Đánh cờ

-Checkmate!
-……….
Thôi lau nước mắt đi và xếp lại bàn cờ khác con ạ, chỉ là một ván cờ thôi mà. Cha biết con không còn nhỏ để ham thắng thua một ván cờ, mà vì tiếc nuối một thế trận mà con đang hơn về mọi mặt. Chỉ một nước đi sai là đánh đổi cả bàn cờ, cho dù trong tay có đầy đủ các quân mạnh cũng không thể nói trước tàn cuộc ai thắng ai. Chỉ một đối thủ mà có biết bao nhiêu là cạm bẫy, để con hiểu rằng hơn người ta chưa chắc là thắng. Khi con lớn lên bước ra ngoài XH có hàng muôn vạn mối quan hệ, phải chơi cùng lúc rất nhiều trận đấu sinh tử – mà luôn phải tuân theo cái luật khắc nghiệt “hạ thủ bất hoàn”.
Di sai một nước trả giá bằng một cuộc cờ, tính sai con toán bán con trâu. Yêu lầm một người thì lỡ một thời, cưới nhầm thì mất một đời. Chỉ có ván cờ là chúng ta có thể bắt đầu lại như lúc khai cuộc, ngoài ra không có gì quay lại lúc ban đầu nữa, không ai tắm hai lần giống nhau trên dòng sông đang chãy. Con người không thể lột da sống lại, thời gian cứ trôi mãi theo một đường thẳng. Ván cờ có thể sắp lại như cũ nhưng người chơi đã bước qua một tâm thức khác. Không có ván cờ nào kết thúc giống nhau, dù tất cả đều bắt đầu lại bằng một cách như nhau.
Đừng bao giờ đánh giá thấp các thế cờ thiếu quân, vì ít nên gọn và tiện lợi. Nhiều mà chồng chéo cản trở nhau thì có khi càng mau bí. Có nhiều thế cờ chưa mất quân nào đã thua cuộc. Cha chấp con đến nửa số quân, khởi đầu cực kỳ bất lợi nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu. Sống hơn nửa đời người, cha hiểu rõ rằng các cuộc đối đầu thường không bao giờ cân sức, chỉ có kẻ ngày càng mạnh hơn mới là người chiến thắng cuối cùng. Bên chấp luôn luôn là bên giỏi hơn, nên ngoài đời người nào càng bị gặp khó khăn trở ngại thì ta hiểu đấy là một kỳ thủ xuất sắc – đang phải chấp nhận cái luật đời cân bằng: người giỏi bao giờ cũng phải chấp điểm.
Con tốt đi đến cuối bàn cờ được phong Hậu, đấy là phần thưởng xứng đáng cho một quân cờ chỉ có thể tiến từng bước một – không bao giờ được lùi. Đôi khi ta cũng buộc phải làm một con chốt nhỏ: chỉ còn biết nhắm mắt dò từng bước tới trước, không còn con đường nào khác nữa. Một quân chốt rất dễ trở thành quân thí, nhưng 2-3 con đan xéo với nhau lại thành một đội hình vững chắc khó ai cản nổi. Những người nguy hiểm nhất là những kẻ không có gì để mất, nên quân chốt mới là quân đáng sợ nhất. Con đòi chấp quân Hậu, nhưng nếu là Cha thì sẽ chỉ cần xin 4 quân tốt xen kẻ nhau là đủ thắng. Mất đồng đội kề bên thì một con chốt trở thành cực kỳ yếu ớt, vì thế sau này nếu con có trong thế cờ thí, thì đừng bao giờ để mất đi những “quân cờ” thân cận mình nhất.
Con thua trong khi đang say men chiến thắng, chỉ một nước đi sai lầm phải trả giá rất đắt. Hãy nhớ bài học này vì con sẽ gặp lại mãi trong cuộc đời. Nên biết rằng quân Vua có thể bị mất bất cứ lúc nào, quân Hậu chỉ vì quá ham ăn nên bị sập bẫy rất dễ dàng. Cái câu “dại gì không đớp” là một suy nghĩ rất…ngu, người ta không ăn lại mình ngay nhưng “há miệng là mắc câu”, lỡ ngậm rồi thì đâu thể nhả ra được nữa. Người ta gài cho mình ăn ít thì mình vẫn còn cẩn thận, khi quen tay quen miệng thì mới sinh ra chủ quan. Người chơi cờ giỏi cũng như võ sư: kẻ địch có thể đánh mình 10 chiêu, ta chỉ cần đánh lại 1 chiêu là thắng – vì đánh trúng ngay tử huyệt.
Trên bàn cờ, quân gì cũng có thể mất được, trừ Vua. Nên biết, “đối tác” của con cũng suy nghĩ tương tự: hắn có thể tặng con bất cứ thứ gì, chỉ cần lấy lại của con một món: đó là cuộc đời của mình. Cha trả lại con cả bàn cờ, mình đánh lại, nhớ chơi khôn ngoan hơn trước nhé!

Viết một bình luận