Sự khác nhau của H3 prov và H3 thường

Trong cái suy nghĩ về vũ khí của dân phong trào nước ta trước nay, cũng như khi hỏi mua mút hay vợt – gọi là dân biết “chút ít”, chứ không nói tới những bác chỉ quan tâm tới cái hiệu Bướm – thường quan tâm tới “độ nãy” và “độ xoáy” của cả mút và vợt. Bởi vậy, không cần biết gì về vũ khí, cũng vẫn có thể đứng tiệm bán đồ bóng bàn được, món nào cũng chỉ cần nói “xoáy lắm, nãy lắm” là ngon lành hết! Ai cũng muốn sắm cho mình một vũ khí tốt, mà theo quan niệm của họ thì “tốt” tức là phải xoáy, phải bám và đủ tốc độ. Mút và cốt cũng luôn được quảng cáo là ngày càng xoáy và nảy hơn. Thời em còn chơi bóng ở VN, rất nhiều người tự hào mang vào CLB một cây vợt Sadius và Bryce hai mặt, chưa thấy ai khoe với mọi người về cây vợt “kiểm soát cực cao” vì đồng nghĩa là….đánh dỡ mới cần vũ khí chậm. Cái suy nghĩ lệch lạc thiên về tốc độ và xoáy ấy vẫn còn cho tới ngày nay, khi ai đó hỏi về sự khác nhau của vũ khí mà dân chuyên nghiệp xài so với vũ khí cho dân phong trào. Thì đó, pros của VN toàn là xài vũ khí nhanh nhất, xoáy nhất, nên ng ta suy ra rằng pros của các nước khác cũng thế.

Trước khi bàn về miếng H3, loại tầm thường lót cam của các tuyển tỉnh Tàu (chứ chưa dám nói tới tuyển CNT), em xin bàn về 1 miếng mút khác mà trong tay em có thể lấy được, đó là Tenergy. Ai nói dễ kiếm Ten “4 chữ” lắm, chứ em chơi chung với tuyển được BTY cấp phát mút có ký tự SP sau sponge, mới biết là không có đủ để mà đánh thì lấy đâu ra để bán tràn lan ở ngoài? Rồi thì ai bảo Ten 4 chữ ấy đánh ngon, nhanh và xoáy lắm, căn cứ theo miếng Ten nào đấy mua với giá cắt cổ. Em được tặng cũng nhiều miếng Ten “pro” cũ, vẫn còn tốt chỉ vì bị tai nạn đánh vào bàn tét mút nên ko xài dc nữa. Các bác đoán thử xem nó khác điều gì? Xin thưa là chậm hơn và cũng khó kiểm soát hơn! Mút cứng và dầy hơn, cảm giác đánh dư dư thiếu thiếu cái gì đó, xoáy cũng khó tạo hơn. Thế thì tính chất gì tạo nên “pro”? Khi so sánh 2 và nhiều miếng với nhau, em thấy màu sắc và bọt khí rất đồng nhất, cứ như là 1 vậy. Chính nhờ vậy cảm giác giữa các miếng không khác nhau mấy, trong khi các bác khi chơi Ten cứ lấy các mút cũ so nhau, màu khác (cả TS và SP) lẫn bọt khí cũng to nhỏ khác nhau (cần phải soi kỹ mới thấy dc, nhưng khác khá nhiều). Ở đẳng cấp mà phải tập 4-8h mỗi ngày, thì chỉ cần 1 chút thay đổi ở cảm giác cũng đủ gây khó chịu, vì càng tập lâu càng quen vũ khí, mà lại khó đổi động tác. Nếu đã đánh chính xác và theo ý muốn rồi, thì càng không muốn sự bất ổn trong vũ khí. Em dạy học trò, thi đấu liên tục khi vào mùa giải, mỗi lần thay Bh cho nó rất là ngại, vì đánh xuống tay thấy rõ. Sau này mua 1 lần 1 hộp 5 miếng T64 cho gọn, đổi cũng ko cần thời gian thích nghi nhiều.

Bàn tới miếng H3, theo các bác thì mút Tàu có cần phải có tốc độ cao như mút Nhật không? Khi em hỏi nhiều người chơi mút Tàu, theo họ nghĩ thì H3 “prov” có gì khác? Đa số đều bảo rằng “nãy hơn” theo kiểu nãy thiên về mút Nhật, và “xoáy hơn” theo cách nghĩ là mút sẽ bám dính bóng, hít bóng lên một lúc lâu mới rơi ra – hoặc có người còn nói H3 “prov” ít bám hơn (vì vậy nó mới nhanh hơn) dựa theo cái miếng “tuyển” mà ai đó bán cho họ. Rất nhiều người tin rằng mút của CNT đánh được sản xuất theo một dây chuyền khác, với công thức khác mút “bán ra ngoài”. Điều ấy cũng đúng, vì cái màu của sponge khác hẳn, nghĩa là ít nhất thì cũng có thêm công đoạn…trộn thêm màu. Tuy rằng CNT toàn đánh lót xanh nhưng có nhiều bác vẫn đi mua mút “NT lót cam”, chả hiểu đấy là NT của nước nào nữa! Dù sao thì, hiện nay vẫn chưa có ai – vì quá vô lý – cho rằng DHS làm riêng một loại mút cho tuyển cấp tỉnh. Nghĩa là mút H3 mà các tuyển Tỉnh hoặc các cấp thấp hơn (huyện, xã, phường,…) đang đánh, vẫn là chung một loại với mút đang bán trên thị trường. Giải CVV vừa qua, các bác chơi mút Tàu cũng đến nhìn và lắng nghe tiếng chạm bóng của những tay vợt tuyển “làng” của Tàu. Họ đánh mạnh và xoáy thế, nhưng họ xài mút gì? Chắc chắn là không phải H3 lót xanh rồi. Còn chuyện đấy là mút “prov” gì đó hay không thì chúng ta sẽ bàn tiếp.

Khi bàn tới đây, chắc các bác “sùng bái” mút Tuyển sẽ bớt tin rằng mút Prov “có gì đó khác lắm” với mút “thường”. Lâu rồi và…cho tới nay, vẫn có rất nhiều người tin vào cái giả định thế này: DHS làm 1 miếng mút lớn, miếng mút ở giữa là cho NT, 7 miếng ngoài là cho PT, còn ngoài cùng để bán! Và cứ thế là mọi người tin sái cổ, cho rằng miếng NT và PT phải rất khác biệt. Tuy nhiên, đây là tin đồn nhảm, vì mút NT xài sponge có màu xanh, không thể cùng với đám lót cam được. Nếu ai tin là miếng NT “lót cam bìa trắng” là miếng “ở giữa” thì cứ việc tốn tiền gấp 3 lần mà xài, để thấy rằng chả có gì khác nhau hết. DHS không sản xuất mút bóng bàn, điều này chắc không ai tranh cãi nữa. Nhà máy sản xuất mút cho DHS phải là nhà máy lớn – để có chất lượng cao. Vì thế dây chuyền sx phải lớn và tự động – xem dây chuyền sx mút của BTY trên youtube sẽ hiểu – thế thì các bác thử ngồi tưởng tượng ra xem, bọn chúng lựa cái miếng “ở giữa” và “7 góc ngoài” ấy ra bằng cách nào??? Các bác nghĩ nhà máy cắt dán mút bằng tay sao, một ngày làm mấy đợt mút? Cho nên chuyện phân loại ngay trong lúc sản xuất là điều không thể. Tuy nhiên, ai tin thì cứ tin đi.

Một niềm tin khác cho rằng mút “pro” hay “prov” đánh “nhanh” hơn và “xoáy” hơn. Dựa vào đâu họ tin như thế? Nếu tất cả đều được sản xuất như nhau, trên cùng một đây chuyền “mass production” thì làm gì có sự khác biệt đến mức đánh không chuyên như các bác có thể phân biệt được “nhanh và xoáy” hơn? Đó là chưa kể sự ảnh hưởng của keo TL, booster, vợt đổi, bóng khác,…chưa nói tới chuyện mút mới hay cũ, topsheet còn bám hay không, độ cứng và độ dày khác nhau ra sao,…Cảm giác của các bác tinh tế đến thế hay sao? Đấy chỉ là tâm lý thôi, mua mút mắc tiền hơn thì nghĩ là phải có gì đó “ngon” hơn. DHS có thể làm những miếng mút loại NT để quảng cáo, để kiếm tiền ăn theo đám CNT, có bìa cứng màu trắng này nọ – các bác còn có thể mua được, dù là khả năng hàng nhái rất rất cao. Nhưng DHS chưa từng công bố hay sản xuất riêng những lô hàng PT nào cả, bởi vì DHS chỉ tài trợ mút cho tuyển QG chứ không hề tài trợ cho tuyển Tỉnh! Cho nên mút có nhãn hiệu “DHS provincial team” là hàng giả 100%! Thiếu gì mút cực rẽ của Yinhe hay 729, đánh nhanh và xoáy hơn mút DHS rất nhiều!

Một số người cho rằng mút PT đánh bền hơn, lâu phù và ít bị gãy chân gai hay có topsheet kiểu lồi lõm như da gà. Sự thật thì như em đã nói ở trên, mút PT chẳng khác gì mút thường, nếu đúng là mút đang được PT xài thì nó cũng chỉ là trên cùng một dây chuyền sx mút loại cả TG đang xài. Lấy lý do gì để mút PT bền hơn? Lý do có cái ý kiến ấy, là vì các bác đem so sánh 1 miếng PT giả với 1 miếng Market giả nốt – hoặc là hàng hệ B với nhau. Ở đây nói thêm tí, có những loại mút DHS mà em chỉ dám gọi là “hệ B” chứ chưa nói “mút giả” vì chất lượng tạm được, nhưng có những miếng em dám nói trắng ra là “mút giả” mà không ngượng miệng tí nào! Đấy là những miếng mút xài bao bì cũ, in lem nhem hoặc không có bao bì, không có seri in laser mà chỉ có in lăn nham nhở, đóng mộc đỏ,…đấy là mút giả chất lượng cực thấp, thế mà có nhiều người lại đánh lận con đen, bảo đấy mới là…hàng độc. Nếu có một thằng cha mặc áo quần rách, tóc tai bờm xờm và hôi như cú, hắn tự xưng là Bí Thư Tỉnh thì liệu các bác có tin nổi không – thế thì tại sao các bác tin miếng mút bề ngoài cực lỡm kia lại là hàng chất lượng cao tuyển Tỉnh? Những miếng mút PT kiểu ấy còn không thể so sánh nổi với hàng maket hệ B, chứ đừng nói gì là hệ A. Thế mới biết là một miếng mút Tàu là…cực dễ, chỉ cần vài cái máy thủ công là làm được mút hàng PT và NT bán với giá mắc hơn Tenergy, thế mà dân ta không sản xuất nổi!?

Tạm gác chuyện hàng Tuyển, em bàn tới một loại mút mà ở VN vẫn còn xa lạ – mà ngay cả trên TG vẫn ít có khái niệm này – đó là “mút dành cho tập luyện”. Ai từng “ăn học” bóng bàn trong các lò luyện hay đội tuyển Quận hay Tỉnh, chắc hiểu chuyện phải chia mút “đấu” và “tập” ra khác nhau, để mà tiết kiệm. Dân ta hà tiện bằng cách để dành mút mới cho thi đấu, mút cũ hoặc mẻ rìa thì dành cho tập luyện. Như thế thì ta tập luyện bằng mút đã cũ, đã mòn gần hết date – khi thi đấu lại phải mất tí thời gian để…quen mút mới. Vì mút không rẽ tí nào, dân ta đã nghèo lại ko có nhà máy sx, nên đành phải thế – chưa từng có ai ở VN được các hãng sx dụng cụ bb chính thức tài trợ vợt mút cả (buồn không?). Còn trên TG thì sao? Cho dù cái đám được tài trợ, chúng cũng chỉ đủ mút để mà đánh giải lớn chứ làm gì có mút mà tập luyện, phải để dành lại mút lúc thi đấu cho tập luyện mang ra xài. Ở nước ngoài có loại mút gọi là “dành cho dân mới tập chơi” (beginner) chứ không có loại “mút dành cho tập luyện”, càng không có “mút tập luyện của đội tuyển”, tất cả đều phải mua bằng giá với nhau. Thế nhưng bên Tàu thì có loại ấy, nhiều đến nổi có nhiều nguồn phải…làm giả để bán ra ngoài! Nhiều trang bán đồ bb online bên Tàu, rao bán miếng này miếng nọ, bảo rằng đấy là những miếng của đội tuyển tập luyện, thay thế cho mút H3. Vd Xushaofa, Bejing, Whale, Wujilong,…và nhiều người cũng mang về nước bán. Tuy nhiên cảm giác và chất lượng hoàn toàn khác DHS, đến nổi em không thể tin được đấy là mút tập luyện (hoặc có chăng là cho con nít mới biết chơi tập thôi). Dù sao thì cũng có những loại mút tốt gần bằng DHS H3, để cho những em đang tập chơi (nhưng chưa lên cấp cao) tập luyện. Ở mức độ tập bóng 4g/ngày thì cũng phải cần mút thay thế, dù mút DHS bên Tàu cũng ko phải là loại mắc tiền – nó chỉ mắc vì cộng thêm các khoản phí tổn cho quảng cáo và phụ trội trung chuyển thôi. Trung bình tuổi thọ 1 miếng mút chỉ tầm 50 giờ, dần vào bóng theo kiểu giật loopdrive thì chưa tới thời gian ấy đã thấy mút nổi gai rồi. Một tuần thay 1-2 mút thì chỉ có đội tuyển mới làm nổi, dân đen chịu sao xiết? Vì thế mới sinh ra chuyện mút cho đám học trò chỉ biết tập luyện, và loại mút dành cho đám sắp đủ sức thi đấu. Đám đầu thì mút gì cũng được, đám sau thì mới xài mút có tiêu chuẩn gần giống mút “tuyển”. Các bác nào qua Tàu chơi, vào các trường trung học xem chúng đánh mút gì? Vào các clb xem tụi nhỏ học bóng bàn bằng mút gì?

Bắt đầu bằng một sự thật là DHS không hề tài trợ hay làm mút riêng cho đội tuyển cấp Tỉnh. Vậy thì mút của các em ấy từ đâu ra? Phải đi mua chứ làm sao mà có được! TQ có nhiều tỉnh, và 1 tỉnh lại có rất nhiều huyện và các TT dạy bóng bàn, tất cả đều phải tự đi mua và lựa mút cho quân của mình. DHS là ai và có bao nhiêu nhân sự để quản lý hết chuyện này?  Nói là “tỉnh” chứ cái tỉnh của TQ nó to hơn diện tích và dân số nước VN ta, nghĩa là số “lò đào tạo” và “gà chiến” của chúng cũng vượt xa nguyên cái nước ta. Nếu tất cả chúng đều xài mút “chất lượng prov” thì lấy đâu ra đủ để mà tập luyện? Làm gì có chuyện DHS phải lựa mút riêng ra cho chúng chứ?

Thế thì các tỉnh lớn, như Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Kinh,…đội tuyển của chúng cũng có cả những thành viên của CNT trong ấy, dĩ nhiên nguồn vũ khí cũng phải có chất lượng…gần bằng cấp QG chứ? Em chưa từng thấp một thằng tuyển cấp tỉnh nào mà chưa vào CNT được đánh mút lót xanh, kể cả Malong cũng phải đánh lót cam. Và chất lượng miếng lót cam này, nếu thấp hơn thì tại sao ML và FZD từng cầm và thịt khá nhiều bác CNT đương thời? Nghĩa là ML và FZD thời ấy cũng chưa được DHS cấp phát mút, phải tự lựa và mua về đánh (bởi ông HLV). Em từng xem video thời ML chưa vào CNT, thời FZD vẫn còn xài lót cam, em thấy đánh không khác gì những miếng “lót xanh” thần thánh kia cả. Thế thì sự khác nhau giữa miếng mút H3 lót cam của ML và FZD đánh, so với mút H3 mà “chúng ta có thể mua được” là ở những điểm nào?

Xin thưa là, ở chổ ĐỒNG ĐỀU. Đấy là chổ khác nhau chủ yếu nhất, vì nếu hôm nay đánh mút D40, ngày hôm sau đánh D41, rồi lại mua ko có hàng, phải xài D39,…thế thì kỹ thuật và chiến thuật cứ phải chạy theo miếng mút hay sao? Chỉ cần khác nhau về độ dày thôi cũng gây ra cảm giác khó chịu cho ng đánh rồi. Các bác cứ thử lấy mút 2.15mm so với 2.2mm thì sẽ thấy khác xa, miếng 2.2mm nãy hơn nhiều dù chỉ chênh lệch có tí xíu. Miếng 2.0mm cho cảm giác thật và an toàn nhất, nhưng lại thiếu độ sát thủ khi lùi xa bàn. Nếu không lựa chọn cẩn thận, nay đánh 2.15, mai đánh 2.2 thì sẽ mất hẳn độ chính xác và cảm giác bóng. Topsheet cũng phải lựa, vì chúng cũng khác nhau căn cứ theo độ dày mỏng và độ nhẵn bề mặt. Mút Tàu “hệ A” có TS đều và đẹp nhất, nếu có tune maximum lên vẫn nhìn đều và giống hệt mút của CNT. Mút “hệ B” khi tune max lên sẽ thấy các chân gai nở không đều, bề mặt lởm chởm. Còn mút giả thì tune lên đánh vài phát là bong ra làm đôi luôn. Dù là trong cùng 1 hệ, nhiều người xài mút Tàu luôn có kinh nghiệm rằng “đợt mút này khác đợt mút trước”! Tức là chẳng có miếng nào giống miếng nào hết! Lỡ mua 1 miếng chơi ngon quá, ra tiệm mua vài miếng nữa về chơi thì muốn…chưởi thề ngay, vì hoàn toàn khác biệt! Chính vì muốn cho ĐỒNG ĐỀU nên mới phải lựa chọn kỹ lưỡng (ta gọi là “tuyển”, cũng có nghĩa là lựa) và phân loại ra theo từng nhóm giống nhau. Vd như một thằng nào đó thích hợp nhất với mút 40.5 độ, nó phải lựa ít nhất là 24 miếng 40.5 độ cùng đợt sản xuất để trữ dành cho 1 năm thi đấu và tập luyện. Quá trình lựa chọn phải thật kỹ lưỡng, sao cho độ dày và độ cứng không sai khác nhiều, các tính chất khác cũng phải y chang nhau. Để làm gì? Để cho trong thời gian ấy nó không cần phải quan tâm gì tới chuyện mút và kỹ thuật, tuyệt đối tin tưởng vào vũ khí. Chúng cũng không cần đợi mút…chết mới thay, cứ đúng thời gian quy định là vứt, cắt dán và tune theo công thức nhất định, thế là có 1 miếng như cũ đánh tiếp.

Hầu như tất cả các cửa hàng bán dụng cụ bóng bàn đều nói rằng mút Tàu là thứ có chất lượng bất ổn nhất. Rằng khâu “quality control” cực tệ, vì có quá nhiều khách hàng phản hồi phàn nàn về chất lượng, nên chả có cửa hàng nào dám đảm bảo chất lượng của mút Tàu cả. Không phải vì lý do thị trường gì mà DHS làm mút có độ cứng biến thiên từ 36-42 độ. Các bác nghĩ nó làm mỗi độ cứng khác nhau bằng công thức hay mẻ trộn khác nhau sao? Thế thì có khác gì làm thủ công đâu? Ngay cả mút Tenergy của Nhật còn có đủ loại sponge khác nhau được đánh số mã hóa để phân loại, dù là nhà máy làm mút của BTY thuộc loại cao cấp nhất TG (ngay cả Đức nó còn chưa làm nổi miếng giống Tenergy sau 10 năm tìm đủ mọi cách bắt chước). Chính vì vậy mới phải đi “tuyển” mút Tàu, trong khi mút Nhật và Đức thì chất lượng tuy chênh lệch nhưng không khác xa nhau lắm.

Sự sai lầm của đa số chúng ta là tin rằng mút H3 được tuyển chọn theo CHẤT LƯỢNG! Từ đó mới xãy ra các “giả thiết” về sự chênh lệch chất lượng theo vị trí của miếng mút so với cục sponge lớn. Rồi còn có các giả thiết khác, cho rằng DHS làm mút cho tuyển Provincial bằng loại sponge riêng – mặc dù nó chả tài trợ gì cho đám PT ấy. Khổ thay cho dân ta, khi nghe chất lượng chênh lệch thì dù có mất gấp đôi tiền cho 1 chút xíu 5% khác biệt thì cũng ráng cắn răng mua về thử – dù sự khác biệt ấy chỉ là ở niềm tin, chưa nói tới mút giả chất lượng tệ hơn rất nhiều. Điều đáng buồn hơn là, cái “chất lượng” mà dân ta hình dung ra, nó chỉ lẩn quẩn quanh mấy thứ như “tốc độ”, “xoáy”, “dính”, “lâu phù”,…trong khi mấy cái thứ quan trọng nhất lại chẵng ai quan tâm. Có ai biết xài đâu mà lựa và quý các tính chất ấy chứ. Vd có những tính chất…không tên, như đánh cho cảm giác sponge giòn cứng hoặc dai cứng, đánh vào mất lực hoặc tăng lực,…có những tính chất mà khi cầm mút ấy cho ta cảm giác “không thể trật”. Đó là em đang nói về chất lượng đấy chứ, nhưng các bác nghe vẫn còn lạ lẫm lắm lắm!

Quay lại câu hỏi của em lúc đầu: giả sử các bác cầm trong tay 1 miếng mút của đội tuyển tỉnh Quảng Đông – thật 100%, thì các bác sẽ cảm nhận điều gì đặc biệt? Đầu tiên là độ cứng khác biệt, các bác quen mút Tàu mềm dưới D39, giờ cầm miếng D41 (giả sử các bác cầm phải miếng mút của đứa phải đánh D41) thì các bác sẽ bảo rằng “nặng và xịt” khó chơi quá, vì đánh không vọt ra, vợt yếu đánh càng dỡ. Giả sử vớ phải miếng mút của thằng nào thích tune, nó lấy độ dầy 2.0mm thì các bác sẽ cảm thấy mút cứng và chậm hơn nữa. Thế là phát sinh ra chuyện tốn tiền mua booster về (loại prov xài cũng cực mắc nhé!) và tìm cách tune mút – giả sử tune đúng thì sao? Mút vẫn cứ chậm chứ ko nhanh hơn bao nhiêu đâu. Sau vài tuần đánh booster thì mút càng tệ hại hơn, trở nên cực kỳ bất ổn. Mút không nhanh và xoáy như các bác vẫn nghĩ, hay so sánh từ đám mút “Prov”giả bán ngoài thị trường – lưu ý, dù đám ấy có ghi độ cứng 2.15mm thì vẫn dày hơn 2.2mm nhiều, bán cho các bác đánh chơi chứ có thi đấu giải ITTF đâu mà lo độ dày mút! Vì dày hơn nên có cảm giác “ngọt” và “nãy” hơn, có ai cần ổn định và đều đâu, các bác có phải là Prov thật sự đâu mà phải cần những tính chất ấy? Nếu cầm 1 miếng mút “tuyển” thật sự, các bác sẽ thấy nó chả có gì là “tuyển” cả ,hoàn toàn bình thường và…thua cả bình thường nữa. Vì mút ấy được lựa cho riêng duy nhất một ai đó chứ có phải cho các bác đâu. Chỉ với đúng đối tượng của nó thì đấy mới đúng là mút tuyển.

DHS nó không quan tâm chuyện mút cho PT thế thì bằng cách nào tuyển PT có mút đánh? Phải đi mua và tự tuyển chọn lấy thôi! Thế ai làm chuyện này, DHS có rãnh ko mà đi đo độ cứng độ dày rồi in lên từng miếng mút khác nhau? Có bác bảo rằng hàng “domestic version” mới có độ cứng, và “không bán ra ngoài China”, thế sao nó tràn ngập thị trường thế kia? Nếu bảo rằng các ông HLV đi lựa mút cho đội tuyển, chỉ cần nhìn bao bì rồi đặt hàng đại lý lựa ra theo yêu cầu, hóa ra PT toàn đánh mút “domestic version” cả? Nếu đúng thế thì các bác chỉ cần mua loại mút ấy, đặt theo đúng các thông số mà các bác yêu thích, thì sẽ có mút “tuyển” dành “cho riêng mình”. Để có mút tuyển theo cách ấy, theo giả thiết ấy, thì quá là đơn giãn, không cần phải tốn thêm gấp đôi tiền. Vì căn cứ trên những gì em viết ở trên về chất lượng, mút đã được lựa ra cho PT cũng không khác gì. Nếu các bác xài nguồn mút hệ B thì không cần phải xoắn cho mút PT, cứ lựa đúng độ cứng và độ dày (vì ngoài ra đâu còn gì khác mà lựa) thì sẽ có đúng mút PT cho chính bác.

Nhưng nếu là mút hệ A, hệ “căn bản” trần trụi không có bất cứ thông số nào ngoài cái độ dày và ngày tháng sản xuất, thì các HLV sẽ lựa ra sao? Giả sử là PT đánh mút “tầm thường” này. Đây là điều mà các bác đang soi và săn để đọc, xem em đi lựa mút cho đám đệ tử ntn. Đầu tiên là độ dày, vì mút hệ A có dán cái tem tròn có ghi độ dày lên mặt trước của mút, độ dầy này khá chính xác chứ không đo “lụi” và ghi là 2.2mm hết. Thỉnh thoảng em vẫn thấy có miếng 2.2, có miếng 2.1, 2.0mm lẩn lộn trong 1 xấp mút 2.15mm – nghĩa là họ có đo thật và dán tem theo đúng độ dày thực tế, nhưng họ SX độ dày chuẩn 2.15mm, lỡ lệch chuẩn thì mới phải dán tem khác. Những miếng 2.1mm và 2.0mm cho cảm giác thật và an toàn hơn, nhưng chỉ để dành cho HLV đánh thôi, vì không có nhiều. Cái kính lúp đo độ dày đâu có mắc gì, các cửa hàng bán dụng cụ bb cũng nên có để anh em tin tưởng hơn. Do nhu cầu cân vợt nên ngày nay tiệm bán dcbb nào cũng có 1 cái cân, cứ quăng mút lên cân – đấy là cách may rủi nhất nhưng còn hơn là đọc độ cứng ghi đằng sau mút. Mỗi đợt mút, mỗi loại sponge và độ dày khác nhau sẽ cho ra 1 chỉ số khác nhau. Máy đo độ cứng mút cũng không quá mắc tiền, cửa hàng bb hiện đại cũng nên có 1 cái, hoặc bác nào xài mút Tàu nhiều cũng nên đầu tư (giá chỉ tương đương 1-2 miếng mút thôi). Nếu cân lấy chuẩn rồi thì xé 1 miếng theo chuẩn ấy mà đo độ cứng ngay, sau đó đối chiếu mà tìm ra độ cứng theo trọng lượng (chỉ với những miếng tương đương nhau, trong cùng 1 đợt hàng). Em nghĩ bọn HLV tuyển tỉnh thì cái gì chả có, từ máy thử VOC cho tới kim đo độ cứng và kính soi độ dày. Tất cả những gì e nói ở trên chỉ giúp các bác tìm ra VÀI MIẾNG thích hợp để đánh chơi cho vui, chứ không lựa mút kiểu tuyển dc. Vì muốn có 24 miếng thì các bác có khi phải lựa ra từ 200 miếng đấy, mà ở VN tìm đâu ra tiệm bán mút H3 nào tàng trữ hơn 20 miếng? Hơn nữa, họ đã trộn lộn xộn mút đủ loại với nhau, của từ nhiều nguồn và nhiều thời gian SX khác nhau, lấy chuẩn gì mà lựa chọn?

Cuối cùng, điều em muốn nhấn mạnh là các bác chơi mút Tàu phải tự biết lựa cho mình một chuẩn riêng, đấy mới chính là mút “tuyển” của các bác. Mua mút tuyển cho người khác thì còn tệ hơn, tốt hơn là đừng chơi chi cho tốn tiền thêm bực tức. Một khi mua xong, các bác phải ghi lại các thông số về hệ mút, độ dày, độ cứng, trọng lượng, ngày SX, kiểu và màu của sponge,…lưu lại cẩn thận. Sau vài lần thử thì các bác sẽ có 1 tiêu chuẩn và cứ lựa mút theo những thông số ấy để có 1 miếng mút chất lượng gần giống nhất. Vác cả đống tiền mua mút Tuyển, mà chất lượng cũng chả khác gì để mà làm chi? Biết cách lựa và chớp thời cơ, trữ lại theo đúng duy nhất 1 loại mút, thì cũng thành mút “tuyển” đấy thôi.

 

Viết một bình luận