Có thực mới vực được Đạo

Lâu rồi tôi thường nghe ông bà nói “con ăn cho mạnh vào nhé, có thực mới dzựt được đạo…”, kiểu như khuyên con cháu ăn cho nhiều vào, có sức khỏe để làm việc cho hiệu quả. Nhưng cái câu “có thực mới vực được đạo” trở thành một ngữ rất phổ biến và bị “nói trại” ra rất nhiều biến thể với nhiều nghĩa khác nhau, ngẫm lại cảm thấy cũng rất hay.

 Đầu tiên, chúng ta thường nghe nói “có thực mới dựt được đạo”. “dựt” ở đây là văn nói của người miền Nam, đồng nghĩa với “giật” hay “giựt”, mang nghĩa là tranh giành một cách thô bạo. Chữ “thực” ở đây mang nghĩa thức ăn hay tiền bạc (cũng chỉ để ăn). Ngụ ý của ông bà là để nói về chuyện xâm lăng tôn giáo xãy ra từ hơn trăm năm về trước, khi Pháp xâm chiếm nước ta, họ không chỉ mang theo rựu và phô mai, họ còn mang theo 1 thứ rất hay khác. Khi rựu thịt có thể hấp dẫn ngắn hạn thì họ cũng nghĩ tới chuyện chiếm đóng lâu dài, cần có 1 lực lượng hùng hậu những người theo họ một cách vững chắc về mặt thể xác và tâm hồn. Thế là đạo Kitô được truyền sang nước ta một cách rộng rãi và ồ ạt.

 Với truyền thống thờ ông bà, theo tam giáo Phật Lão Khổng lâu đời thì chuyện thuyết phục dân ta tin vào 1 ông Chúa mắt xanh mũi lõ với các sự tích bên trời Tây là chuyện khó làm. Làm thế nào để một dân tộc ngàn năm văn hiến cộng với Nho giáo “quân sư thần”, một không gian tâm linh đậm đà bản sắc Đông Á lại có thể “giác ngộ” hay tìm thấy những gì thực sự hay bên trong quyển Kinh Thánh? Đó là chuyện không tưởng.Thế là họ dùng 1 cách khác hay hơn: ai theo Kitô thì được làm quan, có quyền có tiền, được cấp đất và dĩ nhiên là thân với Pháp. Kết quả là có rất nhiều nơi khi xưa vốn là chùa chiền am tự bỗng trở thành đất của chúa Kitô vì theo đạo này là có….ăn! Chuyện này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, nhiều tổ chức tôn giáo vẫn còn đi vào các vùng nghèo khó, truyền đạo và cho tiền người nào theo đạo của họ. Tôi chưa bàn tới cái lợi hay cái hại của chuyện đi theo tôn giáo mới, tôi chỉ thấy đời sống của người dân xứ ấy có vẻ khấm khá hơn vì ông chủ hãng sẽ nhận công nhân cùng tôn giáo, hoặc cải đạo cho họ và cũng cho họ công ăn việc làm. Vậy là khi theo đạo mới, họ cải thiện được cái ăn trong gia đình.

 Dĩ nhiên là câu thành ngữ này có một ý gốc sâu xa hơn khi chúng ta đọc đúng từng chữ “có thực mới vực được đạo”. Thực ở đây mang hai nghĩa: thực tế và thực hành. Chúng ta có thể hiểu câu này mang nghĩa như sau:  có thực tế và có thực hành sâu sắc thì mới có thể vực dậy một con đường sống đúng. Vậy thì đâu là khía cạnh thực tế và đâu là cái đường lối đúng để thực hành một cái đạo nào đó? Vì hai cái “thực” này luôn đi chung nhau, có thực hành đúng thì mới có cái thực tế mang các hệ quả tốt xãy ra. Nói tổng quát, một người nào đi theo một lối sống nào đó, nếu anh ta thực hành đúng theo lời chỉ dẫn và có các kết quả thiết thực thì mới có thể giúp củng cố cho cái lối sống mà anh ta tôn thờ. Các kết quả tốt có thể liệt kê ra rất nhiều, từ khía cạnh thân tâm cho tới ảnh hưởng xã hội. Con người này sau khi theo đạo ấy thì dần dần trở nên mạnh khỏe, vui vẻ, yêu đời hơn. Anh ta ngày càng hòa đồng và có ích với mọi người hơn. Anh ta phải thấy rõ trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội và môi trường sống. Anh ta phải bắt tay gánh lấy trách nhiệm của một người sống tốt, trở thành một phần tử tốt, đóng một vai trò tốt trong cuộc đời này. Đó là cái “thực” mà ông bà ta muốn nói.

 Thực hành củng rất quan trọng, nếu một đạo mà chỉ toàn nói lý thuyết, thiếu thực hành hoặc vay mượn chắp vá rất khó mà đứng vững. Người theo đạo đó cũng phải biết thực hành đúng với những hướng dẫn. Người dẫn đạo cũng phải có đầy đủ kinh nghiệm nếu không sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề. Vì thực hành sai sẽ dẫn tới kết quả ngược lại, thay vì mang lại lợi ích cho cuộc đời, họ lại là những kẻ phá hoại. Thực hành đúng sẽ dẫn tới cái thực thấy, và từ cái thực quả này, sẽ giúp đạo của bạn vững mạnh.

 Tôi sẽ trích dẫn 1 câu chuyện Thiền, vì đa số bạn của tôi biết chuyện này. Một hôm Phật tổ bảo các đệ tử, ta sẽ giảng về cốt lõi của Pháp, và Ngài cầm 1 hoa sen đưa lên, im lặng. Câu chuyện này có nhiều ý nghĩa, nó là 1 câu chuyện thiền chứ không phải là chuyện thật, nhưng một trong các ý nghĩa của chuyện này nhấn mạnh rằng: Đạo pháp phải thực tế, thấy rõ ràng minh bạch và trong sáng đẹp đẽ như đóa hoa sen giơ lên để mọi người có thể thấy rõ,  không phải là huyền bí siêu hình. Mỗi người theo đạo phải cố gắng trở thành một đóa sen đẹp đẻ mọc cao lên khỏi bùn. Đây là khía cạnh thực tế của đạo Phật, thế mà ngày nay chúng ta cũng thờ cái truyện này nhưng lại chăm chỉ cúng bái, quỳ lạy đọc tụng mà quên mất mình phải thực hành những gì, phải mang lại những thực tế nào cho cuộc đời.

 Để kết thúc đề tài này, tôi xin nói về một vấn đề lớn trong đạo Phật. Có vẻ như người theo đạo Phật ngày nay không hề áp dụng cái trí khôn của tổ tiên vào trong đạo. Trong đạo Phật hiện nay không có cái “thực” nào cả. Không chú trọng thực hành, không có thực tế mà cũng không hề có cái ăn cho các tín đồ! Điều đáng buồn là hiện nay có rất nhiều quan lớn đổ tiền xây chùa hối lộ Phật, thế mà các phật tử quy y lại chả có gì là quyền lợi tối thiểu, chứ đừng nói là được dạy dỗ đúng đắn. Quý thầy thì kêu gọi cúng dường Tam Bảo, mà gom được tài vật thì các thầy không có chia xẻ ngược trở lại cho các con nhang đệ tử. Giáo lý giãng dạy thì chỉ có phóng sanh, tụng niệm và bố thí. Thí cho ai cũng được nhưng thí cho thày thì nhiều phước hơn, vì thế người ta đưa nhau làm hư quý thầy. Hễ có thầy nào kêu gọi thực hành lời Phật dạy, thiền định và làm việc xã hội thì liền bị chụp mũ và chống đối.

 Phật pháp ngày nay đã mất đi cái thực của nó, mọi người chỉ đua nhau cái ảo. Nào là phước báu hữu lậu vô lậu, nào là vãn sanh cực lạc sướng lắm. Khi dạy nhau thì chỉ toàn nói những thứ xa vời thực tế và siêu hình, đánh mất cái giá trị thiết thực vốn có, và trở thành 1 thứ tôn giáo xấu.

 Tôn giáo và chính trị có vài điểm chung, đó là luôn nói về tương lai, vẻ nên một viễn cảnh tốt đẹp SẼ XÃY RA, và hứa hẹn. Tôn giáo cũng như chính trị luôn bắt mọi người phải tin tưởng vào sự dẫn dắt của các vị lãnh đạo, tránh đề cập sự tự do cá nhân.

 Đạo Phật không phải là một tôn giáo ngay từ ngày lập đạo, và là một đạo rất thực tế. Đức Phật nhấn mạnh cái thực tại hiện tiền, chứ không nói về tương lai. Chỉ có cái Ở ĐÂY và BÂY GIỜ chứ không hứa hẹn một sự siêu thoát nào sau khi chết. Đức Phật cũng không bắt ai phải tin, hãy thực hành đúng và các kết quả tốt tự người ấy sẽ kiểm chứng ngay tức khắc, hoặc dần dần. Và hơn hết, Đức Phật luôn kêu gọi giải phóng mọi người khỏi mọi sự ràng buộc, đó là cái siêu tự do khi không còn bị nghiệp nào chi phối.

 Đó là Nguyên Thủy, thế còn hệ Phát Triển cũng rất hay và càng thực tế và xã hội hóa hơn khi giáo dục con người giác ngộ và sống hòa mình vào cộng đồng, xây dựng cuộc đời với những giá trị tốt đẹp tỏa sáng từ họ. Hơn nữa, hệ Đại Thừa còn dạy cách làm giàu từ việc tích lũy phước đức. Một người tu tập đúng sẽ chắc chắn dần dần có đầy đủ các điều kiện sống và đủ sức giúp đỡ những người khác. Các thiết lập cộng đồng của Đại Thừa rất hay, rất logic và cấp tiến hơn tất cả các thiết chế chính trị có thực nào.

 Đó là cái thực trong Phật giáo. Chỉ tiếc là chúng ta sợ cái thực mà thích cái ảo. Cho nên chúng ta “dzựt” không lại các tôn giáo khác.  Phật giáo chỉ còn cái vỏ với số lượng tín đồ và bản đồ ngày càng thu hẹp. Cũng vì chúng ta quá yếu. Yếu vì thiếu ăn, vì ăn thiếu nên yếu.

 Nhưng dù ai có dzựt mạnh cỡ nào, những con người nắm giữ cái thực của Phật giáo vẫn là những trụ cột vững chắc, chẳng ai có thể giật đổ được họ. Dù các bạn chưa có thể có đầy đủ cái thực, hãy tạo thành những vòng rào bảo vệ họ, vì đây chính là các điểm chính mà các tôn giáo khác sẽ đánh vào. Gió lay không đổ, người xô không ngã, nhưng bom đạn nổ thì vẫn nát bấy như tương.

 Nhắc lại lời của ông bà “các bạn hãy ăn cho có sức khỏe vào, để có thực mà vực được đạo”

September 15, 2012 at 2:23am

Viết một bình luận