Dạy đám học trò từ lúc U13 lên U15, giờ nhận thêm U18,…toàn là mấy đứa có tên trong team A của Tiểu Bang, từ cái thời chặn bóng cho chúng giật hoặc feed multiball, giờ phải chuyển sang đối giật bóng “sống” với chúng – nhất là bọn U15 và 18, khỏe và bền như trâu. Phải căng sức ra mà quật lại với bọn ấy để mô phỏng các cú đánh của bọn cao thủ ở Bang khác – sau một thời gian đánh H3 dù không tune, vẫn thấy có vài điều cần phải quan tâm. Thứ nhất là, cầm Bh gắn Tenergy mà ôm bàn đánh kiểu active block thì không đầy 1 tháng là tan nát một miếng. Nói 1 tháng tức là chỉ có 2 tuần đầu đánh ngon, 2 tuần sau là cố gắng duy trì – không đánh quá xoáy. Mỗi lần “nhập kê”, bên kia phang hết lực mà mình quật lại luôn, bóng vào bàn đẹp lắm nhưng nhìn lại miếng mút thấy vệt bóng hằn sâu vào mút mà xót ruột. Giải pháp tiết kiệm là cắt ghét mút, 1 miếng đánh được 4 lần, đánh “đã tay” hơn vì không tiếc tiền. Thỉnh thoảng bóng trúng vệt nối là mình biết ngay, dù vào bàn nhưng cảm giác dư thiếu chút ít. Tenergy thì mua bao nhiêu cũng có, tốn tiền mà thôi. Nhưng cái điều đáng sợ nhất đến bây giờ em mới thấm, đó là cái lý do bọn Pro trên TG không xài mút Tàu – khi khó tìm nguồn mút tốt.
Ngày xưa, thời bóng 40, xài cốt mềm, chủ yếu là giật chết bóng quả đầu, quả hai bạt hên xui. Lúc ấy thì xài miếng H3 đến…phù bằng trái bóng mới bỏ, không quan tâm chuyện bề mặt mút có lởm chởm hay ko. Lúc ấy nếu xài mút hệ A không tune thì cũng được cả năm không hư – dạo ấy em cũng chỉ tune nhẹ nhàng cho có cảm giác. Một thời gian sau này, em tune mút khá nặng tay và cầm Vis “chơi như pro” và phá mút cũng như công tử Bạc Liêu, thì cũng không để ý chuyện miếng mút có “bớt xoáy” hay không, vì nó đã phù hoặc gãy chân gai trước khi mòn mặt. Nghĩa là em đánh mút từ lúc nó hi-throw cho tới lúc low-throw thì vẫn cứ xài, đổi động tác tí thôi – không quan trọng chuyện bóng vào bàn có đều và ổn định. Dạo ấy, mút cũ vẫn lấy ra xài lại, tune lên là đánh tốt – chủ yếu ăn điểm bằng Bh, Fh thì…hên xui. Em vẫn nhận mút cũ từ đám đệ tử, vì chúng nói bảo là “không còn cảm giác” nữa, trong khi mặt mút vẫn còn mới tinh, chưa hề có dấu hiệu mòn gai chứ đừng nói là gãy chân. Có một điều em để ý là, khi bọn chúng thải ra thì còn rất mới, nhưng em cầm vào đánh 1 tuần là mòn ngay, nhìn vệt mòn rất rõ, sau đó phải vất đi vì không đối giật được nữa. Có những lúc đang đánh phải thay vợt khác vì mất cảm giác, nhìn lại thì mút đã gãy gai rất nhiều. Có nghĩa là sau 1 thời gian đánh, chất lượng của mút bị xuống đột ngột không cách gì cứu chữa được.
Và cũng vì đám đệ tử quá đều, nên “ông thày” phải cố mà đua đều với bọn chúng, nên dần dần cũng không dám xài mút mà tụi nó quẳng ra nữa. Tiền lương thì vẫn không tăng, nhưng trình độ bọn chúng càng cao thì mình vừa mệt hơn, vừa tốn tiền mút kinh khủng! Rồi thì mình mới thấm ra tại sao bọn chúng cứ phải thay mút liên tục (chưa đầy 1 tháng là bay 1 cặp mút). Dạo trước mình cứ nghĩ là chúng…khó tánh, cảm giác đổi tí thì…có sao đâu, mút còn ngon chán. Giờ thì, để làm thầy bọn chúng, mình cũng phải thay mút còn…sớm hơn bọn nó nữa! Cũng may là miếng mút Tàu không mắc như Tenergy, và tuổi thọ cũng dài hơn. Đống mút em quăng ra, bọn lớp dưới vẫn còn xài thêm mấy tháng nữa mới gãy gai hay phù.
Em không ngạc nhiên khi có nhiều bác xài 1 miếng H3 đến vài năm mà vẫn thấy ngon, và giờ thì cũng không lên án những bác chỉ đánh 1 tuần là phải bỏ 1 miếng. Tất cả đều có lý do chính đáng, và đều …đúng hết! Vì thế em viết bài này chỉ để cho các bác nào gặp phải hoàn cảnh giống như em thôi: tự dưng một ngày đẹp trời, miếng mút Tàu bỗng lăn đùng ra chết – khiến chủ nó phải mua bia đãi khách trong đau buồn! làm sao để biết trước và phòng tránh, và bao giờ thì cần phải thay. Bác nào ôm bàn chặn đẩy, bạt là chính thì không cần phải đọc tiếp. Bác nào ôm bàn giao bóng lửng rồi quất 1 phát chết ngay thì cũng không cần phải thay mút làm gì, cứ đánh cho tới phù hoặc gãy gai. Chỉ có bác nào quất 1 phát rồi phải lùi lại đối giật hoặc ôm bàn phản công cú giật của đối thủ bằng một quả GIẬT sớm và dứt điểm, thì mới cần đọc tiếp.
Đầu tiên là phải nói tới tuổi thọ miếng mút. Vì được cấu tạo từ 2 phần ghép vào nhau: sponge và topsheet nên tuổi thọ của mút cũng phải chia ra làm đôi. Có bác đánh mút bị nhổ gai hoặc mềm sponge, nhưng TS còn tốt – có bác đánh gãy gai, mòn hay mất độ bám trên TS mà SP vẫn còn tốt nguyên. Tùy cách đánh mà ta có tuổi thọ mút khác nhau, nếu một trong hai die thì đành phải vứt mút. Trung bình, 1 miếng mút nếu đánh được trên 50g thì gọi là bền. Nghĩa là 1 ngày chơi 4g, 1 tuần chơi 3 ngày, thì 1 tháng rưỡi cho miếng mút là thọ lắm rồi. Đấy là chỉ tính mức độ tập luyện và thi đấu trung bình, theo tiêu chuẩn đánh “ra mồ hôi”. Phá mút nhất không phải vì tune hay boost, mà là ở 2 cú: hạng nhất là quả ôm bàn dứt điểm cái cú mà đối thủ vừa quăng hết tay. Bóng va chạm cực shock, đánh quả này không khéo là chấn thương cùi chỏ như chơi. Gọi là đối giật nhưng có những kiểu đối giật rất nhàn, chả tốn kém và đòi hỏi chất lượng mút. Đánh kiểu này thì không tới 10g là vứt 1 miếng mút (em đã thử và do đạc, trong 1 tuần em chỉ tập cú này thôi, thì tuần sau miếng mút đã lên chân gai thê thảm luôn, dù ko hề tune). Cú thứ 2, chỉ có HLV mới xài, đó là quả multiball mô phỏng quả giật dứt điểm: chọi bóng thẳng vào tay thuận, hai tay đập mạnh vào nhau. Về mức độ phá hoại thì nó chỉ tương đương quả giật xung bình thường, nhưng về số lượng thì HLV phải feed rổ này qua rổ khác, hết 1 buổi feed bóng là miếng mút nhìn như cũ xì rồi. Nếu dùng mút cũ để feed bóng kiểu ấy thì cũng rất nhanh phù, xem như hủy hoại cho đến…hết giá trị lợi dụng mới thôi!
Tùy vào cách đánh ta có các kiểu phá hoại khác nhau. Ban đầu vì ngại hư sponge (mềm và nở) nên em chủ trương không tune mút. Nhưng sau 1 thời gian mút chỉ hư vì mòn TS, em lại thấy booster chưa kịp phá hoại gì cả là đã phải thay rồi. Lúc này thì booster lại giúp cho mút…bền hơn, vì không phải quăng hết sức. Ban đầu dán vào vợt thì mút phẳng như tờ giấy, đánh chừng 2 ngày (5-10g) thì khi lột ra nó đã cong ngược vào, vì TS bị dãn ra khi ta đánh quá mạnh – đấy là điển hình của loại vdv có lối đánh phá TS. Bác nào có lối cầm vợt miết ngón tay cái vào mút, khi lột ra sẽ thấy phần ấy bị cong vênh ngay, đó là vì TS nơi ấy bị giãn ra. Kiểu phá hoại TS khác, đó là dùng keo TL hoặc booster, hoặc khi dán cố tình lăn ép cho TS dãn ra (đánh sướng tay hơn). Trên mạng và nhiều người cứ khuyên là “boost xong chờ nó phẳng lại hãy dán vào đánh”, thế thì phí mất cái thời kỳ “tươi đẹp nhất đời con gái” của em nó! Có bác bảo dán vào ngay đánh mau hỏng mút lắm, nhưng kỳ thực là ko dán vào đánh nó vẫn rất mau hỏng, vì cái SP nở ra nó làm giãn TS theo (cả miếng mút cùng nở lớn ra). Đã tune dãn mà còn đánh mạnh thì TS rất mau bị nhão dãn ra, kết quả là khi lột ra ta vẫn thấy mút cong ngược trở vào, lại tune tiếp. Nhưng lần tune thứ 2 này xem như là vứt rồi, vì sau đó miếng mút chỉ có thể dùng để gò và bạt thôi! Ban đầu khi TS bị kéo dãn ra, ta có thêm”dự ứng lực” từ bên trong miếng mút, đánh rất…sướng tay. Cho tới khi mút trở về dạng phẳng thì mất cái ứng lực ấy – đó là điều đáng tiếc cho bác nào đợi mút phẳng mới dán vào cốt. Nhưng khi TS nở hơn Sp thì ta có hiện tượng ngược lại, đó là hiện tượng “trừ đi” khi TS bị SP kéo nén cho co lại (bằng kích thước của sponge). Lúc này mà đánh sẽ có hiện tượng tuột bóng – chỉ hơi hơi thôi là đã mất cảm giác an toàn rồi. Càng bị tuột, ta càng “kéo”, và kết quả là TS càng bị dãn nở hơn, cho tới khi mà ta có cảm giác mút rất chậm và “cần vào keo”. Lần thứ 2 ta phải tune cái sponge nở ra gấp nhiều lần, để to hơn cái TS đã bị dãn, bấy giờ thì tính chất miếng mút đã thay đổi: dầy, mềm và ít bám hơn. Hầu hết các bác có cú giật bạo lực thường phá phù mút ở giai đoạn này.
Có những bác không mạnh tay, và cũng không cần cảm giác hay đúng động tác, cứ theo sự biến đổi của mút mà thích nghi, thì sẽ sữ dụng được qua vài lần tune lại. Cứ tune nở ra rồi cắt bỏ rìa, dùng các loại booster nặng và đặc. Một thời gian vài lần tune sau đó sẽ xãy ra hiện tượng nhổ chân gai (chứ ko phải gãy gai) hoặc là có cảm giác mút bị mềm quá mức nên giật bóng không lên nữa. Thực ra lúc ấy TS cũng đã bết bám rồi còn đâu mà “lên” nữa. Đa số các bác giật yếu mà vẫn khoe “đánh phù mút luôn” thì rớt vào trường hợp này.
Cũng cần phải nói thêm về tính tương đối trong việc nhận định miếng mút đã “chết” hay “chưa”. Có bác chụp hình lên FB miếng H3 nổi gai lởm chởm và vẫn khen đánh ngon lắm. Có bác phải vứt mút dù bề mặt còn đẹp như mới – vì lý do SP quá mềm. Có bác chỉ vì cái điểm G-spot nhỏ xíu bằng quả bóng trên mặt vợt đã bị mòn mà phải bỏ hết miếng mút – trong khi chưa hề gãy gai hay mềm mút. Không có gì để tự khoe khoang khi nói rằng mình đánh chính xác vào 1 điểm trên mặt vợt. Bất cứ những đứa nhỏ nào tập bb với động tác không đổi, cảm giác tốt, đều đánh bóng vào đúng 1 điểm trên vợt, dù trình độ chưa cao. Đánh chính xác quá cũng dỡ, vì mau phải tốn tiền thay mút. Nhiều bác Tàu chơi rơ ôm bàn chặn đẩy và bạt, ổng còn mún vợt chai lỳ mất bám đi cho dễ đánh! Vợt của mấy lão ấy có mút dán từ cả chục năm,chảy nhão ra dinh dính rất dị, thấy bám mà cầm đánh không giật được quả nào. Có những đứa chơi vợt thìa, trình cao nhưng mút cũ nát vẫn chưa thèm thay, vì khi đối giật chúng chỉ bợ bóng cho vào bàn thôi – khi mình gò qua chúng mới mượn xoáy đánh mất bóng.
Chính vì nhận định “sức khỏe” của miếng mút khác nhau như thế, nên lắm khi ta thấy một cao thủ khác cầm vợt của mình đánh ầm ầm, trong khi mình giật là tuột luốt cắm lưới. Cũng có khi mình còn thấy đánh ngon, mà ng khác cầm vào bảo là mút …chả bám gì hết. Cho nên em rút ra một kinh nghiệm xương máu thế này “của mình thì mình biết”. Một miếng mút từ lúc cắt ra cho tới lúc vất sọt rác, cảm giác đánh không hề giống nhau – ai để ý kỹ sẽ biết lúc nào là ngon nhất, lúc nào bắt đầu tuột dốc và mức độ nào là phải nên thay ngay! Khi đã tuột dốc là nó tuột thê thảm lắm, dù với ng khác vẫn thấy ngon. Cho tới nay em thấy có rất nhiều cách nào để “vực dậy” miếng mút, nghĩa là nó chưa phù thì vẫn còn thuốc chữa. Nhưng chỉ là để…đánh chơi chơi thôi, còn đánh nghiêm túc khi dạy đệ tử thì phải xài mút tốt. Bác nào phải dạy học trò giỏi, đối giật với chúng mà cứ vài quả lại cắm lưới hoặc thiếu lực, nhìn ánh mắt chúng dù không nói ra, cũng biết hình ảnh mình bị giảm xuống như thế nào.
Khi em viết về tuổi thọ mút Tàu, nhiều “thương gia” chuyên mút Tàu sẽ nhào vào chộp bài này mà chê mút Hệ A là kém bền, là mau hỏng. Rằng, làm gì mà chỉ có 10 giờ là vứt rồi, phải “kéo dài thời gian quan hệ” lên đến 100 giờ chứ! Đây là chuyện có thực: thằng đệ tử em bảo mút bên Úc bán mắc quá, nó nhờ ng nhà mua mút từ Malaysia với giá rẽ hơn, theo đúng độ cứng em yêu cầu. Dán vào cho nó đánh, tập được 1 buổi là nó tháo ra bỏ luôn, vì quá mất lợi thế. Dù có 10h thôi, nhưng còn hơn là xài 50h mà không làm gì được hết. Những miếng mút hệ B-C (lót xanh, in chữ bằng tay,..) mà phải đánh đối giật dứt điểm thì vẫn không phù, nếu chọn đúng độ cứng và không tune – nhưng nó cho cảm giác lực không thực: bóng cứ trôi thẳng hơi dư một chút, chứ không ngoạm chặt rồi bật ra như mút hệ A. Cảm giác lưng lửng như thế chỉ có sau khi đánh mút hệ A một thời gian sau 10-20h và phải bị reboost 1 lần. Nếu tune lên mà “nhập kê” mạnh kiểu phang nhau thì em cầm chắc miếng hệ B không thọ quá 1 buổi tập đâu, kiểu gì cũng gãy chân gai hay phù vì nhổ sponge. Em cũng không PR cho mút hệ A, vì chả có nhiều đâu mà bán. Nếu các bác xài loại B thì cứ việc, nhưng không nên tune hay keo TL, và nên “nương tay” một chút để xài bền hơn.
Thế thì khi nào phải thay mút? Câu hỏi này đặt ra khi các bác phải thi đấu các giải Pre, hay phải thỉnh thoảng đánh độ bia căng thẳng. Nếu không quan tâm tới điều ấy thì sẽ phải rất bực mình, khi vào thời điểm quan trọng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì tự dưng miếng mút Tàu lại giở chứng, mất hết cảm giác và kỹ thuật, chả làm ăn gì được nữa. Câu trả lời là: nên thay trước khi nó chết. Cũng may là mút Tàu không băng hà theo kiểu đứt mạch máu não hay nhồi máu cơ tim! Có rất nhiều biểu hiện cho thấy tình trạng sức khỏe xuống cấp cho tới khi hấp hối, chỉ có ai không quan tâm hoặc tiếc nuối muốn kéo dài “tg quan hệ” thì mới gặp phải những hoàn cảnh “chết đứng” thôi.
Cách thường dùng để kiểm tra sức khỏe miếng mút, đó là chém quả bóng thẳng đứng, khi rơi xuống thì đưa vợt vào để bóng bắt xoáy vọt lên – có thể thêm chút lực vào đấy, mô phỏng góc vợt lúc đối giật. Mút mới tinh vừa cắt ra thì góc vợt cực nhỏ vẫn không nghe thấy tiếng trượt. Trong vòng 1 tuần thì hiện tượng “khô” và “trượt” chưa xãy ra ngay đâu – khoảng dưới 10h tập luyện, trong đó có 3h tập nặng. Sau đó ta sẽ thấy rằng “hình như” cái mặt vợt nó bám bụi hay sao ấy, mà bớt bám rồi! Thế là ta lau sạch bằng nước, ta lại thấy nó có vẻ bám hơn tí – đấy là giai đoạn “lỡ thì” của mút. Lúc này thì cú 3rd ball attack vẫn ngọt ngào lắm, cú ôm bàn đối giật góc vẫn chưa có vấn đề gì. Sau chừng 20h tập luyện và thi đấu, ta thấy mút có vẻ khô đi, lột ra thì nó cong ngược vào. Lúc này nếu tune cho nở ra thì thấy vẫn bám, nhưng góc vợt phải mở lớn hơn tí. Giai đoạn “về chiều” này vẫn đánh cú 1 chạm ngon lành (có phần ngon hơn do booster) nhưng đối giật đã thấy bất ổn. Ôm bàn đánh ngắn tay thì bóng đi khá thẳng và chính xác, nhưng giật xoáy lại thì bóng đi thiếu lực lắm. Lùi ra xa bàn thì bóng đi khá thẳng chứ không còn cong ngọt như trước nữa, không dám úp vợt vì sẽ đi vào lưới ngay – không phải vì thiếu lực, mà là thiếu độ bám, đánh bóng lớn 40+ càng thấy rõ hiện tượng này. Giai đoạn này thì chất lượng TS sẽ trượt dốc không phanh, ta sẽ thấy phần rìa có nhiều vết bóng, phần giữa vợt bắt đầu trơn hơn. Nếu tập chất lượng cao thì lúc này đã cần phải thay mút, hoặc thay ngay khi chưa cần phải tune lại – nếu phải thi đấu thì tránh chờ đến lúc này, thay ngay 1 tuần trước khi đấu. Cho đến khi ta chém bóng mà không dám úp vợt góc 30 độ mà hứng, thì đã khó lòng mà đánh đối giật xa bàn, ôm bàn chỉ có thể bạt lại thôi. Lúc này mút đã vào giai đoạn “hấp hối”, càng đánh mạnh nó càng “ra đi” nhanh hơn. Từ lúc này cho tới khi gãy gai và phù, chỉ là vấn đề hên xui thôi.
Đấy là em nói về cách đánh “dầy và ngửa vợt”. Bác nào xài H3 mà đánh kỹ thuật của mút Tension thời MarkV thì còn thấy mút ấy bất ổn hơn nữa. Có bác lấy mút chết bên Fh sang đánh Bh, nếu chỉ chặn đẩy và bắn thì ngon, nhưng nếu phải đối đầu với cú giật xoáy chậm của đối phương thì rất bực mình. Có dạo, em chơi mút quá đát, chỉ bạt mà ít giật, em rất ngại đối thủ đánh cú giật moi qua Fh. Sau này đi đánh giao lưu, thấy ai chơi mút Tàu cũ sì là em chả cần đánh đấm hùng hục làm chi, cứ moi xoáy nhẹ nhàng…chọc tức đối thủ chơi! Chặn bóng thì em cứ moi tiếp, mà bạt thì chỉ thua nhiều hơn ăn! Những bác này cực khoái quả cắt nặng, đập mất xác ngay, nhưng lại ngại những quả giật nhẹ nhàng tình cảm.
Mút mềm hơn 39 độ thì khi TS đã chết, vẫn còn dùng độ lún của SP để đánh tạm, theo kỹ thuật của thời MarkV, cho tới khi nào nó phù. Mút cứng hơn thì ta sẽ rất nhạy cảm về khả năng làm việc của TS, vì SP không lún vào nhiều. Những miếng DHS được đánh giá là low-throw hơn (vd TG2, H2) sẽ cho cảm giác thọ hơn loại hi-throw, vì cơ bản nó đã như thế ngay từ ban đầu. Vả lại cách đánh cũng khác nhau, ít phá hoại TS hơn, nên ta thấy mút H2 và TG2 có phần bền hơn. Nếu chơi keo TL thì 2 ngày lột ra 1 lần, chỉ vào 1 lớp keo cho mút phẳng ra thôi, thì chơi lâu hơn là vào 2 lớp keo cho mút ưỡn ra ngược lại. Nếu bỏ không chơi thì lột mút ra ngay, đở hư hơn là cứ dán vào cốt. Chơi booster thì có dán hay ko dán gì cũng ko khác nhau là mấy, boost vào là phải đánh liên tục cho tới khi hư.
Kết luận: tùy lối đánh mà phải thay mút nhanh hay chậm, càng bạo lực thì càng tốn kém. Quan trọng nhất vẫn là phải thay khi mút chưa chết, nếu không muốn tốn tiền mua bia đãi bạn trong…bực tức. Không nên tune nếu muốn chơi lâu hơn 50h và trước khi vào giải đấu ta nên thay mút trước đấy 1 tuần, giữ miếng đang chơi cho việc tập luyện – để an tâm và tự tin hơn.