Ấm trà và vị trí phong thủy

Một loại vật dụng mang Sinh Khí mạnh nhất đến cho căn phòng, đấy là bộ ấm chén trà. Bình cắm hoa cũng cho thấy sự phát triển, nhờ vào sự sống của cây hoa và các họa tiết vẽ tay có thần. Đèn có ngọn lửa sống cũng rất hay, tạo cảm giác ấm cúng, nhưng không mạnh bằng ấm trà nóng đang bốc hơi nước lên. Có rất nhiều bài viết về vị trí Bình Hoa trong Phong Thủy, nhưng ít thấy chuyên gia PT nào đề cập tới tác dụng đặc biệt của bộ khay ấm chén trà đặt trên bàn phòng khách. Bởi vì nó quá bình thường nên chẳng ai còn quan tâm tới nữa, hay vì đời sống quá vội, con người thích đặt vài cái bình chết một nơi rồi lãng quên đi, mong chờ tin tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp nào đấy – chứ không có thời gian chăm chút cho cái cuộc sống thực trong căn nhà? Trong ấm trà có Thổ, Thủy, Hỏa và Mộc, men sứ là Kim – tất cả đều ở trạng thái năng lượng cao nhất: nước sôi mới châm, trà đang nở ra, bình đang nóng và hoa văn sứ nung chảy đang được thưởng thức sống động. Nước bốc thành hơi (Phong) bay lên và được rót xuống chén thành dòng (Thủy), sau đó được uống và tuần hoàn khắp Tiểu Châu Thiên, hâm nóng cả cơ thể. Đấy là cái Dụng của Phong (và) Thủy, bàn chi đâu xa chuyện viễn vông.

Ấm trà là Ông Táo ở phòng khách!  Thời đại thức ăn nhanh, có khi ông Táo nghỉ việc cả tuần lễ. Nhiều bạn trẻ đi làm hay học cả ngày, chiều tối ăn vội hàng quán đâu đó rồi đi chơi, tối về nhà chỉ để ngủ – đấy là một nhịp sống căng thẳng bất an. Một ngày không được đỏ lửa thì căn nhà ấy đang sống trong một ngày bấp bênh. Giờ đây bếp gaz và điện chiếm ưu thế, đâu còn ông Táo đất 3 tay nữa, hồn Dân Tộc đã bị làn sóng Toàn Cầu Hóa cuốn phăng đi mất từ lâu rồi.  Thế mà ông Táo đất giờ lại nằm ở phòng khách, đấy là phích nước sôi cắm điện bằng sứ và bộ ấm trà đất. Hồn quê đã di cư vào chiếm cái chổ trang trọng nhất nhà, trong khi mấy món Tây Đầm đã tranh giành vị trí Bếp và Toalet.

Xem Phong Thủy xây nhà ở VN thì các gia chủ thường xem…hướng cửa lò và vị trí bếp. Người ta quan niệm cái Bếp Lò có sức ảnh hưởng rất lớn đến gia đạo và sự êm ấm hạnh phúc trong nhà. Hỏi các chuyên gia PT thì cũng chẳng ai giải thích nổi tại sao cái “cửa” trong PT lại quan trọng đến như thế. Xây nhà phải có cửa chính theo kích thước Lỗ Ban, nghĩa là chiều cao và ngang lọt vào một cung tốt nào đấy trong cái thước PT. Phòng bếp cũng quan trọng cái “cửa bếp” mà sách PT Tàu chả mấy đề cập tới, vd như chả có nhà ai cho phép chuyện từ ngoài ngõ nhìn vào thấy ngay cái cửa bếp – đấy là tối kỵ, tìm không thấy trong sách PT nào cả, hóa ra chỉ có VN mới chú trọng. Nghiên cứu sâu xa hơn thì mới thấy Ông Bà ta ngày xưa quả là “thâm thúy”: cái bếp lò ngày trước không đơn giãn chỉ là ông Táo 3 chân, mà thường là 1 cái hầm rất lớn (loại bếp trấu ngày xưa dùng để nấu bánh chưng bánh tét) để nấu những nồi to phục vụ đại gia đình – ngày xưa chuyện “Tam Đại đồng đường” là phổ biến. Những khúc củi to được đẩy vào để đốt ra lửa, nấu chín thức ăn (tạo ra thành phẩm), vì thế người ta ví cái bếp như cái “gì đó” của người nữ, và chuyện “củi lữa” là để nói bóng gió cái hạnh phúc chăn gối trong nhà. Tích xưa rằng Táo quân là một Bà hai Ông không hẳn chỉ đơn thuần nói về con số 3 chân của bếp đâu – chuyện tích ấy chỉ để giải thích cho con nít. Chỉ có những ai nhàn rỗi suy nghiệm, mới thấm thía cái “cay” trong sự tích này. Bếp đặt hướng nào, vị trí ra sao cho thuận lợi nhất, đấy là chuyện mà Ông Bà ta xem trọng nhất khi một đôi trẻ xây nhà mới. Rồi thì người ta cũng cho cái gì “rỗng” có cửa đều mang Âm tính, cái nhà cũng có cửa chính và “cửa sau”, người ta đi ra đi vào cửa chính, mang Dương khí đến cho ngôi nhà,…Chuyện nhà cửa trong tín ngưỡng Phồn Thực của dân gian VN dần dần trở nên mê tín, và ngày nay ít ai còn hiểu cái lý lẽ này, cứ xem kích thước cửa cho khớp vào các vạch đỏ trên thước Lỗ Ban Tàu, và đi “coi thày” để chọn hướng cửa Bếp (cho nó may) mà chả cân nhắc gì đến sự tiện lợi và giá trị của không gian nhà bếp phòng ăn.

Phong Thủy của Tàu đâu có ngờ tới cái ngày cái bếp không còn “cửa lò” nữa thì làm sao có hướng để mà xem. Cũng không ai nghĩ rằng bây giờ chúng ta có thể đun nước ngay trong phòng khách và mang cả bếp lò không than củi lên đặt giữa nhà. Ngày nay có những bộ ấm chén cầu kỳ, ấm trà được đặt trong một chậu khác chứa đầy nước nóng, để mà ủ ấm trong trà. Hoặc có loại ấm trà cắm điện để giữ nóng, như nồi cơm điện vậy. Hóa ra ngày nay Thiên Lôi đi nấu Bếp, còn ông Táo thì uống Trà. Thời nay Âm Dương đảo lộn, thay vì xem hướng cửa bếp thì người kỹ tánh sẽ xem cách gia chủ đặt ấm trà và vị trí của cái “vòi nước” chỉa ra hướng nào. Chuyện gia đạo có thể thấy ngay trong cách bày biện bộ ấm uống trà: người thiếu ý tứ sẽ bày cái vòi ấm chỉa lung tung, ra ngoài cửa, hoặc ra hướng ngược lại với các tách trà. Nhìn cách rót trà cũng thế: nếu người chủ cẩn thận, sau khi rót trà xong sẽ xoay vòi ấm về phía trong, về phía những tách trà. Nếu xoay ra ngoài mãi thì gia đạo chắc chắn sẽ bất ổn, cũng y chang như cái cửa bếp để khoe ra ngoài ngõ. Những tách trà dù được chưng bày trong tủ kính vẫn nên úp sấp kín đáo, tách trà trên khay phải sạch và úp xuống  khi chưa dùng tới. Khi xây nhà, lắm người chủ rất chi li trong cách bố trí và kích thước nhưng cuối cùng lại thể hiện bản chất xuề xòa trong cái “ruột” của căn nhà, ngay trong cách ăn nết uống. Đấy là Phong Thủy “sống” vì có liên quan tới yếu tố chủ thể, nhưng lại là cái cốt lõi đem đến Sinh Khí và hưng vượng cho căn nhà.  

Nơi nào có ấm trà đang nóng, nơi ấy là nhà. Bàn làm việc đã có ly café làm biểu tượng cho sự năng động, trong khi đó tách trà nóng mang ý nghĩa thư giãn, khi bạn đã quăng cái lưng mệt mỏi xuống cái ghế quen thuộc trong căn nhà ấm cúng hạnh phúc. Một bộ ấm chén là đã chứa đủ các yếu tố Ngũ Hành, có sinh khí hoạt động tuần hoàn, vì thế vị trí của nó phải nên ở chính giữa, trọng tâm căn phòng. Bản thân nó đã đầy đủ các tính chất Phong Thủy, chỉ còn đợi một yếu tố chính, đó là Con Người. Bộ ấm chén trà không chỉ là vật vô tri, nó còn phản ánh ngược lại tâm tánh và vận mệnh của người chủ. Không có một “đồ đạc phong thủy” nào có ảnh hưởng lên yếu tố con người nhiều như ấm chén trà, bởi vì đó là vật dụng hơn là trang trí. Có thể kể ra những thứ như Đá phong thủy, kiếng phong thủy, thác nước,…nhưng chúng chỉ nhằm tới yếu tố Ngoại Cảnh, chứ tác động rất ít vào Nội Tâm – dầu cũng có tác dụng thư giãn như âm thanh nước chảy, màu sắc êm dịu,..nhưng chỉ thụ động phía ngoài. Ấm trà chạm vào tay và mắt rất gần, tách trà nóng trong tay và nước trà chạy khắp châu thân, tác động trực tiếp vào cái Nội Khí và giúp ta đi thẳng vào cái Thấy Biết trong Tĩnh Lặng. Uống trà cũng là một cách Thiền để đưa tâm về với Chánh Niệm.

Trong Thiền có câu “Tâm dẫn đầu các Pháp”, nghĩa đại khái rằng cái sức mạnh tinh thần mới quyết định sự thành công và giàu có, Tâm trí sáng suốt vững vàng thì nội lực mới sinh phát, thần khí mới luân chuyển. Ấm trà nóng vừa đóng vai trò kích hoạt, vừa giải tỏa đánh tan các phiền muộn vướng mắc. Trong các công án Thiền, có ngài Triệu Châu với câu nói bất hủ “uống trà đi!”. Trà trôi xuống bụng thì mọi sự sẽ thông một cách tự nhiên thôi. Nghệ thuật Phong Thủy chính thống cũng chỉ là một cách để giải tỏa các bế tắc ở các “huyệt” và khơi thông sự vận chuyển ở các “đạo”. Thông thì bất thống, trong nhà mọi sự luân chuyển hài hoài, không nhanh không chậm, không tắc không trống,…thì vận mạng mới tốt và gia đạo mới yên vui.

Uống trà đi!