Vai trò của Thượng Đế

Triết gia người Đức, Nietzsche đã phát biểu một câu nổi tiếng “Thượng Đế đã chết” trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế”. Ông này đã đưa vai trò của con người lên cao và đề xuất thuyết Siêu Nhân, có ngờ đâu từ đó đã nhen nhúm trong lòng dân da trắng hình ảnh một chủng tộc Aryan thượng đẳng để rồi hình thành nên Đức Quốc Xã và cuộc Chiến Tranh TG II. Do những nguyên nhân lịch sữ và những mâu thuẩn về quyền lợi, cuộc chiến ấy là tất yếu phải xãy ra, chúng ta không thể đổ lỗi cho Neitzche được. Trong cuộc chiến ấy phe XHCN đã thắng nhưng người đời sau chẳng ai thèm nhắc tới Karl Marx (ông ta cũng là người gốc Đức). Nước Đức chỉ sau vài chục năm đã vực dậy, người dân Đức tự hào đã sản sinh ra Nietzsche, Kant và rất nhiều triết gia vĩ đại cho thế giới. Vị trí cao cấp của Nietzsche trong nền triết học thế giới là không thể chối cãi, tuy nhiên ta hãy xét thử – giả sử – sau khi chết ông ta xứng đáng được về đâu: sánh vai cùng các vị Thánh trí tuệ hay bị đày xuống cõi quỷ Satan – như mong ước của Giáo Hội?

 

Có hai triết gia Vô Thần trong thời kỳ hiện đại đã gây ảnh hưởng lớn lên tình hình thế giới, đặc biệt là chiến tranh và chết chóc: đó là Nietzsche và Marx. Số lượng người chết trong CTTG II là đáng kể, nhưng số lượng người chết sau đó ở các nước XHCN còn nhiều hơn. Số người chết vì lý do Vô Thần này còn đáng sợ hơn các cuộc Thánh Chiến trong lịch sữ – khi con người mù quáng nghe theo lời sai khiến của các giáo sỹ, giết những kẻ không quen biết. Trong khi các cuộc chiến tôn giáo, người ta tiêu diệt kẻ “ngoại đạo” thì ở các nước vô thần người ta tiêu diệt kẻ “khác giai cấp” và “khác lý tưởng” – dù đó là người thân của mình, cha mẹ anh chị không thù hận gì cũng giết tất. Khi đã không còn bị ràng buộc – tự do khỏi nỗi sợ thần thánh – con người chỉ còn nghe theo cái tham của chính mình và bị xúi giục theo một lý tưởng hận thù độc ác. Thế giới đã kinh nghiệm được sức mạnh hủy diệt này, khi con người được tự do khỏi xiềng xích tâm linh. Thế là con người lại nhanh chóng tìm cách cứu cho Thượng Đế sống dậy rồi đặt Ngài ngồi vào cái vị trí “ông kẹ” trước kia. Thượng Đế đã được phục sinh – sau khi nhân loại hiểu rõ hơn giá trị và vai trò của Ngài. Tôi không ủng hộ hay chỉ trích hình ảnh một Thượng Đế, bởi vì dù có hay không thì con người vẫn cứ tham ác. Không cần biết Ngài là ai ở đâu, sống hay chết rồi, tôi cũng không vội vã ủng hộ “tự do tâm linh”, bởi vì khi thả cho một con Cọp được tự do là điều ngu ngốc. Anh phải là con người trước đã rồi hãy đòi tự do, cũng như Karl Marx bảo rằng phải có XH Tư Bản thành công rồi mới tiến tới công bằng tự do của Xã Hội. Đức Phật cũng dạy đi hết các tầng Thiền Định, trở nên thuần Thiện, đi hết các tầng bậc của Thánh rồi thì mới xứng đáng hưởng hai chữ Tự Do. Bằng không thì hãy nên bám víu, hoặc là sẽ chìm.

 

Vai trò của Thượng Đế ngày nay khá đơn giãn, Ngài chẳng cần phải nhọc công tạo ra thế giới hay con người, Ngài cũng không cần phải hủy diệt vì con người đã dư sức làm chuyện ấy. Ngài chỉ cần ngồi đấy mà làm nhiệm vụ thưởng phạt cho con người sau khi chết, hoặc ban cho con người cái niềm tin để họ có thể cầu nguyện – dù những điều phi lý nhất. Chính khả năng thưởng phạt của Thượng Đế đã giữ cho xã hội ổn định, con người biết kềm chế và trật tự. Vì muốn được ban thưởng nên con người mới dằn lòng xuống, suy nghĩ lại và hành động tốt hơn. Vì sợ các hình phạt ở bên kia thế giới nên người ta mới chùn bước trước cái ác – trừ những điều ác nhân danh Ngài. Đạo Phật cho rằng chỉ có Luật Nhân Quả vô tư, nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận có các hệ phái Phát Triển sản sinh ra các vị Phật và Bồ Tát có thể “từ bi mà cứu độ” khi nghe lời cầu xin của con người. Rồi sau này còn có niềm tin rằng: tuy Nhân Quả công bằng nhưng vẫn có các vị Bồ Tát có thể cứu khổ cứu nạn, chỉ cần con người thiết tha cầu xin. Đằng sau những chuyện vô lý ấy thì các tôn giáo vẫn có những lý giải thực tế hơn. Ví dụ đạo Chúa dạy tín đồ cầu nguyện những điều tốt đúng lý lẻ, cầu để có lòng tin nhưng rồi cũng phải tự bắt tay vào làm. Đạo Phật cũng đính chính: tuy ban thưởng phạt nhưng phải đúng Nhân Quả. Hóa ra việc làm của Thượng Đế là thừa thãi.

 

Thượng Đế làm con người biết sợ tội, biết hướng thiện. Các vị hoàng đế của La Mã sau khi chinh phạt tiêu diệt các đế chế lân cận, giết khá nhiều người và gây biết bao nhiêu là căm phẫn, cũng lạnh lòng khi nghĩ tới ngày đổ vỡ. Khi đế chế La Mã bắt đầu suy vong thì các vị vua mới nghĩ tới chuyện cai trị tâm hồn – thay vì bằng vũ lực. Lúc đó tín ngưỡng đa thần cũ (theo lối bạo lực, mạnh được yếu thua) được thay bằng tôn giáo độc thần, thờ Thượng Đế của Catolic – vì tính phổ quát quần chúng, dễ cai trị. Đây là một “sáng kiến” rất hay của La Mã, có giá trị lâu dài cho tới ngày nay. Cái tín ngưỡng đa thần trước đây quá xa lạ với tầng lớp giai cấp trung bình và thấp, trong khi ý niệm một Thượng Đế toàn năng có khả năng thưởng phạt trở nên dễ chấp nhận hơn. Người dân biết an phận trong sự khiếp nhược, không dám manh động vì bị bủa vây chằng chịt bởi các tư tưởng thần quyền. Mặt khác, cái ý niệm Thượng Đế và Chúa lòng lành ấy có khả năng xoa dịu cực tốt, như những liều thuốc tê hữu hiệu lên các vết thương hận thù. Nhờ vậy mà sự cai trị diễn ra êm thắm sau nhiều thế kỹ, cho tới cái giai đoạn gọi là “đêm trường Trung Cổ”, giáo hội đạt tới quyền lực tối đa. Lúc ấy chỉ cần tuyên bố ai đó là tà đạo, là có thể thiêu sống họ, dù đó là triết gia, nhà khoa học hay thần học chân chính. Cho tới khi tầng lớp bị thống trị nhận ra rằng họ chỉ được yêu thương vờ vịt, chỉ được ăn bánh vẽ bằng một tình yêu giả tạo – họ nổi giận thật sự với cái ý tưởng lừa bịp ấy. Thượng Đế thương yêu tất cả mọi người nhưng chỉ ban phát quyền lợi cho giai cấp thống trị – thế là Karl Marx ra đời. Cái độc ác của giai cấp vô thần cũng chỉ là sự bộc phát từ nổi đau tức tưởi tiềm tàng bấy lâu, chúng ta thấy trước mắt cái hành động – và ta lên án – nhưng ít ai thấy cái nguyên nhân sâu xa. Cả tôn giáo hay vô thần cũng chỉ là hai cánh tay của một kẻ giấu mặt: cái Tham trong lòng con người. Vua Asoka ủng hộ Phật giáo chỉ sau khi ông đã nhuốm máu cả đất nước Ấn Độ. Vua Đường Minh Hoàng giết cha và anh em, tắm máu rất nhiều người rồi lại sợ cái ngày tàn sẽ đến, lúc đó mới nghĩ tới tôn giáo thần quyền. Mohamet viện lý do Ala cho phép nên xua quân cướp đất mở rộng Hồi Giáo, cuối đời cũng phải bám víu theo cái ý tưởng ấy: kìm hãm sự hung bạo của dân Hồi bằng những luật trong kinh Coran và ý tưởng “chỉ có Ala là duy nhất và Mohamet là tiên tri cuối cùng”. Đúng là Thượng Đế làm con người hướng thiện và dìm nén xuống sự căm phẫn, nhưng bất công thì vẫn còn đấy thôi. Hóa ra Thượng Đế được người ta xài như một con rối, vẽ hai mặt đen trắng: ông Kẹ và cha lành.

 

Thượng Đế ngày nay khá gần gũi, giồng như là vị cha già hướng dẫn, hoặc đối thoại như một người bạn. Thế ra Ngài cũng biến hóa và ăn vận cho hợp thời trang. Tôi đọc nhiều quyển “Đối thoại với Thượng Đế” và thấy rằng đó là xu hướng tôn giáo mới đang nhen nhúm hình thành. Luôn cả những hệ phái mới sau này, như cho rằng TĐ là người ngoài trái đất. Hoặc “khoa học” hơn, cho Ngài là Năng Lượng hoặc Tình Yêu, hoặc một Tần Số nào đó,..và còn rất nhiều biến dạng khác để phù hợp với nhận định và quan điểm của con người hiện đại. Thành thật mà nói, những điều ấy có phần “hợp lý” hơn so với cái quan niệm cổ xưa – có phần “trí thức” hơn. Thế thì chúng ta phải tự hỏi rằng: người ta được lợi gì khi cổ xúy cho các niềm tin mới này? Rất nhiều tiền đã được chi ra từ các tổ chức bí mật, ủng hộ cho các buổi thuyết trình hoặc làm thành film. Nhiều sách vở được in với sự trợ giá, nhiều thuyết mới mẻ được phần đông ủng hộ và truyền bá – ví dụ như thuyết Hấp Dẫn, tức là “khi anh thực sự muốn, anh sẽ được” – đằng sau tất cả là cái gì? Cuối cùng thì cũng chỉ là cái Tham giấu mặt đằng sau các vị Thượng Đế tân thời ấy, con người ta chấp nhận vì chẳng mất gì cả, mà lại được lợi thêm. Xã hội được ổn định lại, khi cái quan niệm về TĐ cũ kia đã bị đập đổ không thương tiếc bởi khoa học. Thì giờ đây con người dùng chính khoa học để xây lên một ông Thượng Đế khác – đạp lên đầu khoa học mà tồn tại. Cũng là con người tạo ra cả, họ dùng TĐ để bao biện cho cái tham lam đang hủy diệt thế giới. Họ dẫn dụ con người tin vào những điều đơn giãn, che lấp các sự thật về bất công và ô nhiễm, về các nguy cơ có thật đang từ từ kéo tới – do hậu quả của lòng tham. Người ta dùng Thượng Đế mới này như một con bài để che đậy hậu quả của cái tham, rằng “anh cứ nghĩ tới điều tốt đẹp, nó sẽ đến”. Còn những điều tồi tệ đang xãy ra thì ai sẽ nhận lãnh: chiến tranh, thiên tai và sự bất công? Các giáo phái Thượng Đế Mới như một cơn sóng thần đè bẹp những tiếng nói yếu ớt của các nhà khoa học chân chính – họ đang muốn con người nhìn lại, bớt tham lam và tiêu dùng để bảo vệ một Trái Đất vững bền, nhưng điều này đi ngược lại quyền lợi của những kẻ tham lam – những con người đang thờ phụng Satan. Vì thế ta không lấy làm lạ gì khi biết nước Mỹ lại là nơi sản sinh những tôn giáo mới, họ có những nguồn tài trợ bí mật, bề ngoài là tôn thờ Thượng Đế, nhưng lại được “bơm máu” từ Satan.

Theo Giáo Hội thì để lý giải cho chuyện toàn năng, người ta bảo rằng Satan là sản phẩm và công cụ của Thượng Đế, để trừng phạt các tội ác – có nghĩa rằng Thượng Đế là Đấng Sáng Tạo, Satan là tạo vật thứ cấp. Thế nhưng, nếu nói Satan là kẻ xúi giục cái tham trong lòng con người, thì có khi Thượng Đế lại chính là sản phẩm của Satan mà ra. Thượng đế không tạo ra con người bằng chính hình ảnh của Ngài, mà chính con người đã tạo ra TĐ bằng hình ảnh của mình. TĐ của người Ấn thì giống Ấn, của Tàu thì mắt hí mủi toẹt, của Mayan và Da Đỏ thì ăn mặc lông chim trên đầu,…chỉ giống nhau ở một điều: để thỏa mãn nhu cầu và ham muốn của con người. Thượng Đế sẽ ban phép mầu để trừng phạt kẻ thù – những người dám chống lại Ngài – như trong kinh Cựu Ước. Thượng Đế hứa sẽ ban cho dân Do Thái vùng đất màu mỡ, thế là họ dương nhiên có quyền đánh cướp Jerusalem! Thượng Đế thưởng phạt tùy theo ý muốn của con người như thế đấy! Vua Tàu là Thiên Tử, tức là con Trời, mọi ý chỉ của ông ta tức là…ý Trời, ai chống lại sẽ bị giết sạch cả 9 tộc! Thế ra Ngài chỉ là cái cớ, cái điều ngụy biện cho tội ác và lòng tham của con người. Ngài được con người đẻ ra như một công cụ tâm linh thần quyền.

 

Nếu Nietzsche giết chết Thượng Đế tốt bụng, để con người chém giết nhau, thì đáng bị xuống Địa Ngục. Nhưng nếu cái lão Thượng Đế mà Nietzsche khai tử kia chính là một hóa thân của Satan – lòng tham con người – thì Nietzsche xứng đáng được ngồi cùng bàn với các vị Thánh. Theo tôi thì dù Thượng Đế có hay không, sống hay chết không quan trọng – con người vẫn luôn Tham. Lòng tham là trường tồn và vẫn cứ là chúa tể, vì chúng ta đang sống trong cõi Tham.  

07-11-14

Viết một bình luận