xe búp bê

Sáng tôi đi làm sớm, tiện thể ra khỏi bãi xe thì mở khóa cổng còn lại. Một chiếc xe cao to 8 chổ lái vào, nếu không vì rất nhiều thú nhồi bông và búp bê vải thì cũng như bao chiếc xe cũ kỹ khác – loại này thường được các bà cô ưa chuộng vì có thể chở được cả gia đình, có cả một băng trên sau ghế cũng chất đầy các thứ trang trí màu mè dành cho em bé gái. Nhưng tài xế lại là một bà cụ tóc bạc phơ có ngoài 80 cái xuân xanh. Liếc nhìn vào trong khi cụ mở cửa xuống xe thì rõ ràng đây không phải là một chiếc xe dành để chở trẻ – kiểu các cô bảo mẫu thường dùng để đưa rước học sinh tan trường, đem về nhà giữ chờ cha mẹ tới đón. Bên trong xe giống như một căn nhà di động, toàn bộ tài sản của bà cụ chất tuy ngăn nắp nhưng đầy cả các băng ghế, có thể đoán rằng lâu rồi chiếc xe này không dùng để chở ai khác nữa.

Ban đầu tôi đoán, cụ có nhiều cháu nhỏ, nên trang trí như thế để chúng thích ngồi xe của bà. Ở Úc cha mẹ thường đi làm suốt, người già giữ trẻ cũng là chuyện bình thường. Nhưng ở tuổi của cụ bà thì cháu chắt cũng đã lớn hết rồi, vả lại đâu cần chứa…nhiều thứ nhồi bông như thế!

Bà mở cửa bước xuống chậm chạp, tuy già nhưng không hề làm ra vẻ tội nghiệp hay cần ai quan tâm giúp đỡ. Chiếc xe Van giống như người bạn già tri kỷ, vẫn trung thành cho tới cuối đời. Tôi để ý thấy bà mua những loại vải rất trẻ trung sặc sở, kèm cả những dải ruy-băng và cườm, cứ như là bà đang sửa soạn đồ Tết cho nhiều con cháu nhỏ. Còn 3 tuần nữa là Giáng Sinh và Tết Tây rồi, tôi đoán đây là thói quen có từ nhiều chục năm trước, thuở bọn nhỏ vẫn còn trông chờ áo quần mới – thời chưa có hàng may mặc hàng loạt.

Hỏi ra các chị bán vải thì biết Bà ấy là khách hàng thân thiết của CH từ rất lâu, sống một mình trong nursing home nhưng vẫn còn khỏe mạnh để lái xe đi shop. Những con búp-bê trong xe đều có tên, Bà mua vải về là để may áo quần cho chúng nó, Tết sắp tới rùi! Mỗi ngày Bà lái xe đây đó, chở theo cả một xe đầy con cháu. Tối về bà chăm sóc và trò chuyện với từng đứa trai gái, từng con thú nhồi bông, như một đứa trẻ nhỏ vẫn thường làm với đám đồ chơi vải. Ừ, thế mà vui, Bà biết cách để mà sống hết những ngày cuối đời. Tôi đoán thời trẻ đây cũng là một người phụ nữ giỏi giang, từng lèo lái cả gia đình trên một chiếc xe lớn. Chỉ vì đàn ông thường chết sớm nên các bà ở một mình, con cháu thì có lẽ cũng đã quá già để mà…may áo Tết cho chúng.

Ban đầu tim tôi chùng lại khi nghe về Bà, sau đó lại dãn ra khi chào tiễn Bà ra khỏi cửa. Nụ cười hiền từ không một chút lo lắng, mà tôi nghĩ chỉ có thể tìm thấy ở những đứa trẻ nhỏ – và ở người đã sống hết một đời tận tụy, giờ xứng đáng được trở về với tuổi thơ. Có lẽ năm sau hay năm sau nữa tôi sẽ không còn thấy bà đi mua vải may áo Tết cho đám con cháu, dù ở đâu thì chúng cũng sẽ ngồi vây quanh để sưởi ấm cho linh hồn đầy nữ tính ấy. Rồi thì thêm vài năm nữa, trong một gia đình hạnh phúc nào đấy, lại có thêm một đứa bé xinh đẹp yêu búp bê nhồi bông.