Dấu Lặng

Tôi nhớ đến một đề tài mà thời Đại Học tôi được nhận: “viết về dấu lặng trong âm nhạc”, viết về một thể loại ngôn ngữ vô ngôn….

 Viết làm sao nhỉ ? để diễn tả về cái không trong cái không có ngôn ngữ. Chỉ có yên lặng và nhìn nhau, tâm giao tâm, như Ngài Huệ Khả chỉ biết cúi lạy Tổ Đạt Ma mà không nói lời nào.

Trong một bài nhạc, dấu lặng cũng chính là note nhạc, vì nó có quy định trường độ y như các note khác. Có khi chỉ nghỉ rất ngắn, 1/4 nhịp hay 1/8 nhịp, có khi nghĩ rất dài hết 2-4 trường canh.

Dấu lặng là nơi ca sỹ ngừng để lấy hơi, nhạc công ngừng tay và nhạc cụ ngừng chơi. Đó là chỗ cho thính giả nghĩ tai để cảm nhận những giai điệu đã qua, hay để chuẩn bị cho những gì sắp đến. Không có gì lúc ấy, mọi nhạc cụ đều ngừng, chỉ có sự yên lặng,…………

 Nhưng nó quý giá và cần thiết vô cùng.Có bài nhạc nào mà cứ cao trào mãi không có lúc lặng yên, dù chỉ là giây lát ? Có thung lũng thì núi mới cao, có sự im lặng thì mới có dỉnh cao của bài hát. Mỗi khi ca sỹ hát thì dấu lặng là lúc cần thiết để nghĩ ngơi và lấy hơi, có ai hát mãi mà không lấy hơi đâu.

Trong cuộc sống ồn ào phải có những không gian tĩnh lặng, công viên hay chùa chiền, vì nếu thiếu khoảng lặng thì cuộc sống cũng như dây đàn cứ căng mãi sẽ sớm đứt, người sẽ phải điên loạn. Có quá nhiều người bị stress nặng phải vào nhà thương vì không tìm ra những khoảng lặng cho cuộc sống của họ, cũng như ca sỹ cứ phải hát mãi đến đứt hơi mà không được nghĩ.

 Bài nhạc bắt đầu từ sự yên lặng và kết thúc trong yên lặng, nếu ta quán sát kỹ thì sẽ nhận thấy yên lặng là cái nền cho cả bài nhạc từng nốt trầm nốt bổng, nếu không có sự yên lặng thì không thể có bài nhạc. VD ta chơi nhạc ở một trại cưa thì sự yên lặng bị thay bằng tiếng cưa máy, lúc đó ta chẳng còn nghe gì cả ngoài những âm thanh hỗn độn.

 Quán sát kỹ hơn nữa ta sẽ nhận thấy sự yên lặng làm các nốt nhạc tách rõ và phân biệt hẵn ra: tiếng đàn-yên lặng-tiếng đàn khác-yên lặng…,

Nếu không có cái phông nền ấy thì các nốt nhạc cứ hoà vào nhau đấu tranh và chỏi nhau tới mức ta sẽ không còn nghe gì ngoài một tiếng ồn liên tục lúc bổng lúc trầm. Sự yên lặng ấy dường như “len lỏi” giữa các nốt nhạc, lúc ít lúc nhiều, lúc có do quy định mà lúc có do sự hiển nhiên.

Giống như ta rãi một nắm sõi lên bãi biển, ta phân biệt chỗ này là sõi, chỗ kia là cát, cát len giữa sõi, chỗ này thưa chỗ kia nhặt,..nhưng thực chất là sõi nằm trên một nền toàn là cát. “Dấu lặng” thực ra là một nốt nhạc của sự yên lặng, hoá thân chìm vào và cùng bản chất với sự yên lặng, như khi ta nhấc hòn sõi lên nhường chỗ của nó cho cát phủ, vẫn còn dấu của hòn sõi in trên cát, nhưng giờ chỉ là cát. 

Nghệ thuật thưởng thức nhạc không chỉ là nghe nốt nhạc, mà còn phải biết nghe cả nốt lặng nữa. Tôi nhớ có một bài giao hưởng, mỗi nhạc sỹ cắm 1 cây nến trước mặt. Bài nhạc kết thúc khi từng nhạc công chơi xong phần mình, họ tắt nến và lui vào trong, khi tiếng violin cuối cùng còn lại réo rắt kết thúc thì cả khán phòng chìm trong bóng tối yên lặng, sau vài giây im lặng điếng người ấy thì toàn bộ bèn được bật lên trong tiếng vỗ tay của khán giả.

 Lắng nghe một bài nhạc không chỉ để nghe giai điệu hay lời hát, mà còn phải biết nghe cả tâm tình bài nhạc gởi vào, nghe cả những gì mà tai ta không thể nghe được.

Khoảng lặng là thành phần quan trọng nhất mà ít khi ta cảm nhận. ví như ta nhìn bức tranh vẽ cái hoa, ta chỉ nhìn thấy cái hoa mà không hề thấy cái “không khí” trong bức tranh. Nhưng cái “không” xung quanh hoa tạo nên hình dángcho hoa. Có ai vẽ hoa kín hết bức tranh đâu.

Chính vì vậy mà rất ít người thích nghe nhạc giao hưởng, bởi vì nó có vẻ khó hiểu quá.

 Nghe nhạc cũng là một cách thiền, lắng nghe cái vô thanh trong bản nhạc. Lúc đầu ta chỉ nghe ra các khỏang lặng, sau đó ta nghe ra các khoảng ngừng giửa tiết điệu, và rồi nghe ra các khoảng lặng của từng nốt nhạc, và rồi ta chợt ngộ khi nghe ra “cái không có gì” chãy xuyên suốt bài nhạc.

Sóng âm cũng chỉ là tập hợp những bước sóng hình Sin, mà sóng hình sin nào cũng có điểm giữa bằng không.

 Đâu chỉ có trong nhạc, mọi âm thanh hỗn độn mà ta nghe hàng ngày đều có khoảng lặng. Nhiếp tâm vào khoảng lặng ấy ta sẽ thấy tiếng ồn ào cũng thanh tịnh như tiếng chim hót hay tiếng dế kêu, hay tiếng ngoái râu vù vù động cả trời đất của một…con rận !

 Quy hoạch một đô thị thường có các khoảng lặng là công viên hay đài tưởng niệm, quảng trường,…Bởi vì nếu không chừa không gian trống ấy thì họ phải tốn thêm nhiều tiền hơn để xây…nhà thương điên.

Khi quá mệt mõi và ngột ngạt bởi đô thị, ta tìm vào công viên hay các khu vui chơi để tận hưởng những khoãng trời bình yên. Đó là những “dấu lặng” được quy định sẵn.Tuy nhiên những khoảng lặng ngẫu hứng cũng rất nhiều, đó là giữa các ngôi nhà có những khoảng vườn tươi mát, đó là từng cây dọc theo đường mà ta có thể liên tục nghỉ ngơi nếu biết tận hưởng.

 Đô thị xây chật chội mất thẫm mĩ cũng như một bài nhạc lộn xộn các nhạc cụ tranh giành chơi để lấn át nhau. Sống trong đô thị cũng là một nghệ thuật.

 Khi ta đi dưới đường nắng chang chang thì bóng mát của một tán cây ven đường là những khoảng lặng mát mẻ dù thoáng qua, rồi lại tiếp tục chạy đoạn đường cháy nắng. Vài giây dưới tàn lá ấy có giá trị vô ngần.

Đối với người biết tìm khoảng lặng, thì cả con đường là chuỗi dài những bóng cây, và thỉnh thoảng bắt gặp vài bông hoa trong hiên nhà ai đó, chứ không phải là một con đường nắng cháy và ồn ào.

 Người hành giả đi tìm tâm không, cũng như người lắng nghe khoảng lặng. Khi tụng kinh niệm Phật hay ngồi thiền ta đều gặp chướng ngại, khiến tâm không bao giờ thanh tĩnh được, thế là tìm vào chùa chiền hay lên non cao rừng thẳm để tu tập.

Người ấy tìm thấy ở nơi ấy sự yên lặng, trên cái nền ấy ta thấy tâm đang động loạn. Bằng công phu của 8400 pháp môn ta tìm ra những lúc tâm yên lặng, tuy chỉ là bề mặt.

Thế rồi theo công phu và công đức sâu dày, ta tìm ra những khoãng trời không mây hé lộ giữa đám mây mù. Thế rồi một ngày kia ta chợt ngộ: phía trên mây mù kia là trời xanh, những sát na loạn động của tâm chỉ là những tiếng đàn trên nền vô thanh, ta ngộ được cái Vô của Tâm.

 Thế rồi trên bước đường sanh tử, hành giả ấy quay về với đời. Vị ấy luôn tìm thấy “khoảng lặng” trong ngoại cảnh và nội tâm, nên nghe thấy mà không vướng mắc, suy nghĩ mà không trôi theo.

Cuộc đời vẫn cứ ồn ào như trước nay, nhưng chìm dưới sự xao động ấy là sự tĩnh lặng. Vị hành giả ấy sống giữa chợ như một dấu lặng, như một nốt nhạc bị câm hay một hòn sõi bị nhấc ra khỏi cát.

 Dấu lặng đâu có nghĩa là không có gì, nó là nơi các nốt nhạc đẹp nhất hòa âm lại với nhau.Có khi dấu lặng ở dòng nhạc này, nhưng ở dòng nhạc khác một giai điệu ngọt ngào được kéo lên.

 Cần lắm thay những dấu lặng trong bài nhạc, và cần thiết vô cùng những “dấu lặng” sống giữa cuộc đời xao động này. Nốt nhạc cần sự yên lặng để vang lên và để dung hoà lẫn nhau. Dấu lặng không làm gì hết,nó chỉ đơn giản tồn tại ở đó như hư không, để làm phông nền cho những giai điệu trữ tình.

 Cần lắm những ai đó, biết hoá thân thành những dấu lặng, biết hạ mình xuống để người khác được vươn cao lên, biết im lặng chịu đựng những nghịch cảnh và để nó mất hút vào hư không như những tấm hút âm trong nhà hát, âm thanh xấu đến và bị hút mất.

Những con người vô ngã biết đi đến những nơi cần thiết, và hiện diện nơi ấy chỉ để làm những khoảng lặng cho cuộc đời. Như một cái giếng sâu không đáy nơi mà người ta có thể thả vào đó tất cả các phiền muộn và xao động.

 Đức Phật đã ra đời vào cách nay hơn 2550 năm, Đức Phật đã chứng ngộ và thay vì biến mất như một nốt nhạc bị thiếu trong bài hoà âm của vô lượng Pháp Giới Chúng Sinh, thì Ngài lại dũng mãnh hoá thân, lúc thì im lặng như hư không, lúc thì vang dội khắp tam thiên đại thiên.

26 thế kỹ trôi qua, chúng ta như vẫn còn nghe được sự vang dội và sự im lặng hư không ấy.

 Dẫu cho chúng con chưa đủ căn duyên trí tuệ để hiểu và hành được như Đức Phật, chúng con cũng xin nguyện làm những “dấu lặng” giữa cuộc đời này. Tuy chưa thể yên lặng hoàn toàn nhưng cũng sẽ thu nhỏ mình và mất hút giữa dòng đời náo nhiệt.

 Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

September 22, 2010 at 12:35am – bài đã viết trước đó 3 năm

Viết một bình luận