Cái Miếu Nổi

Trở về sau một thời gian dài, thành phố đã khác hồi những năm 90 nhiều lắm. Những con kênh đen đầy nhà sàn lấn bờ sông nay đã sạch thoáng thành đường đi bộ với cây xanh trên bờ kè xây đá. Dòng kênh đã đỡ đen và thối, rác nổi cũng ít hơn. Vào những ngày triều cường, nước ngoài sông Sài Gòn chãy ngược vào ép nước cống phun ngược lên mặt những con lộ, làm nước màu kênh trở nên “sáng” hơn một chút. Nơi trước đây toàn những nhà ổ chuột và chuồng heo vô lối thì giờ mọc lên nhiều chung cư “cao cao” với giá cao cấp chẳng người dân thường nào mua nổi. Những con đường mới mở, đầy những căn nhà phố “biệt thự – thiệt bự” với giá hàng chục tỉ đồng.
Vậy mà lúc cô bé Ly Lehman còn nhớ thì nơi này chỉ là một cái bãi lầy giữa lòng thành phố. Đã hơn mười năm kể từ ngày Lý lên máy bay ra đi, mang một cái tên khác dấu thiếu họ. Lý cũng chẳng phải tên, thật ra người ta nghe em nói tên Lì. May nhờ một chút chữ nghĩa và tấm lòng, người phiên dịch đổi tên em thành Lý, nghe cũng giống một họ đông đúc ở xứ Việt hoặc Tàu. Em cũng chẳng biết cha mẹ họ gì tên gì, bởi họ cho em một cái thân mà chẳng cần phải mang nặng nghĩa vụ của họ tộc, một cái thân chẳng cần thừa nhận. Ông bà cha mẹ nuôi của Lý cũng chẳng biết cái “surname” của Lý là gì, họ giữ lấy cái chữ Việt cuối cùng ấy làm tên cho em.
Chẳng phải con cò hay con thỏ Bunny mang Lý đến thế giới này. Trên ruộng bùn Miếu Nổi, quay lại hơn mười lăm năm về trước. Chẳng được tình tứ thi vị như chuyện Thị Nở gặp Chí Phèo, cha mẹ Lý gặp nhau một cách tệ hơn bình thường, như một con chó đực ghẻ ốm đói gặp phải một con chó cái què đang trong dịp cái “bông sim” đang sưng húp. Rồi lạc lối thế nào Lý lại chui ra từ cái ổ ấy.
“Chàng” là trai giang hồ chẳng đúng cái nghĩa đẹp đẽ, như cái kiểu tay anh chị sẳng sàng một tiếng là động tay chân. Không, hắn ta chỉ là một thứ không nhà cửa, lang thang từ miền ngoài vào nhưng cũng chẳng mang theo cái quý tánh siêng năng cần mẫn thường thấy. Khi lười thì người ta thích xài thứ của người khác, thời hoàng kim hắn cũng làm được mấy cú kha khá nên cũng dựng tạm được cái chòi nhỏ và có chiếc ba gác đạp. Nhưng chẳng ai làm giàu bằng nghề này, mấy lần hắn cũng bị đánh thừa sống thiếu chết, bị rượt té gãy tay rồi chẳng có tiền thuốc thang gì cũng phải lành, để lại cho hắn những cơn đau âm ỉ khi trời trở gió, phải mượn rựu để quên.
“Nàng” là gái miền sông nước, chả đẹp đẽ nỗi gì nhưng cũng học đòi theo anh chị lên Sài Gòn bán quán cà-phê quán nhậu. Cuộc sống thừa mứa từ nhỏ đã quen thói, nên cũng chẳng giữ được đồng nào, thêm cái tật thích ngồi lê tám dóc nên chuyển sang bán vé số ghi đề. Tuổi trẻ qua cái vèo, đâu còn cái lúc liếc xéo khi mấy anh honda ôm chọc ghẹo, hay những lúc soi kiếng tự nghĩ mình đẹp lắm. Già rồi thì có ma nó thèm, nhưng mà già cái xác chứ con heo trong lòng nó cứ ủn ỉn đòi, một cái mùi thôi thối thuốc lá trộn men rựu.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, chó cũng tìm chó. Trong cái nghèo khổ khó khăn thì chuyện truyền giống lại trở nên quá dễ, chẳng cần hoa hồng lễ Tình Nhân hay đú đởn với nhau dịp Noel. Họ dựa vào nhau chỉ để lấp đầy mấy cái lỗ dưới thấp, Lý cũng được sinh ra như một gánh nặng không tránh khỏi. Không rõ cha đặt tên gì, nhưng mẹ nó gọi là con Lì, lúc giận thì cũng gọi chữ L nhưng hơi khác mấy âm sau. Cha mẹ nó còn không có giấy kết hôn thì lấy đâu ra khai sanh mà cần phải có tên họ rõ ràng.
Dứt sữa xong là con Lì bị bỏ lăn lóc, tự học bò học đi với đám con nít trong xóm nhà lá. Mẹ nó lúc đầu cũng tha nó trên lưng, tuy nặng thêm vài ký nhưng người ta thấy tội nghiệp cho thêm cái này cái nọ. Rồi thì cái lợi chẳng bù sự bất tiện, người ta có cần ăn bi nhiêu đâu, người ta cần ngồi lê đầu này buôn dưa đầu kia. Địu con Lì trên lưng cả ngày thật là vướng víu, dù nó cũng chả khóc la gì cho lắm. Dứt khỏi cái núm vú thì tình mẫu tử cũng chỉ còn là chén cơm buổi sáng rồi tối, ban ngày thì nó bò trong nhà một mình, có đói la vài tiếng mệt rồi cũng im. Bọn con gái nhỏ trong xóm chưa có em cũng qua tha nó đi chơi, khi hôi thúi quá thì bọn nó tắm rửa cho, chiều trả về. Cha nó cũng chẳng quan tâm, sáng còn nhớ nó là con, chiều tối nhìn nó thua con vật, khi cái đầu đã ngâm trong thứ rựu nhạt pha cồn công nghiệp rẽ tiền.
Mỗi ngày nó được một chén cơm, nửa chén sáng nửa chén chiều. Có nhiều ngày đói meo, ai cho gì ăn nấy. Nhưng ngày nào cũng được “ăn đòn”, không từ cha thì mẹ, có khi cả hai. Cha nó uống rựu ngày càng lên đô, tiền làm được có khi chẳng đủ tiền rựu. Mẹ nó càu nhàu rồi to tiếng, bà cũng chẳng khác gì: ghi đề rồi tự đánh đề luôn, tiền kiếm được ít ỏi cũng hết. Khi mà cơn bực mình chỉ có một nơi để trút xuống, con Lì nó nhận hết, bởi vậy nó càng lầm lì. Người ta hét và đánh nó như con chó, chứ chẳng phải con họ sinh ra.
Khu Miếu Nổi ngày xưa có cái miếu hoang trên khu đất cao, rồi người ta cũng chôn cất xung quanh ấy thành một cái gò mả, đắp cho đất cao dần nên gọi là Miếu Nổi, nổi lên xung quanh một khu đầm lầy bám theo con sông Thị Nghè. Rồi thì dân khắp nơi đổ về, kẻ ở đại, kẻ thì mua lại rẽ không giấy tờ. Kẻ lấn sông, kẻ chiếm gò mả làm nhà. Có được chút đất “cắm dùi” rồi thì mặc nhiên xem là đất của họ dù có đuổi hai “giải tỏa” gì họ cũng không chịu đi. Một phần cũng vì tiền đền bù ít quá lại bị ăn chận gần hết, mà đi cũng chẳng biết ở đâu, nên mấy lần xe ủi đất tới họ vẫn nằm đó, cán chết chịu.
Khi cao trào đấu tranh và thương lượng giữa người dân khu ổ chuột Miếu Nổi và chính quyền trở nên căng thẳng nhất thì con bé Lý cũng đã được hơn bốn tuổi. Chẳng biết nhờ vào điều gì mà nó vẫn cứ lây lất leo lét sống dù bệnh tật và thiếu đói. Nó cũng biết nói chút ít, chữ đầu tiên nó biết kêu lên không phải là Ma ma hay Ba ba, mà là hai chữ Đan Mạch rất phổ biến. Để sinh tồn nó cũng biết giành giật bằng răng và móng, biết gào thét như một con chó dữ. Nhưng nó cũng biết bệnh khi làm bạn với muỗi và nước dơ, và nó bệnh thường xuyên.
Một lần nó nóng sốt, nó rên rỉ và mê sảng cả đêm trước nhưng ông già nó xỉn rựu ngáy còn lớn hơn. Buổi sáng khi tất cả bỏ đi kiếm cái ăn thì nó vẫn nằm đó vì chẳng nhấc nổi cái đầu dậy. Mặc kệ nó, ai quan tâm chứ. Trưa nắng rồi mà nó vẫn còn cảm thấy lạnh trong xương tủy, mà ngoài da cũng có mặc gì nhiều đâu. Nó bắt đầu cảm thấy đói dần, rồi đói lắm. Nó nhớ cái chén cháo trong gò mả sau cái chòi tôn nhà nó mấy bước mà lần đó nó may mắn tìm thấy trước mấy đứa lớn. Mùi vị cháo lòng nó ngon làm sao, nhất là lúc còn nóng. Ai đó đã phát tâm cúng cháo ngày Rằm hay Mồng Một gì đó, thường thì chỉ là cháo trắng nấu loãng nhưng sao lần ấy người ta không tự nấu mà đi mua thứ nước cháo lòng nấu sẵn.
Mà, hình như nó không có mơ, mùi cháo có thực đâu đây nè, phải rồi, nó đói mấy ngày nên mũi thính lắm, chắc chắn là có ai vừa cúng cháo ở ngoài gò mả. Cũng là cái mùi quen thuộc có tiêu có hành, chắc có lẽ cũng còn sót trong đó ít huyết ứ phèo vụn. Sau này cuộc đời nó dầu có mâm cao cổ đầy thế nào cũng không bằng ước mơ được húp chút cháo cúng cô hồn, lúc nó cũng gần như thành ma đói.
Suy nghĩ về chén cháo, sự thèm thuồng làm nó mạnh dần lên. Nó phải tới đó trước khi người khác biết được, nó cố lết dậy, đi từng bước ra sau cái chái tôn mà nó gọi là nhà. Đi được một vài bước là nó khụy xuống run bần bật trước cơn gió mát, mặt mủi tối thui một lúc rồi lại cố đứng lên đi tiếp, cuối cùng nó cũng tới được chỗ mấy cái mả. Mùi cháo nồng lắm, chén cháo cũng sát bên đây thôi, nó chưa thấy chén cháo nhưng cái mũi và lưỡi nó như đã nếm vào cháo gà nóng rắc đầy hành phi thơm phức. Cũng may mà nó đến kịp, chén cháo vẫn còn, nó đã thấy chén cháo từ xa. Nhang vẫn còn cháy nữa cây, người cúng cũng mới vừa đi thôi. Vậy là nó có ăn rồi…
Đột nhiên nó thấy một bà già gù, cũng mò mẫm tới chén cháo, nhưng đi tắt trước nó nên bên hông cái mộ mò ra chặn trước nó mấy bước. Dù có chạy nhanh hết mức thì bà lão cũng với tới chén cháo trước nó rồi. Giận quá nó hét lên “cháo của tao..” rồi ngã gục xuống tối sầm.
Rồi thì nó thấy ấm dần, nó đang nuốt cháo một cách vô thức, cũng chẳng cần biết ở đâu thế nào, có cháo trong miệng thì cứ nuốt đã. Gần hết chén cháo thì nó bắt đầu tỉnh lại, hình như nó đang ở trong lòng ai đó, chắc không phải là mẹ nó rồi vì nó chẳng còn nhớ đã được ôm như thế này khi nào nữa. Ai đó đang ôm, còn xoa đầu vuốt tóc nó nữa. Nó mở mắt la lên “ai vậy?”
Thì ra là một bà già gù, mắt một bên như mù, bên kia cũng lòa chỉ thấy bóng mờ mờ, đang giữ nó một tay, tay kia cầm cái muỗng lần mò miệng của nó đút cháo vào. Nó thấy lạ, đó giờ hễ ai giành được thì ăn, có ai nhường nó chút nào đâu. Bà già cũng lạ lắm, nó chưa gặp trong xóm này bao giờ, nhưng lại ủ nó vào lòng. Cảm giác sợ hãi pha lẫn cái ấm cúng không phải từ nơi da thịt, nó nửa muốn vùng dậy chạy đi nhưng vẫn muốn nằm đó lâng lâng, chưa bao giờ nó được cảm giác này. Nó hỏi “mày… cho tao ăn hả?”
Bà lão gù vừa lòa chậm chạp nói “con tỉnh lại rồi à, bà ẳm con vào trong này rồi cho con ăn, con ở đây cho khỏe lại đã rồi hãy đi. Nè, đừng gọi bà bằng ‘mày’ chứ…”. Rồi bà đút cho nó hết luôn phần cháo còn lại bằng cái muỗng nhựa, cẩn thận từng chút chẳng rớt giọt nào, dù bà chẳng thấy rõ gì. Con Lì ăn no nằm lim dim trên đùi và tay bà lão, rồi quên hết sợ hãi, nó ngủ tiếp.
Miếu Thần Hoàng xưa đổ nát chỉ còn 1 góc tường, bàn thờ chẳng còn gì, chỉ có một tấm ván kê tạm trên mấy chồng gạch bể, khi nó ai đó tới nhang khói thì còn cái cái bình nứt để cắm vào mấy cây nhang hoặc bông vạn thọ. Cây đa sau miếu cũng bị chặt mấy phần để lấy đất, chỉ còn phần rễ phủ lên miếu là chưa ai xâm phạm. Người ta kiêng dè gò mả không phải vì sợ ma hay linh thiêng gì, chỉ vì khu này là phạm vi của dân hút chích. Tối đến là của gái giang hồ hoặc đại ca bảo kê. Cũng nhờ vậy mà cái góc miếu ấy được căng thêm tấm ny long cũng thành một chỗ ngủ không bị mưa gió, là nơi trú ngụ của hai ông bà già mà chẳng ai giành giật.
Ông lão bị què, sáng sớm chống nạng đi xin ăn, lượm đồ ăn người ta bỏ mang về, còn bà thì bị lòa chỉ thấy mờ mờ lần mò chờ người ta cúng mả thì ra lấy ăn, hoặc chờ ông về chia phần. Hai ông bà một què một lòa, dựa vào nhau mà sống tạm bợ giữa một thành phố văn minh mấy triệu dân.
Nhờ chén cháo gà buổi sáng, con Lì cũng khỏe lại, bà già còn quấn cho nó một cái “áo” đan cột bằng đủ thứ vải vụn và túi xốp, nhờ vậy mà nó không còn bị run khi ra gió nữa. Chiều về, ông lão què móc ra mấy cái túi nhựa, có xương gà xương cá và cơm thừa ông xin được, vậy mà 3 ông bà cháu cũng vừa đủ no. Lần đầu tiên Lì ăn cơm trong không khí gia đình vui vẻ đầm ấm. Lúc ra về nó biết chào lưu luyến “ê, …ông bà,…tao về”
Ba má nó cũng chẳng thắc mắc gì khi nó khỏi bệnh và không kêu đói, cũng chẳng lạ gì khi nó mặc một đống giẻ rách trên người, có lẽ họ cũng dững dưng nếu sáng nay nó chết đâu đó ngoài đường. Nghe nó kể đại khái thì họ cũng biết vậy rồi quên nhanh, có ai cho nó ăn là tốt rồi, giữ nó không cho té cống hay bị xe cán càng tốt, họ cũng chẳng hỏi thêm gì hơn.
Từ đó, mỗi ngày nó đều qua “nhà” bà lão ở, khi ba mẹ nó đi khỏi. Bà lão cũng chẳng cho nó ăn uống gì nhiều nhưng nó tìm thấy một thứ rất bình thường mà ở xưa nay nó chưa từng có: tình thương yêu và sự ngọt ngào ấm áp của người lớn. Chia nhau từng trái chuối dập úng, từng bọc cơm thiu mà ông mang về, bà lão kể chuyện đời xưa cho nó nghe, dạy nó hát những bài hát thiếu nhi,…và hơn hết, bà dạy nó biết nói “cảm ơn, làm ơn” biết lễ phép và vâng lời. Nhờ tình thương mà từ một đứa chỉ biết sinh tồn như con chó dữ đã trở lại tính người ngoan hiền. Đời đã biến cha mẹ nó trở thành gần như thú vật, nhưng từ một đứa con của thú vật, tình thương đã mang nó trả trở lại với thế giới loài người.
Phải nói thêm là nhờ những bọc thức ăn thừa mà ông già què đi xin, đi lượm về. Mà con Lì nó ăn ngày càng mạnh, trở nên có da có thịt hồng hào hơn. Ông lão phải lục thùng rác nhiều hơn, đứng chầu chực ở mấy quán ăn nhậu vĩa hè, chờ ai còn sót tí gì thì sớt nhanh vào các túi, hôm nào ít quá ông nói dối là đã ăn rồi. Có lần ông moi đâu được vài bộ quần áo dơ còn lành lặn, chỉ hơi rộng so với con Lì. Đem về bà lão cột gút lại cái lưng quần, túm cái cổ áo thì cũng vừa vặn. Nhìn con trẻ vui cười thì hai ông bà già cũng thêm sức sống, dù là nuôi con của người ta.
 
Khoảng nửa năm thì Lý để ý thấy hai ông bà hình như cũng khác đi: bà thì mắt sáng hơn, bắt đầu thấy rõ mặt nó, còn ông thì đi lại nhanh nhẹn hơn. Nhưng họ ngày càng buồn bã nhưng cố giấu đi. Một ngày nọ, ông không đi xin ăn nữa mà ở nhà với nó từ sáng tới chiều, cứ nhìn nó rồi lại quay đi, trông lạ lắm. Tới tối, lúc nó về, ông bà nói “ông bà sắp phải đi đây, ngày mai con cũng phải đi rồi, chắc là không còn gặp nhau nữa đâu, sau này con phải ráng làm người tốt nhé…”
Đêm đó, sau khi la hét đánh đập con bé một trận, cha mẹ nó đều xỉn rựu ngủ say như chết. Nó cố nằm trăn trở xoa mấy chỗ đau thì nghe tiếng ông bà lão gọi nó. Nữa đêm thế này gọi nó làm chi nữa? Nó bước ra thấy ông bà đứng nhìn nó xa xa ngoắc ngoắc rồi cắm cổ chạy. Nó chạy theo sau qua tới khu gò mả khói lữa đã bốc lên đỏ rực, có ai đó đã đốt một thùng xăng nên lữa cháy bùng lên rất nhanh. Nó chạy bén gót ông bà già, sao mà họ chạy nhanh thế, nó cố lắm chẳng thể bắt kịp. Ba người lắt léo len giữa các nhà rồi ra tới khoảng rất trống nơi đầu gió. Ra tới đường lớn thì đám cháy phía sau đã lan rộng khắp, khu nhà ổ chuột bắt lữa rất mau vì toàn là thứ vách ván ép hoặc tôn nhựa. Khói bắt đầu bốc lên mù mịt, chỉ trễ vài phút thôi thì không chết cháy cũng chết ngộp, hoặc chẳng biết đường đâu mà chui ra, nhất là với đứa trẻ mới lên năm như con Lì.
Xe cứu hỏa cũng đậu ngoài đường lớn vì không thể len vào mấy con hẻm zíc zắc. Lính cứu hỏa chỉ phun nước ngăn đám cháy không cho lan rộng, họ chẳng thể làm gì hơn vì lữa cháy nhà gỗ nhanh vèo như rơm. Còn người trong xóm nhà lá đêm ấy, ai không chạy kịp thì thành heo quay, cha mẹ Lì cũng đã bị nướng chín.
Nó chưa từng ra ngoài đường lộ, lại vào ban đêm thế này. Người ta bu lại xem đám cháy lớn quá, nó đảo mắt nhìn quanh tìm ông bà lão nhưng họ lạc đâu mất. Nó cũng chẳng dám chạy trở vào với cha mẹ, đừng nói là dám vào, chứ vào trong đó bằng cách nào nó cũng chẳng biết. Nó cứ đứng đó khóc, tiếng nó lạc mất trong cái ồn ào của hàng ngàn tiếng ồn khác. Một đứa trẻ lạc đứng khóc là chuyện quá bình thường ở cái xứ sở anh hùng này.
Nhiều khách du lịch nước ngoài có mặt nơi ấy, họ quay phim chụp hình toàn cảnh một cách hiếu kỳ. Ban đầu người ta chú ý đám cháy, rồi họ quay phim đám đông đang gào thét. Rồi họ thấy đứa bé khóc thảm thiết, qua phiên dịch họ biết nó mất nhà, mất cha mẹ trong đám cháy, họ chụp hình, quay phim nó,..
Nhưng rồi mọi người cũng bị đuổi đi hết khi cảnh sát cơ động nhảy vào, chỉ còn lại đứa bé bơ vơ mà người ta cũng chẳng hiểu sao nó thoát ra được mà không có ai chỉ đường.
Vì lòng nhân đạo, họ cho con bé ăn rồi dẫn về khách sạn. Sau khi nín khóc, nó trở nên rất ngoan, khác xa những đứa trẻ thiếu giáo dục đầu đường xó chợ mà người ta thường thấy.
Rồi thì duyên số may mắn, có một cặp vợ chồng trẻ người Úc, tự nhiên thích ánh mắt của nó, khi những người chụp hình rữa ảnh ra và đăng báo. Cặp vợ chồng ấy tìm tới và thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, họ cũng chẳng mất công gì nhiều để nhận làm con nuôi, chỉ cần vài tờ polyme thay giấy tờ.
Con bé đã đúng như cái nhìn của họ, chỉ sau vài năm dạy dỗ, Lý trở thành một đứa trẻ mẫu mực: học giỏi, siêng năng, vâng lời,…cái mà những đứa trẻ sống ở xứ sở giàu sang chẳng có.
Lý thương yêu kính trọng ông bà Lehman như cha mẹ ruột của cô. Sau khi chọn ngành Education, Lý tham gia rất nhiều chương trình từ thiện nhân đạo, luôn nhớ về xứ Việt dù rằng tiếng Việt đã thành ngôn ngữ thứ 3 thứ 4. Trong cái vốn từ ngữ tiếng Việt mà Lý còn giữ, hai chữ “cảm ơn” và “làm ơn” không bao giờ mất. Đó là hai chữ đầu tiên Lý được học.
Trở lại khu Miếu Nổi, căn miếu cũ không còn mà cây đa giờ nằm lọt thỏm giữ những chung cư cao tầng. Người ta bán quán càphê dưới gốc đa, cái miếu được xây trở lại khác chỗ, nhưng rộng rãi khang trang hơn.
Trong Miếu có hai bàn thờ, một cái thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh, một cái bàn riêng thờ hai cái bài vị không tên.
Qua phiên dịch người ta kể lại rằng, miếu Thần Hoàng có trước lâu lắm rồi, lúc mà nơi này chưa có ai tới nhiều. Rồi sau đó có một đôi vợ chồng già ăn xin đến ở rồi bệnh chết, người ta đào đất chôn sơ sài chung một cái mộ thì một thời gian sau đất nổi lên thành gò.
Người ta còn kể, vì thương lượng giải tỏa không xong, người ta bèn đốt cháy khu ấy để làm như chuyện đã rồi, để mà chiếm đất. Hôm hỏa hoạn, nhiều người thấy có hai ông bà dẫn họ thoát khỏi đám cháy giữa lúc khói bụi mịt mù. Sau khi xây cất xong, nhiều người nhớ ơn cứu mạng đã về đây dựng lại miếu thờ ông bà như người chủ đất này.

Viết một bình luận