Thức ăn nào tốt?

Sáng nay đi làm, vừa vào cửa là có cô quản lý nhờ “bế” dùm một thùng linh tinh các thứ đồ ăn thức uống của cô ấy vào bếp. Liếc nhìn vào đó thì nhận ra các thứ hảo hạng như mật ong Maduka, trà linh chi, rau củ quả rất tươi, nước cam mới vắt, sữa trứng thịt loại nhất,…ngay cả kem đánh răng cũng loại đặc biệt mắc tiền, nói chung là tất cả những thứ mà một người “biết quan tâm sức khỏe” thường có.

Sau đó thì thằng tui bị chê vì ly trà bị đục, ăn nhiều đường quá,..nói chung là trong mắt của những người kỹ tánh ấy thì thằng tui ăn uống chả “healthy” tí nào. Cái lý do mà vẫn khỏe mạnh được mọi ng thống nhất chỉ là do còn trẻ, già tí đi roài biết!

Thực ra thì họ đúng, có tiền để làm gì? Phải lo cho sức khỏe là trên hết, ăn uống phải kỹ lưỡng để bổ khỏe mà hưởng thụ tiếp cuộc đời.

Họ đâu chỉ hưởng thụ cái ăn, họ còn mặc, ở, đi xe,…tất cả đều rất là “đúng mực”, ngoài ra họ còn làm phước cúng dường rất nhiều thầy, nhiều chùa, lâu lâu còn đi coi văn nghệ ủng hộ bão lụt ở VN, phước đức đầy nhà.

Nói chung là một lối sống mà nói ra ai cũng công nhận là “sống tốt”.

Giờ ăn trưa, thằng tui mới “tiết lộ” là còn có 2 loại thức ăn còn “healthier” gấp nhiều lần. Thế là họ ồ lên “ăn chay chớ gì? nhìn kỹ lại đi, trong chả chay mày đang ăn toàn là hàn the không đó…”, thằng tui đang gặm ổ bánh mì chay.

Làm ở đó cũng gần 4 năm, ngày đầu tiên đặt bánh bà cô chủ hỏi “gà, nem nướng, thịt quay, xíu mại, thập cẩm,..ăn bánh mì loại nào?”

 Thuộc loại kém chọn, ai cho gì ăn nấy, mà khi đã chọn thì thường là món chay. Thế là bữa trưa luôn có ổ bánh mì nhận 2 miếng chả chay đầy mùi hàn the.

Ăn chay theo kiểu công nghiệp này còn độc hơn ăn thịt mấy lần, mình dư biết. Nhưng mà thôi kệ nó, xin lỗi lá gan nhé.

Ngay cả ăn theo một phương pháp Thực Dưỡng đúng nhất thì cơ thể vẫn phải tiêu hóa và bài tiết, gan thận vẫn lọc vì thức ăn ít nhiều gì cũng có chất mà cơ thể phải thải ra.

Thế là cà đám bắt bí: thế nhịn ăn à?

Không ăn gì chỉ là tốt nhì, mà ăn đồ bỏ của người ta là tốt nhất.

Không phải cái kiểu nhịn ăn giữ eo, mà là đồ ăn mình chỉ có bấy nhiu, đang đói đang thèm mà vẫn phải cho người khác. Cho xong thì chịu đói chờ qua bữa khác.

Vậy mà ít ai biết cái sự nhịn đói đó tốt hơn cả một mâm đồ ăn tốt-cho-sức-khỏe hạng nhất! Tốt cho phần thực thể và luôn cả phần phi thực thể.

Khi mà cơ thể đột nhiên bị đói, nó sẽ đốt tới các chất năng lượng cặn như các mảng mỡ tự do trong máu mà bình thường nó trôi nổi rồi đóng dần lại ở thành mạch máu. Nhờ đó mà cơ thể tự nhiên sạch ra.

Ai tập yoga cũng biết rằng để thanh lọc cơ thể thì cách tốt nhất là nhịn ăn. Chẳng những thanh lọc cơ thể, mà đầu óc cũng bớt vọng niệm, sáng rõ hơn nhiều. Khi máu bắt đầu nhẹ đi, ít đường ít mỡ thì não ban đầu sẽ la làng lên, đòi thêm đường. Khi gan báo lên là phải xài nguồn dự trữ thì não cũng tự động ngắt bớt các chức năng không cần thiết ví dụ như tưởng tượng, mơ mộng,..vốn thường ngốn rất nhiều năng lượng (khoãng 95% năng lượng của não là để nuôi mấy hoạt động thừa này)

Bỡi vậy, những yogi nhịn đói trong các hang đá thường kinh nghiệm những trạng thái rỗng rang thanh tịnh khó tả, rất dễ thực hành các kỹ thuật thiền định của họ.

Ngày xưa, Đức Phật đã khen ngợi một vị Tỳ Kheo, sau khi xin được và ăn xong, thấy có một con chó ốm đói tới xin ăn, liền móc họng nôn hết thức ăn ra cho con chó, phần mình chịu đói cho tới ngày hôm sau.

Có người biết rằng tháng sau đói, nhưng vẫn liều giúp đỡ người khác. Rồi vì sợ đói tự nhiên đầu óc sáng ra, tìm được những ý tưởng hay, thế là áp dụng và thành công, tháng sau giàu hơn mấy lần. Nhân quả cũng gần.

Thế nhưng vẫn không tốt bằng ăn đồ cũ, đồ bỏ của người khác?

Nhiều người lỡ ham sắm nhiều thứ ăn chẳng hết còn mua thêm cho đã tay, tới khi hết hạn sử dụng, bỏ đi thì sợ mang tội mà ăn thì sợ mang bệnh. Thế là tìm người để cho, vừa “giúp người” vừa thoát nợ.

Nấu nướng thì ham trỗ tài, mà ăn thì hỏng can đảm! Thế là mang ra mời, mời hết thì ép luôn người ta lấy dùm.

Ăn qua quít thì cũng rồi một bữa, cũng no. Mà đã no rồi thì tự dưng chẳng còn thèm muốn gì nữa, đỡ tốn một bữa ăn. Đỡ phải thải ra một bao rác nếu bỏ thức ăn.

Nghĩ đơn giản thì một bữa ăn chả có gì đáng giá đâu mà tiết kiệm? Chỉ nhìn vào một cây cải thôi mà đã thấy biết bao nhiêu thứ trong nó: phá rừng trồng trọt, điện lạnh, xăng vận chuyển, thuốc trừ sâu, rác thải của bao bì,..

Nếu có trí tuệ, sẽ thấy cả thế giới nằm trong phần ăn của bạn. Nói cách khác, chúng ta đang cắn nhai nát quả đất này.

Cố gắng tiêu thụ những thứ còn dùng được, tiết kiệm tạo nên một công đức vô hình nhưng cực kỳ lớn.

Những thức ăn ấy chẳng còn ngon lành tinh sạch nữa, nhưng người ăn thì càng khỏe mạnh hơn. Ăn dơ sống lâu là vậy.

Chẳng những cơ thể khỏe hơn, mà tinh thần ngày càng mạnh mẽ dũng cảm, cái tôi ngày càng yếu đi. Chẳng sợ chê, chẳng sợ chết.

Người tặng mình thì nhẹ nhàng thoát nợ, vừa thực sự bố thí thức ăn cho một kẻ khác, họ cũng yêu quý mình hơn. Kẻ đứng cao bao giờ cũng thật lòng thương người đứng dưới.

À, thế các thầy chùa thường ăn thức ăn healthiest?

Họ đang ăn thức ăn sạch nhất, nhưng là thứ độc hại nhất. Phật tử luôn “cúng dường” những thứ ngon lành nhất cho thầy, vì tham phước. Có ngờ đâu trong ấy ngoài chất độc thực phẩm chay, còn có Tam Độc: Tham-Sân-Si. Người cúng tham phước, si mê những giáo huấn đầy bản ngã và phát sân hận khi nghe thầy đó làm sai giới luật.

Phước thì chả có mà tưởng có, thế là tự cho mình cái quyền hưởng phước, hưởng thụ.

Một tỳ kheo nên đi xin ăn là vì thế, chỉ nên nhận vật thực thừa của tín chủ. Thay vì cho chó ăn hoặc đổ bỏ, đem cho tỳ kheo. Người cho chẳng thấy gì là phước báu, chỉ sanh lòng thương mến.

Hình ảnh một người quỳ gối dâng bát cơm cho một vị đầu trọc áo vàng, trông thì tự hào đấy nhưng vì thế mà đạo Phật biến mất ở Ấn Độ, đạo Phật chết vì ngộ độc.

Giác ngộ chỉ có ở nơi mà một vị ăn bận tả tơi quỳ nhận chút cơm thừa của người lao động. Thức ăn healthy sẽ nuôi dưỡng một thân thể khỏe mạnh và tinh thần xuất chúng.

07-12-13

Viết một bình luận