Thỉnh thoảng tôi cũng có hứng viết một bài thật…chán phèo vì khó hiểu, lần này về chủ đề Giấc Mơ. Nếu đọc khó hiểu quá thì các bạn cứ ngáp,và thoải mái…đi ngủ nhé!
Ai ngủ cũng mơ cả, nhưng ít có ai biết lúc nào mình “bắt đầu mơ” và khi nào thì “sắp kết thúc” giấc mơ. Trong bộ phim Inception (2010) có nói một thực tế là “không ai biết mình bắt đầu vào giấc mơ như thế nào”. Nói thì thế chứ có rất nhiều cách để có thể tỉnh giác tới giây cuối cùng khi bước chân vào biên giới của thế giới giấc mơ. Cách nay 15 năm, tôi có đọc một quyển sách (không tác giả, không dịch giả) viết về Yoga giấc mơ, sau này mới biết là của Lama Zopa Rinpoche và Lama Sogal Rinpoche viết. Tuy bị hiểu lầm là một pháp Yoga, nhưng các kỹ thuật của nó về bản chất cũng y chang như phương pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác của Thiền Phật Giáo. Thấy hay thì…tò mò làm theo, nhưng kết quả (hay hậu quả) thì khá là mạnh mẽ. Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi không nói về cách làm hay mục đích, mà tôi chỉ đi sâu về 1 khía cạnh của Mơ: đó là những cơn Ác Mộng.
Hẳn có nhiều ng từng kinh nghiệm một giấc mơ hãi hùng, giật mình tỉnh giấc mà hú vía: chỉ là giấc mơ thôi! Tôi cũng có nhiều lần mơ bị giết, mất xe mất tiền hoặc bị bệnh…nan y! Ai bảo trong mơ không có cảm giác đau đớn? Vì nếu các bạn từng được hưởng cái cảm giác “đã” của sex trong giấc mơ, thì chắc chắn cũng có nhiều cảm giác đau, giận, thù,…trong mơ, chỉ vì các bạn không nhớ đấy thôi. Nhiều người thích được mơ thấy cảnh làm tình, vì đấy là một “phần thưởng” rất an toàn – đa số cho cảm giác rất cao, hơn cả “thực tế”. Tôi quan niệm có khác tí; vì nếu mọi cảm giác thọ hưởng đều xuất phát từ nhân quả nghiệp lực, thì thế giới mơ cũng là một thế giới chịu chi phối của quy luật này. Bạn được hưởng hay bị gì đó trong mơ, bạn vẫn có cảm Thọ và Thụ trong lúc ấy (dù sau khi tỉnh giấc có thể chả nhớ gì), hoặc lưu lại các kinh nghiệm cho cả lúc thức (có khi kéo dài cả đời) thì đấy chính là Duyên cho những điều khác. Vì thế, nếu bạn hưởng cảm thọ đẹp trong mơ tức là bạn được hưởng 1 cái quả ảo, vì mọi thứ sẽ mất đi khi bạn tỉnh dậy. Ngược lại, nếu mơ gặp một cảnh rất xấu, vd bệnh tật, mất đồ, mất ng thân,…thì cũng là bạn đang trả một cái nhân xấu nào đấy, nhưng bằng một cái kết quả thật nhanh – thức giấc là hết! Có những lúc thức dậy sau một cơn ác mộng – không phải là giật mình tỉnh giấc, mà là chịu cho xong mọi điều đau khổ trong ấy rồi mới thức – thì tôi cảm thấy mình may mắn quá! Mình đã gây ra một nhân xấu nào đó, đáng lẽ phải trả quả trong đời thật thì lại được hóa giải nhẹ nhàng qua giấc mơ, cũng thực tế rõ ràng cho mình nhận ra mức độ ác liệt của quả báo, để mình nhớ và học cho thuộc bài, không tái phạm nữa. Những giấc mơ đẹp thường là tôi cho đi khỏi bộ nhớ ngay, còn mơ xấu thì tôi ngồi nhớ lại thật kỹ – thay vì mình phải học bài này ở mức độ “thực”, thì mình đã làm điều gì hóa giải nó trước đấy rồi, nên giờ cũng phải học nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều! Cho nên ác mộng với tôi lại là một điều hay!
Thế nhưng cái điều tôi muốn viết ra đây còn hay hơn thế nữa. Những bạn đang đọc bài viết này, đã bao nhiêu lần tự hỏi “cảm giác sau khi chết thế nào?”. Nếu cảm giác làm tình là như thật, cảm giác đau đớn hay khó chịu cũng như thật, thì nếu bạn mơ thấy bị chết cũng sẽ có cùng cảm giác giống thật. Nếu “chết” nhanh quá thì ta chồm dậy, chả học hỏi được gì cả – dĩ nhiên cũng chả cảm thấy đau hay khó chịu gì, chỉ có sự sợ hãi tột cùng rùi biến mất khỏi giấc mơ và…giật mình tỉnh giấc. Không phải ai cũng may mắn có được nhiều lần mơ thấy được chết, rồi nhớ được hết các diễn biến một cách rõ ràng đầy đủ đến lúc mở mắt tỉnh dậy. Nhưng mỗi ngày thì ai cũng có một lần ngủ, và được ít nhất là 2 lần trãi nhiệm cái chết: lúc vào giấc ngủ và thoát ra. Lúc vào thế giới mơ thì cái ta “tỉnh” bị chết mất đi, chuyển hóa thành một tâm khác, cũng rõ ràng trong cái thế giới ấy. Khi tỉnh dậy thì cái ta đang “mơ” lại chết đi, vực dậy cái tâm “tỉnh”– cứ thế mà ta trãi qua sống chết hàng ngày mà chả ai để ý. Vì không hiểu bản chất nên ai cũng sợ hãi co dúm khi nghĩ về cái chết – rằng không biết cái cảm giác thế nào khi ngày mai mình không còn thức dậy nữa.
Quay lại nói về ác mộng: có loại ác mộng gặp ngay khi vừa vào giấc ngủ, có loại thấy lúc ngủ sâu, và có loại lúc sắp thức giấc. Có lẽ bạn không thể phân biệt giữa các trạng thái trên, cần phải có một quá trình thực tập, theo dõi và tỉnh thức trên chính giấc ngủ của mình thì mới cảm nhận được. Bởi vì có những giấc mơ thuộc dạng “giới thiệu trước” chứ không phải là trả quả ngay lúc đó, nó xuất hiện ngay khi bạn nhắm mắt, và gây giật mình, sau đó kéo dài cảm giác sợ hãi rất lâu sau đó. Đấy là dấu hiệu cho biết khi chết “thật” thì bạn sẽ đi đâu. Khi “chết trong giấc ngủ” bạn thường tới nơi nào, thì khả năng rất cao bạn sẽ về nơi ấy khi mất cái thân xác thịt này. Và đấy cũng là một cảnh báo cho những ai tin chắc vào con đường họ đang theo: họ có thể thuyết phục người khác, tự lừa dối bản thân, nhưng khi ngủ thì vẫn đi vào cái thế giới “thực tại” đang chờ đợi.
Kiểu ngủ rồi dậy ấy, nó mô phỏng kiểu sống chết luân hồi: sợi dây Cái Ta vẫn xuyên suốt không ngắt quãng, dù là thế giới tỉnh hay mơ, người hay ma. Một số hành giả tu tập Thiền hay Yoga, có thể tự tại bước vào giấc mơ và bước ra một cách có chuẩn bị: họ kinh nghiệm được các biểu hiện sắp vào giấc mơ, các trạng thái của tâm bị yếu dần và mờ mịt mất phương hướng, cảm giác bất lực của thân giống như khi tứ đại tan rã. Họ cũng cảm nhận được lúc sắp thoát khỏi giấc mơ, biết trước lúc sắp thức và có tỉnh giác dần dần ngay trong lúc ngủ cho tới khi đạt được 100% thức. Nếu đạt được những kinh nghiệm này, tôi nghĩ rằng về già họ có thể biết trước khi nào chết, và làm chủ được thân tâm vượt qua những giây phút khó khăn ấy. Một số người còn biết được hay làm chủ được điểm đến của kiếp sau, nếu họ trong lúc mơ có thể điều khiển được các cú “nhãy” đổi cảnh mơ, họ có quyền làm chủ rất nhiều trên tâm thức nên ngay cả trong lúc sống cũng có chút ít thần thông – có khả năng rời cảnh khổ và an trú trong tâm an tịnh. Tuy nhiên, nếu chưa “vào được” giấc ngủ sâu, khi mà sóng não chỉ còn rất phẳng – như người chết hoặc nhập định sâu – thì vẫn còn các kiếp luân hồi chờ đợi.
Trạng thái ngủ sâu và thiền định có gì đó giống nhau: đó là chủ thể bị biến mất, thay vào đó là một khoảng lặng của tâm thức. Khi nhập định là chủ động “bước vào” cái trạng thái đó – cần phải có rất nhiều khả năng và “một chút” gan dạ – vì bước vào đây là cõi tịch mịch, chả có gì cả, không có thời gian và các trục tọa độ không gian. Khi bạn ngủ thì đây là lúc hoàn toàn không mơ, bạn chỉ đơn tắt ngấm mất khỏi sự hiện hữu. Cái sự thật cũng trớ trêu, có ng cả đời tập thiền định nhưng chả có vài được, nhưng mỗi tối ngủ thì phi một giấc tới sáng chả biết thời thế gì – còn sâu hơn là tứ thiền (gọi là “ngủ” thiền). Khi ngủ thì bạn chả phải lo lắng gì, dù vào giấc ngủ sâu cũng sẽ thoát ra thôi – trừ ai bị đột quỵ thì đi luôn. Nhưng khi thiền định, bạn có lựa chọn “vào” và “ra” – một số hành giả vô tình bị “té” vào thì rất hoảng sợ, vùng thoát ra ngay! Nhưng nếu ai đủ can đảm nhận ra cái giấc ngủ sâu quả thật là có ích, và cái kiểu nhập định “mất tiêu” ấy có gì đó hay hơn là Cái Ta bận rộn, thì cơ hội cho một lựa chọn khác sẽ mở ra: Bạn có thể chọn không tái sinh nữa!
Một vài bạn ngoài đời, họ là người theo Đạo Chúa, cũng thỉnh thoảng tò mò hỏi tôi về meditation của Phật Giáo. Thay vì tuôn ra một loạt kiến thức về Thiền, vốn nghe chả lọt nổi lỗ tai Amen của họ, thì tôi nói về giấc ngủ – khá trực quan và dễ hiểu, vì ai cũng ngủ mỗi ngày mà! Vì nói về một thứ rất chung – đạo nào cũng phải ngủ – nên nhiều người đã “À!” lên thú vị. Thì ra quá dễ để người khác hiểu rằng Đạo Phật không cầu xin vào một sự giải thoát hay cứu rỗi từ Ai cả. Đời của một người theo Phật cũng như những giấc ngủ, có mơ đẹp và xấu, có người muốn dậy rồi mơ tiếp – chỉ có những ai biết rõ đấy chỉ là mơ và quyết tâm thể nhập vào giấc ngủ sâu thì mới gọi là giấc ngủ thật sự có chất lượng!
Sắp tới Noel rồi nên tôi cũng chúc các bạn Phật Giáo cũng như Chúa hay Hồi Giáo thường xuyên có những giấc ngủ bình an và tìm ra thấy rõ bản chất của những giấc mơ mỗi ngày!