Báo chí bên này không tiếc lời chưởi thầy Nhất Hạnh đã về VN lập 3 cái trai đàn chẩn tế, riêng tôi thì thấy đó là việc làm sáng suốt và hay nhất có thể, trong quỹ eo hẹp thời gian và quyền hạn, mà một vị Thầy đã làm được.
Như một liều thuốc mát bôi lên vết thương của dân tộc, như nước Cam Lồ mưa trên mãnh đất cằn cỗi.
Chỉ vì ông ta đứng ở giữa lằn ranh giới của đúng và sai, nên ông ta đơn độc.
Tôi chợt nhớ tới nhân vật Kiều Phong trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, người anh hùng này sau khi ngăn cản được một trận chiến đã phải tự vẫn tại biên cương vì không còn nơi nào để trở về. Kim Dung đã khéo léo để cho nhân vật Kiều Phong chết tại cái biên giới giữa đúng và sai, và ngay phút giây quyết liệt sinh tử nhất, lòng thương người đã chiến thắng để chàng trở thành một kẻ “tội đồ”, nhưng là một anh hùng vĩ đại nhất của cả 2 nước.
Không phải ai cũng có thể đi trên một cọng dây. Ranh giới giữa đúng và sai không phải là cọng dây mà nó nhạt nhòa vô ảnh, nên phải là những con người phi thường mới có thể giữ vững trung đạo, thăng bằng nơi ranh giới mà bước đi thanh thản không vướng vào bên nào. Đa số chúng ta chỉ vì một cơn gió nhẹ là té ngã.
Một người rất tốt bụng, hay bố thí, ngày nọ anh ta đọc báo rằng có một làng chuyên hành nghề ăn xin, thế là từ đó về sau anh ta không giúp ai nữa, vì anh ta thấy ai cũng là những kẻ ăn xin giả mạo.
Nhiều người rất kính tin tam bảo, thế rồi chỉ vì tin đồn một vị thầy nào đó làm bậy, thế là họ bỏ mặc tất cả các Thầy và đạo hữu khác, ai nói tới Phật đạo cũng bĩu môi chê trách, tự đóng lại con đường của chính mình.
Khi được hỏi về hạnh bố thí, có Thầy bảo rằng nên bố thí cho ăn xin, có thầy kiên quyết bài trừ, có thầy bảo phải dùng trí tuệ soi sét từng trường hợp.
Tôi nhớ câu chuyện của một vị thầy: “bà mẹ muốn tập cho con hạnh bố thí liền nhét vào tay nó một số tiền, bảo hãy đến lễ phép bố thí cho ông lão ăn xin đầu chợ – thường thì người ta gọi ông lão ăn xin, nhưng lại dùng từ thằng ăn cắp, thằng cảnh sát giao thông,…vì ông lão ấy chỉ ăn xin thôi, còn mấy thằng kia ăn cắp và ăn cướp – đứa bé nghe lời mẹ dạy, đến đưa 2 tay cho ông lão, xong còn cảm ơn lão nữa. Thế rồi không ai ở cái chợ ấy biết lão ăn xin ấy từ đâu đến và đi về đâu, nhưng đứa bé lớn lên trở thành một người được rất nhiều người kính mến, thành tài và lúc nào cũng có hiếu với cha mẹ, bởi vì chính cha mẹ dạy cho nó biết thương yêu và kính trọng người khác, dù là người cùng dinh nhất”.
Rồi thầy ấy kết luận “chúng ta tu tập cái hạnh bố thí cho chính chúng ta, nên đừng có phân biệt người nhận là thật hay giả. Mỗi lần chúng ta “cho” ai cái gì là mỗi lần chúng ta tu tập: xem ta có kinh thường người kia hay không, xem ta có tự hào, xem ta có cầu quả báu không,..để đối trị với khinh mạn thì khi cho ai phải đưa một cách cẩn thận, như đưa…quà cho xếp. Để đối trị cái tâm tự hào, khi ta cho phải biết cảm ơn người nhận, vì chính họ làm phương tiện cho ta tu tập mà. Để đối trị lòng ham cầu quả báu, vừa cho xong quay đi phải hồi hướng tất cả phước báu cho chúng sinh…”
Chẳng có một loại giấy tờ nào xác nhận rằng “đây mới thật sự đúng là người cần giúp đỡ” hay “đây mới đúng là hội từ thiện trong sạch nhất”, nên khi chúng ta cho ai hay cho hội từ thiện cứu trợ nào, đừng bao giờ lo ngại rằng chúng ta có bị “dụ dỗ” hay không. Con người phải ăn để sống, những người làm công tác cứu trợ cũng phải ăn vậy ! Đó là chuyện rất bình thường. Mà quan trọng hơn là khi chúng ta gởi cái tâm mong cầu điều tốt đến cho ai đó, đạo tâm chúng ta đã thăng hoa lên một vài nấc. Còn nếu chúng ta có trí tuệ, biết làm chuyện hợp lý nhất hoặc chúng ta làm chuyện có hại nhưng vì lòng tốt chúng ta làm mà không hay biết tác hại, thì đó cũng là do duyên nghiệp cả mà thôi. Một lần nữa, chúng ta không thể chủ động biết đúng sai mà chỉ có thể cố gắng làm những gì phải làm.
Tôi biết có người buôn bán chẳng mấy gì tốt đẹp, chả bao giờ giúp ai nhưng lại rất siêng cúng chùa. Khỏi nói thì ai cũng biết người này cũng vì tham phước mà cúng tiền như một sự mua bán đổi chác. Dĩ nhiên duyên nghiệp của xui khiến người này giao tiền vào những chỗ…hỡi ơi mà thôi. Cũng như người ăn cho béo rồi mỗi tháng đi…lóc mỡ cho nhẹ kí bớt. Rồi người này chẳng có gì tăng tiến trong tu tập, nên đến hỏi một vị Đạo Sư: “chả lẽ con cúng dường Tam Bảo là sai?”
Mà nếu vị Đạo Sư trả lời rằng “sai” thì người này không bao giờ đi chùa nữa, càng đi về nẽo tối. Nên ông ta khen công đức ấy nức nở, và bảo rằng “con đã được ơn trên gia hộ, giờ hãy thử một pháp tu nào đó…”.
Chuyện miền Tây có những người tu tại gia, sống thanh liêm có gì cũng chia xẻ cho người khác. Ngày nọ người này nghe trong xóm có đứa trẻ bệnh thập tử nhất sinh, liền sang chơi rồi khuyên cả nhà hãy tin theo một Đấng Thiêng Liêng nào đó mà làm thiện. Xong ra về không quên xoa đầu với lời chúc thằng bé mau lành bệnh. Bệnh thì ngàn vàng cũng không thể chạy chữa, mà sau đó tự dưng khỏi. Người biết chuyện thì đến nhà hỏi người kia dùng thần lực hóa giải nghiệp cho người khác vậy đúng hay sai ? Người kia chỉ nói qua loa “Phật chữa chứ tôi đâu biết phép thuật gì”. Thấy đứa trẻ đau khổ mà không cứu thì mất từ bi, mà dang tay can thiệp vào cái nghiệp đã gieo từ đời trước thì cũng là sai luật. Vị ấy chỉ có cách luồn lách khéo léo giữa cái lằn ranh đúng-sai, để rồi chắc chắn thằng bé kia lớn lên sẽ đi theo con đường sáng, tự hóa giải hết nghiệp xưa.
Một người quen, biết tôi cũng là Phật tử, trong lúc trà dư tửu hậu hỏi tôi rằng “ông thầy X đó tu không lo, lại lo đi nịnh chánh quyền rồi còn xen vào chính chị nữa, vậy là đúng hay sai ?”. Tôi biết anh ta chờ chữ “sai” từ chính tôi nói, để rồi đi nói với người khác. Nhưng tôi chỉ nói rằng “ổng làm sai hay đúng có Phật biết, nhưng trước mắt tôi thấy ổng đang làm điều có lợi nhất cho các Phật tử !”. Vì nghĩ cho Đạo Pháp, cho Phật tử mà vị thầy này phải đứng trong một cái thế “như con voi chiến xông trận, chịu lằn tên mũi đạn…”. Đứng trên cái lằn ranh đúng sai một cách tự tại và trí tuệ, hứng chịu búa rìu dư luận, những vị Đạo Sư ấy cũng là những vị Anh Hùng.
Chấp nhận chết giữa biên giới như Kiều Phong cũng là anh hùng, mà chấp nhận sống giữa bùn lầy để gieo những đóa sen lại là bậc chân nhân.
Nói tới đúng sai nhiều quá thế nào cũng có kẻ lên giọng dạy “không có đúng, không có sai”. Ah, đây lại là chỗ chấp mới nữa! Có kẻ chấp đúng sai đã đành, lại còn có kẻ chấp không đúng không sai !
Cũng như có người chấp “không có thiện, không có ác”.
Tuy nói “không thiện không ác” nhưng người hiểu biết thì làm cái gì ra cũng điều là thiện cả. Tuy nói “không đúng không sai” nhưng nếu biết đi “cửa giữa” thì làm cái gì cũng đều đúng cả.
Lại có kẻ quá sai quấy, quá ác độc, nay chỉ vì nghiệp rượt đuổi phải nhờ đến vị Đạo Sư, chẳng lẽ bây giờ ông ta lại bảo người ấy là sai quấy, thì có khác nào Tào Tháo chạy tới đường cùng gặp Quan Công chắng lối ?
May 1, 2010 at 5:33pm