Chiến thuật 7 bóng tấn công -4

 

V. Vừa đánh vừa làm HLV chiến thuật cho mình

Thật ra chỉ có ở TQ là có các HLV giỏi truyền đời, vì họ có truyền thống bóng bàn, có trường ĐH dạy riêng môn này. Ở Nhật hay Hàn thế nào em không rõ nhưng ở Úc hoặc Phương Tây thì thường là Coach lại dở hơn vdv. Thêm nữa, chỉ có ở Tàu mới có “binh pháp Tôn Tử” hay “Vỏ mục” di thư của Nhạc Phi hoặc Tam Thập Lục Kế. Trên TG thì chỉ có dân Tàu là nổi tiếng về mưu chước và thế trận, ngay cả thế “chiến tranh du kích” thắng Pháp Mỹ cũng là từ Tàu mà ra. Dân Châu Âu đánh trận là cứ dàn quân ra cho sỉ tốt lăn xả trước rồi cứ xáp lá cà chơi nhau, Cờ Vua cũng không khó như Cờ Tướng, em nghe nói Cờ Vây còn khó hơn. Cho nên trong bóng bàn dù Châu Âu có mạnh hơn vẫn chưa có thể thắng được CNT, vì cuộc chiến còn xãy ra giữa hai ông coach – mà cầm chắc là ông coach Tàu giỏi hơn. Ta không có HLV Tây hay Tàu chỉ đạo trận đấu, ta cũng không thể trông chờ vào các ông HLV chỉ biết có cốt Sadius, ta phải tự học cách chỉ đạo chiến thuật cho chính mình. Em sẽ viết chuyên sâu về cách làm HLV trong một bài khác, trong phần này em sẽ nêu ra các bài tập đơn giãn để ứng dụng tự tập luyện, khi vào thi đấu có cái mà áp dụng.
Chiến thuật chỉ được hình thành dựa trên kỹ thuật, nếu kỹ thuật chưa vững chưa an toàn thì chiến thuật bị phá sản hoàn toàn. Nếu kỹ thuật chưa tốt thì nên có các kiểu chiến thuật đơn giãn ngắn gọn, kiểu một chạm hoặc cho đối phương đánh trước rồi tùy cơ ứng biến, có thể gọi đó là các kiểu chiến thuật bị động hay trông chờ vào may rủi. Chính vì tính dễ thực hiện của chiến thuật “một chạm” giao bóng tấn công ngay, mà đây lại là chiến thuật phổ biến nhất ở nước ta. Giao bóng rồi lợi dụng lợi thế đi trước mà tấn công ngay, có thể gọi là có một chút chủ động, nhưng sau quả tấn công ấy mà đối phương phản công lại thì trở thành bị động hên xui ngay. Khi vào thế đỡ giao bóng thì cũng hên xui, vì nếu bị đánh trước cũng không có đủ kỹ thuật để giành lại thế trận. Nhờ vào tính đơn giãn không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, mà lại hiệu quả trong phạm vi các đối thủ ai cũng nghèo kỹ thuật như mình, nên chiến thuật “đánh nhanh thắng gọn” mới làm bá chủ. Vì muốn đưa hiệu quả lên cao nhất nên các đấu thủ ai cũng sắm vũ khí có tốc độ khủng, thực ra cũng là để bù vào các khiếm khuyết ngay từ căn bản. Nhưng cái gì cũng có mặt trái, vũ khí càng nhanh thì kỹ thuật lại càng dở hơn nữa, rồi sinh ra đủ thứ hệ lụy cho tới ngày nay bóng bàn VN mới ra nông nổi này. Bởi vì kỹ thuật lại dựa trên nền móng vũ khí, chỉ vì muốn tăng cường cho cái ngọn mà bứng mất cái gốc, nghĩ lại thì không có gì bậy bạ hơn.
Những gì em viết tiếp theo sau đều dựa trên nền tãng vdv ấy có kỹ thuật đa dạng và vũ khí thích hợp, nếu chỉ biết có một chiến thuật, vài kỹ thuật và vũ khí chỉ làm được có một vài trò thì đừng xem tiếp làm gì, vì sẽ chẳng thể hiểu gì đâu. Nhiều bác khi đọc phần này sẽ thấy rất là phi lý, hoặc rất lạ, chẳng lẽ bóng bàn còn có cái gì ngoài chuyện tấn công để thắng? Chuyện chiến thuật trước nay chỉ không ngoài những trò này: chậm lại, đổi góc, xoáy hơn, giao chuội hay giao ngắn, ép góc rồi đoán bóng,…nếu tính toán nhiều quá sẽ loạn tay hoặc không thực hiện được (vì ngoài phạm vi kỹ thuật). Nếu các bác biết rằng những chiến thuật của em tính trước khi đấu với một đối thủ có khi lên tới 6-7 bóng mới có cửa thắng, thì chắc có người bảo em điên: đánh được 3 quả là tèo rồi thì tính tới 7 quả làm gì! Vì thực tế có những cao thủ quá đều, nếu ở bóng thứ 3 mà không thắng thì em buộc phải chờ tới bóng thứ 7, bởi vì khả năng cho phép em đánh khá dài hơi nên tính tới bóng thứ 9 hay 11 không có gì là xa vời. Vũ khí và kỹ thuật cho phép em tính đường xa bởi vì nếu không ra đòn sát thủ thì em vẫn có đòn mạnh, bị tấn công thì em có thể phản công buộc đối thủ phải cắt cơn, hoặc có thể thủ chì bốn năm quả chờ cơ hội phản công. Vì có vốn nhiều nên ít khi nào phải “móc hết túi ra chơi”, đối thủ mạnh hơn toàn diện thì thắng, nhưng chỉ cần khuyết một mảng thôi là sẽ thấy khó chịu ngay.
Những dân phong trào nên chơi mút Tàu (hoặc mút cứng và chậm, như R7, M1, E-MP,..)bên Fh, bên kia có mấy trò Bh “hiện đại”, vợt khá chậm có thể đở đều nhưng khi cần có thể đánh mạnh. Cái này gọi là “một đao một kiếm bôn tẩu gian hồ”, nếu được vũ khí và kỹ thuật ổn, cộng thêm chiến thuật tốt đánh bình tỉnh thì có thể trở thành một tay vợt phong trào “tiêu biểu”. Khi mà hai càng đều có cú sát thủ lẫn cú an toàn, nếu phòng thủ cũng chì, lại không kỵ gì hết thì còn mơ ước gì hơn? Những đấu thủ kiểu này sẽ mang đậm chất Nam Bộ, vì vừa đánh vừa thưởng thức trận đấu của chính mình, khác với kiểu đánh lấy thắng thua mà trận đấu nhàm chán tẻ nhạt. Xem Zhang Zike đánh vẫn hay hơn Wang Liqin, dù rằng nhiều người khen Wang đánh đẹp hơn. Những gì em viết sau đây là kiến thức của dân chuyên nghiệp, nhưng lại đem áp dụng cho phong trào vì dân “chiên nghịp” ở VN rớt bóng nhanh quá không xài được.
  1. Chuẩn bị chiến thuật trước thi đấu
Phải có một chiến thuật căn bản dựa trên một kỹ thuật căn bản làm thế mạnh. Vd đấu thủ có Bh an toàn và mạnh mẽ thì sẽ lấy chiến thuật nền tãng là đôi công hay chặn đẩy Bh với phần trăm thắng luôn cao từ 80%-100%. Ai có Fh tốt thì sẽ dựa thế trận vào Fh; ai có kỹ thuật kiểm soát bóng tốt, dai như đĩa thì sẽ lấy chặn đẩy bền làm điểm tựa cho tấn công. Nghĩa là phải có một cái gì đó là điểm tựa thì mới tính ra chiến thuật được. Bọn Tàu trước đây lấy Fh làm điểm tựa, nhưng từ khi có luôn Bh thì chúng rất khôn ngoan lấy Bh làm cái thuẫn mà giấu đi Fh, giống như có “hẻo cơ” mà không móc ra xài ngay, cứ quăng hẻo chuồn ra trước, dư dả mà.Em cứ giả định một đấu thủ nghiệp dư có học lóm kỹ thuật Bh và Fh của Tàu, vũ khí và bộ chân tương đối ổn. Với khả năng như thế thì sẽ hình thành được ít nhất là 5-7 chiến thuật căn bản, tuy nhiên chỉ nên lựa lại còn khoảng 2-3 chiến thuật gốc, các chiến thuật còn lại đểu hướng về những chiến thuật chủ đạo. Bọn CNT ngày nay cũng chỉ xài trong vòng 3 bài: né giật Fh bên góc Bh (1); ép góc Bh đấu súng, ai mở đường cho Fh trước thì sẽ vào bài đối giật Fh(2); bài số 3 là đánh đường thẳng về góc Fh khi đang thế ép Bh rồi cũng về thế đối giật Fh. Ngoài ra còn những chiến thuật bóng ngắn trên bàn rồi flick Fh xỉa góc hoặc Bh flick tấn công xoáy nhưng rồi cũng dẫn về 2 bài chính đầu tiên.
Khi đã có 2-3 bài chủ đạo (có liên thông nhau) thì không nên lan man đánh các bài phụ trợ nhiều quá (tham). Dù đánh với bất cứ đối thủ nào cũng phải cố gắng đưa về chiến thuật căn bản vì đó là trận thế của mình, nhưng đó là điều không đơn giãn chút nào. Đối thủ ngang trình với ta sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc là cùng bài mà bên kia mạnh hơn, hoặc là khác bài nên bên kia sẽ tìm cách ép ta chơi kiểu của hắn. Hai trường hợp này buộc ta phải tìm cách thích hợp, phải chuẩn bị ngay từ trước khi vào trận đấu (nếu ta có các đánh giá sơ bộ về đối thủ). Lúc này ta cần phải có các bài trung gian, để “đệm” vào và đưa về thế có lợi cho ta nhất, dù phải đánh theo bài của đối phương (đó cũng là bài của ta). Vd khi CNT đấu với nhau, bên nào cũng có Bh và Fh khủng, nên chúng đưa về một thế trận giữa (không bên nào mạnh cả) rồi bên nào cướp công trước sẽ có lợi thế hơn. Đó là các trận bắt ngắn trên bàn, flick Bh hoặc xỉa Fh, sau đó là một bên sẽ giành thế tấn công, nếu bên kia đưa được vào thế đối giật (cũng chia đều phần thắng cho cả 2) thì thế trận vẫn sẽ là quân bình. Bài Bh của Zhang Xì-ke mà đấu với Ớt-cà-rớt thì rất thất bại, dù rằng đó là chiêu “gầy dựng sự nghiệp”, vì thế Zhang thường giao ngắn xỉa góc rồi né lấy Fh đánh. Giao ngắn và hất góc là chiến thuật đệm, còn né đánh Fh mới là bài chủ đạo của Zhang, tuy nhiên nếu đi theo lối lên xoáy Bh trước rồi né đánh Fh sẽ bị bí cửa với Ovtcharov ngay.
Có chiến thuật chủ đạo và phụ trợ rồi thì phải lựa ra chỉ một bài là mạnh nhất rồi luyện nó cho tới “hỏa hầu”. Gặp đối thủ mới lạ hoắc thì cứ móc ra thử xem tính hiệu quả rồi cất ngay (tại sao thì em có viết ở phần 6 bóng lau mặt rồi). Tuy nhiên nếu đánh với đấu thủ đã biết thì cũng phải suy nghĩ chiến thuật trước khi vào đấu, vì mỗi bài sẽ hiệu quả với từng trường hợp khác nhau, chưa chắc gì bài mạnh nhất đã chiếm lợi thế hoàn toàn. Tính toán chiến thuật trước trận đấu sẽ giúp cho tầm nhìn trong trận đấu được rõ ràng hơn, giai đoạn “thử bài” sẽ ngắn và hiệu quả hơn. Vd em đoán là đối thủ không thể tấn công bóng dài bên Bh mà chỉ thường cắt lại hoặc moi xoáy rồi dẫn tới đôi công đều, nên em sẽ tính trước 3 bài ở nhà. Giao bóng ít xoáy dài qua Bh rồi đánh Fh trước (1), giao ngắn bên Fh rồi xỉa dài qua Bh, sau đó giật Bh hay Fh trước (2); “bợ” nhẹ quả giao bóng dài sang Bh đối thủ, nếu bên kia không tung quả Fh ra thì mình sẽ đánh, vì quả Bh sẽ không uy lực đủ để hạ gục mình. Sơ lược như vậy thì em đã có cái sườn, dựa trên đòn Fh của em an toàn và có cú sát thủ, dựa trên điểm yếu Bh của đối thủ. Vì chỉ là phỏng đoán nên vào trận em sẽ cố gắng áp dụng cả 3, xem đối thủ phản ứng ra sao, nếu thành công thì em cứ vài trái lại làm một lần không cần phải đổi bài khác. Nếu thấy không ổn thì sẽ quay về bài cơ bản rồi dựa vào thế trận lúc ấy mà tính chiến thuật, còn hơn là cứ thong thả đợi vào đánh rồi mới biết mình sẽ phải làm sao.
  1. Đọc chiến thuật của đối thủ
Nếu làm tốt khâu chuẩn bị mà tính đúng nữa thì không có gì nhẹ nhàng bằng, nhưng nếu chủ quan chỉ có “biết ta” mà khinh địch thì coi chừng hửi…; buộc phải luôn theo dõi phản ứng của đối thủ. Nếu là ngang hoặc trên trình độ thì đối thủ sẽ sớm có bài hóa giải chiêu của ta. Kỹ năng “đọc chiến thuật” của đối thủ cũng khó không thua gì nhìn xoáy khi đở giao bóng, đó là yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chơi. Giống như chơi “tiến lên”, một bên có rất nhiều bài khủng mà không biết đánh vẫn cứ thua bên cầm bài yếu mà liền lạc. Đây là một kỹ năng khó mà các bác chơi lâu năm liệt nó vào dạng “kinh nghiệm chiến trường”, mặc nhiên như là chưa dày dặn chiến tích thì chưa có huy chương vậy. Thế mấy thằng tờ-râu Tàu mới có mười mấy tuổi thì lấy kinh nghiệm từ tiền kiếp à, sao nó đập cao thủ TG như đánh tờ-ró vậy? Hóa ra mấy kỹ năng này đều có thể truyền dạy và tập luyện, chứ không nhất thiết phải “chơi lâu lên lão”.
Gọi là “đọc chiến thuật” nghe nó trừu tượng và tối nghĩa, nói trắng ra là đoán xem đối thủ đang tính điều gì, sẽ làm gì để phá các thế trận của mình(thế gác điểm, thế tâm lý, thế chiến thuật,..). Thường trong giai đoạn Readiness đối thủ sẽ suy nghĩ chiến thuật và sẽ biểu hiện khi vào chuẩn bị giao/đở bóng. Thực ra chỉ có vài khả năng: đối thủ sẽ cố gắng dùng “bổn cũ soạn lại” nếu nắm giao bóng, sẽ xài bài tủ đểgiành những điểm quan trọng; đối thủ sẽ cố gắng thử “phá thế” của mình nếu vẫn thong thả (gác hoặc hòa). Một vài vdv thay vì giỏi “rơ tủ” thì họ lại có năng khiếu khoét các điểm yếu của đối phương hơn là áp dụng rơ bản thân. Đoán được cái “triết lý sống” của đối thủ cũng gần như là đọc được hết 80% chiến thuật rồi: tay này sẽ cố gắng thủ chờ mình đánh hư hay là sẽ tấn công tự lấy điểm, hắn thích lập trận hay đi công thành,… Nếu trận không chắc, tướng không mạnh thì cũng không cần cố thủ trận làm gì, cứ đi phá thành đồ sát cho sướng tay. Em nhận xét thấy lối đánh của các cao thủ A1 ở trong Nam (thời của em) thường là không có các bài tủ cực mạnh như ngoài Bắc, chỉ thích đi khoét chiến thuật của người khác rồi tùy cơ ứng biến, ỷ vào kỹ thuật đa dạng. Đây là lối chơi “rất dở” nếu đứng trên thành tích xếp hạng, nhưng lại thích hợp với môi trường phong trào bóng bàn trong Nam.
Muốn đọc đúng chiến thuật của đối thủ thì phải cho họ các cửa để vào, rồi đoán xem họ sẽ khoét vào đâu. Thường thì trước tiên họ sẽ dùng các mũi tấn công dựa vào sở trường, tung hết các chiêu thức vào các cửa mà họ đánh giá yếu. Phải căn cứ vào trình độ chiến thuật của bên kia nữa, xem ông HLV giỏi không, nếu có “xếp” giỏi thì ta lại dễ đoán chiến thuật hơn, vì đối thủ sẽ khoét đúng vào các chổ yếu của ta, và đó là những cửa sinh hiếm hoi mà ông HLV bên kia tìm ra. Đoán đúng bên kia muốn làm gì rồi thì phải dốc toàn lực mà đánh chận ở những cửa đó, hơn thua nhau ở chổ ai chuẩn bị lực lượng trước. Vd như em thường ăn điểm bằng Bh, vì nhiều người sợ Fh em mạnh nên cứ đưa qua Bh chờ chết; sau đó có có mấy bác bẩu rằng em di chuyển yếu nên chơi trò lùa vịt qua Fh. Vì đoán sai nên em vẫn thắng (vì chỉ có thể lùa những đứa lùi ra xa), bây giờ có những ông HLV giỏi hơn bắt bài đánh chết Bh của em (đánh thẳng vào cửa tử vì Bh của em cũng không yếu). Gặp những thằng chơi trò này thì đáng ngại thật, vì buộc mình phải thủ Bh hết sức tốt để sẳng sàng đấu pháo, hoặc cố đổi sang bài công Fh trước. Đọc được chiến thuật của đối phương quá dễ, vì chỉ có một con đường sinh duy nhất là đánh hết lực vào Bh của những đứa đánh rơ Tàu mà còn ham ôm Tây (như Zhang Xì-ke, Fang Zhen Dong). Còn trong những trường hợp khác, chấp nhận đọc sai chiến thuật nhưng đối thủ cũng không thắng được. Hay nói cách khác, rơ hiện đại của Tàu không cần phải đọc hay đoán chiến thuật của bên kia nữa; chỉ có 1-2 con đường để đánh vào mà thôi, ngoài ra toàn là đường chết. Chính vì thế mà CNT đấu với nhau lại quá đơn giãn, đánh như biểu diễn vì đã đoán được 99% là sẽ bị đánh tiếp vào đâu, những quả “ngoài luồn” thường là chết ngay (hoặc ta hoặc địch) nhưng nếu đã đánh theo guồng máy đó rồi thì khó mà đánh lệch đi được. Vd nếu ép một quả Bh qua cạnh bàn bên trái cực nhanh thì cầm chắc phải trả vào giữa bàn hoặc góc Bh lại, không có cách nào bắn thẳng “chữ i” được; dở nhất là trả vào giữa bàn nên thường là đối thủ cũng sẽ ép lại một quả Bh sát cạnh như thế. Nên ta cứ thấy vừa đánh xong là chân bọn chúng đã nhãy mà không bao giờ phán đoán sai.
  1. Đoán chiến thuật tiếp theo
Nếu nói đánh như CNT thì khỏi cần chiến thuật làm quái gì nữa, khỏi cần đọc đoán gì bên kia cho mệt, cứ theo bài mà phang nhau. Bởi vì bọn nó cũng quanh đi quẩn lại có vài trò quen quá rồi, nếu đổi tức là chọn chiến thuật yếu hơn. Tuy vậy bọn nó vẫn cứ đổi, vì nếu không còn đường để đi thì lối nguy hiểm cũng phải liều. Đánh trong giới phong trào VN thì chuyện “đổi bài” gần như là một chiến thuật tờ-rí-tệ ghê lắm, chỉ có HLV “lâu năm kinh nghiệm” mới có thể chỉ dẫn được, thường thì chỉ có một bài đánh hoài. Hoặc chỉ có những “cựu chiến binh” dầy kinh nghiệm mới dám lấy lợi thế từ chuyện đổi chiến thuật, nghĩa là chúng ta vẫn cho rằng chuyện “có thể đổi” là cái gì đó có hiệu quả ghê lắm, lợi thế vl (kiểu như đổi bài làm rối loạn chiến thuật của đối phương rồi mình mới soi ra điểm yếu). Cá nhân em thấy rằng trong thi đấu mà đổi bài tức là đang bất lợi, dầu em có cả chục tuyệt chiêu từ phủi tới tuyển Tàu-hũ. Đánh với những đứa thường đổi bài thì em thích ghê lắm, dù rằng có vài điểm chúng chiếm lợi thế, nhưng chung cuộc vẫn rất loạn, nhất là trận đấu càng kéo dài càng có lợi cho những đứa có một bài tủ khá vững (kiểu 7 bóng tấn công). Bọn năng khiếu VN cũng giữ một hai bài làm rường cột, nhưng chỉ vì chúng chỉ biết có bấy nhiêu, chứ không phải vì chúng biết giữ vững chiến thuật. Một vài ông HLV thích làm quân sư quạt máy, cứ thấy đánh là nhào vào chỉ túa xua, càng có hại cho quân ta, bởi vì chỉ có 1 con đường sinh. Những ông HLV giỏi không nói nhiều nhưng lại có thể bao quát cả séc đấu, bởi vì khi giải quyết một vấn đề, các lão ấy làm việc rất có hệ thống, và kết quả đúng lại rất đơn giãn.
Không cần quan tâm mấy đứa loạn chiến thuật, chúng càng đổi càng chết, ta chỉ sợ những đứa có 2-3 cây bài nhưng cực mạnh, mà ta lại không biết chúng đang thủ cây nào mà sắp đánh ra chiêu gì. Trong vòng một séc thì không có ai can thiệp, vdv tự đấu với nhau, lúc này chiến thuật là kết quả của sự chuẩn bị trước trận đấu. Giả sữ trong nửa séc đầu A xài một chiến thuật chủ đạo nhưng có phần yếu thế hơn B (thường là sau 2 lần lau mặt, 12 bóng) thì A sẽ tính tới chuyện đổi bài khi nắm 6 quả cuối. Điều mà B cần làm là đoán khi nào A sẽ đổi chiến thuật (1), và thay đổi theo hướng nào (2). Nếu thế trận là chênh lệch thì khá dễ đoán, hiếm có đứa CNT nào để ăn một lèo 3-4 quả mà vẫn “kiên trì với lý tưởng” (nếu vậy thì nó qua VN đầu quân chắc được trọng dụng), còn thằng đang gác điểm thì cũng biết điều ấy nên sẽ tìm cách chặn đầu mọi cơ hội của bên kia. Khó ở chổ thế trận cân bằng, không biết khi nào một bên sẽ bứt phá, dù trên lý thuyết là từ giữa trận trở đi. Nếu biết lúc nào đối thủ đổi bài, thì cần phải đoán luôn ra bài gì cho trọn, nếu không thì chỉ tổ gây lo lắng vô ích mà thôi. Thường thì sau quả đầu tiên đổi chiến thuật, sẽ cho kết quả, căn cứ vào đó mà đối thủ sẽ giữ hay biến đổi tiếp. Đoán mò là năng khiếu của một vài vdv có giác quan thứ 6 bén nhạy, hoặc vì thi đấu chịu để ý, hoặc nhờ có HLV giỏi huấn luyện từ trước. Nếu em tự tin dám nói có thể truyền dạy được kỹ năng này cho đệ tử thì em không cần phải chém gió trên này làm gì, đi làm coach kiếm tiền nhiều hơn, đã dạy trực tiếp chưa được thì viết ra đây vô ích. Để tổng kết phần đoán mò này, em xin giới thiệu một kỹ năng cực khó khác, đó là chiêu dùng mắt “chiếu tướng” đối thủ của Schlager, vừa đàn áp tâm lý, vừa như là thôi miên đối thủ làm theo ý mình. Em chưa đủ khả năng này nhưng em có thể “dụ” đối thủ đổi bài bằng cách giả vờ để lộ vài điểm yếu, như vị trí đứng, cách di chuyển, giao bóng hơi cao,…nếu bên kia không quá mù chiến thuật thì hắn sẽ đánh như em mong muốn, chiêu này hình như trong Tam Thập Lục kế có viết tới.
  1. Cách đổi chiến thuật trong một séc đấu cho phù hợp
Bây giờ là lúc ta phải đổi chiến thuật, cũng là câu hỏi ấy: khi nào đổi (1) và đổi thế nào (2)? Nếu ta cứ thắng mãi thì có nên đổi không, nếu thế trận giằng co thì làm sao, nếu đối thủ mạnh hơn ta thì phải làm sao? Nếu ta có 2-3 bài đều mạnh như nhau, thì hai câu hỏi “khi nào” và “như thế nào” lại trở nên quá đơn giãn. Thấy sau hai điểm thất bại chiến thuật thì phải đổi, vdv nào giỏi hơn nữa thì đã đổi ngay từ quả thua đầu tiên nếu phân tích ra đối thủ đang chơi bài kỵ của mình. Giống như chơi “oẳn tù tì” vậy, ai có năng khiếu chơi trò này thì sẽ biết cách đổi bài cho thích hợp. Trong trường hợp tất cả đều thất bại thì phải dựa vào thế trận bị động, nghĩa là khi ta đở giao bóng phải tìm cách phá cách đánh của bên kia trước. vd A giỏi dứt điểm Fh và thường giao dài, B cũng thích giao dài để chặn đẩy góc, A gác B trên chiến thuật chủ đạo. B đổi bài giao ngắn nhưng không chặn đẩy góc được, cũng không tấn công trước được, B không có bài khác. B phải đổi thêm lần nữa bằng cách cắt nặng quả giao, sao cho A phải moi xoáy rồi B mới đẩy góc, hoặc B moi xoáy trước qua trái rồi sau đó mới lùa góc phải. Nếu B đổi chiến thuật đúng lúc, lấy được mấy điểm quan trọng rồi quay lại bài tủ của mình, khi A đã không dám tấn công mạnh nữa (vì sợ hở bộ) thì B đã vào đúng bài. Nếu B đổi kịp lúc, gỡ và ăn lại lúc gần cuối séc thì A không còn thời gian để mà hiệu chỉnh nữa, A càng rối thì B càng có lợi.
Chiến thuật không cần phải đi chung với giao bóng hoặc theo một trình tự định sẵn. Một chiến thuật có thể xài với nhiều kiểu giao bóng khác nhau, ngược lại một kiểu giao cũng có thể có rất nhiều chiến thuật biến hóa. Một chiến thuật có thể bị thất bại nếu kiểu giao trúng tủ đối phương, hoặc các kỹ thuật phối hợp không đủ mạnh, hoặc không đủ phá vỡ “hàng phòng ngự” của đối phương,…vv,... Vd A có nhiều kiểu giao khó và quả Fh đầu khá mạnh, nhưng nếu gặp gai dài thì A phải giãm độ khó lại và quả Fh đầu cũng bớt sung, vì phải nhìn xoáy lắc léo của đối phương – chiến thuật chính của A đã bị phá sản ngay từ đầu. B cũng có hai càng đều, biết đánh với phản xoáy nhưng vì đối thủ gò chặn tốt quá nên tự đánh hỏng sau 3-4 lần tấn công – chiến thuật của B cũng bị thất bại. Nếu A biết đổi bài thì sẽ chuyển sang giao dài một kiểu xoáy, rồi đoán xoáy lại mà đánh cú Fh uy lực, tấn công tiếp nếu đối thủ có đở được – tuy nhiên chỉ nên xài vào những lúc tự tin hoặc bứt phá cuối trận đấu, nếu thế trận không xài vẫn cầm cự được. B nên tận dụng sự đều hai bên và kinh nghiệm đánh với phản xoáy nên chỉ cần giao giữa bàn rồi phang hai càng, nếu tấn công bị chặn tốt quá thì cứ đánh một quả nhả một quả – vì không ngại phản xoáy nên cứ đánh đổi góc hoặc đổi càng, đánh vài trái thì quay lại chiến thuật gốc xem có hiệu quả lại chưa. Khi đánh với những rơ chuyên “phá bài” (như gai dài, rơ già, rơ quái chiêu,…) thì càng có nhiều kiểu giao, nhiều bài thì càng có lợi thế, nhưng vẫn cứ phải dựa trên 2-3 bài chủ đạo không nên để bị dẫn dụ lọt ra ngoài rồi không biết cách nào quay lại.Tuy chiến thuật không bị lệ thuộc vào cú giao, nhưng nó cần 1-2 cú giao chính để làm trụ, hoặc 1-2 kiểu đở giao để “dẫn bài”, kiểu có “đồ chơi lớn” thì cần phải có con bài mối mới “có dòng” để “chặt hẻo” được. Nếu không thì cũng phải xé lẻ bài ra mà đánh, chứ không thể ngồi chờ thời được – trong bóng bàn đôi khi một chiến thuật mạnh cũng phải bị xé nhỏ ra rồi ráp thành một bài khác, khi gặp kỵ rơ.
Khi đánh với rơ “năng khiếu” hoặc “cơ bản” nghĩa là chỉ có 1 bài luyện suốt thì chỉ cần đổi kiểu bóng chứ không cần đổi bài. Những vdv tập một bài theo ngày này qua ngày kia đã dự liệu trước tất cả các trường hợp có thể xãy ra, nhưng không phải ông HLV nào cũng có nhiều vợt hoặc có thể tạo ra nhiều kiểu bóng khác nhau. Nếu bắt được ông HLV bên đối thủ chỉ xài một loại vợt (vd Sadius) rất nghèo nàn về khả năng tạo sự khác nhau, thì khả năng biến hóa xoáy bên ta càng nhiều càng lợi thế. Em từng đánh với những đứa giật trái phải như điện khi tập luyện, nhưng vào trận lại rất sợ quả chém bóng chậm cực xoáy, hoặc sợ quả moi xoáy chậm trong bàn, thậm chí những quả không lực ít nãy chúng cũng ghét. Hóa ra ông HLV của chúng chưa từng dạy chúng đối phó mấy bóng này, vì ổng không tạo ra được. Bọn này mà đánh đôi công hay đối giật với chúng thì cứ xác định là nát xác, nhưng cứ chém nặng rồi bạt nhẹ nhẹ, lên xoáy kiểu khều khều thì chúng đánh nhìn chả ra làm sao cả. Bài tấn công hay phản công của ta vẫn cứ giữ nhưng nếu bên kia không đổi bài được – vì cố thủ một bài khủng mà ta đánh không thủng – thì ta không nên đổi bài vì như vậy ta vẫn cứ sẽ thua, bên kia đã tính hết các đường binh rồi. Binh Pháp có câu “tương kế tựu kế” hoặc “dùng sức không được thì dùng mưu”, ta không đổi bài được thì ta buộc bên kia phải đổi bài. Vd A có cú giao tốt và có hai càng dứt điểm khá mạnh, A tập bài giao bóng tấn công thuộc như cháo, có thể mồi xoáy rồi đánh chết quả thứ 5. B đánh mút Tàu bên Fh và có cú Bh hiện đại dán T64, B không thể đánh Bh mạnh quả đầu, mà đổi bộ đánh Fh thì bị bên A bắn góc. B bèn dùng Fh đở bóng thiếu lực biến hóa xoáy, A vẫn tấn công được nhưng phải giãm nhẹ độ sát thủ, B có cơ hội đôi công Bh hoặc phản công Fh. B có thể chém nặng dài, buộc A đở lại rồi mới theo bài của mình đánh tiếp. Trong đôi công, B biến hóa từ rất nhiều xoáy tới ít xoáy, A sẽ luôn bị động, khi A đở lại thì đến lúc B tấn công. Khả năng đổi xoáy của B rất cao nhưng khả năng đổi bài của A rất ít, nên kết quả là B có lợi thế chủ động trong trận đấu.
Ít có ai đổi bài sau vài trái đầu séc, trừ khi vừa đánh 1-2 quả đầu tiên là thấy “trúng tủ” đối phương. Chuyện kêu time-out ngay từ séc đầu cũng vẫn thấy trong các trận đánh của CNT, vì sự tính toán ban đầu đã sai nên buộc phải thay đổi tức thời – tuy nhiên chỉ là trường hợp bất đắc dĩ. Một vài trường hợp đặc biệt khác có thể xãy ra, như A chưa từng biết B, nên sẽ “thí cô hồn” nữa séc đầu “rà đài” bên B, đó là trường hợp thiếu giai đoạn chuẩn bị. Cũng có khi A dẫn trước 2 séc, muốn “tìm hiểu” thêm về B, hoặc theo nhiệm vụ của HLV phải thử hoặc phá kỹ thuật và tâm lý của B. Vd B có cú moi xoáy khá độc, nhưng A quyết định làm mất tinh thần của B, để trận sau đồng đội ít gặp khó khăn hơn. A bèn chém nặng hoặc đánh ngắn, khiến B bị nhát tay phải đổi chiến thuật khác, vào trận sau chưa chắc B có thể quay lại thế mạnh của hắn. Em để ý một buổi đấu nếu trận đầu tiên thua mất tinh thần thì các trận sau thường đánh rất tệ, các HLV luôn nắm rõ điều này. Một trận thắng 3-0 không ác bằng cho đối thủ gỡ lại 2-2 rồi mới giết séc chót, như vậy trận sau đối thủ sẽ mất tinh thần, hoặc lần “tái nạm” cũng sẽ không biết phải đánh bài gì.
Cũng không ổn nếu đổi bài hoàn toàn vào cuối séc, nhất là khi bài ấy không nằm trong nhóm 2-3 bài chính. Em từng thử nghiệm nhưng thường là kết quả rất tệ, dù bài đó khá hay, biết đối thủ kỵ nhưng không nằm trong mớ “tuyệt chiêu” của mình thì giờ chót càng không nên thử. Bài kỵ chỉ xài khi mình gác 1 điểm, đánh gục tinh thần ngoi lên ở điểm thứ 2 sau đó. Hoặc khi đang bị thế dẫn điểm, đối thủ bứt phá thì việc chuyển sang bài kỵ sẽ buộc đối thủ phải khựng lại, xe đang tăng tốc phải khựng lại là chắc chắn sẽ rơ máy, thường thì bên thua sẽ đánh tiếp một quả nữa hoặc quay ngay lại bài mạnh nhất để ăn tiếp điểm nữa. Ma Long thường xài bài này bằng cách đứng giữa bàn giao bóng, Wang Hao cũng có trò giao bóng Fh bên góc phải, Xu Xin đứng nép góc tay trái thỉnh thoảng cũng giao bóng bằng mặt Bh nhưng tung bóng và đứng y chang như giao Fh. Điều làm em nghĩ mãi vẫn chưa thông là tại sao mỗi lần chúng đổi giao hay đổi chiến thuật đều hiệu quả dù nhìn dễ òm, nhưng em đổi chiến thuật thì lại thường là thua luôn quả ấy. Khả năng cao nhất mà em đoán là, bọn chúng đổi kiểu bóng thì cả hai cùng bị ảnh hưởng, nhưng bọn CNT đã tập qua tất cả các kiểu bóng khác nhau nên chúng chỉ cần thư giãn mà đánh, đang thế trận dẫn điểm tự nhiên bị kéo về thế “thả xí ngầu” nên sẽ gây mất đà. Còn trình gà như chúng ta mà đổi bài thì thường kèm theo đánh chậm lại vì phải lo phán đoán bóng, kết quả là thằng đang hơn điểm sẽ thư giãn tâm lý – nên có lợi thế hơn. Nếu có đổi bài thì (theo kinh nghiệm của em) nên đổi về chiến thuật đơn giãn hơn hoặc bóng một kiểu xoáy (thật nặng, thật bung hoặc không xoáy) thì sẽ hiệu quả hơn là ngoái xoáy cho lạ vào rồi thì người thua là mình. Thua một điểm không sao, cái dỡ nhất là thua vì sai lầm của chính mình, nên thường là kéo tâm lý xuống thấp theo.

 

VI. Cách chỉ đạo chiến thuật giữa trận đấu

Phần này đáng lẽ phải viết trong một topic khác (về cách làm HLV) nhưng em chỉ tóm gọm phần chỉ đạo chiến thuật, em sẽ viết chi tiết hơn trong bài sau. Làm “chỉ bậy viên” quả là không đơn giãn tí nào, nếu muốn đưa ra những chỉ dẫn đúng và có lợi cho đồng đội. Bọn Tây làm việc theo nhóm rất giỏi, đá bóng cũng có tinh thần đồng đội rất cao, nhưng đánh bóng bàn thì vẫn cứ nghĩ là một chọi một – theo kiểu đánh trận ngày xưa. Dân Châu Á, đặc biệt là Tàu, luôn có truyền thống “quan hệ nhờ vả” lẫn nhau rồi chia việc ra làm. Vào Chợ Lớn chúng ta sẽ thấy người Hoa liên kết tương trợ nhau rất chặt chẽ, họ phân chia nhau ra để nắm các đầu mối làm ăn, rồi giữ vững không để dân khác chen vào – ta gọi là các Bang Hội. Trong bóng bàn cũng vậy, ai nghĩ đó là trận đấu đơn giãn 1 vs 1 tức là còn chưa biết gì về bọn Tàu. Đã qua rồi cái thời bọn HLV Tàu chơi gian lận bằng cách ngầm ra dấu bằng các ám hiệu (kiểu “cố lên”, “hay lắm”, “hảo hảo” + vổ tay 2 cái, hoặc “đúng rồi” + vỗ tay 3 cái,..tất cả đều có ý nghĩa riêng chứ không phải chỉ thuần là cổ động). Bọn ITTF phải đổi luật bằng cách buộc HLV không được nói tiếng gì hết, chỉ được vỗ tay, thì sau đó cũng có ám hiệu vỗ tay, hoặc cho người lên khán đài hô các khẩu hiệu hoặc ra dấu,…(vì vậy mà mới có một cái camera chỉa thẳng vào ông Coach, lão mà ra dấu là bị ăn thẻ đỏ ngay). Đó là cái thời bọn Tàu còn chơi trò tiểu nhân ám muội, bây giờ các trò đó đã vắng mặt, bọn Tàu chơi kiểu Hiệp Sỹ vậy mà bọn Tây vẫn cứ trong thế 1 chọi 2. Thực ra là 2 chọi 2 nhưng lấy đâu ra ông Coach mập như Liu Goliang bỏ vào chổ cái ghế ấy. Coach của bọn Tây toàn là những tay già khú chơi rơ xưa lạc hậu, hoặc những tay đi theo cầm khăn vô nước, chứ làm sao giỏi bằng hoặc hơn thằng vdv – chứ đừng nói là điếm hơn họ Liu. Nhưng dù có Waldner ngồi nghế coach thì sao chứ? Biết chỉ đạo cái gì và biết làm gì khi thằng vdv đang thi đấu? Nếu cho em ngồi nghế HLV của tuyển VN thì em cần…1 tiếng để có thể chỉ hết các chiến thuật và những gì cần quan tâm, bởi vì gà của em sai lầm nhiều quá. Khi thằng vdv càng giỏi, càng tập luyện có bài bản chiến thuật rõ ràng thì chuyện chỉ đạo mới có thể khả thi trong vòng 1 phút. Để ý các lần bên CN chỉ đạo cho CNT, sau khi vào trận bọn chúng tươi lên hẳn như nắm được cái gì chắc ăn lắm, và điều ấy không phải chỉ là tâm lý. Bởi vì giữa HLV và VDV có sự phân công rõ ràng: vdv nhìn chi tiết rồi ứng biến chiêu thức theo bài có sẵn, ông hlv nhìn tổng thể và ghi nhận lại thế trận ở cái nhìn khách quan rồi hiệu chỉnh chiến thuật. vdv chỉ nhìn thấy phần trên của đối thủ còn ông hlv nhìn thấy cả hai bên và các ứng phó hiệu quả ra sao. Chính vì đã có tập luyện và quy ước nên việc làm của ông HLV bây giờ trở nên vô cùng đơn giãn, chỉ cần quan sát theo dõi kỹ trận đấu để bắt bài đối phương rồi hướng dẫn tổng quát những gì mà tay VDV không thấy được khi cắm đầu đánh. Ra đứng nghe chỉ đạo thì hiếm có thằng CNT nào dám cãi lại với quân sư, bởi vì hai lẻ: tay HLV thấy được nhiều thứ hơn, và cứ vững tin làm theo nếu có sai thì sẽ đổ thừa “ông chỉ bậy làm tui đánh thua”. Vì hoàn toàn tin tưởng vào “ông thầy” nên chúng rất liều lĩnh, lão Liu cứu Zhang Zike và Ma Long nhiều trận thua trông thấy, hoặc thằng Fang mới mười bảy tuổi đầu đã đánh hói lão Săm-soi-lốp mà không ngại bất cứ quả phản công hay tấn công nào – những điều ấy chỉ có thể lý giải rằng bọn HLV của CNT quá là giỏi.
  1. Trước trận đấu
Cũng giống phần “chuẩn bị chiến thuật trước trận đấu”, thay vì VDV tự làm thì bây giờ chỉ cần tập trung vào các bài tập kỹ thuật và chiến thuật định sẵn, còn lão HLV phải làm cái việc soi xét tính toán (kiểu như Quan Công chỉ cần vác đao ra chém, còn chặt chém thế nào thì đã có Khổng Minh lo liệu). Em không biết mấy bác “cầm quần” ở các giải Premiership có làm mấy chuyện tính toán chuẩn bị, hay là chỉ cần thả gà vào là chiến. Thực ra cho em cầm một đội gồm nhiều “cao thủ” thì em cũng không thể làm gì, vì “cao thủ” vốn tự cao nên đâu có nghe lời HLV, cứ ỷ sức hoặc ỷ vào vài cú đánh thần tốc của mình. Hơn nữa, nếu các cao thủ này chỉ biết có 1 bài và xài vợt cũng không có khả năng hiệu chỉnh lớn thì cũng không có chiến thuật nào khác. Vào trận đánh cũng không biết phải chỉ đạo những gì khi bên mình ít bài quá. Quá trình chuẩn bị trước trận đấu không phải chỉ diễn ra vài giờ hay vài ngày trước đó, mà có khi đó là từ nhiều năm tập luyện. Gà em luyện từ bé thì vào trận em chỉ dẫn rất vắn tắt, người ngoài nhìn vào chẳng hiểu em chỉ thế nào mà trong vòng mấy câu tiếng Anh ba-rọi lại có thể bao quát cả séc đấu – còn người ngoài nhào vào chỉ thì nó đánh túa xua.
  1. Giữa các séc đấu
Đây là lúc ông HLV cùng đánh trận với gà nhà, tùy vào khả năng mà trận đấu có phải là 1 chọi 2 hay chỉ là 1. Ông coach chỉ tham gia trận đánh có 1 phút ngắn ngủi giữa mỗi hiệp nhưng phải làm việc cật lực trước trận đấu và luôn cả lúc VDV đang thi đấu. Ông ta phải nhìn cả hai, xem điểm yếu của đối thủ và gà mình có nhìn ra và hành động đúng không; mặt khác phải nhìn lỗi của gà nhà rồi xem đối thủ có khai thác được không- hay đối thủ đã biết nhưng chưa tận dụng. Tổng quát mà nói thì ông HLV chỉ nhắc tuồng cho VDV trình diễn, vì đôi khi hăng say diễn xuất quá lại quên tuồng. Nếu ông “chỉ bậy viên” mà đúng thì vdv đó sẽ có thêm được ít nhất là 2 điểm lợi thế: áp dụng bài đúng sẽ thắng trọn những điểm đầu, khi đối phương chưa kịp nhận ra. Những kiểu chỉ dẫn “sau một quả thắng bằng bài X, phải làm thế này thế này, vì bên kia sẽ làm thế nọ thế kia,..” nếu đúng sẽ giúp vdv thêm ít nhất là 2 điểm nữa. Nghĩa là ông HLV có thể đánh không lại thằng vdv đối thủ, nhưng ổng có khả năng bắt bài rồi chỉ lại cho đệ tử đánh. Vừa đối phó với kỹ thuật mạnh mà thêm bài đã bị nắm, thì vdv nào mà không bối rối? Đó là trong trường hợp cả hai đều có kỹ thuật hoàn thiện, chỉ me đâm thọt nhau trên bàn cờ thế. Còn khi một bên có khiếm khuyết nào đó về kỹ thuật, di chuyển hay tâm lý mà bị phát hiện ra – mà đối thủ lại có khả năng khoét vào – thì trận đấu đã nghiêng hẳn về một phía rồi.
Trong một phút ngắn ngủi đó, ông coach nào nói càng ngắn gọn, dễ hiểu và dễ làm thì càng thành công. Vd có trận em chỉ cần gọi ra chỉ “anh đừng đánh xoáy quá, nó đang chơi trò mượn lực và xoáy đó” thế là ông anh vào đớp gọn đối thủ. Có trận em nghe cả đám nhào vào chỉ tùm lum mà séc sau vẫn thua, vì đánh Fh hỏng nhiều quá; séc sau em bảo “coi lại cái ngón tay trỏ cầm vợt lỏng quá, lùi chân phải ra” chả liên quan gì tới kỹ thuật hết, nhưng vào trận đánh rất uy lực. Hoặc có lần em chỉ đạo đồng đội thịt một thằng rất mạnh Bh “nó đánh mạnh nhưng thời gian reload chậm quá, chỉ đánh chết những quả chậm mà khựng lại, cứ đôi công nhanh hoặc trả nhanh qua Bh của nó chứ đừng sợ mà đổi cánh”. Thường thì sẽ có một vài chỉ dẫn tấn công lấy điểm, hoặc là các cảnh báo điểm yếu coi chừng bị khai thác, và cũng nên bao gồm những tính toán cho 4 quả cuối trận. Trong vòng 1ph không nên nói quá 10 câu, mà có ăn gian nói thêm nhiều cũng sẽ mất tác dụng, nói nhiều càng làm rối vì chả nhớ được bao nhiêu.
  1. Time-out
Đây là một chiến thuật rất hay nhưng chỉ được xài có 1 lần trong trận đấu, cộng với của đối thủ nữa là 2. Bọn CNT rất thường xài chiêu Time-out (T) vào những lúc bị dẫn điểm, hoặc đang gác điểm thì chớm thấy khí thế đang lên của đối thủ. Một lần T nếu sử dụng đúng sẽ cho kết quả thắng séc ấy, nên rất thường thấy trong những séc quyết định. Vd đang dẫn 2-0 mà bị đối thủ chớm tìm cách gở lại thì đó là lúc xài T để làm đối thủ mất đà, nếu thắng 3-0 thì đường gỡ lại trở nên xa vời hơn rất nhiều (vd đánh 7 séc). Hoặc để thua 2 séc thì séc 3 bên thua cũng tìm cách xài T để hòng cắt đứt cái thế dẫn điểm, nếu thắng lại 1-2 thì đấu thủ sẽ phải bị áp lực rất nhiều. Tuy nhiên có lúc cũng thấy CNT xài trong séc 1 hoặc 2, khi ông coach nhận thấy những gì mình đoán lại rơi ngay cái bẫy của đối thủ – nghĩa là cầm chắc thua séc ấy nếu không có sự hiệu chỉnh kịp thời.Một séc đấu đáng giá để xài T lắm chứ, nhưng nếu thế trận hòa nhau thì chắc chắn bọn CNT sẽ để dành T cho tới lúc cuối cùng, nếu không có biến, bởi vì một khi con bài này chưa quăng ra thì đối thủ vẫn còn rất dè dặt không dám manh động, kiểu như “có hẻo” mà không dám quăng ra vì sợ bị “chặt”. Thường là bọn chúng sẽ kêu T trong các trường hợp sau: đang về gần tới đích với khoảng cách an toàn 3-4 điểm, đột nhiên đối thủ bắt bài gỡ lại 1-2 điểm; đang thế so kè đột nhiên bị mất bài để đối thủ vọt lên; đã thua 2 séc mà séc 3 vẫn còn thế trận đàn áp; séc chót ở những điểm quan trọng,…ngoài chuyện “cắt cơn” hay “phá trớn”, các đấu thủ có 1ph để được các thầy gạo bài lại. Bên thua sẽ được chỉ dẫn lại, còn bên thắng vẫn được sự trợ giúp, nhưng chỉ cần sơ suất là bị lấy lại thế trận.
Ta cũng phải đề phòng đối thủ xài T vào những lúc ta cần bứt phá, nếu lỡ bị T thì cái đà lúc nãy chưa chắc bây giờ vẫn còn, hoặc đối thủ đã chuẩn bị kỹ. Nếu xài lại bài khi nãy cũng dở, vì đã có ứng phó, mà không móc ra chơi thì uổng công nuôi cho béo tốt. Cứ hễ T là bên đang tăng tốc sẽ mất lợi thế, vì vậy – như đã nói từ đầu – bọn CNT thường rất cẩn thận khi tăng tốc, dù trên cơ chúng vẫn giữ thế trận ngang ngửa. Trừ khi bên kia đã xài hết lượt T thì mới dám thoải mái mà tăng tốc, thế mới thấy con bài T có giá trị dường nào. Lỡ dồn hết sức bứt phá mà bị bên kia kéo lại thì có thể “quê cơ” hoặc nãn chí dẫn tới thua cả séc và trận đấu, mà xài T là một trong những cách hiệu quả nhất. Ông HLV ngồi ở góc là người sẽ gọi T, nhưng theo luật là VDV mới là người quyết định, trọng tài sẽ nhìn VDV chứ không nghe theo HLV. Bọn CNT nhất định luôn nghe theo HLV nhưng bọn “thế giới còn lại” chưa chắc đã đồng ý, chỉ cần một chút nhỏ đó thôi cũng thấy là 2 đánh 1.
  1. Chuẩn bị cho đối thủ tiếp theo
Một vấn đề rất thường thấy là trong một buổi đấu nhiều trận, gặp nhiều đối thủ chơi rơ khác nhau, chúng ta thường sẽ bị lúng túng trong những séc đầu. Nếu đổi từ đối thủ xài vợt cứng sang vợt mềm, hoặc vừa đánh với Bryce thì gặp phải Gai, vừa đánh với Tenergy thì gặp mút chết. Gặp chiến thuật khác nhau cũng rất mệt; Vd vừa chơi với rơ một chạm lại gặp phải rơ chặn lùa góc, hoặc rơ thủ chì chém nặng,…nếu là ngang đẳng cấp thì phải mất ít nhất là 1 séc bất lợi rồi mới may ra tìm được cách đánh hợp lý. Nguyên nhân bởi vì cái “trớn” của trận trước, ta đã quen với kiểu bóng của tay vợt kia thì gặp kiểu bóng mới sẽ thấy toàn bộ kỹ chiến thuật bị phá sản – dù là có tập đối phó trước ở nhà – vd như đụng với gai thủ sau khi đánh với rơ tấn công. Đó cũng là lý do một đội đi thi đấu nên có các rơ khác nhau phối hợp, nên có gai và tay trái, có mút Tàu và mút cũ vợt chậm càng tốt. Bên gai có khi không mạnh, nhưng lại thắng vì đối thủ chưa quen và kéo theo trận sau đồng đội thắng luôn (khi bên kia bắt đầu loạn tay và bối rối chiến thuật).
Để chuẩn bị cho một trận đấu kế tiếp thành công thì ta phải nắm vững các yếu tố tâm lý, nếu lỡ thua hay thắng thì cũng phải quên hết. Vì cái cảm giác sau trận đấu sẽ rất ảnh hưởng tới trận kế tiếp, lỡ thắng rồi sung quá gặp nhằm rơ thủ chì mà ta tấn công ầm ầm thì cầm chắc là sẽ xìu ngay. Nếu có thua thì cũng phải gạt cảm giác “bế bài” ấy qua một bên, vẫn giữ cái tâm lý “không đánh được” ấy vào trận sau thì cũng sẽ tiếp tục một “ngày xui” mà thôi. Chuyện thua xui cả ngày là bình thường, không phải vì bước chân trái ra cửa hay ngày xấu, mà vì ta để cho cái “cảm giác thua” ấy đi theo suốt. Bài tủ ta xài không được với đối thủ trước, chưa chắc gì đối thủ sau cũng phá được, có người bị “mất bài” một lần rồi không dám xài lại cho tới suốt buổi đấu hôm ấy – đó cũng là lý do khi đánh đồng đội, thắng một trận không hay bằng cách thắng luôn tâm lý đối thủ, khiến hắn xìu luôn cả buổi mới ác. Nếu thắng giòn giã trận trước, chưa chắc gì sẽ thành công trận sau, vác cái chiến thuật thành công ấy đem áp dụng tiếp có khi lại đại bại. Một sự thật hiển nhiên là không ai giống nhau, dù chơi cùng kiểu vũ khí học cùng thầy; đó là chưa nói chuyện gặp đối thủ khác hoàn toàn. Quên hết trận đấu trước, cũng giống như các lần lau mặt hay ra nghỉ giữa séc, ta cũng phải “làm tươi mới” lại cái suy nghĩ chiến thuật, đừng để cái cảm giác bí thế hay chủ quan xen vào. Cách hay nhất là xem vợt đối thủ, đây là một chiêu tâm lý rất mạnh mà luật pháp cho phép. Khi bắt đối thủ đưa vợt ra cho ta xem, về mặt bản thân ta sẽ tự nhắc mình về sự khác biệt, và ngay lúc đó cũng hình thành lại một chiến lược mới dựa vào vũ khí đối phương. Về mặt tâm lý thì đối thủ sẽ có cảm giác hơi bất an, khi bên kia có vẻ “biết tỏng” về mình, hoặc bị đàn áp khi thấy vũ khí lạ của ta. Luật cho phép trọng tài và đối thủ được quyền biết vũ khí của nhau, nếu chơi mút hay vợt sai luật thì có thể bị bên kia gây khó trước khi vào trận đấu. Nếu có trọng tài giám sát, chúng ta có quyền từ chối thi đấu nếu bên kia chơi mút sai luật (gai đã bị cấm xài, mút không có số đăng ký, dán dư hoặc thiếu, bể hoặc tét, xài keo tăng lực,…) và buộc tổng trọng tài can thiệp. Đó là lợi thế của những ai “chấp hành luật pháp nghiêm túc”, dù không thắng loại đối thủ thì cũng làm họ mất bình tĩnh, thế trận đã nghiêng về ta trước khi tung bóng.
Trước khi thi đấu luôn có 1ph khởi động, và đây là thời gian vàng để ta làm các việc sau: quên bóng cũ thích nghi đường bóng mới, xét vũ khí đối phương, tính toán nhanh các chiến thuật dựa trên cách cầm vợt và các yếu tố kỹ thuật khác của đấu thủ mới. Chú ý vào bóng lúc khởi động là điều mà ít ai quan tâm, đa số chỉ nghĩ đến “làm nóng” đơn thuần, hoặc chuẩn bị cho các quả tấn công hay phòng thủ, ít ai chịu nhìn đối thủ mà phân tích. Nếu không làm tốt giai đoạn này thì sẽ phải hy sinh ít nhất là nửa séc đầu để mà tìm chiến thuật, thay vì nếu tính trước thì ta chỉ mất 1-2 bóng để thử và hoàn thiện. Những gì em viết ở đây có thể sẽ rất trừu tượng với một số người đọc, vì cái kỹ năng “phân tích đối thủ” ít ai chịu rèn luyện, đa số tin vào sức để thắng người, lỡ thua thì cầu cứu HLV (cũng mù tịt). Mà dù có kỹ năng thì trong vòng 1ph làm sao phân tích kịp và chính xác. Bởi vậy mới phải rèn luyện, hơn kém nhau chỉ một chút, nhưng nhiều cái “một chút” ấy sẽ làm cho một đấu thủ thành bất khả chiến bại, còn những ai ỷ sức sẽ phải ngậm ngùi “nắng chia nữa bãi chiều roài…”. Trong 1ph này là thời gian chiến thuật khá hay, đáng lẽ em cho vào phần “chuẩn bị chiến thuật trước trận đấu” nhưng thấy nó liên quan cả tới trận đấu vừa qua. Thường thì sau khi bị “hư tay”, thua một trận ra ngoài ta phải tìm bạn và bàn để tập lại kỹ thuật. Nếu chơi trong CLB đánh giao lưu thì nên kéo dài thời gian “làm nóng” để thử lại các kỹ thuật, cho tới khi đã tự tin thì hãy chấp nhận đấu, bằng không thì phải mua nước đãi bạn tiếp. Nếu là thi đấu nghiêm túc thì phải làm nóng trước, chứ lấy 1ph ấy cho chuyện “làm nóng” thì hơi uổng. Trong vòng bóng đầu tiên nếu có thể thì giật luôn rồi bóng hai trả cho bên kia giật (chỉ khi nào kỹ thuật ổn, nếu gà quá thì chỉ cần đánh vào bàn) rồi nhanh chóng vào đối giật. Trong vòng 2 quả này có thể biết được sơ bộ về kỹ năng thuận FH của đối thủ, từ đở bóng, tấn công cho tới phản công. Sau đó đổi qua Bh, cũng nhanh chóng đưa vào thế trận đôi công hoặc đối giật, xem kiểu Bh của đối thủ là loại chặn đẩy hay tấn công xoáy. Nên có phần gò bóng (dù chỉ một quả bất thình lình chuyển từ bóng đều sang xoáy chìm, xem đối thủ phản ứng ra sao) thì cũng nên thử một quả lốp cao xem đối thủ bước thế nào, đập ra sao. Thế là đủ, ta sẽ ép đối thủ vào trận sớm, nếu bên kia chưa tự tin hắn sẽ xin thêm vài quả (vì lười khởi động trước, đáng bị phạt mấy điểm đầu), khởi đầu như vậy ta luôn có ưu thế sẳng sàng và đề-pa trước đối phương. Sau mấy quả tập trung ngay từ lúc làm nóng, toàn bộ trận đấu trước đã trôi đi mất rồi, hơn là lấy séc đầu tiên để xóa.

 

VII. Kết luận và hướng tập luyện

Chiến thuật phải dựa trên kỹ thuật và vũ khí, cũng như mọi kỹ năng khác đều có thể rèn luyện. So sánh Schlager và Timo Boll ta thấy rõ ràng suy nghĩ khác nhau, dù cùng là dân da trắng mắt xanh, cùng thời cả hai xài vũ khí khác nhau hoàn toàn. Boll có thể kéo dài thế trận ra với các kỹ thuật khó, trong khi Schlager chỉ nhắm đến những quả sát thủ mà không dám đánh đường dài. Boll có thể thắng những tay vợt tấn công như He Zhi Wen dễ dàng như Schalger thì không, dù đối mặt với CNT thì cả hai đều cũng có thắng thua khác nhau. Nếu không nhờ miếng Tenergy thì đến bây giờ chưa chắc gì bọn CNT đã tính xa như Boll, sẽ vẫn là những Ma Lin hay Wang Liqin tái lập lại. Chú Wang là người có công đầu trong việc làm chuột bạch cho rất nhiều thử nghiệm nhằm tìm lối thoát cho lối đánh xưa của bọn Tàu. Chính chú Wang là người đầu tiên thử mút DHS H2 để rồi có H3, cũng nhờ chú này mà cốt vợt đổi từ Clipper Wood tới CR, hay OC qua cốt arylate-carbon, từ mút Ya X-tend cho tới Nittaku-Hamond (A, B, X,..). Thành công của CNT ngày nay là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu thử nghiệm, thế hệ sau đạp lên bậc xây của những người trước. Kỹ thuật và chiến thuật cũng mang tính thừa kế rất cao, cộng với khả năng “chôm chỉa” vốn vô đối, bọn Tàu luôn biết chắt lọc và phát triển thêm để mang bản sắc riêng mà không ai có thể “xí của tui” được. Chúng ta chẳng lạ gì các chiến thuật flick trái rồi đôi công đối giật vốn mang bản chất của Châu Âu, một thời phân biệt với kiểu đánh một càng một chạm sát thủ bằng Fh của bọn Tàu. Từ khi chúng có các kỹ thuật Bh rồi thì chúng tự tin áp dụng chiến thuật đường dài, sẳng sàng đổi cánh tấn công mà vẫn sát thủ thì Thế Giới bắt đầu gọi chúng là những cái máy đánh bóng bàn, nhưng là một con robốt quá thông minh. TG lại một phen vỡ lỡ khi mấy thằng Tàu 15-17 tuổi trong Team B (hoặc chưa vào CNT) vẫn có thể đánh bầm dập những cao thủ “có máu mặt”, mà cái đám này ngày càng nhiều ra, thế thì chẳng phải là tập luyện ngày đêm hay thần đồng gì cả. Thỉnh thoảng “phần còn lại của quả đất” vẫn xuất hiện những cao thủ tự phát, có thể gọi là “thần đồng” với vài chiêu mới. Nhưng khi so sánh với cách đào tạo có bài bản kỹ chiến thuật như Tàu thì chẳng cần phải là “thần ve chai” gì cũng có thể đào tạo thành cao thủ – hay nói cách khác, mọi thứ đều có thể rèn luyện được.
Nếu tất cả những gì em viết ra đây vẫn còn quá lạ lẫm với các bác thì phải xem lại nền thể thao bóng bàn của chúng ta đang ở đâu, khi mà ở các giải khu vực ta không phải chỉ thua có Sing (còn đổ thừa được, chứ thua Thái và Indo thì hết nói luôn). Chuyện đưa quân sang Tàu huấn luyện vẫn cứ ngốn ngân sách hàng năm, nhưng đem về được cái gì, khi mà vũ khí – cái nền tảng – thì ta lại không thể làm giống như Tàu. Nếu kỹ thuật đã không học được thì chiến thuật áp dụng có ích gì, càng đi ngược lại với khả năng. Bây giờ thử hỏi một câu: “có nước nào trên TG này chơi vợt mút siêu nãy nhiều như VN, vì lý do gì?” Không có nước nào, kể cả châu Phi, ngay tại Schalger Academy tụi nhỏ vẫn bị bắt xài cây vợt rất cơ bản, nghĩa là vứt ngay cây vợt chúng đang xài khi tới đây học (theo lời của 2 người đã tới đó học nửa năm), mà chính Schlager là người duy nhất xài kiểu vũ khí này. Nếu nói không tìm được vũ khí tốt hoặc giá cao quá, thì phải hỏi ai là người cung cấp, tại sao giá cao mà chất lượng thấp? Nếu nói không có HLV thì càng bậy, ta mướn được vdv Tàu thì tại sao không mướn được hlv? Nếu nói bóng bàn phong trào VN chơi không đúng luật nên không thể áp dụng chiến thuật, thế thì ai đã cổ võ và dung túng cho chuyện phạm luật này? Nếu các giải phong trào đều nêu cao khẩu hiệu “nói không với sai luật” và thẳng tay xài “cẩu đầu trảm” thì những kẻ thích luật rừng sẽ vô rừng mà chơi. Nếu ai cũng nói không với các thứ dụng cụ kém chất lượng – mua online dễ mà rẽ nữa – thì các nhà nhập khẩu sẽ phải tự thân mà kiểm soát, gây áp lực với bên cung ứng để có hàng tốt cho dân mình. Nếu ai cũng muốn những kiểu chơi bóng hiệu quả hơn, thì tại sao phải đi học bóng bàn với những ông thầy chỉ biết có chiêu giật đều bằng vợt Sadius, khi mà ổng chẳng đở nổi một quả lên xoáy của vợt mềm – nói có chứng, giải CVV vừa qua chúng ta đã làm được gì với những trò cũ rích ấy?
Động lực để đổi mới nền bóng bàn VN không nằm ở nơi em, hay các bài viết này, mà là ở những hành động rất nhỏ của các bác. Em tin chắc rằng có rất nhiều người đã đọc các bài viết và thử nghiệm có kết quả, cách hay nhất mà các bác có thể làm (để không uổng công em thức khuya viết bài) là cọp-pi chúng đem cho các bậc HLV đáng kính xem. Các vị ấy nếu áp dụng thì phải thay đổi, mà không áp dụng thì cứ chờ người khác làm trước rồi tới họ bị loại thải thôi. Nếu các bác ứng dụng thành công, liệu các bác có thấy tội nghiệp cho các em nhỏ, mới chưa biết gì về bóng bàn đã phải còng lưng ra gánh những sai lầm của nhiều thế hệ trước. Liệu các bác có thể đến nói chuyện với các bậc phụ huynh, các bậc “cha chú” đang rất “tâm huyết” huấn luyện chúng, để cho em có cơ hội xài đúng những vũ khí dành cho căn bản, để rồi sau này các bác khỏi phải áy náy khi nhìn ánh mắt thất vọng khi các em thua cuộc. Em đã chứng kiến nhiều gia đình bỏ rất nhiều tiền bạc và thời gian cho con học bóng bàn, dẫn con đi du đấu, để rồi đau khổ thấy chúng chán nãn trong cái thế thua không cách nào ngóc đầu dậy, chỉ vì thiếu mất cái gì đó gọi là căn bản. Những đứa ấy một thời được gọi là tài năng với những cú giật “mạnh lắm”, đã giật mạnh thế mà phải thua thằng chưa biết giật thì bẻ vợt là vừa, theo đáng lý ra thì phải bẻ luôn vợt (hoặc cái miệng) của mấy tay thầy dùi quạt mo chỉ bậy.
Phần đầu em viết về chiến thuật 7 bóng tấn công, đáng lẽ em phải phân tích sâu hơn ở từng quả với các kỹ thuật có thể xài và khả năng có thể đánh trả, nhưng em buộc phải bỏ lửng chỉ viết đại khái rồi qua phần chiến thuật trận đấu. Bởi vì nó cũng giống em viết về du lịch bên Mỹ có nơi đâu đẹp, món gì ngon,…chỉ làm khêu lên sự thèm muốn ảo vọng. Một ngày nào đó khi có nhiều người có vợt chậm mút bám mà chơi thì em sẽ quay lại phân tích từng quả flick Bh phải thế nào, đối giật Fh quả đầu ra sao,…bài này chỉ có chút giá trị ở phần “chiến thuật trong trận đấu” mà nhiều người gọi đó là “kinh nghiệm trận mạc”. Bác nào chịu khó nhớ và áp dụng vào trận đấu thì sẽ thấy đột nhiên đánh “khôn khéo” hẳn ra, cứ như là gà già cựa một tấc chứ không phải gà tơ thịt thơm nữa. Để thoát khỏi phận “gà” thì phải quay về xây dựng cái nền tãng cơ bản bộ chân, kỹ thuật, và quan trọng nhất là vũ khí.

Viết một bình luận