Cảm giác trong bóng bàn -2

 

II. Cảm giác lưới và bàn

Đây là một loại cảm giác khác mà ít ai nói tới, nhưng cũng cực kỳ quan trọng. Bởi vì có những ngày ta sẽ thấy cái lưới “hơi cao” hoặc bàn “hơi ngắn”, vì cứ đánh chạm lưới hoài hoặc chỉ xém bôn bàn. Chỉ cần vài cú hư xui thôi là tự nhiên trận ấy xem như đi đứt vì đã mất hẳn tự tin, không dám đánh khó nữa (những quả khó thường là sát lưới và sát cạnh bàn). Canh được cái lưới và bàn là điều kiện quan trọng nhất để đánh một cú giật sát thủ. Nói “giật mạnh” thì ai chả làm được, mạnh tới lủng lưới hoặc qua tới bàn phía sau, nhưng để đánh vào bàn thì phải “hãm lực lại”. Dân ta trước nay chỉ nhờ “lấy cần cù bù thông minh” tập càng nhiều thì sẽ càng đánh chính xác, điều ấy có căn cứ, nhưng tập nhiều như thế nào? Tập đánh cho mạnh, cho xoáy trước rồi mới đánh cho chính xác; hay là tập đánh tốt rồi thì đổi vũ khí để mạnh hơn? Hồi đó em được học rằng đánh càng nhiều xoáy thì càng dễ vào bàn, mà đánh nhiều lực quá bóng sẽ đi thẳng trôi ra ngoài hoặc vướng lưới. Kết quả hiển nhiên rằng em phải đánh nhiều xoáy mà ít lực lại, với cây vợt carbon thì đồng nghĩa là phải đánh chỉ chạm vào mút chứ không dám để bóng ăn vào vợt. Khi tập giật mà nghe cái “sựt” thì biết là chỉ ăn vào mút nhiều xoáy lắm, mà nghe tiếng “chát” thì khỏi nhìn cũng biết ra ngoài.Vậy thì tập bao lâu để có thể vừa đánh mạnh, xoáy mà chính xác? Em xin nhường câu trả lời cho các bác trong đội tuyển.
Thời nay Mc Donal và KFC đã bán đầy khắp SG, bọn Tàu mới 15-16 tuổi đã làm TG khiếp sợ, bọn Tây cũng lắm tài năng chừng tuổi ấy đã đánh rất chuyên nghiệp, vậy thời gian tập của các vdv Ta là bao nhiêu để thuần hóa cốt Sadius? Chỉ vì thích mì ăn liền, thấy các nhóc 12-13 tuổi cầm vợt khủng đánh hạ những đứa còn non khác, nên cho chúng giữ cây vợt ấy tập hoài cho tới lớn, kết quả là chẳng còn lứa nào “chín” cả, vì đã hái non mất rồi. Nghĩa là chúng Ta tập đánh nhanh và xoáy trước rồi mới tập độ chính xác và chiến thuật sau, thế thì ngược hẳn với Tây và Tàu. Bọn Tây tập bóng theo cách rất nhàm chán: Độ chính xác được ưu tiên hàng đầu khi đứa nhóc chưa biết gì về xoáy hết (nghĩa là không cần xoáy chúng vẫn đánh chính xác). Từ cái bước đầu đánh đúng điểm rơi, chúng đã học chiến thuật rồi, kèm theo đó là các bước di chuyển và độ nhạy trong phán đoán bóng (cảm giác bóng). Ngay từ khi chưa đánh mạnh, chưa có xoáy, thì chúng đã có cảm nhận lưới và bàn rất tốt rồi. Các bài tập lúc này là đánh cạnh bàn, đánh góc bàn, đánh ngắn dài, lốp bổng hay đánh nhẹ,…cho tới khi sự cần thiết của tốc độ nãy sinh thì chúng mới được học cách phát lực – tập đánh bạt vào bóng trước khi biết giật. Khi chúng hiểu ra rằng đánh mạnh dễ ra ngoài thì ông coach mới dạy rằng đánh mạnh cần có xoáy tới để áp dụng lực manus làm bóng cắm xuống an toàn hơn – lúc này chúng mới biết giật, nhưng động tác giật này lấy căn bản từ cú bạt bóng nên vừa mạnh vừa xoáy. Khác hoàn toàn với cách dạy của Ta: áp dụng xoáy ngay từ ngày đầu tiên cầm vợt. Bọn Tàu tập bb có bài bản và “đường lối” hơn: chúng có động tác căn bản ngay từ đầu (còn bọn Tây mãi gần sau chót mới hình thành động tác) nhưng không cần quan tâm đến xoáy. Chúng tập đánh sao cho chính xác và mạnh trước đã, chiến thuật cũng đơn giãn chỉ dựa vào vài cú đánh rồi từ từ mở rộng ra khi chúng có thêm kỹ thuật, thường thì bọn chúng sẽ không tập “chiến” khi còn quá non (khác với bọn Tây chưa có gì đã biết đánh nhau). Nhìn các video clip bọn con nít Tàu đánh multiball thấy chúng chả có động tác “ma sát bóng” như con nít dân Ta – chỉ phang vào bóng, thằng nào đánh hụt hoặc ra ngoài hay vào lưới là bị đánh đòn nên chúng rất chuyên tâm vào cảm giác bóng. Bọn Tây rất bất bình khi thấy những cảnh con nít Tàu tập bóng bàn khổ sai mà còn có mấy thằng bụng bự cầm roi đứng phía sau. Với cái nhìn của em thì đó là cách tập áp lực cực kỳ hay, ngay từ ngày đầu biết trái bóng đã có cảm giác áp lực trong thi đấu. Khi ra đấu trận đỉnh cao mà đánh sai một quả còn đau hơn là ăn đòn mười roi. Vì có cái roi nên tâm trí bọn nhóc chỉ để vào quả bóng, cái lưới và bàn, cảm giác chỉ tập trung vào một chổ và luôn phải tự xét lại sau mỗi cú đánh hư. Không như dân Ta đánh hư tại vợt, bọn Tàu được cho cây vợt đúng ngay từ đầu, nên mọi lỗi lầm đều có nguyên nhân; các hlv sẽ đứng sau mà quan sát để chỉnh sửa kịp thời (chứ không như ta tập 1 thầy 1 trò chỉ có nói miệng). Vì đánh thẳng nên rất dễ chỉnh bóng, chưa có xoáy xen vào nên động tác còn rất đơn giãn dễ điều chỉnh, cứ thế từng bước chúng đánh cho mạnh hơn, rồi thêm xoáy nhiều hơn khi các nền móng đã vững. Chính vì thế mà thời gian tập được rút ngắn rất nhiều, vẫn lấy độ chính xác và cảm giác làm điều kiện tiên quyết chứ không cần xoáy và lực trước như dân Ta.
Khi đánh bóng bàn, đối thủ đầu tiên của ta là cái lưới, thứ hai là cái chu vi bàn – phải thắng hai cái đó đã rồi mới tính tới đối phương. Lưới và bàn là trở ngại cho cả hai bên nhưng lại là vật vô tri cố định, độ cao của lưới và chiều dài bàn theo tiêu chuẩn của ITTF giống nhau ở mọi nơi. Tuy là đối thủ nhưng ta có thể tập làm quen với chúng, để không phải cùng lúc đối đầu với người và vật. Các vdv thời bác Z. Primorac có vẻ như không có thù oán gì cái lưới nên đánh bóng rất cao nhiểu xuống (Primorac chơi cây Off- chứ không phải là cây Off+ carbon nhé), xem các video thời bóng nhỏ thấy cái lưới có như không vì bóng qua lại cao hơn cả thước. Có lẽ vì đánh quá an toàn nên các bác Tây thời ấy chịu chết với cú chặn bóng khó đoán của J. Waldner chơi bóng thấp mà thẳng hơn. Từ thời Waldner trở đi (nghĩa là đồng thời với Ma Wenge) thì cái lưới mới phát huy tác dụng, với các rơ bóng thẳng của vợt gai công và thìa vuông cứng thì độ cao của lưới và chiều kích của bàn mới thực sự quan trọng. Đi cùng với lối chơi ôm bàn thì chuyện tính toán điểm rơi và độ thẳng của cú đánh trở nên thực sự quan trọng, vì đó là vũ khí quyết định để ghi bàn. Dù thể hình nhỏ, đòn tay ngắn và yếu hơn nhưng những cú đánh của dân Châu Á có vẻ nhanh và luôn chiếm ưu thế cho tới ngày nay. Điều bí mật trở nên quá đơn giãn khi ta đưa mọi thứ về hình vẽ: vì bóng của rơ Châu Á đi gần như thẳng tới đích, lại đánh gần lưới, nên quãng đường từ vợt tới bàn được rút ngắn lại chỉ bằng một nửa độ dài đường bóng giật cầu vồng của rơ Âu. Nếu chỉ cần bằng vận tốc thôi thì cũng lợi thế lắm rồi (nhưng thực tế thì vận tốc cũng cao hơn vì ít xoáy, độ vọt thứ cấp lớn vì từ vợt và đích đến quá gần) nên dù thể lực mạnh và vợt cộng lực khủng, dù có keo tăng lực các chú Tây vẫn như chậm hơn một nhịp (vì bóng tới nhanh hơn gấp đôi). Thấy rõ lợi thế này nên dần dà bóng bàn thiên về những đường bóng thẳng hơn là những cầu vồng hoa mĩ. Nhưng điều khó là cái lưới và bàn không ủng hộ kiểu quỹ đạo thẳng này, những vdv chơi rơ low-throw trở thành vua phá lưới hoặc đánh ra ngoài khá nhiều. Từ ấy, giai đoạn tập luyện chuyển sang đối diện với lưới và bàn trước khi gặp đối thủ.
Có lẽ khi các bác đọc những điều này sẽ bảo rằng em nói nhãm, nhất là các bác từng học căn bản từ những lò đào tạo có tiếng, hoặc các lớp “năng khiếu” được sự bảo trợ của Quận hay TP. Dạo ấy em cũng được dạy là “đánh đúng kỹ thuật thì tất nhiên bóng sẽ có xoáy lên cao qua lưới rồi cắm xuống bàn”. Theo nguyên lý ấy thì kỹ thuật là quan trọng nhất, đi học bóng bàn là đi học kỹ thuật đánh chứ học cái gì khác? Chẳng lẽ phải học rằng cái lưới cao bao nhiêu, bàn dài bao nhiêu – điều đó với các “thầy” không quan trọng. Cái cần phải làm là đánh một quả bóng đi có xoáy thì tự nhiên mọi sự sẽ được giãi quyết ổn thõa, không cần théc méc gì nữa, tập lâu dần thì sẽ đánh “quả nào như quả nấy” hoặc “mười quả như một”. Hóa ra cao thủ của ta chỉ có vài cú thôi, vì lúc tập chỉ đánh đúng một kiểu và một đường bóng – nhìn lúc tập thì thấy ham lắm, đánh cực đều, nhưng ra thi đấu thì chẳng thấy có quả nào coi cho được. Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt trên nhận thức: cái triết lý tập luyện của Ta là làm sao đánh cho đều, bất cứ bóng tới khác nhau đều được hóa giải trả lại bằng một cú – “mười quả như một”. Trong khi ở ngoài nước thì người ta quan niệm ngược lại: cũng là đánh vào bàn hết nhưng mà “một cú như mười”, nghĩa là thấy đánh thì không có gì khác biệt nhưng quả nào cũng có cái khác nhau, dù bóng tới giống y chang (tập với máy) hay khác nhau (đối luyện tự do). Sự áp đặt trong kỹ thuật và cách huấn luyện cho thấy rõ cách giáo dục của Ta có vấn đề lớn, cũng là đào tạo ra những cỗ máy đánh bóng bàn (giống như Tàu) nhưng máy của người ta cực kỳ hiện đại và thông minh, làm được đủ trò. Còn máy của ta thì chỉ ì ạch có vài chức năng, nếu bị kẹt làm không được thì coi như vứt. Bọn Tây quan niệm rằng họ dạy ra một nghệ sỹ chơi bóng bàn, nên cách đào tạo cho phép rất nhiều sáng tạo. Toàn bộ nền bóng bàn của Tàu chỉ phát triển nhờ đi học lén của Tây, chứ chúng không tự tạo ra gì hết, cũng vì đường lối áp đặt bóp chết ý tưởng sáng tạo.
Quay lại cái “kỹ thuật chuẩn” mà mấy hlv ở VN cứ bắt học trò tập mỗi ngày, thực ra nó đã “chuẩn” hay chưa, và ở chổ nào, dựa vào đâu,…mà dám khẳng định rằng tập theo đó sẽ đánh “chuẩn” – ở đây em chỉ nói trong tập luyện, với cái lưới và bàn. Thời nay vẫn còn rất nhiều thầy dạy đệ tử là phải đánh bóng với góc chừng bao nhiêu, nghiêng vợt thế này, bắt đầu mở vợt rồi sau đó lên đầu thì úp xuống,…(toàn những thứ “chết” hoàn toàn chẳng có yếu tố “động” nào). Em cũng nhận được nhiều câu hỏi từ những đệ tử của các vị ấy, rằng nên đánh góc bao nhiêu, tiếp xúc ở đâu,…(vì chúng mê mấy cú giật sát thủ loop-drive của em) thực sự em không biết trả lời thế nào. Bọn Tàu có tầng tầng lớp lớp cao thủ làm hlv, nên chúng có tư cách để nói thế nào là “chuẩn”, dựa vào rất nhiều yếu tố và lý do khác nhau. Em không có khả năng để tạo ra chuẩn mực, em chỉ có thể nói “thấy cái lưới và bàn không, đánh sao cho cao hơn lưới mà vào bàn“. Còn nếu vẫn bị hỏi động tác thế nào cho đúng thì em sẽ móc mấy cái clip chiếu chậm ra, ngay cả động tác của em đánh cũng không chắc là đúng. Khi chọn được một động tác thích hợp rồi thì cứ copy theo, sau đó cái chúng cần làm là thắng được lưới và bàn trước đã – đó là giai đoạn tập luyện nhàm chán nhất nhưng em vẫn chừa chổ cho khả năng và tài năng của từng đứa: muốn đánh thế nào cũng được. Yếu tố con người mới là gốc, kỹ thuật chỉ là cái ngọn, phải thay đổi theo từng người khác nhau: cao-thấp, mập-ốm, nam-nữ, già-trẻ, thận tay trái-phải,…đó là chưa kể vũ khí khác nhau hoặc sau này đổi bóng khác nhau (bóng đã từng đổi một lần nhưng kỹ thuật của Ta vẫn chưa hề đổi). Vậy cái gì là điểm tựa khi mọi biến số thay đổi: chính là cái lưới và bàn, từ khi em học bóng bàn tới giờ thì lưới và bàn chưa hề đổi kích thước. Cảm giác được cái lưới và chiều dài rộng của bàn để đánh vào cho chính xác và mạnh – theo em – là chuẩn mực cho mọi căn bản khác.

 

1. Cảm giác độ cao lưới
Nhiều người có thói quen trước khi đánh thì tới đo chiều cao cái lưới bằng cách dùng vợt để thẳng đứng mà đo. Đây là một thói quen rất có lợi cho cảm giác độ cao lưới, dù rằng đo như thế là…sai bét! Mặt vợt tiêu chuẩn của BTY cao 157×150-158x151mm từ đầu cho tới rìa ngang mút, nhưng độ cao của lưới chỉ có 152.5mm mà thôi (đúng ra là nên để ngang vợt mà đo, cộng rìa vợt nữa là đủ). Độ cao của lưới cũng làm chuẩn để bắt quả giao bóng tung thấp: phải tung cao hơn 160mm, bóng để trên tay cao hơn mặt bàn, vì thế nếu tung thấp hơn lưới thì cầm chắc là phạm lổi. Mặc dù đây là kiến thức căn bản nhưng khi tập luyện hoặc thi đấu rất ít ai nhớ rằng lưới cao bằng vợt. Mặc dù mới nghe qua thì phù phiếm nhưng rất quan trọng trong các pha bóng ngắn trên bàn, khi lưới là vật chắn phòng thủ cho cả hai bên. Bắt ngắn cũng có 2 kỹ thuật khác nhau: đánh sớm và đánh trễ, xu hướng hiện nay là đánh sớm khi bóng vừa nảy lên vì có rất nhiều lợi điểm, bù lại buộc phải có một cảm giác bóng cực tốt cộng với độ quen lưới thì mới có thể đánh những quả ngắn đột biến khó đoán này (khó đoán vì nó kết hợp với cú đẩy dài và flick, tất cả đều đánh sớm và cần cảm giác lưới). Nếu để mất cảm giác lưới thì chúng ta có thêm một trợ thủ vô tri đứng về phía đối phương, lo đối phó với hắn thì bóng lại trở nên quá dễ. Thay vào cái cảm giác sợ lưới thì chúng ta có thể chen vào một tâm lý khác: đánh bóng cao hơn cây vợt của mình, cũng y chang nhau thôi nhưng giúp tăng tự tin.
Cái lưới không hề công bằng với cả hai bên, thường thì do cấu tạo một bên sẽ bị dội bóng, còn bên kia dễ leo lưới hơn. Nó cũng thiên vị rơ phòng thủ và ghét rơ tấn công, nhất là rơ đánh thẳng và đánh sớm. Bọn Tàu phải tập multiball rất nhiều, không hẳn là cho kỹ thuật, mà là để “đánh qua lưới” – rơ bóng low-throw rất cần cảm giác này. Trong khi các bài tập của rơ Tây chú trọng bóng sống hơn là cần ông thầy feed bóng. Đối với các chú thích giật cầu vồng thì cái lưới dường như không tồn tại, rơ lốp bóng hoặc đở xa chỉ canh góc bàn mà thôi, còn rơ cắt như họ Joo thì có cả một phòng thờ thần lưới, hương khói linh thiêng như thờ tổ tiên. “Nếu cái lưới thấp hơn một chút” thì em dám đánh mạnh gấp đôi, vì vừa có thể đánh sớm và đánh thẳng. Em nghĩ ITTF muốn bọn Tây thắng thì không có gì khó, cứ nâng lưới lên – và đây là chổ nhột của bọn Tàu, họ dọa sẽ nghỉ chơi bóng bàn nếu ITTF nâng lưới. Bên Mỹ vẫn có một hội rất mạnh chơi “hard bat” đánh gai không lót với lưới cao 20mm, tuy bọn Tàu rất giỏi đánh gai nhưng không chen chân vào được – thế mới thấy chiều cao lưới quan trọng thế nào. Cá nhân em khi tập luyện và huấn luyện thường nâng lưới cao hơn khoảng 1cm để ra thi đấu có cảm giác tự tin khi tấn công. Cảm giác lưới cũng rất quan trọng trong giao bóng. Có hai kiểu giao khác nhau: bóng qua lưới khi đang lên và khi đang đi xuống, kiểu sau khó đoán và hiệu quả hơn vì bóng nãy thấp hơn lưới lại ngừng trong bàn – kiểu nào cũng dễ chạm lưới.
Có hai cách đánh chủ động tấn công xoáy tới trong bóng bàn, đó là giật “xung” và giật “moi”. Giật xung là đánh bóng có xung lực tới lớn, đánh bóng sớm khi còn đang cao, đi nhanh và thẳng; giật moi là đánh cầu vồng cao nhiều xoáy nhưng chậm hơn (dù chơi bất cứ combo nào thì cú giật moi căn bản vẫn là chậm hơn), có thể đánh trễ khi bóng đã xuống thấp. Em gom luôn cú đánh của gai công vào nhóm giật xung, do tính chất đi thẳng của bóng. Cú đánh của CNT xài mút Tàu cũng nằm trong nhóm giật xung vì bóng đi khá thẳng rồi mới cắm xuống. Sự phân biệt hai kiểu giật này càng rõ rệt vào thời xa xưa, khi bóng xoáy chìm phải ngửa vợt ra moi lên. Thời nay với sự phát triển của vũ khí và kỹ thuật, hai động tác này trở nên nhập nhằng khó phân biệt, cùng một động tác vào bóng như nhau nhưng có thể đánh rất mạnh thành giật xung – dù là bóng xoáy chìm – mà cũng có thể đánh nhẹ thành giật moi – dù là với bóng nhanh xoáy tới. Nếu chơi kiểu vũ khí và rơ này thì có cách đơn giãn nhất – mà cũng dỡ nhất – là nếu bóng thấp quá hoặc sợ vướng lưới thì chỉ cần giãm lực lại vào kéo tay lên nhiều hơn sau khi đánh vào bóng. Với rơ cũ xài cốt nãy mút nãy thì hoàn toàn không thể xài cách ấy, vì bóng có thể qua lưới nhưng sẽ dư lực mà ra khỏi bàn luôn. Cú đánh “giật xung” của rơ VN thuộc loại low-throw nhưng không được như rơ gai công có thể đánh hết nhiều loại xoáy mà bóng qua một kiểu, rơ giật xung của VN phải điều chỉnh rất nhiều mới đối phó được với các loại xoáy khác nhau. Ngày xưa khi xài Bryce có cái hay là bề mặt mút này khá láng không bị ăn xoáy, nếu dùng lực nhiều có thể đánh “chết” xoáy bóng đi thẳng rất low-throw. Theo phong trào thì dân ta đổi mút “cho hợp thời trang” nhưng vẫn giữ cái cốt cách thuần An-nam-mít ấy – cũng như anh thất học mặc bộ áo vest mà thôi – nên rất lúng túng khi đánh với những rơ kiểm soát biến hóa xoáy giỏi. Nghĩa là khi cái cốt quá nãy mà kết hợp với loại mút quá nhạy với xoáy thì độ biến thiên của cú đánh cực lớn, lúc này thì không những là khó canh lưới mà ngay cả cái bàn cũng trở nên quá nhỏ. Nếu ép vợt giật moi thì sẽ qua lưới nhưng bóng sẽ đi hiền, không đủ xoáy lại nãy cao ngay tầm sát thủ của đối thủ – vốn không hề sợ cú giật moi.
Dân lý thuyết trên mytt nói rất nhiều về độ throw của bóng, đa số đồng ý chia ra hai phía cho dễ phân biệt: low và high. Nghĩa là cùng một góc độ đánh nhưng các phối hợp sẽ cho góc bắn tới của bóng khác nhau, có cây đánh bóng lên rất cao (hi-throw), có cây ngửa vợt mà vẫn cho bóng thẳng tới (low-throw). Đó là dựa trên quan sát chung, tuy nhiên có những cây vợt cho cảm giác “bén” tức là đánh đâu đi đó, có thể gom vào dạng “giữa chừng” (mid-throw). Bỏ qua loại Hi-throw vì thường là cao hơn lưới, loại Low và Mid có một tính chất rất hay là nếu đánh thẳng vào bóng thì đi khá chính xác. Lợi dụng tính chất này ta có thể tập luyện với chiều cao của lưới rất hiệu quả, nhất là rơ đánh ôm bàn. Lâu rồi có xem cái video quảng cáo của Stiga, có đoạn Xu Xin thảy trái bóng đang chạy trên bàn rồi bắn bóng trúng chóc, quá nể cho độ chính xác của ku này nên em cũng…thử. Cầm rổ bóng em cũng thử bắn một hồi (bằng kỹ thuật feed bóng của coach), cả với Bh và Fh, thì thấy quá dễ chứ không khó như mọi người vẫn nghĩ. Em còn nhận thấy những cây vợt “cứng” bắn chính xác hơn loại mỏng mềm, và mút Tàu bắn bóng chuẩn nhất. Rồi có một dạo em phải tập cho đệ tử cách đối phó với bóng leo lưới, thế là em áp dụng kiểu bắn chính xác ấy để nhắm vào đường trắng của lưới, kết quả thành công khó ngờ: xác suất trúng lưới leo qua rất cao. Kết hợp hai quan sát ấy em rút ra một nhận xét: tại sao phải đánh cầu vồng khi mà cú đánh thẳng lại chính xác và uy lực hơn (vì đường thẳng luôn ngắn nhất nên bóng đi nhanh tới đích nhất, lại không nảy lên cao). Hơn nửa, khi đánh thẳng vào bóng (giống như bạt rồi kéo tay tạo xoáy) thì rất dễ canh độ cao lưới, nhất là khi tập nhiều bóng. Thế là em tìm ra đặc trưng của cú giật Fh mà tụi CNT đang xài: bóng đi thẳng thấp qua lưới (low-throw) nhưng sau khi qua khỏi lưới lại cong cắm xuống (hi-throw), rồi lại nãy lên không nhiều (low-throw). Cú giật này có cái hay là tốc độ rất cao (do đánh thẳng truyền lực trực tiếp vào bóng, bóng đi thẳng nên tới sớm) nhưng lại an toàn vì có xoáy cắm xuống nên đi ngắn không dư ra ngoài (chứ không phải như gai ít xoáy thiếu độ cắm) và khó đở – một phần do nhanh và đột biến, nhưng nếu ngay tay cũng khó vì bóng nãy lên không cao. Nhờ tập nhiều nên bọn CNT hình dung ra một cái “cửa sổ” vô hình nằm trên lưới một chút, chúng luôn đánh bóng lọt qua cái cửa sổ ấy, không cao mà cũng không thấp hơn.
Để tạo ra cái cửa sổ trên lưới ấy thì có một ông coach già bên Úc chế ra hai cây gắn kẹp vào bàn với hai cọng dây căng ngang lưới. Những đứa chơi kỹ thuật tốt rồi sẽ phải qua cái bài kiểm tra ấy, nghĩa là phải đánh bóng vừa an toàn vừa hiệu quả. Lằn dây dưới cách lưới chừng 1-2cm, cửa sổ cao chừng 2 tấc thôi, phía trên là 1 tấm lưới nhỏ. Với cái công cụ tự chế này ông ta đã đào tạo ra khá nhiều cao thủ trong thời xài speed glue, tạo ra một rơ low-throw đặc trưng của Nam Úc, sau này không thấy áp dụng nữa. Thiết nghĩ đây là một cách tập cảm giác lưới cực hay, dù đánh cao hơn cửa sổ ấy vẫn vào bàn, nhưng không khó, còn đánh thấp hơn thì quá mạo hiểm. Tập dần thì bóng sẽ đi chuẩn hơn, dù gò hay tấn công, bạt hay giật gì cũng lọt trong tầm ấy. Không phải tự nhiên mà vạch trên lưới màu trắng, trùng màu với vạch cuối bàn: giữa hai vạch ấy là “cái cửa sổ” mà ta phải đánh bóng vào. Khi đánh chạm lưới nhiều quá thì em sẽ nhắm vào vạch trắng phía sau, đồng nghĩa bóng sẽ đi cao hơn. Nếu trong thi đấu mà bị mất cảm giác lưới (đánh trúng lưới nhiều quá) thì nên bám víu vào cảm giác bàn.

 

2. Cảm giác chiều dài rộng của chu vi bàn
Đây là một cảm giác cũng quan trọng không kém, đánh qua lưới rồi nhưng phải vào bàn nữa. Dân chơi vợt chậm có vẻ như không biết cái bàn ngắn như thế nào, họ cứ ngửa vợt ra đở bóng cho qua lưới thì cũng sẽ rớt xuống bàn. Một dạo em cũng chơi vợt rất chậm (balsa+texalium) nên hiểu cảm giác an toàn này là ntn, đánh với rơ này nếu không có cú sát thủ thì rất ức chế vì chẳng những họ cứ đở vào bàn, mà còn đở góc và bóng khựng nữa (bóng buồn ngủ). Thế nhưng rơ vợt mút nãy thì luôn lo canh cánh kích thước bàn vì bóng cứ chực đi thẳng ra ngoài (dù ép bóng hay thụt tay lại). Có lẽ cái mặt bàn rất ghét những ai thích bắn phá, đánh “tình cảm” thì nó yêu hơn. Dân Tây quan niệm chơi mút Tàu là phải đánh cầu vồng xoáy cắm vào bàn (chứ không phải là đánh bạt thẳng) nên nhiều thằng chơi 2 miếng mút Tàu với cây vợt 5 lớp cực chậm, rồi thì chúng cứ làm đủ trò – mà cú nào cũng vào bàn hết. Với những tay này thì cái lưới và chu vi bàn có cũng như không thôi, chỉ có đối thủ nào đánh xé góc chúng với tay không tới thì may ra thắng – bằng không thì chúng vẫn lên xoáy vào bàn tiếp (nửa đối giật mà nửa moi xoáy, giống nhưng yếu hơn cú giật xoáy của Xu Xin). Những bài tập về cảm giác bàn rất được ưa chuộng với bọn Tây, nhất là những ông coach thời keo tăng lực. Và như em có nói, bọn nhóc tập bóng đi lên từ độ chuẩn xác chứ không phải là xoáy, nên ngay từ ngày đầu cầm vợt chúng đã được dạy cảm giác bàn. Bóng bàn đối với bọn trẻ Tây là chơi (enjoy) chứ không phải là khổ luyện như bọn con nít Tàu, nên các ông coach phải vắt óc ra nghĩ cho chúng rất nhiều trò chơi, gọi là “làm quen với bóng bàn”. Vừa chơi vừa học mà hiệu quả là cách giáo dục của Tây, em học theo mà cứ ao ước “phải chi dân mình được học thế này thì…đâu có nhiều tiến sỹ như hiện nay”. Những trò này đầy trong các cuốn Coaching Manual của em, bác nào theo con đường “gõ đầu trẻ” thì em sẽ copy cho, cái cần nói ở đây là trong lúc chơi bọn trẻ vô tình (có chủ ý của coach) cảm nhận được cái bàn rất chính xác. Bọn Tàu thì tập theo kiểu khác có phần khô khan hơn, chúng xác định rõ các điểm chết (góc bàn, cạnh bàn,…) rồi tập đánh vào đó mỗi ngày. Giống như ai có tập võ sẽ luôn nhắm đánh vào tử huyệt một cách vô thức, nên khi đánh lộn chỉ cần một đòn chứ không có bầm dập máu me như dân ẩu đả khác.Võ của Tây và Tàu khác xa nhau, bóng bàn cũng thế, bọn trẻ Tây mới tập chơi cho tới cấp trung bình vẫn đánh bóng rất hiền, chủ yếu là vào bàn chính xác chứ chưa có khái niệm phải đánh thế nào để “một quả chết ngay”. Bọn trẻ Tàu và Ta giống nhau ở điểm là dù mới tập chơi đã chuộng đòn sát thủ, khi thành cao thủ thì mới đánh hiền lại – như mấy bác học võ vào tới xương thì hiền như cục bột (vì sợ tội giết người). Ta và Tàu khác nhau ở chổ đòn của Tàu nhẹ và chậm nhưng đầy kình lực, đánh đúng tử huyệt, còn đòn của ta nhìn thấy mà sợ (ai học Vovinam thì biết mấy đòn “biểu diễn” nhìn ghê lắm) tốc độ và âm thanh khủng khiếp, nhưng đánh trật lất (chỉ để múa ra oai hù thiên hạ).
Cảm giác bàn bên đối phương là một chuyện, nhưng ở một diện khác thì bên bàn mình cũng phải biết nó dài rộng bao nhiêu. Chiều cao của bàn cũng rất quan trọng, mới tập chơi mà tập tấn công bóng tới ngắn (chưa đủ cảm giác về độ cao của bàn) thì dễ mẻ vợt rách mút hoặc bầm ngón cái như chơi. Tuy ITTF quy định rõ ràng độ cao tiêu chuẩn nhưng 4 chân bàn đều có các đế nhựa có thể …chỉnh cao độ (gần của nửa tấc chứ ít gì). Các chân đế này là để điều chỉnh độ cân bằng của bàn, nếu sàn nhà không bằng phẳng, nhưng thực tế chúng ta phải chấp nhận rằng cao độ của bàn biến thiên khá nhiều, chưa kể có bàn bị dốc chứ không hoàn toàn nằm ngang.Các động tác khởi động làm nóng thường kết hợp cái bàn, để một công đôi chuyện: thường thì tay sẽ đập lên bàn sau mỗi bước chạy vòng quanh bàn để luôn nhớ độ cao tương đối so với cơ thể, các động tác làm giãn gân chân cũng mượn chiều cao của bàn làm điểm tựa, hoặc vịn bàn mà bẻ chân,…Đứng một bên bàn ta sẽ thấy bàn của mình rộng thênh thang còn bàn bên đối phương sao mà nhỏ hẹp quá – bên kia cũng sẽ có cảm giác tương tự thôi. Mỗi nửa bên bàn thường được chia lẻ thành 9 ô được đánh số bắt đầu từ góc Bh đếm qua Fh (góc Bh là 1, giữa bàn là 2, góc Fh là 3, ô số 5 nằm chính giữa bàn, ô số 9 ở góc xa Bh nhất). Hoặc theo cách chia chẵn thành 16 ô carô (chia làm 4 phần rồi mỗi phần lại chia 4), mỗi ô vuông đều có vị trí chiến lược đặc biệt khác nhau. Lấy băng keo giấy màu trắng dán lên bàn rồi tập đánh với máy hoặc bạn thảy bóng, nếu không có máy hay bạn thì tự chọi bóng vào vợt mà đánh cũng được. Đánh chính xác dần thì bắt đầu chơi với bóng tự do, ta sẽ thấy các ô có độ khó khác nhau, và tùy từng kiểu bóng tới khác nhau và độ khó sẽ hoán đổi giữa các ô ấy. Có một cách tập khác là chia theo góc đánh từ một điểm cố định, giả sữ vị trí đứng của đối thủ theo từng trường hợp mà có các góc đánh khó dễ khác nhau,…nói chung là có rất nhiều cách và bài tập khác nhau để tăng cảm giác bàn, tùy vào trình độ “biến hóa” của ông HLV mà cùng một thời gian tập cho hiệu quả khác nhau.
Cách tập cảm giác bàn thường thấy nhất là đánh 10 đường bóng: 2 cạnh, 2 đường chéo và 1 đường giữa, đổi Bh và Fh là 10. Hoặc theo kiểu xưa là một người đánh đường thẳng còn người kia đánh đường chéo rồi đổi qua lại. Các bài tập cảm giác bàn này với một vài đứa cảm thấy quá dễ (các học trò của em), một vài đứa khác thì lại thấy là quá khó và không thể giữ bóng được lâu (thầy khác dạy). Chúng đều có cùng thời gian xuất phát và cũng đánh vợt chậm mút chậm (vì em dạy căn bản tất cả đám ấy) nhưng sau khi đổi cách đánh sang tiếp xúc mỏng hơn, lấy căn bản từ cú giật mỏng chậm, thì chúng bị mất cảm giác bàn và lưới rất nhiều. Những đứa được học đánh bóng đi thẳng (lấy căn bản từ cú bạt thẳng vào bóng) thì tập những bài này nhìn rất đẹp mắt, chính xác, mạnh và ít hư bóng – nhất là khi chúng tập với nhau. Còn những đứa học rơ đánh xoáy trước mà bắt vào các bài tập đều bóng thì nhìn như thảm họa – nhất là khi chúng đánh với nhau. Những đứa đánh bóng mỏng sẽ bị vấn đề là rất khó đánh những quả chính xác và đúng vị trí cần tới, nếu đi đúng hướng thì điểm rơi gần xa rất khác nhau, vì lệ thuộc quá nhiều vào xoáy. Ngày nào độ ẩm cao hay bụi nhiều thì xem như mất luôn cảm giác bóng trên vợt, hoặc khi thi đấu cúm tay thì xem như hết đánh luôn. Đánh dầy bóng có rất nhiều lợi điểm, vì khó hụt bóng (nguyên cái mặt vợt đưa thẳng vào bóng thì làm sao hụt) và khá chính xác (đường thẳng luôn chính xác hơn đường cong), ngoài ra không bị lệ thuộc vào điều kiện khí hậu hay bụi bặm, có dơ hay ẩm tí thì cũng chẳng sao. Nếu yếu tâm lý thì vẫn có thể biến thành rơ phòng thủ chặn đở bóng. Một điều kiện bắt buộc để chơi rơ đánh thẳng là vợt phải chậm; vợt nảy quá thì buộc phải ép và miết bóng thôi.
Một điều đáng ghi nhận là gai công đánh chính xác hơn mút úp, nếu tập các bài cảm giác bàn này. Nhiều đứa cầm gai công (lót mềm xếp dọc) tập một thời gian – cho xóa mất cái kỹ thuật đánh mỏng – thì trở nên khoái đánh gai hơn là mút úp. Khi cho cầm lại vợt mút úp thì chúng đánh chính xác hơn mà còn tự tin giật cực mạnh nữa, vì đã có cảm giác bàn và biết rằng “đánh thẳng vẫn vào thì bây giờ thêm xoáy càng an toàn hơn chứ sao” nên cứ tự tin mà phang tới. Khi đánh gai mà bị bắt chuyển sang mút úp thì có đứa mới 8 tuổi đã “tự nhiên biết” giật xung cực mạnh, điều đáng nói không phải là nó giật mạnh đến nổi ông coach phải lùi lại đở, mà là nó biết giật sớm ngay đỉnh bóng, và đều bóng hơn so với những đứa tập trước nó mấy năm (chính xác điểm rơi và ít hỏng). Thế thì tập đánh gai công một thời gian lại là lối đi tắt tới kỹ thuật giật Fh cực mạnh.
Một trong những cách hay để luôn cảm giác bàn bên mình, đó là lúc đứng tư thế chuẩn bị đón bóng phải đúng, vị trí tương đối với bàn phải theo một chuẩn mực nào đó. Thường thì chúng ta nhào vào đánh rồi “một lát sẽ quen”, nhưng để giảm bớt cái thời gian “một lát” đó thì có nhiều người dùng thủ thuật nhỏ. Có người dùng vợt tựa lên bàn một chút rồi nhún chân lên xuống để quen chiều cao tương đối của bàn với tay. Có người lấy đầu vợt chạm bàn để đo vị trí đứng tới cạnh bàn, có người luôn để đầu vợt chạm vị trí 1/4 của bàn khi đở giao bóng: vừa canh được tọa độ đứng so với góc bàn – phải luôn có các mốc tọa độ để xác định mình đang đứng đâu so với bàn. Thường thì chúng ta lấy góc bàn bên Bh làm gốc tọa độ và để vợt ở vị trí 1/4 là tối ưu nhất cho mọi vị trí đánh khác nhau. Con số 1/4 này cũng dao động tùy rơ đánh hay tùy chiều cao của từng người, nhưng chúng ta phải luôn xác định cho mình các vị trí đứng cố định khi đánh thì mới có thể “cảm” được cái phần bàn bên mình. Nắm được gốc tọa độ bên phía này rồi thì các mục tiêu bắn bóng vào trở nên dễ dàng xác định, góc bắn cũng vậy. Vào đánh mà không cảm được cái góc trái bên bàn mình thì sẽ khó đánh những quả chính xác đột biến. Thường thì khi đánh ta chỉ nhìn thấy cái vùng nhỏ cần đánh vào, rồi “nhắm” vào nó mà quên mất rằng mình đánh bóng từ đâu và phải vượt qua những chướng ngại nào. Sai lầm thường thấy là nhắm đánh quá ác trong khi bóng đã xuống thấp, hoặc cố đánh góc khi đang đứng giữa bàn – đứng giữa mà ép góc khó hơn từ một bên đánh xéo góc. Ngược lại, có nhiều bóng rõ ràng là có thể nhưng vì ta không nhận ra là bóng đang tốt để đánh, nên thay vì đánh chết cạnh ta lại đánh vào góc –quá dễ đở. Cái đó gọi là “khả năng xử lý bóng”, trình độ càng cao thì nhận xét càng nhạy bén tinh tế, cành đánh được nhiều cú độc. Nhưng nếu không cần đợi trình cao mà vẫn muốn đánh như vậy thì cần phải tập nhiều, theo bài đặc biệt để bắt chết những quả thường gặp (giống như cú nép hoặc thụp người đánh Fh thẳng cạnh của Fang Zhen Dong). Ta có 2 kiểu vdv giỏi: dạng trời cho tài năng và dạng may mắn có thầy giỏi, còn nếu chờ đánh lâu giỏi dần thì đã già khú trước khi thành cao thủ. Tuy nhiên vẫn có nhiều ông coach già nắm được các bí quyết khiến cho đám học trò ai cũng có tài năng hết, vì nền tảng căn bản của chúng quá dầy, các “cảm giác xuất thần” của chúng đều đã được tập mỗi ngày.

III. Cảm giác trận đấu

Đây lại là một cảm giác khác nữa, cái gì dính tới chữ “cảm” thường là bắt đầu từ cái gốc tâm lý, “cảm giác trận đấu” cũng là một dạng tâm lý đặc biệt. Nhiều người bảo với em rằng khi vào đánh trận lớn thì họ tập trung lắm, chỉ biết quả bóng và điểm số thôi, chẳng nghe khán giả nào la ó vổ tay gì cả, ngay cả đối thủ mặc áo màu gì họ còn không nhớ nữa. Đó là những người chơi lâu năm, còn dân “gà” mà vào sân đấu lớn sẽ choáng ngay trước độ loãng và rộng lớn của nhà thi đấu, chưa đánh mà tay đã đổ mồ hôi lạnh ướt nhẹp. Nhiều chú tập bóng ở nhà cảm giác ghê lắm, nhưng vào đấu thì bỏ quên đâu mất tiêu, rồi đổ thừa cho áp lực thi đấu hoặc khán giả. Đó là các trường hợp chung, dân phong trào chúng ta ai cũng bị, còn “chiên nghịp” thế nào em không rõ – cấp này mà còn cúm sân thì chắc là ở nhà luôn cho khỏe. Có bác ghiền cái cảm giác này đến nổi cứ đòi đánh…độ, dù chỉ là chai nước khoáng hay lon tăng lực nhưng cái họ cần không phải là cái hiện hữu vật chất cầm được kia. Nói tới đánh độ thì nhiều người hiểu rõ là tâm lý thế nào, lúc bình thường đánh tốt vậy, mà chỉ cần sợ thua là gió đã đổi chiều ngay – sợ thua thì sẽ thua.
Nhiều người đánh thua xong ra than: “không có cảm giác đang thi đấu, cứ xìu thế nào ấy”, có chú bị thua tới 0-2 mới bừng tỉnh, gở lại được một hai séc rồi cũng gục ngã, nếu tỉnh sớm thì còn cơ hội nhiều hơn. Có đứa thi đấu mà bị ảnh hưởng bởi cảm giác tập luyện, nên không có độ “sẳng sàng ứng chiến” cao độ. Nói về tâm lý thì là một mảng nghiên cứu khá rộng, dành cho các chuyên gia trong ngành, em chỉ nêu lên hai vấn đề chính: hiện tượng – nguyên nhân và cách giải quyết. Vẫn là hai ý kiến trái chiều nhau: tài năng hay khổ luyện, rõ ràng là có những đứa chơi không giỏi lắm nhưng khi áp lực càng cao chúng đánh càng ác, cũng có những đứa giỏi mà vào trận cúm như gà mắc gió. Nếu quan niệm mọi thứ là do thiên phú thì việc chọn vdv bóng bàn lại trở nên đơn giãn, kiểu như tiền đạo có kỹ thuật mà không có “chân tiền” thì chỉ được ngồi ghế dự bị. Bọn hlv Tàu chọn đám CNT cũng ra được nhiều tay rất giỏi, nhưng khi đem quân đi đánh giải lớn chúng chỉ tin tưởng vào vài đứa– có khi thua xa mấy thằng ngồi dự bị. Tuy nhiên con người có thể cải được thiên mệnh, các chuyên gia tâm lý trong thể thao vẫn có đất dụng võ. Cảm giác toàn trận đấu là cái phông nền cho cảm giác bàn, cảm giác vợt và bóng. Cảm giác này hiện diện rõ nhất là lúc bóng nghỉ, nhưng vẫn có mặt trong từng động tác đánh, trong từng khoảng khắc nhỏ nhất của trận đấu, vì nó là phông nền mà.

 

1. Hiện tượng và nguyên nhân

 

a. Chưa sẳng sàng
Gọi nôm na là “chưa nóng”, dễ thấy nhất là lúc vào trận có vẻ rất xìu, mất phong độ. Biểu hiện là di chuyển trễ (vì phản xạ chậm) và đánh hư những quả đơn giãn, phạm những lỗi không đáng. Nguyên nhân dễ thấy nhất là giai đoạn làm nóng quá hời hợt, thiếu bài bản (nếu chỉ có đánh đều Fh rồi Bh chừng 2p thì không thể gọi là làm nóng đúng mức, phải tập đủ mọi đường bóng trước đó ít nhất là 15-30p thì may ra). Các “bài bản” để làm nóng em chưa thấy ai nghiên cứu thấu đáu, nếu chỉ thuần để làm “cho nóng” thì cũng tương đương với chạy 5 vòng sân đấu thôi. Cá nhân em để ý thấy khá nhiều người chơi lâu nhưng chỉ ở mức phong trào, khi vào thi đấu giải cũng làm nóng lâu lắm, nhưng chỉ biết giật trái phải, đối giật hoặc gò công là hết. Còn dân chuyên nghiệp ở VN may ra có vài bài “ruột” như tập giật chết bóng xoáy chìm, tập đập hay đối giật bóng xoáy chậm,…Nếu các bác có dịp đi xem các giải cấp “ngoài quốc gia”, hãy tới sớm mà xem các đội nước khác khởi động, sẽ thấy họ làm những chuyện chẳng giống dân mình (nghĩa là họ làm thừa, hoặc dân ta không biết). Hầu như các đội sẽ chú trọng phần uốn dẽo “stretching” vì sợ chấn thương, nhưng theo các chuyên gia thể thao (các môn thiên về độ chính xác cao, đánh cảm tính như tennis, soccer, pingpong,..) thì càng làm dẽo cách khớp thì độ chính xác càng cao, (vì các khớp vận động ngọt ngào hơn) chứ không đơn thuần là tránh chấn thương. Các bài tập làm giãn khớp trong bóng bàn có rất nhiều, bọn Tây nó lấy từ Tennis qua nên thiếu phần cổ tay và ngón tay, em thì áp dụng phần làm dẽo của Teakwondo nên khá chú trọng khớp hông và eo (đây là phần hoạt động tốn nhiều lực nhất trong các động tác giật hiện đại). Khi các khớp và cơ được trơn thì cú đánh mới chính xác, vì đa số khi thi đấu chúng ta đều xài “trí nhớ của cơ bắp” chứ không có não bộ can thiệp vào. Nếu khởi động không kỹ, chỉ cần cái khớp hơi đau tí là có vấn đề với các cú đánh “phản xạ” ngay, vì cơ bắp lúc này sẽ tự động chùng lại để tránh chấn thương.
Các bài tập lúc khởi động với bóng cũng phải theo rơ mà làm, không thể “chết” theo một bài chung được, bọn chúng đều mô phỏng các trường hợp sẽ gặp trong trận, tùy theo từng đấu thủ khác nhau. Nếu Joo Sea Huyk mà không tập cú cắt, Jun không tập đở xa bàn, Ma Long không tập giật góc thì không thể gọi là khởi động. Bọn Hàn Quốc hoặc Nhật đánh rơ đều – đám còn lại – sẽ chuyên tâm khởi động các bài đôi công góc, hoặc cái bài đối phó cú ép Bh. Vd đánh đường thẳng kết hợp đường chéo, hoặc 2 trái Bh đổi qua 2 trái Fh ở góc phải,…Bọn Tàu sẽ khởi động 2 trái Bh rồi 4 trái Fh ở bên 2 góc khác nhau, giật khá mạnh nhưng vẫn có người chặn lại đều tay mà đúng góc nữa. Thử hỏi nếu Kiến Quốc và Quang Linh tập khởi động chung thì có đủ đều tay để đánh những bài ấy không,hay là chỉ 1-2 quả là rớt bóng? Chính vì không có người mô phỏng đánh các rơ chặn đều hay lên xoáy trước, mà các vdv của ta ra thi đấu hoàn toàn không có (và không thể) chuẩn bị trước cái thế trận sẽ phải đối diện, cho nên vào séc đầu tiên rất bối rối. Đó là sự thiếu sót quá mức của đội tuyển chúng ta, khi không hề có “quân xanh” để tập chiến trước ở nhà, càng không có ai để khởi động cảm giác trận đấu cho họ. Cái thiếu sót quá lớn này lỗi do ai? Tại sao ta không có ai cắt bóng xa bàn cực giỏi, không có ai mô phỏng cú giật mút Tàu, cú đập mút gai công, cú giật Bh Fh cực xoáy cực ngắn, hay cú đánh trái của vợt thìa? Chỉ có Sadius với nhau thôi để mà khởi động chung, trong khi lúc ra đấu thực thì đánh với vợt Off-, thật là hài hước! Rõ ràng là chúng ta có khởi động cũng chỉ hoàn toàn là làm nóng mà thôi, chứ không phải là chuẩn bị cho trận đấu, chả khác gì chạy vòng vòng sân.
Dân phong trào cũng gặp trường hợp này, đang đánh chơi lều khều thì bị bị thách đấu, thế là…chiến ngay. Nếu gặp rơ lạ thì cầm chắc nộp hết 2 séc đầu rồi may ra bừng tỉnh ở séc 3. Vào trận chậm nhưng cố gắng quá nên “lố đà”, séc 3 có thể thắng lại nhưng séc 4 lại bị áp lực quá mức nên đi tới trạng thái “quá tập trung” nên không thể uyển chuyển qua lại giữa các kỹ thuật và chiến thuật. Nếu đối thủ có kinh nghiệm (hoặc có cao nhân chỉ điểm) thì chỉ cần hạ nhiệt độ trận đấu xuống, giãm tốc độ lại thì bên kia sẽ bị lố đà té núi luôn, vì “thắng không kịp”. Cũng có thể vì quá khinh địch, đang ngồi lạnh tay có người rủ đánh thế là không cần khởi động nhiều vào chiến luôn (vì ỷ lại đã làm nóng trước rồi). Có một số trường hợp đang tập trung vào chuyện khác (vừa gọi điện thoại xong, nói khá lâu) mà vào đánh thì cảm giác thi đấu cũng mất hết. Đẳng cấp của một cao thủ là làm sao lấy lại cảm giác cho nhanh, chơi phong trào thì có cái trò rất thô bỉ xấu xa là câu giờ: bày đặt lau bóng, cột dây giày, lau mặt, uống nước,… làm một hồi chờ đấu thủ nguội thì mới đánh – nếu là em thấy “cao thủ” nào chơi trò này thì em xin thua sớm khỏi đánh nữa, vì em biết luật ITTF nên không chơi luật rừng. Vì thế nên quân ta ra ngoài thi đấu, lỡ mất cảm giác rồi thì chết nhanh gọn, vì đâu có cái trò câu giờ nữa. Bây giờ bàn tới chuyện “hợp pháp”, nếu để cho mất cảm giác vì thiếu chuẩn bị (đã là rất dở) thì cũng có vài cách để lấy lại, tùy vào vũ khí và chiến thuật của người này nhiều hay ít. Đệ tử của em ham chơi, lúc nghỉ lo chơi với bóng chứ không tập nghiêm túc, vào trận đánh xuống thấy rõ; nhưng nó có tới 5 chiến thuật chính, căn cứ vào séc vừa thua thì nó vẫn còn rất nhiều bài đối phó, nên em bảo nó đổi hoàn toàn sang rơ thủ rồi đánh đơn giãn nhất có thể, xem như nửa séc thứ 2 là khởi động, tới cuối séc em xài lần time-out để chỉ cách nó thắng luôn. Nếu nó không có bề dầy tập luyện bóng chậm, lại chơi vợt chậm, đánh các đường bóng căn bản đã vào máu thịt, thì không còn cách nào cứu. Nguyên tắc là thế này: em chia kỹ thuật theo số chẵn lẽ, 1 là đánh thẳng, 2 là tạo xoáy, cứ thế lên dần theo tốc độ và xoáy tới 9-10. Nếu lỡ mất cảm giác (trận, bàn lưới, bóng,..) thì cứ việc hạ kỹ thuật xuống một hoặc hai bậc, khi nào tự tin thì tăng lên lại. Nếu không tập như thế mỗi ngày thì không biết phải giãm tốc độ và xoáy như thế nào cho đúng, vì nếu chỉ có 2 kỹ thuật chính “giật moi” và “giật xung” mà không có các tầng bậc chuẩn mực khác nhau, thì không thể “giãm theo bậc” chính xác được. Hoặc nếu xài vợt quá nãy kết hợp mút quá xoáy thì cũng không có tầng bậc để mà giãm xuống – đồng nghĩa độ chính xác cũng giãm theo (do giãm lực sẽ bị bắt xoáy). Cho nên chơi vợt nãy mà ngày nào bị mất cảm giác thì khó mà cứu, hlv chỉ đạo “chậm lại” hoặc “tập trung vào”, nhưng chậm thế nào mà tập trung ra làm sao, có làm được không?
Vừa đánh với rơ khác, gai thủ phản xoáy hoặc rơ đở bóng chậm, nên cảm giác bị đổi chưa thích ứng kịp. Cái này có thể liệt vào nhóm “cảm giác bóng”, nhưng xét trên thế trận nếu ảnh hưởng luôn tới cả trận đấu (tâm lý hoảng loạn) thì đã đi sâu tới cái gốc rồi. Vừa đánh với rơ bóng lơi, chậm, low-throw,…mà không có một khoảng thời gian “tẩy cảm giác” thì sẽ mang theo cái sợ vừa nãy vào trận mới này, dù bóng rất quen thuộc cũng phải “nhìn cho kỹ” rồi mới đánh, kết quả là đánh trễ. Sức ỳ của trận đấu trước đè nặng lên tâm lý trận sau, dù trận trước có thắng dòn dã thì trận sau chưa chắc như ý. Không riêng gì đánh với gai phản xoáy, đối phó với rơ thủ xa bàn lốp cao vọt tới, hoặc rơ đở bóng nãy không thấp (kiểu Jun Mizutani) cũng gây ra dư cảm rất lâu – nhất là nếu để thua những quả “tưởng chừng như dể ợt”. Gặp rơ bóng nhanh không xoáy (như gai công) rồi đánh với rơ vợt chậm đánh cực xoáy thì cũng sẽ mất rất nhiều cảm giác. Ngay cả cái tiếng bóng nghe khác cũng làm mình mất tự tin, vừa đánh với gai nghe tiếng thì bóng đi nhanh, đánh với mút Tàu cứng cũng nghe chan chát nhưng bóng đi chậm thì cũng vẫn cúm tay không dám đập lại, cứ nhẹ nhẹ hãm lực đở lại như lúc nãy đánh với gai (cầm chắc là mất hẳn thế trận). Trong trường hợp này nếu có một khoảng thời gian “lấy lại cảm giác”, bằng cách ra ngoài tìm ai đó đánh các bài căn bản cho lấy lại cảm giác, thì sẽ khắc phục rất dễ dàng. Còn nếu đã lỡ “bị” rồi thì đành phải “giãm một hai bậc” quay về căn bản hơn rồi mới có cách đối trị. Cái căn bản là cái gốc, là những động tác kỹ thuật đã tập hàng tỉ lần, nên độ chắc của nó cực lớn, các cảm giác thi đấu không tài nào ảnh hưởng tới độ sâu này được. Với cấu trúc vợt mút hiện đại thì em có tới 5 cấp độ giật xoáy khác nhau, 5 cấp đánh ít xoáy mạnh nhẹ tùy ý. Ngoài ra còn có 3 cấp phụ để đánh đối phó với bóng không xoáy, chìm và xoáy tới. Vì có tầng bậc hẳn hoi nên còn rất nhiều tường lớp an toàn để lùi về và tiến tới. Vd không đánh chết bóng cấp 5 thì vẫn có cấp 4 đánh chính xác, hoặc cấp 3 đánh đổi góc khá nhanh, cấp 2 đánh cực kỳ an toàn hoặc cấp 1 chỉ là đở bóng – các cấp khác nhau đều có diệu dụng riêng và đều hiệu quả. Thử hỏi chơi vợt Sadius với mút Tenergy có thể chia rạch ròi 10 kỹ thuật đánh khác nhau hay không, có thể có thêm 6 kiểu đánh phụ (bạt và giật xoáy ngang, bạt và giật phản công ôm bàn, bạt và giật bóng không xoáy không lực) để mà biến hóa không? Mà lúc ấy có thể biến hóa được không nếu các kỹ thuật không theo tầng bậc và nguyên lý chặt chẽ?

 

b. Bị phân tán khó tập trung
Thực ra là vì tập trung vào nhiều thứ không quan trọng và không đúng lúc. Vd bị khán giả ủng hộ đối thủ quá thì khớp run cả lên (vì thế mới đi ủng hộ chứ!), hoặc bị một hai cú giao bóng tiểu xão nên ức chế bực mình không muốn đánh nữa. Đang đánh mà tự nhiên có khán giả la ó bậy bạ trên khán đài cũng có thể gây phân tâm, nhất là những khán giả cố ý phá hoại trận đấu, biết gà nhà đang thua nên chơi tiểu xão hòng thay đổi thế trận. Đang đánh mà có bóng ở bàn khác bay vào cũng có khi làm mất tập trung, lo lượm bóng rồi dáo dác tìm người trả lại cũng làm khựng hẳn cảm giác đấu. Hoặc lỡ bóng bị bể hay bay xa quá chờ lấy lại, hoặc có ai đi ngang xô ngã hàng rào,…nói chung là các yếu tố bên ngoài. Đánh với các đấu thủ nhiều tiểu xão cũng bị ức chế lắm, vd đang cầm bóng giao mà bên kia giơ tay nói chưa chuẩn bị, hoặc hắn cầm bóng rồi giữ lâu quá trong khi mình gấp giao bóng gỡ điểm. Tất cả đều nằm trong phạm vi nhập nhằng trọng tài khó mà bắt lổi, ngay cả một quả chạm cạnh bên kia cố tình khiếu nại (dầu biết là vô hiệu) cũng có khi là đòn tâm lý ngầm. Đôi khi chấp nhận thẻ vàng nhưng đối thủ có thể đập bàn hoặc đá hàng rào biểu lộ tức giận có lý do (bóng leo lưới hay quá góc bị hàng rào cản trở), hoặc thua quá hắn có quyền…tự chưởi bản thân nhưng cố tình để cho ta nghe được. Tiểu xảo thì muôn hình vạn trạng khó mà phòng bị, cái chính là làm sao để ta đừng bị ảnh hưởng mà “tự nhiên chùng bước”.
Cảm giác thua một quả vừa rồi cũng rất có hại, nó sẽ làm ảnh hưởng tiếp tới những quả sau. Đó cũng là một yếu tố nội sinh khiến ta bị xao lãng. Các cảm giác tự trách bản thân, mắc cở, hay “không hiểu tại sao” là nguyên nhân rất độc hại, dù thua có 1 quả nhưng có khi dẫn tới một tràng dài thua tiếp. Chính vì thế trong topic “7 bóng tấn công” em có nói tới khả năng gỡ điểm, sau một quả đối thủ đánh thua xui thường là cơ hội hiếm có để mà ta vượt lên một lèo 4 điểm – chủ yếu là dựa vào tâm lý. Các cao thủ CNT có cách biểu hiện rất hay sau một điểm thua lãng, Hao Shui chỉ cười, Ma Long thì vừa cười vừa đưa tay lên phủi ruồi, Wang Liqin thì nhìn vợt,…Bọn Tây thì sẽ nhìn vào hàng rào hay bảng điểm để quên đi cảm giác thua. Nếu áp dụng 4Rs thì lúc vào bàn readiness thì chỉ có quả tiếp theo, điểm vừa rồi thế nào cũng đã qua mất rồi. Tuy nhiên đối thủ không dễ dàng bỏ qua như thế, nếu biết ta đã có cách “chặn đứng” cảm giác, chúng sẽ tìm cách “tiếp tục”. Nguy hiểm nhất (mà cũng hợp lệ) là vẻ mặt và các cảm xúc biểu hiện, dù ta chỉ chú tâm vào bóng nhưng vẫn có thể bị các tiểu xảo này làm phân tâm. Một nụ cười thì hoàn toàn không có gì sai, dù là cười thô bỉ hay cười chọc quê, trọng tài chỉ có thể nhắc nhở trong trường hợp quá rõ ràng thôi – mà tiểu xảo thì chả khi nào đi chung với cô Lộ Thị Liễu. Trong phong trào bb Sài Gòn cũng có một chú chuyên gia cười khi giao bóng, hoặc cái miệng hắn có méo lên một chút, đó là Quế “nghéo”. Tay này thắng thua gì cũng có nét mặt khá “nguy hiểm”, cũng từng diệt nhiều cao thủ miền ngoài nhờ lối chơi góc, đánh tay trái mà vợt khá chậm. Cười nham nhở nhất phải kể tới Khoa Mai-cồ ở Q7, trình đở giao bóng kém mà gặp lão này thì khá bực mình. Một kiểu ức chế khác là khi đối thủ thắng xấu mà không thèm xin lỗi, còn hò hét ăn mừng. Ngược lại nếu ta thắng xấu, đã xin lỗi rồi mà còn bị đối thủ càm ràm khó chịu. Đòn này đánh thẳng vào tâm lý của những vdv trẻ “con nhà có học”, chúng sẽ hơi cảm thấy khó chịu hoặc hơi khựng lại với thắc mắc tại sao bên kia vô duyên vậy, chỉ một thoáng thôi nhưng có thể sẽ bị khoét vào, đối thủ sẽ đánh rất ác những điểm tiếp theo nhằm lúc ta lơ là. Đánh với mấy bác già hay cãi lộn (cãi ai giao bóng, hoặc điểm số,…dù chỉ là bịa ra) cũng sẽ bị cảm giác này, phải tập các bài tập tâm lý rất nhiều mới may ra vượt qua được – dù cái này không có trong thi đấu chuyên nghiệp.
Một kiểu gây xao lãng khác là giọng hét, cái này trái luật ITTF nhưng ít thấy trọng tài nào bắt lỗi, nhiều chú vừa đánh vừa “bật ra tiếng động” rất ghê rợn. Nghe mấy cô nàng Tàu hét còn “có cảm giác lạ” hơn nữa, nhất là lúc đối đầu trong trận đấu. Bằng cách hò hét khi thắng một điểm cũng gây cho đối thủ một cảm giác khó chịu, khi cảm giác này xuất hiện thì bọn chúng đã thành công rồi. Ta thấy bọn CNT thắng mấy trái đầu trận rất ít khi biểu lộ cảm xúc mạnh, chỉ hét kiểu buồn ngủ, nhưng mấy trái gần chót chúng sẽ hét vang trời với nắm đấm vung lên. Khi đang bị gác điểm mà gỡ lại bọn chúng sẽ hét rất lớn, để gây áp lực cho đối phương, lợi dụng áp lực này mới dễ dàng gỡ tiếp mấy điểm nữa. Nhác thấy gà của mình cúm tâm lý thì các hlv kêu time-out ngay, có phần vì kỹ thuật nhưng cái chính vẫn là chấn chỉnh lại tâm lý và cảm giác đang dẫn điểm. Hét không phải là cách biểu lộ cảm xúc vui mừng “một cách tự nhiên” đâu, hét thế nào và lúc nào, đều có bài bản hẳn hòi. Bọn Tàu cũng có các cách hét khác nhau, không phải lúc nào cũng là Xô-lê Suu, mà có khi là Tuê (đúng rồi) hoặc Sat (giết), có lúc đánh thắng đẹp mà chúng lại không hò hét chi hết. Em để ý thấy Schlager hò hét rất nhiều trong trận đấu, ngay trước khi đối thủ giao bóng cũng hét – vừa như báo rằng mình đã sẳng sàng, vừa thúc giục đối thủ phải giao bóng cho nhanh. Khi thua điểm bọn chúng cũng hét để vừa trấn an vừa thổi bay cái thán khí bị kềm nén trong phổi ra. Luật cấm giao bóng giậm chân nhưng em thấy chả trọng tài nào bắt hết, kiểu giậm chân này cũng có thể trở thành một tiểu xảo gây áp lực ngay từ khi giao bóng. Giậm mạnh giao nhẹ, giậm nhẹ giao mạnh, giậm với giao khác lúc nhau, giao không giậm mà bất ngờ,…bọn Tàu có đủ trò dù là đẳng cấp cao ngất ngưởng. Bọn Tàu trị hét bằng hét, trị giậm chân bằng…giậm chân, kiểu như “chơi thế này mới hay nè ku”. Em gặp mấy bác Tàu giao bóng che chọi lại giậm chân, em…chơi lại coi ai kỵ ai biết liền, thường mấy bác chơi phá cảm giác của người ta thường bị phản đòn khi tâm lý mình giữ vững. Ai hò hét càng nhiều (mà không hiểu lúc nào cần lúc nào không) cũng sẽ bị phản đòn khi ta đợi đến đúng lúc thì hét lại (dù có làm thái quá một chút trọng tài cũng sẽ du di, vì suốt buổi bên kia đàn áp kia mà).

 

c. Quá tập trung
Chỉ biết có một thứ, quên sạch những cái khác, đây là một kiểu tâm lý thường thấy ở những người có ngày đánh thắng cực đậm, có ngày thua không hiểu tại sao bí bài.Tập trung quá mức cũng không phải là điều hay, vì cần phải chừa “bộ nhớ RAM” cho các ứng dụng khác. Sự tập trung này làm chúng ta chỉ đi một đường thẳng, khó uyển chuyển cho đúng lối (dù đường thẳng ấy dẫn tới nắp cống chưa đậy). Tai hại là ta quên mất những chiến thuật hay, những bài phụ để giúp đi vòng, hoặc tệ hơn nữa là không biết điểm số đang là bao nhiêu, mất hẳn sáng suốt. Điều hay duy nhất là nếu đã chuẩn bị chiến thuật đúng trước trận đấu mà đối thủ cũng không biết đổi bài, thì có thể thắng rất đậm. Một vài bác chỉ có một bài duy nhất, thì việc “tập trung cao độ” vào đúng một bài đó lại trở thành có thể chấp nhận được – nhất là những bài khó phá. Em thấy ở các giải phong trào lẫn giải cấp khu vực, các ông HLV của Ta thường chỉ đạo “tập trung vào”, thế họ muốn tập trung vào cái gì? Vì rơ đánh của chúng ta trước nay chỉ là 1 chạm, cho nên cái cần tập trung “cao độ” chính là đường bóng của đối thủ trả qua. Cái cảm giác thi đấu lúc này là phải nhìn kỹ và đoán xem bóng sẽ trả vào đâu, ngắn hay dài để mà bước sớm cướp công, mà công phải ác. Hoặc lúc đở giao bóng phải tập trung vào động tác lẫn bóng, nhác thấy bóng nhú ra là phải sàn bộ đánh trước, ta “rất giỏi” cú này. Cái khoản mà quân ta cần tập trung vào là một tấc cao rộng cuối bàn bên Bh (hoặc bóng ngắn nảy cao hơn lưới bên Fh), đây là “vùng chiến thuật” của quân ta một thời áp đảo ĐNÁ. Sau này có 2 điều xãy ra ngoài sự mong muốn: đó là bóng không vào vùng đó nữa (1) và nếu có lọt vào thì bóng rất khó đánh (2). Cách giao và trả giao bóng hiện đại đã trở nên quá đa dạng và hiểm hóc, ngay cả những cú lên xoáy tấn công trước cũng rất khó mà ôm bàn phang lại dứt điểm. Đánh trong nước ai cũng xài Sadius nên bóng rất dễ đoán, còn thấp thủ mới xài vợt khác nên có thể đánh ngộp chúng. Ra nước ngoài thì người ta xài vợt chậm đã thành nề nếp, bóng trả lại rất khó đoán – nên tập trung càng nhiều càng đánh trễ – đó là chưa kể những trường hợp không thể tấn công được. Vậy là có tập trung cũng bằng thừa, nhưng hậu quả của kiểu tập trung ấy để lại thì không hề nhỏ. Vì luôn phải canh me những đường bóng ngon (nãy lên khựng lại hoặc vừa đủ xoáy dễ đoán) nên chúng ta có kỹ thuật và chiến thuật quá nghèo nàn, đánh không biến hóa nên rất dễ bị bắt bài. Toàn đội tuyển chỉ có một rơ, cho nên bắt chết một bài là chết hết cả đám – thực ra thì cũng không có rơ khác mà đánh.
Trong thi đấu phong trào rất thường thấy trường hợp vì quá “mê đánh” mà quên điểm số (và lần lau mặt)thậm chí quên mất ai giao bóng. Đánh phong trào không có trọng tài nên cũng không có bảng điểm giúp ta luôn theo dõi để nhớ mình đang ở khúc nào trong séc đấu. Vì quên mất nên chắc chắn sẽ áp dụng sai các chiến lược, để cảm giác xìu rớt vào cuối trận hoặc bứt phá không đúng lúc. Bác nào có xem bài “chiến thuật 7 bóng” của em chắc biết rõ sự quan trọng của các lần lau mặt và tương quan điểm số, không phải cứ chạy một lèo tới 11 là thắng đâu.Cách đối trị là dùng các chiêu làm xao lãng, ví dụ như tự hỏi “ngày sinh của người yêu” hay tự nhéo đùi mình một cái thật đau. Sau khi thoát khỏi cái vòng kim cô ấy thì phải lập tức quay trở lại cảm giác thi đấu “ở đây” và “bây giờ”, suy nghĩ và tìm giải pháp khác tức thời. Có thể nhìn lên khán đài một lúc hoặc tự cười với mình (dù méo xẹo), bọn CNT sẽ nhãy tại chổ vài lần rồi hò hét một chút để thoát ra khỏi sự tập trung thái quá quay lại sự cân bằng. Để tìm cách giãm áp lực, em thấy nhiều người đổi vợt qua tay trái rồi bước vào chùi tay lên bàn, lúc này sự chú ý sẽ quay về cảm giác tay chứ không bị cảm giác trận đè nữa. Có bác sẽ nhãy lắc mông, hoặc lấy ngón chân bấu vào sàn nhà, có bác lấy các ngón tay trái bấu thật mạnh vào mút để thoát khỏi cảm giác “say” chiến.Nếu áp lực trận đấu làm ta đánh hỏng nhiều quá thì có thể áp dụng chiêu “leo xuống”, tức là hạ cấp độ của các kỹ thuật xuống. Mỗi lần hạ xuống thì trận đấu sẽ chuyển sang một tư thế mới, vd từ “dứt điểm” sẽ hạ xuống còn “chính xác”, sự tự tin sẽ tăng lên và cảm giác thi đấu cũng sẽ quay lại cân bằng (mất cái độ “điên khùng” lúc nãy).

 

2. Cách khắc phục
Trong phần 1 em cũng có nói về các cách giải quyết tại chổ, kiểu chắp vá. Tuy nhiên với những ai bị bệnh này trở thành thâm căn thì vẫn có các bài thuốc trị rất hữu hiệu. Bệnh ủ từ lâu, thấy biểu hiện thì đã muộn rồi, nên cũng phải chữa dần dần chứ không thể uống một hai toa là khỏi, đó là cách trị bệnh của Á Đông. Bọn Tây cũng áp dụng các bài tập thư giãn rất nhiều, nhưng phần đông là để áp dụng giữa các séc hoặc giữa các trận đấu, để xóa cảm giác và phục hồi tinh thần. Khác với bọn Tàu tập như máy mỗi ngày, tụi Tây nó thích sáng tạo hơn nên thiên về tưởng tượng các chiến thuật và đường bóng bằng suy nghĩ, hơn là nhào vào bàn tập như máy. Tuy là dân Tây nhưng chúng rất chuộng Thiền và Yoga, trong một buổi tập 3 tiếng chúng chỉ tập với bóng chỉ có chưa đầy một nửa, còn lại là tập thể lực, tập thư giãn và thiền (30p cho khởi động làm nóng, 30p cho làm lạnh và thư giãn học chiến thuật, 30p cho các bài thể lực và độ dẽo). Em chưa thấy một video clip nào về các bài thư giãn sau buổi tập của bọn Tàu, hoặc các huấn luyện tâm lý đằng sau các buổi tập nặng, nhưng em thấy rõ là dân Châu Á không hề xem trọng Thiền và Yoga – thế thì quá uổng phí. Những bài tập tâm lý sau đây em được học từ các ông HLV Âu, thế mà họ dạy khá hay như là chuyên gia vậy.
Tập tưởng tượng trước trận đấu sẽ ra sao (visulization), nghĩa là cả đám chỉ cần…ngồi yên theo tư thế Yoga và tưởng tượng. Ông Coach sẽ đọc một bài hướng dẫn, chậm chạp và rõ ràng, bắt đầu từ việc cảm nhận thân thể và cảm giác toàn thân qua từng hơi thở. Sau đó sẽ dẫn tới các suy nghĩ tưởng tượng “hóa thân” vào một trận đấu đỉnh cao, trong một sân thi đấu đầy khán giả, trọng tài ngồi đâu, coach ngồi đâu,…bắt đầu trận đấu thế nào, chiến thắng ra sao,…Đó là cách tưởng tượng ra một trận đấu đầy căng thẳng để mà làm quen dần ngay từ trong sâu thẳm suy nghĩ. Các bác sẽ thấy điều này thừa thãi: cứ ra đánh vài lần sẽ quen thôi! Tuy nhiên ra đấu thực chúng ta sẽ bị ngộp rồi chả học được gì hết, toàn bộ tâm lý lúc ấy sẽ là đối kháng chứ không còn sự lựa chọn nào. Bài tập này được viết lại, ông coach chỉ cần đọc chậm chậm thôi, chứ không phải ổng là chuyên gia dạy thiền – có lẽ được viết ra bởi một chuyên gia tâm lý thể thao nào đó. Bài tập này gộp luôn 2 phần: thiền “ở đây và bây giờ” và cách kiểm soát các cảm giác áp lực trận đấu – chỉ bằng cách tưởng tượng. Các bài tập Visulization còn áp dụng vào các chiến thuật hoặc kỹ thuật nữa, rất có hiệu quảvì nó sửa động tác và sự thông minh chiến thuật ngay sâu trong phần tiềm thức của chúng ta. Khi thi đấu nếu bị áp lực hoặc xao lãng thì áp dụng phần “một hơi thở nhớ lại toàn thân”: hít một hơi dài rồi chú ý cảm giác từ đầu tới chân, tức thì mọi cảm giác lạ sẽ bị dội sạch. Nếu tập kỹ phần visulization thì sẽ cảm thấy không khí thi đấu trở thành quen thuộc chứ không hồi hộp mạnh nữa.
Chú ý vào hơi thở ta sẽ thấy lúc hồi hộp thì thở rất gấp và ngắn, lúc thư giãn thì thở dài và chậm, bị áp lực quá thì nín thở luôn (như bị đè ngộp lên ngực). Nghĩa là hơi thở biểu hiện cảm giác tâm lý, ta có thể không nhận ra trạng thái đang diễn ra nhưng luôn có thể biết hơi thở, khó mà nhắc ta biết mình đang bị áp lực, nhưng có thể dễ dàng biết mình đang …nín thở. Sau một quả đánh, lúc bóng chết, ta có thời gian để ổn định hơi thở, nên tận dụng lúc ấy để nạp Oxy cho cơ bắp (khi bị run hoặc lạnh tay cầm chắc là do thở kém). Hơi thở có thể ảnh hưởng lên hệ thần kinh giao cảm, đây là đầu mối của tâm lý (sợ hãi, cúm, quá kích động,…). Ta có thể tập luyện để dùng một hơi thở sâu buộc hệ thần kinh này trở lại cân bằng. Hét là cách rất hay để ổn định hơi thở, nó tống sạch thán khí trong phổi rồi kích hoạt một hơi thở sâu mới. Có kiểu hét “cạn” chỉ để giữ bình tĩnh hoặc trấn áp đối phương, nhưng cũng có kiểu hét “sâu” sau mỗi quả đánh, nó có tác dụng cho hơi thở nhiều hơn. Hơi thở và cảm xúc tâm lý liên quan tương hỗ rất chặt chẽ: nếu hơi thở cạn thiếu dưỡng khí thì tim sẽ tự động đập nhanh (vì lượng dưỡng khi trong máu thấp, mà não cần oxygen nên tim bơm nhanh cung cấp máu nhiều lên cho não bù vào), khi tim đập nhanh sẽ kéo theo các hệ thần kinh giao cảm hoạt động khiến các cơ bắp bị “cúm” lại. Tâm lý hồi hộp ảnh hưởng ngược lại hơi thở, khiến có cảm giác “thở không nổi”, cứ thế mà thành vòng lặp, dẫn đến chất lượng thi đấu giảm xuống đáng kể. Các kỹ thuật sẽ không còn chính xác và đủ lực nữa, khi mà hơi thở bị ém lại – hét là cách hay nhất để kích hoạt phổi, lấy dưỡng khí và đi ngược lại cái vòng lặp nguy hiểm ấy.
Biểu lộ cảm xúc trái ngược cũng là một cách hay (nhưng thua hét), không có tác dụng trấn áp tâm lý đối phương nhưng đôi khi lại có tác dụng củng cố tinh thần rất mạnh. Thường thấy nhất sau một quả thua lãng xẹt hoặc đối phương quá xuất thần, bọn CNT sẽ nở một nụ cười thay vì bực dọc. Cười được trong những lúc dầu sôi lữa bỏng thể hiện một bề dày tập luyện tâm lý, bọn CNT không hẳn là cao thủ về nhiếp tâm, nhưng chỉ cần học thuộc và ghi nhớ các mẹo vặt ấy thôi. Ngoài ra còn có thể biểu lộ cảm xúc thái quá để tăng độ “điên khùng” khi ta bị cảm giác “chưa vào trận”. Trong thi đấu phong trào ta rất dễ thấy chiêu này, khi thấy đánh yếu hơn mọi khi, các vị “cáo già” thường là gây gổ (dù với lý do vu vơ) cho tức giận lên, rồi vào trận lại sẽ thấy họ đánh rất khác. Họ sẽ kiện cáo tùm lum rồi làm ra vẻ vị thiên vị ăn hiếp, tự bắt tinh thần phải nóng giận sôi lên. Trong CNT, có Fang là đứa nhóc nóng nảy nhất, nhưng già như Wang Liqin cũng thường thấy giậm sàn tức giận khi đánh hỏng lãng nhách. Cái máu “ma-le” đã ăn sâu vào dân Tàu từ thời xửa xưa, nên những trò tâm lý này bọn chúng sẽ không từ bỏ – nếu ở thế thua.
Thường thì khi phát hiện ra các biểu hiện tâm lý xấu, một vdv giỏi chỉ cần hít sâu rồi thở cạn một hơi là có thể lấy lại cảm giác, tuy nhiên cũng cần có vật nhắc nhở để “quay lại” hay “trở về”. Với bọn CNT là cái mặt mút Tàu, chúng sẽ hà hơi vào đó rồi chùi chùi, không phải để cho mút bám hơn đâu, sàn thi đấu cũng chẳng có nhiều bụi để mà lau – đó chính là lúc chúng an định tâm lý, dẹp bỏ ngoài tai mắt những điều không tốt, chỉ có miếng mút mà chúng đã tập hàng tỉ lần mà thôi. Để tăng độ tập trung, chúng sẽ tâng bóng nhiều lần trên vợt (trước khi giao bóng), vừa lấy lại các cảm giác vợt và bóng, vừa làm giãm sự xao lãng bên ngoài. Bên đở giao bóng thường sẽ làm tăng cảm giác trận bằng cách nhảy nhảy vài cái trước khi vào thế chuẩn bị, có thể sẽ siết chặt cán vợt hoặc lấy các ngón tay trái bấu thật mạnh lên mút để “cảm giác trở về”. Bọn Tây chia lúc bóng chết ra làm 4 phần (4Rs) nhưng bọn Tàu có lẽ đã chia ra nhiều phần hơn nữa, độ “chú tâm” càng tăng cao khi càng gần lúc quả bóng nảy lên. Độ tập trung sẽ đạt cao điểm khi nhìn quả bóng bay qua lưới, đó là kết quả của cả một quá trình tập luyện và chuẩn bị có bài bản. Tuy là tập trung nhưng không phải chỉ cho một hai kỹ thuật “ruột”, nên dễ dàng hơn nhiều. Với chiến thuật lâu dài lên tới 7 bóng thì bọn CNT chả vội gì phải đánh “một quả chết ngay”, chúng chỉ cần phân biệt bên nào để di chuyển cho đúng, rồi xem quả đó có đánh chết được hay phải đánh an toàn. Nên bài toán về cảm giác của chúng rất dễ dàng, chỉ có nhiều biến số hơn mà thôi.
Với những ai thường xuyên quyên tỉ số, ham đánh mà không có cảm giác chiến thuật chiến lược thì nên tập cảm giác “leo thang đếm bậc”, một séc đấu là một vế thang 11 bậc, leo 3-5 lầu là xong một trận. Em có viết rõ vì sao cần phải nhớ tỉ số trong bài “chiến thuật 7 bóng”, tuy biết là quan trọng nhưng nhớ và làm theo được quả chẳng dễ chút nào – nhất là khi ta bị muôn vàn thứ chi phối. Cuộc chiến trên cái bàn nhỏ xíu nhưng có rất nhiều mặt trận, cần phải phân chi rõ đâu là gốc, đâu là ngọn. Thắng thế được phần ngọn mà quên mất cái nền, cái phông của mọi thứ khác thì quả là rất bất ổn, thua lại khi nào không biết trước. Tâm lý quyết định mọi thứ, từ kỹ thuật cho tới thể lực – cảm giác toàn trận đấu là nền tảng cho các cảm giác khác như bàn, lưới, vợt bóng,…Tuy là thứ cấp nhưng chúng cũng ảnh hưởng ngược lại: một trận mà bị mất cảm giác bóng cũng làm mất luôn sự tự tin, dẫn tới phá hỏng toàn bộ thế trận. Một vdv giỏi luôn biết phải giải quyết thế nào, một hlv giỏi phải sớm nhận ra “gà nhà” đang mắc dây thun chổ nào để mà có cách gỡ cho đúng – không thể vin vào câu “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.

 

IV. Kết luận và hướng đi

Thực sự thì đây là một chủ đề rất nhàm chán vì ai cũng gặp phải, ai cũng biết rồi – không như khi bàn về mút Tàu có rất nhiều người quan tâm. Đây là một môn thể thao “nhanh nhất hành tinh” nên các động tác xử lý bóng gần như không còn nằm trong các hoạt động bình thường của trí não nữa. Các chuyên gia thể thao gọi đó là “trí nhớ của cơ bắp”, họ chứng minh được rằng càng lặp lại nhiều lần một động tác thì nó sẽ trở thành “quen tay” hay phản xạ, chứ không còn là một chuỗi hoạt động dài xử lý thông tin ra kết quả nữa. Nghĩa là chúng ta đánh bóng bằng “cảm giác” nhiều hơn là “trí não”. Nếu chỉ ngừng lại ở đây thì sẽ không thể giải thích được tại sao dân ta đánh bóng bàn cũng ngày đêm luyện tập gian khổ, vậy mà trong một thời gian dài thành tích ngày càng đi xuống. Nếu nói rằng quen tay đánh chính xác thì có căn cứ hẳn hoi, cứ đến các lò dạy bóng bàn căn bản ở VN sẽ thấy các em tập luyện rất đều, động tác chuẩn xác, bóng đi chính xác rất ít lỗi – được cho là do quen vợt, quen tay và quen bóng. Nhưng mấy cái “quen ” ấy có phải là điều mà chúng ta hướng tới không, khi bóng bàn hiện đại đã trở nên cực kỳ đa dạng và phức tạp. Lúc này mấy cái “quen” đó sẽ trở thành vật cản cực lớn để tiến tới chiến thắng, “thói quen khó đổi” mà. Chúng ta tập nhiều và quen với các đường bóng trong nước, với cảm giác bàn và trận đấu như nhau (chuyên nghiệp bỏ khá xa phong trào nên luôn chiếm thượng phong) chỉ vì một điều là trong nước chỉ đơn điệu có một rơ thôi, nên cái quen này thực ra là giả tạo. Ra sàn đấu khu vực (hoặc giải trong nước có mời các đội nước bạn) gặp rất nhiều rơ khác nhau, cái gì cũng khác hết, liệu cái “quen” trong nước ấy có cứu vãn được gì không hay càng làm các vdv trở nên nặng nề thiếu linh hoạt?
Xu hướng TG đã từ lâu chuyển sang “hậu hiện đại”, tức là mềm dẽo uyển chuyển, đối thoại chứ không đối đầu – đã gần nửa thế kỹ rồi, trên mọi phương diện từ kinh tế chính trị tới thể thao văn hóa. Điều này đã được Quãng Trọng dạy Tề Vương từ thời Liệt Quốc: “lưỡi mềm thì còn, răng cứng mà mất”. Bọn Tàu và cả TG cũng biết cái triết lý Âm-Dương cương nhu đúng lúc của Đạo Học: không có gì mềm bằng nước nhưng cũng không có gì mạnh mẽ hơn sức nước. Tàu là “ông thầy – ông nội” của Ta về mọi phương diện, thế những cái điều hay lẽ phải ấy tại sao dân ta chưa học được nhỉ? Đừng nói chi cái Trung Nguyên nhỏ xíu ấy, cả TG có còn nơi nào vẫn khư khư bám lấy những kỹ thuật và chiến thuật bóng bàn lỗi thời như nước ta hay không? Ai cũng nói vì nền thể thao, vì tự hào dân tộc, nhưng họ có dám bỏ cái lạc hậu đi để thay máu cho bóng bàn VN – đồng nghĩa với quyền lợi của họ bị lung lay? Đừng có lấy chuyện thành tích “những người chơi Sadius vẫn về nhất” mà làm cái lý lẽ bao biện. Hãy nhìn vào các giải phong trào có những đội Hải Ngoại về tham dự, những con dân Việt ở xứ người lo cắm đầu làm ăn kiếm tiền, chơi bóng chỉ giải trí, vậy mà họ còn làm điên đảo cái đám chuyên nghiệp – nếu so về đẳng cấp thì đáng lẽ phải bị “luộc gọn”. Dân ta mang Sadius ra nước ngoài không ít (du học sinh), hãy hỏi xem họ đánh đấm thế nào nơi xứ người. Quay lại chuyện cảm giác trong bóng bàn, đó là cái mà dân ta đang thực sự thiếu, chứ không phải là miếng mút Tàu “tuyển” hay những cây vợt chất lượng.
Em viết những bài này để cho dân phong trào có nền tảng để mà vượt lên một mức độ cao hơn. Xưa nay trong giới phong trào ta phân biệt “năng khiếu” và “giang hồ”, chỉ vì sự khác nhau giữa kỹ thuật và kinh nghiệm. Nếu đem hai điều này cộng hợp lại một cách khéo léo kèm với một rơ hiện đại hoàn chỉnh có căn bản từ Tàu hoặc Nhật thì em tin chắc rằng ngày tàn của Sadius cũng không còn xa. Chỉ tiếc là những sức ỳ tư duy như: “cảm giác không thể truyền dạy” , “kinh nghiệm đánh lâu mà có”, hoặc “tập dần sẽ quen”,…đã bóp chết rất nhiều mầm non tài năng của chúng ta. Nhìn sang Tàu mà xem, không có gì họ không làm được, con nít 15-16 tuổi đã đánh tan nát TG, chúng ta đừng có tự hão rằng con nít chúng ta 11-12 tuổi cũng…đánh mạnh lắm. Mạnh nhờ cái gì chứ, nếu nhờ vào trợ lực của vũ khí thì chúng đã học cách ỷ lại ngay từ lúc măng non, thế thì thủ phạm hại chết bóng bàn VN đã được xác định rõ như ban ngày rồi. Em sẽ viết tiếp về cách huấn luyện và cách đào tạo ra những huấn luyện viên bóng bàn đúng chất lượng. Bóng bàn – cũng như bất kỳ phương diện tôn giáo chính trị nào – đều lấy phong trào và quần chúng nhân dân làm gốc, chứ không phải là cái đám nhận lương nhà nước (thuế của dân) đang cố chấp khư khư những “toa thuốc gia truyền” đã mục nát. Chỉ cần bóng bàn phong trào không còn chấp nhận những điều lạc hậu sai trái ấy nữa, thì thành tích bóng bàn nước ta mới có ngày vinh quang, con cháu chúng ta mới có lúc được nở mặt như thời cụ Mai Văn Hòa.

Viết một bình luận