Đêm cuối

Đã nửa khuya rồi mà người tù già vẫn còn ngồi đó rũ rượi, ánh mắt sáng rực nhìn về một cõi quá khứ xa xăm. Trước mặt ông là một mâm cơm ngon còn ấm, có rựu và thịt nấu đúng cách, loại mâm dành cho những tử tù sẽ bị đem bắn vào sáng mai. Nhưng ông sẽ không chết bằng súng, ân huệ dành cho ông nằm ở trong cái chén màu nâu kế bên, đó là một loại thuốc độc cực mạnh nhưng chẳng để lại biểu hiện nào ngoài cái chết. Ông không sợ chết, người như ông thì thần chết đã là một người bạn đồng hành từ lâu lắm rồi. Ngoài kia trời khuya im phăng phắc, không còn tiếng súng nổ hay ồn ào như vài tháng trước đây. Sự yên lặng ấm áp của hòa bình độc lập đang ngọt ngào dỗ giấc ngủ của một dân tộc từ lâu lắm chỉ biết có chiến tranh hoặc quỳ lạy trước chế độ phong kiến. Pháp đã rút và Nhật đã đầu hàng trên chiến trường Đông Dương lâu lắm rồi, giờ thì dân ta lại thắng thêm lần nữa. Tuyên ngôn Độc Lập đã được đọc gần mười năm, trước bao trái tim nô nức ước vọng một tương lai tươi sáng. Ông không được tham dự những ngày vui xuống đường ấy, xiềng xích và chấn song sắt giữ chân ông lại trong quên lãng, dù ở những khu giam giữ khác đã tung hô tự do. Thế rồi khi Pháp đến lần nữa, họ ngạc nhiên vẫn thấy Ông chưa được thả ra, chẳng lẽ ông cũng là tội phạm của đất nước Việt?
Nhà tù Hỏa Lò được xây dựng bởi người Pháp, tuy nhiên nó không phải là nơi chuyên giam giữ những tù nhân chính trị nguy hiểm giống như Côn Đảo hay Chí Hòa. Ông chỉ mới “định cư” nơi này cũng chưa phải là quá lâu. Ông bị bắt trong một lần đi công tác cùng với vài cán bộ chủ chốt khác, tuy hoạt động rất kín nhưng vẫn bị phục kích. Làm Lê Lai cứu chúa, ông giả vờ chạy lung tung rồi bị bắt, mang trong người cây súng của chỉ huy. Nghĩ rằng người giỏi nhất như Ông hẳn phải là chỉ huy trưởng hoặc cán bộ cao nhất. Bắt được tên đầu sỏ rồi thì bọn Pháp rút về đồn, biết ông cũng có chức vụ lớn nên chúng đối xử theo cách hòa nhã, tiên lễ hậu binh. Đâu cần phải dùng tới roi đòn hay tra tấn, ông trả lời rất nhã nhặn bằng tiếng Pháp trôi chãy, với giọng văn có học của một Cử Nhân bên Pháp. Hỏi gì ông cũng nói hết, nhưng biết cái quan trọng cần giữ, biết cái để đánh lạc hướng. Sau một hồi khai thác hết ở ông, chúng đưa ông tạm trú vào Hỏa Lò chờ quyết định của cấp trên.
Vào tới nhà giam với cái nhận diện “tù chính trị” thì có mấy người sống sót, mà ông lại mang cái chức vị lớn trong hàng ngũ cán bộ Cách Mạng, cho nên vào một lần là xác định không có ngày ra. Ông có học vị và từng trãi, hiểu rõ người Pháp và cái thế cờ thực dân đô hộ, nên ông chẳng làm khó dễ gì từ lính canh cho tới quản ngục. Bất cứ lúc nào kêu lên tra hỏi, ông đều có thái độ cộng tác hòa nhã, biết thì nói rõ, không biết thì cũng có lý do và chỉ ra manh mối. Bọn Pháp tra hỏi ông chỉ để xác định những gì chúng biết, chứ chúng cũng đâu phải là mù tịt đâu mà nói láo. Rõ ràng chẳng có lý do gì để mà đánh đập hoặc tra tấn một con người mà nhìn bề ngoài hoàn toàn giống một công chức An Nam đang làm việc cho mẫu quốc.
Cai ngục là người Pháp, sống giữa đám lính làng chỉ biết có dạ thưa khiến hắn thèm một chút gì đó quê hương. Đời lính lê dương xa nhà dù có làm quan lớn xứ người cũng chán, huống chi hắn chỉ là một tên cai ngục quèn. Cái nghiệp tra tấn hay quản giáo tù nhân chỉ dành cho những bọn thích đấm đá chưỡi thề, hoặc khoái trá khi hành hạ người khác. Hắn xuất thân từ một anh học sinh hiền lành, rồi đi lính vì quốc gia, rồi lại mắc kẹt quá lâu xứ da vàng này. Lệnh cấp trên phải làm, với lại làm cai ngục cũng đỡ hơn là ra chiến trường, biết bị chết ngày nào. Từ khi có tên tù nhân cao cấp này, ngày trôi qua cũng bớt lê thê: tối nào rãnh rỗi hắn cũng kêu lính dắt Ông vào phòng ngồi uống trà ăn kẹo, kể chuyện này chuyện kia.
Tuy phận tù tay mang xích đầu đội gông, Ông cũng không mất cái bản lĩnh ung dung khi tiếp chuyện, cứ như với một người bạn Pháp nào đó. Tít bên trời Tây ngày đó, nếu quên đi phận hèn dân thuộc địa thì ông cũng được đối xử ngang hàng với công dân mẫu quốc. Gia đình cha mẹ Ông làm công chức cho chính quyền, có trí thức và đủ tiền bạc nên Ông được ăn học từ nhỏ trong trường nổi tiếng, văn võ song toàn. Rồi lớn lên một chút cha mẹ lo tiền cho ông xuống tầu qua Pháp du học. Có mớ tiền của nên Ông cũng không phải quá cơ cực nơi xứ người, đôi khi cũng tự cho phép mình tham quan thủ đô Paris hoa lệ, vào những khu lâu đài biệt thự lớn hoặc tản bộ trên những ngọn đồi trồng cam nho thơm ngát tuyệt vời. Hoặc có khi sống nhiều ngày nơi trang trại vùng quê, với gia súc và nông dân cày cuốc. Đi nhiều và thấy nhiều nên Ông hiểu được thế nào là giá trị cuộc sống, là giá trị một đời người ở xứ tự do. Ông chợt nhận ra là mình cũng yêu lắm đất nước và con người Pháp.
Người ta đánh đập tra tấn những kẻ cứng đầu hoặc những tên thù ghét họ, chứ có ai lại đối xử tệ với chính con người từng sống và yêu quý đất nước mình? Tay quản ngục đối xử với Ông rất mực chu đáo, cơm nước đầy đủ, áo quần lành lặn, lính trại cũng không dám la hét ông nặng lời. Tù chính trị được biệt giam một khu, nên Ông cũng được ở chung với nhiều cán bộ khác, phần đông là thương tích đầy mình, dở sống dở chết. Dành thời gian và sức khỏe những lúc không bị bắt lao động, ông chăm sóc các bạn đồng chí. Nhường từ miếng ăn chén nước, đến cả cái áo rét độn rơm thằng quản ngục cho, ông cũng nhường lại cho người đang ốm. Nếu không vì cái chức danh của Ông nằm trong hàng ngũ những vị công thần hàng đầu ở mật khu, thì những tù nhân khác đã cho rằng ông là người của Pháp cài vào để chiêu hàng hoặc dụ dỗ gì đó. Là đồng chí nhưng nhìn nhau ngờ vực, có phải ông đã bán cho Pháp rất nhiều chiến sỹ để đổi lấy sự yên thân?
Cái ngày mà sỹ quan cao cấp Pháp đến tra hỏi tù chính trị, Ông bị dẫn lên trình quan. Tay sỹ quan ấy cũng trạc tuổi Ông, tướng người cao lớn vạm vỡ, giọng nói vang khỏe. Sau một loạt tra vấn với các câu hỏi như mọi khi: biết người này không, biết chuyện nọ chứ, …cuối cùng quan lớn kết lại:
-Người có học như ông tại sao lại đi chống Pháp?
-Nếu nước ông bị ngoại xâm, ông làm gì?
Tay sỹ quan cười lớn, xong móc nguyên một hàm răng giả nhe ra:
-Hồi Pháp bị Đức chiếm, tao cũng bị bắt. Lúc thằng Đức hỏi tao tại sao kháng cự, tao quay mặt đi rồi hát vang một bài dân ca. Thế là nó lấy báng súng đập tao gãy hết hàm răng!
Ông mĩm cười bắt nhịp hát ngay một bài dân ca rất phổ biến ở Pháp
“..En cherchant d’la sorte
Je ne sais ce qu’on trouva
Mais je sais que la porte
Sur eux se ferma.”
Tay sỹ quan Pháp mặt biến sắc, trở nên trầm lắng hơn như sắp nổi lên một trận bão lớn. Ông kiên nhẫn chờ một cái tát hay một cú đập báng súng, nhưng lạ thay, thằng tướng Pháp bỗng nhãy tới ôm Ông, mắt dàn dụa như ôm một đồng đội đã mất trong Thế Chiến.
-Ông cũng yêu bài hát này à? – Tay sỹ quan hỏi.
-Đất nước của ông giàu đẹp và văn minh lắm. Có gì sai nếu tôi cũng muốn nước mình được như vậy?- Ông nói từ tận đáy lòng.
Suy nghĩ một lúc, viên tướng Pháp nói:
-Ông sẽ làm gì nếu được thả ra?
-Thì ông cũng sẽ bắt tôi lại tiếp thôi!
Đó chỉ là chuyện phiếm, ai lại thả cọp về rừng! Nhưng sau lần tra hỏi thành trò chuyện ấy, Ông có nhiều lần được viên tướng Pháp ấy đặc cách mời lên dinh thự để “hầu chuyện”. Dù ở hai địa vị khác nhau, một bên là quan lớn đô hộ một bên là phạm nhân xứ thuộc địa, nhưng họ trò chuyện tâm đắc như tri âm tri kỷ. Họ uống rựu vang rồi bàn về các loại rựu cho tới cách chế biến trồng trọt, về những đồi nho ngút ngàn ở xứ Booc-đô, về những cô thôn nữ hái nho eo thon cho tới những bà đầm diêm dúa đi bộ trên những đại lộ Paris thênh thang. Ông không ngớt ca ngợi vẻ đẹp ở Pháp, từ những con phố nhỏ cho tới sự quy hoạch kiến trúc vĩ đại đôi bờ sông Xen. Từ những đường cong mỹ thuật của lối kiến trúc Phục Hưng cho tới cái trật tự quy tắc lãng mạng trong vườn hoa Luxembourg. Ông nhiệt liệt tán dương nền công nghiệp hiện đại, những thành tựu vượt bậc như khải hoàn môn Effel hay những khu công nghiệp nặng khỏe mạnh chạy điện sáng choang. Rồi ông nhắc tới những công trình kiến trúc như Nhà Hát Lớn, Nhà Thờ Đức Bà, hay điện Lourve nghiêm trang mà mỹ thuật. Có một điều ông không nói nhưng người Pháp chắc cũng hiểu ra: biết bao giờ thì nước An Nam nhỏ bé này có thể đạt những thành tựu ấy? Câu hỏi ấy chỉ dành cho riêng Ông thôi.
Nhà tù kiên cố ấy mấy lần đổi chủ, Pháp rồi Nhật rồi lại Pháp, bây giờ chắc không còn Pháp nữa nhưng phòng giam ấy vẫn còn sót lại một người tù đã cũ. Ông vẫn ngồi đó nhìn chén thuốc độc mà không sao giải thích được cái sự thật ấy. Chiến tranh đã xong, Pháp đã chấp nhận thua trận rồi, độc lập và tự do hoàn toàn đã trở lại, cái ngày mà ông từng ước ao đánh đổi mạng sống để thấy. Giờ thì được rồi đấy, nhưng có gì đó không ổn, tại sao những người yêu nước chân chính như ông lại phải chết?
Nhớ cái ngày quân ta tràn vào phá cửa ngục, giải phóng cho tất cả, chỉ trừ ông vài vài người khác. Người chỉ huy có nói đây là mật lệnh của cấp trên, rằng Ông phải chờ thêm ít ngày nữa. Mười mấy năm ông đã chờ được thì mấy ngày có là bao, ông yên tâm kéo dài chuỗi ngày vui mừng độc lập dân tộc. Vậy mà hôm qua, cái thằng đồng chí từng ở chung xà lim với ông quay trở lại, vào chốn cũ thăm trò chuyện một hồi rồi nói: “tôi được lệnh tới đây để đem xác đồng chí về, cấp trên chỉ huy rằng đồng chí phải chết…”. Đất trời sụp đổ trước mặt, hóa ra người ta bảo ông ở lại để chết chứ không phải chờ ngày về vinh quang tươi sáng. Nhớ cái tình chăm sóc trước kia, thằng đồng chí ấy không muốn tự mình giết mà cho ông một đêm ân huệ bên chén thuốc độc của tử tù.
Hóa ra cái chén đắng ấy là phần thưởng cao quý của cả một đời ông hy sinh cho độc lập dân tộc. Nhớ lại có lần một đồng chí giam chung xà lim hét vào mặt Ông “ĐM cái thứ như mày mà cũng đòi giành hai chữ hy sinh!”. Phải bị đánh đập tra tấn đau đớn hay chết chóc thì mới gọi là mất mát chớ nhởn nhơ vài ngày một buổi nhậu với Tây như Ông thì yêu nước kiểu gì?
Ngày ông lên tàu viễn xứ, cả nhà đưa tiễn, gởi theo những cái ôm từ biệt của đứa em, hai dòng nước mắt của mẹ và cái nhìn gởi gắm từ cha. Ông là kỳ vọng, là hoài bão của cả gia tộc. Có ai ngờ đâu ngày vinh quy trở về Ông phải trốn cả dòng họ. Những ngày bí mật hoạt động trong thành, ông có ghé thăm cha mẹ rồi lầm lũi ra đi với tội bất hiếu bất nghĩa. Từ dạo ấy đến nay Ông không còn tin tức gì của họ nữa, có lẽ cũng đã chết bởi súng đạn kháng chiến hay dưới lưỡi cày trong những trận “đấu tố” cải cách ruộng đất mới đây. Ông nhớ từng khuôn mặt, từng ánh mắt như căm giận chiếu vào ông từ bốn vách tường đen nhẽm của phòng giam. Sự đấu tranh của đời ông thành công như thế đấy, ông đã phản bội gia đình, đốt mất niềm hy vọng của tổ tiên.
Người ta vào chiến khu chỉ mang theo cái quần cộc, ông vác nặng trên lưng nhiều thứ hơn là là cái học vị. Những năm tháng cuối cùng bên Pháp xui khiến ông gặp những sinh viên yêu nước khác, rồi ông viết báo, hội họp và biểu tình dưới một lá cờ chung, độc lập dân tộc và giải phóng giai cấp. Nhưng ông đã bắt đầu nhận ra trái tim của ông không thuộc về giai cấp, từ những ngày đầu tiên, nhưng không biểu hiện ra. Nói theo định nghĩa của ai đó thì ông đã theo cái “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” chứ không chủ trương “thế giới vô sản đại đồng”. Thành phần lãnh đạo kháng chiến chia ra hai phe, học từ Liên Xô và được đào tạo từ Trung Quốc. Chính vì trí thức và xuất thân tư sản, nên dù đóng góp có lớn mấy, ông vẫn thuộc nhóm những cán bộ lãnh đạo “thứ ba”. Thành phần này là những trí thức bỏ thành thị lên rừng, họ là những bác sỹ, luật sư, kiến trúc sư,… nổi tiếng và tài năng, đều có những tấm bằng cấp giá trị. Nhóm này tuy chẳng có thực quyền nhưng lại là cái bình phong hào nhoáng của ban chỉ huy khánh chiến mỗi khi tiếp xúc với dân hoặc đối thoại cấp cao với nước ngoài. Nhưng ông đâu có đấu đá cho thực quyền thực lực, ông chỉ cháy hết mình cho dân tộc.
Ông thử kiểm tra lại trong trí nhớ những thành phần nào trong ban lãnh đạo, những tay nào có thể đã hạ cái lệnh bắt chết ông. Thực sự là ông đâu có tranh giành để gây thù oán, chẳng lẽ cái công làm Lê Lai hoán chúa chịu đày đọa ngần ấy năm cũng khiến người ta đố kỵ hay sao? Dù là trong nội bộ, hai phe phái lớn đấu đá thanh toán nhau dữ dội, phe nào cũng muốn cõng “ông thầy” của mình về. Trên mặt trận Thế Giới thì hai “anh cả” và “anh hai” đang cắn xé nhau vì cái đường cong béo bở phía dưới này.
“Sứ mạng giải phóng giai cấp” là một cái gì đó cao cả thiêng liêng, nó vượt tầm quốc gia và dân tộc, cho nên cũng là da vàng mũi toẹt mà người ta tàn sát lẫn nhau như thù hằn truyền kiếp: mối thù giai cấp! Anh cầm súng đâu phải chỉ cho cái đất nước thôi, mà còn cho cả Thế Giới, dưới ngọn cờ giai cấp công nông. Đánh thắng ở chiến trường trong nước xong, phải nghĩ tới sứ mạng giải phóng cho nước bạn, qua Lào hay Campuchia hoặc cả các đảo quốc để bành trướng khối Khối Cộng Sản Quốc Tế. Để phục vụ cho ai, quyền lợi giai cấp là cái gì? Công nhân sẽ làm chủ nhà máy và nông dân sẽ lấy lại ruộng đất, nhưng ai sẽ quản lý và phân phối tất cả nhà máy và ruộng đất ấy? Ai sẽ tổng quản, làm đàn anh đàn cha của tất cả các nước trong Khối?
Ông chợt bật cười như ngộ ra điều gì ở những giây phút cuối đời: hóa ra nước ta chỉ mới có hòa bình chứ đã độc lập đâu! Nếu không phải Pháp thì bây giờ cũng sẽ là Trung Quốc hoặc Liên Xô đè đầu lần nữa, bằng một kiểu chủ nghĩa mới. Chúng nắm chóp hết ban lãnh đạo, với chiêu bài “giai cấp” thì còn chỗ nào cho người dân Việt Nam. Anh không là nông dân thì cũng là công nhân, là giai cấp vô sản thì phải theo sự lãnh đạo của “Quốc Tế Vô Sản”, đám giai cấp khác còn lại là kẻ thù dù là chung một nòi giống cha ông. Thế mới hay rằng Ông đã quá ngây thơ khi mơ tưởng cho tương lai một đất nước dân tộc tự quyết. Hóa ra ông đã bị lừa! Ông đặt cược hết tất cả và đã thua một ván trắng tay.
Thế thì cái chén thuốc kia đúng là để dành cho Ông rồi, phần thưởng cho kẻ thua cuộc. Hít một hơi dài, Ông chậm rãi thanh thản đưa cái chén đắng lên miệng uống cạn một hơi, mọi vướng mắc đã giải quyết xong, Ông đã sẵng sàng đối mặt với cái chết. Ở những nơi khác, những con người thực sự yêu nước có lẽ cũng đã xong phần của họ. Vậy là phe “giai cấp” đã thắng lợi cùng với hai nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ, họ sợ hai tiếng “dân tộc” như một thứ bệnh phong hủi lây lan, nhất là trong thành phần lãnh đạo. Đời Ông hết rồi nhưng cuộc chiến của đất nước dân tộc sẽ còn kéo dài lâu lắm mới kết thúc. Ông đã sai lầm và bây giờ là lúc phải dũng cảm đối diện với chính mình, quay về với tổ tiên ông bà mà nhận lỗi.
Kỹ niệm của những năm tháng sống ở kinh đô hoa lệ ấy lại hiện về như đang bỡn cợt. Để xây dựng được những công trình ấy cũng phải đổi bằng máu và nước mắt. Paris cũng có hai mặt giàu nghèo, cũng có người chết rét vô gia cư trong công viên, cũng có những con hẽm dân cư tồi tàn dơ bẩn chốt đầy những thành phần cùng dinh. Nơi ấy cũng từng xãy ra những cuộc cách mạng đẫm máu khi quyền lợi đôi bên bị đụng chạm đến tột cùng. Nhưng rồi người ta cũng ngồi lại đàm phán vì một nước Pháp tươi đẹp, rồi họ tôn vinh những con người có tri thức, những tư tưởng tiến bộ dẫn dắt dân tộc trở nên văn minh và hùng mạnh hơn. Nghĩ tới những điều ấy lòng Ông đau như bị thắt lại từng khúc, đâu phải tại cái chén nước thuốc kia.
Đó là loại độc dược cực mạnh để chết tê dại chứ không phải loại để tra tấn nên không đốt cháy tim gan như những thứ thuốc chuột rẽ tiền. Ông cảm thấy cảm giác lạ đã đến tim, nó đập mạnh dần từng cơn nhưng lại cho ông lại cái cảm giác bồi hồi xúc động như lúc mới vừa biết tình yêu. Ông cũng từng có một mối tình đẹp và lãng mạn như trong tiểu thuyết Pháp. Một thôn nữ vùng quê Naplơ trong trắng thật thà, yêu tài năng của Ông bằng cả tấm lòng, không vì ngăn cách chủng tộc hay giai cấp. Ông nhớ lại những buổi hoàng hôn tuyệt đẹp trãi dài xuống đồi cùng người đẹp sánh vai, hoặc những đêm trăng sáng nhãy múa trong tiếng nhạc hội man dại. Nàng chỉ chờ ông một tiếng là đã gật đầu đồng ý, tình yêu lãng mạn kiểu Pháp đâu cần điều kiện khắt khe phiền phức. Ừ, phải chi Ông đã hỏi cưới nàng thì giờ này hai người đã hạnh phúc nơi một trang trại đẹp như thiên đường với bầy con ngoan líu lo hai thứ tiếng. Ông yêu cô gái đó lắm nhưng đó không phải là mối tình đầu, trái tim ông đã thuộc về một nơi khác.
Bây giờ là tiết cuối Đông, vẫn còn lạnh lắm, trời gần sáng nên trong lao càng lạnh. Ông vẫn ngồi đó, dựa tường không buồn run rẩy nữa, cái lạnh đã ngấm tới xương và kéo dần đến tim thì da thịt nào cần ấm nữa. Cái rét Nàng Bân ở Hà Nội làm sao sánh bằng mùa Đông Paris trong những căn nhà trọ tồi tàn thiếu bếp sưởi, hoặc giữa nơi rừng Việt Bắc giá rét không có đóm lữa. Nhưng cái lạnh giá trong tim ông mới còn đáng sợ hơn, đó là nơi mọi hạnh phúc và hy vọng đều tắt lặng. Còn ít ngày nữa là tới Tết rồi vậy mà ông đã trễ hẹn, cái Tết độc lập tự do mà ông hằng mơ ước, biết bao giờ mới đến. Ông thấy những đứa em mặc áo lụa mới, cha vận bộ đồ công chức đứng bên cạnh mẹ trong trang phục truyền thống lễ hội ngày xưa. Ông thấy rõ lắm như là họ đang đứng trước mặt, mà không phải, ông đang đứng trước mặt họ như một đứa trai trẻ mười bảy, trong căn nhà cổ kính thuở nào. Bố mẹ ơi thằng con bất hiếu đã về đây rồi! Chưa phải thốt ra lời xin lỗi nào thì đã nằm gọn trong nhiều vòng tay rộng lượng của cha mẹ và chị em. Những tội lỗi và đau khổ đã gởi bỏ lại hết nơi cái nhà giam trần thế.
Sáng ra tên đồng chí nọ hoảng hốt phải sờ tới súng khi thấy Ông vẫn còn ngồi xếp bằng dựa tường, đôi mắt mở nhìn trừng trừng phía trước. Chỉ sau khi chắc chắn rằng Ông đã tắt thở lạnh giá, hắn mới kêu người vào khiêng ông ra khỏi cửa ngục. Rồi thì hôm sau cả Quốc Hội tha hồ mà khóc nức nở tiếc thương, cả nước biết tin Ông từ trần vì căn bệnh đột ngột do di chứng của tra tấn dã man tàn khốc trong nhà tù thực dân Pháp. Lịch sữ lại viết thêm vào một cái tên cùng với sự căm thù tội ác chiến tranh của Đế Quốc, oan uổng lắm thay.

Viết một bình luận