Bậc thang hay bức tường?

Học về môi trường, về đạo đức khá nhiều, giờ bạn mình hỏi có cách nào thiết thực để cho mọi người cùng bắt tay vào hành động không? Thực sự thì mình biết rất nhiều cách, biết rất nhiều việc từ đơn giản đến phối hợp các cấp nhưng đành phải thú nhận “it’s too much complicated!”, không đơn giản tí nào!

Ví như tôn giáo, có người nói: “anh sẽ về nước Thiên Chúa…” hay “chỉ cần 6 chữ này sẽ về Cực lạc..”. Để bảo vệ môi trường, có người kêu gọi “đừng xài bao nylon” hay “tiết kiệm điện” nghe như là…dễ lắm, vì làm cũng dễ nhưng kết quả thì…bằng dê-rô!

Dĩ nhiên có người sẽ phản biện “ít ra cũng có chút gì đó?”.

Vâng, bạn hoàn toàn đúng, với điều kiện là bạn lấy đó là bước đầu tiên cho cuộc hành trình.

Lấy ví dụ, nếu bạn “ghét” bao nylon vì thấy nó đầy đường, và dơ bẩn. Thế là bạn thu gom tái chế nó, hoặc tái sử dụng nó cho tới khi hết còn xài được. Bạn sẽ thấy rằng khó mà xài lại 1 cái túi nylon, vì nó bất tiện. Vì thế bạn nghĩ rằng có lẽ nên hạn chế xài nó lần đầu tiên, thay vào đó là bao giấy hay túi vải.

Thế rồi bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn đang đối diện với 1 thói quen của chính bạn: xài tùy tiện! Vì cái tiện nghi của bạn mà bạn không tiếc hy sinh bất cứ thứ gì, và tự cho rằng nó quá nhỏ như…1 bao nylon!

Tôi từng hàng tuần gom túi vải, túi nylon tới 1 shop để tặng cho chủ shop, và cố thuyết phục họ tiết kiệm túi nylon. Và thiêng liêng đã dạy tôi ngay lúc ấy khi phải chứng kiến một bà khách…mắng anh chủ “làm gì mà bỏn xẻn vậy, có cái túi ny lon mà cũng không cho người ta, bao nhiu tiền mà làm dữ vậy chứ, xí…” chỉ vì bả đòi một món hàng 1 cái túi thêm (trong khi món ấy đã có bao bì bằng nylon) mà anh chủ chỉ đưa bà 1 cái cho tất cả các món.

Từ một bước đầu, tuy chẳng làm được gì đáng kể, nhưng giúp bạn thấy rõ: có cố làm thì cũng chẳng được bao nhiu, vì người ta cũng tiêu xài đấy thôi!

Nhưng chỉ cần bạn có cái nhận xét ấy, vấn đề đã có hướng giải quyết rồi. Đó là cái ý thức trong mỗi người.

Lấy ý tưởng trong Đại Chúng Bộ của Phật giáo, tôi quyết định ủng hộ cho những hành động suy nghĩ đơn giản, kiểu như “giờ Trái Đất”, “ươn lại màu xanh” hay “túi vải thay túi nylon”,..dù biết rằng nó không có tác dụng bao nhiêu nhưng tôi sẽ chờ cho tới khi những người ấy hỏi “rồi tiếp theo là gì?”

Tôi phải vẽ ra một viễn cảnh xanh tươi nào đó, để mà họ tin làm theo, nhưng trong đầu tôi biết rằng nó chẳng đi tới đâu.

Tôi sẽ vấp phải sai lầm không?

Vì mọi người đều cảm thấy an toàn nơi mà họ đang đứng, chẳng ai muốn thay đổi hay “tiếp theo là gì?”

Nếu tôi cố làm, liệu tôi có làm nên một tảng đá mới đè nặng lên con đường cho những người đi sau?

December 21, 2011 at 10:44pm

Viết một bình luận