Gần tới giờ ra đi, vị đạo sư già nằm đó và đám đệ tử vây quanh. Một người hỏi:
-Thầy sẽ tới nơi đó chứ, nơi mà cả đời thầy dẫn tụi con hướng về?
-Thầy chưa thực sự chết nên mọi điều cũng chỉ là phỏng đoán, mà khi thầy chết rồi thì cũng chẳng thể mở miệng nói là có phải như thế không, nhưng rồi thì ai cũng sẽ biết mà thôi – đạo sư nhẹ nhàng nói, như cố gắng dùng chút thời gian và sức lực còn lại để trao cho đệ tử những gì sâu kín nhất.
-Ơ, thế chẳng phải thầy đã biết hết rồi sao? về Luân Hồi, về Lục Đạo, về Tái Sinh,..? Nếu chưa từng một ai trở về nói, thế tại sao chúng ta lại biết điều ấy? – một vài đệ tử khác nhao nhao lên
-Thế các con đã từng kiểm chứng những điều ấy là do ai nói và người ấy đã thực sự chết trước khi tuyên bố nó? Hay là các con tin chỉ vì các con muốn tin vào điều ấy? – vị đạo sư tội nghiệp nói
-Điều gì sẽ xãy ra nếu như thầy, vị đạo sư mà chúng con tôn kính, lại tuyên bố rằng Luân Hồi vẫn chỉ là niềm tin. Thế thì những người xấu sẽ chẳng ngại gì mà tàn ác, còn việc tốt sẽ chẳng ai thèm làm?
Điều gì sẽ kềm chế và giáo hóa con người trở về nẻo thiện nếu như ai cũng như ai: Chết là hết? – rất nhiều người hoang mang
Vị đạo sư mĩm cười hiền từ, chẳng phải thanh minh gì nhiều.
-Các con đang lo lắng là thành quả cả đời tu tập, giờ tan như ảo mộng ư? Sẽ chẳng có cõi trời hay cõi Phật nào cho các con tới đâu, dù các con có hành thiện nhiều như thầy rồi cũng về với hư vô.
Các con sợ rằng kẻ ác sẽ không còn ngại gì nữa sao? Thực ra vẫn còn một sự thật luôn đúng: Ai cũng phải chết!
Nếu thực sự “chết là hết” thì những kẻ đang bám víu vào hưởng thụ kia sẽ run sợ hơn ai hết, bởi vì như nước muối càng uống càng khát, càng gần cái chết họ càng đau khổ hơn. Càng gần cái chết họ càng cố bám víu và níu kéo sự sống, dù lúc đó chả còn hưởng thụ gì mà cái ác đang quay lại kêu réo từng hồi.
Nếu thực sự “chết là hết” thì thầy chẳng có gì phải buồn, khi đã sống trọn một kiếp người, sai lầm có mà thành công cũng có. Cả một đời thầy, sự hưởng thụ là tối thiểu nên thầy cũng chẳng thấy gì khác biệt khi phải trở nên hư vô. Thầy sống cả đời phục vụ nên giờ là lúc thầy nghỉ ngơi, thầy mong nó đến như người làm công mong cho hết ngày.
Nếu “chết chưa phải là hết” thì có sao đâu, thầy cũng chẳng mong hưởng phước nơi tiên cảnh. Dù tới nơi nào thì thầy cũng chỉ là người tận tụy phục vụ mà không đòi hỏi tiền công.
Cho nên, với thầy chẳng có gì khác nhau cả. Kìa, nó đến rồi, thầy đi đây, vĩnh biệt các con.
Thầy đi rồi, cả đám đệ tử ngẫn ngơ, thế…tôi bị lừa à? Họ hỏa táng thầy xong rồi cũng chẳng quên lượm sõi giả xá lợi, và chẳng thèm nhớ tới những lời cuối cùng đã nói.
“Đó là một ông già lẩm cẩm, đã lú lẫn rồi, chúng ta cứ đi tiếp thôi, quả báo lành đang chờ chúng ta nơi luân hồi!”
29-12-13
A di đà Phật.
Hèn gì Phật nói về 3 cõi 6 đường toàn dùng chữ “tái sanh”
“Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, số ít là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người được tái sanh giữa chư Thiên. Còn nhiều hơn là các chúng sanh, sau khi chết từ loài Người bị tái sanh ở địa ngục… bị tái sanh ở loài bàng sanh… bị tái sanh ở cõi ngạ quỷ.”
Xem ra sau khi chết đúng là hết thật. Cái người tái sanh ở cõi trời, ngạ quỷ… không phải là mình. Vậy tại sao tạo hóa lại thiết kế cho cái người tái sanh ở cõi kia nhớ được quá khứ của cái người phía trước, và lại tưởng đó chính là họ. Chẳng lẽ để học bài học gì chăng.
thế bạn có nhớ quá khứ kiếp trước của “người trước kia” không? bạn có học được điều gì chăng?