Kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng

Các bạn có bao giờ để ý là các hình chụp thường đẹp hơn cả cảnh thật hay không?

Cũng cái lá cái hoa đó, mà khi lên hình lại cực kỳ rực rỡ từ màu sắc tới ánh sáng mà chưa cần một chỉnh sửa PTS nào.

Đó là tài năng của các nghệ sỹ chụp ảnh, thể hiện qua bố cục và ý nghĩa bức ảnh, lẫn kỹ thuật chụp.

Tôi chẳng biết nhiều lắm về máy ảnh, chỉ có cái máy cùi tự động có thêm vài chức năng cho phép tăng độ bắt sáng và tốc độ chụp. Tuy vậy vẫn có thể chụp ra nhiều bức ảnh đơn giản mà đẹp. Các bạn có thể xem phần photos-albums để thấy mức độ “cháy” của bức hình chụp. Tôi thường lạm dụng kiến thức tam giác phơi sáng.

“Phơi sáng” là một kỹ thuật cơ bản xưa lắc, nó ứng dụng khả năng bắt sáng của phim, độ mở của cửa sổ và tốc độ đóng mở. Kết quả mong đợi là một bức ảnh sáng đẹp rực rỡ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Chỉ là những bông hoa cỏ dại, mà khi lên hình thì nó đẹp làm sao! Đó là cánh hoa trong mắt một nghệ sỹ.

Thế cảnh vật trong mắt một thiền sư, hay đơn giản chỉ là một người tỉnh thức chánh niệm thì thế nào?

Sự khác nhau cũng tương tự như cái hoa trong ảnh chụp máy tự động và cái hoa trong ảnh chụp của nghệ sỹ nhiếp ảnh vậy.

Một hành giả tu tập thiền định mà có chánh niệm tỉnh giác hay hơn nữa, thường có ánh mắt rất đặc biệt: đồng tử thường mở lớn, mắt đảo chậm nhưng chớp cực sắc. Họ để cho rất nhiều thông tin lọt vào mắt chỉ bằng một cái nhìn bình thường: chẳng những đối tượng mà còn bối cảnh xung quanh. Mắt họ nhận được một dãi rất rộng tần số ánh sáng, nên màu sắc của đối tượng rất nhiều và thực, kể cả hào quang bao quanh vật. Sự chứng ngộ càng sâu thì lượng thông tin nhận được càng lớn.

Giống như một cái máy ảnh cực tốt, những người đã tỉnh giác có bộ phận nghi hình rất nhạy, bắt nét và ánh sáng cực tốt. Thực ra nó cũng như bao con người khác có được, họ cũng có cấu tạo cơ thể như các bạn, nhưng họ có thể tinh chỉnh còn chúng ta chỉ là cái máy tự động, ai bị set thế nào chụp ra thế ấy. Ở những máy ảnh cơ, muốn bắt nét thì lấy ảnh cực nét, còn muốn lấy sáng thì ảnh cực kỳ rực rỡ lung linh.

Muốn có một tấm ảnh có chủ đề sắc nét vừa rực rỡ thì khẩu độ phải lớn và phim phải ăn sáng tốt, nhưng nếu vào tay bạn thì chắc chắn hình sẽ mờ vì tay rung. Tâm của người tỉnh thức khá tỉnh lặng, như tay của các nhiếp ảnh gia lão luyện, có thể chụp ảnh khẩu độ lớn trong tối, tốc độ chậm mà ảnh vẫn không mờ.

Khi nhìn một cảnh, bạn chưa kịp thấy đẹp thì đã bị lôi cuốn bởi rất nhiều sự kiện khác, rồi thì bạn chã nhớ vì chả lưu lại gì.

Với một người tỉnh thức, họ như máy ảnh tốc độ cao, bất cứ cảnh nào cũng được bấm lưu lại vào đúng thời khắc.

Nhìn một người, bạn chỉ thấy mặt, thấy áo quần của họ, nhưng khi bạn nhớ về họ thì rất chung chung.

Người tỉnh thức sẽ chẳng để ý khuôn mặt hay bề ngoài, họ tiếp nhận cả một cơn thác lũ thông tin về đối tượng: tâm lý, cảm xúc hiện tại, quá khứ và tương lai, khó khăn đang gặp phải, con đường họ đang đi,..

Tuy nhận được nhiều thông tin nhưng khi tập trung vào chỉ một diện nào đó thì cũng như máy ảnh có ống kính focus vào đúng một chỗ, ngoại cảnh mờ đi. Chổ được tập trung sẽ vô cùng rõ và thực.

Chúng ta chẳng có máy ảnh tốt, cũng chẳng tỉnh thức gì nhiều, nhưng đâu phải là hết cách?

Thằng tôi vẫn chụp được ảnh đẹp với cái máy cùn đó đấy thôi. Cứ chỉnh phim AV+2, khẩu độ max và tốc độ max, chụp và điều chỉnh theo từng loại cảnh vật và ánh sáng.

Muốn nhìn thấy cảnh đẹp được như thiền sư thì cũng thế: thở chậm, tĩnh tâm, mở to mắt ra để cho tất cả cung bậc của cuộc sống lọt vào, hãy can đảm nhìn vào chỗ tối và xấu nhất. Nhìn lâu và nhẹ nhàng đặt tâm vào đối tượng. Nếu ngồi thiền hàng giờ bên một thứ gì đó cũng tốt.

Và phải biết chỉnh focus: cái nào nhắm thì phải cho kỹ tới từng chi tiết nhỏ, cái nào không quan trọng thì để qua một bên.

Hãy mở rộng trái tim, cho tất cả cảm xúc lọt vào, đau khổ và hạnh phúc đều đón nhận.

Hãy mở rộng trí óc, đừng suy nghĩ theo một kiểu khuôn khổ nào, đừng để ai setup sẳn cho bạn.

08-12-13

Viết một bình luận