Tai biến và thiền bệnh

Quyển sách này khá cũ nhưng đọc lại vẫn thấy hay:

Tai biến mạch máu não và sự phục hồi, tác giả: TS. Jill Bolte Taylor, Dịch giả : TS. Minh Tâm

Tôi đọc xong phần tiếng Việt, rồi tự tìm đọc nguyên bản bằng tiếng Anh, cảm thấy cần phải viết ra vài điều tóm tắt. Rất nhiều người chết hoặc thương tật vĩnh viễn từ Tai Biến, theo sự mong muốn của tác giả J.B. Taylor, nếu chúng ta có thêm kiến thức này thì có thể sẽ giúp ích cho rất nhiều người thân hoặc có thể là chính bạn. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm thực tế của tác giả không chỉ có ích cho tai biến, mà mở ra những hướng khác để nghiên cứu các bệnh về thần kinh lẫn thiền định. Thật nực cười khi hai vấn đề đối lập lại phải được giải quyết song song nhau, vì có quá nhiều người thực hành thiền định lại cho kết quả ở bệnh viện tâm thần.

Những ai quan tâm về triệu chứng của tai biến, có thể xem kỹ chương 4 “Buổi sáng ngày bị tai biến”. Tuy nhiên, tác giả đã rất may mắn vì có kiến thức, sống ở Mỹ và có sự trợ giúp. Bà TS này bị tai biến ở não trái, vùng ngôn ngữ, nên còn có nhận thức và cuối cùng vẫn gọi được điện thoại. Nhờ thế Bà được cái gọi là Insight (sự sáng suốt nội tâm) để sống tiếp 1 cuộc sống đẹp hơn khi cái Tôi ở não trái yếu đi. Điều gì xãy ra nếu bạn bị ở não giữa hoặc những vùng khác? Thật tai họa cho người thân (và chính bạn) nếu đứt mạch ở não phải.

Đọc tài liệu, ta thấy sự bất lực của người bệnh, “tại sao thường thấy người tai biến ngã xuống rồi bất tỉnh, hôn mê sâu và chết vì không gọi ai được?”. Nhiều ng ngã trong nhà tắm hay toilet rồi chết, hoặc tai biến trên giường mà ta cứ nghĩ họ chết trong khi ngủ. Người VN mình cứ thấy khang khác là bảo “trúng gió, trúng phong”, giật méo miệng xệ mặt, đó là tai biến nhẹ. Khi nghĩ tới Stroke, nên nhớ tới 4 từ F.A.S.T: Face là khuôn mặt có bị lệch và đơ không, Arm là tay có cử động bình thường, Speech là phát âm có còn rõ không, và nếu 3 cái này đều có vấn đề thì cái mà ta phải đấu tranh là thời gian (Time) còn lại cho người bệnh, vì càng để lâu thì càng nguy hiểm.

Trong sách dịch nói về khả năng phục hồi, sau 7 năm thì TS. Taylor hoàn toàn bình phục dù bị cắt mất 1 phần não. Bà không chỉ bình phục mà còn giỏi hơn xưa rất nhiều, đó là 7 năm bà tự học với chính mình mà không một trường ĐH danh tiếng trên TG nào còn có thể dạy được. Cái mà Bà nhấn mạnh không phải là Khả Năng, mà là Nghị Lực. 99% người bị stroke chấp nhận thương tật vĩnh viễn trong khi họ không biết và không đủ quyết tâm để hồi phục hoàn toàn. Khoa học xác nhận rằng não có thể học thêm chức năng và bổ sung cho phần bị hư hỏng, nhưng tâm lý số đông lại dễ dãi chấp nhận cho người bệnh ở một mức độ tàn phế.

Tác giả và dịch giả đều có ý nhấn mạnh về “giác ngộ nội tâm” (Insight), điều đó được lặp lại rất nhiều lần trong quyển sách nhưng để giải quyết ra hướng đi và như thế nào thì vẫn còn bỏ ngõ. Bà Taylor bảo rằng chúng ta có khả năng đạt được Niết Bàn, nhưng bà ta dùng chưa đúng từ ngữ. Khi tôi đọc những kinh nghiệm về thân và tâm khi bà bị liệt não trái, nó rất giống kinh nghiệm thiền định của những người khi chứng được Sơ Thiền, để rồi tôi phải suy ngược: “cái gì thật sự diễn ra khi hành giả đạt được Sơ Thiền, con đường nào để vào Sơ Thiền?”. Và cũng từ đó tôi có đủ bằng chứng khoa học để tuyên bố sự nguy hiểm của các pháp thực hành thiền nhắm tới An Lạc Nội Tâm.

Hãy đọc một dòng trong kinh Sa Môn Quả:

  1. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Ðại vương, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn.

  2. Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

  3. Này Ðại vương, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Đọc bài viết của TS. Taylor, ta thấy bà đã mất Thân Kiến (cái thấy biết trên thân thể, 5 giác quan), bà bị ngừng sự phân tích nhị nguyên, nên theo dòng thứ 64 trong kinh Sa Môn Quả, Bà đạt được trạng thái Chánh Niệm Tỉnh Giác, không bị chi phối bởi ngoại pháp. Vì không còn nhị nguyên nên Bà cũng không giới hạn được thời gian và không gian, rất giống với cảm giác nhập Định “Không Vô Biên Xứ”. Trong đó bà cũng có kể tới cảm giác vượt ra khỏi thân xác như thiên thần thoát khỏi cái chai, trở thành Một với Vũ Trụ (mà bà gọi là cảm giác Niết Bàn), thật ra nó giống với “Thức Vô Biên Xứ Định”, còn khá xa mới tới Diệt Tận Định (Niết Bàn). Ở một khía cạnh khác, ta thấy nhiều Thiền Sư cho rằng đạt được sự Không Phân Biệt là Phật Tánh, rằng đó là cái Một, rồi đồng nghĩa với cái Không. Về mặt vật chất, chỉ là não trái tạm thời bị khống chế, còn não phải với sự nhận thức “bây giờ và ở đây”, vẫn còn não giữa chứa đựng thẳm sâu của bản ngã.

Cảm giác tâm là cảnh giới của Định thì ở thân TS. Taylor ở cảnh giới của Sơ Thiền có pha một chút cảm giác của Nhị Thiền khi bà an trú và không muốn quay lại cái đau thân thể, khi thấy thân là thể lỏng tràn đầy năng lượng. Vì còn đấu tranh và muốn sống, bám víu vào não phải, cộng với cái đau vật lý nên bà chỉ tìm và tạm trú ở Sơ Thiền với một chút chủ động. Chỉ khi bà không còn theo dõi cảm giác an lạc nữa, chấp nhận “petrify” luôn não phải (bỏ tầm tứ) thì bà mới vào được mức thiền sâu hơn.

Tôi phải viết ra điều này vì về lâu dài sẽ có các ngộ nhận về Niết Bàn. Vì sự tu tập của chúng ta ngày càng thụt lùi, Niết Bàn ngày càng…dễ đạt. TS. Taylor bảo rằng bà may mắn biết được sự an lạc nội tâm mà con người bận rộn đầy cái Tôi như bà trước đây chưa từng có. Tuy nhiên, nếu hôm đó bà không bắt liên lạc ai được, đồng thời sau đó xuất huyết luôn não phải, thì có lẽ bà đã chứng nghiệm dần dần các mức Thiền và Định, rồi sau đó biết luôn cả Niết Bàn. Chắc chắn là sẽ chẳng ai được đọc hay biết điều ấy vì bà đã chết.

Khoa học chứng minh những người thiền định sâu thì sóng não rất yếu, vẫn chưa có ai nhập Tam Tứ Thiền để được scan cắt lớp não, để thấy rõ phần nào ngưng hoạt động. Dù vậy vẫn đủ chứng cứ để kết luận rằng quá trình Thiền Định là một quá trình làm yếu dần hoạt động của Não, từ trái tới phải. Hay nói cách khác, thiền định là chúng ta tự làm…tê liệt não tạm thời, để đạt được những cảm giác trên thân và tâm (mà mất đi sự can thiệp lộn xộn của vài hạch não). Trước đây tôi từng nhấn mạnh thiền định là một quá trình thực tập chứng nghiệm cái chết. Trước tiên là thân bất động, giác quan bị ngăn lại, giảm tới zero quá trình xử lý thông tin (kềm hãm não trái) và sau đó vượt qua sức ảnh hưởng của não phải, sự an lạc (bỏ tầm tứ, ly hỷ, xả thọ, xả lạc,..), vượt qua luôn cả cái Một mà não phải bày ra, để trở về cái Không (có thể là não giữa?) và sau đó bỏ luôn cái Không để tới cái Diệt (tất cả đều ngưng). Nói viết thì rất dễ, muốn vào ra Niết Bàn như…đi chợ thì chỉ có Phật. Nếu không nắm rõ các kỹ thuật, có nền tảng cực cao thì sẽ vào luôn bv Tâm Thần hoặc nhà xác.

Điều tôi muốn viết ra là các Thiền Sư nên đọc thêm nhiều kiến thức như thế này, về não bộ và cách thức hoạt động, về tinh thần và tâm thần,…để trả lời các câu hỏi của các hành giả. Vd như tại sao bị chóng mặt, bị xoay lắc, hôn trầm và ảo cảnh,..tại sao càng tập thiền thì càng biến đổi nhân cách, tại sao thiền càng sâu thì khả năng bị tẩu hỏa càng cao, bản ngã lớn và thiên ma dễ nhập? Rất nhiều vấn đề, mà answer rất chung chung mông lung (thiếu kiến thức, cả người hỏi lẫn người trả lời). Quan trọng hơn, đó là mức độ chứng ngộ của người thầy. Vd có thiền sư im lặng và giơ 1 ngón tay lên khi được hỏi về thiền, và được xác nhận…chứng ngộ! Phải phân tích rõ hơn ông ta chứng ngộ cái gì, mức độ nào, nguyên nhân ở đâu? Hay chỉ là ông ta có thể ức chế não trái, lưu trú trong não phải rồi dần dần chức năng não một bên yếu một bên to ra vì máu lưu trông nhiều hơn, để rồi ông ta mắc kẹt mãi trong cái ngộ ảo tưởng đó.

Tu tập tâm linh là con dao bén hai lưỡi, thiền định là món vũ khí nguy hiểm nhất, thế mà rất rất nhiều người cầm bộ não mình ra chơi đùa! Nếu đi một mạch tới Diệt Tận Định rồi thoát ra về với Đời thì chả có gì để bàn, nhưng nếu ngừng ở đâu đó, kẹt ở một ngách sai rồi cứ thế mà đục phá tạo con đường riêng, thì các bạn đang tự tạo ra các tai biến, tự điều chỉnh não bộ lung tung rồi trở nên bất lực với chính bản thân. Giống như bạn xài Windows rồi tự vào Setting vọc lung tung, Win nó khùng lên thì bạn cũng chả còn nhớ đã thay đổi tinh chỉnh cái gì. Cũng may Win không can thiệp vào phần cứng, hỏng thì cài lại, chứ chạy mấy phần mềm ở CMOS thì chỉ có mà tháo pin Mainboard ra. Kỹ thuật Thiền định can thiệp cả vào phần vật chất của não bộ, dẫn đến những hư hỏng vĩnh viễn khó lòng phục hồi mà ngay cả người bệnh cũng không cho đó là hư hỏng. Bà TS Taylor mất 7 năm trong tai nạn để đạt một mức độ cao hơn khá nhiều vị đầu tròn áo vuông tu tập cả đời, đó là một sự thật khó vị nào dám công nhận. Bà bị hư não rồi mà vẫn còn phục hồi lại, còn chúng ta lành lặn lại tự phá mất bộ não quý giá, tiếc thay!

Tham Khảo

Cho những ai muốn đọc sách bằng tiếng Việt: https://thamluan.wordpress.com/suu-tam/tai-bien-mach-mau-nao-va-su-phuc-hoi/

Cho những ai muốn đọc bản gốc (tôi khuyến khích nên đọc bản gốc hơn): http://dfrydendall.net/art_depot/comics/Jill%20Bolte%20Taylor%20-%20My%20Stroke%20of%20Insight%20(PDF).pdf