Đáng lẽ note này được viết nhân ngày 20-11 nhưng vì bận bịu qúa nên ý giữ lại, giờ rãnh rỗi lại viết ra. Lời gai góc khó nghe mong mọi người…đừng đọc!
Cổ ngữ có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, ngụ ý đề cao tinh thần trọng học Quân Sư Phụ của Khổng giáo. Nước ta từ ngàn xưa vốn trọng học, cho tới thời mà tôi biết rằng lương một ông thầy giáo cao hơn một ông sỹ quan vì một người thầy đúng nghĩa rất rất khó tìm. Đó là thời mà bây giờ người ta gọi là thời “Mỹ Ngụy”. Sau đó ít năm thì tới cái thời mà “cục cứt còn có giá hơn học thức”, vì ai học cao đều bị chụp cho cái mủ “trí thức” và bị đi “cải tạo” (cho nó ngu giống như ai). Mẹ tôi kể rằng lúc ấy không ai thi vào ĐH Sư Phạm cả, đến nỗi chỉ cần ghi danh là vào học, dù thi 0 điểm cũng đậu. Đó là thời của những “thày cô điểm zero”, kéo dài gần 10 năm mới bắt đầu hồi phục lại.
Với thời gian ấy, đủ tạo ra một loạt những thày cô mà học thức cực thấp, học đại rồi cũng ra trường, cũng đi dạy như ai, cũng luồn lách rồi leo lên những chức vụ cao. Leo lên cao rùi thì họ đâu có chịu xuống, họ biết họ dốt nên họ tìm mọi cách để bảo vệ bản thân, kể cả thủ đoạn xấu nhất. Tôi là lứa học sinh của nhiều vị thầy như thế ấy.
Kể làm sao hết những điều xấu mà những con người ấy đã làm. Nào là trù ếm học trò để chúng phải đi “học thêm”, trù dập những đứa nào chống lại họ hoặc chỉ cho những đứa khác thấy họ là ai. Tôi còn nhớ toàn bộ bài kiểm tra đều bị 0 điểm vì mới lớp 10 mà phải giải đề thi ĐH, trong khi những đứa khác đã được học thêm nên biết làm. Tôi cực lực phản đối, nhưng vô hiệu. Tôi là người bị ghét nhất trong lớp, chẳng những vì những thầy cô đó ghét, mà cả những thày cô khác cũng không dám bênh vực tôi vì sợ chức vụ của những “vị” kia. Đều tôi buồn nhất là bạn bè cũng xa lánh và sợ tiếp xúc với tôi. Sau này một vài người cho biết là họ cũng muốn chơi chung nhưng sợ bị ghét lây, phần vì lúc ấy ai cũng được dạy để tin rằng tôi là thành phần xấu xa, là thứ đáng bị lên án. Tôi đã sống những năm Trung học như thế ấy, không bạn bè, không người đồng cảm.
Khi em tôi vào học Trung Học thì cái “thứ cặn bã” ngày xưa ấy giờ lại được những vị thày cô ấy tuyên dương lên làm…thần tượng cho lớp sau. Chỉ vì lý do đơn giản: tôi đậu cùng 1 lúc 3 ĐH và 1 Cao Đẳng, đường hoàng bước chân vào ĐH Kiến Trúc. Chẳng phải họ hối hận gì, hay họ hậu thưởng cho tôi gì đâu. Vì nếu tôi chỉ rớt ĐH thôi là có đầy đủ tiếng xấu luôn! Người ta chỉ hưởng cái danh tiếng làm thầy dạy của một người thành công, để họ…làm bậy tiếp. Vâng, họ là thày cô của những người giỏi, nhưng có phải họ giỏi tới mức huấn luyện chúng tôi thành người giỏi, để họ thành giáo viên giỏi? Họ có bật mí chút xíu nào rằng họ đã làm gì tôi? Hay là họ tự khen rằng nhờ họ khó với tôi mà tôi trở nên mạnh mẽ?
Vâng, đời là vậy. Những giáo viên không điểm kia vẫn phải kiếm sống, vẫn phải lấp liếm sự dốt nát của họ bằng vẻ đạo mạo bề ngoài, bằng những lời ngọt ngào với những ai tin theo và bí mật triệt hạ những ai chống đối.
Họ vẫn ngày ngày lên bục giãng, thao thao bất tuyệt những điều sai lầm. Kiến thức căn bản 2+2=4, ai dạy cũng vậy, nhưng người giỏi và có tấm lòng sẽ dạy kèm với đạo đức và bản thân họ lấy làm gương. Còn người dỡ thì cũng nói được kết quả vậy thôi. Cái khác nhau là ở chỗ người biết mình dỡ mà cố gắng học hỏi để bằng mọi người. Còn người biết mình dỡ mà lấp liếm bằng cách đè người khác xuống, không cho ai giỏi hơn họ.
Thật là xấu số cho những đứa học trò nhận thức ra thầy mình quá dỡ. Đi thì không thể mà ở lại thì tức mình, thày dỡ mà không cho trò tìm thày giỏi hơn, cứ muốn trò mãi là của mình.
Có những thầy dạy Sử, dạy Địa lý, đồng lương thật đói nhưng vẫn truyền cảm hứng cho học trò. Và tôi biết họ cũng thuộc vào hàng “thày giáo 0 điểm” vì không đủ khả năng thi vào các môn “hot”. Nhưng họ vẫn hơn rất nhiều thày cô khác, vì họ tự biết họ yếu, tự biết cái “tầm quan trọng” của môn mà họ nhận dạy. Tôi vẫn nhớ lời một thầy nói “thầy tóm lược những sự kiện quan trọng dùm các trò, chỉ nhớ ít thôi là đủ thi tốt nghiệp rồi, các trò nên đầu tư nhiều vào các môn Toán Lý Hóa và A.Văn, để còn thi ĐH và xài sau này, môn của thày có trong sách cả rồi, khi nào trò thích thì mở ra xem lại…”. Môn nào cũng quan trọng như nhau, giờ tôi không thể nhớ nổi làm sao để giải đạo hàm tích phân, chứ lịch sử, địa lý hay các kiến thức cơ bản lại nắm rất vững. Và dù có cầm trong tay học vị cao hơn thầy, dù có kiến thức rộng hơn thầy, tôi vẫn mãi là học trò của các Thầy ấy. Tôi là học từ Thầy môn Đạo Đức.
Bên Úc, nếu muốn học ĐH nghành Y là phải thi 3 lần, phải có điểm rất cao và phải qua 2 kỳ thi vấn đáp, chủ yếu là test cái đạo đức và lương tâm của những người sẽ khoác áo trắng kia. Rất nhiều người điểm cao mà vẫn rớt trong 2 kỳ thi sau ấy. Ôi ước gì những người đứng trên bục giãng cũng phải thi 3 lần như vậy! Ngày nay dù điểm đầu vào ĐH Sư Phạm rất cao, nhưng cũng chưa có một cái điểm lương tâm nào để tuyển chọn lại những vị mà chúng tôi phải tôn trọng, phải gọi là Thầy Cô, phải làm gương mà noi theo. Dù rằng có thể họ thật giỏi đấy, nhưng cái đạo đức đâu phải đi cùng với kiến thức?
Ấy vậy mà có một loại Thầy khác, là nơi nương tựa của biết bao người, già trẻ bé lớn. Không chỉ kiến thức phổ thông, mà cả kiến thức đời sống, kiến thức tâm linh, đạo đức ứng xử,…Đó là những người Thầy của các Thầy, là những người thật sự quan trọng trong XH vì họ giáo dục cả đời sống tinh thần và tâm linh của mọi người. Đó là các Thầy Tu, các vị Tăng Ni mà những Phật tử chúng ta phải cung kính gọi bằng Thầy, không chỉ chúng tôi mà cả Cha mẹ ông bà chúng tôi nữa!
Có ai đó tìm dùm tôi xem cái điều kiện cần và đủ để được vào học một trường Trung Cấp, Cao Đẳng hay Đại Học Phật Học?
Có cần phải thi để tuyển chọn đầu vào? Sau bao năm học ấy, có sàng lọc đầu ra?
Hay là chỉ cần ghi danh là vào học, học thuộc bài thì ra trường?
Mà không cần bằng cấp, chỉ cần đầu tròn áo vuông là vẫn cứ là Thầy (theo cái quy định nào đó không biết). Còn nếu có bằng cấp, họ sẽ có chức vụ, sẽ làm quản lý các Thầy khác, làm trong Thành Hội, Giáo Hội,..hay dạy lại các thầy mới.
Kinh Nikaya có kể lại một trường hợp một tỳ kheo không biết 1 chữ vẫn có thể chứng quả Alahán, vẫn có thể thuyết pháp. Có vẻ như chuyện ít hay nhiều chữ không liên quan gì tới việc chứng ngộ Vô Ngã, hay là khi chứng đạo thì không cần quan trọng kiến thức nữa. Nhưng khi xem những đoạn Video về các lớp Cao Đẳng Phật Học, tôi không tránh khỏi đau lòng. Những khuôn mặt…tối thui ấy, sau này sẽ là những vị Thầy mà tôi phải nghe theo ư?
Phật pháp từ bi dạy rằng có thể cảm hóa người ác hóa thiện, người ngu trở nên sáng trí. Tôi tin vào đều ấy, nhưng niềm tin là 1 chuyện, còn sự thực là chuyện khác.
Những vị Thầy ấy còn quan trọng hơn Thầy Giáo, hơn cả Bác Sỹ,…tại sao lại hời hợt tuyển vào những hạt giống quá lép!
Trong 1000 người xuất gia, có bao nhiêu người có lý tưởng, bao nhiêu người vì thất tình, bao nhiêu người đi tu vì muốn tìm chỗ an nhàn?
trong số người có lý tưởng ấy, có bao nhiêu người có trí thức? Trong số trí thức ấy, có bao nhiêu người có đạo tâm, đạo đức?
Bất công ở chỗ là chúng tôi phải gọi họ bằng Thầy, phải cung kính, “sợ hãi” họ, phải vâng lời và phải…1001 kiểu “phải”. Học lâu thì lên Tiến Sĩ, tu lâu làm Hòa Thượng. Mà có ai biết rằng những vị Tiến-Sỹ-không-điểm ấy đang làm gì? Họ đang dạy chúng tôi tu theo kiểu gì? Có ai biết rằng đằng sau bức màn tươi đẹp tên gọi là Phật Pháp ấy là những kiểu thủ tiêu, từ uy tín cho tới bạn bè, tìm cách trù ếm triệt hạ những người đang và sẽ giỏi hơn họ, để bảo vệ cho cái ngu dốt vô minh của họ? Họ dạy Phật tử phải tôn kính, sùng bái họ một cách u mê rồi nghe lời họ đi hủy diệt lẻ phải, còn bản thân họ thì bí mật dùng quyền lực mua chuộc và lừa tình những Phật tử nhẹ dạ, tới khi người ta vùng lên thì bị chụp cho cái mũ là nói xấu bôi nhọ Thầy, rồi bị tiêu diệt mất luôn. Đó là Mafia hay là Phật Pháp?
Con chim vẫn phải hót trong bụi mận gai, phải kêu lên những tiếng kêu thảm thiết vì gai đâm thấu tim. Nhưng ai sẽ nghe những tiếng kêu bi thương ấy, hay họ đang mãi mê tụng niệm và hy vọng một ngày nọ sẽ theo chân các vị thầy ấy về nơi cực lạc. Còn chim kia hãy im đi, nếu không muốn bị ăn thêm những viên đạn nát thây!
December 26, 2010 at 12:48am