Tự nấu ăn

Ba tôi thường nói “con trai biết nấu ăn như con gái biết sửa xe”. Kỹ năng sửa xe của tôi cũng chỉ trong vòng tháo lau chùi bu-gi là hết, nhưng nấu ăn thì khác. Thuở lớp 5-7, con trai người ta đi chơi long nhong còn tôi phải ở nhà học nấu ăn. Nhờ vậy mà cả một thời sinh viên tôi không ốm mất ký nào mà ngày càng béo tốt, dù gia đình không khá giả cho tiền ăn nhiều. Thời nay thực phẩm độc hại khắp nơi, tôi có chút kinh nghiệm cũ xì, ai tò mò đọc thấy hữu ích thì xài.

 Người ta nói đời SV gắn liền với mỳ gói và cơm bụi, trà đá vĩa hè. Nói chung thì tôi chả từ chối món nào nhưng cũng bằng số tiền tối thiểu một đứa SV sống ăn 1 tuần thì tôi cũng sống, nhưng đầy đủ dinh dưỡng và khỏe mạnh hơn. Ngoài cái máy tính, sách vở và chiếu chăn, thì tôi còn có 1 cái bếp ga, chảo, nồi và 1 thùng rất gọn với đầy đủ các thứ linh tinh…y chang như một cô SV đảm đang! Trong cái kho khiêm tốn ấy, lúc nào cũng có 1 lon sữa đặc, hột gà vịt tươi, muối và bắc thảo, vài cây lạp xưỡng Visan (1 lần ăn có 1/4 cây thui, chủ yếu là tạo mùi), trà và cafe lúc nào cũng có sẵn, ngoài ra còn có 1 chai rựu nếp than hảo hạng!

 Nấu ăn là một kỹ năng phức tạp, chia ra nhiều loại. Có loại đầu bếp chuyên nấu các món ngon và lúc nào cũng được khen ngợi từ các bạn nữ. Thằng tôi thuộc týp 2: nấu nhanh và gọn, mục tiêu là ăn để sống nhưng sống sao cho nó khỏe mạnh. Thế nhưng nhờ kỹ năng xài gia vị mà lần nào tôi nấu ăn thì cả nhà cũng đói bụng! Và phần thưởng dành cho người biết nấu là thường được các chị em góp phần vào ăn chung cho nó có cái không khí gia đình.

 Nồi cơm điện nấu cho 1 ngày rưỡi. Đi chợ 1 lần ăn 3 ngày. Nhờ không thích ăn thịt nên tôi bớt được cái phần độc hại nhất. Khẩu phần đạm chủ yếu lấy từ cá, trứng và đậu hủ hoặc tương chao. Đạm là thứ duy nhất khó kiếm trong thời SV. Tôi cũng chả thích rườm rà làm cá, cứ mua loại cá hấp (nhưng phải biết lựa loại tốt) về chiên sơ lại là có thể sốt cà, hoặc kho mặn với hành tỏi tiêu ớt. Một giỏ cá hấp có thể ăn được 2 ngày.

 Trứng thì ôi thôi đủ loại, biết mua thì chỉ cần trứng móp hoặc trứng muối bị bể, trứng mất tròng đỏ,..cộng với tàu hủ đủ loại, xào nấu nêm giỏi cũng thành đủ loại món. Có một thứ cực kỳ giàu protein đó là con nhộng tằm, mà nếu mua tươi cũng khá rẽ, đem về chiên rang muối đường, thơm chết người!

 Tương hột mà biết kho với các loại tàu hủ ky hay nấm rơm nở (rẽ lắm) có thêm tí tép mỡ thì cũng thơm và ngon, 1 chén đủ cho cả nhà ăn cả ngày. Còn chao thì biết trộn cũng thành món chan chấm tuyệt hảo! Có những món ít ai làm, đó là muối đậu phộng. Rang đậu rồi đập bể tư, trộn muối đường vào 1 hũ là có thể đổi món ăn vài ngày.

 Rau củ là phần dễ có độc nhất, cách nay 10 năm cũng độc lắm rùi nên tôi thường ăn các thứ có thể gọt bỏ vỏ, như các loại củ, bí bầu mướp, su su,..Cách nấu vô cùng đơn giản nhờ….gói bột nêm mì! Các bạn sẽ bảo rằng nó rất độc vì có bột ngọt, ở nhà tôi mọi người ăn mì gói tôi xin lại gói bột nêm, vì chả ai xài tới. Tôm khô thì nhờ bạn ở miền Tây mua dùm, tuy mắc nhưng đáng giá, chỉ cần vài con đập nát cộng với gia vị là có nồi canh ngon, muốn có mùi đặc biệt thì thêm bột nêm mì gói vào.

 Bông thiên lý là món tôi thường ăn vì…rẽ và không có thuốc trừ sâu. Nghêu thời đó cũng rẽ, tôi mua vài con là có thể nấu canh cực kỳ ngọt nước.

 Hôm nào bài vở nhiều quá thì tôi chơi gian lận: canh lúc 7-8giờ tối ra những tiệm bán hủ tiếu mua 1 bịch “xí quách”. Chủ họ cũng biết là SV nên cũng không hẹp dạ, cho đầy đủ và có cả nước, giá bằng nửa tô mì mà được 1 nồi to. Thế là tối đó ca bài ca mì gói, sáng hôm sau bỏ vài thứ củ vào thành nồi canh ăn cả ngày.

 Vậy đó mà tôi tiêu tiền chỉ bằng nửa các sinh viên ăn cơm bụi, càng về sau này tôi càng bớt các món thịt cá, càng nghiêng về đạm thực vật. Cho nên lúc ra trường thằng tôi cũng nặng hơn 70kg.

 Không biết sau này đời sống có khó khăn hơn hay không, và cũng vì thức ăn nơi đâu cũng độc, nên chăng mỗi người phải tự cứu bản thân, biết vài chiêu nấu nướng thì cũng đâu có gì là mắc cở.

October 19, 2013 at 12:37am

Viết một bình luận