Giật mạnh – kiểu hiện đại

 

I. Đặt vấn đề

Trước tiên phải định nghĩa chữ “giật”: là động tác đánh bóng mạnh, dứt khoát, truyền xung lực vào bóng. “Mạnh” bao gồm xoáy, tốc độ và tỉ lệ giữa xoáy – tốc độ. “Giật mạnh” là cú giật truyền lực từ tay qua vợt vào bóng sao cho kết quả là một đường bóng đầy đủ tốc độ và xoáy. Tốc độ đủ để làm đối phương không kịp với tới bóng nếu đứng ngoài tầm tay, xoáy phải đủ để làm quả bóng qua lưới an toàn và cắm xuống bàn.
Động tác “giật xung” thuộc thể loại căn bản, bất cứ vdv trẻ có tập luyện theo căn bản đều có thể biểu diễn những lần “giật đều” khá mạnh và chính xác nếu có người chặn bóng đều. Phần đông sau khi biết đánh đều chỉ cần tập thêm vung tay xoay lườn là có thể đánh được, cộng với luyện tập để quen đường bóng trả lại và tăng độ chính xác, hoặc có vợt mút tốt thì đã có thể giật từ mạnh tới rất mạnh.
Độ “mạnh” này dựa trên định nghĩa tốc độ và xoáy. Đứng ở 3 vị trí người đánh, người đỡ và người quan sát thì quả giật này đủ mạnh. Người đánh thấy xung lực truyền đầy đủ vào bóng, người đỡ thấy bóng quá nhanh và xoáy, khó lòng mà đỡ vào bàn dù là bóng tới ngay tay. Người xem thì rõ là tốc độ và tiếng bóng chạm rất…khí thế. Cho nên vấn đề đặt ra – nếu đơn giản chỉ là – giật sao cho mạnh thì chỉ cần quay lại bóng bàn căn bản, không có gì to tát hết. Nếu muốn kiểm chứng thì chỉ cần tới các lớp “năng khiếu” xem các em nhỏ tập giật đều, bảo đảm là mạnh.
Tuy nhiên có 3 vấn đề thường gặp: thứ nhất là với những người chơi bóng tự phát có động tác và cảm giác bóng sai, nên hiệu quả cú giật không lớn. Những người này đánh rất tốn lực mà cú giật đi không hiệu quả như mong muốn. Vì chơi lâu thành thói quen khó sửa, vả lại có tập đúng chỉ mỗi động tác thì vào thi đấu vẫn không thấy hiệu quả mà còn phản tác dụng. Bóng bàn là một môn thể thao đa chiều rất phức tạp, muốn tiếp cận giải quyết một vấn đề phải luôn đối phó với cả một hệ thống liên quan như tơ lòng thòng của bác Hai Cù Nèo. Vd động tác giật đúng rồi nhưng bộ chân chậm quá, hoặc đứng sai bộ, giật bóng gần bụng bia quá hoặc vung tay chậm quá,…ngay cả bóng trả qua hơi khác một tí là đã lúng túng rồi, vung tay sai một tí thì bóng đi sai một thước. Cho nên với những cái sai tuy nhỏ nhưng chữa lại là cả một vấn đề rất lớn và phức tạp.
Thứ hai là “chiều sâu” của cú giật, định nghĩa dễ hiểu hơn là tỉ lệ giữa tốc độ và xoáy. Như giáo trình dạy bóng bàn trước nay ở VN vẫn chỉ có 2 kiểu giật căn bản: giật xung và giật moi. Giật xung là tốc độ nhanh nhưng xoáy ít và giật moi là ngược lại, tốc độ chậm nhưng xoáy nhiều. Tương quan giữa hai cú giật là phải hy sinh một trong tốc độ hay là xoáy, chứ không có kiểu giật vừa nhanh vừa cực xoáy. Đó là thực tế hiển hiện mà chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng, rằng giật xung dễ đỡ hơn giật moi nếu trong tầm tay, chỉ cần kê vợt vào chặn là bóng được trả lại vào bàn nếu cầm loại vợt không quá nãy. Trong khi giật moi thì khó đỡ hơn nhưng lại dễ đập lại vì bóng đi chậm và cao. Điều đáng nói ở đây là chẳng những chúng ta không có kiểu giật cực xoáy cực nhanh, mà ngay cả cú giật nữa vời vừa đủ xoáy vừa đủ lực cũng không có nốt, hoặc là không khuyến khích tập luyện, hoặc là khi thi đấu không thể áp dụng, lý do tại sao sẽ bàn kỹ hơn trong phần sau. Chỉ có thể ép đầu bóng xoáy tới phang vào để có cú giật mạnh, hoặc ráng đánh mỏng và gồng tay chỉnh bóng cho vào bàn. Chính vì giới hạn này mà cú giật “theo sách giáo khoa” ở VN rất dễ đỡ và dễ bị tấn công lại, vì chỉ cần nhìn ra hoặc xoáy hoặc là tốc độ thôi.
Và cuối cùng là khả năng tấn công trên mọi loại bóng tới và mọi góc độ đánh. Chúng ta có thể giật rất mạnh nếu có người chụp bóng đều lại, hoặc có người quăng bóng cho đánh, đó là trình độ dưới trung bình. Chúng ta tán dương những cú gài bóng rồi tấn công “mất bóng” hoặc đối giật qua lại của các đấu thủ cấp A. Tuy nhiên chỉ cần bước ra khỏi biên giới VN là khả năng giật mất bóng hoặc đối giật ầm ầm cũng bị bỏ quên ở nhà, đó là vì chúng ta chỉ quen với một vài đường bóng căn bản. Vd bóng trả lại tuy nặng nhưng cao và hơi dừng lại, thế là có thể phang mất bóng ngay, hoặc bóng đối giật nhanh nhưng vọt thẳng tới và thiếu xoáy, nên có thể đánh lại dễ dàng. Ở đẳng cấp cao hơn một tí, bóng trả lại luôn có “chiều sâu chiến thuật” nên luôn dồn các đấu thủ của ta vào thế bị động, hoặc là đoán không ra hướng tới nên bước sai, hoặc là phân tích quả bóng không đúng tỉ lệ xoáy lực nên không dám vung hết tay,…Hoặc có đánh tự tin thì đường bóng tấn công rất nghèo nàn, dễ dàng bị đưa vào thế đối giật với những quả xoáy và lực kinh khủng từ bên kia. Cú giật xung kiểu “sách giáo khoa” không thể áp dụng khi bóng xoáy tới quá mạnh lại đang cắm xuống, hoặc bóng lơ lửng không lực cứ sụp xuống quá nhanh trước khi vợt kịp với tới, còn giật moi thì thường là cao hoặc ra ngoài. Và thế là những trận đấu của đội tuyển VN trên sàn đấu khu vực thường vắng đi những quả dứt điểm xé gió “mất bóng” như ở trong nước.
Quay lại định nghĩa “giật mạnh”, nên chăng chúng ta cần nghiên cứu về một cú giật mạnh “mới” mà nó có thể vừa đạt được xoáy và tốc độ tối đa cùng lúc, có thể điều chỉnh xoáy và tốc độ trong mọi trường hợp bóng tới khác nhau mà vẫn không làm giảm hiệu quả tấn công? (nếu chiến thuật đặt ra là phải tấn công để thắng). Vì đây là một vấn đề tiên quyết đối với một đấu thủ bóng bàn, không chỉ với rơ tấn công mà còn dành cho rơ phòng thủ hiện đại. Sở hữu một đòn mạnh bao giờ cũng là lợi thế, nhất là khi ITTF đang có xu hướng cố gắng làm giảm tốc độ trận đấu bằng cách cấm xài keo tăng lực hoặc chế ra loại bóng mới – bóng poly-plastic không có đường nối.
Tuy nhiên đây chỉ là một vấn đề mà chỗ đứng của nó còn nằm thấp hơn động tác căn bản nữa. Hay nói đúng hơn, nó là căn bản cho các kỹ thuật cơ bản. Mà cái gì là căn bản thường nằm rất sâu kín khó tiếp cận, giống như cái móng cọc của nhà lầu vậy, phải ép trước khi đổ cái móng, mà khi nó đã hư mục thì cái nhà chỉ có chờ ngày đập phá. Chỗ khó thấy của nó nằm sâu trong tư duy hay còn gọi là định kiến của chung, nó tích tụ từ tổ sư tới sư ông sư thầy rồi tới trò, bây giờ đùng một cái đổi đi chẳng dễ dàng gì. Cho nên hy vọng của người viết không quá lớn, không có hoài bão làm thay đổi nền bóng bàn VN hay đào tạo ra những VDV cấp Thế Giới, chỉ là một tiền đề tổng quát cho những nghiên cứu chuyên sâu khác tiếp theo.
Đề tài này chẳng có gì mới, chỉ là góp nhặt lại những gì đã được nghiên cứu và ứng dụng gần hơn 25 năm nay trên thế giới. Có thể gọi đó là “cách giật bóng hiện đại” để so sánh với kiểu giật truyền thống trước nay ở VN.

 

II. Sự cần thiết

Để em kể hầu các bác một câu chuyện về anh đầy tớ hấp tấp nọ, bị ông chủ quát rằng thưa gì phải có đầu đuôi. Thế là một lần nọ anh ta bẩm cụ lớn, rằng con tằm nó nhả tơ,…cho tới khi cái áo tơ lụa hàng VN chất lượng cao của cụ lớn cháy mất một mảng to thì mới lòi ra nguyên nhân cái tàn thuốc. Em không thích mì ăn liền, cũng không thích giật gấu vá vai, bởi vì cái bộ vía bóng bàn VN đã cháy gần hết cho tới mấy mảnh đồ lót cho nên em cũng không cần phải vội vã gì. Nói dai viết dài là nghề của em, vả lại cái nguyên nhân làm cháy áo cũng lãng xoẹt chả liên quan chi tới chuyện con tằm.
Để giật bóng, chưa cần biết mạnh hay yếu, thì cần phải có vợt và mút đã. Quay lại quá khứ 30-50 năm về trước thì chỉ có cơ bản là 2 loại vợt: Loại thuần gỗ, mỏng và đàn hồi cao, hay còn gọi nôm na là “vợt mềm”. Loại thứ 2 dầy hơn, nhiều lớp gỗ hơn hoặc có thêm lớp carbon cho nó cứng và nãy hơn. Mút cũng chỉ có 2 loại phân biệt là cứng như gai công hoặc mút Tàu hoặc vài loại mút Nhật hơi cứng như BTY Sriver D-13, và mềm như các loại Yasaka MarkV hoặc BTY Sriver EL hay FX. Vì quanh đi quẫn lại chỉ có “cứng” và “mềm” nên có 4 kiểu kết hợp, phổ biến nhất vẫn là cốt cứng kết hợp mút mềm hoặc vợt mềm đi với mút hơi cứng.
Hồi đó – và ngay cả bây giờ – người ta quan niệm rằng cốt vợt là để tạo ra tốc độ, còn mút là để tạo xoáy. Nhiều người còn quan niệm rằng mút cứng hơn sẽ cho tốc độ lớn hơn nhưng xoáy kém hơn, trong khi một số bảo vệ rằng mút mềm hơn thì sẽ xoáy và dễ đánh hơn. Để tạo ra một cây vợt “mạnh nhất” thời bấy giờ thì cần có một cốt tốc độ khủng và cặp mút mềm dai. Những người theo quan điểm này tạo nên trường phái “cốt cứng mút mềm”, họ có kỹ thuật tạo xoáy chủ yếu là ma sát mỏng vào bóng, càng mỏng thì càng xoáy (thực ra là tỉ lệ xoáy và tốc độ thay đổi, xoáy nhiều thì chậm). Những tay vợt thìa Nhật lúc ấy chiếm lĩnh bóng bàn TG với loại vợt nhanh chớp nhoáng. Người làm rạng danh môn phái này là Schlager với cây Schlager Carbon (y chang Sadius) và 2 miếng Bryce Speed, hoặc vợt thìa vuông như Ryu Seng Min. Còn ở VN thì cặp Mạnh Cường – Kiến Quốc một thời làm bá chủ Đông Nam Á cũng với kiểu vũ khí tương đương.
Phát triển song song với rơ cốt cứng mút mềm là rơ cốt đàn hồi mút trung bình và cốt trung bình mút cứng. Đó là cả thế giới bóng bàn còn lại với các tên tuổi lớn như Waldner, Khổng Lệnh Huy, Lưu Quốc Lượng,…và cho tới ngày nay thì hầu như 95% cao thủ trên TG đều chơi kiểu vợt này ăn theo miếng mút Tenergy hoặc DHS H3.
Thế câu hỏi đặt ra chỗ này là, cái gì đã làm cán cân từ 4-6 chuyển sang 1-9 với ưu thế nghiên hẳn về rơ mút cứng cốt đàn hồi?
Bóng bàn đã đổi khác xưa rất nhiều, luật thay đổi, bóng to hơn và nặng hơn, sự tiến bộ của vũ khí tạo ra nhiều dòng vợt mới hoặc mút mới với các tính năng hoàn toàn nổi trội. Thực ra sự thay đổi này chỉ trở nên bùng nổ với sự ra đời của Spring Sponge bắt đầu từ những năm 2005 tới nay. Với loại mút tension kiểu cũ và triết lý vợt tạo lực mút tạo xoáy thì rất khó đánh những quả vừa nhanh vừa xoáy khủng. Mút càng mềm thì càng “cắn dầy” vào bóng, bù lại nó chậm phải hy sinh lực để tạo xoáy hoặc là đánh mạnh mà ít xoáy. Mút cứng thì có lực có xoáy đấy (tuy ít hơn 1 chút) nhưng lại rất khó điều khiển trong những trận đấu đa dạng phải vừa bắt ngắn vừa phải tấn công. Sự ra đời của Spring Sponge đánh dấu một bước ngoặt cho bóng bàn và cũng tuyên án “cẩu đầu trảm” cho cái rơ nhanh thiếu xoáy. Khi có mút Tenergy thì Schlager và Ryu giải nghệ ngay vì hết làm cơm cháo gì được nữa.
Sự kết hợp của những miếng mút thế hệ mới (hàng loạt đủ loại mút mới bắt chước theo công nghệ sponge tổ ong hay bọt khí) với cốt vợt đàn hồi đã cho ra một thời đại bóng bàn mới khi mà những cú tấn công vừa có lực vừa rất xoáy, cực kỳ dũng mãnh. Xoáy làm bóng có vẻ đi chậm hơn vì phải…cắm xuống bàn nhưng lại vọt tới với độ cong và tốc độ đáng sợ. Quả giật hiện đại có quỹ đạo khác xa quả giật trước kia do không cần phải miết mỏng vào bóng để tạo xoáy, cứ vung hết tay quật dầy vào bóng nên lực không bị mất do “ma sát” với bóng. Trái lại, do tính chất của loại sponge và loại topsheet mới bám hơn nên cú giật tự động có rất nhiều xoáy mà không cần phải cắn răng bặm môi “ma sát” bóng. Kiểu giật và đường bóng mới này đã đẩy rất nhiều cao thủ trước kia về vườn không kèn không trống. Bởi vì đâu còn loại bóng vọt thẳng tới để mà đối giật, bóng cứ nhằm đất cắm thẳng xuống. Mà bóng đã xuống với xoáy khủng như vậy thì cầm vợt cứng chỉ có thể tán vào bóng trả lại cầu may, vào bàn thì cũng yếu xìu, chứ làm gì có cách nào phản công. Nếu bộ chân tốt thì cũng chỉ ăn may vài quả do đón được đầu đường bóng mà giật lại. Nhưng trận đấu thắng thua đã phân biệt ngay trước khi bắt đầu, khi mà một bên đánh kiểu nào cũng được còn bên kia buộc phải thế nọ thế kia.
Em lại phải xin ngắt quảng để kể một câu chuyện hài hước, các bác cứ chuẩn bị cười. Số là nơi em chơi có một bác rất thích sửa động tác của mấy thằng đệ tử em dạy. Vì em tôn trọng quyền tự do cá nhân nên đứng lui ra xem bác ấy chỉ thế nào (dù em là thầy dạy đang đứng lớp, bác ấy là khách). Bác ấy múa may một hồi (động tác sai bét) rồi cầm vợt của ổng giật, bóng đi cũng có lực lắm. Thế là em nổi máu tháu cáy, em lấy cây vợt thằng bé đưa ổng bảo giật đi, xem có mạnh hoặc vào bàn không cái đã. Bác ấy đánh không được, hơi quê quê bèn bắt thằng nhỏ….đổi vợt! Nghĩa là phải chơi vợt mút mắc tiền giống như bác ấy. Các bác có thể cười còn em có quyền khóc, vì chuyện này vẫn xãy ra nhan nhãn khắp VN trãi dài ra các nước hải ngoại, cứ như là nơi đâu có người Việt là nơi ấy có người tự cho mình là giỏi nhất, rồi bắt người ta phải thay đổi theo giống mình. Dù là họ lạc hậu hơn 30 năm.
Trong phạm vi đề tài này, em sẽ trình bày nguyên lý và động tác giật bóng dựa trên một cây vợt phổ thông và miếng mút khá phổ thông có lót tổ ong cho kịp thời đại. Tuy nhiên mỗi người sẽ có vợt và mút khác nhau, không giới hạn là cứng như Sadius nãy như Bryce Speed hay ỉu xìu như cây vợt cao Su Đường Sắt, nếu theo đúng nguyên lý thì vẫn có thể giật MẠNH – khác nhau ở chỗ là có vào bàn không thôi. Dĩ nhiên vợt mút khác nhau sẽ có sự điều chỉnh khác nhau (sẽ đề cập sau) và bất lợi khác nhau (cũng sẽ viết sau), nhưng em không yêu cầu ai ĐỔI VỢT MÚT MỚI cả! Em không kiếm được xu nào hay có phần trăm nào trong việc quảng cáo hay bán buôn, em chỉ mong các bác đánh bóng sao cho ra mồ hôi xì mỡ xẹp bụng bia là tốt rồi.
Em chỉ mong mỏi – tới mỏi cái mông – rằng bác nào đang có con em mới tập chơi bóng bàn, hoặc đang dạy bóng bàn cho thế hệ sau này, thì nên chọn một kiểu cấu hình vũ khí và kỹ chiến thuật sao cho hợp thời đại, đừng quá lạc hậu. Mình không bắt kịp người ta thì thua chừng 5-10 năm thôi, chứ 50 năm thì nhiều quá. Mà nói cho cùng, những gì e viết trên này cũng lạc hậu lắm rồi. Bóng bàn thay đổi nhanh lắm, mỗi lần có Protour hay Giải gì lớn là thấy có cái mới mẻ rồi, người ta nghiên cứu đua nhau từng chút một còn mình cứ thong thả hưởng xái (hay hưởng xoáy cũng được). Cái bác hưởng xái giỏi nhất là Tàu, mỗi khi ai ra cái gì mới là hôm sau bác ấy có đầy liền, vì thế nên mới bú chả…ý lộn…bá chủ.

III. Nguyên nhân

Trước khi bàn kỹ tới nguyên lý phát lực để có cú giật chất lượng cao, như em đã trình bày he hé trên kia, thì phải nói tới nguyên nhân làm cho mình GIẬT KHÔNG MẠNH trước đã. Theo nghiên cứu chủ quan của riêng em thì tạm chia ra ba nhóm nguyên nhân chính: (1) lực truyền từ tay tới bóng không đủ, (2) giới hạn bởi vũ khí, (3) Các nguyên nhân khác.
  1. Lực truyền tới bóng không đủ mạnh
Trường hợp đầu, phổ biến và dễ thấy nhất là do giới hạn bởi động tác đánh. Cái sai này thường gặp ở những ai chơi bóng bàn tự phát. Em chỉ nhớ tới mấy cái phim võ láo của Tàu, rằng ở chùa Thiếu Lâm tập võ bằng loại gậy rất dai và dẽo, vì đánh có kình hơn loại khô cứng. Tay hay thân thể con người cũng vậy, nếu dẽo và cử động đều hòa toàn thân thì lực phát ra lại mạnh hơn là gồng cứng. Bác nào ko tin thì cứ lấy bao cát thử đá cầu vồng vào, nếu thả lỏng chân đá vào sẽ nghe tiếng rất lớn, so với cắn răng gồng mình phang vào. (Hồi nhỏ em sợ ăn đòn bằng roi mây hơn là thước gỗ cũng vì vậy).
Ở đây em xin nói ngoài lề một chút. Các bác HLV nhà mình thường là ( hơn 90% theo tỉ lệ em phỏng đoán) quy trách nhiệm cho cái “động tác giật”. Nghĩa là các bác ấy giật mạnh đấy, động tác giật đẹp đấy, cho nên thường cho rằng động tác như bản thân là đúng nhất và cho ra cú giật mạnh. Kéo theo một hệ quả tất yếu là hễ thấy ai đánh khác họ thì cho là đánh sai. Nên hễ thấy giật kém lực thì bắt sửa động tác, thế đứng, đánh sớm, xoay lườn, tập tạ tay,..vv và vv…Đi xa hơn chút nữa, khi mà những đứa học trò tội nghiệp đánh “đúng động tác” rồi mà bóng qua vẫn chưa “đạt yêu cầu”, tức là lỗi tại cây vợt yếu quá! Thế là bắt đứa bé ngu ngơ về vòi vĩn bố mẹ một cây vợt “khủng”, nhanh từ cốt tới mút. Cái điều đau lòng là cách giải quyết này thường cho kết quả khả quan ngay tại chỗ: sau khi có vợt “đúng tiêu chuẩn ISO VN 1975” thì đứa nhỏ giật mạnh lên thấy rõ, ông thầy đúng hoàn toàn! Cứ như là hễ đau đầu nóng sốt là mua ngay một viên Panadol về uống, chưa hết thì quất cả vỉ vào nó cũng hết, chả cần quan tâm nguyên nhân và tác hại lâu dài.
Bây giờ giả dụ như động tác đúng và mạnh, lực truyền tới vợt khá mạnh nhưng vợt chỉ đánh xéo trượt miết vào da của bóng (không xuyên tâm bóng). Đây là cách tạo xoáy rất phổ thông mà đúng với các định luật vật lý tạo moment xoay khi tác dụng lực lệch tâm quán tính của nó. Cũng theo đúng định luật bảo toàn năng lượng thì bóng phải đi chậm hơn do một phần năng lượng đã biến thành chuyển động xoay quanh tâm (xoáy). Và đây là vấn đề, theo vật lý, muốn đánh xoáy nhiều thì phải tác dụng lực càng xa tâm bóng, nói nôm na là đánh mỏng. Nhưng đánh càng mỏng thì bóng đi càng chậm! Nói theo cách khác, phải hy sinh tốc độ để tạo xoáy. Đó là theo lý thuyết vật lý, và cũng đúng với nguyên lý “cốt cứng tạo lực, mút chủ tạo xoáy” trên mô hình cốt rất cứng và mút mềm trung bình, giống như các loại mút tension trước đây.
Cho nên, nói theo vật lý, muốn làm bóng đi nhanh thì cần phải tiếp xúc vuông góc sao cho lực đánh xuyên tâm bóng. Vd chứng minh rất đơn giản: lấy cây vợt trơn chưa dán mút đánh xéo vào bóng xem có văng xa hơn là đánh thẳng vào bóng không? Nhưng điều này chỉ đúng với bóng…chày hoặc tennis cầu lông chứ chưa đúng với bóng bàn. Vì quên chưa xét tới tính chất và cách làm việc của mút.
Ở đây sẽ có bác lý luận rằng có mút đàn hồi ngang, có mút đàn hồi dọc. Nghĩa là có mút đánh thẳng vào bóng sẽ đi nhanh, nhưng có mút đánh thẳng vào bóng sẽ đi chậm hơn. Đó là hiện tượng, nhưng bản chất chả liên quan gì tới chuyện “ngang-dọc” của lót cả. Mà nó liên quan tới cái tính chất dính bóng của lớp topsheet (và thời gian lưu bóng, sẽ bàn sau) . Thí nghiệm chứng minh đơn giản thôi: dán hay mặt mút tiêu biểu cho “ngang” và “dọc” vào cùng một cây vợt rồi bôi phấn lên mặt hai miếng mút để nó hết dính, rồi đánh thẳng vào bóng xem mút nào có lực hơn. Lưu ý là không dùng mút tension thế hệ cuối (đã thấm đầy booster từ trong nhà máy, cả sponge và topsheet nên cực nãy) và mút Tàu loại mềm oặt ỉu xìu mà so sánh. Muốn thử cho công bằng thì lấy MarkV và mút Tàu H3 neo 40 độ mà thử. Còn muốn thử đàn hồi ngang thì cứ lấy miếng topsheet của H3 dán lên sponge của tenergy hay bryce rồi thử với mút H3 neo có sponge neo cam, xem miếng nào “đàn hồi ngang” hơn. Đó là chưa kể sự khác nhau của từng loại cốt vợt sẽ cho kết quả thử khác nhau, dù cả 2 miếng cùng nằm trên 1 vợt. Vì có những cốt vợt sẽ ủng hộ tính chất “đàn hồi ngang” trong khi một số cốt khác lại vote cho “đàn hồi dọc”, thế hóa ra cái đàn hồi đó không còn nằm ở chỗ miếng lót – sponge – nữa! Cho nên không nên đưa ra kết quả theo kiểu “huyền bí hóa” khi chưa thí nghiệm thấu đáo trên cùng một điều kiện như nhau, kiểu như thấy chuột chui ra từ đống rác thì kết luận là rác có thể đẻ ra chuột.
Thế nhưng trên hiện tượng thực tế thì không phải lúc nào cú đánh 90 độ đờ-rét vào bóng cũng cho tốc độ cao nhất, dù trên lý thuyết đó là cách đánh có lợi về lực nhất (chỉ đúng với gai công). Hoặc là có lực mạnh nhất nhưng chỉ biểu hiện ở tốc độ mà thiếu xoáy. Chính vì chỗ này mà một số bác sẽ cười ruồi khi nghe rằng ở một thế giới khác ngoài nước VN, người ta dạy những đứa trẻ đánh bóng bàn y chang như dạy đánh…tennis. Tức là phát cho nó một cây vợt cùi mía được dán sẳn hai miếng gai không có lót hoặc hai miếng mút chết chậm ơi là chậm, rồi khi nó kiểm soát bóng vào bàn, đánh có lực thì mới cho nó cây vợt khá hơn một chút, cũng chậm nhưng có xoáy tí ti. Đó là sự khác nhau từ nhận thức luận dẫn tới phương pháp dạy: một bên thì cho rằng cần phải đánh mạnh, đánh chính xác trước đã rồi mới thêm xoáy để tạo “gear” để cho cú đánh có thêm “chiều sâu”. Còn ở phía bên mình thì cho rằng phải học tạo xoáy ngay từ đầu lúc mới biết đánh bóng bàn, rồi dùng keo tăng lực, booster hoặc vợt mút khủng để thêm lực bù vào cái giới hạn thể lực.
Bởi vậy khi hướng dẫn động tác giật căn bản (for beginners) trên các video clip dạy bóng bàn ở các nước Phương Tây như Pingskills, TTU hay Killerspins vẫn hướng dẫn đánh thẳng vào bóng với góc vợt mở ra khá lớn (75-90 độ so với mặt bàn) và đợi bóng đi xuống mới tiếp xúc (nên góc chạm bóng sẽ nhỏ hơn góc mở vợt). Nhưng khi chúng ta học theo thì thấy rõ ràng là bậy bạ quá xá! Cũng bắt chước y sì nhưng bóng nó không vào bàn mà vọt thẳng ra tới bàn…đằng sau. Đó là vì chúng ta không để ý kỹ họ dạy học sinh đánh bằng cây vợt gì mút gì? Với những nơi dạy có bài bản thì học sinh mới tập chơi sẽ đánh vợt cho beginners, vd như BTY Yuki hoặc các loại vợt làm sẵn của các hãng khác, vợt này đánh thế nào thì chắc các bác cũng hiểu. Bởi vậy họ dạy rằng cứ mở góc vợt lớn ra mà phang thẳng vào bóng, vừa dễ trúng bóng (nguyên cây vợt mở ra như cái quạt thì làm gì trật được), dễ canh mục tiêu (vì bóng đi thẳng, đánh đâu đi đó), chỉ cần quan tâm tới cách phát lực và bước chân di chuyển thôi. Cho nên các bác sẽ thấy các em này khi lớn lên sẽ đánh cực kỳ chính xác và bước chân rất nhanh và hiệu quả, vào đối giật với chúng thì cầm chắc là thua mọi phương diện. Thay vì dồn gần hết thời gian cho những chuyện vô ích thì các em này học bóng bàn cứ như là niềm vui mà hiệu quả lại cực cao, giống như phương pháp dạy học ở nước ngoài, vừa học vừa chơi mà tấm bằng có giá trị hơn ta nhiều. Em sẽ quay lại vấn đề này và phân tích tại sao dòng mút spring sponge lại giúp cái kiểu đánh này phát triển vượt bậc, dù vẫn chưa bằng mút Tàu nhưng đã bỏ khá xa mút tension thế hệ cũ.
Tóm lại ở phần thứ 1, theo tổng hợp của em thì có vài nguyên nhân khiến lực – năng lượng – truyền tới bóng không đủ để đẩy nó bay nhanh và xoáy.
+ Động năng của cây vợt không đủ, do thiếu tốc độ đánh và trọng lượng (kình lực) của cú đánh. Vd đánh gồng tay quá nên chậm, hoặc ngược lại khi tiếp xúc bóng thì cổ tay lại bị lỏng nên bóng không nhận được lực từ hông mà chỉ có lực của vợt, hoặc vợt nhẹ quá nên bị dội lại thay vì truyền hết lực tới cho bóng,..Đa số các HLV nhận ra điểm này.
+ Cách tiếp xúc bóng không truyền lực trọn vẹn vào bóng, cho rằng điều kiện làm việc của mút và vợt là tối ưu. Chỉ một số ít các HLV là quan tâm tới.
  1. Giới hạn của vũ khí.
Bây giờ em xin tiếp cận vấn đề và đào vào sâu hơn, bắt đầu từ chỗ này và tiếp theo sau thì theo kinh nghiệm thực tế phỏng vấn nói chuyện với rất nhiều coach dù ở nước ngoài, vẫn ít ai quan tâm tới, chứ đừng nói là ở trong phạm vi cái giếng VN. Cho nên, thật tình mà nói, học bóng bàn cũng quá là…hên xui. Thằng nào may mắn có cây vợt kiểm soát tốt (đánh có lực và có cảm giác thực) thì tự nhiên học tiến bộ và được mọi người xem là “có năng khiếu hoặc tài năng”. Trong khi có nhiều đứa tập luyện ngày đêm với cây vợt sai (dỏm hoặc thiếu lực, hoặc quá cứng, hoặc ngược với rơ đánh) thì cứ đánh thua dù là học đủ thầy giỏi.
Cũng xin nói trước là em chưa quan tâm tới chất lượng của cốt vợt cũng như mút, vd như cũng là cốt Primorac off- nhưng có cốt yếu xìu có cốt lại đánh rất uy lực, cho nên có bác cầm cốt này tự hỏi tại sao có mấy thằng nhóc nước ngoài cũng xài cốt y chang mà giật bóng cháy bàn. Em xét vấn đề trên chất lượng chung của sản phẩm bóng bàn trên thị trường VN mà không có mơ tưởng về những vũ khí hoàn hảo – tuy nhiên, nói đi nói lại thì sở hữu một vũ khí tốt quả là khác xa nhiều lắm. Nhưng trong phạm vi đề tài này chúng ta chỉ xét về sự giới hạn của vũ khí trong điều kiện chung chung, nghĩa là vũ khí chấp nhận được, không quá tốt, không phải hàng giả.
Sự “giới hạn” ở đây không có nghĩa là cốt mút này dán được mà cái kia đánh dở hoặc không đánh được, mọi combo đều có thể đánh được cú giật mạnh nếu đánh đúng. Đừng nói chi là Sadius, nếu đánh đúng thì cầm vợt Đường Sắt cũng có thể giật rất mạnh. Nhưng chỉ trong vài trường hợp điển hình.
Sự giới hạn nằm ở chỗ, trong những trường hợp cụ thể, loại bóng lực xoáy như thế đó, đánh sớm hay trễ như vậy đó, thì những loại phối hợp cốt mút riêng biệt sẽ cho những khả năng thực hiện những cú đánh khác nhau. Vũ khí nào càng ít khả năng thì càng bị giới hạn. Cụ thể vài trường hợp:
– Cốt cứng điển hình như Sadius đi với mút Bryce. Trường hợp bị đối phương cần vợt 5 lớp với mút Tenergy giật xoáy trước, bóng đi xa ngoài tầm tay một bước dài (đây là trường hợp rất thường gặp, gần như là điển hình trong bóng bàn hiện đại). Vì bóng xoáy và đi nhanh nên cắm xuống rất mau, cho rằng bước chân của người cầm Sadius thuộc loại nhanh và chính xác thì bóng lúc chạm vợt đã đi xuống sâu dưới bàn và vẫn còn rất nhiều lực. Quả này không thể phang lại với đầy đủ lực và xoáy, vì nếu đánh tốt thì quả bóng sẽ đi cao và xa hơn bàn rất nhiều. Chỉ có 2 cách, ép mỏng bóng để hãm lực và bớt xoáy, nếu đánh vào bàn thì chỉ có một quả ép xoáy thiếu lực mà lại có nhiều khả năng hụt bóng, trúng cạnh hoặc mút bám chút xíu bụi nên không ăn đủ xoáy kết quả là đánh hư. Cách còn lại là vỗ nhẹ vào bóng để trả lại, lợi dụng độ nãy của cốt vợt và độ cắm của mút để hầu trả lại một quả bóng hơi nhanh nhưng thiếu xoáy. Với đẳng cấp A thì tiếp theo sẽ là một quả dứt điểm ngay, vì bóng trả lại quá dễ. Giới hạn của kiểu vợt carbon cứng và mút nãy mềm này ở chổ là không thể chơi kiểu “ván bài lật ngữa” trong trường hợp này. Nhưng với kiểu vợt mềm hơn và mút bám xoáy cứng thì lại có thể lợi dụng lợi thế chậm và xoáy để đối giật lại một quả còn xoáy hơn là quả ban đầu, tuy chậm nếu bước chậm, nhưng bóng chạm bàn vọt tới không hề chậm, buộc đối phương phải “vô thế” đối giật trong khi mình có thời gian hồi bộ, chứ không phải là dâng một quả ngon lành cho người ta dứt điểm.
-Các pha đôi công trên bàn, với rơ hiện đại sau 2005 thường là rất nhanh và xoáy với sự phát minh của cú đánh backhand cẳng tay trên bàn (có sự hỗ trợ của miếng Tenergy). Rơ này bây giờ cực kỳ phổ biến, trước đây chỉ có ở Châu Âu, từ khi Zhang Yining và Zhang Zike áp dụng thì bây giờ cả thế giới đều biết, cho tới cái ao làng Đông Nam Á ai cũng xài. Coi mấy video clip giải Gà hay Chích Chòe cũng thấy nhiều “cao thủ” xài, vì nó quá hiệu quả. Cùng với cú giật xoáy bên Fh, cú đôi công xoáy bên Bh này là cái án tử hình cho dòng vợt Tamca với mút tension cũ trên đấu trường Thế Giới. Vì sao? Cú này có quỹ đạo cực ngắn nhưng vọt tới rất thấp, lại rất an toàn. Chỉ có 1 cách để đối phó với nó là cũng phải lên xoáy lại y chang như nó, trả lại một quả cũng vọt tới. Mà điều này vợt quá nãy và cứng không thể làm được, không bắn lại được mà cũng không lùi ra giật mất bóng, vì bóng sụp xuống nhanh và ngắn quá. Còn đỡ lại thì cứ như dâng cỗ cho đối phương dứt điểm.
Trong hai trường hợp điển hình vừa nêu ra, rõ ràng không thể giật mạnh được, dù là kỹ thuật có cao như Schlager hay Waldner cũng phải chịu chết. Thua tuyển TQ thì còn mặt mũi, mà thua chính bọn nhóc Châu Âu do chính mình làm thầy của nó thì quả là đáng để gác vợt. Đó là chưa kể các loại bóng thiếu lực hoặc thiếu xoáy, hoặc đơn giản hơn là bóng cắt lại từ xa kiểu gai dài kiểu Hàn Quốc. Chỉ bởi vì cái vũ khí đang xài bị giới hạn, mà thi đấu đỉnh cao thì hễ ai khai thác được giới hạn của đối thủ thì đã nắm chắc phần thắng trong tay rồi.
Em xin nhắc lại một sự thật đau lòng đằng sau sự ra đi đột ngột của rất nhiều cao thủ trước cơn sóng thần cuộc cách mạng Tenergy. Mặc dù đã hơn 10 năm qua rồi, dù trước đó chúng ta cũng chẳng hơn gì ai với kiểu đánh chớp nhoáng giao bóng dài rồi dứt điểm. Bóng bàn hiện đại đang thay đổi từng ngày, nên chăng chúng ta chấp nhận lạc hậu 10 năm thay vì 40 năm?
  1. Các nguyên nhân phụ khác
Các bác có thể kêu ca rằng: cây vợt này là đời ông Nội tôi để lại, là bảo vật gia truyền, nếu không xài là có lỗi với Tổ Tiên. Hoặc thầy tôi không cho đổi vợt. Hoặc tôi không có tiền và không muốn làm giàu cho bọn thương lái và thằng Tung Của,.. Túm lại là các bác vẫn trung với nước hiếu với vợ nên thủy chung một mực với mối tình đầu, thì em đành phải bó kiếm. Vì thực ra, trong nước nếu ai cũng đánh như nhau, nghĩa là chẳng ai chơi cốt mềm mút hiện đại với 2 cú giật FH và BH hiện đại, thì cũng chẳng ai gây nổi khó khăn cho các tay vợt Xã Điệu kia. Nghĩa là cầm vợt cứng mút mềm vẫn….có thể giật mạnh và vẫn là bá chủ, nhưng cái này chẳng cần em nhiều lời, vì trước nay ai cũng biết rồi.
Bây giờ ta xét tới những trường hợp viễn vông thiếu thực tế là có một người đầy đủ kỹ thuật, đánh góc vợt hiệu quả, cầm vợt ít bị giới hạn,..nhưng vẫn chưa giật được những quả mạnh như ý, trong các trận đấu căng thẳng. Nghĩa là khi tập luyện, họ có thể đánh rất tốt dứt điểm được những quả gò lại hoặc đối giật ầm ầm, nhưng vào trận thì chưa “ngộ” được cái hay cái nghệ thuật của bóng bàn, hoặc chưa ai phân tích những ưu điểm của thứ vũ khí anh ta xài. Kiểu như cầm súng máy mà đi bắn tỉa thì chắc là khó khăn rồi. Mà quả là khó thật! Khuyến khích người ta đổi sang vợt đàn hồi mút hiện đại mà chẳng phân tích ưu khuyết điểm, chẳng dạy cách tận dụng thế mạnh trong trận đấu thì – nói thật – đừng đổi còn hơn.
Các nguyên nhân phụ khác mà em thường thấy là.
-Nhát tay, không tự tin để đánh mạnh, vì hễ đánh “hơi mạnh” một tí là bóng đã bắt cầu vồng ra ngoài rồi, theo lý luận thì đánh mạnh hơn nó sẽ đi mất luôn! Thực tế là đánh mạnh thì xoáy nhiều hơn và vợt đàn hồi hấp thụ bớt lực thừa, nên bóng lại vào bàn mạnh nhưng ngắn hơn chứ không dư ra ngoài.
-Chờ bóng xuống quá thấp, kết quả là đánh cũng mạnh nhưng không hiệu quả bằng đánh sớm. Nguyên nhân là do bộ chân chậm hoặc phán đoán bóng chưa chính xác. Nếu đối phương chơi vợt lối cũ thì rất dễ đoán bóng, nhưng nếu cũng gặp rơ giống mình thì cần có kinh nghiệm mới phán đoán đúng xoáy và đường banh.
-Quá máy móc, nhắm mục tiêu quá sớm nên bóng đổi hướng một chút sẽ lúng túng. Người quen vợt sẽ chuẩn bị xoay người để tạo lực, khi gần chạm tới bóng mới quyết định là đánh vào đâu, lực và xoáy bao nhiêu. Cây vợt hiện đại cho ta khả năng này trong khi những HLV dạy vợt kiểu xưa chưa hề nghĩ tới. Đó là sự khác nhau trong cách tấn công, một quả ” thực mạnh” là một quả có “chiều sâu” hơn là một quả chỉ có nhanh và xoáy.
-Bị sức ì tư duy của lối đánh cũ và kiểu vợt cũ. Thay vì khả năng cho phép giật mất bóng một quả gò nặng thì người này lại chỉ moi xoáy thôi. Thay vì ngửa vợt phang tới thì lại cố ép bóng tạo xoáy, kết quả là bóng đi rất chậm.
-Cũng có trường hợp một trận đấu căng thẳng quá, đối thủ trên cơ cứ đè áp lực, buộc ta phải đổi Bh và Fh liên tục. Nếu đánh Bh mạnh thì sẽ chậm Fh và ngược lại, khó lòng có thể vừa có hai càng mạnh cùng lúc.
Túm cái váy lại là cho dù có vũ khí giống như người ta, đánh kỹ thuật được như người ta rồi nhưng cũng chưa chắc là trở thành cao thủ ngay, đường đi còn lắm chông gai, mới chỉ có 2 bước đầu thôi. Không có cái chuyện thần đèn dời nhà trong một đêm hoặc chuyện huyền hoặc là chỉ cần nhắm và điểm nào đó trên mặt mút, vỗ vào bóng và kéo tay lên là có thể giật mạnh như…film! Còn biết bao nguyên nhân phức tạp tiềm ẩn khác khiến ta không thể giật mạnh như mong muốn, khi đối diện với một trận đấu đỉnh cao cấp như đánh …. độ bia chẳng hạn.

 

IV. Giải quyết vấn đề

Ở trên em đã nêu ra 3 nguyên nhân chính khiến ta khó có thể giật “mạnh” đúng nghĩa. Nguyên nhân đầu rất thường thấy ở các vdv phong trào hoặc nghiệp dư, trong khi nguyên nhân thứ 2 lại rất phổ biến ở các trận đấu cấp ngoài biên giới. Trong phạm vi đề tài này, em không có tham vọng làm thay đổi giáo trình giãng dạy hoặc vũ khí của đội tuyển quốc gia, hoặc đưa ra một “bí kíp” gì có thể thúc một phát khiến các bác tuyển thủ ấy bay lên top 100 của Thế Giới. Em chỉ có thể hứa rằng nếu làm đúng như các yêu cầu kỹ thuật đưa ra thì có thể tạo được một cú giật mạnh trong phạm vi cho phép của vũ khí và trong khả năng của người đánh đối với quả bóng trả lại như thế ấy. Quá trình tập luyện để có những cú đánh táo bạo và đầy uy lực để áp dụng vào trận đấu, là một quá trình rất dài và gồm rất nhiều yếu tố liên quan chằng chịt. Không thể có chuyện xây một cái phòng tuyệt đẹp trong căn nhà mục nát từ móng.

 

1. Đối tượng của đề tài.

 

a. Những người chơi bóng bàn tự phát đã lâu, động tác chưa đẹp, nhưng vẫn muốn có một cú giật uy lực mà không cần phải thay mút vợt nãy hơn (hoặc phải xài booster hay keo tăng lực)

 

b. Những ai mới tập chơi bóng bàn, muốn theo đuổi bóng bàn theo một cách có căn bản. Những người này nên chọn cho mình ngay từ đầu một vũ khí đừng quá lạc hậu.

 

c. Những HLV đang hướng dẫn động tác căn bản và lựa vợt mút cho học viên dựa theo căn bản ấy.

 

2. Những kiểu phối hợp vợt+mút đề nghị

 

a. Đối với những ai chơi chưa lâu thì vợt gỗ 5 lớp phổ thông đừng dầy quá 6mm, kích thước theo tiêu chuẩn BTY (157 x 150), nặng chừng trên 85gr ( ~90 càng tốt, đừng nhẹ hơn 85gr, sao cho tổng cộng vợt mút tầm 185-190gr là ngon). Cán vợt đuôi cá (FL) là dễ chơi nhất, đừng đua đòi cán thẳng ST sau này rất khó kiếm vợt. Mút nên xài loại có lót bọt khí, hơi cứng và có bề mặt bám. Vd: Palio Macro 47, Yasaka Rakza 7, Andro Hexer HD, Donic Bluefire M2 hoặc S1,… Nếu xài mút rẽ hoặc mới tập đánh thì nên chọn hãng Yinhe hoặc Palio, mấy miếng mút lót bọt khí của bọn này vừa rẽ vừa dễ xài. Đừng xài Sriver vì nó lạc hậu lâu lắm rồi. Cũng đừng xài mút nãy như Tenergy 05 hoặc Rasant. Tối kỵ xài Hurricane hay Skyline bởi vì chẳng có mút tốt đâu. Nếu ai thắc mắc về cách xài mấy thứ xịt này thì xin chờ em viết những bài sau.

 

b. Với những ai muốn thử món lạ hoặc muốn đổi theo trào lưu hiện đại thì nên chuyển một cách từ từ, đừng có xài cốt mềm ngay, vì sẽ rất thất vọng. Nên xài cốt gỗ 7 lớp, đừng dầy quá 7mm, kích thước tiêu chuẩn 157-150, nặng trên 90gr, cán đuôi cá. Vd Avalox BT 777, P700, Cor Origin, Donic Persson 7,..đừng xài cốt quá nãy như Stiga Clipper CR hay BTY Korbel SK7,… Mút vẫn xài loại bọt khí, khuyến khích xài luôn loại hơi cứng, nhưng nếu chưa tự tin thì vẫn còn nhiều loại mút bọt khí mềm khác như Ya Z9, Hexer+, Donic S2,… đừng xài Tenergy FX vì uổng tiền. Nếu chơi cốt 7 lớp thì nên đứng gần bàn, nên đánh sớm một chút. Nếu lùi lại sẽ đánh thiếu lực và thiếu xoáy.

 

c. Những ai không muốn thay đổi gì cả thì đừng nên xài keo tăng lực hoặc booster. Có thể lấy dầu ăn chùi một lớp mỏng lên bề mặt topsheet để nó bám xoáy hơn. Có thể dùng rìa vợt dán thêm 2 lớp vào để cốt nặng hơn.

 

3. Mỗi người có một cách giật mạnh khác nhau, góc vợt khác nhau, điểm tiếp xúc khác nhau, chẳng ai giống ai
Nhưng nguyên lý chung vẫn là làm sao cho vận tốc vợt đạt cao nhất khi chạm bóng và lực truyền nhiều nhất vào bóng để chuyển thành tốc độ và xoáy.
Làm sao để có một động tác giật tốc độ và đẹp thì em không bàn trong đề tài này, cứ xem video chậm hoặc nhờ HLV nào đó hướng dẫn. Thực ra cái này cũng quan trọng lắm, nhưng có rất nhiều người giỏi trong khả năng này nên em không bàn tới. Điều em thực sự quan tâm nó nằm ở cái khoảng khắc ngắn ngủi khi vợt sắp chạm bóng cho tới khi bóng vọt ra khỏi vợt. Trong cái khoảng vài phần của giây ấy nói lên đẳng cấp và tài năng của vdv ấy, nhưng lại được quyết định bởi một thứ nằm trong cấu trúc và cách làm việc của vợt+mút hiện đại. Em sẽ quay lại bàn chi tiết chỗ này sau khi hướng dẫn cách tập.

 

a. Tự luyện
Cần một rỗ bóng, đứng xa bàn chừng 2-3 thước, vung tay về sau theo đúng tư thế chuẩn bị giật, tự thả bóng và giật bằng đủ kiểu từ rất “ma sát” cho tới bạt thẳng vào bóng. Nhắm cho bóng vào bàn, chú ý cảm nhận cảm giác tay khi vợt chạm vào bóng. Nắm chặt cán vợt, hổ khẩu ép vào má trên vợt trong khi ngón trỏ chịu hết chiều ngang của miếng mút về phía bên kia. Cách cầm này cho phép cảm nhận bóng và tinh chỉnh cú giật ngay trong khi chạm bóng. Kiểu cầm này cũng sẽ hạn chế cảm giác rung hay bẻ méo khi bóng chạm vào rìa trên hay rìa dưới vợt. Nhắm chạm bóng ở phần giữa 2/3 về phía đầu vợt, đó là vị trí chạm bóng lý tưởng, tuy nhiên thực tế cho thấy nếu lỡ chạm vào chỗ khác thì cú giật vẫn chẳng có gì khác nhau. Ai không tin cứ lấy mút đen mà giật quả bóng mới còn phấn, sau từng quả giật tự đánh giá xem mình đã chạm bóng ở chỗ nào trên cốt vợt rồi kiểm tra xem lại có đúng không? Sẽ rất ngạc nhiên vì có khi giật rất ngọt ngào mà bóng lại chạm lung tung lúc trên lúc dưới chẳng trúng vùng giữa. Cho nên chạm bóng chỗ nào không quan trọng, miễn đừng trật bóng, nhắm vào giữa vợt là chắc ăn nhất, nhớ là hổ khẩu và ngón trỏ phải kẹp sát lên má vợt.
Với cách tập như thế, ta sẽ nhận ra là với cốt carbon như Sadius và mút mềm chỉ có thể đánh được vài kiểu giật và không có nhiều xoáy, hoặc không có thể vừa có xoáy vừa mạnh mà lại vào bàn. Trong khi cầm cốt mềm mút lót công nghệ mới sẽ cho ra rất nhiều kiểu giật khác nhau. Chỉ một cú bạt thôi mà có rất nhiều cách để bạt, bạt không xoáy, xoáy ngang hoặc xoáy tới rất cắm. Kiểu giật mạnh nhất là nửa bạt nữa giật lên, tự luyện sẽ ngộ ra đánh như thế nào là dễ nhất và hiệu quả nhất. Nghĩa là nằm đâu đó giữa cái cách đánh thẳng vào bóng như gai công và góc đánh “ma sát” kiểu truyền thống, là một kiểu giật tối ưu.
Tập cú thuận tay và cả cú trái tay, cũng một cách như nhau. Lưu ý cú Bh nếu xoay vai và hông thì buộc phải đổi bộ chân, trong thực tế thi đấu phải luôn nhớ bộ chân mình đang đứng là để đánh Bh hay Fh.

 

b. Với máy, với người thẩy bóng hoặc đở bóng đều
Ở cấp độ tập luyện này thì – như đã nói nhiều lần – rằng vẫn chưa thấy độ “mạnh” của vợt+mút kiểu mới, có khi vẫn thấy nó thua kém về tốc độ ban đầu, nhưng tốc độ cấp hai sau khi chạm bàn vọt tới thì vẫn là ưu thế của loại vợt+mút hiện đại. Tốc độ cấp hai rất khó quan sát bởi người thứ ba đứng ngoài nhưng lại dễ cảm nhận nhất với người đứng đở bóng. Cho nên ở giai đoạn này có 2 yêu cầu khi tập luyện: thử nhiều kiểu giật khác nhau, và tìm kiểu giật nào mà người chịu bóng cảm thấy khó đỡ vào bàn nhất vì cảm thấy xung lực mạnh nhất.
-Thử nhiều kiểu giật. Cách làm việc của cấu trúc [vợt đàn hồi+mút thế hệ mới] cho phép thực hiện rất nhiều kiểu giật khác nhau với độ biến hóa xoáy và tốc độ lẫn tỉ lệ giữa chúng cũng khác nhau. Khả năng tấn công rất lớn từ bóng vừa nãy lên cho tới khi gần chạm đất vẫn có cách tấn công đầy uy lực. Người tập phải cố gắng thử rất nhiều kiểu khác nhau và ghi nhớ từng kiểu, sau đó tập cho thuần thục mỗi kiểu. Vd, bóng vừa nãy lên vẫn có thể dùng cú giật cẳng tay đánh một quả vừa có lực vừa có xoáy khủng, trong khi với kiểu vợt+mút cũ chỉ có thể mượn xoáy và đánh tốc độ, chứ không thể biến hóa xoáy và điểm rơi phong phú với quả đánh sớm trên bàn. Cho tới bóng trễ rơi gần sát đất vẫn có thể đánh một quả cầu vồng cực xoáy, tuy đi tới không thể nhanh nhưng chạm bàn nó vọt tới nhanh nhờ xoáy khủng, hoặc giật xoáy ngang cũng là một cách tấn công. Trong khi với bóng này thì kiểu vợt+mút cũ chỉ có thể đánh nhẹ vào bàn vì không thể tạo xoáy biến đổi nhiều được. Chỉ có thử và thử nhiều kiểu mới thấy được cái hay của vợt mềm kết hợp mút bọt khí cứng thế hệ mới. Đó là những giới hạn mà kiểu phối hợp cũ không thể tạo ra được, chỉ nghèo nàn với 2 cú giật xung và giật moi.
-Thử những kiểu giật có xung lực mạnh nhất, chú trọng lúc chạm bóng sớm hay trễ (timing). Người đở bóng phải nói lên cảm nhận với mỗi cú giật kiểu giật khác nhau, xem quả nào là mạnh nhất và khó trả bóng vào bàn nhất. Sau đó người đở bóng lùi ra xa bàn một bước xem quả giật nào bóng đi vọt tới mạnh nhất. Người tập đánh cho thuần thục và ghi nhớ chi tiết cú giật ấy để áp dụng cho bài tập tiếp theo. Với kiểu phối hợp mút+vợt cũ thì bóng đi có vẻ như rất nhanh và uy lực nhưng lại rất dễ chặn đở lại, chỉ cần kê sớm, hoặc tệ hơn là lùi lại hoặc hãm lực đều được. Nhưng với cách phối hợp cốt+mút mới, nếu giật hết tay thì chỉ có một cách là dùng đúng kiểu cốt+mút ấy trả bóng theo kiểu đối giật thôi (nghĩa là xoa flick bóng xoáy tới rất nhanh và sớm nếu đở trên bàn, còn xa bàn phải đối giật lại nếu không muốn dâng một quả cho đối phương bạt dứt điểm)

 

c. Tập tấn công những quả xoáy lạ.
Xoáy lạ tức là các kiểu sau: quá nặng và thấp, nặng mà không lực, không xoáy không lực, không xoáy mà đi nhanh, xoáy tới quá nhanh, quá xoáy tới nhưng không lực, xoáy tới kết hợp xoáy quẹo ngang.
Đây là cấp độ nâng cao chỉ áp dụng sau khi đã thuần thục động tác, bộ, bước chân và “timing” (đúng lúc, tiếng Việt khó tìm được từ đơn giãn hơn nên em phải mượn đỡ từ tiếng Anh). Ở cấp độ này thì phối hợp vợt+mút thế hệ mới hoàn toàn chiếm ưu thế. Trước đây để tấn công được với từng loại xoáy lạ riêng biệt là phải tập khổ luyện rất lâu, chỉ có các đấu thủ hạng cao như B+ hoặc A mới có thể tự tin nói là đánh được, mà vào thi đấu vẫn có thể thua nhanh như điện với các loại xoáy quái dị này. Nhưng ưu thế của phối hợp [cốt+mút hiện đại] lại giải quyết vấn đề này một cách dễ như ăn cơm, không đòi hỏi khổ luyện như ngày xưa. Chỉ vì một tính chất mới gọi là “dwelling time” (tức là thời gian lưu bóng) của phối hợp [cốt+mút hiện đại]. Tính chất này nằm trên cả hai phần cốt và mút, nhưng nó mạnh nhất với phối hợp cốt đàn hồi cao cộng với mút bọt khí bề mặt bám bóng.
Nhờ cái tính chất lưu bóng cao này mà mọi chuyện lại được giải quyết bằng một đơn giản không tưởng! Đâu có phải cực kỳ tinh chỉnh góc giật, góc vợt, lực, timing,..rồi phải cắn răng nhăn mặt chổng mông đầy áp lực khi gặp những rơ xoáy này. Cách đối phó lại quá ư đơn giản: cứ giật tạo tốc độ rồi đánh thẳng vào bóng, nhờ cái “dweeling time” đó mà bóng bị lưu dính cứng ngắc trên mút, càng đánh mạnh thì nó càng dính sâu. Lúc nó bị kẹt trên vợt thì mình muốn chỉnh nó đi đâu xoáy gì thế nào mà chả được! Cho nên nếu bạn nghe ai đó nói rằng trong tíc tắc gần chạm bóng, muốn đổi xoáy đổi hướng đều được, muốn xoáy mạnh thì có mạnh mà muốn lực mạnh thì vẫn đổi được, thế mới tài! Nhưng chả có gì là năng khiếu hay thiên tài ở đây hết, người ấy không nói phét và đó cũng chỉ là căn bản sơ cấp thôi. Chỉ nhờ vào tính chất lưu bóng mà kết hợp [cốt+mút mới] cho phép chúng ta làm cái điều quá khó khăn lại trở nên dễ ợt. Nói thêm một chút, độ lưu bóng của các kết hợp [cốt đàn hồi + mút Tàu cứng đàn hồi] là cao nhất, cao hơn [cốt mềm + mút bọt khí] nhiều lần, cho nên cầm đúng cốt+mút Tàu mà đánh thì tự nhiên lại đỡ tốn được khối thời gian khốn khổ với mấy loại xoáy lạ này.
Tuy nhiên nếu nói bóng xoáy nặng và xoáy tới mà cũng đánh cùng một kiểu thì rất khó tin. Đúng là có khác, ở chỗ cái timing: xoáy nặng dễ tấn công nhất là khi nó đang nãy lên, nghĩa là đánh sớm (và cũng dễ đánh sớm vì nó đi chậm mà) cho nên có thể úp vợt (vì bóng đang đi lên, úp vợt để tiếp xúc thẳng vào bóng) mà quật mất bóng luôn (em vẫn thường xài cú tán trên bàn, bóng chém qua nặng chuội lại thấp mà em tán một quả ăn luôn, nhờ vào sự lưu bóng của mút Tàu). Trong khi xoáy bóng bị tấn công (giật xung) xoáy tới đi quá nhanh, lại sụp xuống cũng nhanh, cho nên rất khó đánh sớm timing, thường là chạm bóng khi nó đã hướng xuống. Nếu tiếp xúc mỏng thì không thể lợi dụng cái “dwelling time” được, bóng sẽ không bị dính vào mút mà bắt xoáy trở lại rất khó điều khiển, cho nên mới thường thấy có cú đánh đối giật mà vào thẳng bóng (cho nó dính vợt) rồi mới kéo lăn tay giở lên tạo xoáy. Đây là cái “nguyên lý bóng xoáy tới ép vợt, xoáy lên ngữa vợt” mà bác Theorist nhắc đi nhắc lại hoài. Thực ra giải thích nó khá đơn giản và không chỉ là độc quyền của mút Tàu – tuy nhiên kiểu kết hợp [vợt+mút ngày xưa] không thể làm được chuyện này. Có thể nói thêm sự khác nhau căn bản giữa quỹ đạo vợt của cú giật ngày xưa là vợt ôm một cầu vồng, bắt đầu ngửa và kết thúc úp vợt. Trong khi cú giật hiện đại có vẻ như một đường gãy khúc ngược lại: ngữa vợt đánh thẳng vào bóng rồi kéo tay thẳng lên, kết thúc ngửa vợt. Bác Theorist tiếp cận được hiện tượng và cách thực hiện, nhưng lại đưa ra các lý giải làm phức tạp vấn đề: nào là “vùng bị xoáy”, “bóng lăn”, “vợt bị cong”, “đàn hồi ngang”,…Nên chăng chỉ cần giải thích ngắn gọn dễ hiểu và đưa ra cách ứng dụng đơn giản hơn? Cách giải thích có vẻ huyền bí sẽ tạo nên tò mò nhưng lại gây trở ngại khi giải thích và áp dụng, giải thích cách nào đơn giản trực quan sẽ giúp người tập dễ hình dung và loại bỏ những cố gắng thừa (như nhắm bóng vào điểm 4g, đánh cho bóng lăn hết vợt,..vv).
Với những loại xoáy có chữ “không” vd như không lực, không xoáy nhưng nhanh, không nhanh nhưng xoáy,..thì vẫn cũng xài một kiểu giật, có điều là phải ngửa vợt hơn một chút khi tiếp xúc vào bóng và hơi ép tay tới tạo xoáy thay vì giở lên nhiều. Tại sao phải ngữa vợt hơn? Vì bóng không lực hoặc không xoáy rất khó để cho mút và vợt “ăn” hay “ngoạm” vào bóng để giữ nó. Ngửa vợt ra vì bóng có xu hướng sụp xuống nhanh hơn là có chút xoáy. Hoặc nếu tự tin thì vào bóng mạnh hơn để bù vào chỗ lực thiếu của bóng. Còn ép tay kéo tới là để bóng ra khỏi vợt đừng bị vọt lên quá cao, do kết quả của ngửa vợt hoặc đánh mạnh vào bóng. Thực tế là không bao giờ có bóng hoàn toàn không xoáy, nhưng với khả năng lưu bóng của kết hợp vũ khí mới này cho phép sai số rất lớn. Có thể đoán nhầm bóng xoáy tới nhẹ với bóng xoáy chìm nhẹ, chỉ cần đoán được quỹ đạo của bóng để đúng timing, ngoài ra sự khác nhau có thể giải quyết trong tích tắc bóng đã lưu trên vợt. Nói nôm na là “khi em đã vô thế thì muốn xử kiểu nào cũng được!”
Thế thì tóm lại là dù bóng xoáy ít xoáy nhiều hay xoáy lạ thì vẫn cũng chỉ một kiểu giật, chỉ khác nhau chút ít chổ cảm giác vợt lúc chạm vào bóng. Đó là chỗ mà người tập cần quan tâm, tập dợt thường xuyên với một phối hợp cốt+mút mới sẽ cho ra những khả năng xử lý bóng kỳ diệu, mà không cần phải là tuyển thủ, chỉ cần trình nghiệp dư hay phong trào vẫn đánh được!

 

d. Tập tấn công với những người chơi lối đánh và phối hợp vũ khí giống mình
À há, đánh mạnh và xoáy rồi thì cần phải tập với người cũng biết đánh giống mình thì cả hai mới tiến bộ được! Hơn nữa, phối hợp mới này có thể tạo ra hầu hết các loại xoáy lạ như phần trên, có điều là bóng “sống” cho nên luyện tập nó có kinh nghiệm thực hơn. Đỉnh cao hiện tại của rơ hiện đại là có thể đối giật lại một quả bóng cực mạnh và xoáy (tương đương với bóng tấn công mình) cả hai bên Bh và Fh. Hoặc có thể nhờ ai đó xài gai dài phản xoáy cực chậm cắt lại những quả cực nặng (trả xoáy của mình) để tiếp tục giật mất bóng chứ không phải ngửa vợt moi bóng lên.

 

e. Áp dụng vào thi đấu sao cho hiệu quả.
Bóng bàn là một môn thể thao đa chiều, có một chiều mạnh chưa phải là nắm phần thắng, có khi lại dễ thua hơn. Có cú giật khủng rồi, giật được bất cứ xoáy gì rồi mà vào trận vẫn cứ thua như thường, chỉ vì cú giật….mạnh quá! Gặp cái rơ chặn đẩy mượn lực mượn xoáy, nó cứ nương xoáy và lực mà giết mình thì phải tính lại xem có nên đánh mạnh nữa hay không? Đến đây mới phát sinh ra một cú giật còn nguy hiểm và hiệu hơn cú giật mạnh mà chỉ có loại kết hợp vũ khí hiện đại mới làm được: cú giật “thịt ba rọi”. Với rơ cũ thì chỉ có một là cực nhanh hoặc cực xoáy, chứ đở nửa vời vào thì có mà lượm bóng. Ngược lại, rơ mới hiện nay thì cú giật “cà giựt” này mới thật là đáng sợ. Hay ở chỗ là mình đánh quá an toàn, người ta không dám tấn công mình mà cũng không có lực hay xoáy để mượn, mà lại lúc nào cũng thủ sẵn một cú vụt mất bóng, thế mới…đáng ngại! Độ khó của cú giật này nằm ở chỗ khó đoán được tỉ lệ xoáy và tốc độ, khó hơn cả cú giật cực mạnh cực xoáy vì tuy nhiều thật nhưng đoán được là bao nhiêu, còn đằng này quả bóng thật là “nông sâu khó lường”!

 

V. Giới hạn, bất lợi và hướng khắc phục

Như ở trên chúng ta đã nổ quá nhiều về những khả năng đặc biệt của cú giật bằng combo hiện đại, như khả năng đối với bóng khó, gài lại một đường bóng khó hoặc dứt điểm bạo lực. Tuy nhiên bất lợi và giới hạn của cú giật này cũng không phải là ít. Có thể nêu ra vài khuyết điểm căn bản kèm cách khắc phục sau:

 

1. Cảm giác bị chậm một chút do thời gian lưu bóng dài, thiếu lực
Có một tính chất thường nghe nói là những cây vợt thường trợ lực rất tốt, nghĩa là sau khi “ngoạm” trái bóng vợt bị biến dạng đàn hồi và có thêm lực búng ra cộng vào lực giật của tay. Chính chỗ này mà nếu không tận dụng thì lại thấy nó rất chậm, nếu lợi dụng được thì thấy “đã” vô cùng. Ở những ai quen kiểu chạm bóng vọt ra nhanh, sẽ thường lỏng cổ tay và ngón tay không ôm chặt vào cán với má vợt (vì nếu cầm chặt bóng sẽ có xung quá mạnh khó kiểm soát), khi đánh qua hệ vợt đàn hồi sẽ tự nhiên bị hẫng. Thay vì cộng lực thì lực đàn hồi lại trừ mất để biến thành độ “rung” truyền vào cánh tay (cảm giác rất rõ) nên sẽ la oai oái “vợt rung quá, đau tay!”.
Cách giải quyết hết sức đơn giản và tiên quyết cho những ai muốn thử dòng vợt+mút hiện đại này: chỉ cần nắm sát lên má vợt, ôm chặt vào vợt bằng hổ khẩu và ngón trỏ kẹp chặt. Khi giật mạnh, lúc tiếp xúc bóng thì các ngón tay siết bóp chặt vào cán vợt. Chính chỗ này mà cái cán vợt lại hết sức quan trọng, nếu cái cán không hợp tay thì nhiều người còn dùng dây buộc vào, dùng dây buộc cán của cầu lông hoặc đơn giản là dây thun cũng được. Chính em cũng thường xài dây cước để buộc vào, nhắc mình phải “feel” chỗ đó một chút khi tiếp xúc bóng. Khi các ngón tay nắm chặt thì cổ tay cũng tự động khóa lại chứ không lỏng lẽo được, lực sẽ truyền thống nhất xuyên suốt từ thân vào vợt tới bóng, ngay cả độ búng đàn hồi cũng bật trở lại ra bóng chứ không truyền ngược lại cánh tay. Sẽ khác rất xa nếu không khóa chặt các ngón tay và cổ tay, nhưng không phải là gồng cứng nhé. Chính cái khoảng tích tắc này mà ai tập luyện quen rồi sẽ có nhiều kiểu biến hóa bóng, cũng một cách giật y chang nhau mà cho ra đủ kiểu bóng khác nhau, trái dài trái ngắn, xoáy nhiều xoáy ít không biết đâu mà lần. Khẩu quyết là “ôm chặt và cảm nhận”!
Ở đây xin nói lan man một chút ngoài lề. Các cốt vợt làm bằng gỗ non hoặc ghép nối quá nhiều sẽ làm mất độ đàn hồi. Người đánh lâu khi cầm vợt quá non quá nhẹ, sẽ thấy không hề có chút trợ lực nào, mà thay vào đó là cực kỳ mất lực, giống như đang cầm một cốt vợt defensive lõi balsa mà đánh vậy. Để tránh gỗ non thì nên chọn vợt có vân khít, lõi vợt có mật độ xớ gỗ cao, cân nặng trên 85gr. Còn lựa vợt đừng có ghép thì em cũng bó tay, may ra nếu có ai ở VN chịu mở xưởng làm vợt thì mới mong có vợt tốt.

 

2. Bóng giật thường đi cầu vồng cao, và thường có nhiều xoáy
Đây là điểm yếu của kiểu combo [vợt đàn hồi cao + mút bọt khí bám xoáy]. Ngay ở tầm quốc tế ta cũng thấy điều này, những cú giật của rơ Châu Âu thường đi cao hơn lưới khá nhiều, tuy uy lực lắm nhưng vẫn bị các bác Tung Của bắt bài đánh counter loop lại chết tươi. Xoáy nhiều cũng không phải là lợi thế, nếu như đánh với rơ phản xoáy hoặc mượn xoáy mượn lực. Đánh rơ nông dân như bác Nghị Úc cứ mượn lực đở lại, vậy mà nhiều thằng top của Nam Úc cũng chết hoài, bởi vì tụi nó cứ ỷ sức nhưng không biết là nó đánh càng xoáy càng mạnh thì càng chết mau.
Có rất nhiều cách giải quyết, và tụi tuyển Tung Của giải quyết tốt nhất, đó là chuyển sang xài cốt 7 lớp ít độ flex nhưng vẫn đàn hồi cao nếu dùng lực mạnh. Còn những ai ko thích cốt dầy thì có thể chuyển qua xài kiểu 7 lớp có các sợi composite. Điểm yếu của các cốt vợt này là cần lực mạnh và độ chính xác cao, nếu không có thì bất lợi còn hơn là [cốt cứng+mút mềm] nữa. Cá nhân em thấy, cái yếu điểm này không quá lớn đến mức phải bỏ vợt 5 lớp. Vì có những loại vợt 5 lớp vẫn tạo được kiểu đánh như vợt 7 lớp, có phần uy lực hơn. Và nếu gặp các rơ phản xoáy mượn lực thì chỉ cần đổi chiến thuật chứ không phải đổi vợt. Điển hình là Ma Lin, Wang Hao, Fan Zhe Dong vẫn xài cốt 5 lớp đấy thôi.
Chính vì chỗ dễ bị bắt bài, nên cú giật “nửa vời” mới được phát triển mạnh cách nay vài năm, đặc biệt là với những rơ mạnh phần phản công đối giật. Sau vài trái đối giật, vừa để dưỡng sức vừa để đổi nhịp, các cao thủ thường đổi xoáy và đổi đường bóng bằng cách đánh một kiểu bóng cà dựt, nhiều điểm thắng cũng nhờ đường bóng này.

 

3. Bị ăn xoáy trước khi kịp tấn công
Với các bác mới tập chơi thì điểm yếu này sẽ rất rõ. Cơ bản là vì vợt nhún lại kết hợp với mút bám xoáy, độ lưu bóng quá cao nên bị xoáy là đương nhiên. Cho nên em không khuyến khích xài hàng xịn vừa nhanh vừa xoáy, cứ quay lại mấy miếng Moon của Yinhe mà xài. Mà em thấy cái mút của cây vợt Đường Sắt cũng là…bọt khí luôn đó, không tin thì kiểm tra lại xem sao. Khi nào quen tính chất của hệ cốt+mút mới thì hãy nên tự tin đổi sang các mút nhạy xoáy hơn.
Nếu tập chơi lâu mà vẫn bị thì lỗi là do tâm lý hoặc lo sợ đánh ra ngoài, vào bóng không đủ lực để “khóa cứng” trái bóng, triệt tiêu xoáy trước rồi mới tạo xoáy. Nếu vào bóng không dứt khoát thì rất dễ bị ăn xoáy, bóng đi rất bậy bạ. Cho nên điều quan trọng là đừng nên xài cốt đàn hồi mà QUÁ NÃY (thông số speed cao). Chính cái chỗ ít nãy mà ta vào bóng rất tự tin không sợ đánh dư, còn xài cốt nãy cứ phải lo gồng tay hãm lực, thì chuyện ăn xoáy là tất yếu.

 

VI. Kết luận và hướng đi tiếp theo

Trong phạm vi đề tài này, tuy em trình bày về cú giật hiện đại và những vấn đề xung quanh, nhưng thực ra điều kiện cần để có cú giật này là một kiểu phối hợp cốt+mút theo kịp thời đại. Bóng bàn phát triển từng ngày mà chúng ta cứ khư khư ôm giữ cái kiểu dạy của mấy chục năm về trước, xài kiểu vũ khí thời ve chai thì làm sao cạnh tranh nổi với các nước nhỏ trong khu vực – chứ đừng nói tới quốc tế. Bóng bàn là một môn thể thao đa diện và phức tạp, khi thay đổi cái căn bản nhất sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả khác mà đôi khi khó lường; chính vì ngại khó nên chúng ta không làm. Giáo trình tập luyện và các video clip thị phạm kỹ thuật có đầy đủ trên internet. Chiến thuật và tâm lý cũng như thể lực là những thay đổi phát sinh theo trên nền tảng sự thay đổi nhận thức luận. Em sẽ viết tiếp các chi tiết về kỹ chiến thuật hoặc tâm lý thi đấu, nếu như các bác chịu thay đổi cái tư duy và áp dụng những điều mới mẻ. Điều em muốn nhấn mạnh là: “người ta đã làm thành công lâu rồi, tại sao mình không làm theo?”.
 

 

3 bình luận về “Giật mạnh – kiểu hiện đại

Viết một bình luận