Dân ta nói kèm Ăn Uống chung với nhau, nghĩa là ăn thì phải…uống gì đấy. Bình dân thì có trà đá – trong Nam phổ biến thức uống này, thường là miễn phí. Cái cảm giác mát lạnh của nước đá nó sớm trôi xuống bụng cái vèo, nhưng sau đó sinh ra tác hại khôn lường: mỡ bị vón cục lại và rất dễ sinh ra ung thư khi hấp thu vào cơ thể sau khi tiêu hóa trong môi trường sai nhiệt độ. Bạn nào phải rửa chén bát trong mùa lạnh thì mới hiểu tại sao ta không nên uống nước đá sau khi ăn: đến cả nước rửa chén siêu mạnh cũng không làm tan nổi loại mỡ ấy, rửa không thể sạch được. Cứ tưởng tượng phần thực quản và thượng vị của ta cứ bầy nhầy những chất “cứng” ấy một thời gian dài thì còn gì là cảm giác ăn ngon nữa. Dân SG chuộng trà đá miễn phí nhưng họ phải trả tiền rất cao cho các bác sỹ và bệnh viện khi về già, quả là một sự tính toán thiếu khôn ngoan.
Sang hơn tí thì có nước giải khát hoặc các loại thức uống đóng chai có gaz khác. Không biết từ khi nào mà người ta bảo nhau rằng “uống nước có gaz cho nó…tiêu thức ăn”, tiêu đâu không thấy, chỉ bị ợ lên vừa hôi hám vừa mất lịch sự, chưa kể lượng đường và hóa chất trong ấy rất nguy hiểm cho sức khỏe. Có kẻ còn bảo rằng “ăn đồ mỡ phải nên uống bia cho mau nhẹ bụng”, hậu quả là ông nào cũng có cái ba-lô mỡ đeo trước bụng như bà bầu, vì mỡ được hấp thụ lại chứ có tan đi đâu. Sang nhất là uống rựu Tây, vang đỏ sau khi ăn thịt bò và vang trắng cho hải sản và gia cầm. Vang Tây thì chỉ nên sang Tây mà uống, vang Đà Lạt cũng thượng vàng hạ cám mà cũng lắm chai bị làm giả. Trong các thức uống sang trọng thì tôi chuộng Vang hơn là Bia, vì tôi uống trước khi ăn một phần ly, cạn luôn sau khi ăn xong.
Từ khi làn sóng Toàn Cầu Hóa lan đến những làng quê hẻo lánh nhất của VN thì bữa ăn hàng ngày trở nên Âu hóa “kiểu Thuộc Địa”. Nghĩa là người ta bị thay đổi cái nhận thức về cái Sang Trọng, trở nên nhập nhằng giữa những thứ có giá trị rất thấp và rất cao. Ngày xưa, nhà ai cũng có một bình tích nước được ủ nóng suốt ngày trong vỏ trái dừa lửa loại lớn, sau khi ăn thì mỗi người một ly trà thơm còn ấm miệng. Nhà giàu hơn thì chưng ra bộ ấm chén kiểu trên những bộ bàn trà bằng gỗ đen nhánh. Có những bộ ấm trà được giữ gìn truyền đời từ ông Cố tới cháu chắt như của gia bảo. Ngày nay ở làng quê, khách tới nhà nếu không mang nước ngọt lon ra đãi thì sẽ bị giận ghê lắm. Ở tỉnh lỵ thì phải là bia lạnh hay thức uống đóng chai – lúc nào cũng lạnh buốt. Trà nóng sau khi ăn trở thành một cái gì đó lạc hậu xa xưa thời nghèo đói! Thế thì ngược đời quá, bên Tây cái thức uống rẽ tiền mà mạt hạng nhất là lon nước ngọt, có thể mua bất cứ đâu tại các máy bán, bỏ 1 đồng vào ra 1 lon. Còn trà nóng trong bình thì chỉ được phục vụ ở những nơi đặc biệt, nhà hàng sang trọng, nơi quán ăn bình thường chỉ có trà túi lọc thôi – mà giá 1 tách trà nóng (túi lọc) mắc gấp 3-5 lần một lon nước đấy. Để có được một ấm trà nóng “bình dân” như ở VN, phải tốn tiền tương đương ăn một buổi ở nhà hàng loại sang. Đâu phải bọn Tây có học có tiền lại xài sang ngu như ta nghĩ, đám có học thức chúng biết giữ sức khỏe ghê lắm! Đa phần dân ăn nhà hàng uống trà nóng đều là người đứng tuổi và thành đạt, là thành phần thượng lưu trong XH – họ dám cho tiền “típ” rất hậu hĩnh, dù đấy là loại trà hạng bét bán ngoài các shop Á Châu.
Bọn Tây có văn hóa rất lạ, chúng có thể đánh rắm rất kêu giữa nơi công cộng mà chả phải mắc cở đỏ mặt, nhưng lại phải “xin lỗi” nếu lỡ ợ một cái. Hôi miệng là điều tối kỵ, chewie gum là thứ thường dùm sau khi ăn, ng ta có thể không tắm cả tuần, nồng nặc mùi hôi trên xe bus, nhưng lại tìm mọi cách khử mùi đồ ăn từ miệng. Nước trà nóng là thức uống khử mùi tốt nhất – dù chỉ là những loại trà đen không thơm. Cái dư hương của các món chiên xào sẽ bị dội mất bằng vị chát của trà, cho cảm giác miệng rất sạch sẽ, hơi thở thơm tho. Bia, rựu và nước ngọt đều thua xa trà nóng về khoản dư vị này, nhất là để khử những món ăn fastfood nồng nặc mùi hành phi tỏi chiên.
Trà xanh VN có nhiều đặc tính vượt xa các loại trà đỏ và đen trong túi lọc, do cái mùi lá trà tự nhiên và dư vị chát ngọt chứ không gắt như Lipton. Nếu bảo rựu Vang là thức uống sang trọng của Tây, thì Trà Xanh của Ta còn đặc biệt hơn nhiều lần! Vị chát tanin trong trà kích thích gan tiết mật tiêu hóa chất mỡ và cân bằng insulin cho chất bột đường, nên ăn ngọt hay “mặn” đều cần trà nóng. Thức ăn thường là nóng, mà uống kèm nước lạnh sẽ gây nứt men răng ngay, ai bị nhức răng sẽ hiểu điều này. Ngoài ra, uống trà nóng sẽ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp thực quản và thượng vị luôn sạch, cho cảm giác đói no rất thật sau khi ăn cho tới buổi kế tiếp – nếu vắt thêm lát chanh hoặc gừng vào thì càng tuyệt vời. Trà xanh giúp tiêu mỡ, giảm béo phì, nguyên tắc hoạt động ngược hoàn toàn với Bia. Trà xanh không gây ợ hơi khó chịu, không làm no ngang như nước ngọt, và cũng không gây ra hôi miệng như bia rựu. Vài loại trà thơm tự nhiên còn cho hơi thở rất sạch và thoải mái sau khi bước ra khỏi bàn ăn. Những bàn tiệc hải sản biển nếu thiếu trà chanh gừng nóng thì cũng giống như mặc áo quần đẹp mà quên mang giày vậy. Mùi biển sẽ mất ngay sau khi uống trà, xác trà và nước dão được dùng để rửa tay – tiện lợi đôi bề.
Không ai uống nước ngọt trước khi ăn, vì sẽ mất ngon, nhưng trà có thể uống trước, trong và sau khi ăn. Trà pha nhanh chưa kịp ra chất, chỉ có thoáng mùi lá, uống trước khi ăn một ngụm sẽ kích thích vị giác lên cao độ, hơn cả loại rựu vang cao cấp. Độ nóng của nước sẽ giúp máu lưu thông về miệng, nở các mao mạch, khiến ta nếm được món ăn “nhiều hơn” bình thường. Nếu trên bàn tiệc có nhiều món ăn khác nhau, hoặc nhiều đợt thức ăn (kiểu tiệc cưới) thì sau mỗi lần xong món, ta nên tráng miệng một ngụm trà nóng. Mùi vị trà sẽ dứt điểm món ăn trước, làm sạch lưỡi và miệng chuẩn bị cho thưởng thức món sau một cách hoàn hảo. Đặc điểm này của trà cũng tương tự như bia, nhờ vào cái hậu đắng, một ngụm bia cũng làm mất mùi vị món trước nhưng lại không cho cảm giác sạch miệng như trà nóng. Bánh mứt hay các loại thức ăn ngọt mà thiếu trà là mất hết phân nửa phẩm chất, bởi vì khi miệng đã ngọt rồi thì thứ nào cũng như nhau. Cần phải có một cái gì đó đệm giữa các miếng bánh, để mỗi loại ta đều ăn trọn vẹn. Bia và rựu không thể chen chân vào quả mứt ngày Tết, thế mà cũng có lắm người phục vụ nước ngọt khi ngồi trò chuyện – nên bánh mứt thường bị ế!
Kiểu uống trà tráng miệng có chút khác với uống trà ăn bánh ngọt. Nồng độ cần phải nhạt hơn và tách nên to hơn, dùng loại tách trà dành cho bàn ăn chứ không nên xài loại tách “hạt mít”. Về công dụng này thì trà có ướp mùi thơm (lài, sen, ngâu) có phần thích hợp hơn là trà Mộc. Mùi hương hoa làm ta mất đi cảm giác ngán, bị nặng bụng không khó chịu bằng dư vị thức ăn sau miệng – nếu không khử ngay thì ta sẽ ngán món ăn ấy khá lâu, dù ngon đến mấy. Ấm pha trà cũng cần xài loại lớn, ly uống trà cũng phải dạng cao thon chứ không nên thấp lùn, nên xài ly thủy tinh hơn là chén đá. Kiểu “bình tích” bình dân trong Nam khá thích hợp để phục vụ thức uống tráng miệng. Các loại “trà Tàu” nồng mùi cũng chuyên dụng cho kiểu uống trà “ngưu ẩm” này: chỉ một nhúm nhỏ là đủ cho một bình đầy nước! Uống nước cho…xuống cơm đã, rồi sau đấy ra bàn khách chuyện trò mới cần kiểu uống trà loại khác. Ai mà lấy trà “quạu” kiểu một ấm đầy trà vài tách nước mang ra phục vụ bàn ăn là không đúng cách rồi – trà chát quá làm phá hỏng vị ngon của thức ăn ngay. Uống trà trò chuyện sau khi ăn xong một lúc, khi ấy mới cần bộ ấm đất và trà Mộc, nhắm kèm với những món chua ngọt như mứt khế, mứt me,…Lúc này trà nóng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tiêu hóa, tách trà chỉ nên nhỏ gọn, đây là phần đặc trưng Á Châu mà Tây không hề có. Các buổi tiệc đặc biệt mới có thêm một mâm trái cây, quả khô kèm với mứt và cheese để nhắm chung với rựu vang, vừa ăn vừa nói chuyện. So với một bữa uống trà bình dị của Ta thì còn kém sang hơn vài phần.
Tôi đánh giá Trà Xanh của VN là thức uống tráng miệng vào loại tốt nhất, sang trọng nhất. Vào quán lớn, kêu kèm một ly Vang với thức ăn là phong cách khá sang – tôi cầm chắc các nhà hàng lớn trong SG đều có sẵn Vang Tây phục vụ khách nước ngoài và dân sành điệu trong nước. Nhưng vào nơi cao cấp nhất cũng chưa chắc gì bạn kêu ra được một ấm trà xanh thượng phẩm, loại ấm sứ Bát Tràng nghi ngút thơm mùi trà Thái Nguyên, để mà thưởng thức cùng bạn bè sau buổi ăn. Người Tây thường nói cái món ngon nhất không mua được ở ngoài, mà phải tự làm ở nhà. Một bữa cơm gia đình được chuẩn bị chu đáo bởi người vợ yêu thương, có đủ mặt đàn con ríu rít, ăn xong có ngay ấm trà đẹp nóng thơm lừng thì…giàu mấy và đi đến đâu cũng không thể mua được!