Hy sinh

Hai em Guinea pig của mình vừa ra đi sau đợt nóng 40 độ vì tội lỗi của thằng tui, tới khi nhớ ra là trời đang nóng thì chúng đã nghẻo vì sốc nhiệt, dù chuồng chúng được che chắn rất kỹ. Phần vì nhớ thương 2 chú nhóc, phần tự trách bản thân, thằng tui chẳng ngủ dc mà cứ suy nghĩ miên man. Đã rất nhiều lần tui đã “tiễn” các con thú cưng lên đường, khi thì cá, khi thì mèo, chó,..vv..cảm giác cũng tương tự nhau.

Rồi thì thằng tui cũng trả lời được câu hỏi khó mấy ngày nay: bằng cách nào mà hồi đó tui tự nhiên đổi tánh, từ một đứa có thể cho vào miệng bất cứ con gì, trở thành một đứa thích bảo vệ động vật và ăn chay?

Giá trị của một sinh vật sống trên đời này, hay lớn hơn là giá trị của một con người sống trên đời này là để làm gì? Giá trị của tôn giáo là gì?

 

Có lẽ thằng tui may mắn khi được thừa hưởng rất nhiều sự hy sinh, để rồi mình nhận được những món quà và sống tốt lên từng ngày.

Nhà tui ở lúc nhỏ là một trại cứu tế các con vật bị từ chối. Chúng bị mang lên cầu rồi thả xuống sông, con nào cắn được bao bơi lên thì cũng gần chết vì đói hoặc vì bệnh. Ba mẹ tôi nhận nuôi hết, kể cả chó mèo gà vịt ngỗng, dù người ta thường nói mèo tới nhà là hao tiền, gà vịt “xả xui” ai nhận thì coi như nhận luôn cái xui rủi.

Nhưng cái vận rủi ấy được cưu mang và chăm sóc hết sức, nó lại đền đáp bằng những điều may mắn vô hình. Chúng đều là những thứ què mù sứt mẻ, sống vui lên vài ngày rồi cũng chết, và tui là người săn sóc rồi đào mộ cho chúng, tốn ko ít nước mắt. Ai nói con vật chẳng có tánh linh? cứ nhìn ánh mắt chúng thì biết, hễ thấy mình từ xa là chúng mừng quýnh cả lên. Nuôi con gì rồi cũng chết, kể cả sau này nuôi mèo thiên hạ vứt, nuôi mập lên rồi cũng bị xe cán chết hoặc bị bọn “Noel” bắt ăn thịt.

 

Thời bé, con gì tôi cũng thích nuôi, kỳ nhông đổi màu cũng nuôi mà rắn nước bắt được cũng…nuôi tuốt. Kể cả các loại côn trùng, bọ cánh cứng,..dĩ nhiên là ko được sự đồng tình của nhiều người trong nhà, nên vật nuôi của mình mà cứ bị mang ra giết. Thế rồi thằng nhỏ quyết định “nuôi” chúng ngoài tự nhiên, thấy ổ của chúng thì mỗi ngày ra nhìn, xem sống thế nào và mang thức ăn nước uống cho chúng.

Vì là con vật nuôi nên mình có thói quen bảo vệ, chẳng cho ai bắt hay xâm phạm tới. Còn nhớ hồi đó thằng nào cầm cây bắt ve hoặc chích cá điện vào đất là tui xách dao phay ra đòi chém, dù tui chỉ là đứa oắt con.

Nhờ đó mà sau này luôn có xu hướng yêu thiên nhiên môi trường, bảo vệ động vật và sự sống nói chung.

 

Tình yêu thiên nhiên ấy có được một phần lớn nhờ vào sự hy sinh của những con vật từng nằm trong tay tôi, từ lúc còn là đứa bé hay hành hạ con vật, cho tới khi chẳng còn ý muốn sở hữu chúng nữa.

Giá trị của những sinh vật trong chuỗi mắc xích vô tận của tạo hóa, ngoài việc làm thức ăn cho nhau, còn giúp nhau tăng trưởng tâm linh, trở nên ngày càng đi tới Thiện Tánh.

Những thú cưng trong nhà cho chúng ta tình yêu vô điều kiện và dạy chúng ta biết cách thương yêu, bằng cách cho chúng ăn và vuốt ve trìu mến. Nhưng ngày chúng ra đi bạn sẽ được trao tặng nhiều hơn, từ nỗi mất mát đó bạn sẽ học ra cách sống tốt hơn trong hiện tại. Càng nuôi nhiều, chúng ta càng học nhiều. Đừng để phải học bài học ấy bằng sự mất mát của người thân, chính thú cưng đã hy sinh cho bạn trước.

 

Giá trị của một con người trong cuộc đời này cũng tương tự như thế. Chỉ có vài loại người là còn để lại vài thứ sau khi chết, như sáng chế phát minh, tác phẩm,..còn lại là sống rồi chết đi như cây lúa, tiền bạc kiếm được cũng là lấy của người khác, bản thân con người đâu có tạo ra tiền. Ngoài giá trị vật chất, nhiều người còn để lại cho chúng ta giá trị tinh thần, ngay cả lúc còn sống. Bất cứ điều gì tác động vào 5 giác quan mà làm chúng ta tự nhiên vượt lên một vài cấp trong nhận thức, đó chính là nó. Đọc một bài thơ hay nhìn một bức tranh, nghe một giai điệu nhạc, ngưỡi một mùi hương,..để rồi ta trở nên hướng thiện hơn, thương yêu và bớt chiếm hữu hơn. Thế nhưng để có những tác phẩm hướng thiện ấy, các tác giả đều phải vắt ra từ những kinh nghiệm đau thương cùa đời họ, như cây mai muốn ra hoa đẹp phải bị vặt bỏ hết lá.

 

Có người đánh đổi thiện tâm của quần chúng bằng sinh mạng của bản thân, cứ như họ thiêu sống vậy. Nói là sinh mạng nhưng có khi còn quý hơn, tùy vào hoàn cảnh và duyên của mỗi người. Rồi khi điều ấy đến với chúng ta, nó khơi dậy trong mỗi người một sự bùng nổ trào dâng những cảm xúc thiện, khiến họ chỉ muốn sống hướng thiện mà từ chối cái ác, dù chỉ là ngắn hạn.

Có người tự biến bản thân trở nên tội nghiệp để cầu xin người khác chút từ bi, thực ra là học đi gieo hạt từ bi nhưng chẳng ai biết. Chúng ta thấy đầy trên internet hình ảnh những con người tội nghiệp bệnh tật, cái bệnh của họ cũng đánh quý trong tiến trình phát triển tâm linh con người đi về cái thiện. Đi xin ăn cũng là cách hay của Đạo Phật, chỉ tiếc là thời nay đã chẳng còn tác dụng như thở xưa.

 

Giá trị lớn nhất và cuối cùng của một đời người là cái chết của họ. Cái chết khiến ai cũng thương tâm và nhìn lại mình. Cái chết giúp con người thức tỉnh hơn bất kỳ sự sống nào.

Những ai thường đi hộ niệm, thực chất là người hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải là người chết được trợ niệm vãng sanh. Họ đã nhận trọn món quà từ người chết.

Giá trị của tôn giáo là ở nơi người sống, dù rằng đa số đều nói về cái chết. Các huyền môn dạy rằng, khi một bậc thầy chuẩn bị chết, các đệ tử nên tập trung xung quanh để “hưởng lợi” từ cái chết của vị thầy.

Và rồi giá trị thật thì bị giấu đi, hoặc là đơn giản bị mất, nên chúng ta được nhận mà chẳng hiểu đó là cái gì. Mà chẳng hiểu thì làm sao biết quý trọng mà hưởng ích lợi từ nó.

 

Tôi có một món quà sinh nhật có giá trị, đánh đổi bằng sự ngu ngốc của tôi và sự hy sinh của hai sinh linh tội nghiệp.

Nếu ai có con nhỏ mà muốn nó trở nên biết thương yêu và lương thiện dần dần, hãy dạy cho chúng nuôi và săn sóc con vật. Sự sống sẽ dạy cho chúng tình yêu và cái chết của con vật ấy sẽ dạy cho con bạn nhiều hơn thế nữa.

Và tôi cũng hiểu được giá trị của cuộc sống này là gì.

20-12-13

Viết một bình luận