Như một lời thừa…

Mấy ngày nay tôi đọc rất nhiều bài viết về Bs. Phạm Doãn Luyện, sau khi ông mất. Phần đông họ là những người có quen biết – quen mặt và biết người – có như thế mới có thể viết được, bằng không thì chỉ là hý luận. Tôi chưa gặp mặt bác Luyện lần nào và ông cũng chẳng biết mặt mủi tôi nhìn ra làm sao, chỉ là qua một cái nick FB – chẳng nói lên được tên họ hoặc chút gì về tôi. Vì thế có cố cũng chẳng biết viết ra cái gì, dù trong tâm tôi có hàng triệu điều muốn nói. Nhìn lại lòng mình mà nói ra thì có khối người…chưởi, vì chẳng có chút gì đau lòng hay tiếc nuối, nếu không nói là có chút vui – như nghe tin đồng đội vừa chiến thắng một trận đấu, sinh tử cả cuộc đời. Tôi đọc từng bài tường thuật từ những người quen của Bs., từng chi tiết nhỏ với trí phán xét như một nhà nghiên cứu đầy tính nghi ngờ – như bác Luyện đã từng làm với các bài viết khác – bởi vì biết đâu trong ấy có những đều thêm thắt, như trong biết bao nhiêu câu chuyện “mang tính tôn giáo” nhan nhãn trên internet. Bỏ qua những chi tiết quá bi thương về bệnh trạng cứ trầm trọng thêm, thì gần như tôi rất ấm lòng, nụ cười thỉnh thoảng nở ra một mình. Một nụ cười hàm tiếu đồng cảm, cho nên tôi phải đợi ít nhất vài ngày mới dám viết bài này, khi mà những cơn đau thông thường của cuộc đời giãm bớt thì người ta mới bỏ tánh hung hăng mà ngồi suy nghiệm lại. Chưa tới 10 năm mà bác Luyện – với nickname Phạm Doãn trên blog lẫn FB – đã gây ra biết bao nhiêu tranh luận quanh chuyện tôn giáo (lòng tin). Bạn thì ít mà thù thì nhiều, cho nên nhân dịp bác Luyện mất có rất nhiều người tìm hiểu xem ông ta đã “ra đi” như thế nào. Bởi vì Đạo hay Giáo gì đó cuối cùng cũng chỉ để giải quyết cái chuyện cuối đời và hậu sự mà thôi, người ta dướng con mắt lên xem ông P.D. “nói thì ngon mà làm có được hay không?”. Hoặc có người còn ác tâm mong cầu bác luyện “gặp quả báo” cho cái chuyện dám lên tiếng nói lên sự thật, dám “phỉ báng” một “lòng tin” – hay nói trắng ra là “chổ bám víu” – của quá nhiều người. Họ chống mắt lên xem gia đình bác PD có làm theo các nghi thức “hộ niệm” hay “cầu siêu”, hoặc giả bác ấy có sợ hãi trước cái chết mà thay đổi lập trường, để họ thỏa mãn cái niềm kiêu hãnh đã từng bị bác PD đụng chạm không thương tiếc.

 

Bác PD thắng rồi, thắng cho tới phút cuối và còn thắng mãi cho tới sau này. Bác chiến thắng thầm lặng, không kèn trống, những bài viết tường thuật của người thân chỉ nói lên hiện tượng, còn tôi có trách nhiệm phải phân tích rõ hơn. Bỏ qua những chi tiết phụ mang tính tô điểm, tôi nhận thấy có 3 tính chất trọng tâm: Thứ nhất là bác ấy luôn “hài hước” và biết đùa dù trong hoàn cảnh bản thân ngặt nghèo nhất, trong nội tâm của bác Luyện luôn có niềm vui hoặc luôn muốn mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu. Thứ hai là bác ấy luôn tỉnh táo – trừ những lúc hôn mê, do thân bất lực – dù bệnh trạng cơ thể ngày một trầm trọng, cho tới lúc chết (trước khi mất một hai ngày bác PD vẫn còn nhắn tin FB với tôi, rõ ràng rành mạch, trí tuệ không hề suy giãm). Những chuyện vệ sinh và tự chăm sóc, bác ấy làm tốt và không muốn gây phiền toái cho người khác. Điều này chứng tỏ tinh thần rất vững chắc, đã vượt lên làm ông chủ của cái xác chứ không còn là nô lệ của nó nữa. Sự tỉnh thức và làm chủ này bộc lộ ở rất nhiều chi tiết, nổi bật nhất – và trí tuệ nhất – là biểu hiện thứ 3. Bác Luyện chọn âm AUM để định tâm và hướng dẫn người thân “hộ niệm” cho mình, đây là một “cú chót” mà bác Luyện để lại như một thông điệp cho những đồng đội ở khắp nơi.

 

Tôi từng nghe ít nhất từ 3 nguồn được nhiều người ủng hộ, rằng tánh “tự biết vui đùa” là tính chất của bậc Thánh. Chứng tỏ một sức mạnh tinh thần rất lớn, có thể tự mình vượt qua chướng ngại còn giúp những người chung quanh cảm thấy an tâm. Bên Đạo Chúa khẳng định rằng chỉ có trẻ thơ mới bước vào nước Trời, hay nói cách khác, dù thân xác già nua nhưng tâm hồn thoải mái vui tươi thì vẫn mãi mãi thăng hoa. Những con người này có một đặc tính là, ai đến gần cũng cảm thấy vui vẻ nhẹ nhàng, dù hoàn cảnh có trầm trọng đến mấy. Nói nghe dễ lắm, có người sẽ bảo rằng “thế diễn viên hài kịch thì sao?”. Xin thưa, nụ cười xuất phát từ nội tâm hoàn toàn khác bản chất với nụ cười sân khấu, như lửa và đom đóm – cũng là ánh sáng nhưng lửa có thể nhóm lên lửa khác, còn đóm đóm thì không. Còn vấn đề tỉnh giác thì chỉ có những ai đã nhập định được thì mới có thể tỉnh giác cao khi thân thể đang hành hạ (vượt qua cảm thọ). Người mà đạt được như bác ấy thì khi rũ bỏ được thân là điều hạnh phúc, bài thi đã làm xong và người sống sẽ cho điểm. Những vấn đề liên quan đến tôn giáo này cứ để cho người đời bàn tán, ai muốn nghĩ thế nào tùy ý, tôi chẳng cần phải tâng bốc thêm làm gì – chỉ giống như là dùng người khác để khẳng định bản thân mình. Ở đây tôi nói chuyện ngoài tôn giáo, thời gian mà tôi biết thì bác PD đã là một Chiến Binh – cho tới cuối đời – can trường và bất khuất, đó là tánh chất nổi bật thứ hai của bác ấy. Bác ấy đã nghiên cứu và thực hành thiền định, với mức độ tâm thức ấy thì chuyện ra đi chỉ như một lần nhập định rồi giãm dần mọi thứ cho tới con số không – thế là đi. Đó là kiểu thoát thân của kẻ “bình thường”, khi thấy thân thể hao mòn hết hữu ích cho đời thì cứ lẳng lặng mà buông, sau khi xắp xếp lo hết hậu sự cho mình. Bác PD chọn cách dữ dội hơn để mọi người cùng biết, câu chuyện ra đi của bác giống như một bài viết trên blog hay FB, để cho mọi người đọc mà tự nghiệm ra vấn đề. Thông điệp đó là một câu hỏi lửng “tại sao bác ấy dùng âm AUM mà không phải là một tiếng niệm Phật hay an trú Thiền Định?”.

 

Đây là phần trích trong cuốn Tinh hoa các đạo giáo, chương III. ‘Từ Veda đến Bhagavad-Gita’ của Bs. Nguyễn Văn Thọ.

 

9. Chandogya Up.

….

Bàn về chữ Om.

Om = Aum.

Aum = Turiya: A (Thức).U (Mộng).M (ngủ không mơ).

….

Chandogya là 1 Upanishad rất nên đọc.”

Và trong chương V:

14. Ngoài ra Upanishads còn đưa ra một phương pháp diệt trừ Luân Hồi, Nghiệp Chướng rất

giản dị. Theo Áo Nghĩa Thư, nếu Luân Hồi, Nghiệp Chướng phát sinh do tâm tưởng con người, do sự

dính bén trần ai, tục luỵ, thì diệt trừ mọi tâm tư, rũ bỏ mọi luyến ái, dục tình, sẽ được giải thoát.”

 

Bs. PD đã viết rất nhiều trên internet từ blog cá nhân đến forum hay FB rằng Đạo Phật Phát Triển đã đi quá xa và mất gốc, điều này dẫn đến rất nhiều tranh luận – phần đông đều đuối lý. Bs. PD đã tham gia học và dịch kinh điển Pali để mong tìm được “Phật giáo” từ hệ phái Nguyên Thủy, nhưng bác ấy đã không ngừng lại ở đó – vì chưa tìm ra. Gần cuối đời bác ấy cố gắng hoàn thành các nghiên cứu về một cứu cánh bên ngoài tôn giáo, nhưng đã quá trễ. Bác PD không dám nói lên rằng “ngay cả trong Nguyên Thủy vẫn thiếu mất phần quan trọng nhất” bởi vì điều này quá sức tưởng tượng và không ai có thể chấp nhận nổi – nói trắng ra là Đạo Phật thực sự đã mất từ lâu. Bác PD không viết ra điều ấy, là chiến sỹ bác không quay súng lại với đồng đội của mình, nhưng đó cũng là điều bác ấy mang nặng cho đến những ngày cuối. Tôi thực sự khâm phục sự khéo léo của bác PD khi chọn cách ra đi như thế: vì bác ấy chọn âm AUM để niệm nên cả hai phe Phát Triển không có gì để bám víu. Mà bên Nguyên Thủy cũng chưng hửng: sao bác lại chọn Yoga và Upanishad? Bác PD đã ra đi như một chiến binh tự do, không còn ràng buộc về phe nào nữa. Bác không chọn con đường thành Phật hay Bồ Tát, bác trở thành cái không tên. Thông điệp của bác ấy là “hãy đến đấy mà tìm, mọi người sẽ có câu trả lời”.

 

Còn đây là chuyện ngoài luồng:

 

Tôi thật sự cảm động khi mà bác ấy đã bị xuất huyết bao tử, sự đau đớn dâng lên miệng mà vẫn nói rõ cái thông điệp ấy. Người ta bảo rằng nếu tỉnh giác trước khi chết mà gọi tên Phật thì được “hốt rước” ngay, nhưng bác PD từ chối cái Visa này. Thế thì các thầy tụng niệm sẽ buồn lắm vì không có chuyện gì làm nữa. Bác PD cũng không dùng thiền định để ra đi trong an tĩnh – kiểu bắt chân kiết già hoặc nằm nghiên rồi tịch như các vị A La Hán, thế thì người ta sẽ đổ xô đi tìm đọc Thanh Tịnh Đạo và các kinh luận Nguyên Thủy. Bác PD chơi cú chót ác quá!

 

Tôi là một đứa nhát gan từ bé, nghĩ đến cái chết từ khi biết nói, thấy cái hòm và cái mả là sợ hết hồn. Vậy mà khi thực hành thiền định, khi các giác quan mờ yếu dần, nhận thức mờ đi, tim chậm mà hơi thở gần như tắt hẳn – đấy là biên giới của cái chết – thì lại dám bước qua. Qua khỏi biên giới đó không còn biết mình có thở hay không – thực ra nhận thức cho biết rằng không thở – không còn nghe tim đập (hoặc cái nhận biết về thở và nhịp đập cũng mất luôn), không còn ý thức về không gian thời gian, ngay cả sự tồn tại cũng dần mất đi. Nhưng tôi dừng lại ở đó không đi sâu hơn được nữa – đó là cái chết giả, thiền là để tập chết và khám phá bí ẩn đằng sau bức màn ấy, chỉ có cái chết thực sự mới trả lời được. Nhưng bác PD bây giờ đã tìm ra câu trả lời cuối cùng. Tiếc là bác ấy không quay về để mà nói lại được.

 

Bản thân tôi nếu có nằm xuống dứt hơi thì cũng chẳng muốn bị làm ồn, nếu cứ nghe người ta kêu réo tên Phật dùm mình thì càng đổ nóng – chắc là phải ngồi dậy đuổi đám hộ niệm kia đi. Nếu tôi được tỉnh thức tới hơi thở chót như bác PD, tôi sẽ dùng hết hơi cuối này mà hét ra một mật âm thú vị “TỦ..Ủ..ỦN”. Thế thì người nhà của tôi sẽ hộ niệm thế này “ối giời ơi, con ơi, tủn tủn, ba ơi, tủn tủn, chồng ơi, tủn tủn tủn,..” chết như thế mới vui, ai đi điếu về cũng cảm thấy nhẹ nhàng thư thái. Không chừng sau đó có một thằng hâm – như tôi – bảo rằng bác KN truyền lại một thông điệp về một pháp thiền Xả nén cực hay, có thể đưa người ta về miền cực khoái….

04-11-14

Viết một bình luận