-Mới tập chơi thì cần gì quái vợt với mút cho đàng hoàng, cứ tìm cái gì có cán cầm và có 2 mặt tạm-gọi-là-mút, miễn đánh được trái bóng đi tới là được. Cái quan trọng là KỸ THUẬT CĂN BẢN!!!! Cứ luyện Căn Bản đi đã, rành rẽ rồi thì muốn đổi vợt gì cũng được, muốn thay đổi lối chơi thế nào cũng được. (1)
-Phải định hình trước cái mục tiêu mình muốn trở thành, nếu thần tượng ai thì cứ copy y chang vũ khí của người ấy, rồi bắt chước và luyện hoài cũng sẽ quen. Người ta đánh được thì mình đánh được, ăn thua vào SỰ TẬP LUYỆN chứ không phải ở vợt và mút! (2)
-Cứ sắm vũ khí thật mạnh thật ngon lành thì tự nhiên đánh sẽ nhanh tiến bộ hơn. Không có người chơi dở, chỉ có người chọn vũ khí không đúng! (3)
Cả 3 nhóm ấy chẳng ai nhường ai, bởi vì trong cái phạm vi hạn hẹp thì họ chẳng thấy sai ở chổ nào cả. Nhóm (1) thường thấy ở các clb Tây, kể cả clb VN bên trời Tây. Người ta cho rằng vũ khí là tự do cá nhân, khi bạn vào lớp huấn luyện, coach chẳng thèm nhìn bạn xài vũ khí gì, cứ chỉ kỹ thuật cho đánh – nếu làm không được như yêu cầu thì tại vì sai kỹ thuật. “Căn bản” của mấy bác này chỉ là vài kiểu đánh topspin xưa lắc, theo lối Châu Âu thời 20-30 năm về trước. Mấy ông coach ấy cho rằng, một khi đã nắm vững “căn bản” rồi thì muốn đánh kiểu gì cũng được, nhưng có bao nhiêu kiểu đánh thì mấy cha đó mù tịt! Vũ khí thì chỉ biết quanh quẩn có vài thứ, kể ra toàn là từ thời em chưa có mặt trên đời! Nhóm (2) được thấy nhiều ở VN, cũng nghe một vài ông hlv VN ở hải ngoại lên tiếng, mỗi khi em nhìn thằng đệ tử mới tập đánh đều đã xài Schalger Carbon với Bryce Speed. Họ quan niệm rằng “vợt nào cũng có cái hay cái dở, quan trọng là mình tập luyện để xài hết cái thế mạnh và khắc phục hết các điểm yếu là thành công”. Ông thầy ở VN cầm Sadius, thần tượng Quang Linh nên cả đám học trò đều xài Sadius hết, tập luyện chỉ xung quanh vấn đề làm sao để giật xoáy mà chậm để bóng vào bàn, bởi vì kiểu phối hợp vũ khí ấy là “tiêu chuẩn ISO 1990” nên không cần quan tâm tới thứ gì nữa, cứ vậy mà luyện cho tới khi nào thành cao thủ thôi. Dù nhóm (1) và (2) có chổ không đúng nhưng họ cũng đã thành công ở vài mặt, đóng góp nhiều cao thủ chuyên nghiệp, chỉ có nhóm (3) là lung tung, khó tiến bộ và gặp đủ thứ trở ngại – nhưng luôn lạc quan yêu đời, vì ngày mai sẽ khác! Nhóm (3) chơi bóng bàn theo sở thích, chứ không vì thành tích – bởi vì rất khó hình thành kỹ thuật, sự tự tin và lối chơi, khi mà niềm tin vào vũ khí của mình không có.
Cả 3 thái cực ấy không dung hòa lẫn nhau, nên đều….sai bét. Hậu quả là kéo dài thời gian tập luyện một cách lãng phí, sác xuất thành công thấp và không thể vươn cao (vì nặng nề cố chấp quá). Quan điểm của em là nên đứng giữa và dung hòa cả 3 góc ấy. HLV không phải là người dạy kỹ thuật “căn bản”, cũng không phải là cái khuôn ép, dĩ nhiên cũng không nên cho rằng sắm vợt xịn theo thời trang là có thể đánh lối chơi mới nhất. Sau một thời gian viết bài nói về lợi ích của vợt mềm nhún, của mút bọt khí hiện đại, chê Sadius lỗi thời,…em bắt đầu nghe thiên hạ đồn về các kiểu combo mới. Vd. Innerforce ZLC + Rasant PG + Blizt S, Mapple Wood + Calibra LT + Sound, ALC + Tenergy,…hoặc nghèo hơn thì Primorac Off- với mút Tàu thế hệ mới (Venus, Mars, Mercury,..). Nói chung là em vui chút ít vì cái kết quả đạt được, bây giờ mọi người đã bắt đầu suy nghĩ thoáng hơn, nhưng cũng lo lắng lắm vì có nhiều bác mới tập chơi lại sắm vũ khí rất khó điều khiển – chẳng thà Sad+Bryce còn dễ đánh hơn. Trước đây thì đơn điệu và độc bá võ lâm, giờ thì có nguy cơ loạn cào cào sứ quân – cái nào cũng nguy hiểm cả! Ngày xưa em biết, bà con chỉ nói “Off+ là nhất”, “xài Sriver hay Mv, sau đó lên Bryce”, bây giờ đọc các diễn đàn thì vợt nào cũng là nhất mà mút nào cũng vô địch – biết chơi thứ nào! Cuối cùng thì những cô cậu “trẻ con nghiêm túc” biết phải bắt đầu từ đâu đây?
Từ cái chổ đầu tiên: bạn thực sự cần gì? Người mới tập chơi cần gì nhỉ – dưới đây là bảng khảo sát của chương trình TV show “Ai là triệu phú”:
–Cần đánh cho qua lưới vào bàn. Bởi vì nếu đánh đúng kỹ thuật mà bóng vẫn sụp lưới hoặc ra ngoài thì quả là vấn đề không nhỏ. Hơn nữa, mới tập chơi nên làm quái gì có “kỹ thuật đúng”, cho nên cần phải có cái thứ vũ khí nào “dễ tánh” một chút, lỡ đánh sai nó vẫn vào. Theo cái nguyên lý “càng giữ được bóng lâu thì khả năng thắng càng cao”, nhiều bác đánh lâu năm cũng rất sợ khi đấu với mấy thằng nhỏ khều khều mà cứ vào bàn hoài. Có những vũ khí đánh rất ngon nhưng không phải dễ xài tí nào, ai mới chơi mà xài ngay thì cầm chắc đánh không thể như ý.
–Dễ trả giao bóng. Mới tập chơi thì sợ đỡ giao bóng lắm, em chơi lâu mà vẫn sợ đấy. Nếu gặp cao thủ muốn thịt gà bằng quả giao bóng khó thì cũng chịu bó tay thôi, cầm vợt Đường Sắt mút chết thì may ra đở được. Nhưng nếu tập luyện hay thi đấu với ngang trình hoặc nhỉn hơn chút xíu, thì đở được giao bóng an toàn là lợi thế rất lớn. Ngoài ra, nói chung là các loại xoáy lạ, bóng dị,…nếu không gây khó khăn nào thì đó là vũ khí đáng mơ ước.
–Đánh cho hlv hài lòng. Đây là nhu cầu chính đáng, thầy dạy ổng bắt đánh cho mạnh và xoáy, mình không thể đổ thừa tại vợt cùn không đánh được. Thầy đòi đánh đều 100 cái, mình đánh mới 10 cái hư rồi (nhưng trình độ đáng lẽ phải đánh được 200 cái) thì ông thầy cáu lên là phải. Mới tập đánh thì hlv là ông Trời, ráng mà tập giỏi lên để biến lão thành ông Táo.
–Có lợi thế trong thi đấu. Dĩ nhiên ai mà chẳng muốn, nhưng có rất nhiều cách làm, đâu phải chỉ có tốc độ và xoáy nhiều là lợi thế – có khi đó lại chính là điểm yếu cực lớn. Lợi thế nằm ở chổ vũ khí phải làm việc “ăn rơ” với kỹ chiến thuật, phải giúp vdv phát huy hết những gì đã học đem vào thi đấu hiệu quả nhất. Người mới chơi thường chỉ có một vài rơ, ít kỹ thuật, ít sáng tạo,…cho nên lợi thế vũ khí trong trường hợp này rất lớn – nếu tính toán đúng.
–Nhẹ, dễ cầm, không đau tay. Đập vào bàn không xót của. Mới tập chơi mà đưa cho cây bảo đao 95gr thì chỉ tổ làm hại người ta mau mõi tay. Chơi vợt và mút dễ bể thì chỉ mau tốn tiền, vì vdv đó sẽ đánh bóng vào cạnh mút rất nhiều, đập vợt lên bàn cũng lắm.
Ở đây em xé rào nói qua chuyện huấn luyện một tí (hy vọng sẽ viết một bài chuyên sâu hơn) về việc định hướng và định hình cho vdv mới tập chơi. Theo nhóm HLV thứ (1) thì chẳng cần định hướng gì hết, cứ học “căn bản” đi rồi tính. Thực ra tiềm ẩn trong đó là các ông HLV ấy đã buộc vdv chơi theo một lối chơi allround cổ điển ngay từ đầu rồi. Điều này tưởng chừng là đúng đắn, vì chơi kiểu allround “căn bản” thì chuyển qua chơi tấn công hay phòng thủ đều không quá khó. Thực tế chứng minh ngược lại, đã chơi kiểu allround thì mọi tư tưởng đã bị khóa lại ở cảm giác, timing,…rất khó chơi kiểu ôm bàn tấn công sớm, cũng khó chơi trò đở bóng xa bàn rồi phản công – các vdv tập rơ này có sự thành công nhất định ở mức độ lưng chừng, nhưng chẳng ai nổi tiếng khi chuyển qua lối chơi tấn công hiện đại cả. Nhóm (1) được định hướng chơi cốt mềm, mút lì, đánh không quá xoáy và nảy, ngay từ đầu, đó là những ông coach giỏi trong nhóm này. Những ông hlv theo đuôi cũng copy cái suy nghĩ ấy, nhưng để học trò muốn mua xài thứ gì cũng được – vì không hiểu là mình đang đào tạo ra cái rơ gì – nên thất bại thảm hại: dạy 10 đứa hên xui được 1-2 đứa. Nhóm (2) nhấn mạnh chuyện định hình rơ đánh ngay từ ngày đầu cầm vợt, hlv chính tay mua và lựa vợt cho vdv, nhưng 10 đứa khác nhau cùng xài một kiểu vũ khí – cho nó “thống nhất” để dễ dạy! Tuy được thầy chăm sóc tốt nhưng tỉ lệ thành công lại rất kém, bởi vì ông thầy đem cái “của ổng” ra áp đặt vào đám vdv. Cái “của ổng” đã lạc hậu ngần ấy tuổi đời rồi, bây giờ lại định hướng phát triển cho đám thế hệ sau. Đó là chưa kể sự khó khăn trong tập luyện, để “thuần hóa” vũ khí khủng ấy, sự khó khăn trong thi đấu khi bị đối thủ khoét vào chổ yếu của vũ khí – vì chưa biết cách khắc phục. Nhóm (3) thường là tự huấn luyện bản thân, xem youtube hoặc copy sì-tai của ai đó rồi luyện theo, nhóm này còn tệ hơn cả 2 loại trước, vì định hướng không vững vàng.
Ở đây em bàn về định hướng và định hình, một vấn đề mà ít hlv nào quan tâm. Tôi đào tạo vdv cho tương lai 5 năm sau, vậy thì tôi phải nhìn trước để đoán rằng 5 năm tới có bao nhiêu thay đổi, rơ nào sẽ chiếm ưu thế, đòn đánh nào sẽ hiệu quả nhất nhì,…căn cứ vào hiện tại và quá khứ. Khi đã đoán trước có bao nhiêu kiểu chơi hiện nay còn hiệu quả, có kiểu chơi nào sẽ tồn tại và vượt trội,…thì tôi mới định hướng học trò đi theo đường đó. Tôi vẽ ra một cái hình mẫu trừu tượng ấy rồi bắt đầu nắt nót đệ tử theo các model ấy. Từ đó tôi mới có các nhu cầu và yêu cầu để chúng phải đạt được – nghĩa là cái định hình model ấy phải có trước cả cái bãng “những gì một người mới chơi cần có” như đã thống kê ở trên. Vd như 2 năm trước đây, em nghĩ rằng “nếu bóng plastic được áp dụng thì gai công và rơ ôm bàn sẽ chiếm ưu thế”, vậy là em đào tạo 2 đệ tử đánh gai công và 2 đứa đánh ôm bàn. Từ đó mới thiết kế cho chúng một đoạn đường 2-3 năm tập luyện cần phải đạt được và vượt qua những gì. Và cũng từ cái định hình ấy mới có các kiểu vũ khí mà chúng phải chơi. Định hướng và dự đoán có thể sai hay đúng, nhưng còn hơn là cứ theo lối mòn cha ông đã đi, mò mẫm bước theo.
-Vì vậy em mạnh dạn bổ sung thêm một yếu tố rất quan trọng, nhưng không đến từ chủ quan của người tập chơi – mà là từ hlv: Định hướng phát triển cho vdv ấy. Nếu ông hlv muốn đào tạo ra một thế hệ vdv đánh rơ tấn công hai càng ôm bàn, thì cấu hình vũ khí ngay từ buổi đầu phải có những thuộc tính nào rồi từng bước thêm bớt thế nào khi trình độ vdv nâng lên. Nếu hlv cho rằng tương lai sẽ ủng hộ rơ đánh gai thủ ôm bàn, bạt tốc độ là chủ đạo thì ngay từ đầu không thể chơi vũ khí mút bám bóng – chỉ tốn thời gian tập luyện, tốn thêm thời gian để quên nữa.
Khái niệm “người mới tập chơi” thực sự rất rộng. Đâu phải chỉ có con nít mới tập chơi bóng bàn, người già hoặc trung niên khi bắt đầu chuyển qua bóng bàn (từ tennis, cầu lông hay bóng đá,..) vì nhiều lý do, cũng vẫn thuộc dạng “mới tập chơi”. Con trai và con gái cũng khác nhau rất nhiều, từ sức khỏe, tư duy cho tới lối đánh – khởi đầu cũng khác nhau rất xa. Nhiều khi yếu tố thẩm mỹ (màu sắc, tên vợt,..) cũng đi theo giới tính vdv. Em thấy cây Timo Off cán màu hồng ít ai mua, giá rẽ mà chất lượng lại cao, nên em mua tặng đệ tử nữ – chỉ vì cái màu thôi mà nó thích lắm, bởi vì trước đó nó xài cây vợt…đen thui. Phụ nữ chơi bóng bàn cũng có nhu cầu vũ khí khác thanh niên, họ có thể cầm cây ZJK đánh nhưng nam nhi mà cầm cây Liu SW hoặc Ai Fukuhara thì…quỷ sứ à! Người bỏ bóng bàn 20 năm giờ chơi lại cũng thuộc dạng “mới tập chơi (lại)”, người hlv phải xác định rõ mục đích tập luyện để đưa ra lời khuyên thích hợp cho việc lựa chọn vợt: đánh cho đã tay, chơi cho khỏe, chơi vì vui (ham thắng thua) hay là có mong muốn gì xa hơn. Có hai dạng người tập chơi: đánh cho biết chứ không thích lắm, như một môn thể thao nào đó, đa số là học sinh – một tuần chơi vài buổi rồi quăng vợt chơi mấy trò khác, không cần đánh giỏi – có thể bỏ bóng bàn bất cứ lúc nào. Dạng thứ hai có yếu tố ham thích, hoặc cần thành tích (từ mong muốn của cha mẹ hoặc bản thân), mục tiêu có thể gần hoặc rất xa nhưng đã có đích nhắm và thời gian theo đuổi. Hai dạng này cũng nên có vũ khí khác nhau.
-Ở phần trên, em nói về sự tính toán chủ quan của hlv khi chọn vợt cho vdv, thế nhưng cần phải có tinh thần khách quan nữa. Định hướng là một chuyện, nhưng phải uyển chuyển và thay đổi đúng lúc. Vd em từ Q7 muốn chạy ra Q1 thì cũng có nhiều đường đi khác nhau, kẹt xe thì em lủi hẻm xé đường khác ngay – định hướng là Q1 nhưng có khi phải qua Q5 rồi mới vòng lại. Ông hlv có được đứa học trò giỏi, hí hoáy vẽ cho nó một quá trình tập luyện, nhắm đến sự thành công như Kiến Quốc. Nhưng tháng sau mẹ nó tới bảo rằng “tui muốn nó thành bác sỹ, cuối năm nay nghỉ để học ôn thi” – thế thì toàn bộ vợt mút lẫn chương trình tập luyện trong 3 năm đi vèo theo mây khói! Nhưng nếu giữ cái combo đó để dạy thằng bé trong 1 năm thì cũng chẳng ra ngô khoai gì – buộc phải tính lại ngay. Sở thích của học trò là một vấn đề lớn, nhất là những đứa cứng đầu (nhưng có tài năng),hlv không thể chủ quan được. Em có đứa đệ tử, học căn bản với ông coach rơ xưa, dạy nó cách đánh trễ kiểu Châu Âu nhưng nó thích đập hơn là giật xoáy. Cả nhà chơi bóng bàn có 1 rơ thôi, nhưng ông coach nhất định là phải theo “căn bản” trước. Khi em thử cho nó xài 2 loại vợt khác nhau: 7 lớp bạo lực và 5 lớp dai nhún, tuy vợt 5 lớp giúp nó đánh đúng với kỹ thuật trước đây nhưng nó lại thích cốt 7 lớp, dù thành tích giảm đáng kể. Nhưng nếu chiều theo nó thì những ông thầy khác sẽ phàn nàn rằng học hoài mà không tiến bộ, mà chiều theo mấy ông kia thì nó sẽ…bỏ học. Thế là sau một thời gian đấu tranh, nó chọn cốt mềm 5+2 và vươn lên cấp trên rất nhanh – cốt này không làm mất lòng ai hết, học với coach khó thì nó vẫn làm theo yêu cầu được, còn đánh tự do thì đập phá thoải mái vì đủ độ cứng.