một đôi bạn già không thân lắm, cãi cọ nhau suốt nhưng ngày nào cũng uống trà chơi cờ với nhau, hôm nay ng này thắng, mai người kia được, đa số là huề,…Rồi một người ra đi trước, lúc đám tang mới biết đấy là một kỳ thủ vô địch lúc trẻ. Người còn lại ngồi thẩn thờ tự hỏi sao ta lại có những trận thắng với bạn, để rồi ngộ ra cái chữ tình to lớn bao la. Trong đời, thành công nhất là tìm được người bạn như thế.
Trong tiếng Việt, chữ “hòa” rất rộng nghĩa. Người đắc được chữ Hòa không nhiều, bởi vì họ nhắm đến chữ Được hơn. Ít ai hiểu rằng, Hòa tức là không ai bị Thua thiệt, mà đã không mất gì thì tức là cả hai đều “được” cả.
Con chơi cờ ngày một giỏi hơn, khi con càng thắng nhiều thì cha càng giãm số điểm chấp, cho tới ngày con phải chấp ngược lại – đấy là cái thiệt thòi của kẻ giỏi nếu muốn có bạn chơi. Rồi thì con sẽ cảm thấy cha quá yếu, không còn hứng thú chơi nữa, ngoài kia sẽ có các đấu thủ xứng tầm. Con sẽ thích thử thách bản thân bằng những người giỏi hơn, đồng thời cũng sẽ có nhiều kẻ khác muốn hạ con xuống. Con sẽ không bao giờ nhớ những trận đã thắng, và cố quên đi những bàn thua, kỹ niệm đẹp nhất vẫn luôn là những lần thua hụt cố gắng cầu hòa – nhờ thế mà con vẫn có thể bước đi tiếp. Người tốt với con nhất không phải là kẻ giúp con thắng cuộc, mà chính là kẻ rộng lượng mở cho con một đường hòa.
Chúng ta ai cũng chơi một ván cờ lớn với Tử Thần, hơn thua với nhau cuối cùng thì cũng về tay của Hắn cả. Thần Chết thích thắng những kẻ “chiến thắng”, thích lấy đi một lần, nên thường nhắm vào những kẻ đang “có” nhiều. Những ai giỏi cầm hòa, sẽ dần tập được khả năng “tàng hình” qua mặt với thần Chết. Giống như bàn cờ chỉ còn con Vua, nhưng bắt hoài vẫn không bí. Cầm hòa với Thần Chết là làm chủ sinh tử, biết trước ngày hết dầu tắt lửa, chủ động bước về phía hư vô trong sự chúc mừng của Quỷ Vô Thường – tán thưởng một trận cờ đẹp, ta tự đấu với mình.

Viết một bình luận