Tết, trà hay nước ngọt?

Ngày Tết cổ truyền tới nhà ai cũng thấy hai thức uống Trà và Rựu. Ngày xưa Trà rẽ tiền và phổ biến, còn Rựu mắc hơn vì chế biến cũng lâu lắc công phu hơn – thực ra hai món này mà đi tới nghệ thuật thì cũng rắc rối phiền phức lắm, tôi chỉ bàn về khía cạnh thưởng thức dạng bình dân. Trà là thức giải khát cơ bản nhất, vì nó tiện lợi: chỉ cần đun ấm nước, cho nhúm lá vào chờ ít phút là có ngay một bình nước thơm ngon đãi khách. Ai cũng uống được trà, tùy mức độ đậm lợt mà chọn đối tượng. Các cụ trong Nam ngủ ít thức sớm, sáng gà chưa gáy đã dậy pha bình trà “quạu” cực đậm rồi ngồi nhâm nhi chờ bình minh – có cụ lạt miệng còn chiêu thêm…cá kho khi uống trà, lấy đâu ra mấy món quý tộc như kẹo lạc hay bánh mứt như ngày Tết. Rựu thì ít ai uống được, mà thỉnh thoảng có dịp mới mang ra, nên ít phổ biến hơn. Từ khi có chuyện Toàn Cầu Hóa thì ngày Tết VN ta có thêm hai món ngoại lai: Bia và Nước Ngọt có gaz. Phải nói rằng hai thứ mới này có sức mạnh xâm lăng còn hơn là đế quốc thực dân nữa, nó leo cả lên bàn thờ Tổ Tiên ông bà, thượng ngay trước mặt các Đấng Thiêng Liêng. Trên mâm cổ Tết chúng đánh bại hai bác “áo dài khăn đóng” Trà Rựu, chỉ vì dân ta yêu chuộng sự tiện lợi và vẻ sang trọng rởm đời – một phần cũng vì quảng cáo.

Thời tôi còn bé, Tết tới nhà ai cũng được đãi trà thơm mùi hoa Lài hoặc Sen, đi một buổi sáng hết 5-10 nhà thì cũng phải nhấp hết chừng ấy tách trà – nhỏ thôi nhưng phải cạn ly thì mới xin phép ra về. Ai cũng thông cảm cho cái chuyện “khó nói” khi lỡ uống nhiều quá – ngày Tết tới nhà người ta mà xin đi ké WC cũng ngại lắm. Thời nay, đi chúc Tết thường được đãi bia hoặc nước ngọt, vì tiện lợi mà cũng…sang trọng, khoe cái vẻ bề ngoài của gia chủ. Người lớn thì cầm lon bia nói chuyện, phụ nữ và trẻ em thì có nước ngọt, lon nào cũng trang trí đầy hình vẽ Xuân – thế rồi ai cũng cho đó là “truyền thống”: Tết mà tặng trà rựu là xưa rồi, tặng thùng bia hoặc nước ngọt thì mới sang! Hộp trà xanh đỏ vẫn chưng đó, ra giêng tôi đi dọn một vòng các nhà ông bà mang về uống được cả năm! Gia chủ chịu chơi đãi nước lon thì khách có khi cũng cả nể, khui ra hút chút xíu rồi chừa lại cả lon – rồi thì chủ nhà cũng đổ bỏ. Các bàn tiệc Tết ngày nay chưng đầy lon bia, cái tiếng khui nắp cũng mang lại niềm vui Tết, rồi thì họ cụng ly và la DÔOOOO vang cả xóm, rất hào hứng, quên sạch cái nghèo khổ- Tết mà, uống cho thả cửa! Rựu gạo hoặc nếp loại mạnh ngày xưa, uống vào 1 ly hạt mít đã thấy xỉn ngay, ly thứ 3 bắt đầu cảm thấy dội ngược – nhưng bia thì có người uống được cả thùng! Bia có tác dụng lợi tiểu, uống vào thì cũng ra nhanh, nên có thể….uống nữa – kiểu say của bia cũng chậm. Tác hại khủng khiếp nhất chỉ có thể nhận thấy sau Tết: ông nào cũng phải nới dây nịt, bụng mỡ phệ ra, vú chảy xệ xuống, gò má nọng ra – toàn là mỡ xấu. Người ta bảo là phát tướng sang trọng ra, chỉ có cái túi là teo lại, rồi thì phải nai lưng ra làm trâu ngựa cho người ta mà cày tiếp năm nữa. Chỉ có các hãng nước ngọt, hãng bia thì yêu cái kiểu sang ấy lắm, vốn đầu tư toàn là từ nước ngoài, mỗi dịp Tết của ta thì bọn chúng cũng đủ xài cả năm! Sau Tết nhà ai càng có nhiều lon thì càng có công đóng góp, làm giàu cho các thế lực Tư Bản thù địch, haha!

Từ khi có nước ngọt thay thế trà, mứt Tết trở nên không còn hấp dẫn con nít nữa. Cầm một lon nước tới gần 40gr đường thì chẳng ai còn ham ngọt, chúng chỉ nhìn phớt qua dĩa bánh mứt, chọn thử vài món lạ rồi…bỏ – ngày Tết từ đó cũng mất vui. Sau cái quyết định cấm Pháo của CP từ năm 96, Tết đã chẳng còn gì ngoài thức ăn đồ uống. Từ khi nước ngọt giết chết nước trà nóng, cái Tết chẳng còn gì cả, cứ như một đám Giỗ nào ấy – bởi vì đám nào cũng uống bấy nhiêu loại nước đó thôi. Tôi thường nghe mọi người khuyên uống nước ngọt (hoặc bia) sau khi ăn vì nó làm cho dễ tiêu hóa – chỉ vì chất gaz làm đầy bụng sinh ra ợ! Thực ra chất đường trong nước ngọt càng làm chậm quá trình tiêu hóa hấp thụ chất: thức ăn cần thời gian để tiêu hóa, trong khi nước ngọt uống vèo cái đã thấm qua ruột vào máu. Lượng đường trong máu báo tín hiệu sai rằng cơ thể đã no, quá trình tiêu hóa hấp thụ bị gián đoạn lại theo kiểu bị động, gây tác hại rất lớn tới hệ thống tiêu hóa. Các bạn có thể làm thí nghiệm sau, rất đơn giãn: ăn một trái khổ qua hầm (haizz, món Tết này cực ngon nhé) sau đó uống vào một lon nước ngọt – xem buổi ăn sau các bạn có còn thèm và thấy trái khổ qua hấp dẫn ấy nữa không? Cơ thể các bạn đã báo lên rằng món khổ qua đó rất ngán, khó tiêu,…rõ ràng là lon nước đường ấy đã giết chết cảm giác ngon miệng của chúng ta. Thay vì uống nước ngọt, ta thay bằng nước trà nóng, chất chát trong trà giúp cơ thể tiêu hóa và chuyển hóa chất mỡ cực tốt. Các món Tết thường “nặng” dầu mỡ và kể cả mùi, nước trà giúp tráng sạch mỡ khỏi miệng và cổ họng, mất cảm giác nhờn ớn với mỡ trong dư vị thức ăn, nó còn giúp hơi thở sạch mùi xào nấu. Nước trà còn lại trong ly có thể để rửa tay sau khi ăn, cho cảm giác sạch hơn là rữa xà bông nữa!

Dân ta nghèo khó đã lâu, Tết về ai cũng muốn chưng diện sang trọng một chút, ở quê thì xài nước ngọt đóng chai, một cặp là đủ có màu mè trên bàn phòng khách. Nhậu nhẹt thì xài bia lon mới sang trọng, làm cực cả năm rồi ai cũng muốn xả láng. Nhưng đâu ai biết rằng, đấy chỉ là cái sang của nhà nghèo, của đám “quý tộc nửa mùa” giàu nhờ bán đất. Những người “giàu có”, họ giàu cả về nghệ thuật thưởng thức, chẳng ai lại đi đãi khách nước ngọt lon bao giờ – có chăng là thứ khách muốn đuổi đi. Bia bọt cũng chẳng thấy lon hay thùng, trong tủ lạnh chỉ có vài chai để giải khát. Ngày Tết, tới nhà người sang mà uống ly trà Tết là biết liền, nhìn đơn giãn vậy mà đặc biệt. Từ cái ấm, cái tách cho tới cái khay đựng, loại trà và hương vị nói lên sự tinh tế trong cái khiếu thưởng ngoạn của gia chủ. Lên bàn ăn, ta cũng chẳng thấy lon bia, cũng không nghe hò hét Dô Dô hay tiếng khui nắp lon bia – chỉ có những ly rựu Xuân kính cẩn mời nhau, lời nói nhỏ nhẹ lễ phép từ con cháu và tình thương từ ông bà – đấy là Xuân trong nhà người giàu thực sự.

 

Viết một bình luận