Papa gởi qua cho một gói trà, được bọc vuông vức bằng giấy phiến, chẳng có nhãn hiệu gì. “Đây là trà ở Triều An gởi sang, trồng trên núi nơi đất của ông bà mình, loại thượng hạng không bao giờ bán mà chỉ để dành cho người lớn tuổi dùng hoặc chia đều cho con cháu trong họ. Loại chất lượng cao như này chẳng ai bán đâu!”.
Đó là loại trà Dan Cong ngoại hạng, chẳng phải Thiết Quan Âm, Long Tĩnh hay ÔLoong. Mà cũng chẳng có tên tiếng Việt để dịch, chỉ có vùng núi Phượng Hoàng là trồng được. Cây trà to cổ thụ già mấy trăm tuổi, gốc mấy người ôm, cao hơn nóc nhà, mọc trên núi cao. Muốn hái thôi đã khó, làm gì có nhiều để bán.
Các loại trà Oloong bán ở VN mấy triệu một ký, toàn là trà thứ phẩm: lá già chát, lại đã bị nấu lấy chất trước khi ướp hương liệu phơi lại, thế mà họ mang qua VN bán với giá cắt cổ! Nhà giàu mới dám mua uống đấy nhé!
Trà của Papa gởi, nấu nước đầu tiên đổ vào chắt ra ngay, có thể uống được 5-7 nước mà trà vẫn còn ngon! Nấu xong lá vẫn búp và dai chứ không nát như loại trà bán trên thị trường.
Nhớ có lần đi “Hội Đồng Hương”, được đãi món truyền thống quê hương là “Cá chép hấp môn” với câu chuyện rằng: ngày xưa, ai mà bắt được cá lớn thì không bao giờ bán, mà chỉ mang về dâng cho ông bà hoặc người già trong làng họ rồi nấu chia ra ăn.
Người Tàu sau mấy chục năm cũng bị cái nạn chung như dân Việt, tuy nghèo đói nhưng vẫn còn giữ truyền thống ấy: món gì quý thì không bao giờ bán ra cho ai, mà nghĩ tới gia tộc trước nhất.
Không chỉ Tàu, ai từng đi Nhật cũng biết là đồ nội địa của Nhật luôn có chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu. Cũng là một loại Canon, nhưng loại bán trong thị trường Nhật có ký hiệu khác và chất lượng cũng hoàn toàn khác. Người Nhật họ có tự trọng, họ biết đặt quyền lợi của dân họ lên cao nhất, cho nên dù là nước nhỏ nhưng chẳng ai dám coi thường. Vào trong nước họ, dù dân Mỹ hay Châu Âu cũng phải thấy giá trị bản thân thua xa người Nhật, trước mắt là đồ dùng.
Còn ở VN thì sao?
Ai cũng biết hàng cao cấp nhất là hàng xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng chẳng ai mua được, nên đành tranh nhau mua những lô hàng không đủ chất lượng xuất khẩu, bị quăng lại. Mua được là mừng lắm rồi!
Có con tôm con cá ngon cũng nghĩ tới chuyện bán đi. Xuất khẩu cả lao động khỏe mạnh, bán luôn cả những người tài giỏi, họ chẳng bao giờ quay lại. Bởi vì ở VN chỉ trọng cái lý lịch, cái quan hệ, có ai trọng tài năng đâu.
Con gái đẹp cũng bán rẽ mạt sang xứ Hàn, Đài, Tàu,..làm đầy tớ, làm nô lệ tình dục cho cả nhà. Bán cả con nít sang Campuchia làm mãi dâm. Ai từng đi Sing, đi Mã cũng biết có những phố mãi dâm toàn là gái Việt, họ đã tự bán sang đây và sống chui sống nhủi để mong được ở lại.
Cái gì bán được là bán hết, bán cả danh dự, bán cả tình người,…bán cả ước mơ.
Ở VN có còn cái gì? Hàng hóa xe cộ toàn là những thứ phế thải của những nước khác. Đó là những thứ có chất lượng thấp nhất, loại bỏ đi, mà mấy con buôn bất lương cũng cố mang về bán rẽ kiếm lời. Chỉ tội dân ta nghèo quá, cái gì cũng xài hết, dù giá trị cuộc sống, giá trị con người cũng đi xuống mức tệ nhất. Mà con người còn lại cũng đâu phải chất lượng cao?
Tôi nhớ hồi Bao Cấp, con nít thấy Tây ngoài Q1 liền chạy theo xin kẹo, có được mấy cục kẹo nước ngoài là quý hơn vàng, có thể đánh nhau bể đầu để giành giật.
Bây giờ hết Bao Cấp lâu lắm rồi, bánh kẹo nước ngoài cũng có bán, nhưng trong những siêu thị lớn ít người có thể tiêu dùng. Hàng dỏm, hàng độc hại vẫn tràn ngập thị trường đấy thôi.
Hồi nhỏ, tôi được dạy phải tự hào mình là dân của một nước “rừng vàng biển bạc” “ra ngõ gặp anh hùng” “thắng hai đế quốc lớn”,..
Bây giờ đọc báo thấy nước mình còn thua cả Lào, Campuchia, Myanma,..thua cả kinh tế lẫn đạo đức!
Vậy mà chưa đầy 40 năm trước, Sing và Thái từng mơ ước có một thành phố như Sài Gòn.
13-03-14