Nói tới “chùa” Bà Thiên Hậu ở Bình Dương, giới làm ăn không ai mà không biết. Nhưng ở đâu có Bà thì phải có…Ông, đi cho có đôi! Ai tới viếng “chùa” Bà thì cũng quá bộ đi vào “miếu” Ông, cách đấy mấy dãy phố. Trước chùa có con ngựa Xích Thố, nghe đồn khi Quan Công tử trận, “ông” Ngựa cũng bỏ ăn chết theo chủ. Và cũng nghe đồn rằng khi chui qua…bụng ngựa, sờ vào cái “ấy” thì may mắn ghê lắm, nên khách thập phương cũng cố mà chui qua cái “cổng” Mã Quan mỗi đầu Xuân.
Ảnh hưởng văn hóa TQ nên hình tượng Quan Công (Quan Vũ – Quan Vân Trường trong Tam Quốc Diễn Nghĩa) trở nên thiêng liêng và được thờ phượng khắp nơi, từ các vùng văn hóa tộc Hoa cho tới Việt. Ở vùng quê Tây Nam Bộ, “Ông” nổi tiếng với danh hiệu trừ tà ma chướng khí, thích hợp cho các vùng đất mới khai phá, đang còn khó khăn. Người Nam Bộ xưa thích coi phim kiếm hiệp đọc truyện chưởng, xem trọng Nghĩa Khí và chữ Tín. Xem truyện Tàu, bất cứ thời loạn lạc nào hình ảnh anh hùng tín nghĩa vẫn đứng đầu, nhờ vậy mà dân tộc Hoa vẫn nuôi giữ được cái Tinh Thần, dù đi bất cứ đâu trên Thế Giới họ vẫn nổi bật.
Tuy nhiên đừng ngộ nhận XH Tàu đầy những con người nghĩa khí! Vàng chỉ quý khi nó hiếm, nơi nào càng xem trọng Tín Nghĩa thì nơi đó càng khan hiếm đức tính ấy. XH Việt hiện nay cũng trở nên loạn lạc, con người xâu xé lẫn nhau, để giữ được những đức tính “trượng phu” quả thật không dễ. Chỉ khác là trong XH chúng ta không thấy ai đề cập tới cái quý hiếm này. Kẻ nghĩa khí còn bị cho là “ngu” và “điên khùng”.
Để làm cho một dân tộc lớn mạnh thì phải làm cho nó cực Âm và cực Dương. Người Hoa kiều rất khéo tạo ra hình ảnh Bà Thiên Hậu với đức tánh Hy Sinh của phụ nữ, và Quan Công với Nghĩa khí kiên cường của đàn ông. Người Hoa kiều ngày ngày thờ hai đức tính này, họ vô tình gieo duyên và tôn trọng điều Đúng. Họ nhắc nhở con cháu phải tương trợ nhau “chúng ta đều là ng Hoa”, nói câu nào giữ câu ấy, việc đúng nên làm việc ác phải biết tẩy chay.
Để nuôi hồn dân tộc, chúng ta phải thổi vào tấm lòng từng người công dân những đức tánh tốt đẹp ngay từ bé. Trong trường tiểu học phải dạy Chính Nghĩa và sự yêu chuộng lẽ phải. Người già trong Họ phải nêu gương cho con cháu. Đạo đức dân tộc là điều quý cần bảo tồn, vì giáo dục trong trường không thể dạy hết được. Chưa cần tới vay mượn văn hóa TQ, bản thân người Việt cũng có những đạo đức vô cùng quý nhưng đã bị lãng quên.
Từ thời “đánh tôn giáo, bài trừ mê tín dị đoan”, các đình miếu ở địa phương đã trở nên những di tích mất hết sức sống. Thay vào đó là những tín ngưỡng “mới” chủ trương lánh nặng tìm nhẹ, đầy tính đàn bà. Người Việt hàng ngày tâm niệm điều gì? đạo Nho tôn trọng “kẻ sỹ” và “trượng phu” đã mất, thay vào đó là kiểu bo bo chỉ biết bản thân. Sợ cái ác đến nổi mất luôn Tín Nghĩa, làm thì sợ, mà nói cũng không dám, kể cả trong suy nghĩ cũng thuần phục đồng tiền và quyền lực.
Một kẻ đủ đạo đức Thánh Hiền thì khó sống trong thời đại nhiễu nhương này. Những kẻ luồn “bụng” ngựa trở nên có lợi thế. Tín Nghĩa ngày nay quả là điều xa xỉ.