Ảo ảnh ba chiều

Lâu lâu giở mấy tấm hình hồi nhỏ mình thích ra xem, thời mà báo Hoa Học Trò mỗi kỳ đăng mỗi tấm, thằng tôi cố tìm xem cho bằng được. Nhớ cái cảm giác lần đầu tiên phát hiện ra ảnh nổi, nó hét lên như Columbus tìm ra Châu Mỹ vậy! Thế rồi nó cũng chỉ trỏ mấy đứa bạn, đứa thì há hốc mồm, đứa thì nhăn mặt hoài nghi, mà chằng đứa nào thấy giống nó. Đó là hùi năm lớp 9, mà trước đó nó có đọc qua mấy quyển Vật Lý Vui của LXô cũ, nên nó hiểu cái quy luật của ảnh nổi, chẳng khó khăn gì khi nó điều tiết mắt để xem được ảnh nổi. Sau đó nó còn dùng tay tạo ra một cái ảnh nổi khác theo nguyên lý ấy. Bằng cách canh khoảng trống các ô giấy tập, nó tạo được tên nó bằng hình nổi.

 Cái nguyên lý ấy thật đơn giản: 2 mắt nhìn một ảnh 3 chiều sẽ cho ra 2 ảnh khác nhau bằng 2 mắt, bộ não sẽ tổng hợp 2 ảnh khác nhau ấy mà tái tạo lại một hình khối lập thể trong nhận thức. Nếu bịt một mắt lại thì không thể có ảnh nổi.

Cũng vậy, nếu 2 mắt cho cùng 1 ảnh giống nhau thì bộ não sẽ phân tích thành một bức ảnh phẳng chứ không phải vật thể 3 chiều.

Chúng ta có 2 con mắt nhìn về phía trước, nên là sinh vật có thể cảm nhận không gian có 3 chiều bằng mắt. Nhiều loài vật tuy có 2 mắt nhưng thị trường của chúng không giao nhau, nên chỉ có thể nhìn bằng mắt này hoặc mắt kia (vd con ruồi, con tắc kè,..), thế giới mà chúng cảm nhận được rất phẳng, y như chúng ta xem phim bằng TV thường vậy.

Vậy cái gì khiến cho một vật thể được tái lập lại 3 chiều trong não chúng ta? Xin trả lời là nhờ SỰ KHÁC NHAU có chút xíu giữa 2 ảnh mà 2 mắt nhìn được. Nếu sự khác biệt lớn, tức là vật ấy gần ta, nếu khác biệt ít, tức là vật ấy xa ta.

Thế là thằng tôi ứng dụng cái nguyên lý ấy trong học tập và nghiên cứu, từ đó đến nay.

 Với những người bạn học, họ chỉ cần 1 cách giải của Thầy là đủ, và họ cứ làm theo y chang. Thằng tôi thì tìm nhiều cách giải khác nhau, bởi vì có Thầy giải thế này, thầy thế kia và sách dạy cách khác nữa. Đứng ở giữa mà so sánh tôi thấy có cái khác nhau, có cái gần giống nhau, để rồi rút ra một nguyên tắc chung cho mỗi kiểu bài, đến nỗi chỉ cần nhìn bài toán là tôi có thể đoán biết kết quả gần đúng, còn việc viết bài giải chỉ là “hợp thức hóa” cái kết quả ấy mà thôi.

 Thằng tôi phải nghiệp, rơi vào môi trừơng nghệ thuật, nơi mà một tác phẩm có thể vừa bị khen nức nở và cũng vừa bị chê mạt sát. Với kinh nghiệm chập chững bước vào ngành, thằng tôi không khỏi bối rối như bước vào mê hồn trận: làm gì có điểm tựa nào để mà phân biệt Đúng và Sai, đành phải cố mà tìm cho hết mọi đánh giá nhìn nhận, để rồi gom hết lại mà phân tích, dùng nguyên lý “sự khác nhau” để mà tìm ra Cái Sự Thật.

Ra ngoài Xh, gặp vô số vấn đề đối nhau chan chát. Vd ở VN người ta dạy tôi rằng Bác Hồ là vĩ đại lắm, nhưng ra nước ngoài thì người ta chỉ ra vô số bằng chứng về một nhân vật “thật sự” hoàn toàn khác với cái tôi từng biết. Tin ai?

Ở trong nước, tôi luôn được nghe rằng nước ta rất thái bình thịnh trị, người dân rất hạnh phúc và tự do. Ra nước ngoài mới thấy rõ thế nào là tự do, thế nào là hạnh phúc. Và dĩ nhiên là có Cái Khác Biệt.

Đứng trên cái khác nhau ấy, thằng tôi như được nhìn bằng 2 con mắt, và tái lập lại một “ảo ảnh không gian 3 chiều”, ít ra cũng “thật” hơn là chỉ nhìn bằng 1 mắt.

 Tạo hóa sanh ra chúng ta có 2 con mắt, 2 cái tai, quả thật là hòan thiện. Bởi vì chính nhờ những khác nhau rất nhỏ ấy mà chúng ta phân biệt được vị trí trong không gian của vật thể. Nhờ 2 lỗ tai mà chúng ta biết được giá trị của âm thanh stereo 5.1, 7.1,..của hệ thống âm thanh nổi. nếu điếc hết 1 bên thì âm thanh dù có nổi đến đâu cũng chỉ là 1 loại âm mà thôi, chẳng thể biết được chính xác nó xuất phát từ đâu. 

Thằng tôi tìm hiểu Đạo, cũng vấp vào một mớ bòng bong. Ở trong 1 đạo tràng là cứ y như chỉ nghe thấy 1 kiểu: ca tụng thầy mình. Nhưng ra ngoài thì mới nghe người ta nói xấu thầy đủ thứ. Có khi mình nghe nói xấu trước, nhưng khi vào sâu tìm hiểu, đến gặp thầy ấy thì lại có một cái nhìn khác.

Nghiên cứu Phật pháp thì nếu ở trong môi trường Tịnh Độ sẽ chỉ toàn nghe thấy những lời khen ngợi, tán dương. Cũng vậy, ở Thiền, Mật,…Nhưng nếu đọc qua các sữ sách, các tham luận của những học giả Tây phương thì chúng ta lại có một cái nhìn khác nữa. Đọc Nikaya thì thấy thế này, nhưng đọc A-Hàm thì lại có một vài khác biệt rồi. Chính cái khác nhau ấy mới có giá trị, nó làm cho người đọc phải suy luận, phải tìm hiểu và phân tích.

Rồi đọc qua Veda, Yoga, Khí Công,…càng thấy cái giống, cái khác, cái vay mượn và cái được vay mượn. Để rồi có một cái nhìn tương đối hoàn chỉnh hơn.

 Nhưng nếu mà đọc nhiều mà thấy lặp đi lặp lại, không gì khác nhau, thì suy ra ngay rằng đó chỉ là một bức tranh phẳng, một phong cảnh giả.

 Một người bạn TQ, cứ mở miệng ra là ca ngợi tổ quốc của hắn. Tôi bảo anh ta nói cho tôi biết sau lưng anh ta có gì? Anh ta bảo “làm sao có thể nhìn thấy lưng? trừ khi nhìn qua kính”.

Tôi bảo anh ta đứng trong phòng mà mô tả ngoại thất căn nhà, anh ta cũng bó tay. Vậy thì anh ta cũng chỉ mới biết có 1 chút xíu về nước của a ta thôi. nếu muốn có một cái nhìn thực hơn, phải nhờ vào sự khác biệt của các luồng thông tin, nhưng TQ cấm điều này. Anh ta vẫn bác bỏ chuyện TQ chiếm Tây tạng, chuyện TQ giết người chống đối. Anh ta tự biến thành một thằng chột.

 Hãy thử làm một việc này, và bạn sẽ thấy người ta phản ứng như thế nào: bảo người ta thử một đức tin khác, hay tìm một cái nhìn khác về cái mà mình đang tin theo.

Nếu người ta quá khích, người ta có thể giết bạn đấy! Vì người ta chụp cho bạn nhiều cái tội rất khủng khiếp!

Hãy thử bảo một người theo Tịnh Độ thực tập Thiền, thực hành Mật pháp? Hoặc ngược lại. Dù là Phật pháp được biết dưới 3 tông lớn: Thiền Tịnh Mật, nhưng rất ít ai muốn thấy Phật Pháp một cách thực sự nhiều chiều.

Đa số thích thấy Phật pháp dưới cái nhìn của họ đã tin theo mà thôi.

 Cách nhìn “ảo ảnh 3 chiều” là nhìn xuyên ra đằng sau tấm hình.

Và cách nhìn ra sự thật qua 1 sự kiện cũng vậy: hãy nhìn xuyên ra đằng sau sự kiện ấy, và tìm thêm nhiều góc nhìn khác nữa nhé!

January 30, 2011 at 12:36am

Viết một bình luận