xuân muộn

Sau gần 1 tuần lễ nóng đột xuất, gió biển lại về mang hơi nước làm mát cái không khí cuối Xuân. Nhiệt độ buổi trưa khoảng 20-25 độ, vừa tầm Tết ở SG. Hàng phượng tím vừa ra hoa bị đợt nóng sớm làm héo rụi, giờ cũng cố gắng vớt vát vài cái chồi non nở muộn. Một loạt hoa vàng cũng nở như là vừa hết Đông – thời tiết thay đổi nên cây cỏ cũng bị lừa. Thiên nhiên vốn hào phóng, thêm một đợt hoa nữa – mùa Xuân lại trở về tươi mới như lúc cuối Đông.

Mẹ Đất vốn từ bi và độ lượng, luôn tha thứ cho sự ngu dốt của những đứa con phá hoại. Sự sống vốn mãnh liệt, từng ngóc ngách xi-măng cũng nhú ra vài chồi xanh, dù bao lần bị con người cắt nhổ hay xịt thuốc – ng ta sợ cái gốc rễ cứng cáp của loài cỏ hiền hòa làm nứt đi những khối bê-tông đẹp đẽ, như sợ cái vết rạn chân chim trên da mặt của mình. Cuộc chiến tranh sinh tồn giữa con người và thiên nhiên sẽ không bao giờ chấm dứt, chỉ có những thằng ngốc – như tôi – cảm nhận được mùa xuân trở lại qua từng hơi thở của lá, mới biết mình đang đứng về phía nào.

Tôi quét dọn ngoài vĩa hè, từng người qua lại dù không biết hình dáng cũng để lại mùi hương – dân gốc Anh lười tắm nên xài nước hoa rất mạnh, nhưng cũng không giấu được mùi cơ thể, nhất là những người tập chạy bộ buổi sáng. Vẻ đẹp của con người là quà tặng của Tạo Hóa, dù không cố tình khoe ra cũng tạo một ảnh hưởng vô hình, dù là lướt qua thật nhanh. Xin cảm ơn những thoáng chốc vụt qua ấy, đủ khiến tôi cảm nhận tuổi trẻ, vẫn chưa quá muộn màng…

Ừ thì có bao giờ cái gì là quá muộn đâu, khi mà cái dòng máu “phản khán” và “đấu tranh” vẫn luôn sôi sục trong tim mình. Con người chỉ trở thành già khi chấp nhận và buông xuôi hèn-nhát-một-cách-trí-tuệ, tuổi trẻ gắn liền với thử thách và dũng khí – vì còn nhiều thứ để đánh đổi. Ai có nhiều tức là đã đổi mất cũng khá nhiều, kẻ thắng bạc nhiều quá thường “lạnh chân” muốn nghỉ sớm, kẻ thua thì lại nóng mặt muốn “gỡ gạc”. Đời là một canh bạc mà kẻ đến vài đi đều trắng tay nhưng ai cũng hăng hái đánh cho tới cùng.

Đối diện là một trung tâm giải trí, ngày cuối tuần bọn trẻ tụ tập đến, vài đứa đi ngang qua tội vội vàng, vài đứa chậm lại nhìn tôi nhoẽn miệng cười. Tôi đã từng là một đứa trẻ, và đang là một đứa-không-bao-giờ-lớn, nên cảm xúc của chúng lọt vào tim tôi dễ dàng. Một vài đứa còn bé nhưng rất đặc biệt, đi lướt qua sau lưng cũng khiến tôi phải quay lại nhìn, khi ánh mắt chạm nhau thì tôi cảm thấy ngày hôm ấy đã đầy năng lượng sống. Bất chợt tôi cảm thông cho hàng cây trên đầu, chúng cũng vội vã ra hoa kết trái, cũng mong chờ những cây con…

Hôm qua đi làm, Sếp khoe nhà bạc triệu, thu nhập hàng tháng vài chục ngàn thì mới gọi là đáng sống. Hôm nay lại nghe bà chị khoe về mấy cây cam chanh ra hoa kết trái trong một ngôi nhà tuyệt đẹp và hạnh phúc – cả hai đều chỉ lớn hơn mình chưa đầy chục tuổi. Tôi đều lắng nghe, khen ngợi và hỏi lại 1 câu “khi nào thì em bằng được như anh chị?”. Biết câu trả lời chỉ là lấp liếm kiểu động viên “cố gắng làm thì có thôi…” nhưng có lẽ trong tâm họ có gì đó vui sướng lắm, chỉ có người từng bắt đầu lại từ con số không mới thấm câu hỏi này. Còn một câu nói khác có phần hay hơn “Mồng Một là đã hết Tết”, thời gian hạnh phúc nhất là những ngày cơ cực nhất – nhưng ít ai hiểu.

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai…” (Phan Bội Châu)

Đứng bên một hàng cây với những đợt trái rụng úa, héo oan nghiệt trước khi kịp chín già. Cây kiên nhẫn chờ một đợt khí mát khác để ra hoa lần nữa, vì mùa Xuân quả là ngắn ngủi. Nếu không có những đợt lạnh khắc nghiệt mà chỉ toàn là ấm áp, thì liệu có thể ra hoa xum xuê như thế không? Cây sống thụ động vào nhiệt độ, còn tôi lúc nào cũng cháy bỏng những ước mơ – bất kể thời tiết nóng lạnh thế nào. Cái lò xo càng bị nén thì bung lên càng cao, con người càng bị thử thách thì càng trở nên kiệt xuất (chứ không kiệt sức đâu nhé!).  Sáng nay thời tiết mát mẻ lại có nắng ấm, trước mặt tôi bỗng hiện ra một con đường rộng rãi có hàng cây luôn nở hoa.  Tôi không chọn để trở thành kẻ đầu hàng và thỏa thuận, lửa sẽ không bao giờ tắt dưới mồ của một chiến sỹ vô danh.