-Thím biết nói tiếng Chà Dzà hả? – Thằng tôi lúc còn bé, hỏi thăm dò ngần ngại.
Thím Tư nhìn thẳng vào mắt tôi một lúc, rồi xoa đầu tôi mĩm cười nói:
-Thím chỉ biết chút ít tiếng Tây thôi, con đừng chọc phá, để thím đi chợ nào.
Vậy đó mà người ta – đa số bắt nguồn từ Bà Ngọc, má chồng thím – đặt ra đủ lời mĩa mai châm chọc. Con nít thì chọc thím là bà Xê (bà khùng), rồi hoảng hồn ù té chạy khi thấy Thím quay mặt lại. Thím vốn dĩ không được đẹp mắt, lại phải giăng nắng dầm sương mấy năm ở dâu nhà bà Ngọc, trãi qua biết bao mùa biến động nên sắc mặt của thím càng thê thảm. Ngày xưa thím học Văn Khoa hay Sư Phạm gì đó, chuyên ngành Pháp Văn. Thường thì ai say mê cái nền văn hóa nào sẽ có vẻ bề ngoài hao hao giống người xứ ấy, thím Tư có mặt xương và mũi cao, chỉ có điều thím còn thiếu một cái gì đó để được gọi là đẹp, chỉ thiếu một tí thôi.
Thím gặp chú Tư lúc đó đang là sỹ quan Hải Quân, bị hấp dẫn bởi dáng bảnh bao của lính thủy, hai người yêu nhau mặc cho gia đình bên Thím phản đối. Rồi thì họ cũng đến với nhau trong thời Sài Gòn loạn lạc cuối những năm 70-73. Đám cưới đơn giản chỉ có vài người bà con bên Thím tới dự, dù cũng có rước dâu hai họ đàng hoàng. Quê Thím ở Gò Công, xứ vườn tược, đang lúc chiến tranh nên tiêu điều, cũng vì thế mà Thím luôn bị khinh dễ mang tiếng con nhà nghèo khi phải về ở dâu nhà gốc địa chủ.
Lấy chồng thì phải theo chồng, nhà Chú Tư thuộc loại khá giả lâu đời, Ông Ngọc được thừa kế nhà mặt chợ, lại có ruộng nhiều cho thuê bạc lúa, nên dầu chiến tranh khói lữa vẫn cứ phây phây mà sống. Nghe đồn nhà bà Ngọc có vàng tới mấy ngàn lượng, của chìm của nổi đếm không hết. Mọi chuyện trong nhà đều có người ở làm, cho nên việc làm dâu trong nhà bà Ngọc xem ra rất sung sướng, nếu như…
Nếu như Thím Tư được sinh ra trong một gia đình “môn đăng hộ đối” và cũng thất học như bà Ngọc.
Người dân quê thường có thói nịnh những người giàu, bà Ngọc thích nghe rằng cơ nghiệp này là một tay bà gây dựng nên, rằng bà giỏi thế này thế nọ. Chính vì giỏi cho nên bà chẳng làm gì cả mà tiền cứ vào. Mấy căn nhà mặt tiền chợ và bến xe, bà để mấy bàn bi da rồi bán thuốc lá, bán đồ nhậu cho lính. Thời đó sống nay chết mai, có lính nào thèm cất giữ tiền quân lương, nên bà bán một lời mười. Cộng thêm thời thế làm ruộng khó khăn, mấy chục mẫu ruộng sát chợ quận của bà được tranh nhau mướn, lúa mỗi mùa cứ đong đầy, bà chỉ cần tới chành lúa lấy tiền.
Chính vì cho rằng tiền bạc là do bà làm ra, nên bà rất rộng rãi với đám anh em ruột và con cháu cùng họ với bà. Đổi lại, đám kia càng nịnh ngọt hơn, hoặc hùa với bà nói xấu người khác.
Thím Tư được dạy dỗ nề nếp từ bé, tuy hiền thảo với mọi người và biết thân phận, nhưng Thím khó mà hòa đồng với cái xã hội hạ lưu kia, nên dần dần càng bị tách ra. Về ở dâu được hơn hai năm thì Chú Tư mất tích, để lại cho Thím một đứa con thơ dại. Trước đây vì nể thằng con, giờ thì bà Ngọc càng ghét cô con dâu ra mặt. Bất cứ tánh tốt xấu nào của Thím Tư đều bị châm chọc xỉa xói, bất cứ lời nói nào cũng Thím cũng bị gán là kiểu cách này nọ. Trước đây Thím đã sống cần kiệm, nay mất lương lính của chồng nên Thím tiết kiệm từng chút chứ không muốn nịnh hót cầu xin. Và thế là Thím bị chê là nghèo hèn bần tiện “tới cái xơ mít còn lột ăn cho hết”, “hột cơm đổ cũng mót lên mà ăn”,…
Vì nhiều người cứ nói nên rồi ai cũng cho là nhà cha mẹ Thím chắc là nghèo lắm, nên mới dạy con ăn ở tặn tiện như thế. Thím Tư nín lặng chịu đựng hết, trong nỗi đau bặt tin chồng.
Tôi còn nhớ có lần Tết, nhà bà Ngọc cái gì cũng có, nhưng thiếu mỗi món dưa kiệu vì bà ta ghét cái mùi dấm chua. Thím Tư trốn qua nhà tôi xin một chén nước củ kiệu chan cơm ăn cho đỡ nhớ hương vị Tết. Rồi có lần Thím thèm cơm rựu và mắm cá lóc, ngoài chợ có bán nhưng không giống loại ở Gò Công. Thím tự làm nhưng chẳng dám để trong nhà, sợ bà Ngọc chưởi mắng phải nhờ ba mẹ tôi cất giấu dùm. Rồi thì cái ăn cái mặc, chỗ nào Thím cũng khổ với cái miệng và con mắt của bà Ngọc, và cả đám nịnh bợ nhiều chuyện. Thím càng sống khép kín thì họ càng bịa đặt nào là Thím bị khùng vì chồng mất, nào là có người nghe Thím đọc thứ tiếng gì đó khi ở trong phòng một mình. Thời đó báo chí nước ngoài khan hiếm, thế mà Thím Tư vẫn tìm đâu ra rất nhiều sách báo để đọc. Càng không biết Thím đọc cái gì thì người ta càng ghét hơn.
Cho tới khi người ta vu oan Thím học bùa ngãi gì đó nên tìm cách cướp lấy đứa con duy nhất rồi đuổi Thím ra khỏi nhà.
Lúc đó Thím Tư gần như điên loạn thật sự, người ta thấy thím quỳ gối trước thềm nhà suốt đêm, cầu xin bà Ngọc trả lại đứa bé. Rồi thì cả sáng hôm sau, cả chợ đều thấy cảnh Thím quỳ lạy khóc lóc thề thốt thế này thế nọ, đốt hết sách báo,…để xin được bồng lại đứa con.
Những ngày sau đó, bọn trẻ ngoài chợ càng tin chắc là Thím điên thật rồi. Cả ngày Thím đi thất thểu nơi này đến nơi khác, cố tìm một ai đó để kể lể, để mong được cảm thông mà nhờ họ nói dùm cho vài tiếng. Nhưng những con người sống ở nơi chợ quận, sung túc trong cái thời loạn lạc ấy, lại quay mặt đi với Thím. Mới vài ngày trước còn tươi cười thím này thím nọ, thì nay họ sợ Thím như sợ một thứ bệnh phong cùi có thể lây trong chớp mắt.
Phần thì ngại đám lâu la của bà Ngọc, phần thì cũng tin lời đồn thổi, vì Thím Tư lúc ấy quả thật là thê thảm: đầu tóc bê bết, áo quần cũng chẳng nguyên vẹn, lại thêm vẻ mặt chẳng giống ai. Số còn lại cũng chẳng rõ lý do ghen ghét gì, mà cũng đối xử với thím như thù oán bao đời trước. Trong sâu thẳm những mơ ước, có lẽ ai cũng mong được đẹp, sang, học thức và có gia đình tốt đẹp. Thím Tư đã từng có những điều họ mơ ước, và đó là lý do.
Thím cũng chịu đựng hết những chuỗi ngày ấy trong căn chòi giữ vịt, giữ ruộng cho nhà ba má chồng.
Rồi thì sau 75, đất và nhà của bà Ngọc bị “hợp tác xã” lấy hết, lại ngăn sông cấm chợ nên chẳng buôn bán gì được. Đùng một phát, cả nhà bà trở nên gần như trắng tay. Số vàng chôn còn lại, thay vì giúp con cháu làm vốn, bà lòn đút cho mấy đứa em đi vượt biên mấy lần rồi mất trắng vì bị bắt hoặc bị gạt.
Sau cuộc bể dâu thì gia đình bên ba má ruột Thím cũng gọi trở về, bỏ qua hết chuyện xưa, máu chảy ruột mềm mà. Có lần bà Ngọc mắng thím chuyện mần cá không sạch, dù đã nghèo vẫn còn thói cũ, thế là Thím lẵng lặng ôm đứa bé lên xe than về nhà ba má mấy tháng. Nhớ cháu, ông Ngọc lặn lội tới Gò Công tìm con dâu, tới nơi thì mới vỡ lẽ ra là nhà Thím đâu có nghèo nàn gì: nhà lớn kiểu biệt thự Pháp, ruộng vườn ngăn nắp vẫn còn đủ vì có “công với Cách Mạng” nên thoát khỏi hợp tác xã.
Ông bà Xui cũng khuyên con quay trở lại cho phải đạo làm dâu. Đó là lần đầu mọi người trong nhà bà Ngọc nhìn Thím với con mắt khác: té ra là nhà ba má thím Tư giàu lắm!
Khi mọi người đang bế tắc, chợ búa tiêu điều thì nhà Thím Tư vẫn sống dư nhờ biết làm mắm bán. Sáng bán bún mắm tối nấu rựu, vừa nuôi heo nên đủ nuôi cả nhà ba má chồng cùng mấy anh chị em đang ăn bám.
Công việc đang thuận lợi thì một hôm Thím nhận được thư của Chú từ nước ngoài gởi về, vừa nhìn cái dòng chữ là Thím chắp tay đứng lặng trân. Bao tủi nhục ngày nào bỗng ùa về, những giọt nước mắt Thím nuốt vào nay tràn ra một lần, Thím khóc như đứa trẻ.
Chú viết rằng hồi đào ngủ vượt biên, chẳng dám viết thư về, rồi thì Chế Độ mới lên nghe nói tàn ác lắm, chú cũng không dám làm liên lụy gia đình nên nhớ lắm cũng chẳng biết làm sao. Nay thì Chú đã nghe nhiều người gởi thư qua lại được, rằng quê nhà cũng thoáng hơn, Chú mới cho biết tin là còn sống. Chú nói sẽ bảo lãnh Thím và con qua sớm thôi.
Năm sau đó, Thím và con được bảo lãnh qua Châu Âu. Rồi vài năm sau nghe nói là Chú Thím giờ giàu lắm, nhờ Thím Tư biết tiếng Tây nên đi học lại và được nhận vào công ty lớn, lương cao “mút chỉ” luôn.
Nghe đâu Chú Thím cũng chuẩn bị mua nhà rồi bảo lãnh ông bà Ngọc sang ở.
Bà Ngọc tự hào lắm, đi đâu cũng khoe, rằng “tui biết mà, con Tư nó giỏi giang giống tui…”