Súng nhựa và súng thật

 Ngày xưa tôi được ông Nội mua cho một cây súng pháo, loại cũng TQ chế tạo đời đầu nhìn rất đẹp và giống y như thật. Nó có vòng pháo 8 viên và đầu đạn lắp vào, khi bắn nó nổ thật, có khói và đạn bay ra trúng vào cũng khá đau. Khỏi phải nói, tôi xem đó là báu vật quý nhất và luôn nghĩ mình là anh công an bắt cứơp hay bắt trộm, tôi hù chó mèo trong nhà và khoe khoang với đám bạn. Đó là chuyện lâu rồi.

 Chuyện gần đây là thuở ĐH, tôi đi học quân sự. Lần đầu tiên được sờ tới cây súng thật và bắn đạn giả. Cũng phải tập luyện khá nhiều và đóng biểu diễn cho tiết mục cuối khoá quân sự. Tôi phần nào hiểu được là để cầm được cây súng thật (mà đạn giả) cũng phải rất gian khó, phải học tất cả các cách sữ dụng và nguyên tắc an toàn.

 Tôi nghe nói, ngày xưa có những anh lính công tử, bị quăng ra vùng chiến sự, lần đầu tiên cầm súng bắn 1 phát là….làm bậy ra quần ! Cầm cây súng thật mới hiểu được là sống chết đang nằm trong gang tấc. Hoặc là bắn cho trúng chết người, hoặc là mình chết. Chả có vui vẻ gì như cái trò bắt cướp tưởng tượng của trẻ thơ.

 Ngày bé xách bẹ chuối chẻ đôi làm súng (vì đập có kêu cũng to lắm) và rượt nhau, cứ nghĩ đinh ninh mình là anh hùng bắt tội phạm. Có ngờ đâu cái ngày cầm cây súng có đạn trên tay thì cũng đồng thời nhận một trách nhiệm vô cùng khó. Bắn 1 viên đạn phải cân nhắc rất kỹ, có nên bắn chưa, cứơp đó có cần phải giết hay chỉ răn đe, bắn phải cho trúng vì nếu không trúng thì mình cũng sẽ chết, đó là chưa kể xài không đúng tự mình bắn mình.

 Chuyện súng giả súng thật ấy vậy mà khi vào tu tập tôi cũng lại gặp, nhất là Phật Giáo. Tu tập thì làm gì có súng ống nơi này ? Vậy mà có đấy.

 Hãy hình dung một đứa bé trai hiếu thắng và quậy phá (như bao đứa trẻ khác). Một hôm cha nó mua cho nó một khẩu súng nhựa, loại súng laser kiểu mới nhất mà nó thường thấy trên film, loại có đèn và tiếng kêu mỗi khi bóp cò. Đứa bé ấy sẽ tin ngay rằng nó đang sỡ hữu một vũ khí vô cùng ghê ghớm. Nó liền nghĩ rằng nó đang mang một trách nhiệm đặc biệt, bảo vệ hành tinh hay thiên hà gì đó. Nó sẽ dí súng vào chó mèo, vào bạn bè, người lớn và có khi bắn vào cả ông bà của nó. Mọi người vẫn vui cười vì sự ngây thơ ấy. Nhưng nó thì luôn thật sự nghĩ rằng nó đang là ai đó vĩ đại.

 Cũng là đứa bé ấy, nếu như nó sống trong gia đình tốt. Cha nó sẽ dạy nó lòng yêu quý và bảo vệ cái đẹp, thay vì sự hiếu thắng thông thường của trẻ thơ thì nó lại luôn nghĩ rằng nó là anh hùng hiệp sĩ bảo vệ đất nước hay mọi người quanh nó, tuy chỉ bằng khẩu súng đồ chơi. Khẩu súng là giả nhưng những đức tánh tốt ấy cứ dần dần vun đắp trong tâm hồn đứa trẻ, yêu cái đẹp, yêu hoà bình, ghét cái ác, từ tình yêu cái đẹp yêu hoà bình khiến nó dũng cảm khi bảo vệ mọi thứ.

Khi lớn lên nó sẽ biết yêu quê hương và thương người, khi gặp nguy biến trong lòng nó sẽ dậy lên sự can đảm đứng ra bảo vệ, tuy chỉ bằng đôi tay trần.

 Đó là lấy cái giả để nuôi cái thật.

 Vì chẳng có ai dám đưa cho đứa bé khẩu súng thật. Người ta sẽ chờ cho nó có đầy đủ tình yêu nước, tình yêu cái đẹp và yêu hoà bình. Khi nó chính chắn thì người ta sẽ gọi nó vào trường học để huấn luyện thật gắt gao thêm nữa, để một ngày có thể cho nó cầm khẩu súng thật để bảo vệ hoà bình. Khi đã chắc chắn rằng nó chỉ sữ dụng súng thật hiệu quả và có lợi cho mọi người. Lúc đó là nhiệm vụ cao cả chứ không còn là trò chơi.

 Tôi gặp rất nhiều “đứa trẻ” ấy, dù có người tóc đã bạc phơ. Họ vẫn còn là những đứa trẻ thơ chơi súng nhựa ngày nào.

Nhiều người có duyên với Phật Pháp, tới chùa để học. Một ngày nọ khi Thầy nhận thấy họ đã qua giai đoạn đầu tìm hiểu, thấy họ cầu xin đã nhiều và tốn nhiều nhang khói.

 Thầy mới đưa một pháp tu, nhưng sợ họ không chịu về tập, Thầy mới bảo rằng đây là pháp tu cao nhất, nhanh nhất, và tối tăm nhất mà không có một loại hoá chất nào…í lộn…không có pháp tu nào có thể so sánh được. Thầy quả quyết một cách thuyết phục rằng “tu một kiếp này thành Phật” hay “bảo đảm về với Phật” hay đại loại như thế.

 Vì Thầy nói chắc ăn như thế nên nhiều người mới chịu tu, vì tu thấy vậy cũng khó và khổ lắm chứ đâu phải giỡn chơi !

Cũng như đứa trẻ, mới cầm cây súng nhựa nó cũng không tin ngay rằng đây là vũ khí laser hiện đại nhất, nhưng tâm trí nó dần dần thêu dệt, rồi nó đi khoe với những đứa trẻ khác cố tình thổi phồng lên cho nó oách. Đến lượt những đứa trẻ khác tin và cũng có những cây súng y chang như vậy, tất cả chúng đều tin rằng đó là súng thật thì đến cha mẹ chúng có nói khác thì chúng vẫn cãi lại.

 Người lớn cũng không khác chi. Ban đầu họ cũng không tin ngay, nhưng vì sĩ diện và khoe khoang qua lại với nhau về những quyền năng lạ xuất hiện khi tu tập, chỉ để hơn nhau thôi. Người này gặp người kia khoe “má tôi chít có hào quang và tiếng niệm Phật đầy không trung..” còn có người kia thì nói “nhằm nhò gì, con chó nhà tôi nhờ nghe kinh mà khi chết thiêu có xá lợi nữa kìa !”. Thế mà họ từ “bị dụ tu” trở thành “đua nhau tu”, hễ gặp ai nói khác là họ giận lắm vì: thứ nhất họ luôn đúng, thứ nhì là họ tin vào những điều mà họ phịa lẫn nhau, và cuối cùng là họ đã lỡ tu quá lâu rồi, giờ họ không thể nào chấp nhận rằng đó giờ họ chỉ cầm súng giả mà chơi trò bắt cướp.

 Chính vì tự huyễn hoặc mình về cái thứ đang có, họ trở nên khó mà bỏ được nó. Và nếu ai đó nói cho họ biết sự thật, họ sẽ giận và tìm cách chống phá lại.

 Cũng bởi vì các “nhà sản xuất súng nhựa”, họ cứ muốn người ta chơi súng nhựa mãi. Như trong trường học, cả trò và thầy đều không muốn lên lớp.

 Ai đó giỏi toán cộng, họ chắc chắn không muốn phải bước qua toán nhân để lại trở thành thằng ngốc lần nữa, dù rằng như vậy là được lên lớp. Họ cứ thích làm toán cộng mãi để chứng tỏ rằng họ rất giỏi …toán cộng ! Còn thầy giáo cũng không muốn cho trò lên lớp, cứ giữ lại để ông được mãi làm thầy của họ. Nói cách khác, không ai chịu bỏ cây súng nhựa hào nhoáng để tập chơi súng gỗ tầm thường.

 Súng gỗ chỉ là khúc gỗ trông giống hình cây súng. Ai nhìn vào cũng biết là đồ giả, nhưng công dụng nó lại rất thật như bản chất của nó. Người ta cầm cây súng giả để thay thế cây súng thật, cố gắng hình dung là họ đang cầm súng thật và tập hành động y như họ đang có súng thật. Dù họ biết và ai cũng thấy là đồ giả. Chính vì thế mà lúc này là lúc đau khổ nhất.

Ai cũng muốn thoát khỏi giai đoạn này, vứt bỏ cây súng gỗ ấy để cầm lên súng thật.

 Đây là giai đoạn bước đầu tu tập, là lúc khó khăn nhất. Hành giả phải học và giữ giới, các oai nghi tế hạnh từ quan trọng đến nhỏ nhặt. Họ tập hành xữ theo các nghi thức, như cúi chào nhau “một cách từ bi” hay đi nhẹ “như có chánh niệm”, thở “nhẹ nhàng”,…cứ y như là họ đã chứng đắc. Dĩ nhiên trông buồn cười và thiếu tự nhiên.

Họ phải làm tất cả những gì có lợi ích cho chúng sanh để tạo phứơc. Dù là rất khó khăn vì bước đầu họ không có một sự hỗ trợ nào.

 Họ phải tập thương yêu và từ bi hỷ xả như những vị Bồ Tát, dù là họ chẳng có khả năng nào.

Để rồi một ngày, có người chợt nhận được an lạc và hạnh phúc nội tâm. Như niềm hạnh phúc của người được thực sự cầm vào khẩu súng thật. Nhưng…chưa có đạn. Đạn ở đây là các thần thông diệu dụng.

 Người giữ súng thật bị bắt buộc tuân theo luật rất khắt khe, điều quan trọng nhất là họ không bao giờ được khoe khẩu súng ấy. Hãy tưởng tượng bạn có 1 khẩu súng thật, và bạn đem khoe, điều gì sẽ xãy ra ?

Nếu bạn đem khoe sự chứng đắc của bản thân, bạn sẽ tổn phước và mất ngay sau đó. Có súng thật đi kèm với có trách nhiệm thật, người ấy sẽ trở thành người bảo vệ và hướng dẫn cho những kẻ đi sau. 

Nếu người công an chỉ biết đem súng ra chiêm ngưõng và thoả mãn với cái anh ta có, mà không hoàn thành trách nhiệm được giao, rồi anh ta cũng sẽ bị thu hồi súng.

 Cầm cây súng thật trên tay, bạn không còn của bạn nữa, bạn đã thuộc về những người khác đang tin tưởng vào bạn. Nếu bạn dùng súng ấy vào đúng mục đích lợi ích cho toàn XH, đến một ngày bạn chợt nhận ra rằng nó cũng có đạn, nhưng không chắc lắm. vd nếu bạn chống lại tội phạm, cầm súng lên thì thấy trong ấy có đạn, mà bắn bậy hay không tiết kiệm thì thấy không còn gì.

 Đạn lúc này chỉ là vay mượn. Còn đạn thật có chỉ khi bạn rất chững chạc và không còn vì cá nhân nữa. 

Giờ đây bạn có khẩu súng thật, bạn có thể bị…khử bất cứ lúc nào bởi Ma Vương vì đã là kẻ thù, một phút lơ đểnh hay ngạo mạn phải trả giá bằng sinh mạng và cả quá trình luyện tập. Hay trở thành tội phạm nếu bị cám dỗ, để rồi mất tất cả. Đạo cao thì ma khảo, mà ma chỉ thích khảo mấy người không vững vàng. Dĩ nhiên nếu ai đó cầm súng…nước mà đi bắt cứop thì cầm chắc là tử trận !

 Tôi viết bài này mong mọi người hãy nhìn lại mình đang cầm súng gì trên tay. Dù biết rằng niềm tin là quan trọng, nhưng Đạo Phật không đặt căn bản trên niềm tin, mà là nhân quả. Để có được chánh quả rất khó khăn gian lao và nguy hiểm, chứ không phải chỉ cần đơn giản đi mua một cây súng nhựa. Và tôi viết bài này cho những thanh niên có đầy trách nhiệm với tương lai, cho những người có lý tưởng, chứ không phải cho những ai còn non trẻ, chỉ thích vui đùa với những món đồ chơi tầm thường.

  1. Một ngày rất điên

Viết một bình luận