Hôm trước tôi viết một bài khá dài dòng rằng con người ta có thể sống tốt chỉ với 1/10 lượng thức ăn hàng ngày (https://thamluan.wordpress.com/suc-khoe/an-it-van-khoe/). Tôi cứ tưởng là sẽ có rất nhiều phản biện trên sự vô lý ấy, thế nhưng (có lẽ) vì rào đón cẩn thận quá nên chẳng có lấy một ý kiến ngược chiều. Hoặc có thể vì đa số bạn bè trong friend list là những người ăn uống rất cẩn thận có tính toán, nên đều tán đồng ý tưởng ấy. Thật ra tôi không hề có chủ trương ăn kiêng hay nhịn ăn. Có một dạo người ta kháo nhau về một phương pháp nhịn ăn tẩy ruột hoặc nhịn ăn thanh lọc cơ thể, rồi sau đó cũng có nhiều người đứng ra chỉ rõ cái nguy hiểm trong những trò thiếu suy xét (và cũng thiếu hiểu biết) ấy. Những người bạn sáng suốt hơn đã đến hỏi tôi trước khi làm chuột bạch, và câu trả lời của tôi vẫn là “bạn thực sự cần điều gì, và có bao nhiêu cách để đạt được điều ấy?”. Nếu bạn chỉ đơn giãn muốn giãm cân – hoặc nghe to tát hơn – như là “thanh lọc cơ thể” hoặc “xả trược” thì có thiếu gì cách. Thường thì chậm một chút vẫn chắc ăn hơn – cho dù bạn có thể xuống mất 5kg trong vòng 1 tháng, thì có gì cam kết rằng tháng sau bạn không lên ký như (hoặc hơn) lúc trước? Nếu bạn muốn nhịn ăn để thanh lọc tạp niệm, để tĩnh tâm thiền định, thì bạn đã lầm rồi: cái bạn phải đối đầu lúc ngồi thiền là những ảo ảnh của 6 giác quan, chủ yếu là thức ăn! Mục đích của tôi khi giãm lượng thức ăn là vì sức khỏe bản thân, thứ hai là bảo vệ môi trường. Điều thứ ba nghe cao xa hơn, đó là tập chiến đấu với cái Tham Muốn tiềm ẩn trong mỗi con người.
Có lẽ bạn vẫn thường nghe câu “phân nửa thức ăn trong bụng là để nuôi bác sỹ”, thế mới biết tại sao bác sỹ giàu sụ. Nói chính xác hơn, một nửa thức ăn cho sức khỏe, nửa còn lại để nuôi bệnh tật. Thế thì ăn nhiều làm quái gì? Vậy mà người ta vẫn thích, bởi vì ăn là một khoái dẫn đầu trong Tứ Khoái (ăn, ngủ, làm tình và…đi đại tiện), ăn no thì ngủ ngon, khỏe để mà “vật” nhau và “đi ngoài” cũng lắm. Nghĩa là ăn càng nhiều thì càng khoái lạc, cho nên – một cách tự nhiên – con người luôn có xu hướng ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế, vì cái cảm giác khoái lạc chứ không phải để mà sống. Khi cái cảm giác “ngán” dâng lên đánh bại cái ham sướng kia, thì đã quá muộn. Có 3 mức độ ăn uống: ăn đủ, ăn no và ăn-cho-đã-đời. Tôi đã chứng minh chỉ 1/10 cũng đủ, con số riêng cho mỗi người có khác nhau, và thường là lớn hơn thực tế nhưng luôn thấp hơn mức “ăn no” khá xa. Tỉ lệ 50% có vẻ dễ chấp nhận nhất: bình thường bạn ăn 2 chén cơm với 1 chén “độn”, thì nay chỉ nên ăn 1 chén và bỏ đồ ăn vun lên cho một buổi ăn. Ngừng ăn khi còn đói để luôn được ăn ngon!
Có một thí nghiệm rất hay mà ai cũng có thể thử: bình thường bạn ăn một lượng X tốn một khoản thời gian A, bây giờ thử kéo dài thời gian ra bằng 2A xem sao? Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ ăn được một lượng X’ nhỏ hơn X – vì bạn đã no và ngán trước khi ăn xong. Rồi bạn thử ăn cho thật nhanh trong khoảng thời gian 1/2A, sẽ thấy tự nhiên mình ăn được nhiều hơn (và cũng đau bụng khó chịu hơn sau khi ăn xong). Xã hội ăn càng nhanh thì ăn càng nhiều, họ ăn nhanh hơn tín hiệu no, nên luôn ăn dư quá trớn. Vì thế muốn con người ăn nhiều hơn thì chỉ cần giãm thời gian ăn của họ rồi cung cấp những thức ăn có thể tiêu thụ chóng mặt – có khi không cần nhai nhiều. Xã hội ăn chậm, ăn rau và hạt cứng phải nhai nhiều lần, thường ăn được rất ít – vì chưa chi đã ngán rồi. Những người ăn “gạo lứt muối mè” thực ra chỉ ăn được rất ít, vì phải nhai khá lâu. Ăn ít cũng là một phương pháp trị bệnh khá hay, cơ thể ta biết điều đó nên mỗi khi có bệnh là nó tự nhiên chán thức ăn. Khi không có thừa chất dinh dưỡng thì vi khuẩn hay vi rút cũng bị yếu đi và tiêu diệt lẫn nhau, các thực bào và bạch cầu cũng dễ dàng làm việc. Hãy thử nghĩ xem, một xã hội thừa mứa bao giờ cũng sanh ra tệ nạn, nhất là khi bên ngoài đang đói khát. Một đất nước vững mạnh khi ai cũng có chuyện để phải làm, còng lưng ra mới có cái ăn, từ dân tới vua – một khi đã thịnh vượng thì rất dễ đổ vỡ, vì có nhiều bộ phận làm biếng và ỷ lại. Cơ thể chúng ta cũng thế, khi luôn trong trạng thái thiếu hụt thì mọi khả năng trên mỗi phần nhỏ của nó đều được huy động, trong tư thế sẳng sàng, có thể đánh bại kẻ lạ mặt (vi khuẩn) ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Vì thế ta thấy những người ốm rất dai sức chịu đựng, lại ít bệnh, còn người đầy đủ cứ bệnh hoài – người càng mập càng dễ bệnh. Khi cơ thể thiếu, hiệu suất tiêu và chuyển hóa chất được đẩy lên rất cao, nên không sinh ra các chất cặn bã – trong hệ tiêu hóa lẫn máu huyết khắp cơ thể. Người ốm thì khó lòng có “mỡ máu” hay “tiểu đường”, bởi vì đường và mỡ là hai thứ khan hiếm, làm gì có dư để sinh bệnh. Nói chung là cứ để cho cơ thể luôn thiếu một chút, thì nó sẽ khỏe mạnh. Ăn ít đi một nửa thì khỏe hơn gấp đôi.
Chuyện giãm ăn để bảo vệ môi trường nghe còn rất xa lạ với các bạn, sống trong một nước nông nghiệp thiếu thốn chúng ta luôn cho rằng tiêu thụ nông sản thì người ta sẽ trồng trọt nhiều hơn – như thế là có lợi cho môi trường chứ? Nếu bạn biết rằng đất nông nghiệp phần lớn đều là rừng (từ rừng tạp cho tới rừng nguyên sinh) thì bạn sẽ hiểu rằng, để nuôi cái miệng tham lam của con người, môi trường đã thiệt hại nhường nào. Đó là chưa kể tới năng lượng tiêu tốn cho nông nghiệp, bảo quản và vận chuyển (điện, xăng dầu, phân bón,…) trong suốt cái dây chuyền đưa thức ăn từ ruộng đất cho tới cái miệng con người. Biết bao nhiêu hóa chất đã được thải ra trong canh tác để tăng lợi nhuận, do tham lam người dân áp dụng các giống cây trồng biến đổi gene nhằm tăng sản lượng nhưng hậu quả khó lường. Để sản xuất ra thịt còn tệ hơn trồng trọt nhiều lần. (Bạn nào quan tâm thì xem cái trang “bình dân học vụ” này: http://en.wikipedia.org/wiki/Environmental_impact_of_meat_production). Đại khái là tốn rất nhiều năng lượng và nước sạch để sản xuất ra thức ăn, số tiền chúng ta kiếm được không đáng bằng số lẻ của thiệt hại mà chúng ta phải trả. Bạn nào nói rằng “ăn nhiều để phát triển nền nông nghiệp, cho người nông dân có thu nhập” thì đúng là có cái nhìn quá cạn. Tác hại siêu lớn bởi rác thải ra từ bao bì, bọc shop,…lẫn rác hữu cơ (sinh ra NH4 còn nguy hiểm hơn CO2) góp phần đưa Trái Đất nhanh chóng tới bờ diệt vong. Bạn có thể phản biện rằng “VN đói lâu rồi, giờ ăn có chút xíu, nhằm nhò gì so với các nước lớn, tại sao chúng tôi phải nhịn bớt? Tại sao không phải là Mỹ và Châu Âu?”. Câu trả lời nằm ở cái trí tuệ, bạn không cần phải tranh ăn nhiều ít với con heo – con heo có thể tranh ăn với nhau, nhưng con người phải đứng trên và phía ngoài. Bạn là con người, và bạn biết như thế nào là phải, như thế nào mới là nếp sống đúng.
Nhưng câu trả lời chính xác hơn – và cũng khó chấp nhận nhất – nằm ở cái tánh Tham trong tim mỗi con người. Cái Tham đó xúi bạn rằng: người ta hưởng thụ được thì tại sao tôi lại không? Ngày nay bạn có thể mua KFC, Mc’Donald , uống CocaCola hay BuckStars tùy thích, có thể ăn tôm hùm hay thịt chó nếu XH không cho đó là tệ nạn. Con người càng trí tuệ càng biết tiết chế trong ăn uống, nêu tôi biết bạn ăn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết con người của bạn – cũng khá nhiều và chi tiết đấy, kèm luôn cả sức khỏe và tương lai của bạn. Đi ăn tiệc buffet mà thấy ai nhào vô mấy món “nặng” thì biết là tầng lớp thiếu ăn học, thấy ai gắp rau cải trước, trong dĩa chỉ có có vài miếng thì biết đây mới thực là người “giàu có”. Người tham khi ăn uống tự nhiên (không bị ai soi hay không cần phải giả vờ ngoan hiền) nhìn rất kinh tởm, cho ta cảm giác họ chỉ có cái miệng và sự thèm khát trong bụng. Hãy cho một người tham lam một miếng thịt và nhìn họ ăn, ta sẽ thấy phảng phất sau cái ngoại hình người ấy là một con quỷ sống. Người thánh thiện thì cũng phải ăn, nhưng họ ăn chỉ để mà sống – ăn uống không lộ vẻ thèm thuồng khoái trá. Khi bạn có thức ăn, cái tham muốn luôn khiến bạn ăn nhiều hơn, cái thèm cần phải thỏa mãn nên bạn luôn quên mất mình đã ăn bao nhiêu thứ và ăn những gì. Đây là cơ hội để cái tham lấp ló, mỗi ngày bạn có vài lần đói để ăn, hãy tĩnh lặng mà quán xét những gì hiện lên trong tâm bạn. Khi cái thèm còn xuất hiện sau khi bạn đã ăn đủ, thì đó chính là lòng tham đấy. Càng “chỉ mặt” nó ra nhiều lần thì cái biết càng để nhận diện và diệt trừ nó (nếu bạn quyết tâm). Những người đã chứng quả Dự Lưu, Nhất Lai hay đắc Sơ Thiền đã sạch mất cái tham thô, họ chẳng có lý do gì để ăn nhiều – những người này ăn uống rất ít – nên không ai béo phì cả. Tranh và tượng hệ Phát Triển bên Tàu thường biểu hiện một vị Phật đầy đặn “phúc hậu”, trong khi hệ Nguyên Thủy phía Nam thờ Phật “ốm nhom”. Tôi thấy nhiều người thờ tượng Phật mập ú, tay cầm vàng thỏi (Happy Buddha), với mong ước được hạnh phúc và thịnh vượng. Có thể cái ông đó cho bạn vàng thỏi, nhưng chẳng thể giúp gì để bạn thoát khỏi cái Tham – vàng là kim loại rất nặng nên luôn chìm xuống. Tôi tự hỏi đây là Phật hay Ma?
Tóm lại, bạn ăn ít chừng nào tốt chừng nấy, không có định mức cụ thể. Nên biết rằng cái xe nào chạy càng ít tốn xăng thì càng tốt, người nào mà ăn ít vẫn lao động tốt thì có một cơ thể cực kỳ khỏe mạnh. Người nào có ý thức chuyện ăn uống vì môi trường và xã hội, tiết chế được cái tham muốn thì sẽ có cách ăn lành mạnh – ta gọi họ là những người đã thoát được phần “con”. Theo quan điểm tôn giáo thì cõi trời Sắc Giới người ta đã không còn ham ăn, lên cõi trời Vô Sắc thì ngay cả thân thể cũng mất. Muốn biết bạn đã thuộc cõi giới nào thì hãy nhìn lại cái tham của cái miệng và tỳ vị. Nếu bạn sống ở Tỳ nhiều hơn, thì bạn thuộc về cõi Nhất Tỳ, gần Nhị Tỳ. Ở giữa hai cái khoảng tâm linh ấy, con người phải vẫn sống bằng thức ăn, vì thế nên ăn sao cho giống con người nhất.