Đạo Phật cho rằng cái thế giới mà chúng ta đang sống đặt nền tảng trên sự ham muốn – dục giới. Ái dục và dâm dục luôn là cái ham muốn mạnh nhất, sau đó phải kể đến các ham muốn vật chất hoặc tinh thần, tuy vi tế vô hình nhưng rất mãnh liệt. Nhiều cái ham muốn được đặt tên rất cao đẹp, như “muốn siêu thoát” hoặc “muốn được minh triết”. Có người biện hộ rằng “tôi muốn cho người khác, cho đất nước và nhân loại chứ đâu phải cho riêng mình,..” thế thì cũng là muốn cả, cho nên trách sao được cái xã hội này đưa Ái Tình lên hàng đầu, ngầm sau đó là Dâm Dục. Tất cả các tôn giáo đều vẽ mặt nạ tươi đẹp rằng họ chống Dâm Dục, họ lên án phụ nữ và bài trừ các tệ nạn này bằng nhiều hình thức. Vậy từ đâu mà có các giáo sỹ, từ đâu mà sinh ra các vị giáo chủ? Từ cái lổ nẻ hay từ trứng đá, cũng là tác phẩm của Dục mà ra, cũng từ Phụ Nữ mà ra. Vậy thì các tôn giáo cũng từ Dục mà sinh ra cả, hơn nữa, cũng nhờ Dục mà tồn tại. Nếu không vì ham muốn “vãng sanh cực lạc”, “về ở với Chúa Trời” hoặc các lý do tương tự, thì chẳng có ai phải vào các đền thờ tôn giáo, chẳng cần gì phải cung phụng cho bọn giáo sỹ nói chung.
Tôn giáo do đâu mà có? Nhờ đâu mà tồn tại tới ngày nay?
Thì nó xuất phát từ các vị khởi xướng, những Giáo Chủ đầu tiên – ai cũng sẽ nói như vậy. Vd tín đồ Catolic sẽ bảo rằng đạo của họ là từ Jesus Christ “con của Thượng Đế” mà ra, bên Phật giáo sẽ nói là từ khi Đức Phật “xoay bánh xe pháp”, hoặc đạo Lão sẽ bảo là từ Lão Tử viết Đạo Đức Kinh,…Câu trả lời ấy quá đơn giãn và hoàn toàn dựa vào niềm tin từ lời của “người khác” nói ra.
Phải đặt thêm một câu hỏi khác: vì lý do nào, động cơ nào đã thúc đẩy các vị giáo chủ ấy lập nên các nền tảng đầu tiên trong tôn giáo ấy? Xin đừng lấy một câu trả lời đơn giãn đã có sẵn, xin đừng tin rằng “do từ bi thương yêu chúng sinh” hay “do tình yêu vô hạn”, bởi vì nó quá chung chung. Bất cứ một con người nào được gọi là Người đều có một tấm lòng vĩ đại, nhưng thương yêu hay từ bi không thôi thì chưa đủ. Bạn chỉ có thể phát khởi lòng bi mẫn khi thấy cảnh khổ, còn nhìn cảnh thế gian sung sướng đầy đủ thì liệu có thể phát sinh tình thương hay không. Nói cách khác, các vị Giáo Chủ ấy phải được đặt trong một hoàn cảnh xã hội cực kỳ bi đát mới đủ để phát được cái ý chí vĩ đại kia – và cũng đủ các điều kiện cần để đưa những tư tưởng mới vào số đông quần chúng. Thánh Mosé tuyên bố được Khải Huyền từ Thượng Đế trong hoàn cảnh dân Do Thái bị làm nô lệ cho Ai Cập, không có tài sản và quyền lợi, cũng không có một đất nước. Thánh Jesus Christ cũng tuyên bố “là con của Thượng Đế” trong hoàn cảnh xã hội La Mã đàn áp và bóc lột xã hội thị dân, trong đó có dân Do Thái. Đạo Khổng và Lão cũng phát sinh trong xã hội loạn lạc thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi con người đối xử với nhau như cầm thú. Còn Đức Phật cũng nói lên Chánh Pháp trong thời Ấn Độ loạn lạc, xã hội phân hóa giai cấp cùng cực với quyền lợi dồn hết cho nhóm thống trị và tăng lữ thối nát. Tóm lại đều do hoàn cảnh thực tại của xã hội thúc đẩy chứ rất ít liên quan đến “tình yêu” hay những thứ sến sủa rởm đời khác. Những tư tưởng lớn được dựng lên trong lúc ấy hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh xã hội và đáp ứng được sự mong mõi của đa số quần chúng nên được chấp nhận ngay – như đất hạn gặp mưa rào. Các giáo chủ khi ấy chỉ được xem như một nhà tư tưởng lớn, một triết gia chứ chưa hẳn là một giáo chủ mà tín đồ phải thủ phục quỳ lạy. Chỉ có Mosé lãnh đạo dân Do Thái đánh chiếm Israel thành công, Mohamet lãnh đạo dân du mục trong sa mạc đánh cướp các vùng lân cận thành lập Hồi Giáo. Hai vị ấy đương thời được người dân tôn làm giáo chủ, vừa trị vì đất nước vừa lãnh đạo tinh thần. Chúa Jesus theo đường lối của Mosé nhưng thất bại, còn Khổng Tử thì đi đâu cũng bị khước từ. Đức Phật dùng phương pháp bất bạo động để cải tạo xã hội nên cũng không gây dựng được quần chúng to lớn lúc tại thế.
Từ cái lý do hình thành cho tới những gì còn lại trong Giáo Pháp ngày nay, chúng ta sẽ thấy chẳng có gì ăn nhập với nhau cả. Cái tư tưởng lớn “tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ” giờ chỉ còn lại chuyện tu thân đọc sách để mà thi cử làm quan, còn nhân lễ nghĩa trí tín đã rớt mất hết. Thuyết “chính danh” của Khổng giáo bị xuyên tạc lệch lạc thành tư tưởng ngu trung tối hiếu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” để rồi người đời lấy đó mà chê bai khinh thường. Toàn bộ lý tưởng xây dựng một xã hội công bằng “vua ra vua, dân ra dân” đã bị cố tình quên lãng. Không riêng gì Khổng, tất cả các tôn giáo khác cũng chịu tình trạng tương tự, nhờ đó mà chúng còn tồn tại đến ngày nay trước những kẻ thù mà ngày xưa đã có vài lần xém thắng. Các đạo pháp tìm đủ mọi cách để sinh tồn, lúc thì như thằn lằn chịu mất đuôi để cứu đầu, lúc thì như tắc kè bông đổi màu để hòa nhập với hậu cảnh. Có đạo dùng phương pháp “chim tu hú” tức là đẻ trứng vào ổ chim khác nhờ chúng nuôi dùm, hoặc có đạo thì tự hủy hoại thành một thứ không ra gì để làm lẩn lút tồn tại. Nhớ chuyện ngụ ngôn “cây olive và cây sậy”, olive chê sậy chịu khuất phục ngả rạp trước gió nhưng cuối cùng sau cơn bão chỉ có lau sậy là sống sót. Cổ nhân cũng từng đưa ra một thí dụ đầy hàm ý: trong rừng cây to thẳng thường bị đốn hạ trước, loài bụi rậm cũng bị phát quang để dọn đường, chỉ có những cây xấu xí vặn vẹo là được tiều phu chừa lại – đốn hạ thì tốn công mà chả nên công tích sự gì. Các đạo giáo là nơi tập trung những con người minh triết, nên những điều đơn giãn thế này phải được chiêm nghiệm và áp dụng vì lợi ích cho những người sau. Hãy khoan nói đến những ai là kẻ thù của tôn giáo và tại sao phải kinh sợ đến nổi phải dùng đến những hạ sách như thế. Ta hãy nói đến những người đã “có công” phục hưng và bảo tồn – nhưng cũng đồng thời hủy hoại mãnh liệt nhất – các tôn giáo. Những người mà trong các tôn giáo đều ghi nhận và xưng tôn họ là những vị hộ pháp hoặc là thánh nhân, chỉ một hai bậc dưới vị giáo chủ tối cao. Nhờ các vị ấy mà chúng ta mới có được – hai bị – một tôn giáo có hình thể giống như ngày nay.
Nếu nói như thế thì giống như phủ nhận công lao của các vị ấy. Nói theo kiểu khó khăn thì “không có họ thì làm sao có được cái cho anh học theo, để anh giỏi rồi quay ra bài xích họ?”. Xin hãy bình tĩnh, công và tội rõ ràng không thể lẫn lộn. Ta hãy xét Khổng giáo, tại sao thời Khổng tử còn sống thì không ai chấp nhận và áp dụng cái tư tưởng của ông ta? Chỉ vì lúc đó ông đem ra thuyết cho vua chúa nghe một cách công tâm, dùng cái “vương đạo” để trị vì thiên hạ trong cái thời mà “bá đạo” đang thịnh. Phàm trên đời hễ có lợi thì người ta mới tham mà làm theo, thời Chiến Quốc chuyện đối ngoại được đặt cao hơn đối nội, trong khi Khổng tử lấy nền tảng từ trong ra ngoài nghe khá là lâu lắc. Khi Khổng Tử mất rồi thì Mạnh Tử mới là người xiển dương cái tư tưởng Nho giáo ấy, nhưng để cho tư tưởng này được trở thành một “tư tưởng chính trị”, một cái cương để trị quốc an dân thì phải đợi tới qua thời Tần, khi Pháp gia nắm ưu thế rồi các triều đại sau Tần được thái bình thống nhất mới nghĩ tới chuyện ổn định thiên hạ bằng một phương pháp nhu hòa hơn. Lúc này thì người ta mới nhớ tới Khổng Tử. Nên nhớ rằng vào thời Tần Thủy Hoàng thì phần lớn sách vở Nho giáo đã bị thiêu rụi thì cái gì còn sót lại? Cái mà chúng ta biết về Khổng giáo hiện nay có phải là thứ đã được phục hưng sau Tần và được các đời vua chúa thống trị chấp nhận? Vậy thì tại sao tư tưởng Nho giáo lại rất được các vị vua chúa triệt đối ủng hộ, đến nổi trở thành Công giáo thời bấy giờ: muốn làm quan phải qua các kỳ thi cử Nho học, các ông thầy Đồ cũng là từ Nho giáo mà ra, cả cái thiết chế xã hội lúc bấy giờ lấy “Nho giáo” là bản thiết kế gốc. Nếu nó hay và ưu việt đến thế tại sao thời Khổng tử còn sống lại không ai chấp nhận, Khổng Tử dở thuyết trình hay các vị vua thời ấy quá u mê? Thực ra Khổng Tử được xem là một nhà hùng biện thời ấy và các vị đã làm vua chúa thì chẳng ai ngu cả. Chỉ vì thực tế cái tư tưởng “nguyên chất” của Khổng Tử có lợi cho toàn xã hội, từ nam tới nữ, dân tới vua đều như nhau. Cái công bằng này không hấp dẫn những kẻ trong giai cấp thống trị đang nắm các quyền lợi. Chỉ khi mà đạo Khổng được cải tiến thành đạo Nho, các quyền bị thay bằng nghĩa vụ, người dân phải phục tùng vua như một điều thiên định hiển nhiên bất di bất dịch (vua là con Trời) – một kiểu tôn giáo quân quyền – lúc đó nhóm mạnh hơn (chồng, cha, vua) mới thích và áp dụng để càng củng cố địa vị. Đạo Nho từ ấy gắn liền với triều đình phong kiến các nước Đông Á, từ Tàu lan sang Hàn và Việt. Vậy ai là người có công nuôi dưỡng và phát triển tư tưởng Khổng thành một đạo lớn như Nho giáo? Không phải Khổng phu tử, cũng không phải Mạnh tử, mà chính là giai cấp được lợi nhất trong cái tư tưởng công bằng này. Họ đã chế biến, cắt xén và thêm vào để biến thành một cái xiềng xích nhiều tầng, cột cả trong sâu thẳm tư tưởng và nhận thức quan của người dân về một thiết chế xã hội phong kiến với cán cân quyền lợi hoàn toàn nghiêng về cho vua, cho kẻ mạnh. Có người sẽ biện luận rằng cái phát sinh là một điều tất yếu, đạo Nho ấy đã góp phần làm ổn định cái xã hội đầy định kiến của Tàu từ xưa, nhưng đó là vấn đề sẽ bàn sau trong một chương khác.
Thế thì ai ủng hộ tư tưởng Vô Vi của đạo Lão? Ai đã biến một tư tưởng lớn bao trùm cả các quy luật của vạn vật từ vũ trụ tới xã hội, trở thành những thứ khó hiểu và ủng hộ cái ý nghĩ “vô vi tức là không làm gì, để mọi chuyện thuận theo đạo”. Nếu trên đời này mọi thứ đều bình ổn, đều công bằng thì cần gì phải can thiệp vào. Nhưng khi thời loạn hoặc quá bất công thì ai là những người không muốn sự công bằng, không muốn có người xía vào? Chính là những người đang gây ra bất công, đang hưởng quyền lợi từ sự loạn lạc đó. Người ta mượn tư tưởng Vô Vi và bẻ cong nó thành câu chuyện “Khổng tử gặp Lão tử”, trong đó tư tưởng dang vai gánh vác chuyện thiên hạ đã bị chê cười châm biếm. Thực ra Khổng tử chưa từng biết Lão tử và cũng không có ai là Lão tử cả, đó chỉ là một câu chuyện có thâm ý đánh hạ những điều tốt đẹp của một “kẻ sỹ” hay “quân tử” mà tư tưởng Khổng tử tạo ra. Người có nghĩa thấy chuyện bất công thì không thể đứng nhìn, với cái “đạo Lão biến chất” thì điều ấy thật là sai lầm và “trái đạo”, điều đúng là phải…quay mặt đi để mặc mọi chuyện diễn biến “thuận tự nhiên”. Vậy thì đã rõ ai mong muốn điều này nhất, tại sao trong các bộ Đạo Đức và Nam Hoa Kinh chỉ viết về tự nhiên, vũ trụ và con người mà không thấy viết về các quy luật vận động của xã hội? Tại sao cái thuyết “vật cùng tắc biến” ấy lại không thể áp dụng vào các bất công của xã hội để quay về thế cân bằng động – chẳng phải cái đạo trong vũ trụ vẫn tròn đầy và đăng đối đó sao? Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này một cách cụ thể trong chương Lão giáo, trong phạm vi phần này tôi chỉ gợi lên sự thiếu hụt – mà đáng lẽ ra là những cốt lõi quan trọng nhất – trong tư tưởng Lão giáo còn lại ngày nay. Từ đó chúng ta thấy rõ ai đã ngầm ủng hộ và bảo vệ cái tư tưởng trốn đời mặc thế nhân, và cũng chính nhờ vậy mà nó không bị tiêu diệt – chỉ biến chất để tồn tại.
23-10-14