Tại sao các bản kinh lại rất khó hiểu?

Tại sao các bản kinh điển như Bát Nhã Tâm Kinh hoặc các luận điệu đại thừa trong kinh Kim Cang lại khó hiểu và có vẻ dư thừa rối rắm như thế? Tại sao các bậc thầy tổ không giãng cho nó dễ hiểu, hoặc viết lại theo một ngôn ngữ thời đại hơn? Cái gì là “không thể nghĩ bàn”, cái gì là “nói không được”, hoặc “bởi vì X không phải là X nên là X” rất là tối nghĩa ? Tại khả năng diễn giải của các vị ấy kém quá, hay thực tế là không có ngôn từ mà nói, hay vì một lý do nào khác? Cá nhân tôi lúc đầu tìm hiểu Phật pháp gặp được các Thầy Tổ, cũng đem ra hỏi nhưng rồi cũng chẳng hiểu gì hết. Thương tình, các vị ấy mới dạy rằng “cần phải có Minh Sư Vô Hình mách bảo”, mà Minh Sư Vô Hình ấy chính là Long Thần Hộ Pháp chỉ truyền mật pháp cho những ai có chí nguyện thật tâm. Rồi thì tôi cũng được thiêng liêng vô hình hướng dẫn các chìa khóa giải mã các bộ kinh này, từng bước nắm được yếu chỉ và thực hành thành công. Sau đó tôi mới tìm đọc các giải nghĩa qua các cuốn sách đã được viết ra bởi các tu sỹ hay học giả, ngạc nhiên một điều là không ai viết giống như tôi hiểu cả. Ban đầu tôi tự cao cho rằng mình may mắn hơn họ, nhưng sau một thời gian cố sức giải thích cho vài bạn – theo cái hiểu ấy – bị thất bại thì tôi cũng nghiệm ra lý do tại sao người ta viết một cách chung chung vô thưởng phạt như vậy, tất cả đều có lý do. Rồi dần dần tuổi đời tăng lên, cái va chạm giúp tôi nhận thấy điều Thầy Tổ làm là đúng, có cố công diễn giải cho dễ hiểu thì cũng được nhưng mà có ích gì. Chính vì vậy khi truy hỏi các vị Sư phụ, họ chỉ lắc đầu một cách từ bi “nói không được!”.

 

Cái câu “nói không được” này rất hay và ý vị. Giống như tôi biết tội và yếu điểm của một kẻ cướp, có người tới hỏi tôi hắn là ai và cách tiêu diệt, nhưng khi vừa định nói ra thì tôi đã thấy kẻ đó đứng trước mặt. Thế thì…nói làm sao được? Kẻ đó cực kỳ hùng mạnh sẽ triệt hạ tôi ngay hoặc sau đó, mặt khác hắn sẽ đứng giữa biện giải thuyết phục bạn rằng tôi sai lầm còn hắn mới đúng, chắc chắn rằng hắn sẽ thắng và bạn chẳng được lợi lạc gì. Các bài kinh là chìa khóa dẫn tới vũ khí để tiêu diệt bản ngã, phá tan vô minh – nhưng mà khi bạn đến hỏi một vị Minh Sư thì bản ngã đã đứng chặn ở giữa rồi, còn bạn thì đang chìm trong vô minh thì làm sao mà đưa cho bạn chìa khóa hay cách thức để mà vượt thắng chúng? Chính bản ngã – cái tôi – của bạn sẽ kêu réo lên rằng những lời ấy là sai lầm, là nguy hiểm. Nó dùng mọi cách để đánh lạc hướng để rồi chính bạn sẽ quay ra chống đối với chính vị Minh Sư – người có thể giúp bạn. Đã không có chìa khóa thì bạn đọc tụng kinh văn cũng như là bản cửu chương, càng đọc càng rối và buồn ngủ, cái bản ngã của bạn sẽ vuốt ve rằng những giải thích cao siêu trong sách kia mới là đúng, và bạn sẽ mãi mãi lạc đường. Những người bạn “đồng chí” của tôi, một phần thì thần tượng những bộ kinh điển, xem chúng như báu vật nhưng quý thế nào thì không biết. Số còn lại có tính biện chứng hơn, nên xa rời cái thứ phi lý rối rắm ấy, xem như cái thứ “ngụy tạo” không có giá trị. Bạn nghĩ thử xem, nếu trong trường hợp đó có ai dám trao cho bạn những thứ có giá trị – khi mà kẻ thù đang đứng giữa? Những điều có giá trị mà các bạn ấy truy tìm cũng đã bị hủy diệt lâu rồi, những bộ kinh nguyên thủy cũng chẳng còn chổ nào nguyên bản cả. Chính con người đã làm điều ấy, nếu tôi và bạn đọc được thì chúng ta cũng sẽ làm điều tương tự mà thôi – vì cái vô minh sẽ xúi giục để bảo tồn chính nó. Vì thế các Minh Sư khi chứng ngộ rồi thì giữ kín như bưng, có vị còn tìm cách “nhúng” chân lý vào trong những điều phi lý, tung hỏa mù để bảo tồn cho tới khi cơ hội chính muồi. Đó là lúc mà bản ngã không đề phòng nhất, lúc mà cái chí nguyện của bạn lên đến độ cao nhất, đúng cái tinh thần muốn trừ khử cái tham ác nhất, thì các vị Hộ Pháp vô hình sẽ gieo vào tâm bạn những ý nghĩ vô ngôn qua mặt được bản ngã của bạn. Ví dụ những lúc bạn dám chấp nhận liều chết, chấp nhận xả bỏ quyền lợi, chấp nhận lao vào khó khăn hiểm nguy – những lúc đó bạn đang quay lưng lại với bản ngã nên mặt xoay về phía chân lý. Tự nhiên lúc ấy vài lời kinh sẽ hiển lộ điều chân thật và bạn sẽ được sáng tỏ – ngộ ra – giống như tự dưng bạn thấy trong tay có thanh gươm bén có thể chặt đứt phăng sợi dây vô minh. Tôi dùng từ “có thể” vì nó còn nằm ở cái ý chí, vì nhiều người đã có gươm bén trong tay lại quăng gươm ôm lấy bản ngã của mình vì…sợ! Hoặc có người còn dùng cái trí tuệ sắc bén ấy để bảo vệ cho bản ngã vững vàng hơn – chính vì thế mà càng ngày càng ít người được “trao gươm báu”. Hoặc có người được quăng cho cây gươm đồ chơi bằng nhựa trước, xem nó làm gì đã rồi mới quyết định cho nó xài “hàng thật”. Lắm người cầm gươm nhựa mà cũng múa may chặt chém lung tung, chỉ không dám nhắm vào chính mình, vì thế cũng không bao giờ rớ được tới chân lý sắc bén – cho tới khi phát chán rồi bỏ cuộc kiểu “nho hãy còn xanh lắm”.

 

Thế thì sao không viết như kinh điển nguyên thủy – như trong Nikaya hay A Hàm – cũng rõ ràng lắm kia mà? Về phần cốt truyện xãy ra và bối cảnh thì đúng là tượng hình dễ hiểu, đầy tính mô tả, nhưng các nội dung cốt yếu để diệt Vô Minh và Bản Ngã nằm ở phần nào? Ta sẽ đọc thấy rất nhiều mô tả về các tầng thiền, các loại định và thể hiện ra bên ngoài đời sống của các Tỳ Kheo chứng ngộ (như trong kinh Sa Môn Quả) nhưng lại không rõ làm cách nào để đạt được. Ta sẽ thấy các hướng dẫn thực hành (như trong kinh Tứ Niệm Xứ) cũng chi tiết nhưng….thiếu một cái gì đó là yếu chỉ là tiên quyết để có thể đạt tới các tầng định. Bởi vì nếu đã có, thì vô số người hành theo đã chứng ngộ thiền định chứ không cần phải tranh luận với nhau. Biết bao nhiêu học giả và tăng ni tỳ kheo cho tới cư sĩ tại gia, đều có công mổ xẻ từng câu từng chữ trong cái di tích được xem như là “gần với Phật dạy nhất”. Lại một lần nữa chúng ta bị cản đường bí lối trong cái mớ dường như quá rõ ràng dễ hiểu này. Có rất nhiều chùa và thiền đường hay thiền lâm bên Miến Điện hay Thái Lan, họ thực hành theo các pháp đã được các vị Thầy giải mã – các vị Thầy ấy cũng được xem là đã chứng ngộ – nhưng có vị thì chủ trương Thiền, có vị theo Định, có vị tu Tuệ. Có vị quán hơi thở rồi xiển dương mà bỏ qua các quán Niệm Xứ, còn bên kia thì chủ về quán Niệm Nứ mà xem nhẹ hơi thở. Cũng từ nguyên thủy mà ra nhưng rồi cũng loạn cả lên, vì nếu một trong các pháp ấy thành công tất sẽ thắng thế, có thể tập họp tất cả lại và tuyên bố đây mới đúng là những chân truyền của Phật – rất tiếc là chưa có. Dường như tất cả vẫn còn thiếu một cái gì đó quan trọng nhất, mà chính cái đó đã bị lấy mất khỏi Nikaya cùng với nhiều thứ khác cũng quan trọng nhưng không ai biết đó là cái gì. Xin đừng tự cho Nikaya là nguyên thủy đúng nhất, đó chỉ là bộ kinh xưa nhất nhưng cũng cách thời Phật tại thế đến hơn 600-700 năm (bộ kinh Nikaya xưa nhất được tìm thấy ở ngoài đảo quốc Tích Lan, chứ không phải tại Ấn, do con cháu của vua Asoka truyền đạo hoằng pháp mang đi ra ngoài). Giữa đó là rất nhiều biến cố mà chẳng có chữ viết để ghi chép lại, tất cả đều mơ hồ từ nguồn gốc và cuộc đời Đức Phật cho tới chuyện kinh điển chỉ từ miệng một vị tên là A Nan ghi nhớ các sự kiện mà đọc ra, thế rồi vị này vị nọ đều tự nhận là mình “nghe thấy như vầy…”. Mỗi lần kết tập kinh điển lại phân chia bộ phái, lại có thêm nhiều kinh mới, đến nổi có vị đã bất bình tuyên bố “Như Lai không hề nói ra một lời nào!”. Thì rõ ràng là Phật có nói ra lời nào đâu, toàn là người sau nói cả, dựa theo cái thành tựu mà vị ấy đạt được rồi diễn giải ra. Khi tôi viết ra những lời này thì chắc chắn các bạn – hoặc cái bản ngã đứng giữa – sẽ hét lên rằng tôi dám lật đổ báng bổ kinh điển, kể cả kinh nguyên thủy. Thế đã lỡ mang tội thì tôi nói luôn cái nghi ngờ rằng ngay cả đức Phật Sakya Gotama cũng không có thật! Toàn bộ câu chuyện Phật đản sanh cho tới chuyện trốn ra 4 cửa thành rồi bỏ nhà đi tầm đạo, tất cả đều rất ảo. Để khỏa lấp và chặt đứt các chứng cớ, người ta còn bịa ra rằng toàn bộ dòng họ Sakya đã bị diệt sạch, cho nên không còn dấu tích. Các trụ đá của vua Asoka chỉ là để hợp thức hóa câu chuyện bằng cách đánh dấu khu vườn Lumbini, cây Bồ Đề và nơi Phật nhập diệt. Trên sách vở chuyện đã xãy ra hơn 500 năm trước Asoka thì làm sao ông ta có thể xác định chính xác? Sự thật thì chỉ có vua Asoka và các vị tăng thời ấy là rõ nhất, vì chính vị vua này đã triệu tập lần kết tập kinh điển “thứ 3” – tôi nghi ngờ cả 2 lần trước, con số “thứ 3” này cũng được đặt ra. Tôi sẽ quay lại vấn đề lịch sử mơ hồ này trong chương riêng về Phật giáo, nhưng các nghi ngờ của tôi có chứng cứ, vì điều ấy cũng liên quan tới kinh điển – có kinh phủ nhận giáo pháp không phải là Phật thuyết và cũng có kinh phủ nhận luôn cả Đức Phật và Niết Bàn. Nếu tin vào kinh điển thì phải tin vào cả hai chứ.

 

Một khi đã nghi ngờ thì phải truy cứu tất cả những gì có liên quan, phải tìm lại hết tất cả các nhánh nhỏ cho tới cành lớn thì mới lần ra cái gốc được. Đạo Phật chia ra các bộ phái theo thời gian, mỗi ngày một sinh sôi chia nhánh, việc gom lại không phải là dễ. Khi tôi nêu lên nghi vấn thì lập tức có rất nhiều người chống đối để bảo vệ niềm tin “của họ”, nhưng khi tôi yêu cầu gom tất cả Phật pháp lại để đối chiếu thì họ lắc đầu quầy quậy, có lẽ họ sợ sự thật quá đau lòng chăng? Con người sẳng sàng ném đá ai phủ nhận niềm tin, nhưng lại không dám băng qua niềm tin tìm ra lẽ phải. Sự thật là – như tôi đã nói – bản ngã đã chặn trước mặt họ, ngăn trở mọi chân lý. Người ta thích cái sánh chói của chân lý nhưng không dám bước qua chính mình, vì vậy họ chọn điều dễ hơn: niềm tin. Chỉ có người dám đập đổ tất cả mới có thể xây lại hoàn chỉnh, tôi đã phải tìm đọc và thực hành Tứ Niệm Xứ lẫn Quán Sổ Tức và nhận ra sự tương đồng giữa lý thuyết và thực hành giữa hai hệ Nguyên Thủy và Phát Triển. Có sự liên quan trong phép quán vô thường (từ Sắc – Thọ – Tưởng – cho tới Pháp) và lý không trong kinh Bát Nhã. Có những trở ngại trong phương pháp tu định quán hơi thở: làm sao vào định? Các bộ luận Nam Tông có đưa ra phương pháp nhưng mấy ai hiểu và làm theo được, chủ yếu cũng là mô tả các bước nhưng thiếu cách làm, như một bản đồ chỉ dẫn kho báu nhưng thiếu chìa khóa và cách mở khóa. Tôi dám khẳng định rằng những ai thiếu “chìa khóa” sẽ phát hoảng khi đứng trước cửa vào định, chỉ trong tích tắc là dội trở ra ngay chứ chưa nói gì đến chuyện vượt các tầng thiền hoặc các loại định sâu hơn. Vậy mà cái khóa ấy lại nằm ở ngoài Nam Tông, trong một bộ kinh Bắc Tông khó hiểu mà các sư theo hệ Nguyên Thủy phủ nhận cho là “ngụy tạo, tà thuyết”. Còn dân Bắc Tông quá tôn sùng bộ kinh “trí tuệ siêu việt không thể nghĩ bàn” mà lại không biết chút gì công phu thiền định để có thể sử dụng cái chìa khóa kim cương ấy. Lại có trường hợp nhiều sư Nam Tông có thể chứng thiền nhập định nhưng lại vẫn không thể với tới bản chất của tâm và bản ngã, nói cách khác là có Định mà không sinh ra Tuệ. Đã có cái tâm rỗng rang của thiền định nhưng vẫn còn nghi vấn chập chùng chưa tìm được con đường để giải thoát khỏi bản ngã và chuyện sinh tử. Có thiền định mà lại không có cái dụng của nó ra ngoài cuộc đời, đây là điều mà trong kinh Nguyên Thủy bị thiếu, bởi vậy mới bị chê là “tiểu thừa” – tu cho bản thân. Thế hóa ra Phật pháp chỉ vậy thôi sao, đi hết các tầng thiền định rồi vào rừng lặng lẽ sống cho tới hết đời, vậy thì đạo Phật có ích gì cho xã hội và thế giới này? Đạo Phật bị phân mảng là có lý do hẳn hoi, vì nếu để nó tồn tại như nguyên bản thì cực kỳ nguy hiểm cho mọi thể chế chính trị và xã hội, cho cả thế giới và nhân loại này. Như một câu hỏi cắc cớ của người ngoài “ai tu cũng giải thoát hết thì trên đời này còn lại gì?”. Để bảo vệ chính mình, bảo vệ bản ngã, sự tồn tại và xã hội, chính con người đã phải phá nát cái chân lý cứu cánh ấy. Bởi vì nếu gom tất cả các mảnh vở lại thành một thể thống nhất bù khuyết lẫn nhau thì sẽ được một sức mạnh vĩ đại “có thể” đánh tan bản ngã của con người, phá tan các thể chế xã hội và hủy diệt cả thế giới này – bằng cách đốt sạch chất keo tham ái trong nó. Tôi viết chữ “có thể” một cách dí dỏm hài hước, vì điều này sẽ không bao giờ xãy ra trên thực tế – mà chỉ có trên lý thuyết. Vì nếu đạo Phật hình thành trở lại nguyên trạng thì lập tức xãy ra một cuộc chiến một mất một còn – và cầm chắc rằng con người sẽ không đứng về phía chân lý – nên đạo Phật sẽ bị tiêu diệt gọn một lần nữa. Tốt nhất là cứ để cho Phật giáo rời rạc và phủ định lẫn nhau, một bên giữ cán một bên giữ lưỡi đao, không thành công cụ gì cả, thế mà Pháp vẫn có sẵn đó cho những ai có công đi tìm và lắp ghép lại. Con người vẫn sống an toàn thoải mái trong cái xã hội đầy tham sân si của vô minh, cái “Kẻ Đó” vẫn vững vàng mà bày biện mọi thứ trên thế giới này. Các Chân Sư cứ ngậm miệng “nói không được” và chân lý cứ thế mà trường tồn song song với vô minh. Cái tối nghĩa và rối rắm cũng sáng đẹp long lanh và tròn đầy như trí tuệ vậy. Tôi biết nhưng cũng sẽ không chỉ ra, cũng không ghép lại hay giải mã để phục hưng lại nguyên hình Phật pháp rõ ràng dễ hiểu. Tất cả sự “vô vi” này là để bảo tồn chánh pháp, vì đó là ý nguyện của Thầy Tổ, của các vị Hộ Pháp.

21-10-14

Viết một bình luận