Kinh nào của Phật thuyết?

Nhờ bạn HL với link một bài viết về kinh điển Phật pháp, cộng đồng fb của Phật tử cũng nóng lên với những tranh luận, mà trong đó tôi cũng tham gia !

Đã từ lâu, vấn đề này rất là tế nhị và đau lòng. Đọc từng bản kinh phát triển, tôi cảm nhận được cái Tâm và cái Tuệ mà vị Thầy nào đó đã gởi gắm cho mai sau. Tôi cũng từng thử bắt chước, soạn ra một “bức thư” cổ và bịa ra một cái link “cutwind.com” để thử đặt mình vào hoàn cảnh của người mà tiếng nói rất bé, phải vay mượn lời của người khác chuyển tải tấm lòng, để kêu gọi mọi người thức tỉnh.

Tôi không biết may hay rũi, khi được “nhìn” bằng con mắt của ai đó, khi thấy đọc nghe mọi thứ đến từ mọi nguồn, tôi tự nhiên được biết thêm rất nhiều thông tin đến đằng sau những điều ấy, nhưng một tuệ giác vô hình. Có thể đó là tưởng tri hay giả tuệ vì nó vốn không có thật hiện hữu.

Kinh dù là không phải cho chính Phật thuyết, thì cũng là do một vị Phật khác viết nên.
Tôi biết ơn những bản kinh ấy, nó đánh thức cái niềm khao khát cháy bỏng vượt ra đằng sau, đạp lên những điều đúng sai trong ấy nhưng những bậc thang mềm mại nâng đỡ tôi đến với chân lý.

Nếu bạn đọc kinh, rồi chiêm nghiệm, thiền định,..rồi dính mắc vào điều ấy, thì đó là lỗi của bạn.
Kinh được viết ra cho mọi người, bởi vì cái tâm tham muốn, ích kỹ, cái vô minh của chúng ta mà có kinh điển. Chư Phật chư Tổ đã làm một điều có vẻ như “sai” trong một trí tuệ bao la từ bi, để lại những bản kinh rất hoàn hảo với căn cơ người này nhưng lại là thách thức với người khác. Thách thức vì người ấy khó chấp nhận, người ấy cảm thấy không bằng lòng và người ấy tìm cách vượt lên trên. Từng bước từng bước, người ấy đạp trên kinh điển mà đi.

Có ai biết ơn cái bậc thang mà mình đã đạp lên hay không?
Có ai biết ơn những cành cây thấp để bạn có thể với tới mà đu lên ?

Thỉnh thoảng trong các bản kinh “ngụy tạo” vẫn có những mật mã và chìa khóa, mà người biết tìm sẽ thấy để mở cửa ra một kho tàng khác vô cùng to lớn.
Một người bạn kể với tôi rằng nhờ câu “Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (vượt qua, vượt qua, vượt qua nữa…) mà anh ta đã ngồi thiền, quán thân thấy thọ, quán thọ thấy xúc, ái,..rồi thấy tưởng, thấy cái muốn sinh ra tưởng, thấy cái thức bao la phía sau cái hành động tác ý,..vậy mà anh vẫn chưa dừng lại, quyết đi tới cùng dù ngày mai người ta sẽ tìm thấy xác anh lạnh giá. Anh đi tiếp tới cái không bao la mà vẫn còn thấy biết về cái ta hiện hữu, về cái ta và cái vô cùng,..và a vẫn chối bỏ nó, xả luôn cả những hỷ lạc thọ do tâm từng lớp từng lớp, anh đi cho đến biến mất hoàn toàn, như một cái chết tối hậu. Anh ta kể lúc ấy mọi thứ như đã chết rồi, thời gian và không gian vô định…chỉ còn cái vận hành của vũ trụ tư tưởng.

Khi anh khởi ý muốn, tìm lại “tôi”, anh liền lui trở lại dần dần, dần dần,…

Tôi hỏi sao anh không nhập cái định ấy mãi ?

Anh bảo cái ý ở lại mãi ấy cũng đủ đẩy văng mình quay trở lại rồi.

Tôi gọi anh ta là người đã chiến thắng cái chết.

Nếu anh ta tin vào một cảnh Phật nào ấy, một cảnh tâm rỗng rang nào ấy, mà không tiến nữa tiến nữa, xả hết,…thì liệu anh ta có chiến thắng nỗi sợ cuối cùng hay không ?

Điều đáng nói là anh ta lại đi khuyên người ta…niệm Phật, làm lành,..và còn dẫn ra những bài kinh rất là dễ đọc (lục bát) dễ nhớ cho nhiều người khác. Ai muốn đọc Pháp Hoa, A di đà kinh,…anh đều mua tặng.
Anh bảo tôi “đâu phải ai cũng tìm hiểu như chú em..”

Trong thời đại mà người ta gọi là Mạt Pháp này, tôi lại có duyên gặp được nhiều vị Thầy đặc biệt, như một Huynh (tu tại gia) ở trên là ví dụ.

Nhiều Thầy tu rất “hoành tráng” và nhiều Thầy chỉ có cái am bé tí.
Nhưng nếu bạn đến thì họ cũng cho bạn những thứ rất bình thường, có thể là một câu niệm Phật, có thể là 1 câu chú thư pháp, có thể là vài câu nói vu vơ.
Nhưng đừng nghĩ là họ không biết gì hết, vì câu nói vu vơ ấy lại mang một ý nghĩ rất đặc biệt vào lúc cần thiết.

Nhiều võ sĩ đã thi đấu, đã vô địch và giải nghệ sống ẩn dật. Nhưng cũng có người vô địch rồi tìm lại những bài quyền múa may, để dạy cho đàn đệ tử, có khi họ còn chế ra thêm !

Một câu nói của một vị võ sư 6 đẳng Teakwondo (65 tuổi lúc toi mới 15 tuổi) làm tôi nhớ mãi “Thầy đã thi đấu, và thầy đã vô địch, nhưng con phải tự tập từ bài quyền số 1!”

August 10, 2010 at 2:15pm

Viết một bình luận