Đọc – 3

Mang nhiều xấp nhạc tiền chiến cho một ông bác VK Pháp, sau vài lần hẹn uống trà nói chuyện. Một bên là ông lão 84 tuổi, một đời đầy biết bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm, từng làm tới Bộ Trưởng Tài Chánh thời VNCH.

Một bên là một đứa trẻ chưa tới 20, chẳng có gì ngoài một tấm lòng….thòng. Thế mà ông ấy bảo rằng mọi thứ rồi cũng tụ về đấy cả, kiến thức, kinh nghiệm, bí mật,..rồi cũng tìm về những con người nào có tấm lòng tốt. Và rồi ông tặng lại một cuốn sách dầy, cuốn Đường Xưa Mây Trắng, một trong những quyển sách mà ông luôn mang theo. Cuốn sách này gợi mở cho nó một chân trời nghiên cứu khác.

 

Lần đi photo đó, nó gặp một bà chị người Huế cùng sở thích nhạc tiền chiến. Thấy xấp nhạc mình cầm, chị ta đến hỏi xin một bản copy và làm quen. Biết chị ta thích những bài nhạc tình tiền chiến bất hũ như nhạc tình Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, và nhất là nhạc Trịnh. Thằng bé gom những bài nhạc nó sưu tầm, photo lại và tặng luôn các bản gốc, vốn rất xưa. Thế là có nhiều lần gặp gỡ và…chém gió với nhau.

 

Ở cái tuổi năm nhất đại học, với kiến thức về nhạc và thơ lẫn triết học hiện sinh thì dám cá là chẳng ai bằng nó. Thế nhưng nó không biết lượng sức khi đối thủ kia lại là một kho kiến thức hơn nó tới 4 năm ĐH và nhiều thứ khác. Trình độ khập khiễng cứ như một con ếch vừa thoát khỏi đáy giếng chuyện trò với con thiên nga đã nhiều lần bay vút lên trời xanh. Sau mỗi lần gặp gỡ trao đổi thì mỗi lần nó thấy mình quá nghèo nàn tri thức. Là nó tặng người ta đấy, nhưng chính người nhận lại chỉ cho nó phải khao khát thêm nhiều lần hơn.

 

Và thế là nó tìm đọc Krishnamurti, Thông Thiên Học cùng nhiều triết gia Đức nổi tiếng khác. Thời ấy không có internet nên thư viện trường và TV Quốc Gia là nơi nó thường lui tới, chỉ để đọc những thứ mà “chi có người hâm mới cầm tới”.

 

Mỗi lần nó đi nhà sách về là cứ y như là cháy túi, biết bao nhiêu lần như thế. Chưa hết, đọc cuốn nào hay và hữu ích, nó đều nhớ kỹ. Rồi thì thấy ai cần những tri thức ấy, nó liền mua sách tặng. Và lần này cũng vậy, cái giá của tri thức là cái bụng đói teo áo quần nhếch nhác, nhưng có một cái gì đó vô hình cứ tích lũy dần dần mỗi khi nó mang sách hoặc những phần photocopy đem tặng những người đang cần. Sách đi rồi sách khác lại về, nó ước gì sách cũng được “tặng không” như nó bỏ tiền túi mua cho người khác. Nhưng sách đến với nó bằng những cái giá rất đắt.

 

Nó “vô tình” sống ở trọ một nơi thật nhiều tiếng chưỡi và tiếng khóc. Cứ chiều là có đánh nhau và tới khuya khi nó nằm ngủ thì cứ nghe tiếng than khóc uất nghẹn. Trời xui đất khiến sao mà lần nào cũng ở gần chùa hay đình. Tiếng chuông mõ vang lên càng khiến lòng nó trào dâng một sự căm phẫn tột độ: này ông Thần ông Phật, này ông thày cúng thày tu kia, các người nhắm mắt bịt tai, gõ mõ tụng kinh làm chi mà ngoài kia đầy đau khổ?

 

Nhớ lại cuốn Đường Xưa Mây Trắng, nó lại lên đường tìm thêm rất nhiều sách khác. Mà cũng lạ là sách nào nó mua cũng là những sách đặc biệt, bài giãng nào nó bắt gặp cũng là cái cần nghe, đúng thứ tự và khó dần theo khả năng của nó. Lúc này như là tri thức tự tìm tới tấm lòng. Như có một ai đó bí mật điều phối các kiến thức nằm rãi rác trong cuốn này cuốn kia, nhưng nó lại gom được chẳng thiếu thứ gì. Ai đó vô hình thì nó không biết, nhưng nó hiểu rõ là khi ai đó quyết tâm bằng cả tấm lòng thì người ấy sẽ tìm được.

 

Sau đó thì nó ra trường, đi làm. Đồng lương ít ỏi nhưng tháng nào cũng để dành mua sách và băng đĩa, cái thì sao chép, cái thì giữ nguyên,…rồi gởi đi cho nhiều người. Dĩ nhiên là có tuyển lựa đúng người đúng hoàn cảnh.

Nó lập cả một quyển sách dầy, ghi tên từng người và số sách đĩa đã gởi cho họ để khỏi gởi lặp lại. Số người lên gần năm chục và số giấy bưu điện đếm cũng cả trăm.

Càng gởi, càng đi mua thì chính nó lại là người tìm thấy nhiều cái mới lạ và hay ho, mà những lần trước nó chưa đủ duyên và “trình độ” để biết.

 

Tri thức là một thứ mà cho đi không hề mất. Thằng bé cho đi tri thức với tất cả tấm lòng mong muốn người nhận được lợi lạc, dù nó phải luôn sống trong cảnh cháy túi.

Người ta không thể nhịn đói mà trở thành…thần thánh. Nhưng dốc sạch vật chất để mong cầu một điều mơ hồ như thế, đã vô tình lái nó dần dần đi vào một con đường độc đạo không còn lối trở về.

 

Cũng như người lao động, càng vận dụng cơ bắp thì càng khỏe hơn. Người có tri thức mà ko xài thì cái trí ngày càng chết dần. Tự tin trong vài lãnh vực, thằng bé lao vào tranh luận để bảo vệ cái đúng, phải vận dụng rất nhiều tri thức và…liều mạng. Khi mà cái đúng cái lẽ phải được bảo vệ thì chân lý cũng tìm tới con người đang bảo vệ nó, thằng bé được cái gọi là “trí vô sư” từ khi nào cũng không hay biết. Tới một lúc nó bỗng nhận ra là nó chẳng còn đọc trên con chữ nữa. Nó đọc một đằng mà hiểu một nẻo, có khi nó hiểu cái chỗ mà tác giả cố ý để mập mờ rối rắm, có khi nó hiểu cái chỗ mà tác giả cố tình che giấu hoặc nó hiểu ngược lại cái nó đang đọc! Tri thức đã biến thành trực giác nhạy bén. Đó là món quà tặng cho những ai quyết tâm bảo vệ lẽ phải.

 

Và cho dù là có trực giác trước kiến thức và thông tin, dù là chẳng có gì cản trở nổi khi nó đã quyết tâm, thì thằng bé vẫn là một người bạn của rất nhiều sách. Mỗi ngày bất kỳ lúc nào rãnh rỗi, mở sách ra dù là cũ hay mới, sách giấy hay ebook, nó vẫn có cảm giác tươi mới như ngày nào bị nhốt trong nhà, lôi ra một quyển sách hay từ cái kho sách gia đình, và đọc ngấu nghiến quên cả thời gian.

25-01-14

Viết một bình luận