Tình thương hóa giải hận thù

Sắp tới 30-04 rồi, ngày này với tôi cũng đặc biệt vì nếu ở nhà sẽ được ăn uống gia đình bên mâm đồ cúng. À, gia đình tôi không phải ăn mừng ngày này như những gia đình CM vẫn làm. Chỉ vì ba tôi bảo rằng ngày này năm xưa có rất nhiều người chết, “bên này” và “bên kia”, nhưng bên nào cũng là con dân Việt, bên nào cũng là con người. Suốt cuộc đời ba tôi chẳng sợ thần thánh hay ma quỷ, nhưng lại có duyên gặp…ma nhiều lần, nên ông bảo là ma chứ cũng cần phải…ăn.

Ngày này nhiều người ăn mừng, ở “dưới” mà “bên này” chắc cũng cơm no áo ấm vì gia đình tưởng nhớ vong linh liệt sỹ anh hùng, nên nhang khói nghi nghút, bia đá ghi danh. Còn “bên kia” thì hiu quạnh (phải chi bay quay Mỹ thì chắc có ăn!)
Đó là chưa kể những chiến sỹ vô danh của cả 2 bên, có ai biết tên mà cúng kiến. Chưa kể những người chả phải chiến sỹ gì, suốt cuộc chiến tranh phi nghĩa chết lãng nhách dù chã thuộc “bên” nào, chỉ vì mãnh pháo hay đạn lạc, chết không danh không phận, chết mà không kịp thấy ngày quê hương thanh bình.

Ba tôi cúng, với lòng thương tưởng đến những người gởi thân trên mãnh đất này. Nơi tôi ở cũng từng là chiến trường ác liệt năm nào, nơi mà chỉ cần cuốc lên vài nhát là có cả kg vỏ đạn vỏ pháo, nơi mà thỉnh thoảng vẫn thấy ở gốc dừa có một cái sọ người vô danh…
Ba tôi nói có sống trong chiến tranh mới hiểu thanh bình quý báu thế nào, mới hiểu rằng để có hòa bình không phải dễ. Rằng để yên bình mà sống, mà tu tập chẳng phải đơn giản. Nên phải cố mà giữ hòa khí, đừng để xãy ra lần nữa.

Ở VN, cứ vào mấy ngày này thì mở TV hay radio là nghe cứ như bổn cũ soạn lại, nào là tự ca ngợi chiến công quân mình, nào là kể tội quân “Ngụy”, ôi thôi đủ thứ. Sang tới Úc mới thấy còn…chán hơn: nào là phục quốc, rữa hận,…toàn nghe mùi máu me háo sát. Có gì là vinh quang khi mãnh đất bé tí kia lại là chiến trường của 2 đế quốc Mỹ và LX-TQ. Mẹ Việt Nam bị giày xé vì những đứa con hư hỏng. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, nhưng sự thật thì ít ai dám nhìn nhận: tại sao có chiến tranh, tại sao có chia ly đổ máu ?

Có người bảo: ồ, tại thằng thực dân nó ác, nó chiếm nước mình.
Có người nói khác: tại thời thế, thế thời phải…thế (nghe huề vốn)
Có người sâu sắc hơn, bảo rằng tại con người có bản chất tham lam. Thằng tư bản tham đã đành mà thằng chủ trương “TG đại đồng” còn tham ác liệt hơn.

Vậy có ai đó trả lời dùm tôi: tại sao cuộc chiến lại xãy ra trên nước Việt Nam, mà không phải tại một nước nào đó như Úc ? Tại sao người nước ngoài vào giết dân ta đã đành, còn dân ta cũng giết dân ta ?
Hãy quay lại lịch sữ hơn 500 năm trước, khi mà nước Việt lúc ấy chỉ từ Thanh Hóa đổ ra Bắc, lúc ấy miền Nam và Trung là của ai ? Lịch sữ ghi lại những từ rất đẹp rằng cha ông chúng ta đi “mở cõi”. Thế cái cõi ấy trước khi người Việt đặt chân, chắc là của…khỉ à ?

Từ khi bước chân vào thế giới tâm linh huyền bí, không ít lần tôi gặp những linh cảnh và ảo cảnh, có khi vì ngồi thiền bên bãi biển, có khi thì nằm ngủ trên núi gặp, có khi ở ngay tại TP điện sáng choang nó vẫn hiện ra. Mà cũng có khi trong một giấc mơ xa xăm lắm, tôi thấy cảnh giết chóc tàn sát mà những người làm nên lại là những kẻ tự xưng là khai phá. Hồn thiêng sông núi trả lời cho tôi câu hỏi, tại sao có cuộc chiến mấy chục năm trên đất nước này mà kết thúc vào cái ngày 30-04 nhưng hậu quả thì đến bây giờ vẫn còn. Có một lần trong buổi Thiền Biển, tôi gặp ảo cảnh những con người mang hình thù không phải của những thập kỹ gần đây. Họ đến không hận thù nhưng cũng không thân thiện, họ chỉ đơn giản muốn chứng tỏ rằng họ đang hiện diện trên mãnh đất xưa kia từng là của họ.

Có một lần nọ lâu lắm, lúc đó tôi chưa biết nhiều, vẫn còn “ngây thơ”. Tham gia lễ Katê của Chămpa ở Phan Thiết, nơi cái tháp Poglongarai (http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p_Po_Klong_Garai) tôi chợt “vô tình” lọt vào tai câu chuyện về cái chết của một cường quốc khi xưa. Chuyện kể rằng khi tàn sát xong vương quốc này, để ngăn ngừa “hậu hoạn”, vua Lê đã cho….thiến sạch những chàng trai Chăm Pa, và bắt hết con gái về làm đầy tớ, vua Chăm phải chạy trốn vào núi rồi phải để lại áo mũ cho dân K’ho. Ít lâu sau, có vẻ cũng vô tình mà một cuốn sách tên là Tagalau (tên một loại hoa xương rồng) lọt vào tay tôi. Qua những câu chuyện bóng gió, tôi lờ mờ hiểu ra cái uẩn khúc, cái nổi niềm uất hận đã bị chôn vùi của dân Chiêm Thành. Có lẽ những người ấy muốn kể cho tôi nghe một câu chuyện hào hùng của dân tộc họ, mà khi tôi nghe rồi thì cũng không biết làm thế nào để làm cho người khác hiểu. Tôi chỉ biết lắng nghe và cảm thông.

Và rồi tôi bỗng nhận ra cái nhiệm vụ của những con người trót mang cái khả năng “nghe và hiểu”. Rất nhiều nơi trên mãnh đất nhỏ hẹp ấy đang chứa những câu chuyện của nó, đang chứa trong nó một năng lượng xấu của sự uất ức, mà những con người “vô tội” đang sống trên ấy phải lãnh cái họa vô hình. Nhiều người tốt có khả năng, cũng âm thầm làm nhiệm vụ của họ: đến để làm trung gian giải phóng những nỗi niềm, như nặn những mụn nhọt trên khuôn mặt của Mẹ VN. Họ đến tháo giải từng cái gút trong cái đống rối như tơ vò mà cha ông ta đã tạo ra. Đó mới chính là những người yêu nước thật sự, hơn những kẽ cứ ra rã cái miệng đòi chiến tranh.

Có những nhà mà anh em cứ chém nhau, con rượt cha mẹ,..khi chúng tôi đến thì mới vỡ lẽ ra rằng lúc xây nhà họ đã cho ủi luôn mộ mả người ta, cất cái nhà đè lên. Chuyện “dân ta giết dân mình” thì cũng tương tự như vậy thôi.

Muốn hóa giải thì phải đi từ cái nguyên nhân sâu xa, chứ không thể nhãy vào bênh vực phía nào cả.

Mỗi khi đến một đền đài hoang phế, tôi đều nghe những tâm linh rất mạnh vây quanh. Họ vẫn còn đấy chứ không chịu đi. Mỗi khi sờ vào một di tích cổ xưa, tôi nghe như cảnh vật quanh mình đang sống lại cái thời của nó. Có lẽ tôi còn nợ những tháp Chàm một lần viếng thăm nữa. Nơi vùng đồi núi ấy có lẽ ngày nào đó cũng cần phải có một “Trai Đàn Chẩn Tế” hẳn hòi.

Ngày 30-04 là ngày nhạy cảm, người ta sẽ hỏi tôi “mày yêu nước không, mày đứng về bên nào?” Tôi yêu nước chứ, tôi yêu luôn cả những con người đã sống trong cái lịch sữ ấy. Chính vì tôi yêu nước nên tôi muốn anh em hãy nhìn lại nhau mà bỏ qua hận thù. Hãy giải quyết chuyện quá khứ trước khi con cháu chúng ta lại phải chém giết lẫn nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trong thập kỹ qua có rất nhiều những con người có khả năng tâm linh cao xuất hiện trên đất nước này, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với sự cần thiết. Cần hơn nữa là những con người có đủ “lực” và “tâm” để rồi tập hợp đoàn kết lại cùng giải quyết những chuyện…ba láp vô hình !

Khi có chút thời gian, tôi sẽ rũ rê vài người bạn, đi lang thang khắp các miền đất nước để hàn gắn những vết thương của quá khứ. Đó là một việc nặng nhọc và nguy hiểm, nhưng cũng là niềm vui của tôi.

April 29, 2010 at 3:59pm

2 bình luận về “Tình thương hóa giải hận thù

Viết một bình luận