Từ một thói quen

Có một vài vấn đề mà số người quan tâm không nhiều lắm, vì để trở thành một “vấn đề” thì đối tượng phải là những người thuộc dạng “đặc biệt” nào đó. Tôi viết bài này cho một nhóm nhỏ thuộc “dạng ấy”, do yêu cầu của một bạn trong số đó. Nếu ai đọc vào cảm thấy….trớt quớt thì xin bỏ qua dùm, bạn không phải đối tượng của bài viết, thế nhé!
Trước khi đọc tiếp, hãy bỏ vài phút nhớ lại trong vòng 1 giờ trước, bạn đã làm gì, càng chi tiết càng tốt. Cái ghi nhận của bạn rất chung chung phải không? Vd như bạn đi từ nhà tới sở làm, bạn đâu cần phải quan tâm có bao nhiêu cái ổ gà, bao nhiêu xe cộ trên đường, lan can nhà phố “treo cờ” màu gì,… Bạn chạy một mạch tới cty, đến cái xe vứt nơi nào trong bãi, kề bên nó là xe gì,…bạn cũng chả nhớ. Thế AI đã đi từ nhà tới cty, AI đã đi trở về, AI vừa sống trong 1 giờ mới đây? Có phải chính là bạn, hay là một cái quá trình tự động nào đấy đang giúp bạn sống và làm gần như 99% các sự kiện dùm bạn?
Nếu bạn nói rằng “tôi đang sống”, thì đấy là một quan niệm sai lầm! Cái thân của bạn đang sống, nó làm hết mọi chuyện cho bạn: tim phổi, bộ máy tiêu hóa, tế bào phân chia,…tất cả đều tự động hóa, ngay cả cái suy nghĩ của các bạn cũng diễn ra vùn vụt chứ chả phải bạn “đang tư duy”. Mọi việc diễn ra như một cái lập trình vĩ đại nào đó, từ lúc sinh ra tới chết đi, đến nổi khoa Bói Toán luôn có cơ sở để phán “gần chính xác”, dù cho thân chủ tự nghĩ rằng hắn có thể nắm cuộc đời trong lòng bàn tay!
Bây giờ tôi đi vào đối tượng: những ai muốn bẻ gãy và thoát ra khỏi cái dòng thác được lập trình tự động hóa đó, những ai muốn làm chủ chính mình. Về bản chất thì cũng giống như nói “thoát khỏi luân hồi sinh tử”, nhưng nghe rất là tôn giáo, và có thể bị quy chụp về một hệ phái nào đó – có cách dùng từ tương tự. Tôi không có cái nguyện vọng to tát đó, một ngày có 24 giờ, nếu giành được thêm vài giây tự chủ bản thân và suy nghĩ – là đã thành công lắm rồi.
Có một vị Thiền Sư, khi bị chất vấn Phật Pháp, bèn hỏi lại “lúc nãy ông vào đây, ông để cái ô ở đâu?”, thế là người ấy bừng tỉnh ngộ. Thời nay có nhiều “cao thủ Phật gia”, tự xưng có thể tụng chú niệm Phật đến nhất niệm hay định tâm, nhưng khi tôi hỏi “mỗi sáng, các vị ra khỏi nhà, chân trái hay chân phải bước qua bậu cửa?” thì bối rối. Vâng, đó là một chuyện hết sức nhỏ nên…chả ai nhớ. Mỗi người đều có rất nhiều thói quen, họ hành động theo phản xạ, 10 lần đều giống nhau, và…chả biết tí gì. Vd có người trước khi mở miệng nói, thường hay nhíu mắt, chép miệng 1 cái,…mà họ chẳng bao giờ nhận ra điều ấy. Cũng như những ng có thói quen vứt rác, cứ bóc vỏ bánh ra là tiện tay phải cần bánh, tay trái buông cái bọc nylon rơi xuống đất một cách rất hồn nhiên!
Tôi biết có một trường phái chuyên tu Chánh Niệm, họ bảo nhau “ăn phải biết đang ăn”, đi đứng nằm ngồi phải luôn biết, bằng cách “quay về hơi thở” hoặc nhờ các pháp phụ trợ khác. Họ tin rằng theo phương pháp này thì cứ tập dần sẽ quen, tu lâu sẽ có Niệm, nhưng cái nguyên lý tại sao có Chánh Niệm thì không thấy ai giải thích được. Rồi tôi cũng tình cờ nghe một vị thầy khác, có giãng “hớ” một câu – mà cầm chắc rằng hàng vạn con nhang đệ tử của vị này cũng chả biết câu này nói ở đâu – rằng muốn đạt Chánh Niệm thì nên bắt đầu bằng cách nhận ra các thói quen nhỏ nhặt nhất, các phản xạ tự động trong cuộc sống hàng ngày. Vd có ng gọi sau lưng thì xoay đầu sang trái hay phải? Nhận ra mình có bao nhiêu phản xạ “theo lập trình” như thế. Nhận ra rồi thì tìm cách STOP nó ngay trước khi để hành động ấy diễn ra “theo phản xạ”. Bây giờ có người gọi giật từ phía sau, thì tôi sẽ – thay vì quay ngay lại, theo thói quen là bên trái chẳn hạn – ngừng một tí và quyết định xoay bên trái hay phải. Lúc đấy là tôi sống bằng ý thức chính mình, chứ không phải “ai đó” sống dùm.
Các bạn nào thử nghiệm, sẽ vô cùng ngạc nhiên thấy con số phản ứng vô điều kiện này rất lớn. Ban đầu chỉ bắt ra được vài chục, sau đó lên vài trăm – tùy vào số lần “nhớ ra kịp” – rồi tăng lên…rất nhiều. Càng nhiều tức là bạn càng làm chủ được cuộc sống, không để nó tự làm. Dần dần thành thói quen, bất cứ tác động nào sinh ra hành động cũng phải qua một quá trình xử lý “stop&think”, ban đầu thì thấy rất là chậm chạp khó chịu, dần dần sẽ nhanh thôi. Bạn sẽ nhận ra các thói quen xấu do suy nghĩ quá nhanh hoặc phản ứng ngay mà không thèm “dằn lại”. Các việc sai xấu sẽ dần ít đi, khả năng kềm chế tăng cao, lỗi lầm sẽ bớt đi. Cho tới khi một động tác nhỏ, một cử động nhỏ cũng nằm trong vùng kiểm soát của ý thức, thì bạn sẽ có dáng đi rất đẹp, dáng ngồi, cách nói chuyện, động tác,…rất uy nghi và chính đáng. Bây giờ bạn đã mang dáng vẻ “có chánh niệm” rồi đấy, đâu cần phải làm ra cái dáng giả tạo cứng đơ – nhìn là biết “hàng giả” ngay. Quyền làm chủ trên thân càng mạnh thì khả năng càng phát triển theo chiều sâu, bạn có thể kiểm soát được cả hơi thở và nhịp tim, có sức mạnh nội công, có thể tự chữa bệnh và điều hòa cơ thể,…bây giờ nhiệm vụ của bạn là sử dụng nó cho đúng nhất và bảo trì sao cho có thể xài được lâu dài – bằng cách sống sao cho đúng nhất: ăn, ngủ, thể dục, vệ sinh, hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường,…
Đây là ngôn ngữ thời Đức Phật:
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng già lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.”
Các thói quen tự động không chỉ có ở các hành động, mà còn ở trong nội tâm suy nghĩ. Cũng với một tốc độ cực nhanh như các phản xạ tự nhiên, tâm chúng ta cũng lao nhanh như tia chớp để phản ứng với các tác nhân bên ngoài. Bắt đầu từ các suy nghĩ thô, cho tới cảm giác “nội thọ” sinh ra như một sản phẩm: ai khen thì ta thích, rồi ta tự suy nghĩ đề cao mình để cũng có cảm giác tương tự. Khen chê, đúng sai,…các nhị nguyên thì rất dễ nhìn ra, cũng với nguyên lý “nhận ra và STOP”, ta sẽ dần dần phản ứng chậm lại. Thay vì buông lời cay độc ngay ở miệng, ta vẫn còn kịp chặn được, thay vì nghĩ xấu ngay khi nghe, ta vẫn kịp nhìn ra cái thói quen “muốn ng ta xấu” và bỏ ngay. Ban đầu thì rất là nhức đầu đấy, nhưng dần dần sẽ rất hứng thú khi ta tìm ra các nguyên lý “lập trình tự động” của tâm. Cho dù chưa chen vào “sửa các đoạn code”, ta vẫn có thể nhận ra “đây là suy nghĩ của mình, kia là suy nghĩ của…ai khác lọt trong đầu mình”. Bạn sẽ đến được một trạng thái gọi là “thoát ra nhìn lại tâm mình”, như một người bước lên bờ nhìn dòng nước chảy xiết. Một khi bạn đã cắt bỏ được các chuổi phản ứng tự động của tâm thức, bạn đã có quyền làm chủ tâm tương đối rồi đó. Lúc này khi dụng công ngồi thiền thì vọng tưởng tới và đi rất nhẹ nhàng, bạn chỉ có thể “lỡ nửa bước” chứ không bao giờ bị “mất tiêu luôn” như trước đây. Rồi thì bạn sẽ nhận ra cái nguyên nhân khiến tâm thức phải “động”, phải “tự động phản ứng”, bạn đã tới đầu nguồn, tìm ra cái thác khiến nước phải chãy. Tìm thấy và từ bỏ nó, tâm được bình lặng, bạn đã đi qua Quán Niệm Xứ thứ 2 và có Định rồi đấy!
Lộ trình tu tập khá đơn giãn dưới cái nhìn của khoa học biện chứng, nhưng thực hành thì…không dễ tí nào. Nhiều bạn bảo “anh viết về nhập Định dễ cứ như là…đi chợ, mà có Định thì thành Thánh cmnr! Hóa ra làm Thánh dễ vậy sao?” Xin thưa, trên đời này chả có Thánh Thần gì, chỉ có người tốt và người…chưa tốt. Lộ trình của Phật giáo là biến một con-người lên mức độ người, nói cách khác là cải thiện và hoàn thiện con người. Bạn không thể niệm chú lầm rầm hay kêu réo tên Phật để mà thành Thánh. Bạn càng không thể bỏ mặc đời bắt chân kiết già rồi đọc hết bộ Nikaya làm y chang theo, hy vọng chứng đắc gì đó – rất hảo huyền. Mấy ông bà Thánh mà thành bằng kiểu ấy thì cái Xã Hội này cóc cần. Cõi này cần lắm những con người biết dừng lại trước những thói quen – tập khí – xấu, thay vào đó là những hành vi tốt đẹp – dù rất nhỏ nhặt. Ra đường, tiện chân đá vào bọc rác là con người, dừng lại nhặt lên bỏ vào thùng thì bớt phần con hơn, suy nghĩ trước khi tiêu thụ ra rác thì phần người nhiều hơn. Phần con quyết định ăn miếng trả miếng, suy nghĩ xấu và muốn sung sướng, phần người biết kìm hãm trước các phản ứng nội tâm, quyết chí đi về hướng thiện. Biết và nhận ra cái ham muốn thỏa mãn ấy chính là nguyên nhân của dòng thác vọng tưởng. Muốn đủ sức ngăn vọng tưởng, thì phải tập dần dần ở các phản xạ hàng ngày.
Làm con vật, người, hay Thánh là quyết định ở các bạn. Con vật hành động theo bản năng, rất ít khi có suy nghĩ và thay đổi lối sống lập trình. Hãy bắt đầu bằng việc nhìn nhận ra các thói quen nhỏ nhặt, các phản xạ tự động,…để mà làm chủ chính mình, càng đi về phía “người”. Và hơn hết, phải Stop&Think kịp thời!