Cơm là thứ người bình thường khỏe mạnh ăn hàng ngày. Cháo là thứ dành cho người bệnh, càng trầm trọng thì uống cháo càng loãng.
Cơm cũng chia ra các loại, từ khô tới nhão. Thể trạng và tánh tình người ăn cơm khô khác người thích cơm nhão. Đàn ông trai tráng thích cơm khô còn phụ nữ con nít chuộng cơm nhão dẽo nát. Có người khỏe mạnh hơn thì mê ăn cơm cháy, cơm khô rang giòn, nhai càng cứng càng khoái. Để chữa và phòng bệnh, có trường phái khuyên ng ta ăn cơm với gạo lứt khô cứng, trộn với các loại hạt cũng khó nhai nốt.
Thời bé nhà ai nuôi gà đá, đứa nào dại dột đổ cơm cho gà trong bội ăn thì coi chừng bị đòn nát đít. Gà đá là thứ gà toàn ăn những thứ rất khó tiêu như mấy loại thóc, hạt cỏ, hạt kê,…chả ai cho ăn gạo trắng cả. Nuôi cá đá cũng thế, ai cho ăn trùng chỉ (vì nhiều, dễ kiếm) thì xem như cá…thịt, thằng nào siêng đào ổ mối cho ăn thì cá mới bén răng táp mạnh. Vì con cá phải xử lý cái đầu của con mối, phải nghiền mấy khúc tổ để có được cái trứng, dần dà hàm răng chúng mới đủ sức chiến đấu. Trong chiến tranh, bên nào ăn uống kham khổ hơn thường chiến thắng, hoặc ít ra cũng làm đối thủ luôn dè chừng sợ hãi. Những người ăn uống ít chất bổ dưỡng mà phải nhai nghiền rất nhiều, thì nhìn rất gân guốc rắn chắc – dù có khi cơ bắp không mấy đồ sộ nhưng bảo đảm đẹp. Chơi thể thao cũng giống như đá gà vậy, đấu sỹ nào có chế độ ăn càng cứng và lâu tiêu hóa thì lại có sức bền bỉ hơn, bên nào ăn…cơm nhão dễ tiêu thì ra đấu chỉ có mà…húp cháo thôi.
Một lon gạo nấu ra 2 chén cơm thảo nhưng tới 4 tô cơm nhão, một nồi cháo hoa 20 chén, nhưng có thể nấu ra rất rất nhiều cháo loãng. Thời kỳ khó khăn, một nhúm gạo có thể nấu nồi cháo lớn rồi cả nhà cùng ăn qua bữa, no đầy bụng nhưng lỏng bỏng như là uống nước – có chất gì đâu.
Thế tại sao phải ăn cháo?
Vì lười nhai, thích cái gì đó dễ nuốt mau tiêu, kiểu như một món mà con nít và người già đều không cần răng vẫn nuốt được.
Vì không tiêu hóa nổi thức ăn cứng, thức ăn khó tiêu, hay vì đơn giãn là…không nhai được. Người bệnh, em bé không răng, người già đã rụng hết răng,…cho tới loài ngạ quỷ cổ họng bé tí không nuốt lọt hạt cơm.
Vì thời kỳ khó khăn không tìm đâu ra nhiều gạo, thay vì 1 chén cơm, giờ thành ra một nồi cháo múc ra cả chục tô. Ở cái thời mà một nhúm gạo cũng khó tìm thì người ta buộc phải nấu thành nước cháo, tự lừa nhau rằng mình đã ăn no.
Ăn thế thì được gì? Được cái cảm giác no giả tạm, do đầy bụng nước chứ chả có tí dinh dưỡng nào. Người bệnh ăn cháo không phải để phục hồi sức, mà là lúc ấy cơ thể tự động không tiếp nhận gì nữa, ăn để đánh lừa cái dạ dày trong khi chờ cơ thể dùng kế “vườn không nhà trống” với vi khuẩn ngoại xâm. Ấy thế mà khi hết bệnh, đủ sức tiếp nhận thực phẩm cứng thì người đó lại dãi đãi, thích ăn tiếp các loại cháo, mà giờ đây biến tấu thành “cháo gà, cháo lòng, cháo sườn, cháo bò,..”, ninh nhừ ra lọc bỏ xác để húp nước. Họ nghĩ rằng thế là khôn, nhưng cơ thể ngày càng yếu đi vì quân đội đã giải ngũ hết, lần sau vi khuẩn tấn công tiếp thì…đã có thuốc Tây (Phương).
Nghĩ cũng lạ thật, thời nay đa số thích và bị ăn cháo, chả mấy ai biết ăn cơm, lại càng hiếm người đi tìm những thứ ngũ cốc cứng để ăn thêm khỏe mạnh. Cứ thích những món được nhai sẵn, mớm tới miệng nhưng chả cần quan tâm trong ấy có những gì, chỉ có nước lã chả có chất, hay là đầy những thứ độc hại khác.
Cháo nấu từ hạt gạo đã là không đủ chất, thế mà thời nay lại có loại cháo “ăn liền” trong gói, chỉ cần trút hỗn hợp bột đó vào tô nước nóng là có ngay món súp cháo. Thì cũng có để mà húp, nhưng trong ấy toàn là độc hại, ngay cả mùi hương và gia vị cũng là giả nốt.
Cháo chỉ tốt trong trường hợp đói quá lâu ngày, cơ thể cần một sự khởi đầu từng bước. Có nơi thiếu thốn, hạt gạo phải xẻ làm tư, cháo loãng là giải pháp hay nhất. Vd như trong thời kỳ không tìm được các giãng sư hoặc thiền sư giỏi, các thầy tạm nói về pháp Bố Thí và Nhẫn Nhục, nói đi nói lại thì cũng thành…cháo nhừ, từ sư tổ sư ông đến sư phụ rồi đệ tử cũng chỉ biết nhiêu đó. Vì chỉ có vài hạt gạo mà phải nấu đi nấu lại đủ kiểu, sao cho thành nhiều thật là nhiều nước. Rồi người đời dần dần không còn tin nổi chuyện có người ăn một lúc vài ngàn hạt gạo cốc đủ loại, nguyên hạt và thơm ngon đầy đủ. Dù đấy chỉ là một phần ăn bình thường của một người rất tầm thường ở một xã hội…lạ!
Hoặc trong lúc cầm hơi chờ đi tìm gạo nấu cơm, húp chén nước gạo trong khi chờ cơm chín, cũng như có nơi chuyên bố thí, làm công tác XH, từ thiện hoặc bảo vệ môi trường,..phải theo một thứ giả, trong khi chờ đợi một pháp tu chân chính. Thế mà quần chúng lại thích ăn cháo hơn là nghĩ tới chuyện phải nhai những món cứng, có người còn tự huyển hoặc mình “tui dở, tui thấp căn, tui tu pháp này cả đời được rồi…”. Nghe thì tưởng như là khiêm tốn ghê lắm, nhưng thực chất là đang bảo vệ cái lười biếng, cái bản ngã của họ. Ai mà ăn cháo cả đời thì chắc chắn không phải là kẻ khỏe mạnh, đi một con đường cụt cả đời thì cũng chỉ làm mòn đôi dép thôi.
Người vững vàng thì sẽ ăn cơm cho đủ no rồi tự mình dám dứt bỏ cả cơm (mẹ) nấu, nhường lại cho đàn em, dám tự đi tìm các loại hạt cứng, mễ cốc, rau rừng và quả dại. Dù anh em thương hại hay loại trừ, dù những kẻ ăn cháo phải ngước nhìn sợ sệt và cười chê hay chống phá, những kẻ dám đi khai phá, ăn những thứ khó cứng nhất thì sẽ trở thành những người khỏe mạnh bậc nhất, cả đời không còn bệnh tật nữa.
Những ai học Phật mà dám bỏ Thầy bỏ Pháp, tự đi học lấy rồi tìm dịch các bản kinh gốc, tiêu hóa và truyền thụ lại cho đời sau, đấy là những người dám ăn gạo lức hạt kê.
Những ai học Phật mà dám bỏ cả Phật, tự đi tìm Phật ở trong các tôn giáo cổ như Jaina, Hindu và các Bộ Phái hay Trường phái Triết Học cổ, tự tìm về Upanishad, Veda và các pháp Yoga xưa, tự mình tìm đi lại con đường mà Đức Phật đã đi,…đây là những người khỏe nhất thế giới, vì họ dám ăn cả bông lúa hạt sạn, ăn những thứ mễ cốc cho gia súc, ăn cả hạt còn sống chưa nấu,…
Ta gọi những ng này là con voi xung trận, đủ sức chịu được nạn Kim Đao và Mã Mạch.