Phật Đản – ngày Môi Trường Thế Giới

Trong khi hội nghị môi trường thế giới Copehaghen đang diễn ra sôi nổi về những vấn đề vĩ mô, thì nơi quán trà đạo vô danh,có một vấn đề rất rất nhỏ bé, nhưng cũng liên quan đến môi trường.

Đó là: Phật tử làm gì để bảo vệ môi trường đây ? 

Ai cũng có thể nói được phải làm gì để cắt giảm khí thải, bạn có thể nghe bàn rất sôi nổi tại các bàn cafe sáng, hay các bàn nhậu chiều. Nào là dẹp bỏ các khu CN, nào là xài năng lượng hạt nhân, gió,…

Nhưng để nói rõ ràng mỗi người cần phải làm gì thì rất khó. Cũng như cả TG đã đồng ý nhìn nhận rằng trái đất nóng dần là do khí CO2 (hix, con nít còn biết, nhưng lãnh đạo các nước lớn trước đây cố tình từ chối, họ cố gắng bảo rằng nguyên nhân vớ vỉn như Elnino, Lamina nào ấy, để nhằm kéo dài thời gian phá hoại môi trường, nuôi dưỡng kinh tế). Cả TG cũng đưa ra giải pháp rằng phải cắt giảm khí CO2 bằng những giải pháp cụ thể.

 Nhưng khi bàn sâu vào vấn đề nước nào cần phải làm gì, thì ai cũng….bàn ra.

 Vì nói thì hay, mà làm thì không ai muốn ! Cắt giảm khí thải cũng đng nghĩa với việc cắt giảm kinh tế, tăng thuế môi trường, tự cắt mất sức mạnh kinh tế, mất tiền của các đại gia.

Không một ai muốn làm điều ấy, dù là Mỹ, Úc đến India, TQ,…hay những nước nghèo bé tí như VN.

 Cũng vậy, khi nói đến từng cá nhân phải làm gì để bảo vệ môi trường thì cũng rất rất khó !

 Đạo Phật được cả TG công nhận là đạo từ bi, thương yêu tất cả chúng sanh. Đức Dalai Lama đã được giải Nobel Hoà Bình vì công đức của Ngài đi khắp TG thuyết giảng về lối sống lành mạnh, hiền lành và trong sạch. Đức Dalai Lama có rất nhiều bài thuyết pháp về bảo vệ môi trường và được rất nhiều người ủng hộ, dù họ không phải là Phật tử.

Thiền sư Nhất Hạnh cũng dạy rất nhiều Phật tử Tây phương phải sống biết đủ, sống thân thiện và bảo vệ MT,…bằng những việc làm rất thiết thực: Trồng rừng, chạy xe không dùng xăng, tiết kiệm điện,…

Trong nước, TT Chân Quang cũng nói rất nhiều bài giảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nước sạch, trồng cây,…

 Trong kinh điển cũng ghi lại rằng những Tỳ Kheo không được sát sanh dù chỉ một cọng cỏ, hay vi sinh vật.

Ngũ đại giới có giới sát đứng đầu. Sát sanh ở đây không chỉ bao gồm con vật hay con người, mà là toàn thể chúng sinh có sự sống.

Phá hoại môi trường tức là sát sanh một cách dã man nhất: sát hại tất cả chúng sanh !

Đức Phật thật sáng suốt khi đã đưa ra một lối sống rất….bảo vệ môi trường từ rất lâu: biết đủ, có trách nhiệm và chánh niệm.

 Ai cũng tàn phá môi trường ! Chỉ có người vừa sanh ra chết ngay thì may ra không ảnh hưởng đến MT !

Bất cứ nhu cầu nào của con người đều gây ảnh hưởng xấu lên MT. Tôi chỉ nói đến 3 nhu cầu tối thiểu: ăn, mặc, ở.

Ăn chay cũng phải phá rừng trồng rau, xịt thuốc, nhổ cây,..cho đến nấu ăn cũng phải đốt bằng gas, dầu,…rửa chén cũng phải xài xà-bông gây ô nhiễm nặng.

Ăn thịt, ngoài các tác hại như ăn chay, còn thêm những tác hại do các nông trang gia súc gây ra.

Càng ham muốn ăn nhiều, ăn bậy,…càng đòi hỏi phá hoại các tài nguyên đất, rừng, nước,…

Mặc vải lụa phải phá rừng trồng dâu. Phải nhuộm, giặt bằng hoá chất. Còn mặc vải nylon càng phá môi trường kinh khủng hơn !

Bất cứ nhu cầu nào về nhà ở đều đòi hỏi năng lượng, tài nguyên, gỗ rừng, hoá chất,…

Tắm tốn nước, xài dầu gội đầu, xà bông giặt,.. càng làm dòng sông thêm đen hôi.

 Chỉ có người thiểu dục tri túc (ít muốn, biết đủ) mới là những người ít tiêu tốn phá hoại nhất.

Tối thiểu nhu cầu ăn uống, chỉ cần ăn để mà sống. Tôi biết có những người bình thường bên India mỗi ngày chỉ cần ăn 1 trái táo là sống khoẻ mạnh, chỉ vì hiệu suất chuyển hoá dinh dưỡng của cơ thể họ rất cao nhờ luyện tập. Tôi biết có những huynh đệ tập khí công nhịn ăn 45ngày vẫn khoẻ mạnh. Vậy tại sao cứ phải ăn cho no đầy bụng để rồi…thải ra ngoài mà mang vào thân đầy nghiệp xấu ?

 Bạn có biết Địa Ngục còn có tên là Nhị Tỳ đúng không ?

Nhị là thứ 2. Nhị Tỳ là địa ngục, còn Nhất Tỳ là ở đâu ?

Đó chính là cái Tỳ (bao tử) của bạn. Nơi đây là nghĩa địa chôn biết bao nhiêu chúng sanh đối với người ăn mặn, và là bãi rác đối với người ăn chay.

 Nhiều người biết tu tập, áo quần rất đơn sơ, nhưng không vì vậy mà dơ xấu hay mất oai nghi. Họ đã giảm tối đa nhu cầu làm đẹp, chỉ cần mặc để che thân nên ai cho áo quần cũ đều tận dụng.

Rác do áo quần cũ của họ cũng rất dễ phân huỷ chứ không gây tác hại cho MT. Nhiều người không cần áo nâu của đạo, áo họ mặc đã ngã màu nâu vì cũ, nhưng cái vỏ ngoài xấu xí ấy không thể che giấu một nội tâm đầy tinh thương với môi trường sinh thái. Họ chấp nhận dơ một tí, cũ một tí, hôi một tí, để cho bao người khác sạch đẹp, bao nhúng sinh khác được sống yên vui.

 Thời Đức Phật, chỉ cần một gốc cây, một hốc đá cũng đủ cho người tu tập. Ngày nay không ai tối giản nhu cầu ở đến thế, nhưng cần chi nhà cao cửa rộng, trong khi cái xác này chỉ cần 2m2 đất chôn.

Có người chỉ cần 1 cái bình cốt, có người thiêu mất không còn gì.

 Là dân XDựng, tôi hiểu rõ vật liệu XD phá hoại môi trường ra sao. Đó là những tài nguyên MT, từ đá núi để làm cement, gỗ rừng làm cột kèo, quặng sắt, than đá, dầu mỏ, điện,…

Hãy nhìn con kiến yên vui với cái hốc nhỏ, con chim làm tổ trong bộng cây, chúng nó sống hoà mình mà không hề lấy đi bất cứ cái gì của MT.

Còn con người phá rừng phá núi, “phá sơn lâm đâm hà bá”, chỉ vì muốn cái nhà mình to đẹp hơn nhà bên cạnh !

 Người biết đủ là người biết bảo vệ môi trường bằng cách tránh cho bản thân tiêu tốn và phá hoại thêm.

Người có trách nhiệm bảo vệ MT bằng mọi cách. Lúc nào trong tâm cũng nghĩ về môi trường, về những gì đang đau khổ và trách nhiệm bản thân.

Chẳng những bản thân hành động, người này còn tác động lên những người xung quanh bằng hành động, lời nói và suy nghĩ để làm lợi ích cho môi trường.

Người có chánh niệm trong từng giây phút, không bao giờ làm những gì thừa thãi hay sai trái. Khi nào cần thiết mới xài năng lượng, ra khỏi phòng luôn nhớ tắt điện, mọi hành động lời nói suy nghĩ đều biết tới tác hại, nên luôn làm đúng từ những gì nhỏ nhặt nhất.

 Nếu hành động đóng vai trò thiết thực và tức thời trong việc bảo vệ MT, thì lời nói góp phần quan trọng không kém.

Bằng lời nói, ta có thể tác động lên rất nhiều người cùng làm, cùng ý thức và cùng một suy nghĩ như chúng ta. Ngày nay, không chỉ nói bằng miệng, ta còn có thể dùng rất nhiều phương tiện để truyền thông, bằng giấy mực, bằng internet hay bằng những lời nói nhỏ khuyên nhau.

Hành động tuy thiết thực, nhưng lời nói mang ảnh hưởng rộng lớn hơn.

 Có người bảo rằng, suy nghĩ không có tác dụng bảo vệ MT nào !

Thật ra, bất cứ lời nói hành động nào cũng bắt nguồn từ suy nghĩ. Hơn nữa, lời nói cần ngôn ngữ để truyền dạt, hành động cần trực quan để nhận biết. Nhưng ý nghĩ có thể ảnh hưởng tác động lên rất nhiều người mà không cần ngôn ngữ hay hình ảnh nào. Một người có sức mạnh trong tư tưởng có thể tác động những người xung quanh một cách thầm lặng và âm ỉ. Nếu trong tâm ngừoi ấy bùng cháy một tình yêu thiên nhiên mãnh liệt thì nhiều người khác sẽ cảm nhận được và cũng yêu thiên nhiên theo anh ta.

 Ý nghĩ có một năng lực còn mạnh hơn lời nói rất nhiều lần. Trong Tam Nghiệp thì Ý nghiệp là sâu kín và mạnh mẽ nhất.

 Tôi đề cập đến vấn đề tu tập rất căn bản trong Phật pháp: tam nghiệp Thân-Khẩu-Ý. Bằng cách chuyển 3 nghiệp ấy, trước khi nhân quả đưa bạn về một cõi trong sạch, thì bạn đã làm cho nơi này dần dần sạch đẹp.

 Tôi cũg người tham gia vào phá hoại không ít, và tôi cũng chấp nhận nghiệp quả để sống với môi trường ô nhiễm, từng bước dã tràng tìm cách chuyển hoá nó tốt hơn. Tôi mong muốn mọi người nhận ra trách nhiệm màchung sức gánh vác. Đừng mơ ước một cõi lành nào đó, để tìm cách chối bỏ trách nhiệm, đi về nơi ảo mộng.

 Nhân quả luôn công bằng, bạn sẽ đi về nơi có những con người cùng cái nhân nghiệp giống bạn. Nếu bạn có phần phá hoại môi trường, bạn cũng sẽ phải sinh về một cõi ô nhiễm, với những con người vô trách nhiệm giống y chang như bạn !

May 14, 2011 at 12:33am

Viết một bình luận