Nghe lại chuyện các tăng ni đòi chia tài sản và kết hợp chuyện một vị thầy đã bị sư phụ tẩn xuất ra khỏi chùa, tôi bỗng nhớ một chuyện xưa ở Miền Tây.
Hồi các dòng Thiền bên Tàu chạy sang VN thì một nhánh rất nổi tiếng đã cắm rễ ở nơi đất Tây Nam Bộ. Có vị Thầy nọ cũng là dạng giữ y bát và tổ đời thứ mười mấy của dòng thiền. Tổ đình nghe đâu cũng lớn và nhiều phật tử con nhang. Trong chùa có nhiều đệ tử xuất gia.
Một hôm nọ, vị Thầy gọi một đệ tử vào trình kiến giải. Rồi sáng hôm sau chỉ vì một chuyện ất ơ nhỏ nhặt, SP nổi giận lôi đình đòi đuổi cổ vị đệ tử ấy đi, thề không nhìn mặt người ấy nữa.
Người đệ tử lạy thầy rồi đi, chả mang theo thứ gì.
Rồi thì vị Thầy ấy cũng gần tới ngày gặp Phật, các đệ tử hối thúc ông lập di chúc, chia cho ai cái gì. Theo thầy lâu quá rồi cũng phải có chút gì chớ!
Ông hỏi từng người. Có người muốn tài sản, có người bảo rằng chúng Phật tử mới quý hơn, có đệ tử muốn xin chức vụ,..
Ông cho hết, rồi đóng cửa cốc để tịch.
Ngày vào cốc bưng ông ra làm hỏa táng thì thấy ông viết lên vách vài chữ “con trưởng lo hương hỏa”. Mọi người nghĩ thầy đi tu làm gì có con? Mà nghĩ huynh trưởng hay trưởng chúng thì cũng không đúng, thầy ghi rõ là “con trưởng” cơ mà?
Các đệ tử chia ra, người làm giảng sư, kẻ làm trụ trì, người làm tri sự,….
Ai cũng tự nhận mình là người được thừa kế y bát dòng thiền. Chả ai nhường ai nên đấu đá nhau, nơi tổ đình ấy dần dần thưa vắng Phật tử.
Ở một nơi xa xôi khác, vị đệ tử bị đuổi kia dần dần gây dựng lên một đạo tràng mới, mạnh mẽ và thành công. Người ta bảo nhau rằng đó là vị Tổ kế tiếp cũng dòng Thiền ấy.
Cũng đơn giản thôi, theo tập quán sống miền Nam, con trưởng thường ra riêng rất sớm, một khi đã đủ sức đủ khôn thì cha mẹ không chứa nữa. Bởi vậy có câu “giàu Út nhờ, khổ Út chịu”, chi có những đứa yếu ớt là ở chung cha mẹ.
Những đứa khỏe khôn thường chẳng được hưởng chút tài sản vật chất nào, nhưng lại là niềm kỳ vọng của cha mẹ.
August 19, 2013 at 6:41pm