Hôm nay là ngày Remembrance Day, tức là Ngày Tưởng Niệm các chiến sỹ trong chiến tranh. Sáng lên FB thấy báo tin là ngày sinh của Bs. Phạm Doãn, trong lòng cũng thấy có chút trùng hợp. Tôi được một cái tánh là hay nhớ ngày sinh bạn bè, nhưng rồi vài người trong số ấy đã ra đi nên tôi nhớ luôn ngày tử của họ là thành hai. Ngày sinh còn chúc mừng, có hoa và bánh kem, ngày tử chỉ biết một mình tưởng nhớ – còn sinh nhật của một người đã mất thì bối rối chẳng biết phải làm sao cho đúng lẽ. Tháng 11 cũng gợi tôi nhớ tới sinh nhật của một bậc đàn anh đáng kính, đã dìu dắt tôi rất nhiều lúc còn ngu ngơ – anh Kts Văn Công Thuần. Thôi thì tôi sẽ dùng ngày Remembrance này để tưởng nhớ, vì họ có cái chung đều là Chiến Sỹ, dù chết trên trận chiến súng đạn hay trận chiến ở xã hội thì họ cũng đều là những con người can đảm. Thế, can đảm thì có gì hay?
Từ một câu trong phần thảo luận của bài viết “Như một lời nói thừa”, bác Hoa Nguyen cho rằng sự can đảm trong thời gian cuối đời của bác Phạm Doãn (Luyện) là không đúng lúc, hoặc không cần thiết phải làm thế. Tôi viết bài này, cố gắng tránh nhắc lại những chi tiết không cần thiết hoặc không liên quan, hoặc như là có bạn nói “lấy chuyện hậu sự của người ta ra…tự sướng” – tôi không thích (và không cần thiết) lấy cái đau khổ gia đình người ta mà tôn vinh bản thân mình. Nhưng tôi không thể làm ngơ, bởi vì cái im lặng này không phải là kiểu “im lặng của bậc trí”.
Nếu không phân tích được thì quả thật cũng sẽ chẳng có ai hiểu cái giá trị phi thường của lòng can đảm- và dẫn tới mọi người sẽ dễ duôi bắt tay với sự hèn nhát, vì nó dễ làm hơn và cũng “lợi nhiều bề”. Kẻ nào biết mà không bênh vực sẽ thành câm, có trí mà không có dũng nói lên thì sẽ dần thành đần độn – luật Nhân Quả nghiêm khắc rất ác nghiệt, mà tôi cũng không phải là thứ câm hèn. Bởi vì có không nhiều người hiểu được sự can đảm – cái đại dũng lực – của bậc thánh khi đứng trước sinh tử, cho nên cũng có rất ít người chứng đắc được tuệ giác thiền định. Tôi viết bài này một phần vì đồng cảm với Bs. Phạm Doãn, nói lên cho mọi người được rõ là ông ta đã dũng cảm thật sự như thế nào, chứ không phải chỉ có biểu hiện ở những chuyện nhỏ nhặt như “tự rút ống, nội soi không thuốc mê” hoặc tuyên bố “còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu”. Phần còn lại tôi muốn nêu giá trị của đức tánh can đảm – dũng lực – trong bước đường tu tập giải thoát.
Can đảm có gì hay ho? Hay quá đi chứ! Một con người can đảm dám làm dám chịu, dám sống thực như mình mơ ước mà không bị bất cứ sự cản trở nào trong suy nghĩ. Muốn leo núi vượt rừng nhưng trong tâm đầy những lo ngại, sợ sệt, tính toán thiệt hơn,…thì mãi mãi vẫn ở nhà. Một con người bình thường, lúc còn bé thì cha mẹ luôn dạy phải tránh rắn rít, coi chừng đứt tay, đừng chạy nhanh quá sẽ té đau,..đó là những lời khuyên đúng, nhưng dần dần đứa bé sẽ thận trọng và dè đặt – người ta bảo rằng kẻ “biết suy tính” là người lớn. Ra đời, xã hội dạy ta phải biết sợ công an, sợ chính quyền cũng như sợ bọn tội phạm. Về nhà thì sợ vợ, vì mong được ổn định nên thỏa hiệp và nhắm mắt trước những tật xấu của con người trong gia đình – vợ nó coi thường cũng phải, vì hai cái hòn của đàn ông đã teo mất từ lâu. Vào cửa thần quyền thì cái đầu tiên được dạy là phải quỳ lạy sợ hãi một bức tranh tượng nào đấy – của những bậc thánh dũng cảm – chứ không được dạy phải noi theo các đức tính, dũng lực của bậc thánh nhân ấy. Gần cuối đời khi thấy trước mặt là hố đen thì sợ quíu cẳng, cố quỳ lạy van xin để bám víu vào một tia hy vọng nào đấy, rằng sau khi chết sẽ được “cứu vớt”. Hóa ra con người ta cứ phải sợ hãi suốt đời, từ bé cho tới chết – chưa một ngày đủ dũng cảm để thấy được tự do. Cho tới ngày nằm nhắm mắt chờ cái chết mới hối hận tại sao ta chưa từng được sống như ta mong muốn. Ngày Remembrance tôi được xem và đọc những đoạn lịch sử kể về những con người bình thường sống ở xứ tự do giàu có, nhưng khi tin nghe đất nước quê hương bị chiến tranh thì họ xếp hàng rồng rắn đăng ký vào quân đội, đến nổi người ta phải tìm cớ loại bớt ra. Cũng là thiêu thân, nhưng kẻ hèn nhát thích đốt cuộc đời họ trong hưởng thụ dục lạc hơn là cho tổ quốc – rồi sau đó bĩu môi chê bọn ấy ngu. Cuộc đời nhanh như chớp mắt, rồi ai cũng chết, nhưng có người được sống thực, có người chưa bao giờ được sống. Những con người dũng cảm họ đã được tự do trước khi chết, những kẻ hèn chỉ hưởng thụ trong sự sợ hãi.
Xã hội và chính quyền rất sợ lòng dũng cảm, họ tôn vinh các anh hùng liệt sỹ nhưng lại sợ sức mạnh ấy – bởi vì bản chất của giai cấp thống trị là hèn nhát, nên mới sống sót mà luồn lách leo lên. Một mặt thì dựng tượng thờ nhưng mặt khác ngấm ngầm tiêu diệt. Sự can đảm là một đức tánh mà thần quyền lẫn bạo lực không thể cai trị được. Vì độc lập tự do con người ta sẳng sàng đổ máu, vì không muốn bị kẻ ngu đè đầu cỡi cổ người ta dám liều chết vượt biển cưỡi cá mập. Không một thế lực nào có thể làm chùng bước can đảm, kể cả cái chết. Sự tham lam luôn đi đôi với hèn nhát – sợ mất – cho nên khi xã hội được xây dựng từ lòng tham sẽ phải “đì” những kẻ gan dạ. Ai nhút nhát thỏa hiệp thì sống an ổn, ai can trường muốn vượt lên thì sẽ vướng phải chập chùng trở ngại, do cuộc đời này đã thiết kế sẵn – như một quy luật. Chiến tranh sinh ra do lòng tham, và người ta tìm cách dụ dỗ những chiến sỹ vào chổ chết – kẻ tham hèn thì luồn lách sống và hút máu con người trong chiến tranh như loài ma cà rồng. Nếu không có chổ để triệt bọn Chiến Binh ấy thì chúng sẽ dùng cái dũng lực để tìm diệt những chướng mắt ung nhọt trong xã hội – là cái đuôi của lòng tham. Tôn giáo cũng khởi đầu từ những bậc Thánh dũng cảm, dám hy sinh vì nhân loại, nhưng lại được “tiếp quản” bởi con người – đằng sau là cái tham của Satan xúi giục – cho nên chẳng ai thèm gỡ Chúa Jesus xuống, cứ để Ngài bị đóng treo trên giá. Đó là hình phạt cho những kẻ can đảm, bạn vào nhà thờ chẳng nhìn thấy thế sao? Phật tử đi chùa lạy Phật để cầu xin, chứ không phải quỳ xuống tôn vinh sự dũng cảm tuyệt vời của Ngài khi chiến đấu với Bản Ngã Tham Ác, hoặc sự dũng cảm chiến đấu giành lại từng người để mà cho họ vượt thoát ra khỏi cõi dục. Họ cũng chẳng cần tìm hiểu con đường mà Ngài đi qua và đã làm, chỉ cần ban phước gia hộ cho họ tiếp tục tham lam là được! Chừng nào con người còn sợ hãi và nhút nhát thì tôn giáo và chính trị vẫn còn vững bền cai trị, họ sẽ dựng tượng anh hùng nhưng chính họ cũng là kẻ đã bắn người đó – để biến ông ta thành tượng đài.
Có một câu nói rất hay: “chỉ khi nào ngươi dám chết vì Ta, ngươi mới vào được Thiên Đường”. Câu này được giải nghĩa theo nhiều cách, được các giáo chủ dùng làm công cụ để hướng sự cam đảm của con người trở thành các vũ khí chống lại con người. Các đội quân tôn giáo trong các cuộc thánh chiến cũng từ câu ấy mà ra. Đáng lẽ vị Thánh ấy dạy con người dũng cảm bảo vệ Chân Lý để giác ngộ, bước vào hàng ngũ Thánh, thì lại bị bẻ cong để xúi giục con người làm quân lính phục vụ cho sự tham muốn bành trướng lãnh thổ – lòng tham của Quỷ. Trong kinh Phật giáo Đại Thừa cũng có đoạn “qua đi, tiếp đi, cho tới bờ bên kia”, nghĩa là khuyên con người hãy dũng cảm mà tự chèo qua sông mê. Chính Đức Phật lúc cuối đời cũng dặn dò “hãy thắp đuốc lên mà đi, hãy tự nương tựa chính mình”. Thế mà cũng những con người thờ kinh ấy, lại dạy rằng hãy thiết tha kêu gọi tên một vị Phật tưởng tượng, để được tiếp rước. Thế thì các giáo sỹ đã phản Chúa chém Phật thêm một lần nữa.
Những ngày bác PD biết sắp phải ra đi, ông HN có khuyên rằng “hãy nương tựa một vị Phật nào đó” để cảm thấy yên tâm và nhẹ nhàng hơn. Đó là một lời khuyên rất thừa thải – dù có vẻ như có lòng tốt giúp đở, quan tâm – giống như khuyên một vị anh hùng rằng “hãy đầu hàng giặc đi, anh sẽ được mọi thứ”. Thực ra ý của ông HN là thế này “anh hãy nương tựa vào Phật A Di Đà, đọc tụng tên Ngài để mong cầu vãng sanh. Anh phải công nhận là anh sai lầm, và sám hối rằng những đau khổ này là quả báu từ việc dám chống lại Đại Thừa. Sự can đảm của anh là vô ích…”. Những ai đã đọc sách giáo khoa Trung Học đều biết chuyện “những điều lố hay Raven và Phan Bội Châu” trích đoạn ngài Raven khuyên ông Phan Bội Châu hãy đầu hàng Pháp đi. Khi tôi đọc những dòng ấy, quả thực thấy cũng như thế. Tôi không dám gọi những người sống gần hết đời mà tin theo Tịnh Độ là nhát gan, bởi vì khi cái chết cứ ngày một đến gần mà tâm chưa được an định thì ý tưởng Vãng Sanh về Tịnh Độ là một cứu cánh. Ai đó tự xưng anh hùng hảo hán, đi máy bay mà nghe thông báo có một động cơ ngưng hoạt động thì cầm chắc là són cmn ra, kêu tên đủ thứ Phật Thánh – kể cả Ala. Thế nhưng đem cái ý tưởng hèn nhát ra trước một con người không đầu hàng trước số phận, làm chủ được cuộc đời mình khi sống trong lòng một xã hội rối ren, đã tự mình đi thử hết các con đường đã có trước, dám tự mình mở ra một hướng mới cho thế hệ sau – thì quả thật là rất lố bịch. Bảo một người sống tỉnh thức tới phút chót rằng hãy tỉnh táo mà cầu vãng sanh thì cũng giống như khuyên một tỉ phú tiết kiệm tiền lẻ vậy.
Một vị anh hùng đến chết không đầu hàng, ta gọi là hy sinh anh dũng. Một người tốt vì cứu hỏa hay vớt người chìm xuồng, sau đó hy sinh, là can đảm quá sức, xứng đáng dựng miếu thờ. Một chiến sỹ sẳng sàng chết để bảo vệ tổ quốc, cũng là anh hùng liệt sỹ,.. chết trẻ hay già thì cũng chết chỉ có một lần. Nói theo phim Tàu “mười tám năm sau vẫn lại là một hảo hán”. Những vị anh hùng này có tâm thức rất mạnh, coi sống chết nhẹ như không, bởi vì sau đó họ trở thành màu cờ linh vị, thành hồn thiêng sông núi, hoặc tin rằng có đầu thai cõi khác tốt đẹp – họ dám bỏ cõi sống. Người từ chối tiếp rước về cõi Phật (như người ta vẫn tin thế) can đảm hơn các anh hùng nhiều lần – vì từ bỏ luôn cõi sau khi chết. Bs. PD viết rất nhiều nhưng chưa bao giờ thị phạm cho mọi người thấy, sự can đảm ở chổ dám lấy “lần duy nhất” của mình ra để chứng minh và làm thành một bài giãng vô ngôn. Bs. PD không “giãng” giống như các Thiền Sư thời xưa đã làm, ông can đảm nói lên rằng “làm cách khác vẫn được!” và ông chứng minh cho thấy rằng người ta có thể tự tại nhập diệt trong tỉnh thức bằng một cách NGOÀI PHẬT GIÁO, theo cái mà các vị đạo mạo khinh thường cho rằng “ngoại đạo” – nhưng lại là tiền thân của Phật giáo, còn chứa các kho tàng chưa bị xóa mất. Trong thời gian cuối đời ông đã can đảm nói lên những điều khác với truyền thống Phật Giáo, rằng Thiền Định và những Chứng Đắc của Phật giáo bắt nguồn từ một nơi khác – ông có chỉ rõ ra ở đâu. Để tuyên bố chắc nịch, ông đã chứng minh cho mọi người thấy. Ai dám bảo đó là công phu ngoại đạo – ý khinh rẻ, khi mà “trong đạo” cũng chẳng có mấy ai làm được. Ông ta đã can đảm như thế đấy! Ông ta biết Thiền và nhập Định để bỏ thân, đủ sức để tự “đi về cõi Phật” chẳng cần ai tiếp rước, nhưng đã dùng một cách hoàn toàn khác, một cách chưa có ai dám thử, để làm sáng mắt những con người kinh viện bảo thủ. Ta gọi những người dám hy sinh sự sống là can đảm, thế còn những ai dám làm chuột bạch hy sinh luôn cả cái chết và cuộc sống “cực lạc” sau khi chết – để mở một con đường mới cho thế hệ sau nghiên cứu Phật Pháp đúng đường, thì ta gọi họ là gì?
Cam đảm là tính chất của bậc Thánh, đầu hàng và sợ sệt bám víu là tánh chất của con người. Cũng trong kinh điển ghi chép rằng Đức Phật lúc thiền định dưới gốc cây Bồ Đề, khi gần đạt tới Chứng Ngộ đã phải bị Mara thử thách như thế nào. Sợ hãi là tánh chất của bản ngã, người can đảm là người đã quay lưng lại với quyền lợi của chính mình – đối đầu với bản ngã. Lúc ngồi kiết già công phu thiền định là lúc thể hiện dũng lực, cuộc chiến sinh tử với chính cái ta, cái tri giác tồn tại của mình. Thầy tôi dạy rằng, nếu chân đau thì cứ cho nó chết luôn, nếu cảm thấy sắp chết thì cứ thử chết một lần xem – vì nếu có bỏ thân trong tư thế thiền định thì chắc chắn sẽ lên cõi Trời, trên đời này chỉ có bậc Thánh mới nhập định bỏ xác trong tư thế kiết già. Triết gia phương Tây cho rằng “tôi tư duy là tôi tồn tại”, nhưng trong thiền định thì hết tư duy vẫn còn tồn tại – cái “ta có đây”. Người đi vào thiền giống như bước vào ranh giới của cái chết, các cảm thọ nhạt nhòa dần, tri giác yếu dần cho tới khi ngắt biệt với thế giới bên ngoài – xem như chết lâm sàng. Lúc đó vẫn còn tâm và ý thức, sự sống vẫn còn yếu ớt trên hơi thở, cho tới lúc có thể trụ vào hơi thở dừng rồi ngay cả cái “ở đây bây giờ” cũng tan biến, vũ trụ quan sụp đổ, mất hẳn không gian và thời gian. Người nào can đảm dám bước qua, không có gì đảm bảo sẽ quay về được, vì đây là cái chết tối hậu, chết là mất hẳn. Bát Nhã Tâm Kinh có câu chót ngụ ý: đi nữa đi, can đảm lên mới qua được bờ bên kia. Qua tới đó mới trả lời được câu hỏi từ muôn thuở “ta là ai, chết là thế nào?”. Người nhút nhát sợ hãi thì không dám nghĩ tới chuyện xuống đò thì làm sao qua sông – không cách nào vào được qua đằng sau cánh cửa Thiền Định, muôn thuở vẫn là hạng chúng sinh tầm thường thấp kém – dù có ai hốt rước qua cõi nào chăng nữa – theo niềm tin. Thế mà ông HN vẫn một mực cho rằng sự can đảm chẳng có giá trị gì cả, chỉ làm đau đớn vô ích. Người khuyên đầu hàng thì sẽ được cõi dục này tuyên thưởng nhiều thêm, người dũng cảm bỏ bè bơi nốt qua sông thì sẽ không còn gì, tự do thoát khỏi cuộc đời này.
Như tôi đã từng gọi Bs. PD là một chiến binh, hơn nữa là một chiến binh rất dũng cảm. Ngày Tưởng Nhớ Chiến Sỹ cũng là ngày sinh nhật của ông, sinh thế nào thì tử thế ấy. Lời tuyên bố vô ngôn dũng cảm của Bs. PD sẽ sớm bị chìm nghĩm mất hút, hay sẽ bị bóp méo hoặc làm giảm giá trị – cho tới nay chỉ có tôi là nhai lại hai lần. Người hiểu được thì quay lơ đi không dám chấp nhận, kẻ mù mờ dễ dàng tin vào các diễn giải rằng Bs. PD cố chấp làm ra vẻ can đảm chứ có ích lợi gì đâu. Rồi người ta so sánh với các vị “chết an lành có hào quang xá lợi” thấy khoái hơn là can đảm vô ích thế kia. Chúng sinh còn nhiều lắm, đời là thế, uống lavie đi!
12-11-14