Tôi là một đồng xu 10cent EUR, ra đời ở xa tít tận Châu Âu. Chỉ vì cái số phận mà cha mẹ khắc trên mặt khi sinh ra, tôi chỉ có giá trị bằng nửa cục kẹo, chẳng thể đổi một ly café hay một miếng bánh mì mỏng. Tôi chỉ được dùng như xu lẻ, chỉ hơn thằng em út 5c, dù rằng tôi cũng có màu vàng gold quý phái. Những người anh chị khác cũng cùng một màu da, cùng một chất liệu nhưng có vóc dáng to hơn và con số khác nhau, tuy chúng chỉ mang số 1 hoặc 2 nhưng lại có giá trị hơn tôi gấp 10 hoặc 20 lần.
Chỉ khác nhau có mỗi cái số mà đứa thì được nâng niu cẩn thận trong túi ấm, còn đứa thì bị vứt bỏ lăn lóc kém giá trị, xem như gánh nặng.
Tôi đã từng đi qua rất nhiều tay, có bàn tay trắng trẻo mềm mại nhưng lại cầm hờ hửng chực quăng đi cho khuất mắt. Có bàn tay chai sạm nứt nẻ nhưng trân trọng run run của người hành khất vô gia cư. Số phận của tôi gắn liền với sự bần cùng chứ không như những người bà con xa làm bằng giấy, chúng thường nằm ngăn nắp trong những ví da đắt tiển của giai cấp thượng lưu.
Dù thế nhưng anh em út chúng tôi, những con số 5, 10, 20 cũng thường được gom lại để tạo thành những điều lớn lao. Khi chúng tôi nằm trong “heo đất” của những đứa bé, mỗi ngày được chúng tới thăm, nhìn và lắc để xem đã gần đủ để thực hiện những ước mơ nho nhỏ chưa. Rồi chúng tôi cũng nhiều lần nằm trong ngăn kéo những gia đình thất nghiệp, khi ông bố phải vét từng xu nhỏ để tính xem gia đình còn cầm cự đến đâu.
Tôi từng đi nhiều nước khác nhau, chu du vòng quanh Châu Âu chán chê thì một ngày nọ, tôi tình cờ bị quên lãng trong ví của một du khách xứ sở Kangaroo. Đến nước lạ, tôi tưởng càng trở nên vô giá trị hơn bao giờ hết thì tình cờ trùng hợp, tôi có ngoại hình và màu sắc rất giống loại xu 2 đồng ở nơi này. Người ta bèn dùng tôi trong những lúc lẫn lộn, kẹp vào một đồng xu khác để tôi mang giá trị 2 đồng!
Từ một thứ kém giá trị, bỗng nhiên tôi bị mang một giá trị hơn cả chục lần trước đây, trở thành đồng xu lớn nhất. Tôi bỗng dưng đổi đời, thành một thứ gì đó khác hẳn, được trân trọng dù chỉ trong thoáng chốc.
Người chủ mới sau khi về nhà nhìn kỹ lại thì thường văng ra nhiều tiếng nói khó nghe, rồi tới phiên hắn cũng tìm cách tống tôi đi, vô tình vờ như tôi là đồng 2 đô nào đấy. Và cứ thế tôi được trao đổi, mang trên mình con số và giá trị khác nhau. Khó mà nói hết cảm giác vừa mới được quý giá lại trở thành vô dụng, rồi lại được “phục hồi tệ bạc” để đưa đi nơi khác tiếp.
Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi thấy tôi lọt vào túi người khác. Hai đồng chỉ đủ mua một ký táo, nhưng chẳng ai muốn bị thiệt thòi và cũng chẳng ai cảm thấy có lỗi gì.
Rồi một buổi sáng nọ, ở một phiên chợ trời, tôi lọt vào túi của một người. Khi móc tiền ra trả cho phần rau cải, anh ta chợt nhận ra cái giá trị thật của tôi. Người ấy chỉ mĩm cười rồi cho tôi vào một túi khác.
“Xin lỗi đồng xu nhé, mi sẽ không còn được ra ngoài chợ nữa. Mi sẽ trở lại đúng giá trị thực và ta cũng có giá trị của mình”