Chiến thuật 7 bóng tấn công -3

 

IV. Chiến thuật để thắng một séc của Tàu

Như trên em đã phân tích, bọn Tàu thắng từng điểm một với chiến thuật khá đơn giãn và an toàn, và nếu cứ từng bước như thế thì chúng sẽ thắng séc 11 điểm, và thắng luôn trận đấu. 7 séc không phải là dài so với một trận đấu tennis hoặc 90 phút đá banh. 11 điểm cũng không quá dài như thời 21 điểm, cho nên chớp nhoáng một cái là đã xong một séc đấu. Rơ 7 bóng tấn công có thể gọi là một rơ căn bản, nhưng ngoài ra còn rất nhiều trò chiến thuật khác mà một vdv trong CNT phải biết, bởi vì nếu đào tạo cùng một lò thì đứa nào có nhiều thứ phụ trợ sẽ được chú ý hơn. Xem lại những trận đấu trước thời Zhang Zike thì mới thấy rõ cái hay trong chiến thuật của bọn Tàu suốt một séc đấu, bởi vì lúc ấy có nhiều kiểu giao bóng, nhiều chiến thuật đở giao và biến hóa để giành thế chủ động. Vd Ma Long lúc ấy có trò giao bóng Bh giữa bàn, chỉ một kiểu giao mà rất đa dạng kèm theo những chiến thuật tiếp theo. Đó là lúc mà Mã phá bài của đối thủ, dùng sự ngẫu nhiên đối phó với những bài bản có thứ tự. Sau khi đã gỡ lại thế cân bằng thì Mã vẫn xài cú giao bóng thuận tay sở trường, đó là cái hay mà Wang Liqin, Wang Hao lẫn Mã Lin thời ấy không ai có. Đây là điều tưởng chừng như dễ dàng nhưng rõ ràng có một điều gì đó mà đám kia không dám áp dụng. Em cũng thử áp dụng nhưng không thành công, vì hình như cái tâm lý chiến thuật của Mã Long lúc ấy hoàn toàn trống trơn, đánh theo cảm tính hơn là bàn bản nên dù giao rất hở bọn CNT cũng không dám làm gì ẩu. Chiến thuật ấy chú Mã xài thường xuyên, tới giờ vẫn có hiệu quả dù ai cũng biết trước đứng giữa bàn có bao nhiêu cách giao bóng. Wang Liqin cũng có 2-3 kiểu giao bóng thuận tay, cách đứng và vào bóng hoàn toàn khác nhau, Wang Hao, Ma Lin và Xu Xin cũng có những cú giao bóng thuận tay rất độc đáo nhưng không bao giờ dám xài trong những lúc dầu sôi lữa bỏng. Wang Hao còn có trò đứng giữa bàn giao bóng thuận tay, Ma Lin có chiêu giao bóng trái tay bằng vợt thìa nhưng chỉ làm khi có chỉ đạo của xếp Lượng. Kiểu đổi chiến thuật của Ma Long làm chúng ta nhớ tới Kong Linhui với cú giao bóng trái tay thường làm đảo ngược tình thế trận đấu.
Tuy nhiên một séc đấu tuy ngắn nhưng không bao giờ xuôi chiều mát máy cả. Hoặc là ở đẳng cấp cao ấy toàn là những tay đua có sức bức phá khá cao chứ không bao giờ chấp nhận xuôi tay khi bị dẫn điểm. Ngoài ra yếu tố may mắn và áp lực trận đấu cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Giao bóng hỏng nhiều và hư những trái quan trọng nhất thì phải kể tới Wang Liqin, đánh hư những quả lãng nhách nhiều nhất là Ma Long, dù hai chú này nổi tiếng là trùm đối giật. Sự “may mắn” thường đi ngược lại với áp lực, em để ý thấy khi Mã bị áp lực thường đánh dằn lưới và ra ngoài, trong khi Wang thì giao bóng chạm lưới, nhưng khi thong thả thì hai bác này lại đánh bóng rất an toàn. Tạo áp lực trong thi đấu là một nghệ thuật của chiến lược, trong tầm cho phép của luật ITTF. Em quan sát thấy lão cáo già Schlager là chuyên gia cái trò đàn áp tâm lý này, chính lão cũng đánh bậy bạ mà đám CNT hồi mới gặp lão cũng lúng túng như gà mắc tóc. Những trận sau này (2008-2009) lúc lão sắp giải nghệ thì mới bộc lộ rõ ra là khi bọn CNT hết sợ thì giã lão như cái mền rách luôn, nghĩa là trình độ thật của lão chỉ bấy nhiêu nhưng vì phong độ và tâm lý nên những năm 2002-2004 lão làm bọn Tàu điên cái đầu. Những trận lão Schlager ăn thì thường là kinh khủng lắm, nhìn như là đối thủ không có lối ra nhưng lão ấy không có cái chiến thuật an toàn nên buộc phải đánh khó để phòng thủ. Tuy nhiên nhìn Schlager thi đấu em thấy hay hơn tụi Châu Âu khác cái chỗ lão ấy vẫn khôn bóng hơn bọn kia, ngoài ra lão còn đoán trước được bài của bọn Tàu nên thường đánh được những cú chặn đầu hoặc buộc tụi CNT chạy góc ná thở, chỉ vì lão không đều nên sau đó tưởng ăn hóa ra thua. Cái cách giữ phong độ trong một hiệp,lúc nào nên cầm chừng, lúc nào nên tăng tốc để lên đỉnh,…bọn Tàu luôn áp dụng rất bài bản, trong khi các chú Tây thì đánh theo hứng nhiều hơn. Bọn Tàu biết lúc nào nên giao quả nào, lúc nào nên ép phải mà lúc nào nên ép trái, lúc nào đánh ngắn, lúc nào nên đẩy dài,…dựa theo tình hình đối thủ lúc ấy. Chiến thuật trong một séc đấu của bọn Tàu rất hay, tiếc là em vẫn chưa nắm được tường tận, chỉ phỏng đoán là chính vì vẫn đang trong thời gian nghiên cứu.
  1. Séc đầu ai nắm giao bóng?
Đó là lúc trọng tài tung đồng tiền, thường thì bên thắng sẽ chọn giao bóng, sau đó là giống như hai bên đã có sẵn một chương trình nền cho suốt trận đấu, từng hiệp và từng lần lau mặt. Cũng dễ tính thôi, A giao bóng thì sau 6 quả (lần 1) ra lau mặt thì B sẽ giao, 12 quả (lần 2) ra lau mặt thì A giao bóng, 18 quả (lần 3) lau mặt thì B giao bóng. Nghĩa là khi A giao bóng hai quả đầu nếu để 9-9 thì lúc ấy B sẽ chiếm ưu thế nắm giao 2 quả chót. Nếu không tính đến các lần lau mặt thì một séc đấu trôi qua rất nhanh, khó có cái mốc để tính chiến thuật. Mỗi lần 6 bóng ấy sẽ có chuyện là bên nắm giao bóng lúc vừa vào sẽ giao 2×2 quả (quả 1-2 và 5-6), còn bên đở chỉ giao 2 quả giữa (3-4), nên một séc lớn có thể chia thành 3 séc nhỏ cho 3 lần bứt phá ngắn. Ngoài chuyện ai đang nắm giao bóng, chiến thuật thi đấu còn dựa trên ai đang dẫn điểm và xa bao nhiêu. Nếu tỉ số cách nhau 1 điểm hoặc hòa thì tính đến chuyện ai đang nắm lợi thế, vì nếu sau 6 quả đầu mà A để hòa tức là đang mất lợi thế khi vào sau lần lau mặt đầu tiên. Nếu để 6-6 thì B cần phải trụ vững hoặc cố gắng hơn vì A sẽ bứt phá để về 10-8 trước khi B nắm hai quả giao chót. Tổng thể là như vậy, nhưng thế trận không phải lúc nào cũng đều nhau.
Nếu đầu séc 1 A chọn giao bóng thì sẽ nắm giao bóng trước trong séc 3, 5 và 7, B sẽ nắm giao bóng trước các séc 2-4-6, nghĩa là ít hơn 1 séc. Thế trận ấy buộc B luôn phải cố gắng hết mình giành lợi thế trong các séc lẻ và cố gắng dẫn điểm gác trước trong các séc chẵn. Trong séc 7 sẽ có một lần đổi bàn khi một bên lên tới 5 điểm, đó cũng là lần nghỉ lau mặt, tính chiến thuật cũng nằm trong ấy. Nếu gác điểm quá xa thì khó nói, nhưng nếu chỉ là 5-4 hay 5-3 thì B luôn có lợi thế trong lần đổi bàn này, A phải có chiến thuật thích hợp trước khi B ra lau mặt lần thứ 2, vì lúc này B sẽ bứt phá tăng tốc để gỡ điểm và tính luôn chuyện sẽ phải đở 4 quả giao bóng của A sau lần lau mặt tiếp. Đã là séc quyết định thì 6 quả này A phải cố gắng hết sức tận dụng 4 quả giao bóng chiến thuật để lấy 10 trước, hai quả giao bóng chót mà B để trượt một quả thì A sẽ ở thế trận “suýt chết” vùng lên, nên B cũng rất căng thẳng. Ai có tinh thần thép thì những lúc thế này sẽ đoán ra chiến thuật của bên kia là đánh an toàn hay đánh dứt điểm mà tùy thế gài bóng hoặc đánh trước.Một số đấu thủ thường đánh rất an toàn chờ thời cơ trong khi một số khác quan niệm rằng đối thủ nhát tay nên ta có cơ hội đánh trước chứ không thể để đối thủ tấn công ta trước. Vị trí người HLV lúc vào séc 7 hết sức quan trọng vì phải dự đoán trước tình hình giằng co lúc cuối trận, cái hay của một cao thủ là lúc này, thời của cao thủ cũng nằm ở lúc ngắn ngủi này. Thỉnh thoảng em cũng thắng ở những ván chót, như có ai cầm tay đánh dùm vậy, đánh xong ra không hiểu sao mình đánh được như vậy.
Một đối thủ vào trận khi không có một chút hình dung tỉ số cuối trận sẽ ra sao thì sẽ luôn thi đấu trong thế “tùy cơ ứng biến” nghĩa là luôn đi sau người ta. Vào trận bọn CNT luôn tính đến chuyện phải thắng khi nắm giao bóng (nếu như tính toán đúng thì sẽ là 10-8 rồi thắng luôn 11-8 hoặc 11-9) và cố thắng ít nhất một séc khi đở giao bóng (cố tới 9-9 trước rồi ăn hai trái giao bóng cuối), đó là thế trận căn bản và là cái khung sườn của trận đấu mà chúng đều phải làm sao để kéo trận đấu về lại cái thế ấy, giống như kỹ thuật căn bản vậy. Đó là cái tổng thể của trận đấu, còn làm sao thắng một séc thì cũng đã có cái sườn chuẩn. Vào trận mà không có cái hình dung con đường 11 điểm của mình sẽ đi thế nào thì cũng như đi xa mà không xem bản đồ trước vậy. Suy nghĩ theo bình thường thì “thắng nhiều nhất có thể”, cũng như cố gắng chạy nhanh nhất tới đích đến, nhưng trận đấu bóng bàn không phải là chạy đua mà mỗi đấu thủ một lằn chạy riêng biệt. Đây là một cuộc chạy đua giữa hai đấu thủ nhưng chỉ có một đường chạy, có quyền lấn nhau, bắn nhau hoặc gài bom như đua xe điện tử vậy. Thằng chạy trước chưa chắc đã thắng vì có thể bị bắn mất trớn, đứa chạy sau có thể cán mìn chậm hơn nữa, còn ngang hàng nhau thì có trò lấn đầu hoặc níu kéo nhau.Thường thì những đấu thủ nào vào trận tìm cách đàn áp đối thủ để bứt phá tạo khoảng cách thì cuối séc thường bị đuối với thế trận bên kia vùng lên. Xem CNT đấu nhau, nếu một bên thắng quá đậm thì séc sau bên kia sẽ trả thù đớp lại ngay, cái thắng làm mất tinh thần nhất không phải là thắng đậm, mà là thắng thuyết phục 11-9 theo đúng cái sườn chiến thuật. Một séc thắng đậm thường là do lỗi của bên kia hoặc là do chiến thuật bên mình phát huy hiệu quả, nếu có HLV giỏi thì bên kia sẽ vực dậy ngay hoặc có bài phá thế trận vừa rồi của mình ngay. Đánh thắng đậm là đánh dỡ, vì đơn điệu chỉ dựa vào một vài yếu tố có thể thấy và thống kê được, sau đó chính mình sẽ bị đánh lại. Đánh một séc đấu sao cho HLV bên kia không có bài chính để chỉ thì mới gọi là hay, nghĩa là bên kia thua vì quá nhiều lý do hoặc không hiểu tại sao, vd như thế trận cân bằng tới 9-9 rồi ta bức phá thắng 11-9 thì HLV bên kia khó lòng mà chỉ đạo. Đưa ra chiến thuật lúc 9-9 thì quá sớm, mà thế trận lúc giữa hiệp có gì sai để mà nhắc nhở đâu, vì thế séc sau ta mới dễ dàng thắng tiếp nữa. Chính vì vậy mới cần đánh theo cái sườn chiến thuật chứ không phải chạy cho bứt hơi phơi hết bài ra rồi thua những séc sau.
  1. Từng lần 2 quả giao bóng
Một séc đấu trung bình mỗi bên cầm 5-6 lần 2 quảgiao bóng và cũng tương đương số lần đở giao bóng. Trong 6 lần đó phải xoay trở để chia ra quả nào là thăm dò quả nào tăng tốc, lúc nào nên đánh theo bài của đối thủ mà lúc nào buộc phải quăng chủ bài của mình ra. Trong 6 lần bị động thì phải luôn tìm cách đưa thế trận trở về thế cân bằng, đoán trước khi nào thì bên kia quăng bài tủ ra để mà dập trước. Thường thì trong thế trận giằng co cả hai đều sợ lẫn nhau thì không ai dám quăng chủ bài ra trước, vì tiếp theo hai quả bên kia giao cũng sẽ chơi lại mình, thành ra thế trận nước rút chém giết nhau chưa chắc bên nào sẽ đuối trước. Hạ những quả knock-out ở những lúc mà bên kia không có cơ hội trả đũa thì mới là thượng sách. Nếu là CNT đấu nhau mà không có HLV đứng sau thì đứa nào giỏi chiến thuật hơn sẽ thắng. Còn đấu với TG thì luôn có những điểm thăm dò và những điểm đánh gục đà bứt phá của đối thủ, nghĩa là tiêu diệt mối nguy hiểm ngay khi bên kia mới nhen nhóm ý tưởng. Khi CNT đánh với Boll hay Schlager thì hễ bên kia tung hai cú sở trường ra thì bên CNT cũng quăng bài mạnh ra, còn hễ đang gác điểm thì bọn CNT sẽ đánh an toàn giữ khoảng cách hơn. Một trận đấu luôn được ghi hình lại cho nên điều dỡ nhất là đem các bài độc ra xài không đúng lúc, và tệ hơn nữa là khi ấy bộc lộ những điểm yếu cho mọi người thấy. Đánh thắng một trận mà để lòi hết mọi thứ ra thì cũng còn tệ hơn thua, nên từng lần 2 quả giao bóng chúng tính toán rất kỹ chứ không phải cái trò móc túi chơi hết như công tử Hà Thành.
Có dạo trên bb.org đăng bài viết của một bác, nói rằng chiến thuật trong từng lần nắm 2 trái giao là phải cố lấy cho được một điểm bằng bài tủ, rồi điểm thứ 2 sẽ nhẹ thở hơn. Trong khi nếu đở giao bóng thì cố lấy được một điểm, còn điểm sau đó là phần thưởng. Nghĩa là từng lần hai trái giao bóng chỉ cần cố lấy một điểm, nếu nắm giao mà chỉ thắng 1 thì xem như lỗ mà bị đở giao vẫn lấy được 1 thì xem như lời. Nếu giao mà lấy 2 thì đại thắng nhưng đừng để hai quả sau thua trắng lại. Sau 4 quả mà lấy được 3, 6 quả mà lấy được 4 thì xem như thắng được 1/3 đoạn đường đầu. Một trận đấu 11 điểm được chia thành 11 “lần giao bóng”, ai thắng nhiều “lần giao bóng” hơn thì sẽ thắng séc ấy. Đây là một kiểu chia nhỏ séc đấu chiến thuật, nhằm để vdv tập trung vào từng bóng từng giai đoạn hơn là lo lắng tỉ số chung cuộc. Theo nguyên lý này thì chỉ cần thắng 11-9 chứ không cần thắng đậm, nhưng tâm lý thi đấu rất thoải mái và tự tin. Đây là thế trận của kẻ trên cơ, nhưng nếu ở thế lép hơn hoặc bị bên kia tăng tốc dẫn sớm quá thì phải đổi lại thành bài chạy nước rút, cố thắng luôn một lần 2 quả đở giao bóng rồi lụm luôn 2 quả giao bóng nữa, sau đó thì bên gác điểm sẽ bị tâm lý ảnh hưởng rất nặng. Chính vì ngăn chặn 4 quả Tứ Quý này mà khi gác điểm bọn CNT vẫn chơi trò đè cho ngộp, nếu nhác thấy kèo dưới muốn ngoi lên thì chúng móc hết tuyệt chiêu ra bóp nghẹt cái ý tưởng ấy luôn, hoặc là dùng các thủ thuật làm nguội trận đấu, khai thác tâm lý bắt bài chiến thuật hoặc làm mất nhịp đối phương.
  1. Từng lần 6 quả – lau mặt
Luật bóng bàn TG quy định chỉ được ra lau mặt câu giờ sau 6 trái, nếu lở sút dây giày thì phải được trọng tài cho phép (bằng các giơ tay xin), sau 2 quả mới được lau kính (cũng phải xin trọng tài vì luật không cho phép mỗi trái mỗi lau kính). Không có chuyện như ở VN cứ tới điểm căng thẳng thì cứ ra uống nước (chỉ nghỉ giữa séc mới được uống nước) hay lau mặt, cột giày hoặc đơn giãn là câu giờ không có lý do nào. Các bác ấy cứ tưởng làm vậy là thông minh ghê lắm, tâm lý dữ lắm,…nhưng thực tế là đã mất cái sườn chiến thuật, bị động trong từng trái. Em có bằng trọng tài ITTF cấp 1, em bắt trận đấu mà ai cố tình câu giờ sai luật là em cho thẻ vàng, rồi lần sau cho thêm cái thẻ đỏ trừ 1 điểm cho sợ. Bắt khó là cách thể hiện mình tôn trọng những đấu thủ chơi đúng luật, mà cũng giữ đúng tính chiến thuật của 6 trái ra lau mặt. Nếu trong một trận chỉ được lau 3 lần thì tính chiến thuật rất cao, đang đánh bí đường mà ra lau mặt hít thở một chút thì tự nhiên tỉnh táo thông minh hẳn ra, cứ như là quên hết để bước vào một séc mới vậy. Động tác lau mặt đó cũng đồng thời là lau luôn cái suy nghĩ yếm thế hoặc gạt bỏ cái tâm lý đang bị thua điểm. Tác dụng rất lớn nên khi thi đấu em thấy ai mang khăn vào sân và lau mặt đúng luật là em luôn cẩn thận, vì chính mình cũng biết những chuyện ấy. Một lần ra lau mặt xong vào là trận đấu khác liền, chính vì thế nên khi tính toán chiến thuật một séc đấu phải coi trọng vấn đề ra lau mặt. Đó là cái mốc để “sống” trong trận đấu, vì có vào đứa thi đấu là chỉ biết giao bóng rồi đở giao bóng, cố gắng thắng mà không biết mình đang ở đâu mà thế trận đang như thế nào.
Sau 6 quả đầu tiên thì ra lau mặt lần đầu. Trong 6 quả này thì A (giao bóng trước) chiếm lợi thế vì được tới 4 lần giao bóng, nghĩa là A phải cố gắng thắng sau 6 điểm đầu tiên. Tỉ số là 4-2 cho A là đẹp nhất, nếu để 3-3 thì coi như A thua trong 6 điểm đầu. Chiến thuật bóng bàn Tàu trước đây dựa vào cú giao bóng, khi chưa có kiểu trả giao bóng tấn công bằng Bh flick, nên bên giao luôn có lợi thế rất lớn. Từ 2009 trở đi thì thế trận có phần cân bằng hơn, dù sao thì nắm giao bóng vẫn có lợi hơn, cho nên em vẫn thấy bọn Tàu rất cẩn thận khi nắm lợi thế này. Trong 6 trái đầu thì mục tiêu cơ bản nhất của B là lấy 3-3 trước đã, nếu thắng 4-2 thì quá ngon. Ra lau mặt vào thì B sẽ giao bóng 4 quả trong lần 6 trái tiếp theo, lúc này B phải cố mà tăng tốc tạo khoảng cách an toàn. Nếu tỉ số lúc vào là 3-3 thì B phải cố lấy 7-5 thì mới gọi là tạm ổn, trong 2 lần nắm giao bóng ấy B phải cố lấy một lần 2 điểm trắng, còn lại là cầm cự 1-1 và 1-1 (cố ăn một điểm khi A giao bóng). Trong 6 quả giữa này thì A thất thế, nếu là kèo dưới thì A sẽ cố gắng tới 5-7 là thành công, để cho 8-4 thì tệ quá rất khó gỡ. Ít có trận đấu nào kết thúc trước lần lau mặt thứ hai, nhưng để dẫn xa quá thì sau khi lau mặt vào thì B sẽ đổi chiến thuật: hoặc là thắng phủ đầu A hoặc là cầm cự đánh an toàn chờ A phạm lỗi. Trong 6 trái cuối cùng thì A nắm giao bóng, nếu thế trận là cân bằng thì A sẽ bứt phá trong 2 lần giao bóng, để lấy 10-8 trước. Nếu A bị dẫn điểm thì đây là cơ hội, vì không còn gì để mất, A phải chiến đấu điên cuồng – trận đấu hay nhất là lúc này.
Chiến thuật tận dụng giao bóng và tính toán cái dàn của một séc dựa trên 3 lần lau mặt chỉ áp dụng được khi hai bên trong thế giằng co, trình độ không chênh lệch lắm. Chứ trình A đánh với gà C thì chiến thuật kiểu nào cũng chết, vì không có nền móng để dựa vào. Cái nền trong chiến thuật này là phải có hơn một cú chắc ăn điểm (dựa trên chiến thuật 7 bóng tấn công), phải nắm nhiều phần thắng khi giao bóng thì mới áp dụng, bằng không thì phải tính hoàn toàn khác. Chiến thuật dựa vào các lần giao bóng này hay ở chỗ là nó tạo ra một tầm nhìn xuyên suốt séc đấu, thấy trước được các khó khăn và thuận lợi, biết trước lúc nào phải lấy đà, lúc nào chạy rút. Nếu là thế trận giằng co thì ít bên nào tung những đòn giao bóng rồi tấn công dứt điểm, vì sẽ ít có cơ hội thắng khi tâm lý đối thủ cũng ở thế tập trung cao độ. Tuy nhiên nếu thế trận là chênh lệch mà trình ngang nhau thì (nếu bên thua muốn thắng) buộc phải có những cú sở trường, bất chấp có bị bắt bài hay không. Ở đây phải xét tới tâm lý thi đấu, sự khác nhau trong tâm lý giữa bên dẫn điểm và bên thua điểm. Bên thắng điểm luôn có tâm lý thoãi mái và tự tin nếu gác trên 3, còn bên thua thì sẽ bị dồn nén đủ thứ tâm lý xấu. Tuy nhiên sự thoải mái có cái hại rất lớn, trong khi sự đè nén lại có khi là động lực rất mạnh. Trường hợp bên thua đột nhiên thắng hai quả khi đở giao bóng rồi lấy luôn hai quả khi giao bóng là bình thường. Điều đáng nói ở đây là trận đấu tâm lý giữa thế mất an toàn của kẻ đang thế thắng điểm bị gỡ lại (dù là bên kia ăn may) và sự liều lĩnh của bên “vừa về từ cõi chết”. Càng đánh nhiều em càng để ý thấy có nhiều tay chơi không giỏi lắm nhưng rất mạnh về tâm lý, nên khó nói trước khi đánh với họ. Những tay này thua chậm nhưng gỡ lại rất nhanh, bù lại có những tay vợt có thể thắng rất đậm nhưng rồi sau đó thua nhanh mà không tài nào gượng lại được. Em xin cắt ngang phần chiến thuật để viết về tâm lý thi đấu, mong các bác không nghĩ rằng sẽ làm loãng chủ đề.
Trước tiên em xin tóm tắt một quyển sách nhỏ có tựa đề “Get your game face on” phần 1 của tác giả Kathy Toon và Dora Kurimay (tạm dịch “làm sao để tập trung trong trận đấu”). Em cứ nghe các HLV chỉ đạo là “tập trung vào!” thế nhưng tập trung bằng cách nào thì em không hiểu, mà tập trung vào cái gì mới được? Trong phần này dạy cách tập trung vào từng điểm trong một séc, theo nghiên cứu của 2 tác giả thì cái khoảng “chết” giữa lúc xong một điểm và bắt đầu tung giao bóng là khoảng thời gian “vàng” để cho tâm lý và chiến thuật chen vào. Chiến thuật và tâm lý cũng có 2 cấp độ, lúc bóng đang nãy và lúc bóng chết – trong sách ấy đề cập tới phần tâm lý thứ 2. Có 4 điều mà một vdv cần phải làm, tóm gọn trong 4 chữ R: Reaction – Recover – Readiness – Ritual (tạm dịch: Phản ứng (1) – hồi phục (2) – chuẩn bị (3) – trình tự (4). Khi thắng điểm thì bọn CNT thường hét lên ăn mừng: xô-lê–Suu tay trái nắm chặt lại thành quyền, càng thua thì chúng hét càng to. Đây là điểm hay trong tâm lý, vừa giải tỏa bản thân (đẩy một lượng lớn khí trong phổi ra, khi căng thẳng chúng ta thường thở rất ngắn nên rất thiếu khí) vừa uy hiếp đối phương. Bên thua cũng sẽ làm một động tác tâm lý để đuổi đi cái cảm giác tức tối và tiếc nuối, vd phủi ruồi, nhìn và phủi mặt vợt hay nhìn ra xa khỏi bàn thi đấu,…rồi cũng hét vài tiếng cho sạch phổi. Đây là chỗ quan trọng, vì nếu bên thua vẫn còn giữ cảm giác tâm lý đó thì sẽ khó lòng mà đánh tốt điểm tiếp theo, còn bên thắng phải kích động tinh thần lên – nhất là lúc đang bị dẫn điểm. Thời gian hồi phục cũng rất quan trọng, tuy rất ngắn (theo luật ITTF chứ không có chuyện câu giờ như ở VN) nhưng buộc phải có. Đây là thời gian đi lượm bóng hoặc nếu đối thủ tóm bóng ngay mà giao tiếp thì theo luật ITTF vẫn có quyền buộc đối thủ chậm lại bằng cách giơ tay xin trọng tài. Lúc này hay nhất là thở sâu, một hoặc hai lần, vì cơ thể rất cần dưỡng khí, lúc hồi hộp tim đập nhanh thường là vì phổi quá thiếu khí, tim nhanh kéo theo tâm lý bị loạn. Giai đoạn chuẩn bị là lúc đưa cơ thể ra khỏi trạng thái hồi phục, làm sao để nó hưng phấn nhất, đây là lúc vừa chuẩn bị sức vừa tính chiến thuật. Không được tính toán gì trong thời gian hồi phục trước đó vì như thế là làm mất hẳn cơ hội refresh của đầu óc, chiến thuật cũng chẳng cần phải tính nhiều nếu đã có tập luyện rất nhiều ở nhà, (xem phần chuẩn bị trước trận đấu, sẽ viết phía dưới) cứ chọn trong các bài 1-2-3-4 sao cho hợp lý nhất thôi. Lúc này chúng ta sẽ thấy các đấu thủ nhảy nhảy, tâng bóng trên vợt, hoặc vừa quạt vợt vừa lườm lườm nhìn đối phương, đây là thời điểm phải tập trung cao độ vào mọi cử động của đối thủ và đoán trước bên kia đang thủ đòn gì. Đở giao bóng cũng phải chuẩn bị kỹ và giành lợi thế dù đang bị động, vd trước khi đở giao bóng Schlager còn thét một tiếng “come-on” như ra lệnh đối phương giao bóng, bọn CNT sau này cũng học theo. Bên đở giao bóng cũng phải quan sát và tập trung vào bên kia, đoán xem chiến thuật của đối thủ, quan trọng nhất là vị trí đứng và khoảng cách tương quan giữa tay cầm vợt với bàn, sao cho có thể đở tốt nhất quả giao bóng mà bên kia thường giao (theo chiến thuật cũ thì phải đoán rồi mới đở, đứng ở vị trí giữa để đánh dễ nhất). Để củng cố cái cảm giác “đang trong trận đấu” thì nhiều vdv sẽ có các kỹ thuật khác nhau, có người sẽ bấu các ngón tay trái thật mạnh vào mút, có người đưa vợt chạm vào bàn để tin chắc là mình đứng đúng khoảng cách tốt nhất,…Khi đã chuẩn bị xong thì phải nhanh chóng hình thành trong đầu một chiến thuật sẽ diễn ra theo thứ tự lớp lang thế nào, bao nhiêu khả năng có thể xãy ra,…rồi bước vào bàn đúng vị trí giao bóng, tung bóng giao theo đúng những gì đã tính. Đó là những gì mà một vận động viên chuyên nghiệp thường làm để tập trung cao độ vào trận đấu, ngay từng cử động tay trái, cách lượm bóng, cách vào bàn,…đều có tính tâm lý, chỉ cần nhìn là biết “prồ” hay không. Cho nên đâu cần phải chơi mút và vợt prồ cũng có thể khẳng định đẳng cấp trong từng điểm đấu.
Bên đở giao bóng cũng không phải là hoàn toàn lệ thuộc vào quả giao của đối phương, vẫn có thể tính trước mình sẽ cố làm cái gì để theo thế trận có lợi nhất, nếu không thì sẽ làm gì, chứ không phải kiểu “tùy cơ ứng biến”. Đành là người ta giao xong rồi mình mới đở, nhưng nhiều vdv khá láu cá khi bắt đầu chuẩn bị thì đứng xa khi bên kia vừa chuẩn bị tung bóng thì đột nhiên đổi vị trí bước vào gần (giả bộ hớ góc) rồi tùy theo kiểu giao mới phải lùi lại. Em chẳng biết Zhang Zike chôm trò này của ai, nhưng chú này (và thằng Fang học theo) chuyên gia cái trò sàn ngang khi đối thủ tung bóng. Đây là một chiến thuật đỡ giao bóng rất hay, kiểu như bắt chết một cửa rồi thủ cửa kia: nếu bất cứ bóng nào giao ngắn thì Zhang sẽ flick hết, dù bên nào – còn hễ giao xốc dài thì hắn sẽ lập tức lùi lại đánh Bh ngắn tay (động tác lùi và đánh cực nhanh không cần nhìn bóng, vì chỉ có một cửa là xốc xa vào góc trái, giao góc phải là nát xác ngay). Chính vì thủ một cửa nên nếu bóng vào ngay cửa này thì chú Zhang đánh rất nhàn nhã – vì đã tính hết rồi – nếu hơi nhú là chú bộp chết luôn bằng Bh. Ngoài ra nếu nhìn trên mặt tâm lý thì kiểu đở giao bóng này gây áp lực rất lớn cho bên kia, vì đã “lên kế hoạch” giao ngắn góc phải từ giai đoạn chuẩn bị (vì thấy đối thủ đứng xa) mà vừa tung bóng thì nó chờ sẵn ở đó thì tránh sao khỏi cảm giác bất an. Nếu cố giao khó thì dễ hư, mà đổi góc lúc này thì vỡ chiến thuật – cũng chưa chắc gì đã làm được, lỗi giao bóng sẽ rất nhiều nếu tâm lý bên giao không vững. Trong trận đấu nếu giao hỏng một quả và để đối phương tấn công dứt điểm quả khác thì tâm lý sẽ xuống dốc rất nhanh, chưa kể là lần giao bóng sau sẽ nhát tay hơn và mất chiến thuật chủ động khi nắm giao. Nếu đang gác 5 điểm mà bị thua xui 1 điểm, bị giao hư điểm nữa, bị bắt bài giao bóng để cho đối thủ tấn công trước,…thì khoảng cách bây giờ gần như là cân bằng, vì sau đó bên kia sẽ nắm giao 2 quả trong thế trận đang lên. Chúng ta sẽ nói yếu tố may mắn đóng vai trò “cái chết bất ngờ”, vì chỉ cần một hai quả “mai rùa” là thế trận tâm lý đã khác biệt hẳn rồi.
Trong một trận đấu khi mà đối thủ của ta có thêm sự may mắn, giống như tự nhiên bên kia đánh lưới và bôn hoài, hoặc tự nhiên nó đối giật như thần nhập (mà bình thường chỉ một hai quả là tèo, nghi là thần hàn Chim Đang Sung nhập vào) thì cũng có những đòn tâm lí mà “luật pháp cho phép”. Cách thường thấy là đối thủ tới gõ gõ lưới vài cái (nếu bóng leo lưới hơn 1 lần) hoặc đẩy nhẹ góc bàn (không được xê dịch chân bàn, coi chừng thẻ vàng) nếu bóng bôn bàn quá 1 lần. Nếu bên kia vẫn còn may quá thì khi lượm bóng, tay nào láu cá sẽ lấy áo hay quần chùi quả bóng mấy lần, hoặc nhìn chăm chúrồi phủi bụi – coi như chùi đi cái may mắn trên bóng. Có bác còn xá lạy quả bóng nếu nó leo lưới rồi bôn bàn, kiểu như quỳ lạy một đấng vô hình nào phù hộ bên kia. Các xão thuật ấy rất có tác dụng, cả siêu hình lẫn tâm lý, vì bên thua có quyền đổ thừa cho “lưới cao” hay “bàn ngắn” hoặc “bóng ướt”, khi sửa lưới, đẩy bàn hoặc lau bóng thì tự nhiên sẽ sinh ra hai tâm lý: một là đã trừ khử đi yếu tố may mắn của bên kia, hai là đổ lỗi cho trái bóng hoặc lưới cao chứ không có lý do gì là do mình hết, nên không bị mất tâm lý. Bên thắng điểm may mắn ấy đành phải chấp nhận những đòn “trả đũa” mang tính tâm lý cao này, thường là chỉ được cười trừ (chứ giận tím mặt vì bị lau mất cái may thì sẽ bị phản tác dụng). Bác Lê Văn Inh có viết một cuốn sách về “lịch sự trong bóng bàn” (chưa xuất bản rộng rãi) có nói rằng người Nhật họ có cách ứng xử rất hay khi thắng một điểm may mắn: họ hô rõ to “xin lỗi” rồi cúi đầu trước khi bên kia có biểu hiện gì (bọn Tàu và Tây chỉ giơ tay trái lên và nói xin lỗi). Thực ra – theo bác Inh phân tích – thì bọn nó điếm thúi: buộc trọng tài phải công nhận điểm tranh chấp ấy, kiểu như thay vì nói “điểm đó của tao” thì nó bày đặt lịch sự xin lỗi chứ trong tâm nó tính hoàn toàn khác, không có chuyện cảm thấy áy náy nữa vì nó đã cúi đầu rồi. Bọn Tây trước khi vào trận thì chào đối thủ bằng câu “chúc may mắn!”, chả phải là lịch sự hay chúc thật, mà có ý nghĩa tâm lý hẳn hòi: “mày chỉ có nhờ may mắn mới có cửa ăn tao!” (nhưng nếu ai không biết thì cũng chúc như thế nhưng không có ý gì). Bằng câu nói ấy thì vừa vào trận đã có thế trận tâm lý hơn đối thủ rồi, gài một câu để mình ở thế thượng phong, dù chỉ trong suy nghĩ (tự sướng kiểu A.Q), nếu có thua thì cũng tự an ủi “mày chỉ ăn may thôi, hãy đợi đấy”. Những “chiêu tâm lý” này trọng tài không bắt được, ở thế bị thua điểm vì xui thì nên làm, vì nó có tác dụng gỡ rối tâm lý cực kỳ mạnh. Đang dẫn trước 2 điểm mà bị một quả leo lưới một quả bôn bàn thì không gì tức bằng, mà thường trận nào may thì bên đó cứ may suốt cứ như ngày đó của hắn mua vậy – nếu không có các chiêu xảo thuật này thì sẽ bị ức chế dẫn đến thua séc đó và có nguy cơ tụt dốc mấy séc sau luôn.
Khi gặp phải thế trận mà một bên đang lên ngon trớn còn bên kia bế bài, kiểu như A giao bóng trong lần 6 quả đầu mà để B dẫn 5-1, sau đó vào thì B giao bóng chuẩn bị xơi tiếp. Thế trận này A phải có một hai quả chiến thuật để “cắt cơn” của B, không còn đơn giãn chỉ là đổi bài nữa. Em cũng bị nhiều bác chơi trò này, bị thua tới nửa trận thì đột nhiên lão lốp bóng lên thật cao cho em đập rồi lùi ra thủ – dù rơ của lão không có trò này – hoặc đổi sang rơ cắt bóng xa bàn. Lỡ mà quả đó em tấn công 3-4 lần rồi thua thì mệt đấy, vì coi chừng mình đã mất bài mà mất cả thế trận tâm lý nữa. Những chiêu ấy không phải là “xão thuật của kẻ kinh nghiệm” mà được dạy chính quy trong phần tâm lý thi đấu. Phải xài lúc giữa trận là hay nhất, khi điểm số khoảng 6-7, vì nếu cắt được cơn điên của bên kia thì vẫn còn đủ thời gian để gỡ lại, sau đó phải tung hết sở trường ra làm bên dẫn điểm bối rối (đang trớn tấn công mà buộc phải phòng thủ). Chỉ cần thắng liên tục 3-4 quả thôi là thế trận sẽ cân bằng lại, với cán cân bắt đầu nghiêng về bên lúc đầu bị dẫn điểm. Một điều đáng nói hơn là có nhiều bác khi say sưa thắng điểm thì tự nhiên tâm lý bị bó hẹp vào mấy đòn ấy (vd đang đánh Fh như thần nhập) mà bên thua cắt cơn xong còn giỡ bài đổi góc buộc phải đổi Fh và Bh liên tục thì tự nhiên bên đang thắng sẽ bị mất cả Bh rồi sau đó Fh cũng không còn như xưa nữa. Chính vì thế mà ngay từ đầu em có nói rằng thắng xa quá ngay từ đầu cũng không phải là hay, vì nếu bị đối thủ bắt bài lại rất dễ hỏng séc đó và séc kế tiếp.
Nhiều bác sẽ trợn mắt há miệng vì những trò tâm lý này, nhiều bác sẽ bảo “trò này quen quen”, nhưng ít có bác nào tỉnh táo trong từng séc từng điểm đủ để áp dụng tất cả các chiến thuật này, đa số làm vì “kinh nghiệm chiến trường” mà thôi. Vài bác đánh độ bia nhiều, chung độ mãi thì cũng biết thêm chút ít, nhưng đa số là những chiêu “ngoài vòng pháp luật”. Kiểu như bên kia chuẩn bị giao thì giơ tay xin ngừng rồi câu giờ một lúc lại vào, hoặc là cố tình nhập nhằng che chọi gây ức chế đối phương (trái làm trái bỏ, cũng không hẳn là che hết tay giống như trò “rút ra không kịp” vậy), và còn nhiều trò lắm. Những gì em viết về phần chiến thuật tâm lý giữa hiệp này hoàn toàn được dân “pờ-rồ” xài vậy mà ở VN không thấy ai dạy cho dân năng khiếu hay chuyên nghiệp cả. Dù có dạy thì cũng không có cơ hội áp dụng, vì vào trận quá nhanh, dù gác điểm, giằng co hay thua điểm thì cũng cố mà “tập trung vào quả bóng”, cho tới khi thấy đối phương gần tới đích rồi thì mới xoắn cả lên, có chú vào đánh xong thua ra còn không hiểu tại sao nữa. Bản thân em cũng biết mấy chiêu này nhưng vào trận nhiều khi cũng bị cuốn vào các suy nghĩ chiến thuật – chiếm hết cả bộ nhớ RAM thời Win98 – thì làm sao mà tỉnh táo củng cố tâm lý được. Em viết khúc tóm tắt về tâm lý này trong phần tính chiến thuật trong 6 điểm lau mặt cũng vì lý do ấy: nếu không nhớ được các lần lau mặt thì sẽ không thể nắm được mình đang ở đâu trong trận đấu, đó là 3 cái mốc rất đơn giãn nhưng cực kỳ quan trọng. Đọc xong các bác thấy nó quá đơn giãn nhưng chiều nay vào trận các bác sẽ quên ngay cho tới khi bước ra ngoài trả tiền nước mới tức mình tại sao quên.
Tóm lại, các bác phải luôn nhớ điểm số, mỗi lần xong một điểm phải áp dụng 4Rs, lúc Readiness phải nhanh chóng kiểm tra lại mình đang ở khúc nào trong trận, điểm số có lợi cho ai, phải làm gì với điểm số như thế, chiến lược gì trong 4 quả tiếp theo rồi nhanh chóng tìm chiến thuật cho quả sắp tới (chỉ trong vòng 10 giây). Một khi đã nắm được cái sườn của trận đấu và “giác ngộ” mình đang ở đâu, giai đoạn nào, thì tự nhiên cái đầu sẽ tỉnh táo hẳn ra, chiến thuật và kỹ thuật lúc bóng sống sẽ rất chắc và đầy tự tin. Em nhắc lại là 4Rs là một chuổi phản ứng rất hay, luôn giúp mình nhớ rõ cái sườn trận đấu và luôn tỉnh táo để có thể toàn tâm và điểm tiếp theo, nếu quên 4Rs thì cầm chắc là đang bị trận đấu “thôi miên” hoặc bị đối thủ “làm bay mất hồn vía” rồi. Nếu đã nắm “một séc đấu có 11 điểm, 3 lần lau mặt” thì dầu có vừa thua hay thắng một điểm thì trong đầu ta sẽ hình thành ngay những con đường chiến lược cần phải đi tới đích, kiểu như “còn 5 điểm nữa, cố thắng trong lần giao bóng này là còn 3 thôi, phải tung tuyệt chiêu sở trường,…”. Như thế sẽ ít bị áp lực trận đấu, biết dưỡng sức và tăng tốc đúng lúc, bắt bài đối phương,…và quan trọng nhất là biết mình phải làm gì để chiến thắng. Muốn vậy thì phải tập dần ngay từ căn bản, mỗi lần đánh séc là phải chậm rãi, chú tâm vào điểm số và chiến lược ở từng giai đoạn cho thành thục, chứ đừng nên nhắm mắt chạy cho nhanh “tới đít”. Nếu hai đấu thủ ngang sức nhau mà bên nào thi đấu từng điểm với quy củ rõ ràng thì cầm chắc sẽ vượt trội ít nhất là 2 bóng, cho tới khi vào những điểm nước rút thì anh ta cũng đang ở tốc độ và phong độ rất cao nên cầm chắc là có lợi thế.
  1. Bốn quả giao bóng chót
Đây là 4 điểm quyết định của trận đấu, là lúc phải có phong độ tối đa để tăng tốc nước rút để về đích 11 trước đối thủ. Nếu A giao bóng trước thì sau lần lau mặt thứ 2 A giao rồi đến B giao một lượt là vào 4 quả chót. Nếu đứng ngoài suy nghĩ thì thấy điểm nào cũng giống nhau, cũng là một bước đi đến nấc thang số 11 (nếu với suy nghĩ ấy thì đấu thủ sẽ bứt phá ngay từ điểm đầu tiên). Nhưng với cái nhìn chiến thuật thì một bước ở sát đích đến có giá trị hoàn toàn khác một bước ở giữa đường, dù khoảng cách mỗi bước là như nhau. 4 điểm cuối cùng có thể gọi là “vòng 16m50” trong bóng đá, vào tới đây là lúc sinh tử. 4 điểm này được chia như sau: nếu A nắm giao bóng trước từ đầu trận thì A sẽ giao 2 quả đầu, sau đó ra lau mặt và B giao hai quả tiếp theo. Giả sử thế trận là giằng co giữa hai đấu thủ ngang nhau, điểm số đang là 8-8. Nếu điểm số chênh lệch thì chỉ cần một bên tới 8 điểm thì xem như vào thế cờ tàn. Con số 8 này là do kinh nghiệm của em mà ra, các HLV khác nhau sẽ có các triết lý khác, họ sẽ quy định con số mốc khác nhau. Em lấy con số 8 vì nếu bên gác điểm nắm giao bóng thì vẫn còn một cơ hội cho bên thua gỡ lại. (Nếu 8-5, bên 8 giao bóng trái nữa, bên thua cố ăn quả ấy rồi nắm hai trái giao vùng lên lấy 8-8. Đó là do bên thua lấy đà đúng lúc nên sẽ tăng tốc qua mặt bên thắng đang bối rối). Dù bên dẫn điểm có thắng thêm 1 điểm trong lúc giao bóng thì mới chỉ có 9, cần phải có 2 quả nữa – 2 quả tuy ngắn nhưng trong những lúc căng thẳng sẽ thấy dài thườn thượt, vì không lên nổi 1 điểm khi đối thủ đang hừng hực thế trận xông lên.
Cái sườn căn bản là lúc hai đối thủ ngang nhau 8-8, A nắm giao bóng đầu trận sẽ giao hai quả này. Ta sẽ thấy séc 11 điểm lúc này chỉ còn thu gọn lại trong 4 điểm: A giao, nghỉ giữa trận, B giao rồi sút 11mluân lưu. Thế trận 4 điểm này buộc phải tập luyện ngay từ giai đoạn căn bản, tập mỗi ngày, và trở thành một thế chiến thuật căn bản bắt buộc các vdv chuyên muốn “uống nước miễn phí” phải biết rành. Ai giỏi thế trận này sẽ luôn cố gắng cầm cự (nếu dưới cơ) cho tới 8-8 thì coi như thành công. Trận càng ngắn thì sự “may rũi” càng cao, chưa chắc ai hơn ai, tính đột biến, bùng nổ, tâm lý chiến thuật,…thể hiện rõ trong lúc này. Đây là lúc một “cao thủ thực sự” phải chứng tỏ bản lĩnh và đẳng cấp chứ không thể đổ thừa đối thủ có “phong độ nhất thời” được. Vì là một trận đấu thu nhỏ nên nó có đầy đủ các tính chiến lược chiến thuật trong từng lúc bóng sống hay bóng chết, giữa các điểm, các lần giao bóng và nghỉ ra lau mặt. Lúc này cũng là lúc trọng tài hai bên làm việc mệt nhọc nhất, vì các đấu thủ sẽ giở đủ trò “ngoài vòng pháp luật ra”. Bóng cũng sẽ có tần số chạm lưới và bôn bàn nhiều hơn giữa trận, vì căng thẳng nên rất dễ phạm các lỗi sơ đẳng trong giao bóng, là lúc các đấu thủ thường câu giờ nhất. Đúng luật là chỉ một lần nhắc nhở, lần hai cảnh cáo thẻ vàng, lần 3 là thẻ vàng thẻ đỏ rồi trừ 1 điểm (lần 4 mất 2 điểm và lần 5 đuổi ra sân rồi gọi Tổng Trọng Tài). Nếu trong trận đã bị nhắc nhở rồi thì lúc này đừng nên để bị thẻ hay trừ điểm rất ức chế tâm lý.
Đánh như thế nào, chiến thuật nào cho 4 quả này? Đó là câu hỏi mà chỉ có các đấu thủ trong trận lẫn các HLV chuyên nghiệp theo dõi sát sao trận đấu mới có thể trả lời chính xác được. Em chỉ có thể “hí luận” trên cái nhìn tổng thể của một HLV có chứng chỉ ITTF Coach level 2, bác nào chê em “phủi” thì chắc là dân “chính quy” ở VN phải đánh chiến thuật khủng lắm! Các chiến thuật cho 4 quả cuối này được dựa vào 3 yếu tố: sự đánh giá tổng quát đối thủ trước trận đấu (phỏng đoán), sự đánh giá trong trận đấu (có thống kê) và chiến thuật nào bên mình đang mạnh nhất (tâm lý vững). Trước khi vào trận đấu ta phải đánh giá (đoán) sơ qua đối thủ, hoặc có thống kê từ các trận trước đó, vd như: thằng này yếu Bh, chơi bóng trong bàn dở, thường đánh an toàn hay tấn công lúc cuối trận, sợ quả giao gì, yếu đối kháng với đòn gì, góc nào, bộ chân yếu thế nào,…Nếu ta nhận xét đúng cái “bản tánh” của đối thủ thì cầm chắc đoán trúng 90% hành động của hắn lúc cuối trận, vì lúc này chúng ta thường đánh theo cảm tính và quay về với thói quen hoặc các bài tập cơ bản hằng ngày. Thằng mạnh Bh thì chả dại gì đánh Fh lúc này, nó sẽ nhè đẩy bóng dài qua trái của mình rồi chờ sẵn Bh dứt điểm. Thằng đánh chặn đẩy đều thì sẽ tìm cách đưa thế trận về chặn đẩy buộc ta phải di chuyển rồi đổi góc, chứ chả dại gì mà gò ngắn. Ở đây mới chỉ bàn tới cái “bản chất” hay các “triết lý bóng bàn” của từng đối thủ, chứ chưa tính tới chiến thuật. Vì chiến thuật chỉ là cái ngọn, nắm cái “tư duy triết lý sống” của họ thì sẽ đoán ra hành động, chứ đoán hành động mà không rõ bản chất từ đâu thì sác xuất bị sai lầm rất cao.Yếu tố thứ 2 là những gì đã xãy ra từ đầu hiệp đấu hoặc trận đấu. Vd thằng đó bình thường mạnh Fh nhưng hôm nay nó bị hư nhiều quá, tay đó sợ bóng xoáy nặng vì giật cắm lưới mấy quả rồi, mình đập hư mấy quả nên có thể nó sẽ chơi trò thủ xa bàn, nó ăn mình mấy quả chéo góc nên nó nghĩ mình yếu di chuyển,…lúc này phải nhanh chóng thống kê lại những quả đã diễn ra trong séc ấy, nếu nhớ được mấy séc trước đó nữa thì cũng tốt, nhưng thường séc trước ít liên hệ bằng mấy điểm vừa diễn ra sát đây nhất. Vd nó vừa đánh hỏng hai quả Bh nên có thể nó sẽ không dám liều nữa, đẩy sâu vào góc trái thì nó sẽ đở lại nếu không sàn đổi bộ kịp, nếu nó liều tiếp thì nó sẽ đánh vào đâu và như thế nào,…Sau khi xét lại hai yếu tố đầu thì sẽ gần như đoán ra đối thủ sẽ chơi trò gì và mình cần phải làm những gì để đối phó và giành lợi thế. Binh pháp có câu “biết người biết ta”, bên “người” thì chỉ có đoán xác suất, nhưng bên “ta” thì mới phải tính toán chi li hơn. Cần biết cái gì ở ta? Biết là ta đang mạnh ở những mặt nào, vd hôm nay cú Bh đối giật trên bàn của ta tốt quá, toàn đưa đối thủ vào thế bị động. Hoặc hôm nay đánh Fh sao an toàn quá, giật góc chính xác mà đối giật lại quá hiệu quả, nhưng bóng trên bàn ta hỏng khá nhiều và đở giao hơi kém. Cần phải tổng kết một lượt thật nhanh rồi mới biết mình có lợi thế ở những cú gì, nếu thiếu giai đoạn này thì sẽ quên mất là mình có cả đống đồ chơi khủng, lại đi xài loại yếu nhất. 4 quả rất nhanh nên chỉ cần 2 chiến thuật thôi là đủ chơi rồi, lựa ra 2 bài mạnh và thích hợp nhất lúc này là một kỹ năng đặc biệt mà không phải đấu thủ bóng bàn nào cũng làm được, dù đã mang danh là “cao thủ”. Chính vì thế cần phải luyện tập thường xuyên, dù thi đấu trên cơ hay yếu thế, vẫn cứ phải áp dụng trong từng séc thì mới thành phản xạ bản năng được, vào trận tới lúc này là tự nhiên tỉnh hẳn ra chứ không rối như gà mắc tóc. Một bên có thể hơn bên kia hai bóng nhưng vào lúc này mà tối mù thì hai bóng đó teo mất tiêu rồi.
Những trò chiến thuật này không phải em tự biết, mà học được từ những tay lão làng chơi bóng gần cả đời, dù kỹ thuật của em cao hơn nhiều nhưng rất khó thắng mấy bác ấy. Đến nổi mà khi thi đấu em phải giấu đi một bài tủ không bao giờ xài, hoặc giả khùng lộ ra vài điểm yếu rồi cầm chắc là cuối trận sẽ bị khoét ngay chổ ấy. Mỗi lần ra thi đấu là được học thêm rất nhiều về chiến thuật và tâm lý, vì đối thủ chỉ hy vọng thắng em trên mặt trận này. Đó là vì em dùng kỹ thuật hiện đại ép các bác ấy tung hết các bài chiến thuật ra, rồi tới lượt em đánh với những đứa trâu hơn thì em lại áp dụng những chiêu ấy. Bóng bàn là môn thể thao mà kẻ yếu sức vẫn có cơ hội thắng trận, nhiều ông già Tàu lụm khụm vẫn thắng cao thủ có hạng quốc gia như thường. Xem một trận đấu đỉnh cao, có người chỉ tấm tắc khen đánh đẹp quá, có người cố gắng ghi nhớ vài quả xẹc-vít “độc”, có bác thích xem rồi cóp-pi kỹ thuật động tác tay, nhưng em xem một trận đấu đến cả trăm lần mà đều thấy được những cái hay mới lạ cả. Đánh một trận cũng vậy, có người bước khỏi bàn chỉ còn cảm giác thắng thua nhưng có người tranh thủ tập được rất nhiều kỹ chiến thuật và tâm lý, mà chỉ có đánh trận thật mới rèn luyện được.
Quả lau mặt lúc tỉ số 9-9 hay 10-8 là cực kỳ có ý nghĩa, cũng như 2 lần trước đó chỉ được bước ra lau lau rồi bước vào, lúc này mà câu giờ thì buộc trọng tài phải can thiệp. Có 2 kiểu kéo dài thời gian thường thấy: thứ 1 là vì tính toán chậm quá nên cần phải có thời gian suy nghĩ để tìm chiến thuật hợp lý, còn lại là câu giờ vì tâm lý, muốn đối thủ nguội lại hay lỡ nhịp. Cả hai kiểu câu giờ này đều bị trọng tài phạt rất nặng, dẫn đến phản tác dụng tâm lý (xấu hổ, bị mất quyền lợi, bị buộc phải mất nhịp), nhưng thực ra chỉ có tác dụng khi chơi phong trào. Nếu đấu với một tay có tập luyện chiến thuật từ thời căn bản thì càng câu giờ càng bất lợi, vì hắn càng mạnh hơn và tỉnh ra, chưa cần sự can thiệp của trọng tài. Xem CNT đấu nhau thấy chúng “bị buộc phải ra lau mặt” và “cố gắng làm cho nhanh nhất” vì ngoài trận đấu trên bóng sống, chúng còn đấu nhau cái tốc độ xử lý CPU nữa. Tính nhanh hay chậm gì thì cũng chỉ có mấy kết quả thôi, tụi CNT đã đưa phần tính toán chiến thuật vào phần cảm tính hay tiềm thức, vì đã tập nhão như cháo lòng rồi. Cho nên chỉ cần thấy bên kia hơi rối bài hay xuống sức là chúng sẽ làm cho nhanh nhất có thể, gây áp lực cho bên kia và cả trọng tài. Bài toán cần phải giải quyết lúc này là “làm gì trong hai trái cuối?”, bên giao và bên đở sẽ có kết quả khác nhau. Theo kinh nghiệm của em thì ra lau mặt là để refresh, thư giãn và tĩnh tâm. Lau mặt để giải phóng bộ nhớ RAM đầy rác, chứ không phải là lúc tính toán chiến thuật. Căn cứ theo 4Rs thì lúc ra lau mặt sẽ nằm trong giai đoạn Recover, lau xong vào bàn nhảy nhảy vài cái cho toàn thân sung lên thì mới là lúc suy nghĩ chiến thuật chớp nhoáng, là lúc cái đầu làm việc hiệu quả nhất. Còn ra lau mặt mà trong đầu đầy những bực mình như “tại sao kỳ vậy…”, “quái quỉ”, “sao thế nhỉ…” thì khi vào trận cũng chỉ là con gà bị cột chân thôi.
Hai quả giao bóng quyết định cũng sẽ nằm trong phần chiến thuật chung của 4 quả chót, được tính toán dựa trên các yếu tố đã phân tích bên trên, chỉ có điều là bây giờ B sẽ giao. Nếu A không lấy được 10-8 thì giờ là lúc “đền tội”, nếu đã lên tới “game point” trước thì lúc này sẽ có tâm lý rất thoãi mái, sẵng sàng đối phó toàn bộ hỏa lực tổng tấn công của B. Một trong những nguyên nhân để những tay gác trước 10-8 mà còn thua là tâm lý an toàn hoặc chủ quan, cứ nghĩ bên kia bị áp lực sẽ dễ đánh hư, nên dù có gài bóng khó thì trong tư duy vẫn yếu chổ phòng thủ phản công. Nếu giữ suy nghĩ này mà bị đối thủ tấn công thì chắc chắn sẽ là bóng phòng thủ, chứ không thể là đòn phản công, đây là chổ B bắt bài để thắng một điểm. Cái tâm lý ấy khó lòng mà thay đổi chớp nhoáng trong quả tiếp theo, căn cứ theo “sức ỳ tư duy”, A sẽ cố gắng thủ tốt hoặc tấn công trước, đây là cái hay trong việc đoán chiến thuật, bằng cách đoán tâm lý đối phương. Chiến thuật hay nhất của A lúc gác điểm thường là phản công, vì B nắm giao nên khó lòng tấn công, mà phòng thủ thì khả năng thắng cực thấp khi B đã lên đỉnh. Chỉ có phản công mới buộc B khựng lại rồi mới có cơ hội đè lại bằng hỏa lực bên mình. Có bác từng viết chiến thuật rằng tụi CNT thường giao bóng lỏng hoặc giao ngắn xoáy lên lúc cuối trận, căn cứ trên thực tế sức khỏe và áp lực nên khó lòng tấn công dứt điểm trước, chờ bên kia đở lại thì bóng cao cho mình dứt điểm (Wang Liqin và Ma Lin thường xài). Trước 2005 thì đây là chiến thuật hay, nhưng từ khi có thế hệ Ma Long trở về sau (cộng với BH Tenergy) thì cú giao ngắn xoáy lên không còn sức mạnh chiến thuật cuối trận nữa. Những trò đánh bóng ngắn và tấn công trên bàn của bọn CNT đã lên tới mức hoàn hảo, nên thay vì chỉ có đở ngắn hoặc đẩy dài thì giờ đây chúng có cú Bh flick rất lợi hại, giao ngắn xoáy lên trở thành bất lợi vì thế trận sẽ nghiên về bên đở giao. Bọn CNT ngày nay khai thác thế mạnh cú Bh nên thường giao giữa bàn hơi dài một tí mà đổi xoáy đủ kiểu, hai quả chót thì mỗi thằng đều có sở trường riêng chứ không hẳn là sẽ giao ngắn xoáy lên, rất ít quả giao bóng đánh chết ngay khi vào cuối trận. Chiến thuật thường thấy CNT xài là ép Bh đánh đối giật rồi đột kích Fh, dẫn tới 2 quả đối giật rồi đổi cánh tiếp, giờ chót mà đánh với rơ 2 càng (theo kinh nghiệm của em) mà cứ đổi cánh thì thường là bên 1 càng sẽ thắng. Nếu rơ hai càng muốn thắng vào giờ chót thì phải tránh di chuyển nhiều, tránh đổi cánh bằng cách ép chéo góc và tránh đưa bóng vào vùng dứt điểm của càng thuận bên kia.
  1. Từng quả giao bóng tie-break
Đây là lúc đá hết 5 quả luân lưu mà vẫn có tỉ số hòa, thì vào thế trận đá từng trái. Thực ra thế trận 10-10 đã bắt đầu từ lúc 9-9 rồi, vì chỉ có gác hai điểm tới 11-9 mới thắng, nhưng khác chổ là vẫn còn 2 quả giao bóng. Lúc này sẽ không có chuyện lau mặt hay 2 quả giao bóng nữa, trận chiến chỉ còn trong 2 quả thôi: ta giao và đối thủ giao. Muốn thắng một séc đấu, ngay từ đầu chúng ta đã xác định là “phải luôn thắng được một quả khi đối phương giao”.Đây là câu thần chú sẽ phát huy hiệu lực vào lúc sút luân lưu, cứ như tay thủ môn đã được tập luyện trước mỗi ngày và đã chuẩn bị kỹ trong suốt trận vậy. Nếu chỉ lợi dụng vào cú giao và đòn tấn công của mình thôi thì vào thế trận này sẽ rất bất lợi, vì đây là thế trận của kẻ bị dẫn điểm. Một đấu thủ bị dẫn điểm trong giữa séc sẽ phải tìm cách thắng một quả Tứ Quý để cân bằng, thì lúc tie-break sẽ biết cách và “có trớn” để thắng luôn séc ấy bằng cách thắng quả đở rồi ăn luôn quả giao. Cũng giống như bóng đá, khi luật “cái chết bất ngờ” được áp dụng thì bên mạnh hơn sẽ bị bất lợi vì phải đấu với Thần Rùa nữa. Chỉ cần ăn lưới một quả là bên yếu hơn sẽ có cơ hội “lên hương” ngay.
Đây là lúc một cao thủ phải khẳng định “đẳng cấp là mãi mãi” bằng cách tận dụng những cái nền tảng vững chắc của mình. Nếu một cao thủ mà không có các nền tảng căn bản để dựa vào thì lúc này sẽ hoàn toàn bị chới với, và người ta sẽ phải xét lại anh ta có phải là cao thủ thực sự hay chỉ là một tên ăn may gặp thời? Cao thủ mà để vào thế trận này thì chỉ trừ khi bên kia quá may mắn, hoặc ngày đó Ông Bà nào đó nhập hắn nên đánh như lên đồng, đang gác điểm an toàn mà bị ăn may hai quả, đánh điên hai quả nữa thì cao thủ ấy phải xét lại. Có rất nhiều cách để cắt cơn “lên đồng” này, tại sao không cắt ngay khi nó mới vừa chớm lộ, một cao thủ chiến thuật thực sự phải luôn nắm được thế trận chứ để bên kia làm một lèo 4 quả thì tệ thật. Luật cho phép 1 lần “time-out” với 1 phút giải lao ra uống nước gặp HLV, đây là cách cắt cơn hay nhất vào những séc gần chót. Tuy nhiên nếu ở séc đầu hoặc thứ 2 mà gặp trò này thì các cao thủ vẫn luôn có các bài để hóa giải, tùy theo “trường phái” và “quan điểm chiến thuật” của cái hệ đào tạo ra vdv ấy. Nếu làm không thành công thì các cao thủ mới phải lùi lại chờ vào thế cờ tàn, vì qua mỗi giai đoạn khác nhau chưa chắc gì phong độ bên kia vẫn sẽ giữ vững. Chính vì thế mà một séc mới phải chia ngắt ra từng phần, chứ đánh theo kiểu phong trào ở VN thì cứ đi một lèo từ 0 đều cho tới 11 cho trơn! Đánh kiểu không chia ra thì trận đấu quả là ngắn, kẻ mạnh cứ nắm phần thắng, ngày nào may là may suốt trận – bóng bàn mà chơi kiểu thế này thì làm sao lên được chuyên nghiệp.
Thế trận lúc này đã vào thế triệt buộc, nên không còn chiến thuật gì thêm nữa, buộc phải thắng khi đở giao bóng rồi phản công, còn khi giao thì phải ở thế tấn công hoặc phản công. Lúc này có khi trận đấu lại trở nên quá nhàm chán, ai cũng dựa vào căn bản mà đánh, hoặc cả hai cùng liều lĩnh. Bọn CNT nếu đánh với TG sẽ luôn dựa vào thế mạnh kỹ thuật Fh, an toàn và uy lực, chúng tập cả tỉ lần không thể sai được, ngoài ra còn có sự an toàn trong tâm lý nữa. Mỗi thằng CNT đều có những con bài khủng mà cửa sinh rất hẹp, chúng chấp nhận bị bắt bài chứ không đổi bài, nếu đánh đúng bài mà vẫn không thắng thì tại trình mình kém hơn thôi chứ HLV chúng đã tính toán hết các đường sinh tử trong trận thế này rồi. Bảo vệ trận không được thì chém bại tướng, bọn CNT hiểu điều ấy nên chỉ xoáy vào đúng một điểm, tinh thần không dao động. Nếu bị phá thế trận vì cửa khác thì lỗi không còn ở vdv nữa, mà ông HLV phải chịu trách nhiệm, nên chúng cứ tự tin mà phang thôi, tâm lý rất thoải mái. Còn bọn “phần còn lại của TG” cứ đổi bài liên tục, cứ như là vdv đang đấu súng mà còn trí tuệ để giải toán ma trận vậy, nên thường là thua thằng chỉ nắm một con bài, nhưng là con bài chủ cực mạnh.

Viết một bình luận