Đốt ngón tay cúng Phật

Trên đoạn Tỉnh Lộ 13 từ Lái Thiêu về phía Thủ Dầu Một, ai chạy ngang qua khu công nghiệp Việt-Sing nếu để ý bên trái sẽ thấy một cái gò đất đỏ lớn nổi cao lên. Người dân địa phương gọi đó là Gò Chùa hay Gò Mả, ngoài cái chùa hoang trên đỉnh nhìn ra là cả một vùng lố nhố những cái mả mới cũ đủ loại, từ kiểu đá ong thời xưa cho tới loại lát đá granite kể cả gạch bóng kính Đồng Tâm mới xây nằm chen chúc tranh giành nhau. Như một thường lệ, các chùa xưa cho phép chôn cất trong phạm vi đất trống, gọi là nép dưới bóng Từ Bi để nghe kinh kệ chuông mõ, cho nên đi chùa chỉ thấy có chữ Tử và Mộ. Dần dà người ta đánh đồng Phật giáo là nơi để người già dựa dẫm, như một câu cửa miệng thường nghe “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Có một con đường nhỏ ngoằng ngèo dẫn ngược từ sân chùa xuống ra tới lộ lớn, kết thúc bằng một cái cổng Tam Quan mục nát còn lại tấm bảng nhôm sơn “Sắc Tứ Thiền Tôn Tự”, che phía sau hàng chữ Hán Việt bằng đá loang lổ mà ngày nay người dân cũng không đọc được nghĩa gì. Nhà tạm cấp bốn mọc san sát con đường nhỏ, lấn vào cả sân chùa và những ngôi mả cũ vô chủ đã sụp mất hàng bia mộ, phần đông là tự lấn chiếm đất “chùa”. Trong nhà ai cũng có bàn thờ Thần Phật, Tây Tàu đủ loại mập ốm vàng son, nhang khói nghi ngút sáng chiều, cứ như một ngôi chùa nhỏ xíu. Trâu bò tự do vào ăn cỏ và đại tiện đầy mà chẳng có ai buồn quét dọn, chó mèo hoang kêu gào hàng đêm, trai gái chích choác cũng lấy đó làm điểm hẹn. Thỉnh thoảng cũng có một vị Thầy mở đường vào ở rồi vài ngày lại bỏ đi mất, không có lễ hội mà người dân cũng chẳng ai thèm vào chùa, dù là cầu xin số đề. Tượng Phật đã ố vàng tróc sơn chẳng nhìn ra mặt mũi, một góc mái tường phía Đông đã bị sập sau lần bão lớn, trơ ra các vị Alahan đen sì với đủ hình dạng tư thế dị hợm, nằm chỏng chơ cụt tay mất đầu. Nhiều chùa mới mở có tượng Phật cao to, kinh kệ dễ thuộc mà pháp tu được Hán hóa cũng đại chúng dễ làm, lại còn được cái khoản đãi ăn ngon và có lộc mang về. Còn nơi chùa hoang miếu lạnh, người thì chê, kẻ thì sợ, ai không tin ma quỷ thì tha hồ lấn chiếm. Người ta chỉ còn mong chờ cái núm đất ấy đến lúc bị quy hoạch giải tỏa rồi chia lô ra bán nền nhà, còn hơn là bị biến thành một cái nhà máy ồn ào ô nhiễm nào đấy.

Chùa mà có chữ “Sắc Tứ” ở đầu cái tên thì nghe rất oách, vì đó là chùa được Vua phong sắc, đại diện cho Phật giáo cả một vùng lớn. Những người già kể lại rằng, trước năm 1954 nơi này lớn lắm, nổi tiếng hơn cả hệ thống Chùa Bà Chùa Ông của người Hoa. Mỗi tháng vào Rằm hay Mồng Một cứ như là hội, khắp nơi người ta kéo về, thùng tiền công đức luôn đầy ắp, hoa quả tươi mới còn nhang khói không bao giờ tàn. Vị trí chùa nằm giữa chợ Tỉnh và chợ Huyện, cho nên thu hút được nhiều nguồn Phật Tử, tận trên xứ gò làm lò chén dĩa xuống tới khu miệt vườn trù phú. Dù là xa bệ rồng, thời Pháp thuộc chùa Thiền Tôn vẫn hoạt động rất quy cũ theo một hệ thống Giáo Hội xuyên suốt từ Nam ra Bắc. Các thầy Trụ Trì là những vị hòa thượng tôn túc có tuổi đời đạo sâu dầy và kiến thức rất rộng. Từ các trụ cột này mà các thầy đệ tử đều được tuyển lựa rất kỹ lưỡng, trình độ cùng ngoại hình, từ xuất thân cho tới lý tưởng rõ ràng vững chắc. Thời chiến dù có rất nhiều người xin đi tu để trốn lính nhưng chùa không nhận bừa bãi, người trong vùng muốn xuất gia phải hội đủ nhiều điều kiện gia đình cho tới học vấn. Giới luật là nền tãng của lòng tin, các chú tiểu cho tới tăng sinh tỳ kheo trong chùa, hễ sơ suất đều bị trừng phạt rất nghiêm minh – cũng là để giữ gìn uy tín cho chùa và sự tin kính của Phật tử trong vùng. Được là một vị Thầy tu học trong chùa này là phước đức lớn mà biết bao người hằng mơ ước.

Sau năm 54, tình hình chính trị biến đổi xấu dần lên tôn giáo, nhất là các chùa trong Nam. Không khí u ám của sự khủng bố và phá hoại Phật giáo bao trùm cùng khắp, đẩy các tu sỹ vào cái thế phải hành động. Các chùa bắt đầu đấu tranh theo kiểu “bất bạo động” nhằm đánh động sự quan tâm của quần chúng. Kinh Pháp Hoa có phẩm Dược Vương viết về cái gọi là “đốt thân mình cúng Phật”, các tỳ kheo đã hiến thân cho Phật pháp thì cũng đâu còn gì là của mình, đốt cả thân thì chưa dám nhưng một ngón tay há chẳng làm được? Thế là các trong thời bị chèn ép khủng bố, các thầy thường thực hiện các buổi lễ trước sự chứng kiến của chư Tôn Đức và Phật tử, đốt một ngón tay và dùng định lực để chịu đựng – gọi là lễ “cúng dường Phật”. Ngoài ý nghĩa tôn giáo, buổi lễ còn mang nghĩa đấu tranh: sự đau khổ trước cảnh đạo pháp đang bị đàn áp thì có thấm gì với nổi đau của một ngón tay trên ngọn nến đang cháy. Các thầy đã từng đốt tay cúng Phật thường được mọi người kính ngưỡng, được sắc phong Bồ Tát. Thế rồi từ đó cũng có nhiều thầy cũng bày trò đốt tay để được trọng vọng, gọi là “thí chốt đổi xa”, hoặc xem đó như một nghi thức tôn giáo bắt buộc. Chùa Thiền Tôn ngày ấy cũng có nhiều Sư hủy hoại thân mình để phản đối chuyện bắt bớ giam cầm của chế độ Công giáo – mất tính dân tộc. Một khi linh hồn đã bán mất cho một “nước Chúa Trời” nào đó xa tít ở Israel thì còn chổ nào cho nước Việt của cho ông nữa – linh hồn của người lãnh đạo đã giành cho một giai cấp khác, một “sứ mệnh” to tát hơn là tương lai đất nước. Họ điều hành đất nước theo mệnh lệnh từ xa lắc, theo một nguyên tắc cai trị cực kỳ ngu si, chỉ có lợi cho số ít, bỏ rơi người dân trong chiến tranh loạn lạc. Từ trên xuống dưới, kẻ thì vì riêng tư gia đình lạy giặc làm cha, kẻ thì bòn rút rồi quay ra giết hại người giỏi hơn, đày họ ra các vùng chiến sự chết chóc để bản thân ăn hưởng. Bọn “theo đóm ăn tàn” lại dùng thủ đoạn vu khống để bắt bớ và chiếm đoạt, buộc người dân cùng khổ phải hiến dâng cho chúng đến miếng cuối cùng. Cả xã hội loạn lạc từ trong vùng nội thành không tiếng súng đạn, mục rỗng từ gốc. Biết rằng tu hành là phải theo con đường lìa gia xuất thế, nhưng đã sinh ra làm dân Việt thì phải theo nghiệp chung của đất nước, dù đã thay tên đổi họ thề không vướng lụy bụi trần.

Chú tiểu Từ Tâm được nhận vào chùa trong một trường hợp ngẫu nhiên, do duyên định. Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Thành, chú được dạy dỗ căn cơ từ bé để rồi vừa hiểu biết tí đã phải chứng kiến cảnh cha mẹ ông bà đều bị thanh trừng trong đấu tố. Hình ảnh cả nhà bị chôn sống nhú đầu lên rồi thì con trâu xéo qua dẫm nát, tiếng la hét oan ức căm hận của người bị chết “cho đủ chỉ tiêu” lẫn tiếng đám đông tàn ác đã găm sâu vào tâm hồn đứa bé còn hơn cả lưỡi cày đã cắt qua cổ cha mẹ chú – nó trở nên câm điếc vô hại, ai cho thì ăn, bảo gì làm nấy. Thằng bé dật dờ sống như người mất hồn, trôi theo những người họ hàng vượt vĩ tuyến vô Nam, vào tới Bến Cát rồi không hiểu duyên số gì được dẫn tới chùa Thiền Tôn để nhờ các Thầy chữa bệnh. Thầy trụ trì bảo rằng có thuốc đấy, nhưng phải để nó lại vài ngày xem hiệu quả thế nào – chỉ có tình thương mới hóa giải nổi mối hận thù sâu dày này. Thằng bé dần khỏe lại rồi không muốn về nữa, mà về đâu bây giờ, nhà đâu mà về? Thế là chú được đặt pháp danh mới, cạo tóc làm Sadi trong chùa mà vẫn được đi học trường đời như bao đứa trẻ khác.

Chú Từ Tâm chỉ được chút sáng dạ chứ cũng không học giỏi, ngoài giờ ở trường chú phải lo tất cả các việc trong chùa, phải học Kinh rồi đọc tụng như một chú Tiểu bình thường khác. Nhờ thông minh nên cũng vẹn được đôi bề, đậu các Tú Tài và cũng chuẩn bị làm Tỳ Kheo – sao bao năm trong chùa, chú cũng trưởng thành rồi. Buổi lễ thọ giới Bồ Tát diễn ra long trọng, sau phần truyền giới, y bát,..là cái chuyện mà chú sợ nhất: đốt “liều”, 6 cái chấm hương trên đầu. Chú cắn răng chịu đựng cái nóng cháy phỏng ăn sâu từng chút sâu xuống xương sọ mà mồ hôi nhỏ xuống cùng nước mắt, mà đó cũng chỉ là cái đau ngoài da thôi. Đây không phải là lần đầu tiên chú phải chịu đau, khi mà nội tâm đã bị tổn thương trầm trọng sau cái lần chả gia đình bị thảm sát, thì chú vẫn thỉnh thoảng bị phạt trượng vì phạm các nội quy và giới cấm của Thiền môn. Chú cũng hiểu ra đây cũng chỉ là một sự khởi đầu, một sự chuẩn bị cho những nổi đau khổ da thịt và tâm can còn khủng khiếp hơn mà trong đời một vị tu hành phải đón nhận trong hoan hỉ. Nhớ lại các pháp thiền định buông xả theo hơi thở, chú tỳ kheo trẻ thả lỏng từng thớ thịt trên khuôn mặt, chú tâm vào hơi thở ra vào rồi cũng thấy rõ cơn đau hơn. Chuông trống dọng từng hồi đón một Tỳ Kheo mới vào con đường Bồ Tát hạnh, khi cái đau của chuyện đốt thân tạm bợ cúng dường cho Đạo Pháp còn thiêu đốt da đầu thì người Thầy mới bổng giác ngộ ra con đường còn dài phía trước. Rằng mục đích của cuộc đời đâu phải là chuyện ăn thua sòng phẳng, mà còn biết bao nhiêu chuyện ẩn giấu phía sau bức màn tương lai. Cha mẹ người thân chú chết rồi đâu thể sống lại, biết bao con người bị khổ ách bởi luật Vay Trả, họ làm mà có biết gì đâu – cái Ác mới thật sự là đạo diễn đằng sau mọi chuyện. Đấu tố để trả thù giai cấp chứ thực ra là cướp của giết người viện chánh nghĩa, kẻ ác khởi xướng còn đám gian nịnh theo sao, cuối cùng thì cũng chỉ là nghiệp báo – rồi con tạo xoay vần, trốn đâu cho khỏi. Người ta cướp chùa đánh Tăng Ni đâu có vui sướng gì, chỉ là bị xúi giục bởi Danh Lợi, bán linh hồn và niềm tin của dân tộc cho Quỷ Dữ. Phật pháp có còn hay mất đâu phải bởi chuyện bị hiếp đáp và tiêu diệt, cũng đâu cần phải đốt tay đốt người phản đối, người cháy rồi thì còn ai để mà đi hoằng pháp. Trãi qua mấy cuộc bể dâu thì đất nước này cần nhất là người có tài có tâm để xây dựng lại, chứ cần chi cái vẻ bề ngoài “dám đốt thân cúng dường Phật”. Vị Thầy trẻ miên man suy nghĩ bất động, mặc cho 6 nén hương cháy khét da đầu mà không lộ cảm xúc gì đau đớn hết, nét mặt vẫn an nhiên bình thản. Trước sự chứng kiến của đông đảo Phật tử và các vị trưởng bối trong Đạo, định lực an tĩnh của vị thầy trẻ đã củng cố niềm tin của quần chúng vào Phật pháp và uy tín ngôi chùa.

Rồi theo thời cuộc, chùa Thiền Tôn mấy lần bị bắt bớ bao vây, nhiều thầy bị chết trong đấu tranh hoặc bắt đi mất còn lại chưa tới chục người. Chuyện Phật sự cũng không còn đều đặn vì người dân phải lo cho thời chiến, những lần lễ hội cũng thưa thớt dần, lớp thì sợ liên lụy, lớp thì lo bị gài bom mìn khủng bố. Tuy ở vùng tỉnh lẻ nhưng cũng sát nách Sài Gòn, vị trí của chùa cũng nằm trên trục giao thông chính, ảnh hưởng cả hai vùng dân cư lớn, nên rất thường xuyên được và bị quan tâm. Chùa cần thêm nhân lực nên có thêm các Thầy mới đến bổ sung từ các chùa khác, họ là những thành phần khác nhau từ hai phía, vào chùa có mục đích riêng, sự tuyển lựa trong thời khó cũng được giãn lược đi bớt. Đa số là những vị thầy xuất gia vội, chưa có nhiều tuổi đạo, những người cạo đầu giả tu, cũng ăn chay và thuộc vài bài kinh căn bản, nhưng vẫn lén trốn ra ngoài để “giải quyết nhu cầu” và làm công tác bí mật. Vị trí của thầy Trụ Trì ngày càng mờ nhạt vì lên tiếng nói kêu gọi nhẫn nhịn – trong thời chiến thì ai chủ hòa là kẻ thù của hai chiến tuyến, họ đều có mặt trong chùa và sẳng sàng thủ tiêu Thầy để chiếm căn cứ. Sự nổi bật lên một vị thầy trẻ đầy triển vọng tiến Đạo trở nên là chướng ngại từ hai phía – bên nào cũng bí mật dò hỏi “chính kiến” để dễ bề ra tay phủ đầu. Vài thầy khuyên bảo chú Từ Tâm nên có những hành động quyết liệt để bảo vệ Phật Pháp, tận dụng sự tu tập bấy lâu nay: phải xuống đường đấu tranh, phải đốt tay, hoặc mạnh mẽ hơn là tự thiêu cúng dường Chư Phật. Đó là sự báo đền ân đức của chư Tổ, đã đi vào con đường tu hạnh thì thân mạng đâu còn là của mình nữa. Trong các hạnh Bồ Tát, bố thí cúng đường là đầu tiên và trên hết, đem thân mạng là thứ quý nhất ra mà bố thí là việc làm chỉ có bậc chân tu đắc đạo mới dám hành. Càng có nhiều tăng sỹ đấu tranh tự thiêu thì báo chí sẽ có cái để mà kêu gọi, rồi cộng đồng Thế Giới sẽ lên án và làm áp lực lên nhà cầm quyền, đó là cách hy sinh vì dân tộc và Đạo Pháp. Thầy Từ Tâm vẫn ngần ngừ chưa quyết, nhiều vị cao tăng đã ngã xuống rồi, nhưng vì Phật pháp giác ngộ hay do Vô Minh sân hận để rồi bị lợi dụng?

Không tới phiên thầy Từ Tâm quyết định, người ra đã gài sẵn cái thế, xăng và các sự kiện đã sẳng sàng chỉ chờ thời cơ chín muồi. Chỉ cần có một vị tăng nào đó bị đàn áp chết, là các vị “che casa nằm vùng” sẽ dấy động lên một làn sóng biểu tình phản đối, rồi dẫn tới xô xát và thế nào cũng có oan ức sâu nặng thêm. Oán thù chồng chất thì đấu tranh bất bạo động sẽ dẫn tới đường cùng là tự thiêu để đánh động lòng trắc ẩn của người ngoài cuộc. Trong một dịp đám tang, có vài côn đồ cầm gậy nhãy vào đánh đoàn Tăng Ni, buộc các thầy phải tự vệ rồi chỉ chờ có thế, cảnh sát ở đâu có sẵn ập tới bắt hết. Bị bỏ đói và đánh đập mấy ngày trời mới thả về, nhiều vị phải đi nhà thương cấp cứu vì quá nguy kịch cho tính mạng, dù cho có nhiều vị thầy lớn tuổi can ngăn nhưng trong chùa vẫn dấy lên một làn sóng phản ứng. Nhiều thầy quyết định đốt một ngón tay trước sự chứng kiến của người dân, loan truyền rộng rãi để báo đài đều biết – nhất là hình ảnh một vị thầy trẻ tuổi nhập định bình thản trước cơn đau sẽ đánh động con tim những người sắc đá nhất. Mọi việc đã sắp xếp đâu ra đó thì tới ngày cuối cùng thầy Từ Tâm từ chối không tham dự. Chẳng những thế, thầy còn ra sức kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, định lực của Phật đâu phải để đem ra chịu đựng cái đau ngoài da thịt, đó chỉ là tà định. Với sự ủng hộ của trụ trì, thầy Từ Tâm nhấn mạnh chí hướng nhẫn nhịn để bảo tồn Phật pháp, không nên manh động để bị tiêu diệt.

Các Thầy bắt đầu lan truyền tin đồn rằng thầy Từ Tâm vì sợ đau đớn nên đã bỏ cuộc, thầy đã không còn định lực nữa. Nhiều Phật tử còn khẳng định đã nhìn thấy chính thầy Từ Tâm đội nón ra ngồi quán nhậu khuya với nhiều người lạ mặt, bị nghi ngờ là nội gián trong chùa cho “phe kia”. Người ta nghi ngờ xuất thân của thầy từ “miền ngoài cài vào” có ý đồ phá hoại, rằng chuyện gia đình thảm sát chỉ là bịa đặt để lấy lòng tin của thầy trụ trì. Uy tín của vị thầy trẻ cứ bị hạ dần, bất cứ cử động nào cũng bị cho là sai giới luật, thế mà thầy Từ Tâm vẫn nhẫn nhịn im lặng. Một buổi trưa nọ, ở đâu xuất hiện một cô gái điếm bụng to chửa đến chùa tìm đúng tên thầy Từ Tâm, cô ta kể ra vanh vách các vết kín trên thân thể của “chàng trai” mà người đời gọi là thầy – với giọng chanh chua oan nghiệt. Người đàn bà ấy còn nhấn mạnh đấy là đứa con hoang của thằng trọc vô trách nhiệm ấy, người đã thề non hẹn biển về một tương lai trốn chùa cùng cô ta cao bay xa chạy xây dựng tổ uyên ương. Cùng lúc đó, khi thầy Từ Tâm bị điều trình lên chánh điện thì người ta cũng tìm thấy dưới giường riêng một gói tiền – bị cho là lấy từ thùng phước sương, trùng hợp với ý định bỏ trốn. Với những bằng chứng không thể chối cãi, đi cùng với sự bất mãn của Phật tử, ban Trị Sự quyết định tẩn xuất thầy Từ Tâm ra khỏi chùa. Một cuộc chia tay không kèn trống, lẳng lặng trong tủi nhục nặng nề, tối đó chú Từ Tâm khóc quỳ bên thầy Trụ Trì trong phòng. Vị thầy già lặng lẽ gật đầu rồi lục ở một góc kín ra cái gói nhỏ, thầy trao hết cho người đệ tử sắp bước qua một ngả rẽ khác của cuộc đời. Trời mờ sáng, tiễn trò ra cửa sau, thầy trụ trì nói:

  • Cửa chùa luôn từ bi rộng mở nhưng từ nay con khó lòng mà về qua cổng chính được nữa rồi. Cánh cửa này thầy không bao giờ đóng lại với con…

  • Lạy thầy con đi…

Người thầy bị buộc hoàn tục ấy cũng không giở vội ra xem, anh ta ra đi ngay khi trời còn tối, khi không còn nơi nào để trở về thì mọi con đường đều sáng. Gói vải ấy có ghi rõ “của thầy Thích Từ Tâm”, bên trong chỉ vỏn vẹn 3 thứ: tấm hình chụp ngày thầy thọ giới Bồ Tát, một cuốn kinh cũ nát có lẽ là vật truyền đời của thầy trụ trì, dưới cùng là một phong bì cũ nhét đầy đủ loại giấy bạc chẳn lẽ – là tiền cúng đường ít ỏi của Phật tử trong thời khó khăn mà vị trụ trì đã bí mật gom lại. Thầy Từ Tâm không một lần nào quay lại cánh cửa luôn bỏ ngỏ kia, thầy lấy lại tên đời trên giấy căn cước rồi đi học cơ khí sửa chữa máy, sau đó xin vào làm trên tàu Mỹ rồi tranh thủ vượt biên trước khi cuộc chiến còn chưa kết thúc. Khi phe Phật Giáo đấu tranh thắng lợi ít lâu thì trong một lần đi cầu siêu ở xa, cả chùa bị phục kích giết gọn – chỉ trừ một số ít biết trước. Chùa Thiền Tôn trở thành một nơi hoạt động cách mạng tôn giáo bí mật che giấu cán bộ giải phóng. Cửa chùa khép lại im ỉm từ đó với một vết nhơ hằn sâu trong lòng mọi người.

Sau chiến tranh chùa bị thiệt hại nặng nề, bom đạn phá nát một phần chánh điện và những ngọn tháp, không có tiền sửa sang nên cứ bỏ ngõ. Sau chiến tranh là một thời gian mấy chục năm đen tối trong bao cấp và ngăn sông cấm chợ, tới cục gạch xây nhà còn không có thì ai lại còn tâm trí mà đóng góp cho chùa. Nhưng chủ nghĩa Vô Thần mới là kẻ phá hoại đáng sợ nhất, các chùa chiền đều bị giải thể và “hợp tác xã hóa”. Gọi là sung vào của công nhưng thực chất là vào nhà các ông lớn, vì kẻ có quyền chia phần đâu dại gì mà phân phát đồng đều. Các thầy dù “có công” nhưng mà “chim dữ chết thì ná cũng treo lên”, họ bị bắt học tập cải tạo rồi đi đâu mất hết. Những gì quý giá trong chùa đều bị tháo dở và chở đi đâu không ai biết, các cánh cửa bằng gỗ đặc chạm trổ, các bình phong quý giá, cho tới hàng cột gỗ lim chạm rồng phụng cũng bị nhổ mất. Bọn trộm vặt đến sau, chúng vơ vét các món bằng đồng thau, rồi tới sắt vụn cũng không từ. Vì tôn giáo bị cấm nên chẳng có thầy nào trụ trì, rồi do nhu cầu cúng kiến tụng niệm, cũng có một thầy tụng đến ở tạm – gọi là giữ chùa. Người ta chẳng rõ ông thầy này là tỳ kheo hay đã thọ giới gì, chỉ cần đám ma có người tụng kinh là đủ rồi, thế là trở thành vua một cõi. Ông thầy mới bày ra đủ thứ chuyện cúng bái, đủ loại nghi thức rườm rà, chủ yếu để moi tiền khổ chủ. Giàu lên thì cũng có người đến ở chung trong chùa, gọi là bà Vải, chuyện thầy chùa có vợ cũng dần dần trở nên quen mắt và bình thường đối với người dân, còn biết bao nhiêu điều khủng khiếp hơn đang xãy ra trong cái xã hội này. Người ta gọi đó là “thầy tụng” vì chỉ chuyên đi đọc tụng kinh hoặc niệm Phật cầu siêu, và rồi người ta xem Tăng Ni chính thống Phật giáo với một thầy tụng cũng không có gì khác nhau, đều là “thầy chùa” một mớ. Chẳng cần phải khủng bố bắt bớ mà Phật Giáo tự động suy tàn vô phương chống cự. Rồi thì cũng có thời đổi mới, Giáo Hội mới quan tâm đổ tiền vào chắp vá lại, cho vài Thầy xuống ở nhưng chả có ma nào thăm hỏi nên rồi cũng bỏ bê dần. Chùa Thiền Tôn trở thành hoang phế từ trong ra ngoài, cho tới ngày nay.

Nhưng đất chùa vẫn thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội, kể cả phạm vi mấy chục mẫu đất trước sau gò mả, người dân xây dựng không phép chỉ có mua bán bằng giấy tay chứ chẳng có ai cấp sổ đỏ sổ hồng gì cả. Luật pháp đã quy định rằng không có gì thuộc quyền tư hữu, mọi thứ đều là của nhà nước, người dân chỉ có quyền sữ dụng hoặc sang nhượng lại cái quyền ấy cho người khác. Trước đà công nghiệp phát triển, đất đai hóa thành vàng, vị trí trên gò cao rất lý tưởng cho một khu công nghiệp nên có rất nhiều nhà đầu tư ngỏ lời. Vì đất không thuộc quyền sở hữu của dân nên chuyện mua bán không đến lượt dân quyết định, kể cả những người sống ngoài phạm vi chùa có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Một ngày đẹp trời nọ, người dân thấy xuất hiện một tấm bảng to đùng: Dự Án Xưởng Ép Vỏ Xe Nhật. Toàn bộ những hộ xây cất trái phép trên đất chùa lẫn thửa đất mặt tiền ngoài lộ lớn cũng bị giải tỏa, ai có giấy tờ thì được đền bù với giá đất nông nghiệp, một mét vuông đủ mua vài gói xôi. Lệnh cấp trên đưa ra được giải quyết chóng vánh, xe ủi đất và đội san lấp kéo tới đúng ngày, được hộ tống bởi lực lượng công an để cưỡng chế những ai còn cố tình ở lại. Những kẻ không đi được nữa, đã nằm sâu dưới đất cũng bị xe gàu xúc đầu lên đem đi đổ nơi khác, phần lớn các mả mới đã được thân nhân di dời – các nấm mộ vô danh bị san lấp không thương tiếc. Chỉ trong vài ngày, cả khu gò Chùa chỉ còn trơ lại ngôi cổ tự đổ nát chơ vơ giữa đồi vắng, Ban Dự Án còn phải chờ quyết định của phía Nhà Đầu Tư, xem họ có muốn bảo tồn di tích lịch sữ hay có giải pháp nào khác. Bản đồ quy hoạch đã được dựng vẽ lên chỉ toàn là các khu xưỡng sản xuất hiện đại, làm gì có chổ nào cho một ngôi chùa xưa. Chính quyền “đại diện cho nhân dân” đã không quý tiếc gì, ra lệnh tháo dỡ cho nhanh để giao đất lấy tiền, nhưng lương tâm của những người làm kinh doanh lớn mách bảo họ rằng phải biết tôn trọng những giá trị tâm linh, hồn dân tộc – dù là ở xứ làm mướn. Thế rồi một tấm bảng khác được dựng lên, cho phép người dân trong vùng tự giải quyết hay di dời ngôi chùa trong vòng một tháng trước khi bị san lấp hoàn toàn. Đó là hạn chót để nhiều ông bà cụ trong vùng đến hành hương cúng bái, tưởng nhớ ngôi chùa lần chót trước khi vĩnh viễn chia tay một di tích lịch sữ đã tồn tại hàng mấy thế hệ.

Khi người dân làm vườn vùng dưới chuẩn bị lo lắng cho cây cối sắp bị ô nhiễm bởi nước thải từ các nhà máy sắp xây trên Gò Chùa, ngày nọ dừng lại một chiếc Taxi, bước xuống một thanh niên to khỏe áo quần lịch sự. Anh đọc một lượt các bảng thông báo rồi ghi chép lại, sau đó lên xe đi mất. Vài hôm sau cũng người đàn ông ấy dắt xe đạp chở vali đường hoàng đi từ cổng lộ và chùa bắt đầu dọn dẹp cho một nơi cư ngụ mới. Con người ấy trạc chừng 30 tuổi, nhìn rắn chắc cao to với nước da trắng sáng, nói năng chậm rãi giọng người Việt sinh đẻ ở nước ngoài. Tấm bảng hạn chót đập phá chùa được gia hạn lên 3 tháng nữa, người dân đồn đại rằng anh ta đã thuyết phục với Giám Đốc Dự Án để dời lại ngày tháo dỡ trong thời gian chờ thương lượng. Thế rồi nhiều tuần lễ sau đó chùa bắt đầu tấp nập các lao động chân tay: dẫy cỏ, dựng chống lại tường rào, che tạm mái tôn,..cho tới điện nước tạm thời cũng được kéo vào. Người chủ mới cứ thường xuyên phải đi đến một khu công nghiệp lớn để họp với ban Điều Hành dự án, thương lượng giá cả và cách thức chi trả. Mua lại hết khu đất dự án là một món tiền khổng lồ, dù chỉ là sang nhượng quyền sử dụng trong một thời gian chứ không phải là mua đứt sở hữu. Vì phải vay mượn và chờ bán tài sản bên Mỹ nên việc bàn giao chỉ có thể theo dạng từng hạng mục, nhưng anh ta có thể chứng minh tài chính đủ tin cậy qua khả năng chi trả các khoản “đặt cọc” không hoàn lại. Sống ở chùa đơn giãn áo thun xe đạp, thế mà khi ngồi vào bàn họp thì là một thương gia đỉnh đạc kinh nghiệm, chững chạc trong ăn nói, đưa rước bằng xe taxi. Tài hùng biện và thuyết phục của chàng thanh niên nói nhiều thứ tiếng không cần phiên dịch cộng thêm trình độ chuyên môn cao khiến cho các Giám Đốc phải suy nghĩ lại, họ phải gọi điện cho Tổng Giám Đốc bên Nhật sang để quyết định. Đó là một sự kiện lạ trước nay hiếm thấy ở một đất nước mà tiền bạc đi liền với quyền lực và mạng sống.

Chùa được cải tạo tạm thời, chỉ có một người đàn ông “bình thường” sống đạm bạc trong ấy. Các tượng xưa được dựng lên, bát hương bằng đất sứt mẻ bắt đầu ấm lại, bình hoa và dĩa quả đã cũ nứt chẳng ai thèm lấy, thế mà cũng được mang lên bàn thờ trang nghiêm. Người dân trong vùng cũng tò mò ghé thăm, trò chuyện rồi có cảm tình với ông “thầy chùa áo thun” ngọng nghịu ấy. Thỉnh thoảng phía Dự Án cũng ghé sang chùa uống trà dùng bữa trưa rau dưa với ông thày còn tóc, chủ yếu là trò chuyện thời sự kinh tế thế giới – mới biết người đàn ông trẻ kia cũng có mảnh bằng rất cao ở một trường danh giá nước Mỹ. Các tay có chức vụ lớn ấy đều có trình độ cao, làm ăn xa xứ buồn tẻ, tìm được người nói chuyện không cần thông dịch lại đồng cảm nên sinh ra mến nhau, chuyện đời chuyện đạo cứ trôi qua theo chén trà nhạt.

  • Thế anh sẽ làm gì khi mua lại ngôi chùa này?

  • Tôi sẽ xây dựng và mở mang nó trở thành một nơi rộng lớn, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho người dân trong vùng, nhưng hiện tại thì chưa đâu.

  • Anh cần phải có Sư, chùa không có Thầy thì đâu phải là Chùa!

  • Thì tôi cũng là Sư từ bé đấy thôi..

  • Nói không thì ai mà tin, anh cần chứng minh cụ thể!

Người đàn ông cúi đầu xuống, vạch phần tóc trên trán lộ rõ ra 6 vết hương, đó là bằng chứng hiển hiện nhất. Hôm sau anh ta cạo tóc và đi đến Ban Tôn Giáo làm việc, để cho danh chính ngôn thuận. Anh có đủ các giấy tờ xác nhận đã quy y, thọ giới, nhưng con dấu và chữ ký của thầy Bổn Sư không nằm trong Giáo Hội hiện hành, thế là lại phải đưa ra một phong thư khác, trong đó có mộc và chữ ký đảm bảo của một người nổi tiếng ở Mỹ: ngài Washington. Có cái giấy ấy thì chuyện gì cũng trót lọt, thầy Tâm Đạo chính thức mặc áo nâu, chùa Thiền Tôn lại được dựng dậy. Có thầy, người dân trong vùng mới đến nhờ đọc tụng cúng bái cầu siêu, thầy đều nhận lời nhưng cách thức làm có khác chút. Cũng tụng ngân nga nhưng sau đó thầy nán lại giải thích ý nghĩa bài kinh cho mọi người được rõ, để người sống được thông thì người chết mới siêu. Nhà ai sắp có tang sự gọi là thầy tới ngay, ở bên cạnh trấn an người chết cho tới lúc yên nghĩ, rồi cùng người nhà lo hậu sự gọn gàng ít nghi thức rườm rà. Thầy không đòi công, chỉ ước mong mọi người đến chung tay xây dựng lại ngôi chùa. Rõ ràng, người dám bỏ bạc tỉ ra mua lại ngôi chùa thì đâu phải là một “thứ bình thường” đến tụng kinh vòi tiền cúng điếu, thầy này phải giàu và có nhiều đại gia ủng hộ lắm! Người ta bắt đầu biết đến chùa với cảm tình hoan hỉ không úy kị, ngày Rằm hay Mồng Một lên chùa cúng kiến đơn giãn, cùng nhau ăn rồi dọn dẹp với Thầy – người dân thấy rõ cái ấm áp của tình thương chứ không hề cảm nhận chút thần thánh xa cách nào. Người đời sợ kẻ giả mạo thầy tu, lừa đảo cúng dường đến mức cảnh giác cả với hạng chân tu nghèo khổ, cái vẻ sang trọng của vị thầy mới đến đã giúp họ phá tan mặc cảm, xem chùa như nhà mình. Rồi tới cái thời hạn 3 tháng kia cũng sắp hết, rồi đây nơi này cũng sẽ bị đập nát, thầy Tâm Đạo sẽ về đâu?

Thời hạn quyết định kia cũng đến, ngày ký kết bàn giao đã gần kề, người có quyền nhất cũng bay sang giải quyết. Ông Tổng cũng còn trẻ lắm, chỉ ngoài 40 nhưng đã nắm trong tay cơ nghiệp bạc tỉ bởi những quyết định thành công táo bạo. Tuy đang bận rộn giải quyết một vấn đề cực kỳ hệ trọng liên quan đến vận mệnh cả tập đoàn nhưng ông chủ cũng tranh thủ thời gian bay sang chơi, xem như là một kỳ nghỉ ngắn trước khi ra quyết định lớn. Là một người Nhật rất thâm trầm, ông GĐ không cần phải ngồi vào bàn đàm phán gấp, mà hẹn một cuộc gặp gỡ xã giao bình thường: một bữa cơm chay ở chùa. Như người Việt thường nói, bàn ăn là nơi có thể nói đủ thứ chuyện trên đời, nhưng thầy Tâm Đạo đối đáp rất tự nhiên, vừa thể hiện quan điểm cả đời lẫn đạo. Nói ít nhưng nhiều nghĩa, luôn ở vị trí chủ nhà và đứng ngang hàng với đối tác, dù trên bàn chỉ có rau dưa nhưng theo phong cách đơn giãn và sang trọng cửa thiền không hề có chút gì kém cỏi quê mùa. Câu chuyện đi từ thăm hỏi xã giao đi tới những đề tài xã hội, buổi ăn qua rất nhanh, ấm trà thêm nước mấy lần mà câu chuyện vẫn chưa tàn. Lúc gần chia tay ra về, tay GĐ Nhật hỏi:

  • Tôi vẫn chưa quyết định vụ chuyển nhượng khu đất này, theo anh thì tôi nên làm gì để có một quyết định đúng đắn nhất?

  • Trước bất cứ vấn đề nào, ông cũng nên tĩnh tâm lắng đọng các cảm xúc lại thì quyết định sẽ sáng suốt hơn.

  • Tôi cũng thích Zen lắm nhưng không có nhiều thời gian. Anh biết đấy, tôi là doanh nhân, không phải thiền sư…

Thầy Tâm Đạo chẳng nói gì, chỉ yên lặng rót đầy chén trà rồi đưa cho đối tác, xem như tiễn khách. Tay GĐ tới Cty giải quyết một số chuyện lặt vặt rồi về khách sạn nghỉ ngơi, cũng chiều tối rồi. Vắt tay lên trán, ông ta nhớ lại các câu chuyện phiếm hồi ban nãy rồi tự cười với mình: người như ông mà lại vào trong cái đống đổ nát ấy, ăn rau cỏ và uống thứ trà hạng bét với một tay chẳng ra ông chủ chả phải thiền sư. Thế mà ông lại ngồi ở đấy suốt cả buổi trưa tới chiều cười nói rôm rã như chưa bao giờ được thoải mái như thế. Thôi cũng coi như là giải trí lành mạnh, người bình thường há chẳng đi quán trà ngồi tán dóc đấy sao, được người trò chuyện ngang trình độ với mình thì quả là thích thú. Quay lại mấy chuyện rắc rối đang vướng phải, càng suy nghĩ ông càng nhớ lại những câu nói tưởng chừng bâng quơ của tay thầy chùa nát kia, thế mà ông lại sáng tỏ vấn đề, càng liên hệ càng cảm thấy rùng mình. Thì ra những quyết định trí tuệ luôn xuất phát từ một nội tâm trống rỗng ít phiền não, tại sao cái người cần sáng suốt như mình – đầu não của cả một tập đoàn công nghiệp lớn – lại để cho những thứ linh tinh chiếm chổ bộ xử lý nhỉ. Hình ảnh cái ly trà đưa sang, nhắc ông nhớ lại lời một Thiền Sư nổi tiếng ở Nhật “nhìn thì chỉ biết nhìn, cầm thì chỉ biết cầm”. Tay GĐ giật mình ngồi dậy như chợt nhớ ra điều gì, ông kéo ghế ra ngồi rồi mở sổ ra, viết vẽ rất nhanh trên ấy, như tìm được đáp án cho cái vấn đề hệ trọng đã đè nặng ngực ông bấy lâu. Mọi chuyện dần được tháo ra, ông toát mồ hôi lạnh vì đã phát hiện một số chổ sai quan trọng mà tuy biết là có nhưng chẳng rõ nó là cái gì, hóa ra bấy lâu nay ông đã tự đưa mình vào một góc kẹt bít bùng thì làm sao thấy rõ được các hướng giải quyết. Càng nhắm mắt tin vào kinh nghiệm thì càng lún lầy vào cái mớ bòng bong phức tạp chồng chéo nhau, càng gỡ càng sai lầm. Móc điện thoại, tay GĐ gọi gấp về nước giải quyết các vấn đề vẫn còn kịp lúc, suýt chút nữa thì tương lai của cả một tập đoàn công nghiệp lớn đã phải đi vào con đường cụt. Cái người cần được giải thoát nhất phải là vị trí cao nhất, cái đầu và trái tim của mọi người, chứ không phải là cứ bị cột dính và chúi mũi vào các công việc làm ăn sinh lợi, tay Giám Đốc lớn bắt đầu thèm được trở thành Thiền sư trống rỗng mà trí tuệ. Con người vừa mới được kinh nghiệm thức tỉnh ấy muốn tức thời bay ngay sang cảm ơn vị Thầy đã khai sáng cho mình, nhưng giờ này cũng khuya lắm rồi.

Trời vừa hủng sáng là ông GĐ Nhật đã có mặt trước chùa, bước vào cúi đầu cảm ơn thầy Tâm Đạo – đang ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xãy ra. “Nơi này vẫn luôn mở cửa chào đón ông đến dùng cơm chay và đàm đạo!” – thầy mời, thế là cả thời gian còn lại, cứ vài ngày thì ông GĐ Nhật lại đến uống trà có khi là ở lại dùng bữa tối. Mà không chỉ một mình, những người bạn ở các Cty lớn khác cũng đến theo lời mời của vị khách – không gian yên tĩnh trong chùa là một quán Trà Đạo cao cấp, lại có một vị Thầy trình độ cao tiếp chuyện nữa thì còn gì bằng. Thế là từ dạo ấy, khi tay GĐ Nhật đã về nước nhưng thỉnh thoảng lại có nhiều doanh nhân thành đạt khác đến chùa, xin gặp thầy hỏi dăm ba chuyện, hoặc lâu hơn thì uống trà dùng bữa đạm bạc. Rồi thì không rõ là do đạo vị của trà ngon hay những lời khuyên vu vơ của ông thầy có hữu dụng, người ta càng trở lại đều đặn và dắt tới nhiều hơn. Hợp đồng chuyển nhượng đã được giải quyết, dự án được tháo dỡ, thầy Tâm Đạo chỉ phải trả tiền sử dụng bằng với khoản chi phí mà phía chính quyền đã ký kết trước đây. Mỗi năm trả tiền theo quý, nhân ra theo thời gian thì đó là một khối tiền khổng lồ, liệu kiến thức từ các giãng đường đại học ở Mỹ có giúp thầy Tâm Đạo chịu đựng thêm được bao lâu nữa, khi mái chùa ngày càng đổ nát tan hoang? Có lần, một ông chủ người Sing gốc Hoa tiện miệng hỏi:

  • Người kinh doanh như chúng tôi muốn đầu tư vào chuyện gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, nếu thấy ít có khả năng sinh lợi thì không bao giờ dám rủi ro. Thế khi bỏ một món tiền lớn mua chuộc lại ngôi chùa nát này, thầy có nghĩ tới sác xuất thành công hay không?

  • Chuyện tính toán kinh doanh là bí mật của mỗi doanh nghiệp – thầy Tâm Đạo từ tốn trả lời – tuy nhiên có một nguyên lý chung mà tôi có thể trả lời, đó là sự hài lòng của khách hàng. Kinh doanh phát đạt thế nào, thu về bao nhiêu chỉ là trên con số, điều quan trọng nhất là người tiêu dùng có cảm thấy hạnh phúc và thõa mãn với dịch vụ hay sản phẩm đó hay không. Bỏ hết tiền ra mua lại ngôi chùa này, tôi không dám chắc thành công mấy phần trăm, nhưng hiện tại thì những người đến chùa luôn vui vẻ và họ đều muốn trở lại, đó là sự thật khiến tôi có lòng tin vững chắc vào quyết định của mình.

Thầy Tâm Đạo đoán đúng, khách đến chùa ngày càng nhiều, họ đồn rằng thầy trụ trì mới tuy trẻ mà giỏi lắm. Những người đi cúng chùa thỉnh thoảng vẫn thấy các ông chủ lớn cùng ban bệ ngồi uống trà hoặc dùng bữa với Thầy. Đám quản lý cũng đi theo cho chủ vui lòng, đấy là các tay quản công mà người dân làm mướn phải khúm núm vâng dạ. Người dân nghèo mang bệnh sùng kính nước ngoài, vậy mà tất cả những ông Hoa Đài Tây Mỹ kia lại ngồi nghiêm chỉnh nghe thầy trụ trì nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát. Phải “cao tay lắm” mới độ được những tay chủ hãng nước ngoài, nên người dân cảm thấy vô cùng vinh dự khi mời được Thầy đến nhà đọc kinh hay giãng đạo, đến chuyện “cúng dường” cũng không biết phải làm sao cho phải đạo. Phật tử học trò của Thầy nhiều thế kia, toàn là tay chủ cả giàu sụ, vậy mình phải “trả công” bao nhiêu cho xứng tầm? Thế nhưng thầy Tâm Đạo chẳng bao giờ ra giá, ai cho bao nhiêu cũng hoan hỉ nhận, dù là gói xôi hay cái áo cũ cũng là tấm lòng người. Mái chùa đổ nát tạm bợ ngày càng trở nên chật chội, ngay cả những ngày bình thường. Nhiều nhà giàu góp tiền giúp xây dựng thêm các mái che, cứ thế cơi nới ra mãi mà vẫn cảm thấy còn thiếu thốn mãi. Thầy Tâm Đạo bắt đầu tổ chức các lớp dạy Phật pháp hàng tuần và tuyển chọn những thầy mới có chí hướng lớn. Các ban bệ trong chùa cũng dần được thành lập, nhu cầu phải có một ngôi chùa mới rộng lớn ngày càng trở nên bức thiết.

Sau nửa năm, Tổng GĐ cái dự án hụt kia trở lại, chứng kiến tốc độ phát triển và sự phát đạt trong “kinh doanh”, ông lại một phen nữa giật mình.Ngôi chùa đổ nát vắng teo hôm nào ông còn vào uống trà, mái ngói loang lổ gió lùa tứ phía, giờ này đã trở thành một tổ hợp kiến trúc tạm bợ dầy đặc. Nào là lều bạt, mái tôn vách ván, kể cả những thứ lộ thiên ngoài mưa nắng vẫn được tận dụng vào cái chuyện Phật sự phục vụ “khách hàng”. Thầy Tâm Đạo phải bán tài sản và cầm cố vay mượn để trả tiền hàng quý, làm gì có thể tự mình chi trả mọi thứ, mà để quản lý hết mọi mặt cũng phải có kỹ năng cao lắm. Là một tay lão luyện trong kinh doanh, ông nhìn ra ngay tiềm năng phát triển của cái “doanh nghiệp Chùa” này, trực giác cho biết ngay rằng nên có cổ phần trong ấy – thế là ông ta nãy ra một quyết định táo bạo. Các ông chủ hãng lớn họp với nhau rồi đến gặp thầy Tâm Đạo trình bày nguyện vọng được “góp vốn cổ đông” với Chùa: toàn bộ tiền thuê mua đất sẽ được hội đồng này chi trả hết, họ còn ủng hộ tiền xây lại một ngôi chùa mới rộng lớn hơn nhiều lần. Mọi điều khoản thỏa thuận đều được viết ra giấy và ký kết theo đúng luật pháp kinh tế và quy tắc làm ăn lớn. Cổng chùa lại dựng lên một bản vẽ thiết kế mới, lần này là một ngôi chùa hiện đại với nhiều cây xanh chứ không còn là các dãy nhà máy xí nghiệp nữa.

Hơn một năm sau, chùa mới được xây dựng theo phong cách đơn giãn mà hiện đại rộng lớn bên cạnh di tích xưa đã được tôn tạo lại, vẫn lấy tên là Sắc Tứ Thiền Tôn Tự. Du khách có thể vào tham quan hay cúng bái, mỗi tuần đều có khóa tu thiền và giãng pháp với số tham gia lên đến hàng ngàn. Số tăng sinh đệ tử mới bắt đầu nhiều lên, đều là những người có trình độ cao, giỏi đời đạt đạo. Khuôn viên chùa rộng lớn trãi dài hết cả một gò lớn, nơi gò mả xưa kia giờ trở thành một vườn cây ăn trái, mỗi cây đều có pháp danh để tưởng nhớ những người xưa từng nằm dưới đấy. Khuất sau chánh điện là nhiều am thiền nhỏ xây dựng đơn sơ để các vị sáng lập chùa đến tĩnh tâm, những người phát nguyện về già sẽ xuất gia ở lại chùa. Tổ đình xưa đã được gây dựng hưng long trở lại như thuở nào. Năm ấy, vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, thầy trụ trì đưa ra ước nguyện muốn làm lễ thỉnh di ảnh của người cha mình về.

Đó là một điều chính đáng rất được ủng hộ, vả lại ai cũng mong muốn được biết thân thế và sự nghiệp của vị ân sư đã đào tạo ra một vị thầy giỏi đến thế. Đúng ngày giờ làm lễ, thầy Tâm Đạo trang trọng lấy ra trong gói vải nhỏ một cuốn kinh cũ nát và một tấm hình đã ố mờ. Còn rất ít người già nhận ra đó chính là di ảnh của vị thầy trẻ Từ Tâm thuở nọ, ảnh chụp lúc đang thọ giới Bồ Tát. Thầy Tâm Đạo tuyên bố đây chính là người cha và cũng là sư phụ của mình, người tỳ kheo bị tẩn xuất năm xưa vì phạm nhiều trọng tội. Người đó đã nhận nuôi đứa con oan nghiệt và dạy nó từ bé, từ Phật pháp tới kiến thức đời thường, nuôi nó ăn học thành tài, giỏi đời đắc đạo. Nay được đường hoàng rước vào chùa qua lối cổng chính – người đã cúng dường trọn vẹn đời mình cho Đời và Đạo. Số tiền công đức mà thầy trụ trì già dành dụm cho vị sư lỡ đường làm vốn, nay chính là tiền để mua và xây dựng lại ngôi chùa. Người đã nhẫn nhục chịu cực khổ và tai tiếng, bỏ quê ra đi cày cục kiếm lại tiền và bỏ công nuôi dạy cho đời một vị Tăng đủ tài đức, có sá gì một ngón tay không dám nướng khét để cúng dường lên Phật.

Viết một bình luận