Lý do bỏ mút Tàu

Nói “mút Tàu” tức là nói riêng họ hàng miếng DHS Hurricane hoặc Skyline, chứ không nói chung toàn bộ mút Tàu bao gồm 729, Yinhe, Palio và những hãng khác tương tự. Tại vì dân ta cứ đánh đồng “mút Tàu” với H3 mà không hề nghĩ tới những miếng khác cũng là mút Tàu và có tính năng tương đồng. Vì CNT đánh H3 nên loại này trở nên thành tiêu biểu cho mút Tàu, cứ như cây Sadius đại diện cho cốt Việt vậy. Điểm khác nhau là mút H3 đánh đâu thắng đó, còn cốt Sadius ra nước ngoài đụng đâu gãy đó! Hôm nay em viết ra mấy lý do để “nói không với mút DHS”, đây là ý kiến cá nhân, sẽ có nhiều tiếng nói khác (lớn hơn át cả tiếng của em, hoặc nói nhỏ rỉ tai sau lưng) bảo vệ mút H3 nguồn này nguồn nọ có uy tín – em mặc kệ. Các bác nào cảm thấy đủ can đảm đàn ông thì cứ vào đây bẻ các luận điểm của em. Có nhiều thực tế không thể chối cãi, nhưng cũng có những điều chỉ là suy luận, nói tóm lại chỉ là miền tin và cá nhân – từ phía một người đã từng chơi mút tàu (DHS) lâu năm và đủ sức cầm miếng đó đánh tất cả các kỹ thuật hiện hành trên TV.
Ngoài China và các nước trong hệ Tàu (Hongkong, Taiwan, Sing) thì các hlv Tàu di dân không ai dạy học trò chơi mút Tàu cả, nếu có cũng là thiểu số. Chính người Tàu (dù cầm mút Tàu đánh) vẫn không dạy đệ tử và con cháu chơi mút H3 như tuyển Tàu. Các bác có thể cho rằng các cụ hlv ấy lạc hậu, sinh thời chưa có H3. Vậy trước đó các bác ấy chơi mút 729 và các loại Song Hỷ cũ, giờ vẫn còn bán, thế tại sao vẫn không truyền thụ “Trung Hoa Bí Mật” cho đệ tử? Ngay cả đám sinh viên Tàu du học, cầm H3 đánh giải thắng khá nhiều, khi làm coach kiếm thêm tiền nhà cũng chỉ dạy chơi T05. Bọn nó giấu nghề chăng, để cho đệ tử không bao giờ giỏi bằng mình? Hay cố tình bảo vệ “bí mật quốc gia” nào đó? Cái thiểu số dạy đệ tử mút Tàu ấy, đào tạo những đứa còn bé chơi vậy thôi (chơi các loại 729, Globe, Yinhe,..) khi lớn ra giải vẫn cứ T05 mà quất. Hãy điểm qua tên các vdv trẻ các nước trên TG, tên họ Tàu khá nhiều, nhưng có mấy đứa xài mút DHS? Cái đám vẫn giữ truyền thống Tàu thì xài gai công là chủ yếu, ngoài CNT và nhóm di dân của CNT-B ra, các vdv prồ ở các nước khác tự đào tạo lên, không ai chơi mút DHS. Mút đó bán đầy rẫy trên mạng, nước nào cũng có đại lý, đâu có khan hiếm gì. Các prồ sau khi ra khỏi CNT cũng đấu tranh rất nhiều mới giữ mút H3, đa số cũng đổi qua mút khác (nếu không còn được DHS tài trợ). Những người cung cấp, phân phối hoặc bán mút DHS, họ cũng không thực sự xài mút này trong tập luyện và thi đấu. Họ chỉ nhờ ai đó xài, rồi quảng cáo dùm mà thôi. Chính người bán mút DHS cho em cũng không xài mút H3, anh ta chơi mút Tàu thuộc hàng kỳ cựu nhưng có đủ lý do để không xài hàng DHS – vì thiếu gì miếng khác ngon mà rẻ hơn.
1. Chất lượng rất bất ổn.
Đầu tiên phải kể tới độ cứng của sponge. Ai cũng nói mút H3 có các độ cứng từ D36 tới D42, nghĩa là có 7 loại sponge khác nhau chia theo độ cứng. Vậy tại nhà máy, mỗi độ cứng khác nhau được làm từ công thức trộn nguyên liệu hay cách thức chế biến khác nhau – để cho ra một miếng sponge đúng độ cứng ấy? Hay là nhà máy làm một mẻ cao su rồi cán ra, hên xui cứng mềm khác nhau? Theo giả thiết thứ 2 thì chúng ta sẽ có các miếng dư thiếu “nửa độ” hoặc “một phần tư độ”, nghĩa là giữa chừng không cái này cũng không cái kia, hên xui mà. Theo cái hệ A – không chia độ cứng – thì trong một chồng mút hơn 20 miếng có đầy đủ từ 36 tới 42 độ – kể cả giữa chừng của 1 độ (theo thang của hệ B) không có một ký hiệu nào phân biệt – kể cả số seri in trên mút, cứng mềm khác nhau trên cùng một số. Nghĩa là từ nhà máy họ đã không quản lý được độ cứng, cứ vào bao bì theo dây chuyền. Còn theo hệ B – có chia độ cứng – thì em cũng không biết họ đánh số D dựa theo cái gì, vì có miếng D39 đánh cứng như đá, có miếng D41 mềm xèo. Khi đánh số D, chắc các bác Tàu có máy thử độ cứng chăng? Vậy thì phải thử từng miếng, chẳng biết có bao nhiêu máy và tốn bao nhiêu thời gian cho chuyện này? Còn nếu nhà máy làm từng mẻ sponge khác nhau chính xác theo độ cứng, thì tại sao đánh lại khác nhau như thế?
Cấu tạo của sponge cũng khác nhau, dù là trong cùng một đợt mút. Có miếng sponge khá mịn và láng, có miếng đầy bọt khí, có miếng nhìn trơn tru có miếng đầy răng cưa. Cầm chắc là đánh khác nhau hoàn toàn, dù là cùng độ cứng. Miếng có sponge đặc, tuy cùng độ cứng với miếng nhiều bọt khí nhưng nặng hơn – cho nên cách thử độ cứng bằng cân nặng chỉ cho kết quả rất tương đối. Chỉ có xé bao bì ra tự lựa bằng mắt sờ bằng tay với một số công cụ hỗ trợ thì may ra tìm được các miếng có sponge giống nhau – điều này với chúng ta là bất khả thi, trừ cái đám Tàu được DHS lựa mút ra sẵn để tài trợ. Ai tin mút Prov hay NT (hệ B) là chuẩn đều như nhau, cứ mua một lúc 2-3 miếng rồi mở ra xem thử có giống nhau y hệt không? Ngay cả độ dầy của sponge cũng chênh lệch nhau chứ không chính xác là 2.15 hay 2.20mm. Hóa ra bọn prov và NT của Tàu giỏi thật, mút khác nhau túa xua vẫn đánh được không bị hư tay!
Khi thi đấu phải tuyệt đối tự tin vào vũ khí của mình, dù là đánh độ bia hay đánh giải quốc tế. Chứ nếu không biết liệu miếng mút mình có mềm hay cứng quá, cảm giác có thay đổi không, lỡ hư thì thay miếng khác có phải đổi kỹ thuật hay mất thời gian làm quen không,…(khả năng tìm được hai miếng mút giống nhau là không có). Đánh mà không an tâm thì thua chỉ thêm tức, về nhà lột mút quăng thùng rác thì tiếc, mà chỉnh sửa dán vào cũng chưa chắc như ý – lần sau lại thua và thất vọng. Mua miếng khác thì tiếp tục chu kỳ hên xui, cứ như lựa vé số vậy! Các bác chơi mút Tàu chắc hiểu cái cảm giác “nắng mưa sổ số” của cái trò này: có hôm chơi cực hay đánh cực đã tay rồi hôm sau cũng miếng đó đánh dở ẹc hết cứu. Rồi muốn tìm lại cảm giác ấy phải mất thêm cả chục miếng mút khác – trãi qua rất nhiều thất vọng chỉ bám vào niềm tin rằng “nguồn nọ uy tín, miếng mắc tiền sẽ được”. Cảm giác vật vờ như con nghiện, tốn kém rất nhiều nhưng lâu lâu mới được thỏa mãn ngắn ngủi – vậy có đáng không?
2. Độ bền của topsheet.
Em chơi hệ A, đã qua tay gần 50 em Hắc Ba (mỗi năm trung bình 15 em), hệ này nổi tiếng là bền. Quăng vào nhà kho dưới cái nóng 47 độ bên ngoài, bên trong chắc lên tới 60 độ C, thì cầm chắc các miếng hệ B và Nittaku H3 lột dên bong topsheet như là đem hấp diêm – dân voọc sỹ dùng bàn ủi nóng qua topsheet để bóc nó ra. Nhưng trong điều kiện đó miếng H3 hệ A vẫn còn chạy tốt, nhưng độ bền này cũng có giới hạn. Trong một khoảng an toàn nào đó thì nếu không tune hay boost gì, miếng H3 có thể sống rất lâu – với điều kiện là thời tiết khô ráo, hôm nào trời ẩm thì miếng mút đánh sẽ bị tuột “chút xíu”, kết quả là ta sẽ cố gắng thêm lực và làm phồng topsheet ngay. Điều lạ là nếu ẩm hoài thì không sao, khô nóng hoài cũng không sao, nhưng hễ chuyển từ nơi khô sang ẩm là tự nhiên topsheet nó “ra mồ hôi” rồi hư nhanh sau đó (mất độ bám, giòn hơn, hoặc cố đánh thì gãy chân gai). Một số loại booster hủy diệt mút DHS cực nhanh, nhìn còn mới coóng nhưng phang vài phát là bong topsheet ra. Lấy kéo cắt thử thì không phải là gãy chân gai, mà là tróc chân (nhổ sponge lên, hoặc tróc keo). Bác nào đánh phù mút cứ cắt ra xem thử, có hai kiểu phù mút. Kiểu thứ nhất là gãy từng chân gai, loại này chỉ xãy ra khi mút có topsheet bền nhưng do khí hậu nên bề mặt bị tuột, ta ma sát nhiều quá – và nếu đánh chính xác mãi vào một vùng nào – thì chổ đó sẽ bị gãy gai. Ta sẽ thấy có “một chút gì đó” giữa các gai, vd như hơi lún xuống, hơi lệch,…nhưng bề mặt vẫn phẳng. Từ từ chổ đó sẽ to ra và lồi lõm không đều, cắt ra thấy gai gãy ngang. Kiểu 2 xãy ra khi mút vẫn còn mới, và phù nhanh nguyên một mảng, nổi thành vết – khi cắt ra ta thấy chân gai còn nguyên. Các loại hóa chất “bí truyền” phết lên mút càng làm tăng nguy cơ phù kiểu này. Nếu đánh quen, có thể canh thời gian (bao nhiêu giờ đã xài mút) để đoán biết tuổi thọ – gần tới phù kiểu 1 chưa. Nhưng với kiểu 2 thì thời gian tới sớm hơn dự đoán, còn độ ẩm thay đổi thì tốt nhất đừng mang mút ra đánh. Để canh được khoảng thời gian “tuyệt đối an toàn” thì chỉ trong vòng một khoảng rất ngắn (5-10 tiếng) sau khi miếng mút đã đạt tới độ “đủ” khi tune sponge. Nghĩa là thời gian chén ngon nhất chỉ được có mấy tiếng ngắn ngủi, sau đó là rủi ro phồng mút trong lúc thi đấu (kiểu 2) và gãy chân gai dẫn đến mất tự tin. Đánh 7 séc mà mới séc hai nhìn thấy có vài chân gai bị gãy ngay chổ giữa vợt thì cầm chắc là để thua luôn cho gọn – nếu phù mút ngay chổ đó thì lấy gì mà giật bóng, tự ta biết tại sao giật hư.
Chuyện này đối với dân CNT thì vô tư, vì bọn chúng có cả đống mút cho tập luyện và thi đấu, được bảo quản trong điều kiện lý tưởng. Với dân ta, một miếng mút gần cả triệu bạc mà đánh ngon có một chục giờ thì không đáng – có bác còn phang chưa hết một ngày đấu đã phồng mút. Độ ẩm ở nước ta thay đổi thường xuyên, đánh mút Tàu rất mau hư topsheet, dù là hệ nào đi nữa. Đó chỉ nói về chất lượng bất ổn do thời tiết và booster, bản thân các miếng mút từ nhà máy làm ra cũng chất lượng khác nhau – dù là hệ A. Vì em xài mút màu đỏ cho tập luyện nên rất dễ kiểm tra chất lượng của topsheet: độ đồng đều, màu sắc, dầy mỏng,..có thể kiểm tra bằng mắt thường. Cũng như sponge, chất lượng topsheet cũng khác nhau – và cũng không thể lựa nếu còn bị bao bì che khuất. Các bác ở VN nghe em kể về mút hệ A thì thèm, dễ biết rằng em mua ở đâu suy ra từ vị trí em ở. Cho nên các bác nghĩ rằng chỉ cần chịu thiệt thòi mắc tí, nhờ “ông bạn” nào đó ở Úc mua dùm gởi về VN – từ cái nguồn đã được em cho là uy tín – thì sẽ đánh được như em nói. Thật là sai lầm! Bỏ qua những nghi ngờ xào trộn, dù các bác có được chính xác 100% loại mút hệ A thì sao? Bản thân em phải tự lựa ra, chỉ chọn được khoảng 1/7 trong số ấy đúng độ cứng thường dùng (sai số cũng lớn, nửa độ tới 1 độ chênh lệch là bình thường), trong 1/7 ấy phải lựa ra loại sponge đúng ý em, loại topsheet ổn định, và tính luôn chuyện màu sắc nữa thì trong 20 miếng chỉ may ra lựa được 1 miếng ngon. Mà khổ nỗi, bọn Tàu nó lựa hết mút đen tốt để lại, cho nên khả năng có mút đen đánh còn khan hiếm hơn nhiều lần. Với sác xuất như thế thì khả năng các bác tìm được mút ngon là gần như bằng không.
3. Độ biến thiên chất lượng và cảm giác, theo tuổi thọ của miếng mút.
Bây giờ, giả sử có một hai miếng mút ngon để chơi, ta phải mở bao bì ra xem nó là loại nào, kiểu sponge gì, topsheet ra sao,..để quyết định một cách tinh chỉnh hợp lý sao cho kết quả là một miếng mút vừa tay “y chang như ý”. Tinh chỉnh là một quá trình khó, đòi hỏi kinh nghiệm, vì mỗi miếng đều khác nhau – chỉ có bọn CNT mới xài công thức, vì ban đầu mọi thứ đều đã đúng chuẩn. Quá trình tune và chỉnh cũng mất ít nhất là 1-2 tuần, khi miếng mút đã “lên đỉnh” là lúc mà quất ngon nhất. Nếu canh được miếng mút vào khoảng ngon nhất đúng vào ngày đấu giải thì quả thật cần rất nhiều kinh nghiệm – nếu chỉ có 1 vài miếng xài tiết kiệm. Điều đáng nói là nó chỉ thọ được có 1 tuần, đánh hay không gì nó cũng hư, sau đó còn vực nó dậy thêm 1-2 lần nữa nhưng có đánh hay không cũng vậy thôi, sẽ bị lão hóa. Đã lỡ tune nó tới đỉnh rồi thì buộc phải đánh chứ không có cách nào giữ lại cho tháng sau – không có chuyện đánh ngon rồi cất đó, tháng sau tune lại đánh tiếp, nó sẽ dở òm ra. Cho nên dù có được miếng mút của Ma Long hay Fang Zhen Dong lột ra cho sau khi thắng trận thì cũng chỉ xài ngon lúc ấy, còn sau đó chỉ cất làm của hoặc gạ ai bán lại, chứ dán đánh như sh*t – càng lâu càng dở, dù có tune cách nào đi nữa. Lưu ý rằng, nếu không tune thì đánh lâu hư hơn rất nhiều. Đã lỡ tune hay xài keo tăng lực thì xem như đốt ngắn cuộc đời của miếng mút – huy hoàng rồi tắt nhanh – keo tăng lực thậm chí làm mút nhanh hư hơn cả booster vì độ biến thiên co dãn quá nhanh. Ở đây em nhấn mạnh rằng, sau khi qua khỏi đỉnh điểm thì chất lượng miếng mút xuống thê thảm, dù không đánh hoặc nhìn vẫn còn mới toanh. Cho nên kinh nghiệm của em là mua mút cũ của Tây chứ không bao giờ mua mút Tàu đã qua sử dụng. Em vẫn chưa tìm ra cách nào khả thi để vực dậy miếng mút đã xuống dốc – cứ như cái đó xìu rồi là kiểu gì nó cũng không sung lại. Ai nói booster kiểu gì, tune topsheet ra sao, dùng nước rửa tay, nước rửa chén, dầu cá,…cứ thử xem có làm sponge cứng hơn và topsheet co và mềm mại lại không?
Tính chất của sponge là khi nở ra sẽ mềm hơn, nhưng khi co lại sẽ nhão ra chứ không nhún như lúc đầu. Topsheet khi nở ra thì không co lại được, nếu đã đánh warm up nó. Nghiệt một nỗi là phải làm nở gai topsheet thì đánh mới nhanh, sponge phải có độ nhún của booster thì mới lún bóng tạo cảm giác “ngon”. Nhưng mà sau đó thì “phóng lao phải lao theo”, buộc phải tune hoài cho tới khi mút chết (sau 2-3 lần cắt bỏ rìa, nở ra thêm chừng 10%). Thời gian đỉnh chỉ chừng 1-2 lần, cầm cự thêm 2-3 lần nữa là không còn cách nào khác hơn là vứt mút đi – hoặc gạ ai mua, rằng mút ngon lắm (đâu có nói láo, ngon thật chứ, nhìn mút còn đẹp chán). Triệu chứng lúc này, miếng mút sẽ rất tốc độ nhưng mềm – okie, ai thích mút mềm và nhanh cứ nhào vào mua nhé – topsheet sẽ vẫn còn hít bóng nhưng không thể đánh vs bóng xoáy tới. Đánh bóng tới xoáy chìm (bóng gò) dứt điểm luôn vẫn còn được, nhưng nếu xoáy tới thì phải nương dầy vào bóng, đánh mỏng là tuột liền (nghe reeeet một phát). Sẽ không còn ổn định khi đánh đối giật xa bàn, hoặc giật chết quả moi xoáy của đối phương – ai xài mút Tàu bị kỵ cú moi xoáy thì nên xem lại topsheet, nó đã căng như mặt trống rồi đó. Lúc này đánh bạt vẫn còn ngon chán, nhưng nếu cố gắng tăng xoáy thì mút sẽ bị gãy chân gai hoặc phù rất nhanh.
Điểm khác nhau giữa mút chất lượng cao và mút hệ “đại chúng”, là cái topsheet lúc tune lên nhìn biết liền. Hệ A khi tune lên nó nở ra rất đều và bảo tồn độ mềm mại bám bóng rất lâu, nó cũng đàn hồi khi co lại nhưng càng tune thì càng căng và giòn hơn – tuổi thọ topsheet dài hơn nhiều. Loại B khi tune nở gai sẽ thấy bề mặt lồi lõm không đều, rất mau căng cứng topsheet chứ không có cảm giác mềm mại, khi tune đánh xong nó không hồi lại. Dù có cách nào làm cho bề mặt mút dính hơn (cho dù trét keo dán chuột lên cũng vậy thôi) thì nó cũng không thể đánh bóng đổi xoáy được, vì quá căng nên không bám bóng – cho dù là sponge mềm. Loại này khi đã nhìn bề mặt lởm chởm mà còn phang mạnh thì bảo đảm nát gai, cứ ngỡ là mình đánh giật mạnh hơn cả CNT, haha! Nhưng dù là hệ A thì cũng chỉ được 2 tuần tới 1 tháng thôi, đánh hay không nó vẫn cứ xuống cấp. Tune và tinh chỉnh sao cho miếng mút đạt đỉnh ngay vào lúc cần thiết (ngay vào lúc đánh giải) là một nghệ thuật, rất phức tạp và cần phải làm luôn cả với miếng mút dự phòng – lỡ khi đánh phù có cái mà thay ngay. Đánh một giải tốn ít nhất là 2 miếng H3 nhưng điều đáng nói là không đánh giải mà phải tập thôi cũng phải tốn ít nhất là mỗi hai tuần một miếng – nếu muốn tập luyện đúng chất. Vì vậy chỉ có CNT mới nên chơi mút Tàu, ngoài ra các vdv chuyên nghiệp khác không có lý do gì để lấy đó làm vũ khí chính, nếu không có nguồn cung cấp lâu dài, chất lượng ổn định và giá rẽ. Còn dân EJ “chơi cho biết” thì đừng bao giờ mơ tưởng một miếng mút ngon lành lâu dài – nó là vậy đó. Không có chuyện cầm một miếng NT hay Prov là cầm chắc một vũ khí ngon, dù các bác có trong tay một miếng mút được lựa để tài trợ cho đám tuyển tỉnh “chánh hiệu con nai vàng”. Còn phụ thuộc vào rất nhiều kỹ thuật tune, chỉnh (dư thiếu phải làm sao, canh thời gian thế nào,..). Cho dù có làm cho nó ngon lành thì cũng chỉ có ngắn ngủi một hai tuần phải đánh liên tục, sau đó là bỏ không thương tiếc – vì đánh nữa chỉ để mà tức giận thêm thôi.
4. Giá cả không hợp lý
Mỗi miếng mút H3 chúng ta mua phải chi thêm tiền tài trợ cho đội tuyển CNT, DHS đã cấn trừ vào đó rồi, cộng thêm các tầng bậc qua tay cắn lời, đủ thứ chi phí phụ trội. Nếu mua từ Úc thì tốn thêm gấp đôi chi phí shipping (từ Tàu qua Úc rồi từ Úc ship về) mắc còn hơn giá miếng mút thực tế. Ngay cả chuyện miếng mút nhãn DHS cũng đã là mắc cười: DHS quả thật có một nhà máy cao su làm mút bóng bàn sao? Nó phải nhờ một hãng khác làm, rồi DHS ăn lời trên sản phẩm ấy. Nghĩa là ta bị ăn chặn biết bao nhiêu công đoạn, so với một miếng mút bình thường chất lượng tương đương giá chỉ bằng nải chuối. Đó là chưa kể chuyện trùm lên nó bức màn huyền bí mút tuyển, mút prov hay NT rồi đưa giá lên lủng nóc nhà. Với giá tiền bằng 1/5 miếng H3 thường, em có thể mua miếng khác đánh ngon hơn mà bền hơn gấp chục lần (giá xuất ngoại, chứ trong nước còn rẻ hơn). Bọn Tàu trong nước chơi bóng bàn, chúng xài mút gì, bao lâu mới thay mút? Nếu chơi sang kiểu công tử đốt tiền nấu chè như chúng ta hiện nay thì chỉ làm giàu cho Tàu mà thôi, dân nó đâu có ngu như thế – chỉ có dân ta hại dân ta mà thôi. Những miếng mút “for training” của Yinhe hay 729, bán 1 xấp 10 miếng giá chưa bằng một miếng H3, nhưng đánh ngon ổn định mà bền hơn cả chục lần (đánh 3 tháng chưa hư, so với H3 chỉ vài tuần). Em đã đánh qua các miếng NT mắc tiền, hàng prov hay pro cũng chơi hết, sau đó tìm được miếng H3 còn ngon hơn NT nhiều lần nhưng giá cực rẽ, thế mà nó vẫn quá mắc và không hợp lý chút nào nếu so với đám mút “dành cho tập luyện” kia. Kinh nghiệm nhiều như em, điều kiện có hết vậy mà vẫn xài hàng “ba xu”, thế mà các bác ở Vn lại cứ thích xài sang cho nó mang tiếng…nai vàng! Những miếng mút dành cho đội tuyển tỉnh thực ra là các miếng mút dạng “dành cho tập luyện”, đóng thành từng xấp cao và chẳng có bao bì nhãn mộc gì cả. Đó là những cây mút cực kỳ rẽ tiền được đặt làm và lấy thẳng từ nhà máy. Với cái giá gần 20USD một miếng thì chẳng có đội tuyển nào chịu nổi, khi không được tài trợ như CNT. Thử nghĩ mà xem, tập kiểu một tuần một miếng H3 thì một năm cũng hơn 50 miếng – có bao nhiêu vdv như thế trong một đội tuyển nhỏ, tiền nào chịu cho nổi? DHS có tài trợ cho tỉnh đâu, nó chỉ đặt mút riêng cho tuyển quốc gia thôi. Thế mà chúng ta lại chi tiền bằng một miếng Tenergy cho một thứ mút prov hay NT “niềm tin” (N=niềm, T=tin) có các bao bì khác lạ đặc biệt. Đó là thị trường béo bở, vì vậy có rất nhiều Mafia và cả một hệ thống truyền thông tư tưởng làm đục nước béo cò.
Em từng thấy những miếng mút “giả y chang thật” đóng mộc NT lót xanh bao bì cứng, bán trên taobao giá có 3-5USD một miếng, nếu mua nhiều còn rẽ nữa. Nhìn cái giá thì ai cũng biết là mút giả, nhưng nó gợi cho em một suy nghĩ: thực ra để làm ra một miếng mút (dù là hệ A), giá vốn không quá 1USD, tức là nếu biết nguồn mua mút H3 từ nhà máy thì giá chưa tới 2USD một miếng. Chỉ với giá đó mới dám tập luyện kiểu phá mút 1 tuần một miếng, DHS tài trợ cho tuyển CNT cũng chẳng tốn kém gì lắm. Cho nên nước Tàu đông dân, ai cũng thấy chơi bóng bàn là rẽ tiền hợp lý, ai cũng chơi mút Tàu. Còn dân ta chơi mút Tàu là phải chịu giá mắc gấp 10 lần – cho một miếng giá trị tương đương. Suy nghĩ thứ hai có phần “lựu đạn” hơn: chỉ cần bơm giá từ 5USD lên 50 hay 100USD thì tự nhiên miếng mút giả trở thành thật ngay! NT tức là Niềm Tin mà, chỉ cần tin vào nguồn bán là ta có thể mua về và tin rằng đánh sẽ như CNT, dù chất lượng của nó chỉ bằng miếng 1USD thôi! Các bác bỏ tiền ra mua niềm tin cho biết, chẳng có gì sai cả, ai dư tiền thì chơi cho nó sang, còn bọn Tàu (và cả em) cũng đành chơi đồ cùi bắp 1-2 USD cho nó chắc. Các bác có thể tin vào ai đó bán mút Hệ A, chỉ vì cái nhãn hiệu không có ghi độ cứng, để mua về một miếng mút không biết cứng mềm thế nào, thì cứ việc. Bản thân em đủ khả năng hết mọi mặt để lựa mút, nhưng cái giá 20USD vẫn còn quá mắc, chơi vui thôi thì không sao, chơi lâu dài cứ nhơn lên mới thấy tốn kém.
5. Số lượng không ổn định.
Căn cứ vào lời nói của đại lý DHS (nguồn A) bên Úc, thì DHS chỉ cung cấp mút một cách nhỏ giọt, một lần gởi qua chỉ chừng 20 miếng mỗi loại, một năm không quá 100 miếng H3. Nếu đó là sự thật thì chẳng ai dám đầu tư cho đệ tử chơi mút H3 cả. Vì trong 100 miếng đó may ra chỉ có chừng 5-10 miếng đánh tốt, chưa đủ cho 1 vdv đánh suốt năm. Khi em hỏi tại sao không mua cho nhiều, thị trường cần lắm mà, thì bên đại lý trả lời rằng họ đã order rất nhiều lần, nhưng hình như đó là số lượng lớn nhất DHS có thể cung cấp cho đại lý – dù là nhà phân phối ở một nước lớn. Các lần gởi qua phải chờ DHS khá lâu chứ không đòi là có ngay. Nghĩa là thằng DHS thực chất không có nhà máy làm ra mút, nó cũng không quan tâm chuyện kiếm lời khi bán mút. Thế thì các đại lý khác tại sao có rất nhiều mút H3, thằng DHS nó thiên vị chăng? Và nếu lượng mút lấy từ chính DHS không đủ bán, thì DHS cũng đâu thể cấm đại lý của nó lấy nguồn mút “DHS khác” về bán – dù nó dư biết mấy thứ đó đến từ đâu. Kiểu như ông chồng bất lực phải chịu đựng nhìn bà vợ đi kiếm trai vậy, có cấm thế nào cũng không được, cung không đủ cầu. Lấy mút từ chính hãng DHS khó và hiếm, chứ lấy từ các đại lý trên Taobao hay BuyChina thì dễ ợt, mấy trăm miếng cũng có, càng mua nhiều giá càng rẽ. Đó là lý do dù mua mút từ đại lý “chính hãng” của DHS cũng chưa chắc là mút của DHS chính hãng. Và cũng là lý do các đại lý “có uy tín” treo hàng DHS tuyển prov, tuyển NT – với giá cắt cổ, hy vọng có vài người mua là đủ sở hụi. Cái ông DHS bất lực ấy phải cố giấu diếm chuyện “thiếu khả năng” bằng cách làm mặt vui mà hợp thức hóa cho đám DHS hệ B, đôi bên cùng có lợi. Khi em viết mấy dòng này, tự nhiên em nghĩ tới chuyện các đại lý sẽ giả vờ khan hiếm hàng, e lệ kiểu “em chả, em chả!” để giả vờ rằng mình chỉ lấy hàng của DHS thật (thế rồi cũng có, bán ít nhưng với giá mắc hơn, cần thì bao nhiu cũng có). Cũng như chuyện thiên hạ đồn rằng mút prov không cắt góc, và không có bao bì, thì lập tức xuất hiện các miếng không cắt góc vào bao nylon, tự giới thiệu là hàng prov! Rồi có người nói rằng mút cắt góc không độ cứng mới thật là của DHS, mút không cắt là của DHS-B, lập tức xuất hiện mút cắt góc ngay không chia độ cứng! Chuyện cắt xén quá dễ mà, chỉ là đi theo thời trang thôi, đánh thẳng vào lòng tham muốn của người tiêu dùng. Các bác muốn, thèm có miếng “chất lượng cao” để làm biếng không tập luyện vẫn đánh lên tay như prồ, thì tự nhiên sẽ xuất hiện những nhà cung ứng – cái quy luật tự nhiên này em không thể can thiệp vào. Em chỉ tuyên bố rằng “mút tốt chẳng có bao nhiêu” nên nghỉ chơi với DHS là chắc ăn! (có nhiều bác sẽ mừng đấy, vì “một con ngựa đau cả tàu…thêm cỏ” – tánh dân ta là vậy, nên không thể tiến bộ được)
6. Kén vợt, kén mút Bh
Thực ra thì mút Tàu nói chung không kén vợt hay rơ đánh gì cả, nhưng tại cái máu quý tộc của dân ta thích xài “lót xanh” là phải đi chung với mấy cây khủng và mút Bh Tenergy cho đủ bộ – rồi cố tập động tác cho giống CNT. Chính vì thần tượng CNT nên mới phải xài mút Tàu, và cũng vì muốn đánh bạo lực nên phải xài các loại cốt mắc tiền cho nó tương ứng. Kết quả là dân ta chạy đua vũ trang với nhau – bọn Tàu vỗ tay tán thưởng, còn các bác đại lý thì thi nhau viết bài ca ngợi vũ khí. Rằng, cây này hợp lắm, cây kia có phần không hợp nhưng tốt thế này thế nọ – nói chung là tốt hết nhưng khác nhau chổ này chổ kia. Thế là máu EJ nổi lên, sắm rồi đưa ra nhận xét “cây này cây nọ hợp mút Tàu ghê lắm” hoặc “cầm vào đánh lên tay hẳn”- cái dở thì giấu biến vì sợ người ta nhận xét “tại người dở”. Từ đó nổi lên các TRuyên Za, phân tích cứ như là đúng rồi – chỉ sai ở chổ cầm miếng mút chả giống ai, vợt thì chất lượng gỗ mỗi cây khác nhau xa lắc. Chỉ làm ra một cái mê hồn trận, người tập chơi chân chính không biết đường nào mà đi lên, cuối cùng rồi cũng phải tin theo ai đó “nhắm mắt đưa ch…ân”.
Từ khi Zhang Xìke lấy Grand Slam, cây Vis trở nên là huyền thoại với mút Tàu lót xanh. Nó làm cho giá của cây này bị đẩy lên mút chỉ, còn khan hiếm hàng nữa (BTY đã ngưng sản xuất từ lâu). Các cây ZJ sau này càng mắc hơn nhưng khổ nổi người mua về đánh ít ai cảm thấy vừa lòng. Trên mytt forum, các cây ZJ cũ được rao bán sang tay nhiều nhất với phần trăm lổ vốn rất cao – người chơi các cây này bị thất vọng nhiều nhất, so với dòng TimoBoll. Điều đáng nói là cây Vis hay những kiểu vợt có hình dáng cấu hình tương tự, chỉ phát huy tác dụng với miếng mút Tàu giống như CNT đang xài. Ngoài ra thì cây Vis thuộc loại cực dỡ, nếu xài mút mềm hoặc yếu lực thì đánh chẳng ra gì cả. Bác nào gắn H3 vào Vis mà thấy đánh “rất kỳ cục” thì đừng thắc mắc gì thêm – không có cách gì để tune hay boost miếng mút nữa đâu. Cho nên các bác này muốn mua rẽ họ nhà ZJ (ALC, blue dragon, ZLC, SZLC,..) thì cứ việc chờ thêm một thời gian, đám EJ sẽ bán tống tháo cây này, vì đánh mút Tây cũng cực dở. Cây này chỉ đánh ngon với mút hệ A (có topsheet mềm) được boosted lên tới đúng mức và lối đánh ngắn tay như Zhang và Fang thôi (Ma Long và Wang cũng đâu có thèm xài). Nghiệt ngã ở chỗ mút đã hiếm, tune kiểu này thì đánh không đầy 1 tháng bay 1 miếng (đối giật sẽ tuột lưới). Trình thấp không biết đối giật mà xài cái combo này còn mắc cười hơn nữa, đánh sẽ không có lực, bóng không đi hoặc vào bàn thấy chẳng có gì đặc biệt.
Mút H3 có một đặc điểm là càng đánh càng mềm, mút dỏm càng mềm nhanh. Độ cứng mềm của một bên bị thay đỏi sẽ ảnh hưởng cảm giác bên kia, cho nên khi đánh mút Tàu cứ luôn cảm thấy mút Bh có gì đó chưa vừa lòng. Bọn CNT hay tuyển cấp dưới có thể yên tâm xài 1 loại mút Bh vì độ cứng bên mút Fh luôn ổn định, chúng tune theo công thức và đánh mút không kịp mềm đã thay rồi. Còn dân ta nếu bắt chước CNT sẽ chẳng những tốn tiền cho mút H3, còn tốn bộn tiền thử mút Bh – mà không bao giờ cảm thấy vừa ý. Điều đáng nói không phải là tốn tiền – dân ta vốn giàu, không lo chuyện đó – cái quan trọng là hệ combo Tàu không bao giờ cho cảm giác ổn định phong độ. Hôm nay thế này, thấy thích lắm, ngày mai nó tuột xuống thê thảm, lại mơ tưởng đến nàng khác! Cứ luẩn quẩn mãi thì không thể hiểu nổi tại sao CNT nó cứ vô địch TG hoài, dẫn tới một niềm tin vào các bí mật nào khác – lại mất công tìm thử!
7. Không đủ kỹ thuật, chiến thuật và thể lực
Có người cho rằng mút Tàu dễ đánh lắm, chỉ cần biết vài bí mật về cách phát lực, xoay hông nhún chân. Hoặc có bác cho rằng chạm đâu đó trên vợt, đánh sớm trễ thế nào ấy thì sẽ rất mạnh mà không mất sức. Thế thì bọn Tàu cần gì phải tập đến nỗi tay bên to bên nhỏ, bộ chân nổi gân như võ sư thế kia? Cứ mình dây đẹp gái như bọn Hàn hay Nhật phải hơn không, hoặc đám vdv bóng bàn TG còn lại, chẳng có ai cơ bắp như bọn Tàu cả. Nhìn các bài tập multiball của bọn CNT mà sợ, feed một lần mấy chục quả không nghỉ tay, mà phải tấn công nhanh liên tục và di chuyển đổi góc nữa. Từ đám con nít là đã thấy ngán rồi, multiball một lần 7 quả, mà tuổi đời bọn chúng chỉ mới chưa tới 7. Hỏi đám vdv thì chúng bảo là tập “sức bền” trong tấn công (stamina), nghĩa là phải đảm bảo quả giật thứ 20 hay 30 hoàn toàn có chất lượng giống như quả đầu tiên. Kỹ thuật đã nắm chắc không sai, nhưng độ chính xác sẽ giảm sút theo độ bền. Nhìn bọn CNT tập giật multiball, bác nào dám tuyên bố không mệt thì chắc là X-man. Chính vì tập nặng như thế nên ra thi đấu bọn chúng mới đánh nhìn nhàn nhã – lúc này ai mệt trước thì cầm chắc là thua ngay. Kỹ thuật, chiến thuật phải đi chung với thể lực nữa, vì dù có đánh đúng kỹ thuật nhưng lực truyền vào bóng chỉ không đủ tí thôi thì quả giật đó sẽ hỏng hoặc không chính xác – tụi Tàu đánh bóng rất thấp sát lưới và đi thẳng cắm, chỉ cần thiếu chút lực là vào lưới hoặc ra ngoài ngay. Quả giật sát thủ của mút Tàu quả là hay thật, các bác nào biết giật có thể thị phạm từng bóng rất đẹp vào mạnh, nhưng vào đấu để có quả uy lực ấy cần rất nhiều thể lực – yếu một tí là mất ngay. Bác nào không tin thì cứ gắn mút H3 vào cây Vis, chiến liên tục 3 trận 5 séc xem sao (với cao thủ ngang cấp), trận thứ 3 sẽ đánh dưới tay ít nhất là 4 bóng, vì mất cú giật Fh dứt điểm – thiếu bộ chân và trễ timing. Đó mới chỉ nói ở mức độ phong trào, đẳng cấp càng lên cao thì yêu cầu thể lực càng ngặt.
Khác với mút Tenergy, mút H3 có đặc điểm dính trên bề mặt, cho nên bóng bị giữ lại rất mất lực. Đành rằng có cách để đánh mạnh bằng kỹ thuật nhẹ tay, không mệt – nhưng chỉ hơi nhanh một tí chứ không thể gọi là mạnh dứt điểm. Muốn đánh quả dứt điểm nhanh và khó đoán, thì phải tốn khá nhiều lực để đạt max level – không như mút Tây chỉ cần đánh nhẹ cũng đi nhanh. Cũng có cách đánh khó mà không tốn lực, đánh chậm xoáy nhiều hoặc xoáy ngang kết hợp bạt, kiểu rơ phong trào. Dù đánh kiểu ít tốn sức hay kiểu khó thì cũng chỉ ngang tầm “gà” thôi, ra giải chỉ cần cấp A2 ở VN thôi thì những quả giật kiểu này chẳng đủ để hù dọa ai cả! Các bác không tin thì cứ mang H3+Vis ra giải mà giật khều khều đua với Sadius+Bryce nhé – đành rằng bọn Tàu cầm vũ khí này đánh một phát chết ngay, nhưng với chúng ta thì hoàn toàn khác! Muốn đánh cho đúng mức thì kỹ thuật và thể lực phải vượt lên một tầm cao hoàn toàn mới – để cho cú giật đột biến lên một cấp khác, vượt qua tốc độ phản xạ của con người – bằng không thì cực dở vì không có cái khoản giữa chừng. Em từng yếu thể lực nên hiểu rõ điều này, nhiều trái bình thường thấy đánh được nhưng toàn đánh hư – chỉ vì mệt quá nên hụt hơi chút xíu. Mới có U40 chưa tới hàng “băm” mà đã thấy không còn phù hợp với kiểu bạo lực của mút H3 rồi.
Chiến thuật với mút Tàu thì mới vui nhé! Em mà thấy bác nào cầm H3 bên Fh, cái loại hệ B mềm hấp keo tăng lực, thì em cứ chặn bóng đều không lực lưng lửng qua Fh cho tấn công thoãi mái. Muốn đánh chết quả này trừ khi là biết cách phối hợp mút, có kỹ thuật và đủ thể lực – bằng không thì chỉ có thể moi xoáy thiếu lực sang, em cứ trả lại tiếp nữa xem ai đều hơn. Mút Tàu mềm có topsheet căng rất kỵ quả không lực, kỵ luôn quả xoáy cắm đi chậm, nói chung là kỵ đủ thứ nếu thiếu kỹ thuật. Nếu xài đúng vũ khí, kỹ thuật ngon lành thì cũng rất ngán quả chặn đẩy không lực – một bên quá tốn sức còn một bên quá lợi thế. Lúc này mới cần tới chiến thuật để thắng, cái mảng này hiện nay ở VN chưa ai biết phải đổi chiến thuật thế nào để tận dụng hết ưu thế của mút Tàu – chỉ là thầy bói sờ voi thôi. Cho nên em thấy các bác cầm mút Tàu ra đánh, khen ghê lắm, ai nghe cũng thèm – đâu có ai kể chuyện cầm mút Tàu đi đánh với các rơ khó, các cao thủ hơn trình để bị thua te tua ra sao. Chỉ cần ngộp một tí là mút Tàu nó quay ra phản chủ ngay, đã bế bài thì tự nhiên đánh dở như chưa từng biết đánh! Em cũng từng chơi trò cầm mút H3 bên Fh là để hù thiên hạ, thực chất là ăn điểm toàn nhờ Bh và giao bóng khó. Dạo ấy ai mà cứ đưa bóng sang Fh cho em giật tiếp quả nữa là em bạt luôn, hên xui, vì biết rằng giật nữa sẽ thua – còn lòi ra điểm yếu cho người ta thấy. Cho nên các bác chơi phong trào nên bỏ cái suy nghĩ xài H3 prov hay NT sẽ đánh lên tay hoặc có thêm các cú độc – hay hơn chưa thấy, điểm yếu lòi ra cả đống. Nhiều bác Tây trình cũng cao, chơi mút Tàu đụng em toàn thua trắng vì em quá rành điểm yếu của mút này – em cứ ôm bàn chặn đẩy một hồi mấy lão ấy thế nào cũng đập bàn chưởi thề – đụng phải Tàu ông cố rùi nhé! Trả giao bóng không lực không xoáy, hoặc moi nhẹ nãy thấp rồi cứ chặn đẩy góc, còn giao bóng thì ngắn xoáy lên. Không cần phải đánh cũng thắng, cứ như là mình khinh thường không thèm xuống tay vậy – mút Tàu mà để cái topsheet nó căng ra rồi mà vẫn xài thì chỉ có khóc thôi – lên xoáy trước để chờ bạt thì em đổi góc ngay. Cho tới nay chỉ thấy có nhiều topic bàn về cú giật loop-drive của mút H3, còn làm thế nào để áp dụng nó vào trận đấu thực tế thì không ai biết. Em từng học cú này từ một thằng HK, nhưng sau này đánh lại với nó thì suốt 3 séc nó không đánh được quả nào – vì không biết cách làm bóng để đánh, thầy nó dạy chưa hết.
8. Không đủ kiến thức, kinh nghiệm sử dụng và bảo quản mút
Các bác mua mút đồ điện thì có manual booklet đi kèm, dạy cách sữ dụng, bảo quản vào bảo hành – nhưng mua mút Tàu thì chẳng có gì cả (?). Đã lâu rồi cái thời “bí kíp” lau mút bằng mồ hôi, rằng “càng lau càng bám”, thực ra phải nói là “càng lau càng bóng”, mà khi mút đã bóng lưỡng lên thì cầm chắc là đối giật với xoáy tới sẽ bị tuột ngay. Đó là chưa kể khí hậu ẩm mà không biết cách bảo quản, để mút bị lên vằn vện thì cũng chỉ đánh cho vui thôi, không còn ổn định nữa. Khi tune hoặc vào keo, hoặc khi lột keo, để lây vào topsheet, hoặc tiếp xúc với bụi (sàn nào mà chả bụi, bóng đánh một hồi là bám đầy) thì topsheet sẽ tèo rất nhanh. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hư mút – được đổ thừa rất là khách quan, nhưng đều có chung kết quả là tốn xiền mua miếng khác. Tune không đúng cách là đi đứt một miếng. Bọn Tàu đã phải tốn thời gian nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều mới đúc kết ra những kinh nghiệm và công thức, chúng đâu có để lọt ra ngoài. Để có được kiến thức, em phải tốn tiền bạc công sức và thời gian nghiên cứu – các bác có tiền cứ mua về thử nghiệm đi, nhưng thiếu “một chút xíu” để ý thì cũng chẳng có kết quả gì đâu. Tại sao các bác không hỏi chính người bán mút, họ có trách nhiệm phải hướng dẫn cách xài chứ – hoặc là họ chỉ bán mà không xài (nên không biết). Họ đã không dám xài thì các bác dám mua về thử thì cũng liều thật. Có bác cũng thật thà, dám xài hàng mình đang bán, và tận tình chỉ dẫn – nhưng bác đó xài mút như giấy nháp vậy, các bác có dám chơi như vậy không?
Chẳng ai dám bảo hành một miếng mút Tàu DHS có thể chơi ngon ổn định, dù là mút hệ A mà sử dụng và bảo quản sai nó cũng lột dên như thường. Điều này rất khó xãy ra với mút Tây, đủ lực để phang rách miếng T05 thì chẳng có mấy ai. Nhưng để đánh phù miếng mút Tàu H3 thì cực dễ – không cần phải có lực lắm đâu! Không tune thì đánh không hay, tune vào rồi sẽ biết ngay thui mà! Kinh nghiệm tune và tinh chỉnh miếng mút sao cho ngon nhất thì mỗi người một cách, chẳng ai dám nói mình đúng – cho nên em khuyên các bác tốt nhất là đừng có tune lên, để kéo dài thời gian “quan hệ” lâu hơn. Nhưng mà cứ xìu xìu như thế nó…không sướng, thế nào thì các bác cũng sẽ quất cho căng cứng, rồi…bỏ tiền mua miếng khác – đánh hư là tại các bác, có bao giờ lỗi tại người bán đâu!
Bác nào thường xuyên dùng mút H3 để đánh giải, sẽ thấy đôi lúc rất tức giận, muốn xé mút bẻ vợt cho rồi. Bởi vì có nhiều chuyện rất nực cười, miếng mút đánh ngày hôm trước vẫn còn ngon, bèn tháo ra vào keo lại chuẩn bị sẳng sàng đi chiến thì lại đánh rất là kỳ cục. Lấy miếng khác dán vào đánh còn loạn tay hơn, thua về buồn bực, tháo mút ra đổ thừa, hôm sau dán vào lại thấy đánh ngon như cũ! Chỉ vì thiếu kinh nghiệm nên bị miếng H3 nó chơi trác như thế đấy, cho nên ai trung thành với mút Tàu DHS mà đánh giải thì phải hạ xuống một cấp cho chắc ăn. Cảm giác cực kỳ bất ổn: đầu giải thắng giòn giã, tới lúc cần thắng nhất thì lại đánh chẳng ra khỉ khô gì, mà lỗi rõ ràng tại miếng mút không cần phải đổ thừa. Có thể đánh một trận thắng đẹp nhưng sau đó thua thằng kém hơn mình 2-4 bóng, có thể thắng một séc rất hay nhưng thua hết sau đó. Có thể thắng những quả rất khó, thắng một điểm rất đẹp nhưng lại thua liên tiếp 3-4 điểm đơn giãn, thua những quả lãng nhách. Lỗi hoàn toàn tại miếng mút, mà cũng do các bác không hiểu tính chất và tánh tình của em đỏng đảnh ấy. Đó là thực tế, ai chơi mút DHS tự nhiên biết, nhưng các bác chỉ mới thấy trên hiện tượng mà chưa hiểu nguyên nhân. Đó cũng là lý do các bác thi đấu trên trình A2 chẳng ai còn dám xài mút Tàu nữa, đánh cho giỏi đã khó, mà giữ vững phong độ càng khó hơn.
9. Không rõ nó làm việc hiệu quả như thế nào, ai mới thực sự cần phải xài.
Mút Tàu, H3-DHS đánh ngon nhất trong 3 trường hợp sau. Thứ nhất, giao bóng buộc đối thủ gò lại hơi khựng rồi đánh chết ngay (3rd ball attack), quả này là cơ bản nhất – đòi hỏi bộ chân phải rất nhanh, chính xác và đánh sớm. Quả dứt điểm này mút Tây vẫn làm được nhưng không độc và khó đoán bằng mút Tàu. Mút Tây đánh mạnh quá nó sẽ không khó hơn (vì mút mềm lại nãy quá), trong khi mút Tàu có thể tăng độ khó lên rất cao, biến đổi xoáy và lực rất bất ngờ, ngoài khả năng phản xạ của con người. Mút H3 hệ B hoặc các miếng mút gần chết topsheet vẫn đánh được, cho nên vẫn thấy…ngon. Kiểu hai, đối thủ giật xoáy bóng đi hơi nhỏng cao, mút Tàu với kỹ thuật của CNT có thể ôm bàn đánh chết luôn quả này khi nó chỉ vừa nảy lên. Mút Tây đánh phải giãm lực nên không sát thủ, vì đánh mạnh nó sẽ trôi ra ngoài. Mút H3 đã cũ, topsheet đã căng thì không đánh được, vì sẽ cắm lưới ngay. Mút H3 hệ A buộc phải cứng, đang độ ngon nhất và có tune lên, đánh cực ác, vì đối thủ chưa kịp rút tay về đã bị bóng trả lại cực nhanh và xoáy lạ. Khi lùi ra một bước đối giật thì mút H3 (loại có topsheet tốt, tune đúng, cốt hỗ trợ) chiếm ưu thế hơn (nếu thể lực và timing tốt hơn). Những quả này cần phải có tập luyện rất nhiều mới tận dụng hết ưu thế của mút Tàu, bằng cách luôn ép đối thủ vào trạng thái bị động phải luôn phán đoán trễ. Trình độ thấp chẳng thấy gì là ưu thế, mà còn thấy yếu sức hơn – sẽ thấy rằng mút loại B dễ đánh (vì nãy hơn và lún bóng sâu). Ngoài ra còn có ưu thế khi giao bóng và đở giao bóng ngắn, tấn công chết quả giao bóng dài và giành lợi thế khi đánh với rơ cắt thủ xa bàn. Trong tất cả các lợi thế ấy, chỉ có trường hợp đầu tiên là dân phong trào ở VN ta có thể tận dụng được, ngoài ra các thế mạnh còn lại bị bỏ phí – kể cả cú giao bóng. Em thấy nhiều bác sắm mút Tàu chỉ để giật moi quả xoáy chìm, thế thì ngay cả ưu thế đầu tiên cũng bỏ mất nốt.
Các bác đánh mút Tàu chỉ để thử cảm giác thôi, chứ chưa tận dụng được nó, mua về cắt ra để rồi bỏ – miếng mút nó biến đổi chóng mặt từ lúc còn cứng phải warm up, cho tới khi qua khỏi đỉnh nó xuống dốc như một biểu đồ hình parabol – tuổi đời rất ngắn. Bọn Prov thực sự nó hớt cái đỉnh của đường cong ấy, vì lúc đó mút H3 quả thực “cao” hơn mút Tenergy rất nhiều (biểu đồ hình dốc thoải). Còn chúng ta thì chạy đuổi theo sự biến thiên ấy, chưa bao giờ quen được miếng mút của mình. Đúng là mút Tàu có ưu thế giao bóng, nhưng nếu ai nghĩ rằng cầm mút Tàu để giao cho “xoáy hơn” thì cũng chưa biết cách xài – cầm mút Tây giao dễ hơn. Dùng mút Tàu giao bóng là để khó đoán xoáy, cùng một kỹ thuật thì mút Tây vẫn làm được nhưng biên độ biến hóa của mút Tàu rộng hơn – nhất là cú giao ngắn xoáy tới. Có 2 kiểu lấy lợi thế khi giao bóng: không biết xoáy gì và, không biết bao nhiêu xoáy – buộc phải có một cú Fh dứt điểm mới làm đối thủ phạm lỗi đở giao bóng. Các bác cắm đầu giao cho mạnh mà không có quả Fh dứt điểm thì cũng hoài công, bóng trả lại khó tự hại mình. Bác nào không hiểu bí kíp giao bóng thì chẳng có bóng để mà đánh quả dứt điểm, toàn phải đưa cái yếu điểm của mút Tàu ra cho người ta đập.
Nói về quả đánh Fh dứt điểm, đánh chết quả giật moi, điển hình của CNT đối đầu với TG. Đây là quả ăn điểm cao cấp, một trong những lợi thế lớn nhất của vũ khí CNT để đánh với rơ loop yếu của Châu Âu. Nhưng đối với dân chơi mút Tàu ở VN ta thì quả moi nhẹ này rất kỵ! Trước hết, về mặt tính chất thì quả này không lực nhiều xoáy, mút Tàu (H3) khó chặn lại, dễ bung hoặc rúc lưới. Dân ta kháo nhau rằng nên “đờ-mi” lại, nhưng kỹ thuật đờ-mi ngắn tay bên FH cũng chưa thấy ai làm đúng. Trình cao hơn một tí thì bạt lại (kiểu Lâm Gai) hoặc ngữa vợt nương xoáy vụt qua theo kiểu bác Theorist (một kiểu đánh đờ-mi). Tất cả đều không hiệu quả, không đáng để xài mút Tàu vì mút Tây vẫn làm được mà còn hiệu quả hơn nhiều. Về mặt vũ khí thì quá yếu hoặc quá cứng, mút mà bám quá đánh cũng không xong, còn bề mặt căng quá thì tuột. Ở VN có bác nào xài chiến thuật này chưa: giao lưng lửng cho đối thủ moi xoáy lên rồi dùng quả Fh đánh loopkill dứt điểm? Cú này thỉnh thoảng có bác vẫn kinh nghiệm là làm được, ngày mưa nắng nào sung thì đánh ngon lắm, nhưng có ai dám nói vào thi đấu đó là chiến thuật chính để ăn điểm? Thế thì miếng H3 (dù là loại tốt nhất) cũng không phải để dành cho các bác xài, vì quá uổng phí. Chưa nói tới bộ chân, tốc độ, khả năng phán đoán, timing, gài bóng,…tất cả đều phải tập luyện rất nhiều (với cùng một loại vũ khí và mút H3 tính chất giống nhau – chỉ có pro mới đủ điều kiện này).
Ở VN, ai mà biết đối giật thì người ta xem là cao thủ, cho nên kỹ thuật này được xem là cao cấp, cố tập cho được. Muốn biết nó cao cỡ nào thì cứ vào Q6 tìm mấy ông Tàu già, đánh ôm bàn xỉa xỉa thôi chưa từng biết đối giật, nhưng dư sức tiễn mấy bác A2 lên đường ngọt ngào. Với rơ Châu Âu thì đối giật chỉ là kỹ thuật căn bản, chúng chỉ cần lùi ra một bước, lên xoáy và đánh cho thấp xuống là thành đối giật – bọn trẻ chúng có thể đánh đối giật qua lại hơn 10 bóng nhưng chỉ mới là trình C ở VN thôi. Bác nào tuyên bố mút Tàu đối giật số 1 thì cứ cầm Vis và H3 ra đối giật rồi chỉ em thấy nó uy lực ra sao? Nếu nói về xoáy thì em cầm vợt cùi bắp của Tây cũng dư sức đánh xoáy hơn nhiều – còn mạnh hơn về tốc độ nữa. Số người chơi mút Tàu ở VN đủ trình để đánh đối giật chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại chơi mút Tàu để khè thiên hạ – trong đó có em (hehe). Em chỉ giỏi ăn hiếp đệ tử khi đối giật, hoặc đánh với trình thấp hơn, gặp cao thủ là em chẳng dám đấu pháo dài hơi – sau 3 búa như họ Trình, em ôm bàn đánh góc cho chắc ăn. Đám CNT khi đối giật với TG toàn giành ưu thế, bọn TG còn lại cứ như là co quắp như paragame – như bác nào từng nhận xét “nghiệp dư vs chuyên nghiệp”. Cái số biết đối giật mút Tàu ở VN cũng chưa ai hiểu tại sao và làm cách nào để được như thế, chỉ nhận thấy rằng giật vào bàn có xoáy hơn và bóng đi khác người – nên thích. Thế thì em hỏi, các bác chơi mút prov và NT để làm gì – khoe hàng thôi sao?
10. Thiếu gì miếng khác ngon hơn.
Có một topic về “miếng mút tương đương DHS”, tức là ngoài họ nhà Hurricane hay Skyline, còn miếng nào của hãng khác đánh tương đương? Rất nhiều đáp án “đúng”, bởi vì thực tế họ đang đứng trên những cái view khác nhau. Bác xài H3 mềm thì thấy có một số miếng tương tự, bác xài H3 cứng thì thấy khác, bác xài H3 hệ A cảm nhận khác hệ B. Thật ra chẳng có miếng nào chính xác giống, ngay cả chính miếng H3 đúng y chang độ cứng, cảm giác vẫn khác. Mà H3 có tới 7 độ cứng khác nhau, chưa kể khoảng giữa chừng. Giống như có người làm thí nghiệm: đem ra hai chai rựu vang Pháp và Úc, nhưng cùng một loại rựu bên trong – người thử sẽ khen nức nở chai của Pháp! Bây giờ giả sữ em lấy đúng một miếng H3 nhưng khác độ cứng, rồi cắt mất cái phần chữ, người thử cũng sẽ không hề biết đây là mút H3! Giả sử xa hơn, có một miếng mút của tuyển CNT thực sự, nhưng khác màu sponge (màu trắng chẳng hạn, dễ òm, không pha màu xanh vào thì nó trắng thôi) và không có tên. Bảo đảm các bác sẽ chê như đồ hàng chợ, dù rằng chính các bác đang xài thứ H3 tầm bậy! Đây là cái bí mật tạo nên những điều huyền bí như mê hồn trận, để các con cò bắt cá.
Các bác cho rằng, gần hai chục tên hãng bóng bàn ở Tàu, chúng đều có nhà máy sản xuất mút riêng hay sao? Nếu thế thì Tàu giỏi quá, hơn đứt Châu Âu và Nhật: Các hãng mút Châu Âu chỉ làm từ 1 nhà máy ở Đức, đôi khi Nittaku và Yasaka cũng đặt các loại mút từ đấy mà ra (kể cả XIOM). Và các bác cho rằng DHS cũng có nhà máy làm mút riêng của nó – vậy nhà máy đó ở đâu? Thật ra chỉ có 1-2 nhà máy cao su cán ra mút bóng bàn, và DHS nhờ một trong số ấy làm. Điểm quan trọng là có nhiều hãng khác cũng đặt làm ở đấy, nên tính chất mút tương tự. Mút từ hãng DHS bán ra phải gồng gánh đủ các chi phí tài trợ, nên giá cao, chưa kể các tầng bậc đại lý đa cấp cắn thêm mỗi cấp một ít. Còn mút tương tự vô danh cũng cùng chất lượng thì giá rẽ rề – vì không ai biết để mà xài. Các bác thật sự tin rằng mỗi mút có hiệu khác nhau thì chúng thật sự “có gì đó đặc biệt khác nhau” như quảng cáo? Ai rãnh để mà chế ra các khuôn và công thức khác nhau chứ, tiền bạc và công sức phải giảm xuống tối đa mới có lợi nhuận. Chỉ là bình mới rựu cũ thôi, anh em trong nhà thì đúng là có chút phân biệt, nhưng so với anh em nhà khác thì…y chang! Miếng H3 ngày nay (neo) so với miếng 729 hay G999 ngày xưa em mới tập đánh cũng không có gì khác nhau cả.
Rồi thì các bác phản ánh rằng ở VN không có mút ngon. 5 năm trước e còn ở VN, em vẫn mua được các miếng 729 và H3 đánh tốt và giá tốt (trước khi chơi mút Tàu bên Fh, em vẫn đánh 729 bên Bh – rơ Bình Dương). Ngon là thế nào? Cứng và có lực hơn, như là hàng tuyển? Thế thì chúng ta tự đánh giá bản thân cao quá, đánh phong trào trình gà mà cứ mơ hàng tuyển (cái kiểu đội tỉnh TQ, trình B của nó cũng đớp tuyển QG 1 của VN). Tại sao chúng ta không đánh vũ khí kho đúng trình độ, vừa dễ đánh hơn, đơn giãn mà dễ kiếm giá rẽ nữa? Đó là do tánh con người, không phải thị trường khan hiếm. Có nhu cầu thì dĩ nhiên là có người rĩ tai chào hàng “mút ngon lắm, nãy lắm,..”, và cứ thế vòng lặp lại tiếp diễn. Có nhiều loại mút Tàu khác, thậm chí còn ngon hơn H3 nhiều, phù hợp với trình độ của chúng ta, giá quá rẽ mà chưa có ai làm hàng giả – chỉ có trường hợp hàng kém chất lượng bị đẩy qua thị trường VN thôi. Em sẽ không chỉ ra cụ thể đó là những miếng nào, chừa cơ hội cho các bác bên org thử, viết review và…làm ăn! Đã qua rồi cái thời “HK sample” hoặc stamp “not for sale”, nhưng được upgrade lên một level mới tinh vi hơn. Bởi vì con người từ trước tới nay vẫn thế, chưa tiến bộ – đừng nói chi ở VN, cả trên TG và các nước phát triển cũng vậy thôi. Vì thế từ ngữ MArketing mới có chữ MA trong đó, còn quảng-cáo thì không thể là quảng-thỏ được! Lời khuyên chân thành của em là các bác nên tự nhìn lại mình, trình độ bóng bàn đang ở mức nào, con đường nào để “chơi” bóng bàn. Nếu muốn đánh giỏi thì có nhiều cách tập luyện, nhưng không có con đường tắt nào. Trình độ bèo thì nên xài mút thấp thôi, bọn Tàu nó cầm mấy miếng “for training” cũng đánh te tua prồ của chúng ta, thế thì các bác cần chi phải xoắn?
 
 
 

1 bình luận về “Lý do bỏ mút Tàu

Viết một bình luận