III. Chiến thuật
Theo phương pháp sư phạm cũ của Vn ta thì kỹ thuật học trước, chiến thuật sẽ được học khá lâu sau khi đã có đủ các kỹ thuật. Thường thì vdv học chiến thuật khi đã qua khỏi cấp cơ bản có hết các kỹ thuật nâng cao như giật moi, giật xung, giao bóng. Rơ Vn quá đơn điệu, chỉ quanh quẩn chỉ có vài chiêu nên việc hướng dẫn cũng dễ dàng: học cú nào là xài cú ấy. Hlv sẽ đưa ra chiến thuật rồi trò cứ theo ấy mà tập cho nhuyễn giống như các môn sinh võ cổ truyền học bài quyền vậy. Khi học trò có ý kiến hay thắc mắc gì thì hlv sẽ giải đáp theo cách đưa ra câu trả lời, và học trò phải chấp nhận cái đáp án ấy là tuyệt đối đúng. Đó là phương pháp dạy học đã có từ lâu đời ở Á Đông, thầy dạy sao trò nghe vậy, nên thỉnh thoảng chỉ có vài cá nhân xuất chúng – không có thầy dạy ra – còn lại đều thấp xuống mãi, vì trò luôn dở hơn thầy. Có câu “con hơn cha là nhà có phúc”, nếu trò cứ dỡ hơn thì môn phái ấy tất nhiên phải tàn lụi sớm. Bóng bàn VN ngày nay cũng theo xu hướng phát triển ấy, ngày càng đi xuống mãi. Nhìn ra TG, dù Tàu vẫn thống trị nhưng ta cứ thấy sau mỗi năm TG lại có những lớp vdv mới lạ hơn xuất phát từ Nhật, Hàn và Châu Âu. Những đứa trẻ thế hệ sau này có lối chơi đầy sáng tạo, qua mặt các vị lão làng nhiều kinh nghiệm, do đâu mà người ta làm được như thế? Tàu có câu “trùng dương lớp lớp, sóng sau xô sóng trước” nghĩa là luôn có những đợt sóng lớn đè lên nhau – chứ không phải như kiểu một hòn đá rớt xuống hồ cũng tạo ra cơn sóng, nhưng rồi yếu dần và mất hẳn. Chúng ta từng có những thế hệ vdv vang danh thế giới, như cơn sóng thần cuốn phăng cả Nhật Bản, thế rồi chẳng tạo ra được những đợt sóng kế tiếp, tại vì sao?
Em chẳng dám trách ai, điều em muốn viết ra là những cách huấn luyện mới. Theo đó thì thầy sẽ cõng trò lên vai, đội trò lên đầu chứ không phải cứ dang thân ra mà che chở cho chúng. Thầy như bậc thang cho trò bước lên, cho nên thầy phải “bớt đúng lại”, hãy chịu lùi lại để nhường cho trò cái quyền quyết định ấy. Cả một nền giáo dục VN phủ nhận câu hỏi “Tại Sao?” của học trò, nếu có giải thích thì chỉ qua loa thiếu thuyết phục rồi dùng kiểu “cả vú lấp miệng bé” để bịt miệng bọn trẻ. Ở các nước phát triển, người ta xem những đứa học sinh và sinh viên là nguồn động lực phát triển đất nước. Hãy nhìn sang nước bạn trong khối ASEAN, Singapore họ đã đầu tư định hướng như thế nào cho đám học sinh ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường? Hãy nhìn sang các đại học lớn trên TG, đám sinh viên đã làm ra những thành tựu gì – tại sao bên Ta lại không làm được, chỉ giỏi đi ăn cắp về sao chép? Bởi vì một điều: đó là các thầy được “giới lãnh đạo” giáo dục rất kỹ khi còn học trong trường Sư Phạm, được dạy rằng “vai trò của giáo dục là để định hướng cho giới trẻ ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG”. Nghĩa là có ai đó đã vạch ra một con đường hẹp, rồi thầy cô và hlv cứ theo đó mà lùa trò đi theo – cấm ý kiến ý cò gì nữa. Họ viện dẫn những lý do nghe rất có lý, rằng “đó là con đường đúng nhất” hoặc “đi sai sẽ nguy hiểm, các em còn nhỏ phải nghe lời” hoặc muôn vàn nguyên nhân khác – ngoại trừ việc chấp nhận đó là con đường SAI BÉT! Thế nền bóng bàn nước ta nói riêng, đang đi theo con đường nào, do ai vạch ra vậy? Sau bao nhiêu năm kiểm tra lại, nó đã cho thành tựu gì, có đáng để bỏ hay không, và ai sẽ là người DÁM đứng ra chối bỏ nó? Những câu hỏi trên em không trả lời được, em chỉ viết ra dưới đây cách giãng dạy chiến thuật của bọn “Tư Bản giãy chết”, trong đó có chứa rất nhiều những triết lý “đi ngược đường lối giáo dục” của chúng ta.
Nếu em đặt câu hỏi “chiến thuật và kỹ thuật cái nào có trước”, thì hầu hết hlv VN sẽ trả lời là kỹ thuật, vì họ dạy cái đó trước tiên mà. Quan niệm của họ là “có kỹ thuật rồi ráp lại mới thành chiến thuật”, nghe cũng có lý. Thực ra ở VN ta tập kỹ thuật theo một nền tảng chiến thuật tấn công ôm bàn và đôi công ngắn. Từ đó các hlv mới dạy đánh đều trước rồi chuyển qua giật xung, nhưng đa số không nhận ra là họ dạy kỹ thuật ấy là vì sao và để làm gì. Đã từ chiến thuật tấn công này thì mới có các kỹ thuật con ấy, vì vậy khi tập rồi thì không theo chiến thuật khác được nữa. Nếu như đúng “chiến thuật có sau” thì sau khi có kỹ thuật cơ bản các vdv muốn đánh chiến thuật nào cũng được – nhưng thực tế là ngược lại, họ chỉ đánh được một chiến thuật thôi. Đánh “đều” chỉ là kỹ thuật căn bản của chiến thuật ôm bàn tấn công thôi, nếu đổi sang chiến thuật cắt bóng xa bàn thì phải tập kỹ thuật căn bản hoàn toàn khác – không phải là đánh đều nữa. Như vậy thì chiến thuật phải được lựa chọn trước khi tập kỹ thuật để tránh lãng phí công sức tập luyện. Phần đông các hlv nước ta không hiểu điều ấy, họ dạy đánh đều ôm bàn rồi giật xung, nên kết quả đào tạo ra chỉ một rơ đánh mà thôi, không sao khác được, cũng không phải họ muốn như thế. Em cũng có chứng kiến nhiều vị hlv có tâm huyết, họ cũng muốn đào tạo ra nhiều rơ đánh đa dạng, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Học trò đến học muốn đánh giống vdv XYZ nào thì cũng đều bắt đầu bằng…đánh đều trước đã, thế rồi từ đó chuyển sang học tấn công luôn, mặc nhiên rằng tấn công cũng là căn bản – ông thầy thuyết phục bọn chúng rằng “đây là căn bản của bóng bàn, từ đó mới phát triển ra các rơ đánh khác nhau”. Học xong cái mớ “căn bản” này rồi thì “ván đã đóng hòm”, có muốn theo rơ nào khác cũng khó lòng mà luyện lại. Đó là chưa kể những học trò học theo rơ đánh đều sẽ được hướng dẫn chọn vũ khí theo lối đánh ấy, tức là xài vợt Off+ (Offensive – tức là tấn công) và mút cũng có chỉ số Speed rất cao. Hóa ra vũ khí cũng bị bắt buộc xài theo một định mệnh “đã cột trói sẵn” rồi thì còn vẫy vùng thế nào được. Rõ ràng là chúng ta không muốn bóng bàn VN trở nên đơn điệu, nhưng không ai hiểu được cái nguyên nhân vì sao, nên dù có cố gắng mấy thì cũng vẫn lọt vào đường cũ. Chiến thuật, vũ khí, kỹ thuật, hlv, đường lối,…tất cả đều đã theo một hướng thì ta phải bắt đầu tách rẻ ra từ đâu?
Thế thì phải quay về với các triết lý trừu tượng. Triết gia Kant cho rằng “thế giới này bắt đầu từ một ý niệm”, Phật Giáo quả quyết “vũ trụ do tâm sinh”, hay lạc quan hơn khi các học giả viết “đời thay đổi khi ta thay đổi”. Hóa ra muốn thay đổi cái gì bên ngoài thì phải thay đổi ngay từ cái bên trong, cái ý niệm nội tại, “hồ hải quy tâm” là vậy. Học trò đến học bóng bàn, nếu là đứa mới tinh khôi thì em sẽ không dạy kỹ thuật đâu, em cho chúng làm quen với bóng bàn một thời gian bằng nhiều phương pháp, nhưng tuyệt đối không dạy đánh như thế nào. Em bảo chúng tìm hiểu về bóng bàn đi, lên internet mà đọc bài, xem thi đấu, chọn thần tượng,…Sau đó em hỏi cái suy nghĩ của chúng về bóng bàn. Nếu phát hiện có gì đó thiên lệch về một phía thì em sẽ hỏi cái lý do tại sao chúng nghĩ vậy, nếu chúng trả lời sai (cầm chắc là có ai đó mớm bài trước) thì em sẽ bảo chúng về mà suy nghĩ lại. Nếu do chính chúng tìm hiểu và suy nghĩ, câu trả lời sẽ rất hay và bất ngờ, hoàn toàn khác với các suy nghĩ của hlv. Từ cái ý niệm và suy nghĩ của chúng về bóng bàn thì em mới có thể xây dựng các chiến thuật thích hợp, chọn vũ khí và tập chiến thuật cho chúng,…trách nhiệm thuộc về người học, hlv chỉ là người giúp chúng chắp cánh ước mơ thành hiện thực mà thôi.
Chiến thuật bóng bàn và rơ đánh biểu hiện và thể hiện ra “con người”, cho nên mỗi người khác nhau sẽ đánh khác nhau. Thông minh lanh lẹ chơi khác với siêng năng cần cù, đứa ác tánh và láu cá sẽ đánh khác với đứa hiền lành, cao to sẽ có lối chơi khác với đứa yếu nhỏ. Hlv phải hỏi rõ và tìm hiểu kỹ về con người của vdv để quyết định chọn chiến thuật và rơ đánh cho chính xác, sự lựa chọn ban đầu này là cực kỳ quan trọng, nó quyết định sự thành bại sau này của vdv. Nếu lựa đúng thì phần bản chất của đứa bé sẽ nuôi dưỡng và hổ trợ rơ đánh 100%, lúc này người ngoài nhìn vào sẽ thấy đứa nhỏ đánh rất có năng khiếu và tài năng. Vd khôn ranh láu cá như Ma Lin thì mới chơi vợt thìa ôm bàn đánh khó (phái Ma Giáo), còn nhìn “trượng phu” như Wang Liqin chỉ có thể tập rơ dùng sức thắng người mà thôi (phái Thiếu Lâm). Nếu lựa chọn sai thì sẽ xãy ra trường hợp tréo cẳng ngỗng: sở trường của đứa đó chẳng những không hổ trợ mà còn đi ngược lại với rơ đánh. Trường hợp đó ở VN chúng ta đổ thừa là đứa nhỏ không có năng khiếu: tánh nó hiền lành nhu mì mà dạy rơ tấn công sát thủ thì làm sao tập cho nổi? Có biết bao nhiêu loại người với tánh tình khác nhau mà chỉ có một rơ đánh, thế thì lãng phí vô cùng. Chỉ có vài đứa thích hợp sẽ thấy ưa thích chiến thuật tấn công, số còn lại là gượng ép sống “không hạnh phúc”Căn cứ theo cái bản chất của từng người mà chọn hướng phát triển đúng, sẽ thấy rằng ai cũng có tài năng hết. Có thể khẳng định luôn: trò không có năng khiếu là vì thầy dạy dỡ! Lựa rơ đánh cho học trò không phải là quyền của thầy, không thể chỉ đứa này bảo tập gai đi, chỉ đứa kia bảo đánh vợt thìa, chỉ đứa nọ bảo luyện mút Tàu đi,…là có phong trào bóng bàn đa dạng. Muốn cho nó thực sự khác nhau, dễ mà khó. Dễ là vì nó đã có sẵn rồi, con người chẳng ai giống nhau. Khó ở chổ hlv phải tôn trọng và tìm ra được những cái khác nhau đặc biệt ấy. Nếu nhìn ra đứa này thực sự thích hợp với rơ phòng thủ phản công thì mới nên cho nó đi theo, khi chọn đúng rồi thì cầm chắc sẽ đào tạo ra được một vdv đánh rơ thủ có tiềm năng và tài năng. Trong phần III này em viết về các phương pháp huấn luyện chiến thuật, đều dựa trên nền tảng là rơ đánh này đã được lựa chọn đúng theo cái bản chất của đứa học trò. Hơn nữa, vũ khí và chiến thuật cũng đã được chọn và luyện theo cái rơ ấy. Vị trí của hlv trong phạm vi chiến thuật chỉ là người trợ giúp chứ không được kềm kẹp thúc ép, là bạn đồng hành chứ không phải là kẻ dẫn đường.
1. Phân tích cân phân
Vị trí của hlv trong giãng dạy chiến thuật là người đứng ra phân tích cho học trò thấy cái đúng sai trên một phạm vi tương đối. Dạy chủ yếu bằng lời nói nên những chứng minh phải vững mạnh và có lý, làm thế nào để cho học trò thấy và hiểu được cái nào cần tránh. Hlv là người tự hỏi và tự trả lời các câu hỏi “tại sao” và “như thế nào”. Nhiều đứa nhỏ rất thích giao bóng xoáy ngang, chúng nghĩ rằng với kiểu giao khó như vậy sẽ chiếm lợi thế ngay từ đầu. Dù rằng nếu học đúng bài bản thì đã biết đánh xoáy mới được học giao xoáy, nhưng kết quả sẽ đi ngược lại suy nghĩ của bọn chúng: càng giao xoáy nhiều thì người ta trả lại càng khó, nhất và khi đánh với những tay lâu năm kinh nghiệm. Hlv sẽ là người nói cho chúng hiểu rằng giao khó là kỹ thuật nâng cao, tập được thì cũng hay đấy nhưng nên cất lại để dành cho những lúc quan trọng trong trận đấu. Cái gì độc đáo mà mang ra hoài sẽ thành ra tầm thường, lâu lâu mang ra thì sẽ hiệu quả hơn, nhìn các trận đấu đỉnh cao có khi nào cao thủ giao xoáy hoài đâu. Sau đó hlv sẽ phân tích đến tác hại: nếu bên kia đở khó lại thì sao. Rồi phân tích đến lợi ích: tại sao không giao kiểu dễ hơn, ít xoáy mà lại hiệu quả, vẫn có thể ăn trực tiếp mà nếu đối thủ đở vào bàn thì ta đã có cú dứt điểm đợi sẵn. Sau khi hiểu rõ thì tụi nhỏ sẽ không ham giao xoáy khó nữa, mà chuyển sang phát triển những kiểu chiến thuật chắc ăn hơn. Trong huấn luyện sẽ thấy nhiều trường hợp có trò thích đánh bóng xoáy, chúng được ai đó dạy rằng phải đánh cho xoáy thì mới an toàn vì bóng sẽ cong vào bàn. Từ đó dẫn tới việc giới hạn, có những quả có thể đánh thẳng để ăn luôn thì chúng vẫn giật cầu vồng – hoặc ngược lại có đứa lại khoái đánh thẳng vì nghĩ rằng sẽ dễ nhắm mục tiêu hơn, lại mạnh hơn. Hlv phải là người đứng ra giải thích thế mạnh yếu của từng cách đánh, khi nào thì nên thế nào, khi nào thì phải uyển chuyển hoán đổi, căn cứ theo các yếu tố nguyên nhân nào,…Để cho trò hiểu hơn kém trong việc lựa chọn kỹ thuật ghép vào chiến thuật, hlv có khi phải dùng phân tích rồi chứng minh, có khi phải dùng phản biện hay phản chứng cho thấy cái tỉ lệ hại/lợi, từ đó dần dần giúp học trò chọn ra một hướng đi đúng nhất.
Không những là phải tự phân tích khi giãng dạy, hlv còn phải dạy luôn cho trò kỹ năng này. Để lựa chọn cho chính xác thì trò cần phải biết cân phân lấy phần hơn. Giống như cầm ra hai tay rồi xem bên nào nặng nhẹ, trong tập luyện và thi đấu luôn là tổ hợp những lựa chọn. Tập luyện chiến thuật cũng đi dần từ các bài tập “cứng” tức là theo trình tự đã vạch sẵn – cho tới các bài tập “mở” một phần, tức là chỉ có phần đầu là định trước, còn lại là tự do. Phần “cứng” được soạn ra căn cứ theo kinh nghiệm của hlv, còn phần mở là lựa chọn của vdv. Vd A giao bóng ngắn, B hoặc là trả ngắn hoặc là flick qua, sau đó cả hai đánh tự do. Các đòn lúc được tự do cũng được lựa chọn từ các bài tập “cứng” trước đó. Ra thi đấu, vdv còn phải cân phân lựa chọn chiến thuật cho phù hợp vào từng thời điểm của trận đấu, lúc nào nên kềm trận đấu, lúc nào nên bức phá công dứt điểm,…đều phải có cái lý do rõ ràng chính đáng. Vdv phải lý giải được tại sao mình chọn cái này mà không chọn cái kia, khả năng lý giải ấy phải được dạy ngay từ trong lúc tập chiến thuật.
2. Dùng câu hỏi
Khi tập chiến thuật, các hlv Tây thường rất chú trọng đến cái gọi là khả năng kiểm soát và cảm nhận trận đấu (game sense). Bằng cách đặt câu hỏi “tại sao lại làm như thế?”, “You nghĩ như thế nào khi làm như vậy?” hoặc “theo You thì có bao nhiêu cách, cái nào hiệu quả nhất?”. Tin chắc rằng vdv sẽ có câu trả lời, nếu đúng thì chấp nhận cho tập theo, nếu sai thì…hỏi tiếp, tới khi nào vdv cảm thấy đó là lối bí thì hắn sẽ tự động chọn đường khác. Ở đây hlv chỉ gợi ý cho vdv thấy cái đúng sai bằng cách đặt câu hỏi, chứ hlv không trực tiếp xác nhận điều ấy là sai hay đúng.Vd có một trường hợp đứa học trò thích giao bóng ngắn, hlv sẽ hỏi lý do tại sao, do suy nghĩ chiến thuật nào mà nó lại chọn kiểu giao ấy. Dĩ nhiên đứa nhỏ sẽ viện ra một loạt lý do chung chung: sợ bị đánh trước, muốn đối thủ đánh vướng lưới, an toàn hơn,…cho tới những lý do chiến thuật: giao ngắn để chờ đánh trên bàn (vì nó giỏi phần ấy), nó sợ đối phương moi xoáy trước (vì nó không giỏi đôi công). Dù đúng sai gì đứa nhỏ cũng nói ra cái suy nghĩ của chúng, hơn là chúng làm mà không biết tại sao mình làm thế. Tác dụng trước mắt là chúng có thể lý giải được mỗi bước đi chiến thuật chứ không phải đánh theo bài của người khác hoặc do thói quen. Tập dần cho chúng luôn có “ý tứ” trong từng đòn đánh ra chứ không phải tự nhiên hay ngẫu nhiên lựa chọn.
Dựa trên câu trả lời của chúng, hlv sẽ chỉ cho chúng thấy (bằng phương pháp cân phân) lợi hại cũng bằng cách đặt câu hỏi “You nghĩ như thế nào”. Hlv chỉ dừng lại khi chúng đi theo con đường chiến thuật đúng, nếu sai thì cứ…truy vấn mãi. Cái hay của phương pháp này là hlv cho phép trò lựa chọn chứ không làm dùm chúng – nhưng chỉ cho phép các lựa chọn đúng mà thôi. Tuy trông có vẻ thoáng và mở, học trò sẽ thích, nhưng nhìn kỹ lại thì vẫn là hlv đã rào đón hết rồi. Vì là ý kiến của học trò nên chúng tự nguyện tập theo, sẽ thấy hào hứng hơn là bị sửa ép, là của hlv gài sẵn nhưng chúng cứ tưởng là tự nghĩ ra. Dùng cách đặt câu hỏi cũng giúp vdv giải quyết được vấn đề bị sức ỳ trong tư duy khi tập chiến thuật. Nhiều vdv đã hình thành cách bài tủ từ trước mà không thể lý giải tại sao lại đánh như thế, dẫn đến là các bài ấy quá đơn điệu khó biến hóa. Bằng cách đặt câu hỏi như “tại sao quả ấy đánh chéo góc mà không đánh thẳng?” hoặc “tại sao lại đẩy Bh điểm rơi mà không lùi ra tí đánh Bh dứt điểm?” các vdv sẽ thấy rơ đánh của mình thực sự có thể được đa dạng hóa và biến đổi trong nhiều trường hợp khác nhau, chứ không phải bị buộc phải đánh như thế. Ai buộc ta phải đánh như vậy? chính sức ỳ và thói quen của ta mà thôi. Phương pháp này chẳng những huấn luyện ra các chiến thuật hiệu quả, mà còn đào tạo ra các vdv thi đấu rất khôn ngoan và đầy tính chiến thuật.
3. Học từ trận đấu thực
Là học bằng cách ngồi xem film, hlv sẽ cắt từng đoạn ngắn một trận đấu thực của cao thủ rồi quay chậm lại cho học trò xem. Từ lúc giao bóng cho tới lúc xong điểm ấy, qua lại vài lần, học trò phải quan sát kỹ cả hai bên và phải phân tích trả lời được từng động tác nhỏ. Phương pháp dạy này cũng có các mức độ dễ tới khó khác nhau, cùng một phần nhỏ có mấy giây như thế nhưng trình độ học trò cao thấp khác nhau sẽ tìm ra các điểm và nhận xét chúng khác nhau. Hlv chiếu lên rồi từng học trò sẽ phát biểu theo vòng tròn rồi hlv sẽ đúc kết lại ra từng bài học cụ thể, tùy theo các bài chiến thuật cụ thể mà độ phức tạp tăng dần từ 1 chạm cho tới 7 chạm, hlv lựa chọn ra từ trước hoặc chiếu nguyên một trận đấu điển hình nào đó rồi ngắt đoạn từng khúc. Hlv và vdv nào thích bóng đá sẽ thích phương pháp giãng dạy này, cá nhân em tuy đã làm hlv nhưng vẫn tự rèn luyện mình qua các video thi đấu đỉnh cao. Phương pháp này sẽ ứng dụng lại hai phương pháp trước: hlv sẽ đặt câu hỏi cho từng động tác “tại sao phải giao như thế vào vị trí đó với kiểu bóng đó?”, “tại sao không bắt ngắn mà lại đẩy dài?”, “tại sao quả đó không dứt điểm đi, lại đánh an toàn làm gì?” hoặc “khó như vậy mà cũng đánh chết được, nhờ đâu?”,…mỗi câu hỏi sẽ dẫn tới các câu trả lời và giả định khác nhau. Câu trả lời cuối cùng đã nằm sẵn trên cái clip đó rồi: đánh như vậy mới là hiệu quả nhất, hoặc…sai lầm nhất (đối với bên thua), đôi khi cũng vì không có lựa chọn nào khác vì đã bị gài vào thế. Càng phân tích nhiều thì các suy nghĩ chiến thuật càng ăn sâu vào đầu của đám học trò, luyện cho chúng khả năng tự bình luận và phân tích một điểm thắng trong thi đấu. Dần dần các chiến thuật ấy sẽ ăn sâu vào máu thịt, trở thành của đám học trò thông qua kỹ năng bắt chước và sáng tạo. Bọn nhỏ sẽ copy cú giao bóng đầu tiên, rồi sau đó sẽ lựa các cú đẹp mà bắt chước, đây là giai đoạn học lóm chiến thuật nên mọi bắt chước đều phải có lý giải được: tại sao lại giao bóng giữa bàn, tại sao lại giao dài vào góc? Tại sao lại flick tấn công trước chứ không bắt ngắn lại chờ cú sau? Tại sao lại đánh dứt điểm vung hết tay mà không đánh ngắn đòn? Nhờ đã xem video nên chúng sẽ tự tin áp dụng, dựa theo các trường hợp người ta đã áp dụng thành công.
Qua các trận đấu, vdv sẽ ghi nhớ rằng khi đụng rơ đó các cao thủ sẽ làm gì (mà tránh làm những gì), đây là giai đoạn học kinh nghiệm chiến đấu. Người ta lấy kinh nghiệm phải đánh đổi, còn mình chỉ cần ngồi nhà xem cũng có, thế thì nên làm quá đi chứ. Hiếm khi có rơ cắt gai xa bàn (hoặc gai công Fh) để mà đánh lấy kinh nghiệm, cho nên đụng phải thì khả năng thua rất cao. Vdv nào chịu tìm hiểu trước sẽ không lâm vào hoàn cảnh “đổi séc đầu lấy kinh nghiệm”, khi ra thi đấu sẽ nhớ lại các đoạn video Boll và Ma Long sẽ đánh thế nào khi gặp Joo Sea Huyk rồi cứ theo chiến thuật đó mà áp dụng. Chính Schalger vì thiếu rơ gai công để tập dợt nên đã phải thua 0-4 trước He Zhi Wen trong thời anh ta còn sung sức và hơn xa về ranking (vừa mới lấy World Champion xong). Bác nào muốn hạ rơ Sadius bằng gai công ôm bàn thì nên xem trận ấy, sẽ thấy Schalger đánh như…học trò của lão già kia vậy. Học từ trận đấu thực có cái hay là chứng minh được những gì “không thể” thành “đã làm được”, video clip sờ sờ ra thì phải công nhận thôi. Vị trí của hlv lúc này là phải trả lời thỏa đáng vì nguyên nhân nào mà điều ấy thành hiện thực. Vd trước đây không ai ở VN nghĩ rằng gai dài có thể đánh rơ tấn công, nhưng các clip đánh gai bên TQ đã chứng minh được điều ấy, có điều ta xem rồi cũng không hiểu vì sao luôn. Ngồi mà hình dung sẽ không thể trả lời được mức độ hiệu quả, chỉ có xem video thực mới thấy chiến thuật của họ lợi hại thế nào. Một hlv mà chỉ biết dạy bằng miệng thôi thì đã giới hạn hết 90% khả năng huấn luyện rồi. Thời nay laptop rẽ bèo, hlv nên học cách tận dụng tiến bộ của khkt vào giãng dạy: cứ lên mạng tìm các trận đấu hay về rồi dùng Winmedia có chức năng chiếu chậm mở ra xem. Có thể dùng I-pad hay I-phone rồi lên Youtube tìm các clip (có nhiều clip chiếu chậm rất hay) để hổ trợ cho việc giãng dạy. Hlv ngày xưa phải tốn cả một phòng nghe nhìn với cả một hệ thống lớn gồm tivi và mấy cái đầu máy mới chiếu băng từ cho học sinh xem, ngày nay chỉ cần cái smartphone là đủ – nếu không tận dụng các tài nguyên “chùa” trên mạng thì quá là lạc hậu. Đâu cần hlv phải trình diễn được kỹ thuật đẹp như Ma Long, cũng đâu có phải mướn nó về đánh cho xem, có trợ lý tên là Youtube làm dùm hết mấy chuyện đó. Tập luyện có hôm nóng bức mệt mõi quá thì thầy trò cùng xem phim, vừa thư giãn vừa hiệu quả không kém.
4. Ủng hộ sáng kiến
Bóng bàn TG phát triển từng ngày một với tốc độ chóng mặt là nhờ các sáng kiến phá đi các sức ỳ tư duy. Thế giới đã trở nên phẳng và xích lại gần nhau hơn, những gì ngày xưa là “không thể” thì ngày nay đã trở thành “có thể làm được”. Nếu không có các vdv như Waldner, Schlager, Boll hay Ovtcharov thì bóng bàn ngày nay có lẽ đã rất đơn điệu và nhàm chán. Nhờ các sáng kiến phá cách của Boll qua chiêu giao bóng xoáy ngược rồi đánh bóng ôm bàn, kiểu đánh bạo lực của Schlager hay cú flick trái của Keangra thì đám CNT cũng chỉ thừa hưởng những trò đánh Fh như thời Ma Wenge mà thôi. Ngay cả chuyện dám bỏ lối đánh cũ bắt chước vài chiêu mới cũng là một sự đấu tranh dữ dội, đầu tiên là với các hlv – phải làm “cái gì đó” mới có thể mở mắt cho các ông coach bảo thủ. Đừng nói chi ở VN, nơi những nước phát triển như Châu Âu mà M. Maze lẫn Schalger đã phải đấu tranh dữ dội để bảo vệ được rơ đánh của mình. Hlv của mấy tay đó đâu có ngờ rằng mấy thằng “cứng đầu, lì lợm, khó bảo, không có tương lai,..” này lại vang danh khắp TG, còn mấy đứa chịu nghe lời chỉ là đám tầm thường hạng bét. Nói vậy không có nghĩa là xúi trò cãi thầy mới thành danh, nhưng hlv phải là người có khẩu hiệu “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Một sáng kiến có giá trị còn quý hơn vàng nhiều lần, hlv nào chụp được thì xem như cả lò đó lên hương luôn. Ngoài CNT ra thì các nước còn lại chỉ hơn thua nhau ở cái khoản “đột phá” này mà thôi.
Hlv của Ta dạy theo cách gò khuôn thì sẽ bóp chết sáng kiến và ý tưởng lạ ngay từ trong trứng nước, vì hễ thấy có biểu hiện lạ là lập tức sửa ngay “cho nó đúng đường lối” thì làm sao thấy cái hay của sáng kiến mà quý trọng. Theo đạo đức giáo dục ở nước ngoài thì khi một đứa học trò có ý tưởng mới thì lập tức giáo viên đứng lớp phải ghi nhận ngay. Giáo viên sẽ cho chúng cơ hội để chứng tỏ với các hỗ trợ tốt nhất, vì nếu lớp nào có những trò như thế thì giáo viên mới có cái để báo cáo lên, giáo viên nào mà có trong tay những trò như thế thì chắc chắn sẽ thăng tiến nhanh. Đầu tiên là hiệu trưởng sẽ chú ý vào, nếu là tài năng thì họ sẽ báo lên cấp Tiểu Bang để nhận các khoản học bổng hổ trợ. Người ta săn tài năng như săn ngọc quý, vì giá trị to lớn của nó đối với sự phát triển liên quan đến những gì xung quanh người ấy: trường học, tiểu bang, đất nước,…Mà biểu hiện đầu tiên của một tài năng là các ý tưởng mới lạ khác người – đưa ra ý hay mà còn chứng minh được một cách thuyết phục. Còn ở nước ta thì sao? Giả sử bây giờ cả TG chưa ai biết cú đở giao bóng bằng flick Bh, có một đứa ở trong tuyển tỉnh đưa ra “ý tưởng mới” rằng thay vì dùng Fh đánh, sao ta không đánh Bh – thử hỏi nó sẽ nhận được gì? Bây giờ nó cố gắng chứng tỏ bằng cách tự tập luyện, rồi hình thành một lối đánh cho riêng nó, thử hỏi có ai ở VN quý trọng rơ ấy chăng? Dù trong nước ta có thiên tài như Waldner thì cũng chỉ đi lượm rác thôi, vì có ai cần ý tưởng mới đâu. Đó là chưa nói tới chuyện trù dập vì dám “kháng chỉ” đi ngược lại “đường lối” của Ban huấn luyện. Em đã học 5 năm ĐH, ở cái nghành cần rất nhiều ý tưởng – kiến trúc – mà vẫn thấy rõ cái chuyện kìm hãm sáng tạo, ngay trong cái môn học đề cao ý tưởng nhất: Bố Cục Tạo Hình. Đẹp là một chuyện, theo ý của thầy thì mới điểm cao, đẹp mà trái ý là rớt đó.
Trong huấn luyện chiến thuật, hlv phải đặc biệt chú ý đến các kiểu xử lý bóng bất ngờ từ một số vdv, họ có năng khiếu trong sáng tạo ra chiến thuật. Trong thi đấu em cũng có đối đầu vài đứa có cái khả năng này: đánh với chúng rất khó đoán chúng sẽ làm gì tiếp theo, dù trình thấp hơn nhưng không bao giờ dám nói là chắc ăn được. Những đứa đó phần đông là tự học nên không theo bài bản nào cả, nên rất khó “bắt bài” chúng. Thích nhất là đánh với những đứa học bb từ hlv Châu Á, đánh có nét thật nhưng thắng chúng dễ ợt – nếu phá được bài. Ngại nhất là những đứa đánh kiểu: ta giao ngắn xoáy lên mà nó còn ngửa vợt ra đở ngắn lại – theo lẽ thường tình nó phải úp vợt đánh lại theo phản xạ. Hoặc nó sẽ bạt luôn một quả gò nặng trong bàn – đáng lẽ phải là gò lại. Những chiêu này nếu mà hlv của chúng biết quý trọng rồi đầu tư sâu hơn thì quả là khó khăn lớn. Em chứng kiến một đứa thích dùng Bh xỉa xoáy ngang lại một cú giật, thay vì chặn đẩy hay lùi lại đối giật, tiếc một điều là hlv của nó cứ cho rằng làm như thế là sai – chả hiểu sai so với cái chuẩn nào. Chiêu ôm bàn xỉa ngang này mà luyện tới mức sẽ cực kỳ hiệu quả, đây quả là một sáng kiến đáng trân trọng, quả là đáng tiếc…
5. Ủng hộ sự khác nhau
Ở phần huấn luyện kỹ thuật em có nói tới chuyện ở VN ta luôn quan niệm đánh “mười cú như một” mới là đều, mới là chuẩn và hay lắm. Ở cấp căn bản, ông thầy chặn bóng trả lại khá đơn giãn nên giật đều ầm ầm được trên mười quả thì lấy làm hãnh diện lắm. Ở cấp cao hơn, ông thầy thảy bóng đủ kiểu xoáy mà vẫn đánh được vào bàn “như một” thì sẽ được khen là thành công, vì với bóng nào cũng tấn công được (rơ tấn công mà). Ở VN hiếm có thầy nào có những cú đở khó (như demi lại, trả bóng không lực, trả bóng chậm cực xoáy, trả bóng cực xoáy mà rớt cực gần lưới rồi cắm xuống luôn,…) vì hlv toàn xài vợt rất nãy với mút khá mềm, cho nên chỉ giỏi lắm là thay đổi được điểm rơi thôi – muốn bóng khó hơn phải tự tạo (cầm bóng tự chọi vào vợt đánh ra). Cho nên việc giật mười quả như nhau chẳng có gì là khó, nếu ông thầy chỉ có chặn bóng trả lại. Thực tế đã chứng minh rõ ràng, tuyển nước ta đánh với nước ngoài toàn là ngỡ ngàng trước khả năng đở trả bóng và phản công của người ta – chứng tỏ là rất ít khi tập luyện với các trò trả bóng như thế. Một điều trớ trêu nữa là học trò đánh bóng trái trước trái sau khác nhau sẽ bị chê là “chưa đều” và bị liệt vào đám “cần phải tập luyện thêm cho đều” – đều với kiểu trả bóng đơn giãn kia. Thế thì đứa nào cũng đánh như nhau hết, một kiểu kỹ thuật, một kiểu bóng xốc tới,…mà chỉ có thể đánh được trong phạm vi rất hẹp: bóng trả đều ít xoáy, ít biến đổi. Nói tóm lại là đào tạo ra y chang nhau, lứa sau cũng như lứa trước không có gì tiến bộ phát triển hết.
Hẳn chúng ta còn nhớ tới nhà bác học Darwin, cha đẻ của Thuyết Tiến Hóa. Ông ta phát biểu rằng sở dĩ có loài người cao cấp phát triển trí tuệ như ngày nay là nhờ có các Đột Biến – tức là sự khác nhau – trong di truyền. Con hơn cha là nhà có nóc, chưa cần “hơn” vội, chỉ cần trong một đám con khác nhau hết thì chúng ta sẽ có quá trình chọn lọc tự nhiên: đứa nào đột biến theo hướng có lợi sẽ được giữ lại và phát triển hơn đám còn lại. Bóng bàn Vn trong 20 năm gần đây toàn trong tình trạng con thua cha, mà nguyên một đàn con giống nhau như đúc (đứa nào hơi khác tí đã bị bóp chết khi còn trong nôi). Không hề có khác nhau, không có đột biến thì không bao giờ tiến bộ. Hãy nhìn ra bên Tàu, nếu không có một Zhang Zike đánh hoàn toàn khác Wang Liqin thì đã không có thêm một Grand Slam nữa cho TQ. Nếu cứ “kính lão đắc thọ”, sao chép hoàn toàn lối đáng của đám CNT trước thì bóng bàn của TQ ngày nay chỉ là bản sao của Kong Linhui và Liu Goliang – đáng để bắt chước lắm chứ! Thế mà họ không làm vậy, họ cho ra các lứa sau đánh còn hay hơn trước nhiều! Họ đã áp dụng rất thành công Thuyết Tiến Hóa của Darwin vào bóng bàn.
Trong phương pháp này chúng ta phải học hỏi Phương Tây, nơi bắt nguồn của mọi sáng kiến phát minh. Ông Coach chỉ giữ lại cái “triết lý đánh” của ông ta, còn lại là học trò tự phát triển theo cách của chúng. Nếu lỡ chúng đi ngược lại cái “triết lý” của ông hlv thì hơi khó cho chúng: buộc phải chứng minh hiệu quả bằng cách đánh thắng đám đồng môn còn lại – nếu làm được thì ông Coach ấy sẽ phải gởi đứa ấy đi qua hlv khác hoặc lên cấp cao hơn. Trong một lớp học, ta có thể thấy sự tương đồng trên nguyên lý và cách suy nghĩ, nhưng khác xa nhau từ kỹ thuật cho tới chiến thuật. Bắt chước và sáng tạo là hai phạm trù khác nhau, bọn trẻ Tây khoái tự tạo ra cái mới – dù là giống với bạn bè nhưng không phải là chúng sao chép lại. Lý do bị giống nhau chỉ là vì cái nền tảng của ông coach dạy bọn chúng lúc ban đầu, đứa nào cũng được truyền đạt giống nhau. Dù là sáng tạo nhưng lỡ có giống nhau thì là “ý tưởng lớn gặp nhau”, nhưng mỗi thằng sẽ tự tìm cho mình điểm khác biệt – nếu đã biết là “đụng hàng”. Vì tính sáng tạo được đề cao nên khi tập kỹ thuật bọn chúng sẽ không bao giờ copy nhau, ông thầy sẽ ra các yêu cầu – trò đánh thế nào miễn thỏa mãn là được, không cần kỹ thuật “đúng chuẩn”. Hơn nữa, ngay cả khi đánh đúng kỹ thuật rồi, bọn chúng cũng luôn tìm tòi và thử nghiệm những lối đánh mới. Chúng luôn tự hỏi và trả lời các câu hỏi “tại sao” bằng cách thí nghiệm “nếu ngược lại thì sao” – dạy bọn trẻ có đầu óc này rất là…nhức đầu, vì chúng không bao giờ biết thỏa mãn với các câu trả lời – trừ khi chúng tự ngộ ra kết quả. Chúng không đủ giỏi để tạo ra cái gì mới mẻ, nhưng lại khoái “chỉnh sửa” và “thay đổi”, kiểu như dân vo-ọc vi tính khoái tinh chỉnh hay overlock CPU vậy. Khi dạy kỹ thuật, hlv sẽ để ý những trò hay “thí nghiệm” đòn đánh mới – những đứa này sẽ rất khó dạy chiến thuật theo lối cứng (tức là bài tập đưa ra phải đánh theo như thế). Những đứa ấy sẽ không thích học thầy Tàu, nếu trình cao chúng sẽ lập nhóm rồi tự luyện với nhau. Theo lý luận thì những đứa học thầy Tàu sẽ giỏi hơn nếu cùng thời gian tập, vì chúng đi đường thẳng nên mau tới đích hơn – nhưng thực tế chứng minh ngược lại: cùng thời gian học thì Tây giỏi hơn rất nhiều. Chỉ có điều những đứa Tây có tài năng thì chúng lại bị chia xẻ bởi rất nhiều môn khác – ăn chơi là chính, còn trò Á Châu chỉ có mấy món lại được cha mẹ đầu tư nên chúng được kèm nhiều giờ hơn – mà kết quả vẫn chẳng thiên lệch bao nhiêu.
Trong huấn luyện chiến thuật, hlv giỏi sẽ luôn ủng hộ sự khác nhau – giống như ủng hộ sáng kiến, nhưng chưa phải là sáng kiến to tát gì, chỉ cần khác nhau cũng quý rồi. Sự khác nhau có thể gần như hoàn toàn: vợt thìa vợt ngang, mút láng mút gai, công thủ xa gần,…hoặc khác nhau chút xíu: thay vì flick trái rồi đánh Bh dứt điểm thì lại chọn Fh dứt điểm. Càng đa dạng thì lớp học càng hiệu quả, vì đám học trò học hỏi lẫn được rất nhiều, ra thi đấu chúng không sợ đối thủ đổi bài hay biến hóa (một kiểu đánh hơi khác chút xíu). Chính những đứa thích thay đổi lại rất “khó chịu” trong thi đấu, vì không thể bắt bài được chúng. Như con lươn vậy, nắm được vài bóng là chúng đổi kiểu khác rồi, đó là chưa kể trong từng cú đánh của chúng cũng khác nhau khó đoán (chứ không phải chỉ có 1 kiểu như VN). Trong tập luyện, hlv phải luôn có những chiến thuật “mở”, tức là chỉ giới hạn trong 3 bóng đầu, sau đó là đánh theo một rơ nào đó nhưng được tự do lựa chọn kỹ thuật và cách đánh. Vd bên A giao ngắn lửng trong bàn, quy định B phải tìm cách flick trước hoặc bắt ngắn sớm lại. A sẽ tùy vào đòn của B mà phản công hoặc tấn công hoặc cũng bắt ngắn tiếp, sau đó thì đánh tự do. Khả năng biến đổi của bài tập này tới hơn 36 kiểu khác nhau, vì kỹ thuật và vũ khí cho phép, nên chiến thuật rất đa dạng, nếu cứ quy định “cứng” trước thì tập hoài sẽ không bao giờ hết các biến. Hơn kém nhau không phải ở các bài tủ, đó chỉ là cái thứ học trò “học gạo để lấy điểm 5” – rõ ràng là đứa nào nắm rõ nguyên lý và ứng dụng sáng tạo công thức để có thể giải được rất nhiều kiểu biến hóa khác nhau, thì mới thực sự là cao thủ.
Nếu là hlv đứng ra tập với trò thì sự “khác nhau” bây giờ nằm trong tay người thầy. Dân VN ta quan niệm rằng hễ thầy nào càng đở bóng đều tay thì càng giỏi – vào xem cái lớp dạy bóng bàn mà thấy hlv đứng tấn bộ đẹp đành động tác “cực chuẩn” và cực đều thì phụ huynh sẽ đánh giá cao hơn là gặp ông thầy đở túa xua. Chính vì cái lẽ này mà lớp học được các cao thủ từng là tuyển thủ đứng lớp dạy sẽ đông học trò và có giá mắc hơn rất nhiều so với các lớp do các thầy già – dù có tiếng tăm – xuất thân từ phong trào. Nhưng theo kinh nghiệm của em thì học trò xuất thân từ các ông thầy đở bóng “đi lung tung” sẽ sớm giỏi và bền vững hơn những đứa được luyện ra từ tuyển thủ. Thực tế cũng cho thấy rằng cao thủ thi đấu thường rất kém khi chuyển sang đào tạo, dù rằng họ có thể đở bóng cực tốt (theo kiểu bóng nào cũng đở được vì phản xạ nhanh). Dễ thấy nhất là các cao thủ cứ nghĩ mình giỏi, nên giữ con cháu trong nhà lại mà đào tạo, kết quả là cha đánh giỏi mà con thì dở ẹc – thua xa những đứa có cha đánh rơ năng “khều”. Thường thì các tuyển thủ sẽ kiếm sống thêm bằng nghề đi đở bóng cho người khác tập, nhưng họ không thể và không có thẩm quyền được xem là hlv – chỉ xét riêng về mặt đở bóng cho trò tập thôi thì vẫn bị xếp vào hạng bét. Một hlv giỏi sẽ biết đở bóng đủ mọi kiểu, từ đở bóng cực dễ (chậm mà chính xác, đi cao mà tới đúng tầm tay) cho học trò cho tới các kiểu đở trả bóng khó, tạo ra bóng sống giống như các tuyển thủ cao cấp. Thế nhưng chưa phải là đủ, trong một kiểu đở cũng phải biết cách làm cho khác nhau từ dễ tới khó (hi-throw, low-throw, không lực, không xoáy, xoáy nhiều ít lực, bóng lơi, bóng lạn, bóng chuội, bóng xốc tới,…đở vào bụng, đở vừa lố tầm tay, đở làm mất nhịp). Đở bóng được xem là nghề của hlv, nếu kiếm sống bằng nghề này thì phải luyện cho kỹ năng này trở thành thiện nghệ. Chỉ cần giở cái giỏ xách đồ nghề của một ông hlv là em có thể biết được “tay nghề” của ông ta tới đâu: nếu có đủ kiểu vợt+mút từ chậm tới nhanh, có thìa có gai, xoáy – phản xoáy hay mút chết,…thì có thể biết được tay này đở bóng rất là…túa xua. Còn chỉ thấy độc một cây vợt cũ mèm thì biết ngay lão ta chả đỡ được bao nhiêu kiểu khác nhau. Hồi mới học hlv cấp 1 với một ông cấp 3, em thấy lão nào feed bóng cực…tệ, bóng cứ lạn lách túa xua chả chính xác gì cả thì làm sao học trò đánh đây. Mà lão ấy có không dưới 60 năm trong nghề feed bóng, đệ tử toàn là cao thủ, chính lão ấy cũng từng đứng trong top 10 của TG – mà chẳng lẽ không biết feed bóng sao? Sau này lên cấp 2 thì lão ấy mới chính tay truyền cái nghề feed bóng này, chẳng nói gì nhưng em hiểu tại sao tụi học trò của lão bóng thế nào đánh cũng được hết – còn mình feed chính xác quá nên trò của mình ra đấu đánh hư tè le. Mình feed cho đệ tử kiểu bóng tập luyện, còn người ta feed cho đệ tử kiểu bóng thi đấu. Mình đở cho đệ tử chính xác là hại nó ra thi đấu thua nhanh hơn. Ở đây cần phải phân biệt rõ ràng: đở bóng khác nhau có kiểm soát, chứ không phải kiểu đở bóng “cầu may” của các ông thầy biết vài chiêu đở bóng đã nhận học trò lấy tiền. Mới tập làm hlv thì phải luyện đở sao cho đều, nếu biến đổi thì cũng làm sao cho rõ ràng dễ thấy,…nhưng làm “ghề đở bóng” lâu dần thì chuyện đở bóng biến hóa sẽ thành “tật”: trò đánh càng đẹp thì thầy đở càng xấu quắc. Giai đoạn này trò đã có kỹ thuật hoàn chỉnh rồi thì hlv sẽ đưa tính chiến thuật vào ngay trong từng động tác kỹ thuật, thường là đi kèm với kỹ năng quan sát, cách di chuyển và xử lý bóng – tập lâu sẽ thành các phản xạ tốt rất có lợi cho thi đấu với các đối thủ khác nhau. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những đứa nhỏ thường đánh bóng với rơ phủi (với cha ông ở nhà hoặc ra clb đánh chơi nhiều hơn tập với thầy) sẽ có năng khiếu thực sự (khôn bóng, khéo léo, tỉnh táo,..) hơn những đứa đi học thầy và được phong “năng khiếu”.
6. Các ván cờ thế
Bây giờ ta quay ngược về các bài tủ, các thế cờ độc. Ai có chơi cờ Tướng theo sách vở sẽ biết các ván cờ thế, thấy còn rất nhiều quân, nhìn không thấy thắng bại gì hết nhưng với cao thủ chơi cờ thì ván đó đã kết thúc rồi. Hồi nhỏ em đọc Quất Trung Bí với sự hướng dẫn của người Chú, mới thấy sự lợi hại trong các ván cờ gài – người ta tính trước tới mấy chục nước rồi thí quân, ai ham ăn là chết chắc (há miệng là mắc lưỡi câu). Chơi bóng bàn theo kiểu đánh cờ tướng mới thấy cái hay của chiến thuật: có những bài ta phải dụ đối thủ đánh trước, có những lúc ta phải giả vờ sơ hở thì mới thắng lại dễ dàng. Em vẫn thường dạy đệ tử là “phải chừa đường cho đối thủ đánh” vì nếu mình bít hết cửa thì người không thoát lại chính là…ta. Có những trận đấu chỉ cần nhìn cách đánh của hai bên mà em dám nắm trước phần thắng ít nhất là thêm 1 séc sau đó, dù trình độ ngang nhau. Vd bên A đánh vợt 5 lớp với T05, bên B đánh gai phản xoáy bên Bh mà có cú giao xoáy ngang rất độc. Em sẽ tập cho bên A chiến thuật 8 bóng như sau: B sẽ giao rất xoáy (1), A tìm cách đở hết qua Bh của B (2- trả xoáy ngang lại), theo quán tính mà cũng đúng bài thì B sẽ dí dài bằng gai xoáy khó đoán (3), A tìm cách trả an toàn quả này qua Bh tiếp (4), ở đây sẽ có 2 trường hợp: B sàn qua đánh Fh chéo góc thì A sẽ đẩy thẳng cạnh lại – qua Fh thì thế trận có lợi cho A rồi, nếu B lùa gai tiếp nữa (5) thì lúc này bóng đã hết khó, A sẽ moi xoáy (6) ngắn tay về bên Bh của gai, cầm chắc B sẽ xoắn xuống tạo xoáy chìm hoặc chặn bóng trả lại cũng xoáy chìm (7), lúc này A sẽ dứt điểm (8) vì bóng cầm chắc là xoáy chìm rồi. Đây là một thế cờ bị động dành cho rơ sợ phản xoáy mà cũng sợ giao xoáy, nhưng qua 7 bóng thì chắc chắn sẽ có cơ hội dứt điểm thắng lại. Ở (6) nếu A moi xoáy qua Fh của B thì ở (8) sẽ là bạt dứt điểm qua bên gai. Nếu A giao bóng thì quá đơn giãn rồi, cứ giao dài có chút xoáy tới qua phía gai rồi đánh trước, bài này không phải là cờ thế. Theo thế này thì A sẽ không mạo hiểm tấn công ở 2 và 4, nên sác xuất hỏng rất thấp, ở 6 cú moi xoáy ngắn tay trong bàn với bóng không xoáy sẽ rất an toàn, hơn nữa bê thẳng qua mặt gai thì chắc chắn thế nào bóng cũng trả về theo đúng xoáy mình đợi. Sau khi ra bài xong thì cứ tập mãi cho tới khi nào thuần thục, có thể biến hóa tốt trong các cú nếu có điều kiện thuận lợi – lúc này mà ra đánh với gai thì dù có kỵ mấy cũng vẫn nắm lợi thế. Chúng ta cứ bảo nhau là đánh với gai phải giao thế này thế nọ, vậy chứ khi bên kia nắm giao thì ta làm sao? Họ đâu có ngu gì giao bóng không xoáy hoặc đơn giãn để ta đánh không lực vào bên gai, họ cứ ngoái xoáy tít thì ta làm gì được? Đã kỵ phản xoáy còn bị giao xoáy lung tung nữa thì chỉ có khóc ròng.
Hlv sẽ nghiên cứu và chế ra các thế cờ khắc tinh lại các rơ thường gặp, rồi cho các học trò luyện như cháo nhuyễn. Đây là cách đào tạo của CNT, họ nghiên cứu các lối đánh thường gặp trên TG rồi chế ra các bài “chuyên trị”, nhờ vậy mà ra thi đấu đám CNT mới nhàn nhã như thế, chưa đánh đã thắng rồi. Muốn thấy các kiểu “cờ thế” thì xem tụi nữ CNT đánh sẽ rõ hơn, nhất là xem Zhang Yining và Liu Shiwen sẽ thấy các thế cờ triển khai ra từ các quân chủ lực (cú Bh hiện đại lên xoáy ôm bàn kèm với Fh bạt xé 2 góc, vợt 5+2 khá chậm gắn T64). Chúng ta cứ thần tượng miếng H3 của đám CNT nam, vậy đội nữ có nhờ H3 đâu mà cũng bỏ xa TG còn lại? Bên Tàu nổi tiếng nhất là câu “dùng sức không được thì dùng mưu”, nữ sức yếu nên mưu kế phải cao sâu khó lường. Bên bóng bàn nam, Châu Âu còn vớt vát vài hạng trong top 10, chứ bên nữ hoàn toàn trắng tay. Xem nữ Châu Á đánh luôn theo bài theo thế, còn nữ Châu Âu đánh rất đơn giãn chỉ theo một xu hướng nào đó rồi biến hóa ra chiêu thức chứ không có bài thế nào. Từ khi rơ “truyền thống” của VN ta thất thế trong cái ao làng ĐNÁ thì đội nữ của chúng ta càng tệ hại hơn, rõ ràng là bóng bàn TG đã đi vào các chiến thuật đường dài từ hơn 10 năm nay, nhưng chúng ta cứ ỷ sức mà chơi trò một chạm. Mấy năm trước, Mỹ Trang còn cầm cự vì đánh cây Kong 7 lớp gỗ rơ đều, nhưng so với sự tiến bộ trong khu vực thì không thấm thía gì nữa. Chỉ vì không biết chơi cờ thế nên chúng ta toàn là khai cờ theo lối “tốc chiến tốc thắng”, luôn bị mất quân và rớt vào thế bí rất sớm. Những hlv giỏi chiến thuật của VN đâu hết rồi, có lẽ họ đã chết hết từ khi cây Sadius lên thống trị, chỉ dùng bạo lực mà không cần cái đầu.
7. Đối luyện bán tự do
Đây cũng là một phương pháp dạy chiến thuật khá xưa, có lẽ xuất phát từ võ thuật (học múa bài quyền trước sau đó mới áp dụng vào đối luyện). Ban đầu A và B đánh theo các bài chiến thuật đã vạch ra sẵn, độ khó tăng dần từ 3 đến 7 bóng. Các bài 1 và 2 bóng không nằm trong chiến thuật mà thuộc về kỹ thuật (giao bóng khó ăn ngay, giao dỡ bị đánh trước chết ngay) nhưng vẫn được gộp chung vào chiến thuật 3 bóng tấn công. Pp này có phần giống pp trên: tập theo các thế cờ, nhưng ở đây các biến được áp dụng nhiều hơn – sự “tự do” cao hơn. “Tự do” ở đây không phải muốn đánh gì cũng được, mà phải theo đúng trình tự bài bản đã xếp trước. Chính nhờ vào khả năng xử lý bóng đa dạng trên từng trái nên vdv có nhiều lựa chọn hơn. Vd quả đở ngắn không phải chỉ có đở qua lưới nằm trong bàn, đở ngắn có thể rất ngắn, hoặc vừa đủ nảy cuối bàn. Đở ngắn cũng có đở sớm và đở trễ, bóng thấp chì xuống hoặc bóng cao khựng lại, có thể thêm thắt xoáy vào cho khó đoán hơn – tất cả đều lệ thuộc vào khả năng của vdv. Hlv có thể giới hạn kỹ thuật trong vài trường hợp đặc biệt, nhưng nếu muốn học trò tiến xa thì nên để chúng lựa chọn nhiều hơn. Dần dần độ “mở” ngày càng lỏng hơn khi các bài tập chiến thuật thiên về khả năng chiến thuật của từng vdv hơn là các thế chiếu bí để ăn điểm. Vd chỉ quy định trong 3-4 bóng đầu, còn lại là tự do – hoặc chỉ giới hạn một bên, phía kia đánh thoải mái. Đối luyện bán tự do chiếm rất nhiều thời gian tập luyện chiến thuật và nó có đủ kiểu áp dụng khác nhau, tùy vào khả năng biến hóa và bào chế của hlv.
Khi ra một bài chiến thuật đối luyện, hlv cũng phải “khép và mở” hợp lý sao cho giới hạn được bóng trong phạm vi hẹp nhưng lại cho phép các học trò tự rèn kỹ thuật ngay trong bài luyện chiến thuật. Tuy có vẻ nhập nhằng nhưng đây là cách rất hay để áp dụng kỹ thuật vào chiến thuật một cách thông minh. Nếu để học trò đánh kỹ thuật “cứng tay” rồi thì khi chuyển sang chiến thuật sẽ rất máy móc. Nếu tập kỹ thuật giật xung bên Fh “thành thục” rồi thì khi vào chiến thuật 3 bóng tấn công sẽ bị bối rối vì bóng khó được trả lại như ý, hơn nữa vì động tác giật đã cứng nên bóng có khả năng vào lưới và ra ngoài rất nhiều, chỉ có cú giật là mạnh nhưng thiếu tính hiệu quả. Giả sử nếu em có 2 đứa mới tập chơi căn bản, biết giao và trả giao bóng đồng thời cũng có kỹ thuật tấn công. Chiến thuật “khép” sẽ mang 3 kỹ thuật ấy ra áp dụng ngay khi chúng chưa rành rẽ gì lắm: giao dài, đở, bên giao tấn công, nếu bên đở trả được quả ấy xem như thắng. Thế là trong cái “khép” ấy thực ra là rất thoáng, vì cả hai đều chưa bị gò vào khuôn nên có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Bên A giao dài nhưng sẽ lung tung, B đở cũng không theo chuẩn nào cả, A buộc phải nhìn bóng kỹ rồi mới tấn công, cú đánh của A cũng sẽ tùy vào bóng mà chọn kiểu, B cũng phải chuẩn bị tâm lý đở lại vì chưa chắc gì A đánh chết được mình. Rõ ràng là đánh theo bài, nhưng tính tự do được nâng lên khá cao, không như kiểu luyện cả triệu lần rồi nên cắt lại là bóng phải đi cắm thẳng sạt lưới, giật là phải đi căng vào góc,…Ở thế thụ động nhưng B sẽ được luyện sự tự tin trong cách phòng thủ phản công. Một bài tập có ích cho hai bên, lại có thể tập song song với kỹ thuật: A sẽ luyện tập thử nghiệm nhiều kiểu giao bóng, B sẽ có cơ hội luyện trả giao bóng (tuy bị buộc không được tấn công – dù là bóng giao dài – nhưng vẫn còn rất nhiều lựa chọn như trả xoáy, đẩy góc, chém chuội dài,…). Cú tấn công ở bóng thứ 3 tùy thuộc rất nhiều yếu tố, nên kỹ thuật tấn công của A sẽ trở nên ngày càng đa dạng. Học đi đôi với hành rồi lấy cái thực tế để củng cố lại kỹ thuật, mới nhìn thì giống như đi vòng không có mục đích và thiếu hiệu quả, nhưng đây là những bậc thang rất vững chắc để nâng tầm chiến thuật lên dần tới 7-9 bóng. Nếu tập mỗi một chiêu “giao bóng – dứt điểm” thì sẽ không bao giờ có các chiến thuật đường dài.
Một kiểu đối luyện bán tự do khác là, một bên đánh theo bài, một bên đánh tự do. Lúc này sự chú ý của hlv sẽ thiên lệch về từng trò một, theo 2 hướng: công hay thủ thành. Một bên sẽ áp dụng bài tủ của mình, chấp bên kia đánh tự do sao cho phá được thì thôi – hlv sẽ hướng dẫn bên tự do chiến thuật hợp lý để phá bài. Hoặc một bên được áp dụng tự do các chiến thuật, bên còn lại sẽ đánh theo bài của hlv đưa ra. Phía bên “bị giới hạn” thực ra là được chỉ định chiến thuật để đánh vào điểm yếu của đối thủ. Tuy là được thả lỏng nhưng lại hoàn toàn bị động vì bên kia xài chiến thuật khắc chế mình. Hlv giỏi sẽ làm cho cán cân thiên lệch, buộc một bên phải cố gắng hết mình, chỉ bằng cách can thiệp một chút vào chiến thuật. Qua cách tập luyện này, vdv sẽ rất tin tưởng vào khả năng chiến thuật của hlv, rất có lợi cho thi đấu nếu cũng ông hlv ngồi ở ghế coach.
Từ tập luyện bán tự do, hlv có thể nâng dần lên tự do bằng cách giãm dần các bóng “cứng” lại. Vd nếu đánh theo chiến thuật 7-9 bóng thì hlv chỉ quy định tới bóng thứ 4 thôi, còn lại là tự xử – sau đó giảm dần cho tới còn 1-2 bóng. Có thể tăng tính chủ động lên bằng cách thêm vào các hướng rẻ: hoặc X hoặc Y. Vd A giao bóng ngắn thì B có thể bắt ngắn hoặc là flick trước, sau đó A có thể tấn công hoặc trả lại an toàn,…Tuy nhiên, tối kỵ tập luyện hoàn toàn tự do. Nếu không quy định những kỹ thuật “đóng” thì buộc phải đánh theo các bài chiến thuật khép kín với nhau. Vd A và B hoàn toàn có quyền chủ động đổi chiến thuật, nhưng A sẽ cố gắng tấn công trước còn B sẽ vào thế phản công nhiều hơn. Khi A đổi thì B buộc phải đổi theo, thế mới là tập luyện chiến thuật: nếu A đổi mà B vẫn không thích ứng kịp thì B sẽ thua dễ dàng. Các chiến thuật có sự liên quan tương khắc với nhau, một vdv có trong tay chừng 2-3 bài tủ và 5 bài phụ là có thể đem ra ứng dụng trong đấu luyện bán tự do được rồi. Đem các bài ra chọi với nhau một thời gian sẽ quen dần, lúc này vai trò của hlv là làm sao hiệu chỉnh cho các bài bị khắc có thể linh hoạt thay đổi hoặc biến tấu để có thể xoay ngược tình thế, tập luyện vui nhất là lúc này.
8. Đánh bóng bàn trên giấy
Đây là chiêu mà Kim Dung từng truyền dạy cho đệ tử là Lệnh Hồ Xung, chỉ cần dùng kiếm ý để đánh thắng hai cao thủ của Võ Đang, chỉ cần dùng mắt nhìn vào các điểm sẽ đánh vào, kiểu như đấu kiếm bằng miệng vậy. Hai cao thủ kia tự động nhận thua vì rõ ràng “chiến thuật” của Lệnh Hồ công tử quả thật là cao hơn (phá được cái thế vòng tròn thái cực). Trong bóng bàn cũng có trường hợp chưa đánh mà thấy rõ thắng thua trước rồi. Người ta thường gọi là “kỵ rơ” nhưng thực ra có rất nhiều kiểu kỵ: kỵ chiêu hoặc kỵ luôn cả bài. Đã kỵ rồi thì chỉ còn có cách cầu cứu sư phụ, hay dở ở lúc này, ông thầy đó có cách nào hóa giải hay là để cho thua rồi đổ thừa trò đánh dở quá. Quay lại pp huấn luyện, bóng bàn đôi khi lại quá đơn giãn chỉ như bàn cờ thế: hơn quân chưa chắc là đã thắng. Nắm đủ quân còn phải có “quân sư” nữa mới có thể thắng trận, đây là cách huấn luyện ra một vdv tự mình có thể làm quân sư cho bản thân – phần nào.
Cách tập luyện rất đơn giãn: vẽ một cái sân đấu có bàn bóng chính giữa, vừa vặn nằm trong tờ A4 rồi photo ra nhiều tấm để dành dùng dần. Cách đánh chỉ quy định bằng hình vẽ và ký hiệu, đánh theo lượt. A giao bóng trước, A sẽ vẽ ra ký hiệu cách đứng và vị trí phát bóng (giao Bh, Fh, mổ, giữa bàn,…). B sẽ chọn vị trí đứng đở giao bóng – giả định là B sẽ không thay đổi khi A bắt đầu tung bóng lên (thực tế thì học trò của em được dạy là luôn đứng về phía góc Bh nhưng khi bên kia bắt đầu tung bóng lên thì buộc phải đổi chỗ qua lại tùy theo phán đoán từ cách tung bóng của bên giao). Tới lượt A sẽ vẽ ra là giao xoáy gì vào đâu, B sẽ vẽ tiếp cách trả quả ấy – lúc này hlv sẽ vẽ ra các khả năng bóng trả lại tùy theo quyết định của B – sau khi trả xong thì B sẽ di chuyển về đâu. Bóng thứ 3 rất quan trọng, A sẽ đánh như thế nào dựa theo các tình huống có thể xãy ra. Để giới hạn độ phức tạp trong chiến thuật, hlv sẽ đơn giãn hóa bằng cách đứng giữa làm người lựa chọn. Sang tới bóng thứ 4 thì B sẽ có rất nhiều hướng giải quyết, lúc này hlv sẽ nêu ra vài cách chính. Sau đó thực hiện y chang như bài chiến thuật vừa vẽ ra, nhưng là trên bàn thật. Bài này là của chính hai trò A và B nêu ra, chưa phân thắng bại trên giấy, mà phải đem ra áp dụng ngoài thực tế. Dựa theo xác suất thắng thua mà Hlv sẽ là người giãng giải các lý do, áp dụng các phương pháp Cân Phân hay Câu Hỏi để mở rộng khả năng xử lý trong một bài chiến thuật rất hẹp.
Các khả năng sau có thể xãy ra: hoặc là cả hai cùng “chém gió” ghê quá, đưa ra những kỹ thuật khó nên khi đánh sẽ tự sát nhiều hơn là thành công. Nếu có một bên thắng nhiều hơn, hlv phải tìm ra nguyên nhân và cho bên còn lại được tăng khả năng biến hóa hơn (tránh trường hợp biết trước nên chờ sẵn). Nếu một bên đưa ra chiến thuật hợp lý, phù hợp với kỹ thuật và khả năng, thì hlv sẽ dần dần bổ sung và tinh chỉnh để biến thành một bài điển hình, sau đó sẽ cho tập luyện kỹ hơn để có thể áp dụng vào thi đấu thật. Ở đây có một điều rất hay là cho phép vdv tự sáng tạo chiến thuật, điều thành công không phải là ở cái chiến thuật đã thành hình, mà là khả năng ứng biến của vdv ngày càng tăng lên. Các bài được tạo ra sẽ được loại bỏ dần qua thời gian tập luyện, chúng chỉ là giấy nháp, là rác rưởi. Cái quý báu hơn là cái nền tảng chiến thuật dựa trên sự thông hiểu bản thân (khả năng, kỹ thuật, tâm lý,..) và kỹ năng phán đoán chiến thuật của đối phương (cũng dựa trên các khả năng và suy nghĩ của bên kia). Ra thi đấu mà vừa làm hlv chiến thuật cho bản thân thì quả là khó bị bại – ở các cấp độ trung bình – lại không quá lệ thuộc vào hlv, có thể tự mình đi đánh mà thành tích vẫn không giãm sút. Nếu huấn luyện chiến thuật theo cách này thì học trò sẽ rất hứng thú vì chính chúng thiết kế ra cách đánh – có sự góp ý của hlv – chứ không phải bị gò ép “phải thế này thế nọ”. Một hlv giỏi là ông thầy có thể làm cho trò làm đúng y chang ý muốn của mình, nhưng để trò cứ nghĩ là do chúng tìm ra. Ở cấp cao hơn thì chuyện vừa đánh vừa suy nghĩ trở nên ì ạch nặng nề, các vdv chỉ nên giữ vài ba bài nền rồi biến hóa cũng đơn giãn hơn, để lại phần lớn tính toán chiến thuật cho ông coach ngồi ghế làm.
9. Đánh trận tưởng tượng
Đây là phương pháp visulization đã có giới thiệu qua trong phần huấn luyện kỹ thuật. Trong chiến thuật đem ra áp dụng là hợp lý hơn cả, vì cái gì mơ tưởng cũng hoàn hảo và tốt đẹp, còn đánh thật có khi…không được như vậy. Cái hay của phương pháp này là…không cần gì hết vẫn tập được, ngồi rãnh một phút cũng có thể suy nghĩ ra vài đường bóng tuyệt chiêu. Xin đừng xem thường phương pháp này, nó không phải chỉ dành cho những người thích nằm mơ ban ngày đâu. Đây chính là phương pháp tập luyện khác nghiêm túc và cao cấp. Nghiêm túc ở chổ nó được các chuyên gia tâm lí nghiên cứu rất nhiều trước khi áp dụng, và khi đã mang ra xài cũng theo một trình tự và bài đọc được soạn sẵn. Cao cấp vì các cao thủ như Schlager và M.Maze rất tin dùng. Những cao thủ nào thích xài các chiêu độc hoặc chiến thuật “triệt buộc” thường phải suy nghĩ rất nhiều để phá sức ỳ chiến thuật trước nay, rồi mới có thể đột phá được. Áp dụng vào chiến thuật có phần giống như pp đánh trên giấy, nhưng lúc này một vdv đạo diễn ra tất cả. Để có hiệu quả thiết thực thì vdv ấy phải có tính trung thực cao khi tưởng tượng: chỉ nên áp dụng những cú “ruột” mà chắc chắn mình không bao giờ đánh hư. Hlv phải hướng dẫn các nguyên lý chiến thuật rất rõ ràng và rành mạch trước khi cho vdv tập luyện pp này. Vì cái tác dụng “chìm” của nó lên “bộ nhớ thấp” nên tác dụng (và tác hại) sẽ rất lớn (nếu tưởng tượng sai nguyên lý). Đa số các sai lầm thường xuất phát từ tập luyện căn bản sai, thiếu phần huấn luyện bộ chân, nên không thể tập pp tưởng tượng (tập vào sẽ có tác hại rất lớn, vì thường chỉ nhớ tay đánh chứ không bước chân đi trước). Em có áp dụng thử lên đệ tử, nhưng một thời gian thấy nó lao tới bóng quá sớm, trước cả chân; thế là em phải ngừng lại để dạy bộ chân và hông cho nó mất khá nhiều thời gian. Sau này em áp dụng lại, nhưng chỉ cho phép nó tưởng tượng chân bước (vừa thấy bóng là chân đi trước), còn tay đánh thế nào tính sau. Bởi vậy lúc em được học pp này với một coach lv3 thì cũng nhận luôn khuyến cáo là chỉ áp dụng vói vdv tầm cấp tiểu bang trở lên (cấp A-2 của VN).
10. Đánh theo điểm số
Tức là không cần bắt đầu trận đấu ở 0-0, thường tập nhất là ở 9-9 hoặc 8-8. Cũng có thể đánh theo các điểm số chênh lệch như 10-8 hay 9-7 để rèn các bài chiến thuật “leo dốc” hoặc “bứt phá”. Qua kinh nghiệm huấn luyện, em thấy có nhiều đứa đánh giữa séc rất hay, tới gần cuối thì không biết cách nào để thắng, dù chỉ còn cách đích đến có một hai bước. Hoặc có nhiều vdv than phiền là thường để thua ở những quả tie-break. Nhiều vdv lúc bị thua điểm thì đánh rất hay, nhưng khi gác điểm lại thường để thua lãng nhách rồi quê tay hết đánh được. Những ai có đọc qua bài viết “chiến thuật 7 bóng” của em chắc sẽ thấy các lần lau mặt được tính toán kỹ lưỡng thế nào. Để áp dụng được chiến lược một cách chắc chắn ngay từ đầu đến cuối séc, các vdv đều phải tập luyện ở nhà theo những trường hợp điển hình thường gặp trong thi đấu – lẫn cả các trường hợp đặc biệt. Khi hai đấu thủ chênh lệch trình độ đấu nhau, ta thường cho bên yếu điểm chấp, thường là 2-4 điểm. Nhưng có một cách hiệu quả hơn để cùng gây áp lực cho cả hai: đánh ở điểm số 6-8, bên yếu chỉ có 6 nhưng giao bóng trước, đánh tới 9 là thắng – bên mạnh phải đánh tới 11. Đây là điểm số thường thấy trong các trận đấu chênh lệch trình độ nhưng bên giỏi bị thua: bên yếu gỡ 8-8 hay 7-9 rồi lên 9-9, sau đó bên yếu cầm 2 trái giao bóng thắng luôn do bên giỏi bị tâm lý khớp tay. Với điểm số 6-8 vẫn có thể áp dụng cho hai đấu thủ ngang sức, bên 6 giao bóng trước và đánh cùng tới 11, sau đó cứ hoán đổi lại. Tập luyện thường xuyên theo pp này, các đấu thủ sẽ rất tỉnh táo và vượt nhanh tới 11 vào những phút cuối séc đấu – chứ không bị trường hợp “xì lốp” khi còn vài bước nữa tới đích.
có tý chút kiến thức nhưng lại nói về tầm vĩ mô.
còn người làm việc ở tầm vĩ mô thì chả có kiến thức gì.
Hay dở không bàn, cái dám nói để mọi người phải suy nghĩ đã thành công !